Như Hoa Như Sương Lại Như Gió

Chương 2: Chuyện cũ năm xưa. Bước chân vào Đỗ phủ



Một năm trước.

Tháng Sáu ở Vũ Hán nóng hơn thường lệ nên ít nhiều khiến người ta không kịp trở tay.

Một cô gái trẻ mặc áo dài vạt chéo màu trắng, tay áo dài bảy phân, tóc tết thành hình cánh bướm đang thấp thỏm đứng im ngoài cổng Đỗ phủ. Nàng đang đợi thím Vương trong phủ chạy ra báo tin.

Chẳng bao lâu sau, thím Vương đã xuất hiện, mặt mày hớn hở, gọi nàng: “Mau vào đi Tư Kỳ! Ta đã nói với bà Hai rồi, bà đồng ý. Để ta dẫn con vào khấu đầu lạy tạ.”

“Tốt quá! May nhờ có bàn tay thím, nếu không con đã chẳng có được phúc phận này.” Đoàn Tư Kỳ thấy sự việc đã có kết quả, nàng vui mừng cuống quýt chắp tay cảm ơn thím Vương. Nếu mẹ nàng không phải là chỗ quen biết với thím Vương thì chắc hôm nay nàng chẳng có cửa bước chân vào cánh cổng này.

“Chẳng phải ban đầu mẹ con không chịu sao? Sau đó thuyết phục thế nào mà bà ấy lại đồng ý vậy?”

“Mẹ con vẫn không đồng ý lắm đâu, nhưng nhà có ba miệng ăn đang há mồm chờ, anh con lại suốt ngày chạy loăng quăng bên ngoài giúp người ta làm mấy việc lặt vặt, dăm bữa nửa tháng mới đảo qua nhà một lần, chút tiền công của anh ấy không đủ sinh hoạt phí. Hơn nữa con cũng đã mười bảy rồi, đến lúc phải ra ngoài giúp gia đình kiếm thêm thu nhập, không thể ngồi chờ ăn sẵn mãi được thím ạ.”

“Ra dáng thiếu nữ lắm rồi, đúng là con đã hiểu chuyện hơn trước nhiều.” Thím Vương vỗ nhẹ vào lòng bàn tay nàng rồi nói những lời tâm huyết: “Hai anh em con đều đến tuổi dựng vợ gả chồng cả rồi nên phải chịu khó dành dụm một chút. Chưa nói đến chuyện anh trai con phải mau tìm được chị dâu mà ngay cả con sau này gả cho người ta cũng phải có ít vốn dắt lưng, nếu không sẽ phải chịu oan ức lắm đấy. Sau này thím Vương sẽ quan tâm đến con hơn, để ý tìm cho con một tấm chồng tốt.”

Mặt Đoàn Tư Kỳ thoắt đỏ ửng lên, nàng khẽ cúi đầu, mấy chuyện này mẹ nàng ở nhà cũng suốt ngày cằn nhằn thúc giục.

Nhắc đến Đỗ phủ, tuy nhìn từ ngoài vào có vẻ bình thường, không phô trương thanh thế nhưng bên trong là cả một càn khôn. Vừa bước vào cổng, một bức bình phong lớn màu đỏ khảm chữ “Phúc” bằng vàng đã chắn ngang đường, thím Vương nói đó là bức tranh cát tường giúp những nhà giàu có chắn điềm hung. Bước qua bức bình phong là một hành lang dài thông với hậu viện, xung quanh trang trí một vài hòn giả sơn, hai bên hành lang còn trồng mấy chục gốc trường xuân. Vừa đi ngang qua, hương thơm nồng nàn đã ùa vào mũi khiến người ta mê say. Đi đến cuối hành lang, Tư Kỳ nhìn thấy một vòm cửa hình bán nguyệt, thì ra phía sau vẫn còn một cái sân lớn nữa. Trong hồ cá hình hoa sen có một ngôi đình hóng mát hình bát giác, trông vô cùng tinh tế và tao nhã.

“Ô! Thím Vương, phủ lại tuyển thêm a hoàn ư?”

Đoàn Tư Kỳ nhìn thấy một thanh niên tuấn tú đang uể oải ngồi trên chiếc ghế dài kê trong đình. Chàng trai biếng nhác cất giọng, đợi cô gái ngồi cạnh bóc nho đưa vào tận miệng. Thím Vương vội kéo Đoàn Tư Kỳ rảo bước đi nhưng vẫn cười giả lả, đáp: “Thưa cậu Vân, nó là đứa hầu hôm nay mới được thu nhận vào phủ. Tư Kỳ, con mau chào cậu Vân đi!”

“Chào cậu Vân.” Đoàn Tư Kỳ là người thông minh hiểu chuyện, nàng vội vàng cung kính hành lễ.

Chàng trai chậm rãi quay đầu lại, hắn có đôi mắt đen láy và trong veo, ánh nhìn thăm thẳm như nước hồ thu, sâu không thấy đáy.

“Ừm.” Cậu Vân lơ đễnh đáp lại rồi quay sang nằm lên đùi thiếu nữ ngồi bên cạnh. Một trái nho màu đỏ nhạt lại được đưa vào miệng.

