Nhật Kí Nữ Pháp Y: Mật Mã Kỳ Án

Chương 17: 17: Kỳ Án Xác Chết Trong Lò Gạch 3






Ngày 18 tháng 2 năm 2003.

Trời quang.

Rét buốt.
Đại đội trọng án đội cảnh sát hình sự thành phố Sở Nguyên.
Khí hậu rét mướt, gió lạnh như cắt da cắt thịt.

Trong phòng làm việc của đội trọng án cũng lạnh đến mức khiến người ta phải xoa tay.

Thẩm Thư đang nghe tôi kể lại những chuyện đã diễn ra.
“Là một vụ án ở thôn Đại Oa, chú ba của tôi làm cảnh sát ở đồn địa phương, bị vụ án làm khó, hỏi Sở thành phố có thể phái người đến giúp được không?”
Thẩm Thư nhìn tôi một cách bỡn cợt: “Chú ba của cô không phải làm việc cho một công ty quảng cáo ở thành phố sao? Lần trước đến văn phòng của Sở còn gặp ông ấy, từ lúc nào mà làm cảnh sát thế?” Tôi đáp: “Cái người làm cho công ty quảng cáo ấy là chú ba ở nhà bà dì, tôi còn ba ông chú ba nữa cơ.” Tôi nghi ngờ tên tiểu tử này cố ý, rõ ràng biết dòng họ nhà tôi dây mơ rễ má, mà cứ bắt tôi phải giải thích lại.
Thẩm Thư làm ra vẻ giờ mới biết: “À ---, thì ta là thế.

Thế vụ án đó thế nào?”
Tôi đáp: “Thôn Đại Oa có một người phụ nữ mất tích, đến giờ đã được gần nửa tháng.

Trước khi mất tích, quan hệ của cô ấy với chồng rất không tốt, cãi nhau suốt ngày, có người trong thôn còn đoán cô ấy đã bị chồng hại chết rồi, nhưng mà không tìm thấy thi thể, đồn cảnh sát không thể lập án.

Người trong thôn làm ầm làm ĩ, đồn cảnh sát không có cách nào, đành phải cầu cứu đơn vị cấp trên giúp đỡ.”
Thẩm Thư nói: “Nếu quả thực có án mạng thì không hẳn là chúng ta không thể giúp một tay, nhưng bây giờ mới chỉ là một vụ mất tích, sống không thấy người chết không thấy xác, cũng chưa đến lượt đội trọng án phải vào cuộc.

Trừ phi thế này, chúng ta sẽ không đi đường chính, cô và Vu Ngân Bảo viện lấy một cái cớ để xuống thôn xem xét tình hình thế nào, nếu tìm được người hay thi thể là tốt nhất.

Còn tìm không ra thì chúng ta cũng nắm được tình hình vụ án, đến lúc đó sẽ quyết định có tham dự vào hay không.”

- ---------------------------
Ngày 19 tháng 2 năm 2003.

Tuyết nhỏ.
Đồn cảnh sát thôn Đại Oa thành phố Sở Nguyên.
Ngày hôm sau, tôi và Vu Ngân Bảo đã khởi hành đến thôn Đại Oa.

Trời đổ tuyết, mặt đất như được phủ một lớp bông mỏng.

Cánh tài xế đa số không thích kiểu tuyết nhỏ này, nhất là con đường trong thôn, sau khi bị tuyết phủ, bên dưới ẩn nấp đầy những ổ gà và băng tuyết, khi lái xe phải cực kỳ cẩn thận.
Hơn 9 giờ sáng, chúng tôi đến nơi.

Chú ba Lý Cường của tôi đang ngồi trong phòng làm việc của đồn cảnh sát để hút thuốc, thấy chúng tôi bước vào, liền dập đầu thuốc, nói: “Nha đầu, tuần trước cháu vừa giúp chú phá án xong, lần này lại phiền đến cháu rồi, năng lực nghiệp vụ của đồn cảnh sát thôn ta quả thực kém cỏi.” Tôi an ủi chú ấy, đáp: “Với điều kiện của thôn, không người không tiền không thiết bị, cho dù là Giám đốc Sở Điều tra hình sự của Bộ Công an phái xuống cũng khó xoay xở.” Tôi giới thiệu Vu Ngân Bảo cho chú ấy.

