Như Hoa Như Sương Lại Như Gió

Chương 9: Tội vô vi



Nàng nên đi đâu bây giờ? Tư Kỳ ngẩng đầu nhìn về phía trước, ven đường cái, ngựa xe đi lại như mắc cửi, có một ông lão đang quẩy gánh hàng rong, vui vẻ cất cao giọng đọc một bài thơ tự do tiễn hoàng hôn vàng vọt cuối ngày. Tiếng đọc thơ bất giác như giục giã bước chân người mau chóng trở về nhà, lắng mình thưởng thức bữa cơm tối nóng hổi.

Ở đầu ngõ gần con phố có một xe đẩy bán đồ ăn khuya đã bày biện sẵn sàng. Nào là mì lạnh, miến lạnh, canh bánh trôi quế hoa rắc tiêu và cả sủi cảo chiên bán thừa từ ban ngày. Giá bán buổi tối rẻ chỉ bằng nửa so với ban ngày. Những người bận rộn giải quyết nốt công chuyện, chưa kịp về nhà có thể lao đến quầy, xuýt xoa gọi ông chủ múc cho một bát mì ăn cho ấm bụng. Mùi thức ăn bay theo làn gió khiến cả con ngõ sực nức mùi thơm, mê hoặc khách đi đường, khiến họ không cưỡng lại được, chẳng khác nào một gã đàn ông đang khát tình thì chợt nhìn thấy một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp vẫy tay mời gọi, anh ta sẽ ngấu nghiến tham lam ăn cho đã bất kể ba bảy hai mốt gì.

Tư Kỳ cũng ngửi thấy mùi thơm, nhưng nàng vẫn cúi đầu trốn đi chỗ khác như thể chẳng ngửi thấy gì. Bây giờ thất nghiệp, trong túi chỉ còn chút tiền lương mà phủ họ Đỗ mới trả, nàng đâu còn mặt mũi nào trở về nhà nói với người mẹ vất vả đến khắc khổ của mình rằng nàng đã bị đuổi khỏi phủ một cách tủi hổ đến mức nào. Trong nhà còn bao nhiêu việc khiến mẹ nàng lao tâm khổ tứ, bà không thể gánh thêm những phiền lo mới nữa. Nhất là hễ nghĩ đến những lời nhục mạ ép người ta đến đường cùng của Đinh Thục Phương, nàng lại càng không muốn về nhà, không muốn để mẹ phải nhìn thấy.

Bên đường có mấy phu xe đang ngồi xổm đợi khách, trong đó có một tay trông rất mồm mép cứ lân la đến chỗ nàng mời chào rất nhiệt tình. Tư Kỳ không đếm xỉa đến gã, chỉ chăm chăm bước đi. Cuối cùng, nàng vẫn bị gã bám theo. Nghĩ mình chẳng có nơi nào muốn đến, Tư Kỳ buột miệng hỏi gã: “Tới đường Yên Chi bao nhiêu tiền?”

“Ba đồng.” Tay phu xe giơ ba ngón tay lên ra hiệu.

Thấy chỉ mất có ba đồng, nàng liền đồng ý. Dọc đường, nàng gặp mấy chiếc xe kéo, những vị khách ngồi trên xe không thắt cà vạt thì cũng mặc áo dài, người nào người nấy trưng ra vẻ mặt ngạo mạn, kiêu kì. Tư Kỳ cố gắng ưỡn thẳng lưng như muốn giành lại thứ gì đó, kết quả, nước mắt lại bắt đầu hoen mi. Quạ cuối cùng vẫn chỉ là quạ, làm sao biến thành phượng hoàng được? Nàng ôm mấy cuốn sách, ép chặt vào ngực, mặc kệ nước mắt không ngừng tuôn rơi.

Trong lúc mơ hồ, Tư Kỳ ngước mắt nhìn con đường phía trước và kinh ngạc nhận ra trước mắt là một con ngõ vuông vắn hoàn toàn xa lạ chứ không phải đường Yên Chi. Nàng cuống quýt hét gọi phu xe dừng lại, nhưng gã ta lại cười hềnh hệch đầy vẻ gian xảo. Bàn tay thô kệch của gã chìa về phía nàng, không phải muốn xin tiền mà đòi tiền.

“Đưa tiền xe đây!” Gã nói.

Đoàn Tư Kỳ nhảy xuống khỏi xe, vội vàng lùi về phía sau, nói: “Đây có phải đường Yên Chi đâu sao tôi phải trả anh tiền?”

“Định ăn quỵt hả?” Tay phu xe ngoác miệng cười, mười phần chắc chín là muốn ”thịt” nàng. Rồi gã nói tiếp: “Ngõ Cổ Lâu Động năm ngoái toàn người chết vì bệnh phong, mãi đến giờ vẫn chả có mống nào dám đến ở, họ chê lắm ma. Hôm nay, nếu cô không đưa tiền cho tôi thì cứ ngồi đây mà đợi oan hồn đến đòi mạng.”

“Đây ... đây là ngõ Cổ Lâu Động sao?” Tư Kỳ hốt hoảng hỏi.

Tay phu xe càng đắc ý. “Không phải nó thì đâu? Nếu cô còn không trả, tôi sẽ hét toáng lên, gọi anh em ở Tiểu Kim Đường ra cho họ xé tan xé nát cô ra thì thôi. Bây giờ chỗ này phạm vi thế lực của Tiểu Kim Đường. Cô không muốn tự đâm đầu vào chỗ chết đấy chứ? Mà biết đâu số cô lại đỏ hơn tôi tưởng, được bọn họ đưa vào nhà thổ “lao động” mấy năm ấy chứ. Tôi đếm đến ba, nếu không nôn tiền ra, tôi sẽ gọi bọn họ.”

“Anh ... Anh là đồ ăn cướp! Không ngờ chỉ vì ba đồng mà dám ngang nhiên cướp giật giữa phố. Anh không sợ ngồi tù ư?”

“Hừ ... Mày còn lắm mồm nữa, tao sẽ lập tức tiễn mày đi gặp Diêm Vương, tha hồ mà tố cáo. Mày có đưa hay không hả?” Tay phu xe mặt đỏ gay, định động thủ thật.

Không còn cách nào khác, Tư Kỳ đành lần giở tiền trong túi. Nào ngờ tay phu xe lái quát lên: “Nhớ cho kĩ! Ba đồng đại dương đấy. Không được thiếu nửa xu.”

“Ba đồng đại dương? Rõ ràng anh bảo chỉ ba đồng lẻ thôi mà.”

“Tao cũng nói rất rõ ràng rằng chỉ đưa mày đến đường Yên Chi, nhưng đây có phải đường Yên Chi không hả? Đừng lèm bèm nữa, mau nôn tiền ra đây!”

Thì ra tay phu xe này đã âm mưu từ trước, giờ Tư Kỳ có hối hận cũng chẳng thế cứu vãn được nữa, nàng đành ngậm đắng nuốt cay móc tiền ra. Chẳng ngờ, tay phu xe không kiên nhẫn đợi thêm một giây đã thò tay cướp luôn túi tiền của nàng. Nàng vừa phản kháng liền bị gã hung hăng đẩy một cái, ngã dúi dụi xuống đất. Cuối cùng, gã cướp sạch của nả của nàng rồi chạy mất tăm mất dạng.