Thím Vương đẩy nhẹ lưng Đoàn Tư Kỳ, giục nàng đi nhanh. Khi bước vào chính viện, Đoàn Tư Kỳ thắc mắc: “Thím Vương, sao cậu chưa cho phép mà chúng ta đã bỏ đi vậy?”

“Nha đầu ngốc này! Đám người hầu kẻ hạ như chúng ta đôi khi phải tinh mắt quan sát, phán đoán tình hình. Khi nãy cậu Vân trả lời ”ừm” nghĩa là cậu ấy tỏ ý biết rồi nên đương nhiên chúng ta có thể đi làm việc khác.”

“Cậu Vân là cậu Cả ạ?”

Thím Vương lắc đầu, sắc mặt là lạ, phảng phất sự ác cảm với người vừa được nhắc đến. “Cậu ấy là em họ xa với bà Ba, tên là Tiết Vân Tần, từ Nam Kinh đến Vũ Hán làm việc nhưng vẫn chưa tìm được nhà nên lão gia bảo cậu ấy đến đây ở tạm. Trông có vẻ đàng hoàng thế thôi nhưng thực chất là một tay phong lưu đấy, chuyên dẫn lũ con gái lẳng lơ ở ngoài về phủ mà cũng không sợ bại hoại thanh danh. Tóm lại sau này có nhìn thấy cậu ấy, tốt nhất con cứ tránh đi, nhớ đừng dây dưa với hạng người đó.”

Đoàn Tư Kỳ trịnh trọng gật đầu, nàng tuyệt đối không dám quên lời cảnh báo này.

Sau đó, Đoàn Tư Kỳ lần lượt gặp bà Hai và bà Ba nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là ở bà Hai.

“Thím Vương, ta tin thím. Thím đã giới thiệu con nha đầu này thì cho nó đến hầu hạ Hoài Dung đi. Nếu hầu hạ không tốt, ta sẽ trách tội thím đó.” Bà Hai hé môi nhấp ngụm cà phê pha sẵn, khẽ dãn hai đầu lông mày, tiện tay đặt cốc lên tràng kỷ.

“Sao thế ạ? Cà phê đắng quá phải không bà? Chắc là cho ít đường rồi.” Thím Vương ân cần bước theo bà Hai, đồng thời lén đánh mắt ra hiệu cho Đoàn Tư Kỳ.

Đoàn Tư Kỳ vội vàng lấy cái hũ sứ nhỏ dưới tràng kỷ, gắp một viên đường thả vào cốc cà phê theo ám hiệu của thím Vương, sau đó khuấy đều rồi dâng lên bà Hai. Bà Hai cầm lấy cốc, liếc mắt nhìn nàng một thoáng rồi cất lời khen: “Thông minh nhanh nhẹn đấy, mà nom mặt mũi cũng xinh xẻo.”

“Bà cứ yên tâm! Tôi biết con bé này từ khi nó còn nhỏ, tính tình thật thà, chất phác lắm. Bây giờ thế nó vào chỗ của Quế Nhi là rất hợp.” Quan sát thấy sắc mặt bà Hai phảng phất nét hài lòng, thím Vương liền nhân cơ hội nói thêm vào: “Chỉ trách con nha đầu Quế Nhi không có phúc phận, khó khăn lắm mới được chuyển sang hầu hạ cậu Hai, thế mà lại lâm bệnh qua đời, may mà phát hiện kịp thời, không lại truyền bệnh cho cậu, ấy mới là trọng tội. Nhưng thực cũng chẳng hiểu sao nó lại mắc căn bệnh đó. Chỉ e mấy con nha đầu này cậy chủ nhân dễ tính đâm hư hỏng, mặt dày mày dạn ra ngoài ăn sương uống gió rồi rước bệnh vào thân. Mãi đến giờ, bệnh của cậu Hai mới khởi sắc một chút nhưng vẫn phải tìm một con hầu đáng tin ở bên chăm sóc, không để xảy ra bất kì sơ sẩy gì mới được.”

Thím Vương đã nói trúng tâm sự của bà Hai. Nghĩ đến đứa con trai hay ốm đau bệnh tật của mình, bà thở dài, nói: “Cà phê có đắng đến đâu cũng không sánh nổi vị đắng trong lòng…” Nói rồi, bà bỏ cốc cà phê xuống, không uống nữa. Thế là công việc của Đoàn Tư Kỳ đã được định đoạt.

Quy Phác Viên là nơi ở của một mình cậu chủ Đỗ Hoài Dung. Khác với Vinh Thọ Viên là nơi lão gia và các phu nhân ở, Quy Phác Viên được thiết kế theo kiểu kiến trúc cổ, trông rất mộc mạc.

Trên đường đến Quy Phác Viên, thím Vương kể cho Đoàn Tư Kỳ nghe một lượt những chuyện từng xảy ra trong phủ họ Đỗ. Lúc ấy Tư Kỳ mới biết, thì ra Đỗ Hoài Dung là “dòng giống” duy nhất của bà Hai, là con trai thứ trong phủ. Trước đây, bà Cả cũng có con trai và cậu Cả được lão gia vô cùng yêu quý, tiếc là năm mười lăm tuổi, cậu Cả lâm trọng bệnh nên đã khăn gói về trời. Bà Cả quá đau buồn nên năm sau cũng nhắm mắt xuôi tay, để lại cô Ba tên là Hoài Bích. Năm ngoái, cô Ba đã ra nước ngoài du học, giờ vẫn chưa về. Còn bà Ba mới vào phủ năm kia, vẫn chưa sinh hạ được cô cậu nào. Tư Kỳ được sắp xếp để hầu hạ cậu Hai trong hoàn cảnh ấy.

