Những Tháng Năm Hổ Phách

Chương 63



Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chớp mắt lại một năm nữa qua đi.

Nghỉ đông năm nay, Tần Chiêu Chiêu về nhà, phát hiện gia đình bác Chu hàng xóm khóa chặt cửa, không ai ở nhà. Kỳ lạ, không phải dịp Tết là ngày Chu gia tưng bừng nhất hay sao?

Mẹ cô cho hay, năm nay vợ chồng bác Chu đi Quảng Châu ăn Tết. Ba người con nhà bác đều làm việc ở Quảng Đông, hẳng năm xe Tết về vừa đông vừa đắt, năm nay ba người họ bàn tính, mời ba mẹ đến Quảng Châu ăn Tết vì ngày Tết xe lửa xuôi Nam vắng vẻ vô cùng. Tiểu Đan và Đới Quân kết hôn xong, cùng thuê một căn nhà với đồng nghiệp, năm nay đồng nghiệp về quê ăn Tết, phòng của họ bỏ trống có thể mượn lại, anh em cha mẹ đều là người nhà, chen chúc một chút cũng không sao. Thành phố Quảng Châu lớn như vậy, hai bác còn chưa tới lần nào, coi như đi để mở rộng tầm mắt, liền vui vẻ bắt xe lửa xuôi Nam.

“Hai bác ở Quảng Châu bao lâu hả mẹ?”

“Hết năm rồi đón luôn Tiểu Đan về. Chị Tiểu Đan của con có bầu sáu tháng rồi, sắp tới về nhà chờ sinh.”

Tần Chiêu Chiêu tròn mắt. “Chị Tiểu Đan có em bé ạ?”

“Mùng Một tháng Năm kia lấy chồng, giờ cũng nên có con rồi. Năm nay nhà con trai cả bác Lý cũng từ Bắc Kinh về thăm, con gái họ cũng biết nói rồi. Thật nhanh quá, năm đó một đám con nít cao chưa quá cái bàn giờ đã rục rịch thành bố thành mẹ trẻ con hết cả, ba mẹ không muốn già cũng không được!” Mẹ cô có chút cảm khái.

Già… Tần Chiêu Chiêu cẩn thận quan sát mẹ. Quả thật, bất tri bất giác, tóc mẹ hiền đã không còn đen bóng như năm xưa, năm này qua năm khác, người đã từ hồng nhan như ngọc như ngà thành tóc bạc như sương.

Đồng hương gặp mặt, Lý Kiếm kêu con gái chào dì Chiêu Chiêu. Nghe gọi “dì”, Tần Chiêu Chiêu giật mình; mới không bao lâu trước đây, trong mắt anh Lý Kiếm, chị Tiểu Đan, Tần Chiêu Chiêu vẫn còn là cô em gái nhỏ; đi học rồi cô thành chị Chiêu Chiêu trong mắt đám trẻ con; đến giờ đã thăng chức thành dì Chiêu Chiêu. Ngày còn nhỏ cứ ngỡ lớn lên là chuyện rất xa vời, vậy mà bất tri bất giác mình đã lặng lẽ trưởng thành.

Trăng lên rồi, vầng trăng trắng bạc cong cong treo trên đầu ngọn cây. Trăng sáng vẫn là vầng trăng ấy, nhưng việc đời dưới bóng trăng đã mấy phen đổi dời. Một thế hệ không tránh khỏi tuổi già, một thế hệ khác bừng bừng lớn lên, một thế hệ mới lại oe oe cất tiếng khóc chào đời… Người sinh mãi, kiếp nào cho hết, nhìn trăng sông năm hệt không sai[1]. Sinh mệnh là một vòng luân hồi luẩn quẩn như vậy.

[1] Nguyên văn: “Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ/ Giang nguyệt niên niên vọng tương tự” trích trong Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm trăng hoa trên sông xuân) của Trương Nhược Hư, thơ Tản Đà dịch.