Tư Kỳ phẫn nộ đến nghẹn ngào, nàng quệt nước mắt đứng dậy, thấy trời đã nhá nhem mà chẳng biết làm cách nào để ra khỏi con ngõ vuông vắn nhưng ngoằn ngoèo này. Nàng vừa tức giận, vừa lo sợ, thế là mọi uất ức gặp phải từ trước đến giờ liền trào dâng. Nàng co ro trong góc tường, ôm mặt khóc nức nở. Khi nàng khóc đến mệt lả cũng là lúc trời đã tối.

Tư Kỳ nuốt nước mắt, nhặt mấy cuốn sách rơi vung vãi trên mặt đất lên, lấy hết can đảm đi về phía con ngõ xa lạ nơi gã phu xe mất hút. Quả nhiên ở đây chẳng hề có người ở, khắp con ngõ nhỏ hẹp bốc mùi hôi thối khó ngửi, chẳng rõ là mùi chuột chết hay mùi người chết bị hoại tử. Nàng khẽ khịt mũi, khoé mắt vẫn đẫm lệ khiến tầm nhìn càng trở lên mơ hồ. Nàng chợt nảy sinh ảo giác bức tường xanh phủ đầy rong rêu trước mặt chính là tấm lưới đen khổng lồ đang đợi nàng tự chui đầu vào. Cảm giác rùng rợn bất giác xâm chiếm cơ thể, dường như trong bóng tối có hai bàn tay vô hình đang từng bước ... từng bước ... tiến về phía nàng. Tư Kỳ bắt đầu hoảng loạn chẳng khác nào con ruồi cụt đầu tìm đường thoát thân. Khi ngón tay nàng vô tình chạm vào thảm rêu xanh nhầy nhụa và giá buốt trên bức tường thì cơn ớn lạnh càng lúc càng mãnh liệt, lạnh đến rợn tóc gáy. Nàng sắp không thể chống đỡ nổi nữa...

Bỗng ở đầu một con ngõ khác loé lên một đốm sáng. Đốm sáng màu đỏ lờ nhờ, không rõ lắm, cứ lập loè lúc sáng, lúc tối. Tư Kỳ sợ đến tê dại, lập tức dừng bước theo phản xạ, nàng sợ đó chính là ánh lửa ma trơi mà người già vẫn thường kể. Nhưng nghĩ lại, biết đâu đó chính là tia hi vọng sống sót của nàng? Nếu phía trước là người thì chẳng phải nàng có thể thoát khỏi con ngõ chật hẹp chứa đầy oán khí này sao? Thế là nàng thu hết dũng khí, cuống quýt đi về phía phát ra ánh sáng.

Đến gần, Tư Kỳ nhìn thấy giữa ngõ có một người đàn ông đang cầm diêm, hươ qua hươ lại. Dưới chân anh ta có một người khác đang nằm vật ra đất. Đốm sáng nhỏ nhoi màu đỏ mà nàng nhìn thấy chính là ánh sáng phát ra từ que diêm đang cháy trên tay anh ta. Có điều anh ta không dùng que diêm để soi đường mà để bắn vào mặt người khác. Tư Kỳ chỉ thấy anh ta búng ngón trỏ, thế là từng vệt sáng dài nối tiếp nhau bay vèo vèo về phía mặt của người đàn ông đang nằm dưới đất. Khuôn mặt người đó đầm đìa máu. Người đàn ông nọ không cam tâm, lớn tiếng mắng chửi: “Thì ra ... thì ra ... người lập mưu cướp bang chính là ngươi. Thiên Thiềm, ngươi ... ngươi là tên phản đồ. Không ngờ người dám phản bội Hiệu trưởng. Ngươi ... ngươi ... sẽ phải chịu ...”

Người đàn ông đó dốc toàn lực để thốt ra lời nguyền cuối cùng trong cuộc đời mình một cách hoàn chỉnh, đáng tiếc anh ta không được thoả nguyện, vì sau khi vệt lửa cuối cùng tắt rụi thì một viên đạn thô bạo đã găm vào đầu anh ta, thổi tắt nốt chút sinh khí còn tồn tại trong cơ thể. Anh ta đã chết. Ôm hận mà lìa đời.

Là kẻ thứ ba, Đoàn Tư Kỳ đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng thảm khốc nhất, một sinh mệnh buộc phải ngậm oan về nơi chín suối trước khi Diêm Vương cầm sổ chính thức điểm danh. Khoảnh khắc ấy, nàng sững sờ vì kinh sợ, đứng thần người ra như bị trúng tà. Không thốt lên tiếng nào, cũng không gào thét. Mấy cuốn sách trong lòng rơi xuống đất, phát ra tiếng “bịch” nghe rõ mồn một giữa đêm đen yên ắng.

Người đàn ông kia nghe thấy phía sau có tiếng động liền quay phắt người lại, họng súng phẫn nộ chĩa thẳng về phía vị khách không mời. Tư Kỳ không nhìn rõ khuôn mặt của hắn, nhưng không phải vì ánh sáng quá mờ mà là vì cặp kính đen tren sống mũi hắn. Cặp kính toát lên vẻ lạnh giá chẳng khác gì khẩu súng trong tay hắn.

“Đoàng!” Súng nổ. Tư Kỳ ngã gục.

Vào giây phút đó, nàng tưởng mình đã cận kề cái chết, mặc dù giờ đây nàng vẫn đang bình an vô sự ngồi ngay ngắn trong phòng tuần bổ nhưng vẫn chưa thể tin rằng mình đã đi lướt qua vai thần Chết.

Nàng sờ trán, vết thương ngâm ngẩm đau. Đó là vết thương do nàng ngã đập đầu xuống đất lúc ngất đi chứ không phải do súng đạn. Bây giờ, nàng là nghi phạm duy nhất xuất hiện tại hiện trường vụ án nên buộc phải chấp nhận cuộc thẩm vấn của đội trưởng đội tuần bổ của quận. May mà tuần bổ phụ trách thẩm phấm nàng lại chính là Tiêu Vân Thành, viên cảnh sát từng ghi chép lời khai của nàng và mẹ lần trước.

Tiêu Vân Thành sửa lại đoạn ghi chép trước mặt rồi hỏi: “Ban đầu cô nói là vị lạc đường nên mới vô tình chứng kiến cảnh nạn nhân bị sát hại, đúng không?”

“Vâng, vâng.” Tư Kỳ cuống quýt gật đầu, người vẫn run rẩy không sao kiểm soát nổi. “Vì tôi không thuộc đường nên bị đi lạc, chẳng ngờ lại bắt gặp cảnh giết người đó.”

“Cô nghe nạn nhân gọi hung thủ là Thiên Thiềm sao?”

“Đúng vậy. Hình như là cái tên này. Sau đó, anh ta chưa nói xong đã bị người kia dùng súng bắn chết.”

