Người Tìm Xác

Chương 247: Tình lang bạc bẽo



Tiết cử nhân muốn nói đỡ cho Liễu Mai, nhưng bị bà Cả trừng mắt, nói: “Sao hả? Bị con đàn bà lẳng lơ này cho đội nón xanh mà ông còn muốn giúp nó à? Thời dân quốc thì sao? Bất kể là thời gì, đàn bà vô liêm sỉ đều bị nhốt lồng heo hết.”

Tiết cử nhân hiểu tính tình vợ mình, nên chỉ đành im lặng đứng bên không nói gì... Lúc này Liễu Mai mới ngẩng đầu lên, nhìn khắp viện, hầu như từ trên xuống dưới người trong nhà họ Tiết đều có mặt, nhưng không có A Khôn...

Bà Cả thấy vẻ mặt đầy căm hận nhìn mình của Liễu Mai, thì vênh váo nói: “Dì Ba à, mày cũng đừng trách tao, tục ngữ nói quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Mày phạm phải lỗi này thì có ở thời nào cũng không thể tha được! Nhưng dù gì chúng ta cũng từng là chị em với nhau, đừng nói chị đây không cho mày cơ hội. Mày không muốn khai kẻ kia là ai đúng không? Vậy thì hãy chờ gã đến cứu mày đi, nếu tối nay gã dám đứng ra nhận tội, tao sẽ thả hai người đi... mày thấy sao?”

Bà Cả vừa dứt tiếng, xung quanh lặng căm, mọi người đều muốn xem xem gã đàn ông kia có dám đứng ra hay không... Kết quả đợi cả buổi cũng không thấy một ai dám. Cuối cùng bà Cả cười điên cuồng, mọi người tản đi.

Quá trình Liễu Mai bị làm nhục, A Khôn đều nhìn thấy, nhưng từ đầu đến cuối gã đều không định đứng ra. Đừng thấy dáng dấp gã cường tráng như vậy mà lầm, thực ra gã vốn rất nhát gan, nhu nhược.

Hơn nữa A Khôn cũng là kẻ thông minh, gã biết bà Cả chỉ dụ dỗ thôi, chỉ cần gã đứng ra, chắc chắn sẽ chịu tội với Liễu Mai. Hơn nữa trong nhà gã còn có vợ con, làm sao có thể trốn đi với Liễu Mai được.

Tuy Liễu Mai vẫn luôn không ngẩng đầu lên, nhưng cô có thể cảm nhận được A Khôn đang đứng trong đám người. Không phải cô không biết A Khôn nhát gan sợ phiền phức, nhưng đến mức này thì cô không ngờ.


Dần dần, Liễu Mai không thấy hận bà Cả và những người vợ bé kia nữa, thực ra họ cũng đều là những người phụ nữ đáng thương, không thể lựa chọn vận mệnh của bản thân, chỉ có thể mặc người khác sắp đặt.

Cô chỉ hận những gã đàn ông kia, hận Tiết cử nhân cưới cô về chỉ để làm màu... Hận A Khôn thích cô nhưng không dám đứng ra bảo vệ... Trong mắt cô, đàn ông không có một ai tốt đẹp cả.

Vì vậy, Liễu Mai mang theo ý hận ngập lòng, lúc ban đêm vắng người, lén trốn khỏi phòng củi, nhảy giếng tự sát! Chuyện tiếp theo giống như Lý Cương đã nói, dì Hai sợ đến phát bệnh, Tiết cử nhân tìm thầy phong thủy bịt kín miệng giếng, đắp một ít đá lên để trấn trụ âm hồn.

Toàn bộ kí ức của Liễu Mai đều dừng ở đây, cô ấy cũng là một kẻ đáng thương, cả đời không có người thương yêu, vất vả lắm mới dám to gan tự quyết định vận mệnh của bản thân, không ngờ lại gặp phải một A Khôn như vậy.

Nghĩ thế, tôi đột nhiên hỏi Lý Cương: “Anh có từng nghe nhắc đến người tên A Khôn không?”

“A Khôn?” Lý Cương mờ mịt một hồi, sau đó khá chắc chắn nói: “Ông cố của tôi tên Lý Bính Khôn...”

Tôi vừa nghe vậy thì vội hỏi: “Ông cố của anh có mấy người con trai?”

“Hai người, ông tôi và em trai ông...”

Thì ra là như vậy, lý do oan hồn Liễu Mai hại chết Lý Cương là vì anh ta là con cháu của A Khôn. Vì vậy tôi hỏi tiếp: “Vậy nhà họ Lý của anh có còn người thân nào không?”

Lý Cương lắc đầu nói: “Không có nữa, tôi chưa từng gặp ông Hai, nghe bà tôi nói, nhiều năm trước nhà họ gặp thiên tai, đã chết hết trong một đêm, bố tôi là người duy nhất còn lại, đến đời tôi thì tôi là người duy nhất còn lại của dòng họ...”