Con trai cả bác Lý là người đầu tiên ở Trường Cơ thi đỗ đại học ở Bắc Kinh, làm cho Lý gia được dịp nở mày nở mặt. Lúc anh tốt nghiệp vẫn còn là thời sinh viên ra trường được nhà nước phân công đơn vị công tác, được vào một nhà máy quốc doanh quy mô lớn, ba mẹ mừng vui hớn hở. Tuy rằng cuối thập niên 90, các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu trì trệ, cơ quan anh cũng chịu ảnh hưởng, cũng may anh là người có bằng cấp, liền xin ngay được vào một doanh nghiệp nước ngoài, tiền lương còn cao hơn lương ở cơ quan cũ. Dẫu vậy, gắng sức mười năm ở Bắc Kinh vẫn chỉ thuê nhà ở, không phải trong lòng không muốn mua nhà, chẳng qua tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ tăng giá nhà.

Lý Kiếm đi học, đi làm ở Bắc Kinh khó có thể năm nào cũng về nhà; công việc bận rộn, đường xa, khó mua vé tàu, con gái còn nhỏ… đủ mọi nguyên nhân. Năm nay ba người họ có thể về quê ăn Tết khiến hai bác Lý vui vẻ, đón con trai như đón khách quý, khiến sắc mặt người con thứ hai ở chung với ba mẹ không dễ chịu lắm.

Mùng Ba Tết, gia đình Lý Kiếm về Bắc Kinh, đi sớm không phải chen chúc mua vé tàu. Họ đi được vài ngày thì nhà bác Lý nổ ra một trận cãi nhau lớn, nguyên nhân bắt đầu từ chuyện nàng dâu thứ biết vợ chồng bác lén cho con trai trưởng năm vạn đồng về Bắc Kinh mua nhà. Chị hầm hầm chỉ trích ba mẹ chồng bất công, cãi nhau ầm ĩ kéo một đám người xung quanh sang xem.

Con trai thứ bác Lý tên Lý Binh là người hiền lành, nhũn nhặn nói vợ đừng làm rộn lên liền bị chị ta đuổi ra. “Đồ vô dụng, tôi lấy anh đúng là khổ tám đời. Anh trai anh ở Bắc Kinh thoải mái, sung sướng thật! Hai thân già bỏ ở nhà cho chúng ta lo, quanh năm suốt tháng đi biệt, Tết đến gửi được một, hai ngàn đồng về. Giờ một, hai ngàn đồng thì mua được cái gì? Đúng là không biết xấu hổ.”

“Ngọc Lan, đừng nói vậy. Anh cả ở Bắc Kinh cũng không vui vẻ gì. Chi phí ở thành phố cao hơn hẳn tỉnh lẻ chúng ta. Ba mẹ có lương hưu đâu cần con cái phải nuôi, biếu tiền cũng là có lòng rồi.”

“Tôi khinh! Coi như ba mẹ có lương hưu không khiến anh ta nuôi, nhưng thân làm con mà anh ta có trách nhiệm gì hả? Mấy năm nay để mặc ba mẹ cho chúng ta lo lắng, bọn họ chưa từng để ý các cụ sống chết thế nào, giờ còn mặt dày về vét của mang đi. Mà ba mẹ anh cũng hồ đồ, chúng ta chăm lo cho họ bao lâu nay chưa thấy họ cho nổi một xu, thế mà cho ngay con cả hẳn năm vạn!”

“Vì anh cả muốn mua nhà thôi! Anh ấy nói giá nhà ở Bắc Kinh ngày càng tăng, giờ không mua sau này không mua nổi. Không chỉ anh cả xin tiền ba mẹ, chị dâu cũng về nhà mẹ đẻ vay thêm ba vạn, nếu không họ không đủ tiền trả.”