“Thế cô chỉ nhìn thấy hung thủ đeo cặp kính đen chứ không có đặc điểm nào nổi bật khác sao?”

“Không có...” Nàng cố gắng lục lọi chút kí ức còn sót lại cuối cùng ngơ ngác lắc đầu. Trong trí nhớ của nàng, chỉ lưu lại duy nhất hình ảnh cặp kính đen khiến mình lạnh hết cả sống lưng, còn những thứ khác nàng không thể nào nhớ nổi.

Tiêu Vân Thành nhìn nàng chằm chằm, như thể không bỏ qua bất kì biến đổi nào trong tâm trạng cô gái đang ngồi trước mặt. Sau đó, anh ta nói tiếp: “Thế sau khi hung thủ nghe thấy tiếng sách của cô rơi xuống đất, hắn mới phát hiện ra cô sao?”

Đoàn Tư Kỳ gật đầu như một cái máy.

Đột nhiên, Tiêu Vân Thành trầm giọng hỏi nàng một câu, giọng điệu sặc mùi chất vấn: “Nhưng ở hiện trường chỉ có dấu chân của một người. Chúng tôi hoàn toàn không phát hiện thấy que diêm mà cô nói và cả vỏ đạn bắn vào cô nữa. Mà theo như cô nói thì những vật ấy chỉ nằm trong phạm vi một mét quanh nạn nhân. Tuy hoàn toàn có thể xảy ra khả năng hung thủ kéo cô đến gần xác chết và các chứng cứ phạm tội đều đã bị tiêu huỷ nhưng căn cứ vào các manh mối hiện có thì cô vẫn bị nghi ngờ ở một mức độ nhất định. Có điều ...” Anh ta dừng lại một lát, tựa hồ muốn thương lượng với nàng. “Nếu có người bảo lãnh thì cô có thể bình an vô sự.”

“Bảo lãnh ư?” Tư Kỳ không hiểu.

“Nghĩa là được người nhà hoặc bạn bè nộp tiền bảo lãnh, chỉ cần như vậy là cô có thể tạm thời về nhà, khi nào cần thiết chúng tôi sẽ gọi cô đến phòng tuần bổ.”

Nói thẳng ra như thế khiến Tư Kỳ cảm thấy an tâm phần nào, nàng đã không còn run rẩy nữa. Nỗi sợ hãi vô hình còn sót lại trong lòng lập tức bị chữ “tiền” xoá nhạt. Giờ đây, nàng đã bị người ta cướp sạch sành sanh, ngoại trừ túi quần áo và sách ra thì làm gì còn tiền để mà nộp phí bảo lãnh. Huống hồ, nàng đâu dám kinh động đến mẹ, nhà nàng bây giờ cũng vô cùng khó khăn.

Suy đi tính lại, Tư Kỳ đành mặt dày nhờ cậy Tiết Vân Tần. Nàng nói: “Anh cảnh sát, tôi gọi nhờ điện thoại được không ạ? Tôi muốn tìm người bảo lãnh cho mình.”

“Được thôi. Đưa số điện thoại của người nhà cô cho tôi.” Tiêu Vân Thành đáp.

Tư Kỳ mở túi quần áo, lấy ra tờ danh thiếp hơi nhăn nhúm, đưa cho Tiêu Vân Thành. Anh ta liếc một cái rồi nhíu mày lẩm bẩm một mình: “Tiết Vân Tần?”

“Vâng. Anh ấy làm việc ở Uỷ ban thành phố.”

“Được. Cô chờ chút.” Tiêu Vân Thành gọi đồng nghiệp đến trông chừng Tư Kỳ, còn mình thì đứng dậy, bước tới phòng điện đàm liên lạc với người bảo lãnh của nàng.

Chẳng bao lâu sau, Tiết Vân Tần đã đến. Trông hắn hôm nay rất chín chắn và đĩnh đạc, hoàn toàn khác với hình ảnh cậu Vân phóng túng, cợt nhả mà Tư Kỳ thường thấy khi ở nhà. Đó là lần đầu tiên nàng trông thấy hắn chỉn chu trong bộ vest, tôn lên vẻ hiên ngang, phóng khoáng và thần thái tự tin. Qua vài lời chào hỏi với đội trưởng đội tuần tuần bổ, ngay cả tiền bảo lãnh Tư Kỳ cũng không cần nộp. Tiết Vân Tần cảm ơn mấy viên tuần bổ rồi dắt nàng rời khỏi đó.

Trên đường đi, Tư Kỳ chẳng biết phải mở lời thế nào với Tiết Vân Tần, món nợ ân tình này biết bao giờ nàng mới có thể trả được cho hắn? Ngẫm nghĩ hồi lâu, nàng mới nặn ra được mấy lời cảm ơn nghe tương đối ổn. “Cậu Vân ...”

Nàng vừa mở miệng thì Tiết Vân Tần đã ngắt lời: “Đừng suốt ngày cậu này cậu nọ nữa, cứ gọi tên tôi là được rồi.”

“Sao lại thế được? Hôm nay tôi phải trịnh trọng nói lời cảm ơn cậu mới phải.” Đoàn Tư Kỳ bước tới trước mặt Tiết Vân Tần, cúi gập lưng cảm tạ. ”Trước đây, tôi luôn cảm thấy cậu là người không đứng đắn, lúc nào cũng thầm mắng cậu, nhưng hôm nay, cậu lại vì một người chỉ quen biết sơ sơ mà chạy tới phòng tuần bổ giơ tay cứu giúp. Chắc chắn ở phòng tuần bổ, cậu cũng phải mang nợ người ta. Tôi rất hiểu đạo lý: “Bạc vàng dễ trả, tình nghĩa khó đáp đền”, không biết sau này tôi có thể làm gì giúp cậu, cũng chẳng có thứ gì quý giá để báo đáp, nhưng tôi nhất định ghi nhớ rằng lúc mình gặp khó khăn nhất, cậu đã cứu tôi. Kiểu gì cũng có một ngày, tôi sẽ cảm tại cậu đàng hoàng, để không uổng công cậu phải vì tôi và vất vả chuyến này.” Lúc ngẩng đầu lên, hai mắt Tư Kỳ đã đong đầy lệ, nghẹn ngào không nói nên lời.

Tiết Vân Tần lặng lẽ nhìn nàng nhưng không hề có ý khuyên nhủ. Rốt cuộc trên đời này, nợ ân tình là món nợ đắt đỏ nhất, thậm chí có người còn phải dùng cả tính mạng để hoàn trả. Tuy hắn không cần báo đáp nhưng sẽ ghi nhớ những lời này của nàng.

“Đi thôi.” Nói rồi, Tiết Vân Tần tiện tay cầm luôn cái tay nải và mấy cuốn sách của nàng như thể chưa từng nghe thấy những lời tâm huyết đầy xúc động ấy. Hắn càng như vậy, Tư Kỳ càng thấy áy này, suốt dọc đường, chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ lẳng lặng đi bên nhau.