Lý Cường có chút thất vọng: “Thẩm đội trưởng của các cháu không chịu đến à?” Tôi đáp: “Vụ án này như gà mắc tóc, làm ầm lên thì được gì? Hai bọn cháu đến thăm dò tình hình trước, nếu cần thiết thì đội trọng án mới chính thức vào cuộc.”
Tôi tìm cơ hội để kéo Lý Cường sang một bên, khẽ nói: “Trước mặt đồng nghiệp cháu, đừng gọi cháu là nha đầu, giữ thể diện cho cháu chút có được không? Xin chú đấy.” Lý Cường cười “hi hi”, gật gật đầu.
Dưới đây là tình hình vụ án mà Lý Cường giới thiệu cho chúng tôi.
Người phụ nữ mất tích tên là Trương Phương, cái cậu Trương Phàm mà mấy hôm trước chúng tôi bắt gặp ở trước cửa nhà Tứ Bình, là anh trai của Trương Phương.

Chồng của Trương Phương tên là Mạch Dã, là bạn lâu năm của Trương Phàm, cũng là cộng tác của cậu ấy để mở gánh hát nhỏ trong thôn, hôn sự của anh ta với Trương Phương, cũng nhờ Trương Phàm bắc cầu làm mối mà thành.
Mạch Dã là Phó hiệu trưởng của trường Tiểu học trong thôn, là một người phong độ tuấn tú, được xưng là “Đệ nhất mỹ nam thôn Đại Oa”.

Trương Phương cũng là một cô nương xinh đẹp hiếm có.

Hai người bên nhau quả là trai tài gái sắc, rất xứng đôi vừa lứa.


Nhưng duyên phận quả là một thứ không thể nói rõ, người ngoài nhìn thấy mà ham, nhưng Mạch Dã và Trương Phương dù kiểu gì cũng không thể sống cùng nhau được.

Lấy nhau hơn một năm, vì mấy chuyện vặt vãnh mà cứ ba ngày cãi nhau nhỏ, năm ngày cãi nhau to, khiến cho gà chó trong nhà cũng không yên.

Mọi người cho rằng người trẻ nên hay nóng, chung sống một thời gian, có với nhau đứa con là mọi chuyện sẽ ổn, nhưng cái bụng của Trương Phương mãi không thấy có động tĩnh gì.

Thời gian lâu dần, người ngoài cũng không hiểu được giữa việc hai người không sinh con và suốt ngày cãi nhau cái nào là nhân, cái nào là quả.
Đầu tháng 2, Trương Phương đột nhiên không thấy đâu nữa, Mạch Dã không nói ra bên ngoài, mới đầu cũng chả ai để ý, mãi đến khi Trương Phàm đi tìm, mọi người mới biết chuyện.

Bố mẹ Trương Phàm mất sớm, anh em họ hàng thì lạnh nhạt, chỉ có hai anh em dựa vào nhau mà sống, Trương Phàm vừa như một người anh cả lại như một người bố, em gái đột nhiên mất tích, cậu ta lo đến mất ăn mất ngủ.

Mạch Dã nói, trước khi Trương Phương mất tích, hai người lại cãi nhau to, Trương Phương quẳng lại mấy lời cay nghiệt rồi bỏ nhà đi, cũng chẳng nói cho anh ta biết mình đi đâu.

Chuyện như này trước đây đã từng xảy ra, Trương Phương trốn bên ngoài đợi khi nguôi giận mới trở về, nên Mạch Dã cũng không quá bận tâm.

Ai ngờ lần này lại đi lâu đến thế, e là đã lên thành phố để làm thêm rồi.
Trương Phàm không tin lời anh ta nói, bởi cậu ấy cho rằng bất luận em gái đi đâu, cũng sẽ chào mình một câu, không thể nào lại im hơi lặng tiếng mà bốc hơi như thế được.