Nhưng cậu Hai không dễ hầu hạ chút nào. Thím Vương tổng kết con người cậu Hai bằng ba tính từ: quái đản, cô lập và khó giao tiếp. Do từ nhỏ cậu chủ đã mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, lại thường xuyên đau ốm nên mọi người trong phủ không cho ra khỏi phòng nhiều. Lâu dần, Đỗ Hoài Dung đâm quen với việc ngồi ngây người trong Quy Phác Viên, ngoài đọc sách và vẽ tranh ra thì chẳng còn thú tiêu khiển nào khác.

Thím Vương thấy cửa thư phòng hé mở, liền khẽ khàng bước qua hành lang, thò đầu nhòm vào trong, quả nhiên thấy một người đang ngồi vẽ. Thím Vương kéo Tư Kỳ tiến về phía trước một chút, cung kính vấn an: “Thưa cậu, nha đầu này tên là Tư Kỳ, bà sai đến hầu hạ cậu thay cho Quế Nhi. Cậu có gì cần dặn dò thì cứ nói với nó, nếu có chỗ nào chưa được chu đáo thì mong cậu rộng lòng đại lượng cho. Hôm nay là ngày đầu tiên nó vào phủ nên vẫn chưa thông tỏ các quy tắc lắm.”

“Chào cậu Hai, tôi… em là Đoàn Tư Kỳ. Sau này…”

“Biết rồi!” Đỗ Hoài Dung lạnh lùng ngắt lời nàng, chủ động dựng bức tường ngăn cách giữa mình và người hầu, phân chia rạch ròi ranh giới Hán Sở.

Đoàn Tư Kỳ sững người, liếc thím Vương cầu cứu. Thím Vương biết rõ tính cách kỳ quặc của cậu chủ nên chỉ ghé tai nàng dặn dò vài câu rồi viện cớ lui ra trước. Đoàn Tư Kỳ càng bơ vơ, không biết nên làm gì, chỉ biết ngây người đứng chôn chân ở cửa đợi cậu chủ sai bảo. Nhìn cậu Hai đang tập trung vẽ, nàng bất giác quan sát kỹ từ đầu đến chân anh một lượt. So với chàng trai mà nàng vừa nhìn thấy lúc trước thì cậu Hai trông gầy guộc, ốm yếu hơn, đặc biệt là chiếc áo khoác dài màu lam nhạt in chìm hình lá trúc màu xanh lại càng làm nổi bật dáng người mảnh khảnh của anh.

Nàng cứ thế đợi, chẳng ngờ đợi liền một mạch mấy tuần trà.

So với tốc độ thường ngày thì hôm nay, Đỗ Hoài Dung vẽ chậm hơn nhiều. Anh giơ bức tranh hoa và chim vừa vẽ xong lên, thổi nhẹ những chỗ chưa ráo mực. Vô tình ngước mắt lên nhìn, phát hiện Đoàn Tư Kỳ vẫn đứng ở ngoài cửa, mặt Đỗ Hoài Dung thoáng chốc hiện nét không vui. Anh sẵng giọng hỏi: “Sao cô còn đứng đó?”

Đoàn Tư Kỳ ngẩng đầu lên, lắp bắp giải thích: “Em… em không biết làm gì, hơn nữa… cha em từng nói, khi đọc sách, viết thư pháp, vẽ tranh hoặc chơi đàn thì điều cấm kỵ nhất là bị quấy nhiễu. Cho nên… em muốn đợi cậu vẽ xong.”

“Đúng là ngốc hết thuốc chữa!” Đỗ Hoài Dung lạnh lùng buông một câu rồi thong thả bước ra khỏi phòng. Lúc lướt qua mặt Tư Kỳ, anh hơi dừng lại một chút, mùi hương phảng phất lan theo tà áo. Tư Kỳ hít mũi, vô thức đuổi theo mùi hương. Nàng từng rất thích ngửi mùi hương này nhưng sau khi cha mất thì mùi hương đặc biệt ấy đã theo cha xuống nấm mồ sâu dưới lớp đất vàng đắp thành ụ, từ đó nàng không bao giờ ngửi thấy mùi hương ấy nữa.

Thế mà hôm nay, nàng lại ngửi thấy. Nhưng chẳng bao lâu sau, mùi hương đã tản mát trong không khí rồi dần dần biến mất hẳn, chẳng để lại chút nào cho nàng. Tư Kỳ vụt quay đầu, phát hiện bóng cậu chủ đã đi xa tự bao giờ.

Vầng dương đỏ rực xuyên qua những phiến lá long não, nhảy nhót trên thân hình mảnh dẻ của Đỗ Hoài Dung. Đi xa thêm một chút, cả người anh như tắm trong quầng sáng đó, nếu không có đôi mắt sáng ngời và trong veo đến nỗi không tia mặt trời nào có thể xoá mờ thần thái của chúng thì Tư Kỳ đã thực sự cho rằng anh sắp tan chảy trong ánh nắng mặt trời.