Gần sáng, các khu vực trong thành đều bị phong toả, không cho mọi người tuỳ tiện ra vào. May mà căn hộ của Tiết Vân Tần cách phòng tuần bổ không xa lắm nên hắn đã chủ động đề nghị Tư Kỳ ở tạm nhà hắn một đêm, mai hẵng tính tiếp. Lúc đầu nàng còn lắc đầu quầy quậy nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng đâu còn chốn nào dung thân, thế là nàng đành miễn cưỡng đồng ý với vẻ đầy ngượng ngùng. Đã đồng ý rồi mà đi đến cửa, nàng lại chôn chân một chỗ không nhúc nhích.

“Hay thôi, tôi không đến nhà cậu nữa đâu, ngộ nhỡ cô Tiểu Cửu biết lại không vui.” Trên đường, nàng cứ đau đáu mãi chuyện này. Nếu chạm mặt Tiểu Cửu trong tình huống này, chẳng phải sẽ ngại ngùng lắm sao?

Tiết Vân Tần liếc mắt nhìn nàng, lơ đễnh trả lời: “Cô ấy không có ở đây.” Ngữ điệu bình thản như thể hắn đang trả lời một vấn đề hoàn toàn không liên quan đến mình.

Mở cửa xong, hắn đi thẳng vào nhà rồi nói vọng ra ngoài thông qua vách tường: “Cô còn không vào sao? Định đứng đó làm thần giữ cửa đấy à?”

Tư Kỳ do dự ngó nghiêng xung quanh, sau khi đã chắc chắn không có bóng dáng của Tiểu Cửu, nàng mới rón rén bước vào. Không ngờ đồ đạc trong nhà Tiết Vân Tần lại đơn sơ đến thế, chẳng giống nơi ở của một cậu chủ nhà giàu chút nào. Bốn bức tường trống trải không hề có đồ trang trí, ngay cả chiếc đèn treo trên trần cũng chỉ là loại đèn thông dụng. Nàng thấp thỏm bước tới ghế xô pha, phát hiện nó khá cũ kĩ. Nhà cửa bài trí sơ sài thế này, chẳng trách cô Tiểu Cửu không thèm ở.

“Ngồi đi. Cứ tự nhiên nhé.” Tiết Vân Tần chỉ vào ghế xô pha, tỏ ý bảo nàng ngồi xuống rồi quay người đi vào bếp, rót hai cốc nước nóng, đưa cho nàng một cốc.

Tư Kỳ đón lấy cốc nước, đưa lên miệng thổi cho nguội bớt. Hơi nước nghi ngút vương vào lông mi, khiến hai bờ mi giăng mắc một màn sương mỏng, trông chẳng khác gì một đôi cánh treo trên mắt, hấp háy chực bay, trông vô cùng sinh động. Tiết Vân Tần bất giác ngắm trộm hồi lâu, sau đó nhanh chóng thu ánh mắt về rồi hỏi han đầu đuôi câu chuyện.

Mang tâm lý cảm kích và muốn báo đáp nên Tư Kỳ rất thành thực kể lại mọi chuyện xảy ra trong mấy ngày hôm nay cho hắn nghe, ngay cả nguyên do bị đuổi khỏi phủ họ Đỗ nàng cũng không giấu giếm. Tiết Vân Tần yên lặng ngồi nghe như lão tăng ngồi thiền định. Khi Tư Kỳ kể xong, hắn vẫn còn trầm tư không nói.

Chiếc đồng hồ treo tường phát ra tiếng tích tắc, tích tắc. Trong không gian im ắng đến tuyệt đối này, đó là tiếng động ồn ào điếc tai nhất. Kể lại chuyện cho Tiết Vân Tần nghe đồng thời cũng khơi dậy nỗi sợ hãi mà nàng vừa trải qua, hai tay nàng nắm chặt ly trà, đến lúc ấy mới phát hiện nước đã nguội tự bao giờ. Ngoái đầu nhìn về phía sau, Tư Kỳ thấy rèm cửa sổ bị gió thổi phồng lên trông rất giống bong bóng nước được nhả ra từ miệng con cá vàng, không ngừng phình ra... rồi đột ngột nổ tung, phồng lên rồi lại thả xuống như cũ, tạo ra những con sóng nhẹ. Nàng vô thức thấy rợn sống lưng, lẩm bẩm một mình: “Không hiểu vị sao hắn ta lại không giết tôi...” Theo ký mà nói thì nhất định nàng sẽ bị hắn giết người diệt khẩu, nhưng rõ ràng giờ này nàng vẫn bình an vô sự.

Tiết Vân Tần hoàn toàn tán thành nhận định của nàng nói: “Tôi cũng nghĩ như vậy. Có điều tôi đoán nhiều khả năng là người ta chê giết cô chỉ tổ lãng phí đạn.” Hắn không mở miệng thì thôi, hễ nói câu nào là câu nấy khiến người chết cũng phải sống dậy. Tư Kỳ biết hắn độc mồm độc miệng nên cũng không thèm để bụng.

Đúng lúc đó, chuông đồng hồ chợt điểm ba tiếng, thì ra đã gần sáng. Tiết Vân Tần uể oải đứng dậy, nói: “Thôi đã không còn sớm nữa, cô ngủ tạm ở phòng tôi một đêm, còn tôi bao trọn gói phòng khách này.”

Nói rồi, hắn ôm đồ đạc của Tư Kỳ lên và dẫn nàng vào phòng ngủ của mình. Cũng giống phòng khách, phòng ngủ được bài trí rất đơn giản, chỉ có cái giá sách là tương đối bệ vệ và chiếm nhiều diện tích khiến căn phòng cũng đỡ trống trải hơn. Tư Kỳ không sao ngủ nổi, dù sao đây cũng là lần đầu tiên nàng tá túc ở nhà đàn ông nên trong lòng cứ thấy thấp thỏm không yên. Nghĩ ngợi lung tung mãi đến bốn giờ, nàng mới chợp mắt. Sáu giờ sáng, nàng bật dậy theo thói quen rồi bần thần nhận ra mình không còn ở phủ nữa.

Lúc Tiết Vân Tần từ thành uỷ về nhà là đã gần giữa trưa. Vì cả đêm mất ngủ nên đến lúc đó Tư Kỳ mới tỉnh dậy. Nàng chải đầu qua quýt rồi cùng hắn ra khỏi nhà. Nàng vốn định về thẳng nhà nhưng cuối cùng lại được hắn mời đi dùng cơm ở nhà hàng Tiểu Thuận Hi. Hai người đến đúng giờ cơm trưa nên nhà hàng rất đông khách, chỉ còn sót chiếc bàn cạnh cửa ra vào. Để tránh phải ăn cùng bàn với người khác, Tiết Vân Tần đã bao toàn bộ số ghế còn lại, sau đó gọi mấy món đặc sản của nhà hàng và vài món điểm tâm nổi tiếng.

