Ngược Về Thời Minh

Chương 64: Thập đại ác nhân



Dương Lăng thuê một cỗ xe lớn, chất từng món đồ lên xe. Trương Vĩnh, Lưu Cẩn, Mã Vĩnh Thành, ba tên thái giám cao tuổi nhất lên ngồi trên xe cùng với Thái tử và thị độc, còn những tên trẻ tuổi hơn đành phải hạ mình theo sau xe, cùng đi thẳng đến đường Hộ Quốc Tự.

Mặc dù Chu Hậu Chiếu gan to làm liều, nhưng y cũng lo chuyện Thái tử tự mình rời cung sẽ lan khắp mọi người, cho nên dọc đường căn dặn Dương Lăng và Bát hổ cùng nói bọn họ đều là thị độc của Thái tử, hôm nay đến nhà họ Dương là để chào đón đồng liêu tiến kinh, có lòng mua lễ vật biếu tặng. Mấy tên thái giám đều vâng vâng dạ dạ đáp lời, dù sao thì dân gian trăm họ cũng không biết bên cạnh thái tử gia có bao nhiêu văn nhân làm Thị độc.

Sau khi Dương Lăng rời khỏi nhà, Ấu Nương cảm thấy trong người khó chịu, mới ăn qua loa một chút thì đã không thể nuốt thêm. Nàng bèn vào giường nằm nghỉ một chút, rồi lại ngồi dậy luyện hít thở một hồi, cảm thấy trong lòng thoải mái hơn nhiều. Vừa mới hồi phục tinh thần, nàng chợt nghe tiếng đập của vòng khoá bằng đồng trước cổng rồi có tiếng tướng công gọi:

- Ấu Nương! Mau ra đón khách...

Hàn Ấu Nương vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ: “sao hôm nay tướng công về sớm vậy?” Nàng vội xuống giường, bước ra cửa đón. Có tám, chín người diện đồ tú tài màu xanh đang đứng ngoài cửa, người nào người nấy tay xách nách mang không ít đồ lỉnh kỉnh. Dương Lăng bước lên, cười nói:

- Ấu Nương, mấy vị này đều là Thị độc của Thái tử điện hạ trong Đông cung, là đồng liêu của ta. Nghe nói ta vừa mới đến kinh sư, các vị có lòng mua lễ vật đến đây thăm hỏi.

Mấy người Lưu Cẩn, Cốc Đại Dụng nghe xong đều cố nặn ra một bộ mặt vui vẻ hoà nhã, lần lượt gật đầu, tươi cười đồng thanh nói:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Chúng tôi đều là đồng liêu của Dương tướng công. Hôm nay muốn đến quý phủ để thăm viếng.

Trình độ văn hoá tám người này có cao, có thấp, tên thì gọi nàng là “Dương phu nhân”, kẻ thì gọi nàng là “tiểu nương tử”. Khâu Tụ, Nguỵ Bân trẻ tuổi, lại ở trong cung từ bé nên càng không biết phải xưng hô với Ấu Nương như thế nào, thế là cũng bất kể mình lớn hay nhỏ tuổi hơn Dương Lăng cứ gọi nàng là "chị nhà Dương" luôn (Dương gia tẩu).

Nghe nói là đồng liêu cùng làm việc chung với tướng công, Ấu Nương không dám chậm trễ, vội vàng mời bọn họ vào nhà. Mấy tên này vừa bước vào nhà liền vội tranh thủ chất hết các thứ mà Chu Hậu Chiếu đã mua xuống khắp nhà rồi tìm chỗ ngồi đấm tay bóp chân. Lễ vật mà những tên này xách rất đa dạng, thậm chí còn có riềm giấy đính thạch anh, hũ dưa muối, hồ lô Bát Tiên, đủ cả. Sau khi chất cả vào nhà, trên giường dưới đất khắp nơi đều là lễ vật.

Chính Đức đi sau lưng mọi người, bước vào nhà sau cùng. Y cũng ăn mặc như một tiểu thư sinh, người mặc áo xanh, đầu đội khăn vải, tay cầm "bánh Hồ lô đường" gặm được một nửa. Y nhảy mấy bước đến bên cạnh Ấu Nương, thảy ba xâu trân châu và một bao giấy Tuyên Thành thượng hạng lên giường rồi cười hề hề với Ấu Nương:

- Ấu Nương tỷ tỷ, đệ cũng đến nè.