Hai ngày sau, Tư Kỳ dần dần nắm được thói quen hàng ngày của cậu chủ. Nhân lúc Đỗ Hoài Dung nghỉ trưa, nàng nhanh nhẹn quét dọn thư phòng. Đang lau chùi thì ánh mắt nàng chạm phải bức tranh nước xanh cuốn quanh núi biếc mà sáng nay cậu chủ mới vẽ. Trong một giây lơ đễnh, tay trái của Tư Kỳ bất giác chạm vào nghiên mực, làm vài giọt mực bắn vào cuốn tranh. Nàng cuống cuồng lấy tay lau, nào ngờ càng lau lại càng lem. Trong thoáng chốc, bức tranh tuyệt đẹp đã bị huỷ hoại hoàn toàn, ngay đến nàng cũng không nỡ nhìn. Đang lúc hoảng loạn thì nàng thấy cuốn tranh đột nhiên động đậy rồi bay thẳng qua tay nàng, kẹp chặt trong ngón tay của Đỗ Hoài Dung. Không biết cậu chủ đã quay lại thư phòng từ khi nào mà Tư Kỳ hoàn toàn không phát hiện ra. Trong khoảnh khắc đó, cả người nàng trở nên cứng đờ.

Đỗ Hoài Dung liếc nhìn bức tranh bị phá hỏng. Đó là bức tranh mà anh vẽ thuận tay nhất trong mấy ngày nay, thế mà giờ đã thành tờ giấy lộn, bảo sao anh không sa sầm nét mặt.

“Sau này cô không cần dọn dẹp thư phòng nữa!” Đỗ Hoài Dung mở ngăn kéo, lấy hộp diêm châm lửa đốt luôn bức tranh.

Lúc đó, không biết Tư Kỳ ăn gan hùm hay mật gấu mà dám thò tay ra dập lửa, nhưng tiếc là cậu chủ cố tình muốn huỷ bức tranh nên cuối cùng nó vẫn cháy thành tro. Nàng rụt bàn tay bị phỏng đỏ lại, khẩn cầu: “Cậu Hai, em biết mình không nên làm hỏng bức tranh của cậu. Nhưng lúc ấy em thực sự bị cảnh sắc trong tranh thu hút nên mới vô tình phạm phải sai lầm. Từ nay về sau, em… sẽ không bao giờ dám động vào đồ đạc của cậu nữa.”

Đỗ Hoài Dung cười khẩy, hỏi: “Cô có hiểu về hội hoạ không?”

Nàng lắc đầu.

“Đã không hiểu thì xem làm gì?”

Tư Kỳ á khẩu, đúng là nàng không nên xem chút nào. Sở dĩ nàng tò mò là vì nàng đang hoài niệm, cha nàng từng rất thích vẽ tranh, còn nàng, tiếng là con nhà thư hương nghèo kiết xác nhưng nàng chỉ biết mỗi bộ Tam Tự Kinh. Đó vốn đã là cả một sự đả kích, nay lại bị người ta giễu cợt như thế, lòng nàng càng buồn bã, nước mắt bất giác không ngừng tuôn rơi.

Đỗ Hoài Dung chau mày như thể điều anh không thích nhất chính là nước mắt con gái. Vốn định lên giọng dạy dỗ cô hầu gái thêm vài câu nữa nhưng cuối cùng anh lại im lặng.

“Chỉ có nhan sắc mà đầu óc trống rỗng thì phỏng có ích gì?” Đỗ Hoài Dung xua tay vẻ chán ghét, cuối cùng vẫn “miễn tội” cho nàng.

Tuy Đoàn Tư Kỳ rất cảm kích trước sự rộng lượng của cậu chủ nhưng không hiểu sao lòng nàng vẫn trĩu nặng. Không may nàng lại gặp ngay em họ của bà Ba, thiếu gia Tiết Vân Tần ở ngay hậu viện, chưa kịp tới vấn an thì cậu Vân đã đi lướt qua, dường như không nhìn thấy nàng. Nhưng chưa đi được bao xa thì đột nhiên Tiết Vân Tần dừng bước, gọi nàng lại, hỏi: “Cô tên là Tư Kỳ?”

Đoàn Tư Kỳ đứng lại, hoang mang gật đầu, đáp: “Vâng, thưa cậu Vân.”

“Ồ…” Vân Tần nheo mắt, đột nhiên chỉ lên má nàng, hỏi: “Sao thế? Nước mắt vẫn chưa khô này. Bộ dạng thế này mà dám chạy loăng quăng khắp nơi à?”

Nghe nói vậy, Đoàn Tư Kỳ lấy tay quệt vội lên mặt, nói: “Không phải đâu ạ. Tại hôm nay trời nóng quá nên ra nhiều mồ hôi thôi.” Kết quả bàn tay dính mực của nàng bôi lem luốc khắp mặt, khoảng trắng khoảng đen, trông như phường tuồng.Tiết Vân Tần không nhịn được cười, đôi mắt nheo lại theo nụ cười tạo thành hình vầng trăng khuyết cong cong, trông vô cùng quyến rũ, song không hiểu sao Đoàn Tư Kỳ lại liên tưởng đến nụ cười của loài hồ ly. Trong những giấc mơ thuở thiếu thời của nàng, hồ ly luôn có nụ cười như vậy, tuy tà mị nhưng lại khiến người ta mê đắm. Có điều nói cho cùng thì Tiết Vân Tần không phải hồ ly, hơn nữa nàng còn lờ mờ cảm thấy phảng phất trong nụ cười của hắn ẩn giấu một sự lạnh lùng.