Nhưng Mạch Dã là bạn cậu ta, hôn sự của hai người cũng do cậu ta tác thành, cậu ta cũng ngại không dám truy cứu đến cùng.

Sau khi cho tìm một lượt tất cả những nơi mà em gái có thể đến, đều không có tin tức gì, Trương Phàm mới đến đồn cảnh sát để báo án, nhờ Lý Cường hỗ trợ điều tra.
Để lâu cứt trâu hóa bùn, người trong thôn bắt đầu nói ra nói vào.

Có nhiều thanh niên nam nữ vốn ghen ghét với cuộc hôn nhân của Mạch Dã và Trương Phương, vừa hay nhân cơ hội này để đả kích họ, liền đi rêu rao tin đồn Trương Phương đã bị Mạch Dã giế.t hại, nói không chớp mắt, khiến ai nấy đều tin sái cổ.


Lý Cường không chịu nổi áp lực, bắt đầu nghiêm túc xử lý vụ án này, nhưng tra đi tra lại cũng không ăn thua, chỉ còn cách nhờ Sở thành phố giúp đỡ.
Nghe qua giới thiệu về tình hình vụ án, tôi hỏi: “Chú đã đến nhà Mạch Dã để dò hỏi chưa?” Lý Cường ho một tiếng rồi đáp: “Đến ba bốn lần rồi, không phát hiện điểm nào khả nghi, nhưng chú đang nghĩ, tên tiểu tử Mạch Dã này khả nghi nhất, nhìn vào cách hắn hay chửi nhau với Trương Phương trước đây, cộng thêm việc sau khi Trương Phương mất tích không chủ động báo án, có thể nhận định, vụ án này cho dù không phải cậu ta làm, thì cậu ta cũng khó thoát khỏi việc có liên can.” Tôi không quá tán thành với kết luận chủ quan này, ngắt lời hỏi: “Trương Phàm làm gì để sống? Sao lại cộng tác với Mạch Dã mở gánh hát nhỏ gì gì ấy?” Lý Cường đáp: “Trương Phàm từng đi lính, đầu óc cũng giỏi, sau khi phục viên, đem đất nhà mình cho thuê hết, chỉ dựa vào việc buôn bán lương thực cũng kiếm được không ít tiền, là một hộ thu lương lớn ở thôn Đại Oa.

Người này bụng dạ cũng tốt, một mình nuôi lớn em gái, nhiều bà mai đến nhà làm mối nhưng đều bị cậu ta từ chối, nói là em gái chưa lấy chồng thì cậu ấy sẽ không kết hôn, sợ lấy về vợ lại bắt nạt em gái.

Gánh hát nhỏ là truyền thống của thôn, được truyền qua mấy đời, hát những bài kịch Cát Mục mang đậm dư vị của vùng đất Sở Nguyên chúng ta, Trương Phàm hát vai tiểu sinh, Mạch Dã thế vai đào, rất được thôn Đại Oa hoan nghênh, chỉ cần có kịch của hai người họ là khán giả đến chật kín.” Kịch Cát Mục là một loại kịch lâu đời của Sở Nguyên, do sử dụng ngôn ngữ địa phương để diễn xướng, mang đậm sắc màu bản địa, người ngoài nghe không hiểu nên không được lưu truyền ra bên ngoài, đến nay đã đứng trên bờ vực bị mai một, tuy tôi là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sở Nguyên, nhưng lại chưa từng được nghe một bài biểu diễn hoàn chỉnh.
Tôi nói: “Trước khi đến cháu có kể qua với Thẩm Thư về vụ án này, suy nghĩ của cậu ấy và chú giống nhau, cho rằng nên đến nhà Mạch Dã để dò hỏi, xem xem có chỗ nào khả nghi không.