Ấu Nương hơi ngẩn người. Thấy y còn nhỏ tuổi, nàng không khỏi vừa cảm thấy ngạc nhiên vừa cảm thấy kỳ lạ: "Thư sinh nhỏ tuổi thế này mà cũng là người bên cạnh thái tử à?" Nàng thấy thư sinh này hơi quen, nhưng lại không nhớ nổi đã từng gặp mặt lúc nào. Dương Lăng vội bước tới giới thiệu:

- Vị này... a hèm, cũng là đồng liêu của ta. Nương tử còn nhớ tiểu công tử mà chúng ta đã gặp ở Hộ Quốc tự ngày đó không?

Hàn Ấu Nương "a" lên một tiếng, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ đáp:

- Nhớ rồi, thiếp nhớ rồi! Thì ra tiểu công tử cũng là “bạn độc” (bạn đọc sách, khác với thái giám) bên cạnh thái tử gia. Mời vào, mời vào!

Ấu Nương thấy tuổi tác của vị tiểu thư sinh này xấp xỉ với tam đệ Mãn Thương của mình, cảm thấy rất đỗi thân thiết. Nàng cười nói với y:

- Mau vào nhà ngồi đi! Đệ là đồng liêu của tướng công, phải gọi tỷ là tẩu(*) mới đúng.

(*) Tỷ dùng chung để xưng chị, còn tẩu là tiếng kính xưng đối với vợ của của anh, vợ của người lớn tuổi hơn hoặc đối với phụ nữ có chồng nói chung.

Chính Đức chỉ có một đệ đệ đã chết yểu lúc nhỏ, con cháu họ Chu tuy nhiều, song tất cả đều bị đuổi ra khỏi kinh hết, nên ngày thường y thật sự chưa từng gọi người khác là tẩu. Nghiêng đầu nghĩ ngợi một lát, cảm thấy có người chị như Ấu Nương cũng không tệ, thế là y bèn vui vẻ sửa đổi cách gọi.

Ấu Nương cười đáp lại một tiếng, đang chuẩn bị đun nước pha trà, Trương Vĩnh vội ngăn lại, cười ha hả nói:

- Phu nhân không cần khách sáo đâu. Chốc nữa Dương thị độc sẽ mời các vị đồng liêu đến tửu lâu uống rượu, chúng tôi đến nhà ngồi một chút rồi sẽ đi thôi.

Những kẻ này đang thật sự rất mệt, nhưng Chính Đức thì vẫn dồi dào sức lực, chạy loạn khắp trong nhà ngoài sân, hễ thấy thứ gì mà chưa gặp bao giờ thì y liền tò mò căng cái họng vịt đực ra gọi "tẩu" tới. Từ khi đến kinh thành, Ấu Nương cũng hơi nhớ đến người thân ở quê nhà. Chính Đức mày đen mắt đẹp, nghịch ngợm khoẻ khoắn rất giống với đệ đệ Hàn Mãn Thương của nàng, vì vậy Ấu Nương cũng rất thích y, cho nên hết lần này đến lần khác kiên nhẫn giải thích một phen.

Một hồi sau, Chu Hậu Chiếu lại nhìn thấy cái giếng trong sân. Thấy buộc dây thừng vào bánh xe gỗ, kéo thùng gỗ lên thì có thể múc được nước giếng ngon ngọt và mát rượi, thế là tính ham chơi của y lập tức phát tác. Sau khi nghe Ấu Nương giải thích cách dùng, thấy nước trong lu chỉ còn non nửa, y lập tức nổi hứng hăm hở kéo từng thùng nước đổ vào trong lu.

Bọn Lưu Cẩn, Trương Vĩnh thấy Thái tử làm công việc nặng nhọc như vậy, cũng bất chấp thân thể còn đang rã rời, ồ ạt tranh nhau chạy ra đòi giúp. Chu Hậu Chiếu đang chơi hăng đâu chịu buông tay, đổ đầy cả lu nước rồi mới tiếc nuối dừng tay.

Vừa rồi đứng ở bên giếng, mấy tên thái giám cứ thon thót lo Thái tử sẽ gặp bất trắc, rốt cuộc thấy y đã dừng tay, sợ y lại nghĩ ra thêm trò chơi mới mẻ gì nữa, liền vội thừa dịp cáo từ Ấu Nương. Hàng người rời khỏi sân nhà, Dương Lăng cố ý tụt lại ở phía sau, chờ bọn họ đi xa một chút rồi quay đầu nói với Ấu Nương:

- Ấu Nương, sắc mặt nàng tệ lắm, má đỏ bừng rồi. Có phải cảm thấy không được khoẻ không? Nếu không thì... Khi nào về ta dẫn nàng đi gặp lang trung nhé?