“Sao thế?” Tiết Vân Tần nhìn nàng rồi cười một cách khó hiểu.

Nàng bất giác thấy gờn gợn trong lòng. Mãi đến khi Tiết Vân Tần đưa cho nàng chiếc khăn tay, ý bảo nàng lau vết bẩn trên mặt, nàng mới nhớ ra tay mình lấm lem mực. Lúc nãy, Tư Kỳ vội vàng quệt tay lên mặt nên chắc giờ đây mặt nàng cũng dính đầy mực. Nàng bối rối đón lấy chiếc khăn, quay lưng đi vừa lau vừa len lén đưa mắt nhìn Tiết Vân Tần, đột nhiên nàng phát hiện cách ăn vận của hắn cũng chẳng đàng hoàng, y hệt như con người hắn.

Những công tử con nhà giàu thường hay mặc áo sơ mi trắng bên trong, bên ngoài khoác áo gi lê bằng lụa và cho áo vào trong quần. Nhưng Tiết Vân Tần thì hoàn toàn ngược lại, không những mở phanh áo gi lê ra mà ngay cả áo sơ mi trắng bên trong cũng cố tình thả ra ngoài, trông vô cùng phóng túng. Dù cách ăn vận có phần kì quái nhưng may mà con người Tiết Vân Tần lại tỏa ra khí chất thanh cao nên trông hắn không có vẻ bê tha, lôi thôi.

Tiết Vân Tần phát hiện Tư Kỳ lén nhìn mình nhưng không bận tâm, chỉ cười nhẹ, nói: “Tôi vào phủ cũng khá lâu rồi, chứng kiến không ít chuyện quái lạ. Mỗi khi tâm trạng vui vẻ, chui qua cánh cổng này vào thăm cậu ấy, tôi đều bắt gặp cảnh a hoàn của cậu ấy tấm tức khóc. Người thì bị chê nói nhiều ầm ĩ, kẻ thì bị chê ngu dốt chẳng biết gì. Cái anh chàng mọt sách đó cứ nghĩ trái tim của các cô hầu gái đều trong suốt như pha lê. Nếu quả thực có cô a hoàn nào như vậy thì chưa chắc cậu ta đã có mệnh cậu Bảo[1].”

Tiết Vân Tần còn chưa dứt lời thì đã phát hiện nét mặt cô a hoàn mới đến càng lúc càng khó coi, trong lòng hắn cũng thầm đoán được mấy phần, liền nói: “Xem ra đúng là cháu họ tôi làm cô tức quá đây mà.”

Đoàn Tư Kỳ vội lắc đầu. “Tại tôi không cẩn thận làm hỏng bức tranh của cậu chủ, đó là lỗi của tôi. Đã không có học thức lại còn học đòi người ta xem tranh, kết quả… Lỗi là ở tôi.” Nàng liên tục tự trách mình, rõ ràng đang vô cùng hối hận.

Tiết Vân Tần nhíu mày, không đồng tình. “Không có học thức thì không thể xem tranh sao? Thật hoang đường!”

Nói rồi, hắn dõi ánh mắt lạnh lùng về những lầu các phía xa xa, khóe môi khẽ nhếch lên thành một đường cong quái dị. Sau đó, Tiết Vân Tần quay đầu, lùi lại mấy bước rồi nói: “Đứng đây đợi tôi.” Lời còn chưa dứt, người đã đi xa.

Tư Kỳ đứng ngây người tại chỗ chẳng hiểu gì, lơ ngơ đợi Tiết Vân Tần quay lại. Khoảng mười phút sau, hắn cầm một cuốn sách bọc da màu xanh lam tới, nói: “Cô đọc cuốn này đi, không hiểu chỗ nào thì cứ việc hỏi cậu Dung, nhất định cậu ấy không thoái thác đâu mà còn dạy dỗ cô đến nơi đến chốn nữa là đằng khác.”

Tiết Vân Tần cố tình nhét cuốn sách vào lòng Tư Kỳ. Tư Kỳ chần chừ chưa dám nhận. “Cậu chủ ghét nhất bị người khác làm phiền. Nếu tôi nhờ dạy, chỉ e cậu…”

“Yên tâm! Nếu nhìn thấy cô đọc cuốn này, cậu ấy nhất định không khoanh tay đứng nhìn đâu. Còn nếu cậu Dung mắng cô vì đọc cuốn sách này thì cô cứ việc mách tại tôi xúi cô đến làm phiền cậu ấy. Hơn nữa, chẳng phải cô cũng muốn biết thêm kiến thức để sau này còn tiện hầu hạ cậu chủ sao?”

“Cậu Vân nói vậy cũng đúng…”

“Đúng là tốt rồi. Cô cứ nghe lời tôi, chắc chắn không sai đâu. Thôi, tôi còn có việc, không tới phiền cậu Dung nữa. Cô giúp tôi chuyển lời hỏi thăm đến cậu ấy.”

Tiết Vân Tần nói xong liền đi thẳng. Đoàn Tư Kỳ ôm cuốn sách, mấy giây sau mới nhớ ra còn chưa trả khăn tay cho người ta, liền vội vã đuổi theo. Nhưng nghĩ lại thì chẳng lẽ lại trả chiếc khăn tay bẩn thế này? Đúng là ứng với lời chê “ngốc không để đâu cho hết” của cậu chủ.