Sau đó đối mặt trực diện với Mạch Dã, trình độ giáo dục mà anh ta nhận được không quá cao, lớn lên ở thôn từ bé, tầm nhìn cũng hạn hẹp, không thể có năng lực phản điều tra quá mạnh, nếu quả thực là anh ta gây án, nói không chừng trong biểu cảm và ngôn ngữ của anh ta sẽ để lộ kẽ hở.”
Lý Cường đáp: “Không cần đến nhà cậu ta, Mạch Dã đang ở trong đồn, chú đã dẫn cậu ta đến đây từ sớm rồi.” Tôi có chút ngạc nhiên, hỏi: “Mới sáng sớm mà chú đã gọi anh ta đến rồi à?” Lý Cường đáp: “Cái gì mà mới sáng sớm, cậu ta bị nhốt ở đây ba ngày rồi, tên tiểu tử này cứng mồm thật, kiểu gì cũng không cạy miệng ra được.” Tôi hốt hoảng: “Chú ba, chú làm gì vậy? Chú không có chứng cứ mà giám tùy tiện bắt người, vậy là phạm pháp đấy, chú có hiểu không?” Lý Cường lắc lắc cái đầu, không hề quan tâm đáp: “Ở cái đất nông thôn này, không chú trọng nhiều thế đâu, nếu cậu ta mà không nói, chú sẽ tiếp tục nhốt.” Vu Ngân Bảo ngồi bên cạnh nhếch mép, tỏ ra không đồng tình với cách làm của Lý Cường, nhưng ngặt nỗi ông ta là trưởng bối của tôi, nên cũng ngại không dám nói gì.
Tôi không thể nói cho Lý Cường rõ, cách làm việc của chú ấy đơn giản thô bạo, tư duy ngắn hạn, ở nông thôn, những cảnh sát như chú ấy không ít.

Đương nhiên, nhận thức của người nông thôn về bảo vệ quyền lợi còn yếu, con đường bảo vệ quyền lợi còn gian nan, cũng là nguyên nhân chính tạo ra những hiện tượng như này.

Tôi hỏi: “Mạch Dã ở đâu? Dẫn cháu đến gặp anh ta.”
Thì ra, căn phòng giam giữ Mạch Dã chỉ cách chúng tôi có một cánh cửa, là một phòng kho nhỏ, Mạch Dã nằm dựa vào chân tường một cách ủ rũ, cuộc nói chuyện trước đó của tôi và Lý Cường chắc anh ta cũng đã nghe thấy, hay nói cách khác, Lý Cường biết sai vẫn làm, giới thiệu cùng lúc cho cả tôi và nghi phạm nghe về tình hình vụ án, đồng thời nói toạc ra mạch phá án của mình, tuy bên trong không có manh mối mấu chốt, nhưng mà, còn có chuyện nào hoang đường hơn chuyện này sao? Cảnh sát và nghi phạm trải lòng với nhau mà không giữ lại gì? Tôi cất cao giọng, nói với Mạch Dã: “Đứng dậy, ra đây ngồi.” Nhưng Mạch Dã không hề có cảm xúc, dựa vào tường rồi chậm rãi đứng dậy, lết từng bước lại gần tôi, xem ra bị nhốt ba ngày, cơ thể anh ta có chút suy nhược.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp Mạch Dã.

Tuy tinh thần của anh ta hơi ủ rũ, mặt mày lấm lem, nhưng dung mạo rất thanh tú, cộng với thân hình mỏng manh, cả con người toát lên khí chất u sầu nữ tính.

Tướng mạo này mà trang điểm lên, đóng thế vai đào quả thực không thể hợp hơn, tôi nghĩ bụng.

Tôi kéo một chiếc ghế xuống mông anh ta, nói: “Ngồi đi.”
Mạch Dã đoan trang ngồi xuống ghế, mười ngón tay đan vào nhau, tỏ ra vừa lo lắng lại vừa hồi hộp bất an.

Tôi và Vu Ngân Bảo hỏi mấy câu đơn giản xong, đều cho rằng Mạch Dã đã bị bắt khi chưa có bằng chứng xá.c thực, lỗi trước tiên thuộc về cảnh sát, nếu tiếp tục hỏi e là sẽ không có thu hoạch gì, hơn nữa lại còn vi phạm quy tắc làm án.

Tôi đưa cho Mạch Dã một cốc trà đặc, nói: “Uống chút cho đỡ khô miệng, bây giờ anh có thể về nhà được rồi.