Tuy chưa bao giờ dùng cơm ở đây nhưng ba năm trước, Tư Kỳ đã từng đến đây một lần. Lần ấy, mẹ bắt nàng đến các nhà hàng, quán rượu xin cơm thừa, mang về nhà ngâm nước, phơi khô để làm lương khô ăn cho đỡ đói. Kết quả, vừa bước vào nàng đã bị người ta đuổi thẳng cổ. Chỉ có một chàng trai không chễ giễu nàng, anh ta mặc một bộ đồng phục sinh viên màu đen, khuôn mặt điển trai, chính trực. Anh ta đã cúi xuống an ủi nàng với nụ cười vô cùng ấm áp và dịu dàng hỏi: “Cô bé, em xin cơm thừa canh cặn làm gì? Ăn cơm thiu sẽ bị đau bụng đấy.” Sau đó, anh ta bảo chủ quán xúc cho nàng một chậu gạo đầy ấm áp. Thực ra, điều khiến nàng cảm động không phải xin được đồ ăn mà là sự tôn trọng và đối xử bình đẳng của người con trai ấy với mình.

“Cá hấp Vũ Xương, canh miến gà, tôm chiên là những món nổi tiếng ở đây. Cô thử ăn mà xem. Tôi còn gọi cả ít thạch quế hoa và bánh râu rồng nữa. Hai món này cô cũng nên nếm thử, lát nữa gọi thêm một ít mang về.” Tiếng nói của Tiết Vân Tần cắt đứt dòng suy tưởng của Tư Kỳ. Hắn ân cần giới thiệu từng món với nàng, đồng thời không quên giục nhà hàng mau mau chế biến. Tư Kỳ thầm cảm kích nhưng không muốn mang nợ hắn quá nhiều, bèn từ chối khéo: “Cậu khách sáo thế làm gì, gọi đại vài món là được rồi mà. Chúng ta chỉ có hai miệng ăn, làm sao giải quyết hết ngần này thức ăn? Huống hồ tôi có phải lợn đầu thai đâu mà có tám cái dạ dày để nhét cho vừa!”

Tiết Vân Tần rút đũa đặt vào tay nàng, mỉm cười, nói: “Tôi cũng có định vỗ béo cho lợn đâu, chỉ muốn vỗ béo cô bé gầy đến đáng thương này thôi. Đã đến đây rồi thì cứ yên trí, cô chỉ cần mang miệng đến ăn, ngộ nhỡ không đủ tiền thì tôi ở lại gán nợ là được chứ gì?”

Tư Kỳ bật cười, đành cẩm đũa lên, nói: “Cậu Vân...” Lời đã thốt ra khỏi miệng nàng mới biết mình lỡ lời, thấy Tiết Vân Tần lắc đầu nửa cười nửa không, nàng vội vàng thay đổi cách xưng hô: “Mỗi lần cậu nói chuyện đều làm người khác phải méo miệng vì cười. Thế này thì biết đến bao giờ tôi mới hết nợ nần cậu đây?”

“Vậy để tôi tính lãi ngày cho cô đỡ áy náy nhé!” Tiết Vân Tần nhấp một ngụm trà hoa cúc, đúng lúc món dạ dày lợn xào xì dầu được bưng lên và đặt cạnh tay Tư Kỳ. Hắn liền gắp một miếng đặt vào bát của nàng. Tư Kỳ vội vàng cảm ơn rồi đẩy đĩa thức ăn về phía hắn. Hắn không đẩy đi đẩy lại nữa mà chuyển sang chuyện khác.

“Chiều nay cô về nhà hả?” Tiết Vân Tần hỏi.

“Vâng. Cũng không thể làm phiền cậu mãi. Nếu không gặp phải chuyện này, tôi còn định kiếm đại một nơi nào đó ở tạm, đợi khi tìm được công việc mới hẵng về nhà. Nhưng giờ thì không được nữa rồi.”

“Nếu có một tiệm may đang tuyển thợ thì cô có muốn đến đó làm không?”

“Nếu có thật thì chắc chắn tôi sẽ đi!” Nàng đáp ngay không chút đắn đo.

“Thế thì ăn cơm đi đã.” Các món đều đã được bưng lên hết, Tiết Vân Tần đột ngột chuyển đề tài khiến Tư Kỳ cụt hứng, đành phải ăn cơm. Nàng nghĩ thầm mình đã mừng hụt rồi, chắc hắn chỉ muốn trêu đùa thôi nên không nghĩ ngợi lung tung nữa.

Đúng lúc đó, nhà hàng có khách. “Ông chủ Dương, điểm tâm hôm qua nhà tôi đặt đã làm xong chưa? Cậu chủ nhà tôi không rảnh nên sai tôi đến lấy?”

“Ồ ... Quản gia Vương đến đấy à? Xin mời vào đây ngồi một lát đã. Khang thiếu cũng thật là ... Vừa mới về nước có mấy ngày mà đã bận rộn thế sao?” Chủ nhà hàng tươi cười, đon đả chào vị khách mới tới rồi vội vã sai người đi lấy bánh. Trong lúc chờ đợi, ông ta còn vui miệng gợi chuyện: “Bánh vừa mới làm xong lúc trưa đấy. Tôi nghĩ chắc ông sẽ đến lấy nên đã gói sẵn đâu vào đấy rồi. À, nghe nói có mấy sinh viên gây chuyện bị tóm cổ vào đồn cảnh sát, may mà có Khang thiếu gia ra tay tương trợ nên sự việc mới được giải quyết ổn thoả phải không? Tuy thiếu gia vẫn chưa học xong nhưng đã tài giỏi chẳng khác gì Tổng tư lệnh Khang thời trẻ nhỉ.”

Quản gia Vương nghe thấy người khác ca ngợi cậu chủ của mình thì hớn hở ra mặt, tán gẫu thêm vài câu: “Phần lớn các cô cậu sinh viên đó đều là bạn học hồi cấp ba với cậu chủ. Cậu ấy đi du học ở Anh về, nghe nói họ gặp nạn nên đương nhiên không thể khoanh tay đứng nhìn. Tuổi trẻ bao giờ cũng trọng nghĩa khí thế đấy!”

“Ông nói chí phải.” Chủ quán gật đầu phụ hoạ. Đúng lúc đó, nhân viên mang bánh đến, quản gia liền trả tiền rồi cáo từ.

Tư Kỳ lắng tai nghe họ nói chuyện từ đầu chí cuối, không phải nàng cố tình nghe trộm mà vì ba chữ “Khang thiếu gia” đã vô tình lọt vào tai nàng. Chẳng trách hôm ấy nàng lại thấy chàng trai gặp trong đồn cảnh sát quen mặt đến thế, thì ra anh chính là người từng tặng nàng một chậu gạo ba năm về trước. Hồi ấy, nàng cũng nghe ông chủ Dương gọi anh là Khang thiếu gia. Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là anh.

Tiết Vân Tần thấy nàng ngẩn người không ăn uống gì, liền hỏi nguyên nhân. Tư Kỳ hào hứng kể cho hắn nghe đầu đuôi câu chuyện. Tiết Vân Tần chỉ lặng thinh ngồi nghe, thỉnh thoảng lại gắp thức ăn bỏ vào bát nàng, còn bản thân lại ăn ít hơn trước.