Đúng như lời nói của Tiết Vân Tần: “Nếu thấy cô đọc cuốn này, cậu chủ nhất định không thể khoanh tay đứng nhìn.”, khi thấy Đoàn Tư Kỳ ôm cuốn sách mới trở về, thiếu chút nữa là Đỗ Hoài Dung đã lấy chổi quét nàng ra khỏi nhà. Lúc ấy nàng mới vỡ lẽ, cuốn sách mà cậu Vân cho nàng mượn là sách cấm Kim Bình Mai[2], chả trách hắn dám chắc cậu chủ nhất định sẽ dạy dỗ nàng. May mà Tư Kỳ nhanh mồm nhanh miệng giải thích ngọn nguồn nên mới tránh được họa “tình ngay lý gian”. Sau chuyện này, cậu chủ Đỗ Hoài Dung vốn lạnh như băng lại đồng ý dạy học cho nàng thật. Nhưng không ngờ, cuốn sách đầu tiên cậu chủ đưa cho nàng đọc lại là Sử Ký[3]. Anh bảo muốn thông văn tất phải thông sử trước. Một nước mà không có lịch sử sao được gọi là một nước, người không có quá khứ thì sẽ không có tương lai. Muốn tư duy thông suốt mạch lạc thì đầu tiên phải hiểu sử sách. Bởi những lời dạy bảo ấy nên thời gian ngủ của Đoàn Tư Kỳ lại càng bị rút ngắn, nàng toàn tâm toàn ý tập trung đọc sách. Có điều “món Sử” này sao mà khó hiểu thế, thực khiến nàng lực bất tòng tâm.

Tối hôm trước, vì thức đêm biên tập lại lời thơ giúp nàng dễ đọc hơn nên bệnh cũ của Đỗ Hoài Dung lại tái phát, vì không muốn kinh dộng đến người nhà nên anh cứ gắng nhẫn nhịn chịu đựng. Buổi sáng, lúc bà Hai đến thăm bệnh, anh còn gượng vui, tránh làm trong nhà lại xôn xao. Chút thuốc giảm ho cuối cùng cũng đã uống hết, lúc ấy anh mới sai Tư Kỳ sang hiệu thuốc trong phủ lấy một ít mang về. Trước khi nàng đi, anh còn cẩn thận dặn dò: Tuyệt đối không được nói anh đã uống hết thuốc, chỉ cần nói lấy thêm thuốc về dự phòng là được. Tư Kỳ hiểu ý nên sau khi hầu hạ bữa trưa cho anh xong, nàng liền đến hiệu thuốc ở tiền viện.

[1] Ý Tiết Vân Tần muốn nói đến nhân vật Giả Bảo Ngọc trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.

[2] Tên đầy đủ là Kim Bình Mai từ thoại (Truyện kể có xen thi từ về Kim Bình Mai), là bộ tiểu thuyết dài gồm 100 hồi của tác giả Tiếu Tiếu Sinh, Trung Quốc. Nội dung truyện chủ yếu mô tả cuộc đời nhiều tội ác và trụy lạc của nhân vật Tây Môn Khánh. Tiểu thuyết này luôn bị coi là sách cấm dưới thời phong kiến và dân quốc.

[3] Cuốn sử của Tư Mã Thiên, được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN, ghi lại lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông sống.

Lúc đi ngang qua hoa viên, Tư Kỳ nhìn thấy cô gái phong tình lần trước bón nho cho cậu Vân trong đình. Cô gái mặc áo dài không tay bằng lụa màu khói nhạt, tất cả đường cong trên cơ thể lộ ra vô cùng gợi cảm, thêm vào đó là mái tóc uốn xoăn gợn sóng thời thượng, càng làm tôn thêm vẻ kiều mị. Có điều không thấy cậu Vân ở cạnh, nét mặt cô gái trông buồn buồn, cô ta đang uể oải cho cá vàng trong hồ ăn. Ngay cả khi lộ nửa bắp đùi trắng nõn như tuyết vì ngồi nghiêng trên thành lan can đá, cô gái cũng chẳng buồn để ý.

Tư Kỳ phân vân giây lát, không biết nên xưng hô như thế nào. Nàng thầm nghĩ, tuy cô ta là bạn gái của cậu Vân nhưng hai người vẫn chưa thành thân nên chưa được xếp danh phận, có điều nàng là phận hầu gái, có lẽ vẫn nên chạy tới vấn an thì hơn. Cô ta tên là Tiểu Cửu, chi bằng nàng cứ gọi là cô Tiểu Cửu.

Đúng lúc ấy, bà Ba và a hoàn Linh Nhi chuyên hầu hạ bà lại xuất hiện ở phía kia của hoa viên. Tình cờ, họ cũng đi tới hồ cá.

“Con chào bà Ba. Bà đi dạo hoa viên đấy ạ?” Đoàn Tư Kỳ vấn an.

“Ừm. Trong phòng bức bí, vô vị quá, ra ngoài vận động chân tay một chút cho thoải mái.” Bà Ba vung vẩy khăn tay lên xuống như thể đang tập thể dục thật rồi đưa lên che nắng, không quên liếc mắt nhìn ra phía hồ cá. Linh Nhi đứng cạnh quạt không ngớt tay, chỉ e bà bị nực.