Hàn Ấu Nương phấn chấn tinh thần cười nói:

- Thân thể thiếp nào quý giá như vậy? Tướng công yên tâm đi, có lẽ là do lạnh bụng cho nên hơi khó chịu, thiếp nghỉ ngơi một chút thì sẽ đỡ thôi. Chàng hãy đi tiếp khách đi, chớ để thất lễ.

Nàng vừa phủi bụi bặm bám trên vai Dương Lăng do khiêng đồ khi nãy, vừa mỉm cười nói:

- Thái tử gia thật là một người kỳ lạ. Thị độc có người sắp làm ông người ta, có người thì lại là trẻ con chưa lớn, chắc bọn họ cũng là những nhân vật lớn trong triều nhỉ? Có điều thiếp cảm thấy bọn họ không oai phong bằng tướng công đâu.

- Dĩ nhiên!

Dương Lăng ưỡn ngực đáp. Y ngoái đầu nhìn: tám tên đại thái giám, một thằng nhóc con. Phẩm chất của "cửu đại ác nhân" trong lịch sử này hãy tạm chưa nhắc đến mình, cho nên nếu chỉ nhìn vào tướng mạo thì trông thế nào mình cũng đúng là người oai phong nhất.

Y cười với ái thê một cách rất uy nghi rồi nói:

- Nàng trở về đi, không khỏe thì nghỉ ngơi, đừng dọn dẹp đồ đạc trước. Chờ thêm mấy ngày nữa tướng công mua nha hoàn về hầu hạ nàng. Ấu Nương của ta cũng nên được hưởng phúc một tý rồi.

*****************

Kỳ thi Hội thường được cử hành vào tháng Hai năm kế tiếp của kỳ thi Hương, xưa gọi là "kỳ thi Xuân"*. Đến lúc đó sỹ tử toàn quốc tụ tập về kinh thành quyết trận sống mái. Tính bi tráng của nó còn khốc liệt hơn cả những kỳ thi đại học một chọi trăm, một chọi nghìn ngày nay. Do năm ngoái vua Hoằng Trị bị một cơn bệnh nặng, qua năm lại gặp phải chuyện Thát Đát tập kích biên giới, cho nên kỳ thi Xuân năm nay trì hoãn lại đến giờ mới khai mạc, trễ trọn một tháng.

(*): Vì kỳ thi Hội diễn ra vào mùa xuân kế tiếp của kỳ thi Hương, trong các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất, do bộ Lễ tiến hành, nên còn gọi là “lễ vi”, hay “xuân vi”

Hôm nay là ngày thi đầu tiên. Bộ Lễ phải xin thánh dụ, cúng trời xanh, bái Khổng Tử, thực hiện rất nhiều lễ nghi hết sức rườm rà, cho nên lúc bắt đầu thi trời đã không còn sớm nữa. Bây giờ trên đường vẫn còn từng đám sỹ tử hối ha hối hả chạy đến Văn Miếu để thi.

Chu Hậu Chiếu nhìn những thí sinh lưng đeo vải bọc, tay ôm bút nghiêng, nảy lòng tò mò, cũng chạy tới miếu Khổng Tử để xem náo nhiệt. Dương Lăng biết y mà chưa chơi thỏa thì nhất định không có lòng dạ nào đi làm đại sự, thế là đành phải cùng với bọn Lưu Cẩn cuống quýt đuổi theo đến Văn Miếu.

Những thành thị có chút quy mô ở Đại Minh đều xây dựng “học cung” (nhà học). Học cung chính là nơi khổ học của sỹ tử đồng thời cũng là chốn thờ Khổng tử. Miếu Khổng tử của kinh sư đương nhiên là học cung lớn nhất toàn quốc. Đám người Chu Hậu Chiếu đến trước học cung, thấy bức hoành treo cao cao trên cạnh cửa viết bốn chữ vàng "Vạn Thế Sư Biểu"(1). Dựng ngay trước cây cầu bên ngoài ao miếu là một tấm bia cấm cao hai mét: "Quan viên văn võ đến đây phải xuống ngựa".