Buổi chiều, không ngờ Tiết Vân Tần lại dẫn nàng đến tiệm may thật. Vì hắn và ông chủ tiệm may là chỗ quen biết nên nàng lập tức được nhận vào thử việc một tháng. Có điều, hiện giờ tiệm may đang tu sửa nên phải hai hôm nữa mới khai trương. Thế là Tư Kỳ đành nghe theo sự sắp xếp của Tiết Vân Tần, tạm thời ở lại nhà hắn thêm hai ngày nữa. Bây giờ đã tìm được việc rồi, đám mây u ám trong lòng nàng cũng như được quét sạch, nàng bước đến trước mặt Tiết Vân Tần, trịnh trọng cảm ơn hắn, không ngờ hắn lại đột ngột thông báo tin vui ngày mai Đỗ thiếu gia sẽ rước Đinh tiểu thư về phủ. Thần sắc vui mừng hớn hở trên mặt nàng lập tức tắt lịm, thay vào đó là vẻ mặt đờ đẫn, cứ như ai đó đã thô bạo chọc thẳng tay vào tim nàng và nhẫn tâm bóp mạnh một cái.

“Nếu cô vẫn còn ôm hi vọng, vẫn muốn tới đó thì tôi sẽ đi cùng.” Thấy biểu cảm của Tư Kỳ, Tiết Vân Tần lạnh nhạt hỏi một câu, nghĩ rằng nàng vẫn chưa cam tâm. Nhưng ngoài việc lắc đầu cười khổ, nàng còn biết làm gì hơn? Không đi! Nàng tuyệt đối không thể đi!

Hôm sau, Tư Kỳ không đến phủ họ Đỗ thật, nàng tự nhốt mình trong phòng Tiết Vân Tần, nghe đĩa hát cả buổi sáng. Chiếc đĩa hát màu đen nghiêm chỉnh quay tròn theo quỹ đạo, từng vòng, từng vòng một... Không hiểu sao trong tiếng hát như lẫn cả tiếng “sụt sịt”, tựa hồ tiếng mèo kêu khe khẽ, lại tựa như tiếng cô gái thất vọng khóc thầm. Nghe chán rồi, Tư Kỳ lấy một trong số những cuốn sách mà từ đầu đến giờ nàng chẳng dám chạm tay tới, chỉ vì đó là sách Đỗ Hoài Dung tặng.

Liễu nhốt chim oanh vàng

Hoa rợp giấc điệp mộng

Tóc bạc tựa Phan Lang

Ta chẳng buồn che giấu

Âm thầm nuốt lệ sầu

Hoài tượng chuyện ngàn thâu

Sợ bóng câu qua thềm

Mùa xuân lặng lẽ đến

Mặt hồ lâm thâm mưa

Bần thần nhìn gió đưa

Thấy đoá mai hé nở

E ấp như ai xưa

Gió nhẹ quyện mưa ngâu

Khơi dậy bao nỗi sầu

Nàng như khúc ca chậm

Khiến lòng ta thêm đau

Rầu rầu bên yến tiệc

Ánh nến thoảng đưa hương

Chăn long phụng tươi thắm

Sao vắng bóng uyên ương?

Mình ta say lướt khướt

Bóng trăng vịn bóng tường

Nhớ lại ngày xưa ấy

Ai phóng túng ngông cuồng?

Giờ cô đơn suy ngẫm

Trong phòng trống mênh mang

Vò võ đợi ngày sang...

Đây là bài từ Dạ hợp hoa của Sử Đạt Tổ 1, nói về một tình yêu không dám bày tỏ, chỉ âm thầm cất giữ trong tim, để rồi cuối cùng đánh mất người mình yêu. Khi mới học bài thơ này, Tư Kỳ còn chê người trong bài thơ không thẳng thắn nên lớ mối lương duyên. Giờ nàng lại chẳng khác gì con người lặng lẽ ôm đau khổ trong bài thơ ấy, nên nàng chỉ hi vọng những người khác dũng cảm hơn mình. Đã từng đọc bao lần rồi, vậy mà hôm nay đọc lại, nàng vẫn thấy lòng đắng chát, nước mắt muốn ứa ra. Tất cả cũng chỉ vì bài thơ này được viết trên phiến lá phong đã héo khô, người ta cố tình kẹp nó vào trang sách.

1Sử Đạt Tổ (1163-1220) tự Bang Khanh, hiệu Mai Khê, giữ chức Đường Sử dưới thời Tống.

Nếu nàng vô tình đánh mất sách, hoặc giả vô duyên không giở đến trang ấy thì chẳng phải bí mật này sẽ mãi mãi nằm lại nơi đây sao? Đến tận thời khắc cuối cùng, anh vẫn không chịu hào sảng cho nàng một câu trả lời rõ ràng, huống hồ là nàng? Chuyện đã đến nước này thì một phiến lá phong khô héo có thể nói lên điều gì? Chẳng phải chỉ để chứng thực chiếc lá úa tàn này dường như cũng từng có một thời xanh non ư? Thật thảm hại!

Nghĩ đến đó, Tư Kỳ bật dậy, chạy đến chỗ đĩa hát, đặt chiếc lá phong đỏ thẫm vào một góc trên chiếc đĩa. Phiến lá làm nàng đứng ngồi không yên nên nàng phải dùng đến âm thanh ồn ã của từng khúc nhạc để tiêu huỷ nó. Cũng phải mượn đến bàn tay của kẻ khác, nàng mới thấy an lòng. Nhìn chiếc lá dần dần dịch chuyển lại gần kim máy hát rồi nhìn nó sắp bị đầu kim sắc nhọn đâm thủng, nàng cố nén nước mắt, nhưng dù có bấm chảy máu cả lòng bàn tay thì nước mắt vẫn cứ rơi xuống và tim vẫn nhói đau như bị ai xát muối.

Nhưng khi kim máy hát cảm nhận được dị vật trên mặt đĩa, nó lập tức rung lên bần bật, không còn chạy theo quỹ đạo cũ nữa, đĩa rung làm bản nhạc buộc phải dừng lại tại một điểm, giọng ca nữ đẹp đẽ và mượt mà kia lập tức biến thành tiếng khóc ai oán như thể đang kể lể nỗi bi ai của kiếp sinh tử. Khoảnh khắc ấy, Tư Kỳ không thể khoanh tay đứng nhìn, nàng đành ảo não nhấc chiếc kim ra và tắt nhạc. Lúc này, trên đĩa hát chỉ còn lại những vụ nhỏ li ti chẳng khác gì bụi phấn rơi vãi trên hộp trang điểm, nhuộm thành những vệt lốm đốm đỏ lịm.

Muộn rồi. Lá phong đã không còn nữa. Sự tan biến của nó đồng nghĩa với việc lời thổ lộ duy nhất của cậu Hai từ nay sẽ hoá thành mây khói. Cuối cùng, nàng buộc phải thừa nhận, nàng không cam tâm, ngàn vạn lần không cam tâm. Bất chấp bàn tay dính đầy vụn đỏ của lá phong, nàng chạy ào ra ngoài. Nàng cần phải đi tìm câu trả lời mà mình muốn biết...