“Ha ha ha,” Ngọc Lan cười lạnh. “Không mua được thì đừng mua. Tôi nói thật, năm nay cả nhà ấy chạy về đây ăn Tết chẳng qua muốn kiếm tiền thôi. Anh chị anh trước khinh tôi ra mặt, khoe mình tốt nghiệp đại học danh tiếng, chê cái thân tôi không học hành tử tế, thiếu văn hóa, nói chuyện cũng không thèm nhìn thẳng mặt. Chẳng hiểu bọn họ văn hóa thế nào mà giờ về lấy luôn cả tiền mua quan tài của các cụ! Có giỏi sao không tự mình kiếm đi. Đúng rồi, không phải lúc thi đỗ đại học anh ta nói sau này cố gắng kiếm tiền mua nhà rồi đón ba mẹ lên hưởng phúc sao? Ba mẹ đã được hưởng cái phúc gì từ anh ta thế? Hay nuôi học xong thì giờ phải bỏ tiền ra cho anh ta mua nhà? Anh ta cũng mặt dày mà mở miệng ra được, tôi thấy chắc đầu anh ta cũng toàn bã đậu!”

Trận cãi nhau ầm ĩ đặt dấu chấm hết cho không khí Tết nhất vui vẻ ở Lý gia. Ngọc Lan làm loạn một hồi rồi xách túi về thẳng nhà mẹ đẻ, còn nói mình đã chán cái khu Trường Cơ nhà quê này rồi, sang năm sẽ vào thành phố mua nhà. Hy vọng ba mẹ chồng xử lý chuyện này cho công bằng, nếu con trai cả tài giỏi vừa hỏi là có ngay năm vạn đồng thì chị ta cũng không thể kém một xu. Nếu không, là hai người bất nghĩa trước, sau này đừng trách chị mặc kệ họ.

Vợ chồng bác Lý lo lắng, lấy đâu ra năm vạn nữa cho con dâu mua nhà đây? Nửa đời làm công nhân thắt lưng buộc bụng mới có chút của để dành, con trai lớn cần tiền gấp không thể không cho. Đúng là có chút bất công, dù sao con trai cả vẫn là niềm tự hào của nhà họ Lý. Nhưng bất công với con trai thứ là rõ, con dâu làm ầm lên họ cũng không thể phản bác được gì.

Cả nhà toàn là cốt nhục chí thân, mãi mới được một năm đoàn viên, ai ngờ Tết xong nhà không ra nhà. Rốt cuộc là do ai? Ban đầu Tần Chiêu Chiêu cảm thấy Ngọc Lan không phải, tiền của vợ chồng bác Lý, muốn cho ai là quyền của bác, chị ta ý kiến gì? Làm ầm lên chỉ tan cửa nát nhà.

Suy nghĩ của con gái ngây thơ khiến Tần mẹ không khỏi buồn cười. “Con không hiểu chuyện thì biết cái gì? Ngọc Lan tức là có lý của cô ấy. Hai bác không công bằng, chỉ biết hướng về con trai cả ở Bắc Kinh. Nếu là con, con cũng tức thế thôi.”

“Con không thế đâu, con quên ngay.”

“Con đừng nói trước, giờ con cũng có thêm chị em gái, ba mẹ yêu em con hơn con, bao nhiêu đồ ngon đồ tốt đều dành cho em con, con không được gì. Trong lòng con có thoải mái không?”

Nếu là như vậy, Tần Chiêu Chiêu cũng hiểu được cảm giác của Ngọc Lan, vì thế cô cảm thấy vợ chồng Lý Kiếm mới thật không phải.

“Anh Lý Kiếm làm ở Bắc Kinh bao nhiêu năm rồi, sao đến tiền để dành mua nhà cũng không có, còn phải về nhà xin? Nhất định là trước kia tiêu tiền như rác.”

“Nhóc con biết gì! Lý Kiếm ở Bắc Kinh cũng chỉ làm công ăn lương. Năm nay con gái sắp đi nhà trẻ, nghe nói học phí ít nhất bảy, tám trăm một tháng, ở quê mình rẻ nhất có một trăm đồng. Nghe nói chi phí sống ở thành phố lớn rất cao.”

Tuy Tần Chiêu Chiêu vẫn đi làm thêm ở Thượng Hải nhưng cô vẫn ăn ở trong trường, chi phí rất thấp, vì thế không hiểu rõ cuộc sống ở thành phố lớn. Nghe mẹ nói xong mới biết sống ở Bắc Kinh thật không dễ dàng, hai vợ chồng Lý Kiếm tốt nghiệp đại học nổi tiếng, trong mắt dân quê đều là người có tiền đồ, vậy mà cũng chỉ vẻ vang bên ngoài, thực chất họ sống ở Bắc Kinh cũng không dễ dàng gì.