Không cần biết quan lớn cỡ nào, đã đến học cung đều phải hạ kiệu, xuống ngựa mà bước bộ vào. Những văn nhân được phong làm đại quan đều trở về cúng bái Khổng lão phu tử, xem như là đã "áo gấm về làng", khoe khoang với những kẻ tầm thường. Còn võ tướng, cho dù là quan đến nhất phẩm, quyền khuynh triều chính, từ rất xa mà nhìn thấy hai chữ Học Cung thì cũng phải đi vòng. Đành thế thôi, đám hủ nho già một mực tin rằng "bán bộ Luận Ngữ trị thiên hạ, Đạo Đức văn chương thế vô song"(2), người học võ bước vào là muốn nhận lấy sự kỳ thị rồi.

Học cung tuy lớn, nhưng vẫn không đủ chứa thí sinh của cả nước nên đã dựng thêm ba dãy chòi gỗ sát tường cung để bổ sung thêm điểm thi. Chung quanh màn vải giăng kín, binh sỹ canh gác nghiêm ngặt.

Lúc Chu Hậu Chiếu rì rì chạy đến nơi thì "chuông vang trống dội", kỳ thi đã bắt đầu. Trước cửa, ngoài người nhà, gia bộc của đám sỹ tử và một vài tiểu thương bán nước trà, điểm tâm ra, thì chẳng còn sỹ tử nào nữa. Chu Hậu Chiếu bỗng cảm thấy vô vị. Thấy dưới gốc cây hoè to có sạp trà, y liền qua đó ngồi. Lưu Cẩn vội kêu tiểu nhị lại, gọi trà, điểm tâm, hạt dưa rồi cùng Chu Hậu Chiếu tán gẫu dưới gốc cây.

Dương Lăng nhìn trời, ước chừng khoảng hơn mười giờ sáng, vẫn còn dư thời gian để đến bộ Binh, lúc này mới yên tâm. Y báo với Chu Hậu Chiếu một tiếng, rồi men theo ao nước trước học cung chậm rãi đi về hướng Tây, định ngó bộ dáng của những sỹ tử dự thi mớ văn Bát Cổ này. Có điều màn vải giăng thật quá kín, cách vài bước lại có một quan binh canh gác, đến gần một chút là bị bọn họ lớn tiếng quát nạt ngay. Đi dạo một hồi, cảm thấy chán, Dương Lăng đang định quay người trở về thì đột nhiên một sỹ tử tay kẹp bao vải hối hả chạy lướt qua người y, thẳng tới cửa trường thi do màn vải giăng. Sỹ tử ấy đầu mướt mồ hôi, giơ thẻ thi lên sốt sắng báo:

- Binh đại ca, học sinh vì đến muộn, lại đến nhầm trường thi, chậm trễ chút thời gian. Xin quan binh đại ca hãy châm chước một chút, cho ta vào đi.

Dương Lăng dừng bước lại, quay người tò mò nhìn. Đứng gác ở cửa có bốn tên lính, một tên tiểu kỳ (lính đeo cờ) xua tay bảo:

- Chuyện lớn như thi Hội này mà cũng nhầm lẫn được à? Đã muộn thì đợi thêm ba năm đi. Chúng ta cũng không dám tự quyết định cho ngươi vào đâu.

Vị sỹ tử đó nôn nóng đến toát mồ hôi đầm đìa, vừa quỵ luỵ khẩn cầu, vừa chắp tay vái lia lịa:

- Các vị quan binh đại ca, học sinh cực khổ đọc sách học hành mười năm không nghỉ, chính là vì một khắc này đây. Không dám giấu các vị quan binh đại ca, đêm qua học sinh còn cố thức học đến tận canh ba. Chỉ hận trên đường đụng phải một tên vô lại, bị hắn quấn lấy quấy rầy mãi, cho nên lỡ mất thời giờ. Xin các vị hãy giúp đỡ một chút!

Dương Lăng quan sát tên sỹ tử này, thấy gã tuổi trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu, mày rậm mắt to, nước da ngăm ngăm, vóc người vừa cao vừa gầy, người mặc một bộ thanh sam, trông như cây sậy.

Gã vừa van vỉ vừa đưa tay vào ngực lấy tất cả ngân lượng cất trong người nhét vào tay của tên lính nọ, kèm theo một nụ cười nói:

- Các vị binh đại ca hãy châm chước giúp một chút, đại ân đại đức học sinh suốt đời sẽ không quên.

Tên lính thấy y nhét chừng hơn chục lượng bạc ròng, ánh mắt tức thời lộ ra vẻ tham lam. Có điều bên trong trường thi này là trọng địa, cửa ải trùng trùng, qua được ải này của hắn cũng không vào được đến trường thi. Tuy hắn là một quan binh lớn nhưng cũng không có quyền đưa người vào, đành phải ngậm ngùi đẩy số bạc lại vào trong ngực sỹ tử nọ, lắc đầu, không nói gì thêm.