Gần trưa, người dân vây thành mấy vòng quanh cổng chính của phủ họ Đỗ, tạo thành quang cảnh náo nhiệt hiếm thấy. Nghe tin hôm nay cậu Hai nhà họ Đỗ rước dâu, họ đã đến từ sớm để chúc mừng, nhân tiện chờ xem mình có ăn chực được chút lộc mừng rơi vãi nào không. Đỗ lão gia là người hào phóng, ngoại trừ mời các danh sĩ có tiếng trong giới thương nhân và một vài quan chức chính phủ có mối quan hệ ra thì ông ta cũng không tiếc bày mấy bàn rượu lớn ở rìa vườn mời tất cả hàng xóm láng giềng dẫu hai bên không quen biết, thậm hí còn phát chút bánh kẹo cưới cho những người qua đường chầu rìa ăn chực.

Đỗ lão gia thấy người vây quanh phủ khá nhiều, liền sai mấy a hoàn bưng một đĩa lớn gồm hạt dưa, đậu phộng, kẹo mạch nha tung cho họ. Lũ trẻ con ngóng cả buổi cũng chỉ để lấy chút kẹo lộc này, vừa nhìn thấy có cái để ăn, chúng liền ùa tới. Mấy thím đã chồng con đề huề cũng chạy đến tranh kẹo cho vui. Mấy cô gái chưa chồng bên cạnh chỉ dám lẳng lặng đứng từ xa lén nhìn. Người nào may mắn còn nhặt được vài đồng xu lẫn trong đống hỗn độn. Mấy ông lớn nhìn cánh đàn bà trẻ con giành giật nhau đến “vỡ đầu chảy máu” mà cười rách cả miệng, người nào người nấy dựa hẳn vào tường ôm bụng cười rũ rượi. Trong đám cưới đông vui náo nhiệt như vậy, trông Đỗ Hoài Dung chẳng khác gì một con rối vô hồn, anh lạnh lùng đứng đợi ở cổng, đợi cô dâu của cuộc đời mình.

Cô dâu còn chưa tới, đứng từ xa, Tiết Văn Tần thoáng thấy chủ rể với vẻ mặt âu sầu đứng ngây người trước cổng, chẳng nói chẳng rằng, mặc anh chàng phù rể bên cạnh cười nói tưng bừng, nước bọt bắn tứ tung, mặt mày hớn hở. Từ đầu tới cuối, Đỗ Hoài Dung chỉ ôm bộ mặt lãnh cảm, không hề có bất cứ phản ứng nào, thấy vậy, anh chàng phủ rể đành quay sang nói chuyện với đám người hầu đứng cạnh cổng. Hôm nay anh là nhân vật chính nhưng không những không muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý mà còn tự cô lập bản thân.

“Ăn một viên cho khỏi đắng. Hôm nay là ngày đại hỉ của cậu, cậu trưng vẻ mặt đau khổ kia ra cho ai xem?” Tiết Vân Tần chìa gói kẹo mạch nha bọc bằng giấy đỏ ra trước mặt Đỗ Hoài Dung. Đỗ Hoài Dung không nói gì, lẳng lặng quay mặt đi chỗ khác. Nhưng vừa quay đi thì nét mặt anh đột ngột thay đổi, ánh mắt vốn vô hồn đột nhiên lộ ra một tia xúc động, nhưng chỉ thoáng sau anh lại phục hồi thần sắc ban đầu, chỉ có điều cổ anh như bị ai giữ lại, cứng ngắc không thể nhúc nhích nổi.

Tiết Vân Tần nhận ra sự thay đổi của Đỗ Hoài Dung, liền đưa mắt sang luôn hướng mà anh nhất định không chịu nhìn thêm một lần nữa. Lướt qua dòng người chen chúc, ánh mắt chạm hẳn phải một thiếu nữ mắt đẫm lệ, đứng im như tượng dưới gốc cây cổ thụ nghiêng nghiêng. Lúc này, cô gái ấy cũng đang nhìn họ và liên tục đưa tay quệt nước mắt. Hắn không nhịn được cười nói: “Cõi đời đúng là không chuyện lạ nào không có. Hoài Dung, chắc cậu từng nhìn thấy hai con kiến thế này chứ: một con có xương nhưng không có cột sống, rõ ràng biết đứng giữa đường có núi sâu nhưng vẫn vọng tưởng tìm được đường lên trời, kết quả chưa xuyên qua núi đã bỏ mạng; còn con kia có cột sống nhưng lại không có xương, dù nó biết rõ mình không muốn làm nhưng lại không dám không làm. Hữu danh vô thực thì cuối cùng cũng chẳng nên cơm cháo gì. Hoài Dung, cậu nghe câu chuyện này rồi chứ?”

Đỗ Hoài Dung biết rõ Tiết Vân Tần mượn câu chuyện hai con kiến để giễu mình. Anh muốn phản bác nhưng chẳng thể mở nổi miệng. Lòng dạ nhất thời rối bời và chán chường, Đỗ Hoài Dung không nhịn được, đốp luôn một cậu: “Việc gì anh phải chọc vào nỗi đau của tôi! Thay vì ngồi châm chọc tôi là người bạc nhược, sao không nói anh là kẻ bạc tình? Tôi vốn cũng có cốt cách, khí khái, nhưng cuối cùng vẫn bị thế tục, dòng tộc giội trôi hết. Tôi không giống anh, với anh bốn bể đều là nhà, trong khi tôi chỉ có mỗi phủ họ Đỗ là nhà.”

“Cậu mở miệng ra là nói tôi bạc tình bạc nghĩa, nhưng tôi khác hẳn cậu. Tôi và những cô gái ấy chắc gì đã có tình mà kêu bạc tình? Trong khi rõ ràng cậu có tình với người ta mà lại chẳng dám yêu thương. Ấy mới đích thực là bạc tình. Trước đây, tôi cứ ngỡ cậu là người giấu khí phách vào trong, chẳng qua là một cậu ấm có tính cách cổ quái, hơi thiếu dũng khí chút thôi, nhưng từ hôm tôi thay cậu cãi lời cha lúc bàn chuyện hôn sự, trong khi cậu lại chẳng dám hé răng nửa lời tranh đấu cho chính mình thì tôi đã nhìn thấu bản chất của cậu. Con người ta từ khi lọt lòng mẹ đã được trời ban phát cho bộ xương, trừ khi mình tự nguyện để kẻ khác bẻ xương thì chẳng ai bẻ được xương của mình cả. Còn cậu ấy à? Không xứng!” Bất chấp mối quan hệ giữa hai người, Tiết Vân Tần vẫn chọn những lời lẽ châm biến sâu cay để giễu cợt Đỗ Hoài Dung.

Bị nói trúng tim đen, Đỗ Hoài Dung đành im thin thít, chẳng cãi được câu nào, mặt mày trắng nhợt. Đúng lúc ấy, kiệu hoa của cô dâu cũng vừa tới, tiếng khua chiêng gõ trống ồn ã cùng với tiếng pháo nổ thành tràng dài càng khiến đầu óc anh trở nên rối loạn đến mụ mị.