Nói đến bà Ba, xuất thân của bà không được tốt lắm. Năm nay bà mới hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, so với bà Hai thì trẻ hơn nhiều. Tuy chẳng có gia đình thanh thế nhưng bà lại có sắc đẹp và tuổi trẻ bù lại, thêm vào đó là lời ăn tiếng nói khéo léo, ngọt ngào nên lão gia vô cùng sủng ái. Mọi người trong phủ tôn kính bà chẳng thua kém bà Hai chút nào.

“À phải rồi, dạo này Hoài Dung có được an khang không?” Bà Ba buột miệng hỏi nhưng mắt vẫn hướng về phía hồ cá.

“Vẫn ổn ạ. Cảm ơn bà Ba có lòng nhớ đến.”

“Đó là điều đương nhiên, dẫu sao ta cũng là mẹ của cậu Hai mà.” Bà Ba cười cười rồi đột nhiên quay sang hỏi: “Tư Kỳ, cô đã hứa gả cho ai chưa?”

“Chưa… chưa ạ. Con còn chưa nghĩ đến chuyện đó.” Tư Kỳ ngạc nhiên, lắc đầu quầy quậy.

Bà Ba thấy bộ dạng luống cuống của cô hầu gái, đột nhiên lại thấy thú vị nên cũng nhiều lời hơn.

“Con gái lớn thì phải lấy chồng, chứ mặt dày mày dạn bám riết lấy đàn ông, ăn nhờ ở đậu thì chẳng phải hạng chính chuyên. Ngay cả hai chữ “xấu hổ” cũng không hiểu thì người đàn ông nào không khinh thường cơ chứ? Tư Kỳ à, hình thức của cô cũng không tệ, nhưng phải biết giữ thân trong sạch, chớ đua đòi học theo thói xấu của người ta, nghe chưa?”

Nói đoạn, bà Ba sửa lại cổ áo cho Tư Kỳ một cách thân mật rồi tiếp tục chậm rãi nhả từng chữ: “Con gái tốt nhất vẫn nên có một tấm chồng, chứ cái kiểu duyên bèo nước tương phùng, già nhân ngãi non vợ chồng ấy à… chẳng được mấy nỗi đâu. Đàn ông mà thiếu đàn bà thì vẫn có thể tìm người đàn bà khác nhưng đàn bà mà bị đàn ông bỏ thì khác gì chiếc giày rách, còn thằng đàn ông tử tế nào thèm nhòm ngó đến nữa. Điều may mắn duy nhất e rằng chính là không phải làm gái già, cả đời chẳng được nếm mùi đàn ông thôi.”

Nói xong, bà Ba nhếch mép cười, dáng điệu quý phái kiêu sa, lời nói rõ ràng đang nhắm thẳng vào một người. Đến con ngốc cũng hiểu bà Ba đang bóng gió chỉ dâu mắng hoè. Có điều “dâu” người ta chẳng thèm đếm xỉa đến lời bà, còn phận “hoè” nàng đây thì đã đỏ mặt tía tai. Nàng lén nhìn trộm cô gái tên Tiểu Cửu phía đằng xa, thấy cô ta vẫn lặng im ngồi đó, mặt không hề biến sắc, tay vung vẩy chiếc khăn một cách buồn chán, tiếp tục cúi xuống hồ ngắm cá, dường như cô ta chẳng nghe thấy bà Ba nói gì. Không hiểu sao Tư Kỳ lại thở phào nhẹ nhõm.

Thái độ phớt lờ của Tiểu Cửu khiến bà Ba thấy vô vị, tát người mà người chẳng thèm kêu lấy một tiếng thì ai còn hứng thú giày vò tiếp nữa. Cuối cùng, bà Ba chỉ lạnh lùng hừ một tiếng rồi dẫn Linh Nhi ra khỏi hoa viên.

Có điều, nào ai biết vì sao Tiểu Cửu lại vẩy khăn tay. Chẳng qua cô muốn mượn chút gió để cố kìm nén dòng nước mắt đang dâng lên nơi khoé mắt thôi. Đây không phải nơi được phép rơi lệ. Cô phải đợi, đợi đến khi nhìn thấy bờ vai có thể cho mình ghé vào mà oà lên khóc thật thoải mái. Chỉ khi ở trong vòng tay hắn, cô mới có thể buông thả bản thân.

Cuối cùng… hắn cũng đến, dẫu khi ấy sắc trời đã bảng lảng.

“Sao thế? Mới đợi có một ngày mà đã dính lấy anh thế này à?” Tiết Vân Tần vừa bước vào cửa đã bị Tiểu Cửu ôm chặt, lòng biết rõ cô đang làm nũng nên Vân Tần cũng âu yếm ôm lấy eo cô. Hắn phát hiện cô quên đi giày, liền cố tình trêu: “Nếu anh không về thì chẳng lẽ em cứ chân trần ngồi đợi anh mãi sao?”

Tiểu Cửu gật đầu thật mạnh. Chỉ cần hắn chịu quay trở lại thì ngay cả khi đang khoả thân, cô cũng nhào vào hắn mà không hề do dự. “Em biết anh sẽ quay về. Muộn hơn nữa em cũng đợi. Muộn bao lâu đi nữa em cũng đợi.”