Nói vậy là do vợ chồng bác Lý không công bằng, nhưng họ có tội gì mới được? Cả nhà khó khăn lắm mới có một con phượng hoàng đập cánh bay lên, còn đậu ngay Bắc Kinh dưới chân thiên tử, nhưng vẫn chỉ là ăn nhờ ở đậu. Sống giữa thành phố lớn, phải có được căn nhà của mình mới xem như có căn có gốc. Người làm cha làm mẹ, đưa con chín chín dặm đường, lẽ nào đến đoạn cuối lại bỏ mặc con?

Nghĩ tới đây, không biết lỗi do ai. Tần Chiêu Chiêu cảm thấy người nhà họ Lý đều có phần khó xử, nếu thật muốn trách chỉ có thể trách một chữ “tiền”.

Năm nay Đàm Hiểu Yến vất vả lắm mới mua được vé xe lửa về quê ăn Tết, mua vé chợ đen, đắt hơn giá thật hai mươi đồng, số tiền cao gấp đôi khiến người ta dở khóc dở cười, nhưng cô vẫn cắn răng mua, chỉ cần được về nhà.

Trước Tết âm lịch, ga Quảng Châu rối loạn, đông như trại tị nạn thời chiến. Đàm Hiểu Yến đã phỏng chừng nhà ga nhất định rất đông, sợ chen không nổi nên đặc biệt nhờ hai đồng nghiệp nam đi cùng giúp mình. Quả nhiên mỗi toa đều đầy ắp người, con kiến cũng chẳng chui lọt, ai cũng muốn tranh lên trước, chẳng hiểu tranh trước thì được cái gì? Khó khăn lắm hai đồng nghiệp mới đẩy được cô lên tàu, tìm được chỗ ngồi xong lại thấy một cô gái trẻ lo lắng len lỏi tới tìm nhân viên trên tàu, nói ví tiền của mình bị móc mất, trong túi có giấy tờ và hai ngàn đồng, hỏi xem có ai có thể hỗ trợ không.

Nhân viên trên tàu cười cười. “Thế này thì biết tìm đường nào? Cô phải tự mình chú ý chứ!”

Đàm Hiểu Yến mua vé tàu tăng cường, tàu đi rất chậm, suốt ngày phải ngừng để nhường đường ray cho các tàu chính, muộn mất mất tiếng, về đến nhà cũng quá nửa đêm, vừa xuống tàu đã có taxi đến hỏi thăm. Xa nhà hai năm, được nghe thấy tiếng nói của quê nhà, cô thấy thân thiết vô cùng, vừa định gật đầu đồng ý lại nghe thấy một giọng nói thân thuộc của quê hương gọi tên: “Hiểu Yến, Hiểu Yến ơi!”

Nghiêng đầu nhìn thấy ngay ba mẹ, cô vừa mừng vừa sợ. Rõ ràng cô đã dặn hai người đừng đến đón, chắc chắn tàu sẽ về đêm nay nhưng không có giờ giấc cụ thể, tội gì hai người đứng trắng đêm mà đợi.

Nhưng cô có dặn gì vợ chồng Đàm thị vẫn không nhịn được chạy tới nhà ga, chờ mấy tiếng liền trong gió lạnh. Con gái đi hai năm, cha mẹ biết bao nhung nhớ, năm nay cuối cùng cũng về nhà ăn Tết, hai người mong được thấy con gái sớm một chút. Dù sao con cũng không ở nhà lâu, qua Tết lại về Thâm Quyến rồi, gặp sớm một phút là được ở bên con lâu thêm một phút.

“Ba, mẹ…”

Vứt hết va li, Đàm Hiểu Yến chạy tới dang tay ôm chầm lấy ba mẹ, một nhà ba người hớn hở đoàn viên. Cái rét mùa đông tựa như lặng lẽ tan đi.