Đội ngũ đưa dâu dài hàng cây số thổi kèn gõ trống vang trời, tách bức tường người ta thành hai để tiện đường cho kiệu long phụng của cô dâu và của hồi môn tiếng vào phủ. Kiệu hoa đỏ rực giống như một quầng lửa, cháy rừng rực khiến Đỗ Hoài Dung tiến thoái lưỡng nan. Phù dâu, phù rể nhìn thấy chú rể cứ đứng đực ra, liền liên thủ đẩy anh về phía kiệu hoa. Đỗ Hoài Dung không để ý, suýt ngã nhào. Đám đông chuyên khuấy động không khí động phòng liên giúp anh lấy lại khí thế, hô to: “Chú rể mở kiệu hoa! Đón cô dâu về nhà!” Sau đó là tiếng cười rộn rã, vui tươi vang lên, lấp đầy con phố.

Tiết Vân Tần không hoà vào đám người đón dâu đó mà lặng lẽ đến bên gốc cây cổ thụ tìm cô gái nọ. Thấy nàng cứ thế im lặng mặc hai hàng lệ không ngừng tuôn rơi, hắn chau mày hỏi: “Tình hình bây giờ thế nào, cô đã nhìn rõ rồi chứ? Vẫn không chịu từ bỏ sao?”

“... Đúng là tôi không nên đến đây.” Ngay từ đầu, Tư Kỳ đã dùng mọi cách để khuyên mình đừng đến, nhưng chẳng hiểu sao đôi chân không nghe lời, cứ chạy mãi, chạy mãi, rồi vô tình chạy đến cổng nhà họ Đỗ. Không muốn để người quen phát hiện, nàng đành trốn dưới gốc cây. Cuối cùng, nàng cũng nhìn thấy người ấy. Nàng tin chắc cậu chủ cũng nhìn thấy mình, bởi vậy anh mới không dám quay đầu lại. Cũng chẳng thế trách người ta, trước ngực anh đã đeo bông hoa cưới đỏ chói mắt thế kia, nó từng giờ từng phú nhắc nhở anh và cả nàng rằng hai người hãy thôi quyến luyến nhau, hôm nay anh là chú rể chứ không còn là cậu Hai của nàng nữa.

“Cô thật kém cỏi!” Tiết Vân Tần chán nản lên tiếng, hắn thực sự không thích kiểu người khóc lóc yếu đuối như vậy. Hắn chỉnh lại dáng đứng của nàng cho thẳng lưng, cân vai rồi cảnh cáo: “Nước mắt có cạn khô thì cũng chỉ mình cô bị tổn thương, chứ chẳng liên quan đến ai khác. Cô không muốn buông tay, không cam tâm... Tôi rất hiểu. Nhưng chạy đến đây tự rước lấy tủi nhục vào thân để đổi lấy cái gì? Cậu ta nhìn cô được mấy lần và lòng cô được an ủi mấy phần? Chuyện đã đến nước này, dẫu cô có khóc đến đứt ruột đứt gan thì cũng vô ích. Nếu cô cứ day dứt khôn nguôi, cứ chìm đắm mãi trong bi luỵ và đau khổ thì chỉ e ngay tôi đây cũng khinh thường cô!” Hắn nhìn thẳng vào mắt nàng, ánh nhìn sắc nhọn khôn cùng. “Tư Kỳ, nếu cô vẫn còn bản lĩnh thì lập tức về nhà. Đừng để ngay cả chút sĩ diện cuối cùng cũng mất sạch. Bằng không, mối giao tình của chúng ta chấm dứt tại đây!”

Tư kỳ nhìn hắn, lần đầu tiên nàng nhìn hắn kĩ như thế. Nên lùi một bước hay nên tiến một bước? Nàng phải suy nghĩ và lựa chọn, vì bây giờ, nàng không muốn mất nốt tình cảm ấm áp duy nhất này. Nàng tự nhủ, chỉ nhìn một lần nữa thôi, rồi từ đây dứt khoát đoạn tuyệt mối tình này. Nhưng liệu nàng có đủ cảm đảm để nhìn những màn chúc tụng đám cưới đang diễn ra tưng bừng ở đằng xa?

Cuối cùng cô dâu cũng ra khỏi kiệu hoa trong tiếng reo hò ầm ĩ. Đinh Thục Phương mặc áo cưới bằng lụa đỏ thắm, thêu hình muôn chim bay về phía những đoá mẫu đơn đang nở rộ, tay cầm chiếc khăn cũng thêu một đoá mẫu đơn, khe khẽ kéo lê chiếc váy xếp li cổ cánh sen, đuôi váy quấn quanh tấm thảm thêu đoá sen đôi. Những hình thêu ấy như ngầm tuyên bố với người đàn ông của cô ta rằng chỉ được phép quyến luyến, yêu thương một mình cô ta, trọn đời trọn kiếp.

Khi Đỗ Hoài Dung thể theo yêu cầu của mọi người, cõng cô dâu vào nhà, anh vô thức liếc về phía cây ngô đồng cổ thụ nghiêng nghiêng đằng xa, nhưng dưới gốc cây đã vắng bóng người. Lòng anh chợt thắt lại, khi ngẩng đầu lên thì một giọt nước mắt khẽ sượt qua má, lạnh đến buốt tim thấu xương...

Chẳng biết có phải ông trời cố ý trêu ngươi hay không mà đêm động phòng hoa chúc lại mưa như chút nước. Mưa càng lúc càng dữ dội, hoa cỏ ngoài hành lang bị vùi dập ngả nghiêng, trông thật thảm hại. Thường ngày, đám hoa cỏ đó được nuông chiều quen rồi, bây giờ vừa chịu cảnh mưa dập gió vùi, cánh đã tả tơi theo lá rơi xuống đất. Đột nhiên, có một cái bóng màu đỏ lao vào màn mưa, nhanh chóng ôm lấy một chậu cây nhỏ rồi vội vàng chạy như bay vào phòng. Vừa vào phòng, anh lập tức lấy tay áo lau từng giọt nước còn đọng lại trên cánh hoa màu vàng nhạt với vẻ đầy thương xót, bất kể chiếc áo anh đang mặc trên người là áo cưới.

Cô dâu ngồi chờ dài cả cổ trên giường cưới, mãi chẳng thấy chú rể đâu, đành tự mình vén khăn trùm đầu rồi dùng đôi mắt tràn ngập oán hận nhìn trừng trừng vào cảnh tượng lẽ ra không nên chứng kiến. Cô ta cắn mạnh môi dưới, tay bóp chặt tấm ga trải giường cứ như muốn bóp nát từng cánh hoa của thân cây nhỏ nọ đến độ nhuyễn như tương. Cô ta nhìn anh ôm chặt cây hoa chết tiệt chẳng đáng giá ấy suốt hồi lâu.

Ngày hôm sau, chậu hoa dạ hợp bỗng nhiên biến mất không tăm tích, chẳng ai biết nó đi đằng nào.