Chúng tôi là cảnh sát từ thành phố xuống để giúp tìm ra tung tích của vợ anh, hy vọng chốc nữa có thể đến nhà anh để xem, thêm người là thêm mắt, nói không chừng lại phát hiện ra dấu vết mà vợ anh để lại, chúng tôi lần theo dây tìm quả, sẽ làm rõ hướng đi của cô ấy, cũng tránh để người trong thôn lời ra tiếng vào.” Tôi cố giữ cho ngữ khí ôn hòa, tránh để tâm lý phòng bị của Mạch Dã càng trở nên mạnh mẽ.

Mạch Dã rướn mắt nhìn tôi, khẽ gật đầu, rồi nhấc cốc trà lên uống “ừng ực” mấy ngụm, xem chừng đang khát khô cổ.

Lý Cường đã nhận định anh ta là nghi phạm, nhìn bộ dạng của anh ta là thấy ghét, ngồi ở một chỗ để vận công.
Lúc này bên ngoài đột nhiên có một người lảo đạo chạy vào, hổn hà hổn hển nói: “Lão......! lão Lý, không hay rồi, anh mau đến......!đến mà xem, trong lò gạch......! có một th.i th.ể nữ không......!không mặc quần.”
Mấy người trong phòng làm việc, trừ Mạch Dã ra, đều kinh ngạc đứng phắt dậy.
Người chạy vào là Cốc lão tam, nhân viên trị an của thôn Đại Oa.

Ông ta tầm 40 tuổi, sống độc thân, không có việc làm, chỉ dựa vào mấy đồng lương ít ỏi của việc làm nhân viên trị an để duy trì sinh kế.

Không biết là kinh hãi, lo lắng hay chạy hụt hơi, bản mặt vốn đỏ thẫm của ông ta trở nên trắng bệch.

Lý Cường luôn thấy ngứa mắt với ông ta, sớm đã tìm cách để thay người, nhưng Cốc lão tam lại có chút quan hệ vòng vo tam quốc với bà vợ của trưởng thôn, cứ nhất quyết bám lấy cái chân trị an này.

Lý Cường chưa bao giờ có thiện cảm khi nói chuyện với ông ta: “Cốc lão tam, anh đừng có như người mất hồn nữa được không, bằng này tuổi đầu rồi, gặp chuyện phải biết bình tĩnh, nói đi, có chuyện gì?”
Cốc lão tam rướn cổ, nuốt một ngụm nước bọt, nhìn thấy cốc trà còn nửa đặt trước mặt Mạch Dã, chẳng thèm hỏi một câu, cầm lên uống sạch mà không hề khách sáo.

Mạch Dã cau mày, tỏ ra chán ghét.

Cốc lão tam lấy tay lau miệng, rồi mới đáp: “Sáng nay có một người chăn dê tên là Quan Thượng Võ trong lúc lên núi chăn dê đã đi qua một lò gạch bỏ hoang, lờ mờ nhìn thấy bên trong có một người đang nằm, lại gần hai bước, thì thấy một người phụ nữ, không hề động đậy.

Quan Thượng Võ sợ hãi lùa dê rồi bỏ chạy về thôn để kêu người.

Sau đó, người đến càng lúc càng đông, có mấy người gan dạ sáp lại gần để lật người đó lên, thì thấy cô ta đã chế.t rồi.

Có người nhìn thân hình và cách ăn mặc, nói là giống vợ của Mạch Dã.”
Bụp một cái, Mạch Dã đang ngồi trên ghế liền cắm đầu xuống đất.

Vu Ngân Bảo vội đỡ anh ta dậy, hỏi: “Không sao chứ?” Mạch Dã lắc đầu đáp: “Không sao.” Khóe mắt đỏ au, nước mắt cuộn trào.
Thấy vậy, tôi ngăn Cốc lão tam lại không cho ông ấy nói, bảo: “Chúng ta cùng nhau đến đó xem sao, chậm thêm phút nữa, e là hiện trường vụ án sẽ bị phá nát mất.” Rồi nói với Mạch Dã: “Tôi đề nghị anh nên ở đây đợi, có lẽ sẽ phải cần đến anh.”.