Thấy tình cảnh đến nước này, sỹ tử đó quýnh quáng đến độ mồ hôi trên trán chảy xuống ròng ròng. Bản thân gã lại như không cảm nhận được, thậm chí không lau chúng đi, mà vẫn níu kéo tên tiểu kỳ nọ khẩn nài không ngớt. Mấy tên lính khác thấy gã cứ đứng lỳ không chịu đi thì cùng bắt đầu lớn tiếng nạt nộ. Một quan viên bộ Lễ bên trong nghe tiếng ồn bước ra, phất ống tay áo, lạnh lùng gắt:

- Kẻ nào làm ồn ở ngoài cửa đó?

Quan viên Bộ Lễ đó chỉ là viên ngoại lang(3) bộ Lễ, nhưng dưới tình thế quẫn bách sỹ tử này đã hết cách đành sụp gối xuống đất đánh "cộp" một tiếng, cất cao giọng khẩn khoản:

- Xin đại nhân hãy cứu ta! Xin đại nhân hãy cứu ta! Học sinh vì trễ một khắc, không kịp vào trường thi, xin đại nhân nghìn vạn lần khai ân, hãy để cho ta vào.

Năn nỉ dứt lời, sỹ tử đó dập đầu như giã tỏi. Dương Lăng vốn chẳng để ý gì mấy, đến khi nghe tiếng đầu gã nện "bồm bộp" xuống đất, mới thót mình lo lắng, lập tức đồng cảm.

Viên ngoại lang bộ Lễ đảo mắt kinh bỉ, lạnh lùng nói:

- Triều đình mở khoa chọn sỹ là muốn tuyển lựa nhân tài, vì nước dốc sức. Thi Hội là chuyện lớn như vậy mà ngươi còn có thể đến trễ, loại người như ngươi cũng có thể vào triều làm quan ư? Trở về đọc sách Thánh Hiền thêm mấy năm nữa đi!

Tên sỹ tử nghe xong cảm thấy nghẹn ngào, càng không đứng dậy mà nằm phục tại chỗ dập đầu không ngừng, lời khẩn cầu thậm chí cũng không thể thốt ra. Dương Lăng thấy vậy không đành lòng, không nén được bèn xin hộ:

- Vị đại nhân này! Y đến trễ cùng lắm chỉ một khắc mà thôi, tuyệt đối sẽ không thể có chuyện lộ đề dối trá gì, chi bằng để cho y vào đi. Đại nhân cũng là kẻ đọc sách, hẳn phải biết khổ học không dễ mà.

Viên ngoại lang bộ Lễ cười khẩy, vừa liếc xéo y vừa khinh khỉnh hỏi:

- Ngươi là kẻ nào?

Dương Lăng đáp:

- Tại hạ Dương Lăng, cũng là một kẻ đọc sách. Người đọc sách vất vả nửa đời, đường công danh chỉ có một đường khoa cử. Quan hệ đến tiền đồ cả đời của người ta, đại nhân hãy khai ân giúp y một chút đi!

Viên ngoại lang cười nhạt, đáp với giọng quái gở:

- Khoa trường là nơi nào chứ? Khoa cử là đại sự như thế nào chứ? Việc trang nghiêm thiêng liêng như vậy, há có thể cho phép người ta tự làm theo ý mình ư?

Dương Lăng thấy vẻ mặt khinh người của gã, chợt nhớ câu chuyện Nguỵ Trung Hiền của Đông xưởng sai người đưa Trương Hiếu Cổ (Hiếu Cổ nghĩa là ham thích đồ cổ - ND) vào trường thi trong tác phẩm "Liên Thăng Tam Cấp", trong lòng bèn máy động. Ai cũng nói Xưởng - Vệ hoành hành, kẻ nào cũng nhìn người bằng nửa con mắt, không biết lệnh bài của mình có dùng được hay không. Thấy chung quanh không có người quen, y bèn thò tay vào ngực lấy ra tấm ngọc bài, giơ lên trước mặt viên ngoại lang bộ Lễ, mỉm cười nói:

- Đại nhân! Chính vì khoa cử là đại sự hàng đầu của đời người, vẫn mong đại nhân châm chước một chút, thật sẽ công đức vô lượng.