Tôi nghe rồi, chợt thổn thức, nhà họ Lý đã tuyệt hậu rồi, xem ra đây chính là sự trả thù của Liễu Mai, hy vọng cô ấy có thể thực sự được giải thoát.

Sau đó chú Lê niệm kinh siêu sinh cho Lý Cương, nói với anh ta, buông bỏ những chuyện này mới có thể siêu thoát.

Trời hửng sáng, Lý Cương lại biến mất, tôi lo lắng không biết buổi tối anh ta có lại xuất hiện nữa không. Nhưng Chú Lê nói, chắc chắn anh ta không xuất hiện nữa, loại vong hồn như anh ta là do không thoát khỏi được chấp niệm của mình nên chưa thể siêu sinh, nếu có người chỉ lối, anh ta cũng sẽ không cố chấp nữa...

Sau khi trở lại huyện Trấn Bình, chúng tôi nghỉ lại ở quán trọ nhỏ một ngày để lấy sức, dù sao mấy ngày nay cũng ăn không ngon ngủ không yên. Theo ý của Thiệu Kiến Hoa, anh ta hy vọng chúng tôi ở chỗ này đợi mình vài ngày, chờ anh ta mua được mảnh đất đó, thì sẽ đến gặp chúng tôi, rồi sau đó cùng đến phần mộ tổ tiên nhà họ Thiệu.

Tôi thắc mắc, nếu đã giúp anh ta tìm được phần mộ tổ tiên rồi, vậy tại sao chúng tôi còn phải đi một chuyến nữa đến đó? Chú Lê làm vẻ thần bí nói: “Cái này mà cháu cũng không biết à? Chúng ta vẫn còn có ích.”

“Chúng ta đã tìm giúp anh ta phần mộ tổ tiên rồi, còn việc gì nữa đâu? Hơn nữa anh ta cũng không cần dời mộ phần, chỉ tu sửa lại thôi mà?” Tôi nói.

Chú Lê nhìn tôi rồi nói: “Đầu óc cháu để đi đâu rồi, tuy nhà họ Thiệu tìm được phần mộ tổ tiên, nhưng làm sao Thiệu Kiến Hoa biết được ai là cụ cố, ai là ông cố? Còn cả lão tổ tông Thiệu Chi Lam lại càng không biết là ở mộ phần nào. Cũng không thể lập một cái bia lớn viết là phần mộ tổ tiên nhà họ Thiệu lên tất cả các ngôi mộ được.”

Nghe Chú Lê nói, tôi như bừng tỉnh, đúng vậy thật, trên những ngôi mộ cũ này, ngay cả bia mộ cũng không có, đương nhiên Thiệu Kiến Hoa sẽ không biết đâu là mộ của ai. Xem ra mấy ngày nữa chúng tôi lại phải làm một chuyến đến thôn Thái Bình rồi.


Ba ngày sau, rốt cuộc Thiệu Kiến Hoa cũng lấy được chứng nhận sở hữu đất, lần này anh ta dẫn theo một đội xây dựng, cùng chúng tôi đến phần mộ tổ ở gần thôn Thái Bình...

Vì đã biết địa điểm, nên lần này đi nhanh hơn rất nhiều, đông người cùng đi nên cũng không thấy sợ hãi khi đi qua thôn như lần trước. Bởi vì công trình này không thể ngày một ngày hai là xong, nên những công nhân này phải tìm chỗ để ở lại.

Lúc Chú Lê nói thôn Thái Bình này không phải nơi yên ổn, nhưng nếu để những công nhân này ở gần khu mộ thì chắc họ cũng không đồng ý. Vì vậy thông báo với quản đốc, cả đoàn có thể vào thôn Thái Bình, nhưng nhiều người nên không thể mỗi người ở một nhà trong thôn được, vì vậy, họ dựng lều trong một khoảng đất trống để ở tạm.

Quản đốc cũng là người mê tín, nếu không phải do lần này Thiệu Kiến Hoa trả giá cao, ông ta sẽ không nhận việc tu sửa mộ phần này. Sau khi chú Lê kiểm tra nơi này nhiều lần, họ mới an tâm ở lại trong thôn.

Chú Lê nói với Thiệu Kiến Hoa rằng mộ phần tổ tiên này rất quan trọng, nên anh ta càng không dám thờ ơ, quyết định tự mình trông coi. Ông chủ lớn đã ở lại, chúng tôi cũng đành chịu phận, nhưng lần này điều kiện tốt hơn rất nhiều, họ mang theo lều quân dụng, còn có cả giường xếp, rốt cục không cần phải ngủ trên đất nữa rồi.

Chú Lê nói sửa mộ, động thổ là việc lớn, nhất định phải xem ngày giờ lành mới được. Vì vậy đêm đó, chú Lê mở quẻ tính ngày tốt, sau đó nói hai ngày sau là ngày tốt, chọn làm ngày động thổ, khởi công.