“Chẳng phải bây giờ anh đã về rồi đấy thôi? Đừng nũng nịu nữa.” Vân Tần nhẹ nhàng buông Tiểu Cửu ra, mệt mỏi cởi áo khoác.

Tiểu Cửu ngây người nhìn chằm chằm vào bóng lưng của hắn, không chịu rời chân nửa bước. Nghĩ đến những lời sỉ nhục của bà Ba ban sáng, nhớ đến những lời nguyền rủa độc địa, cô bỗng thấy sợ, cô sợ có ngày những lời nguyền rủa ấy sẽ trở thành sự thực, cô càng sợ khuôn ngực ấm áp kia sẽ có ngày biến thành bóng lưng lạnh lẽo. Cô sợ, bởi cô không được phép thua.

“Vân Tần, anh có yêu em không?” Trước đây, cô rất sợ hỏi câu này, sợ vô cùng, nhưng bây giờ cô không thể không hỏi.

“Sao phải hỏi những câu vô nghĩa như vậy? Cả ngày hôm nay không gặp anh, không thấy nhớ sao?” Vân Tần ghét nhất bị con gái hỏi câu đó, hắn vỗ nhẹ vào má cô rồi kéo cô ngồi xuống cạnh giường, không ngờ Tiểu Cửu đẩy tay hắn ra, cương quyết hỏi đến cùng: “Anh vẫn chưa trả lời em. Anh có yêu em không? Sau này anh có chán ghét mà bỏ em không?”

“Em biết rồi còn hỏi.” Tiết Vân Tần cười nhẹ, giọng dịu dàng đến nỗi khiến Tiểu Cửu le lói tia hi vọng, cô gật đầu đầy khẳng định.

Tiết Vân Tần mê mải vuốt ve xương quai xanh của cô. Đây là phần hấp dẫn hắn nhất trên cơ thể phụ nữ và hắn cũng quen sử dụng cách này để giao tiếp với họ. Không thể phủ nhận Tiểu Cửu đúng là một cô gái đẹp, ở cô hội tụ đầy đủ mọi bản lĩnh để hấp dẫn và níu giữ chân đàn ông, bởi vậy dù cô đã hỏi những câu mà hắn vô cùng kiêng kị nhưng Tiết Vân Tần vẫn cười rạng rỡ, thậm chí còn rạng rỡ hơn cả vầng mặt trời.

“Tiểu Cửu, em theo anh bao lâu rồi nhỉ?”

“Ba tháng năm ngày.”

Tiểu Cửu trả lời ngay lập tức như thể không cần suy nghĩ giây nào. Mỗi ngày ở bên hắn, cô đều khắc cốt ghi tâm, nhớ không thiếu ngày nào. Câu trả lời của cô khiến Tiết Vân Tần rất hài lòng. Hắn nắm tay cô rồi kéo bàn tay đó áp chặt vào má mình, xoa nhẹ. “Khi nãy em hỏi anh có yêu em không, liệu sau này có bỏ em không, giờ anh sẽ nói cho em biết, anh không cần tình yêu. Ngày thứ sáu sau hai hay ba tháng năm ngày gì đó, có thể anh sẽ bỏ em.”

Tiết Vân Tần cười, điệu cười thoáng nét đa tình. Đây chính là đáp án mà Tiểu Cửu hằng đeo đuổi bấy lâu. Cô không hiểu, thực sự không hiểu vì sao khi thốt ra những lời tuyệt tình ấy mà nụ cười trên gương mặt hắn vẫn có thể đẹp đến thế, vô tội đến thế. Lẽ nào hắn không sao thật ư? Nếu có thể, nếu được phép, Tiểu Cửu thực sự rất muốn nhìn trộm xem đáy lòng hắn có chứa hình bóng mình hay không, cô càng muốn hét lên một câu thật to, hỏi hắn rằng: “Thế rốt cuộc quan hệ giữa chúng ta là gì?”

Nhưng cô không còn cơ hội để hỏi, mà cũng không muốn hỏi nữa, cô để mặc hắn nằm lên đùi mình với nét mặt thản nhiên. Hắn tinh nghịch hôn nhẹ vào những ngón tay thon dài của cô, từng ngón… từng ngón… Dẫu sao hắn cũng không nhìn thấy nước mắt của cô, không thể hiểu được nỗi tuyệt vọng đang thét gào trong lòng cô. Hắn của giờ phút này vẫn cười cười trêu chọc cô như thường ngày: “Tiểu Cửu, anh muốn ăn nho. Không phải nho em bón thì anh không ăn đâu.”

Tiểu Cửu cười dịu dàng, khuôn mặt phảng phất nét thê lương, khóe mắt ngân ngấn lệ. Cô run run hỏi: “Thế khi em không có ở đây, anh có ăn nho người khác bón không?”

Tiết Vân Tần cười, đáp: “Anh nói rồi mà, không phải em bón, anh nhất định không ăn.”

“Được. Để em rửa nho rồi bón cho anh. Từ nay về sau, phải dành cho em một khoảnh nho nhỏ trong trái tim anh đấy.”

“Ừm, chắc chắn rồi.” Tiết Vân Tần vội hứa, lòng hi vọng đây là lần cuối cùng cô nhắc đến chuyện này.