Viên ngoại lang nhìn thấy lệnh bài Phi Ngư trong tay Dương Lăng, lập tức giật thót mình. Cẩm Y Vệ ung dung tự tại trong kinh sư, mười người thì hết tám, chín kẻ là ma đầu uống máu của Bắc trấn phủ ty. Chỉ cần đưa một hiệu uý của nha môn này ra cũng đủ bóp chết viên ngoại lang cỏn con như hắn rồi, huống hồ nhìn vào ngọc bài trong tay người này thì y nhất định phải là quan quân cao cấp trong Cẩm Y vệ.

Từ khi nào Cẩm Y vệ quản luôn cả chuyện khoa cử vậy? Bọn họ cũng xem như là người thuộc hệ quân đội, bình thường ghét nhất là đến mấy chốn học cung này. Chẳng lẽ... là hoàng thượng ra lệnh Cẩm Y vệ đến âm thầm giám sát? Không lẽ chậm trễ một chút thì không tính là chuyện to tát không thể châm chước hay sao? Nếu như kẻ này thêm mắm thêm muối gièm pha mình ở trước mặt hoàng thượng, nói mình cố ý làm khó sỹ tử, vậy thì...

Thế là trong chớp mắt, mồ hôi chảy ròng ròng khắp mặt viên ngoại lang. Gã lắp bắp đáp:

- Dương đại nhân! Vừa nãy hạ quan không biết thân phận Dương đại nhân nên đã thất lễ, thật sự đã thất lễ. Có một câu này của đại nhân, vậy có gì là không thể chứ! Hạ quan sẽ lập tức tự mình đưa sỹ tử này vào trường thi ngay. Xin đại nhân cứ yên tâm!

Gã sỹ tử cao gầy vẫn luôn quỳ ngước mặt ở cửa nghe hai người nói chuyện, vừa nghe xong liền lộ ngay vẻ mừng rỡ. Y vội vàng khấu đầu làm lễ, nói:

- Đa tạ Dương đại nhân, đa tạ khảo quan đại nhân!

Tuy y không biết ngọc bài Dương Lăng cầm là lệnh bài gì, nhưng thấy y tuổi hãy còn trẻ, lại có thể khiến cho vị khảo quan đó phải biến sắc, nhất định là vị quan to chức lớn rồi.

Dương Lăng chắp tay nói với khảo quan:

- Nếu đã vậy, đa tạ!

Rồi quay sang sỹ tử nọ cười lớn bảo:

- Đưa huynh vào khó, đề danh Kim Bảng còn khó hơn. Có thể vượt long môn hay không, tất cả đều sẽ trông cậy vào bản lĩnh của huynh đó!

Làm xong được một chuyện tốt, lòng y cảm thấy rất vui vẻ. Bước chân lâng lâng, y nhắm thẳng về phía cổng chính của học cung mà tiến. Vị viên ngoại lang bộ Lễ thở phào nhẹ nhõm, vẫn còn chút khiếp vía, nói với gã sỹ tử:

- Mau đứng dậy đi, để ta đưa ngươi vào trường thi!

- Vâng! Vâng! Đa tạ khảo quan đại nhân!

Sỹ tử ấy đứng dậy, nước mắt giàn giụa, ngoái đầu thấy Dương Lăng sắp rẽ qua góc màn che, liền vội cất cao giọng nghẹn ngào nói to:

- Ơn giúp đỡ của Dương đại nhân, cả đời này học sinh Nghiêm Tung(*) sẽ không bao giờ quên!

(*): xem chú thích 8 ở chương 2 về nhân vật "nổi tiếng" này

Vừa mới rẽ qua màn che, nghe được lời gã Dương Lăng liền vấp chân, thiếu chút nữa thì ngã lộn cổ xuống sông.

***************

Chú thích:

(1) Vạn thế sư biểu: vị thầy mẫu mực của muôn đời.

Người đời sau tôn tặng Đức Khổng Tử là: Vạn thế sư biểu, là vị thầy đúng nghĩa nhất, không ai có thể so sánh được với Ngài, làm kiểu mẫu muôn đời về sau. (theo Cao Đài)

(2) Dịch nghĩa: nửa bộ Luận Ngữ đủ trị vì thiên hạ, bài Đạo Đức Kinh trên thế gian chỉ một không hai.

Đạo Đức Kinh tác phẩm kinh điển của Đạo giáo do Lão Tử soạn còn Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời.

Câu này cho thấy những nhà hủ nho trọng văn như thế nào.

(3) Chỉ chức quan lang nằm ngoài nhóm quan chính (chính viên) trong bộ Lễ.