Những Tháng Năm Hổ Phách

Chương 88



Hạ tuần tháng Sáu, một sáng sớm nắng rực rỡ, Tần Chiêu Chiêu nhận được tin tốt lành. Đàm Hiểu Yến sinh con trai, cô và Thành Kiệt chính thức thăng chức thành bố mẹ.

Tần Chiêu Chiêu nhờ mẹ tới bệnh viện thăm Đàm Hiểu Yến, tặng cho bé con năm trăm đồng. Mẹ cô rời bệnh viện liền gọi điện thoại kể đi kể lại cậu nhóc trắng trẻo, đáng yêu thế nào. Kể chán chê, cuối cùng kết lại bằng mấy câu: “Hiểu Yến bằng tuổi con, giờ người ta đã kết hôn sinh con rồi, con còn đến bạn trai cũng chưa có. Con mau đi tìm bạn trai đi, đến lúc lấy chồng sinh con rồi, tranh thủ giờ ba mẹ còn khỏe mạnh, có thể giúp hai đứa trông con…”

Tần mẹ vừa nhắc tới chuyện này là nói một mạch không thôi, Tần Chiêu Chiêu nhanh chóng ngắt lời mẹ: “Mẹ, con vào giờ làm rồi, để quản lý thấy nghe điện thoại cả ngày thế này sẽ phê bình đấy. Được rồi, cứ vậy nhé!”

Tuy lời mẹ nói, Tần Chiêu Chiêu không muốn nghe nhưng trong lòng vẫn có chút lăn tăn. Phải rồi, bạn tốt bằng tuổi giờ đã kết hôn, sinh con, cô hai mươi sáu tuổi, chưa một lần nghiêm túc yêu đương. Thậm chí chưa cả một lần cầm tay người khác giới chứ đừng nói đến chuyện ôm hôn này kia, về chuyện này tất cả đều trống rỗng. Rồi sẽ trống rỗng tới bao giờ đây? Cô không biết, cô chỉ biết mình sẽ dùng nốt những tháng ngày thanh xuân không còn bao nhiêu này để tiếp tục đợi chờ. Mà trời cao có thể để cô chờ bằng được người cô đã đợi chờ bao nhiêu năm nay không?

Thời gian vẫn âm thầm chảy trôi trong đợi chờ.

Lịch dừng lại ở tháng Tám, Olympics 2008 cũng đến gần, khắp nơi trong cả nước sục sôi đón chào sự kiện lớn này. Thâm Quyến dẫu cách mấy ngàn cây số nhưng lòng háo hức chờ mong Thế vận hội của người dân cũng tăng vọt theo Bắc Kinh.

Hầu hết các cửa hàng, tiệm bách hóa nội thành Thâm Quyến đều treo đủ loại quốc kỳ hoặc biểu tượng Olympics. Trên mạng, rất nhiều thành viên các diễn đàn ở Thâm Quyến rủ nhau tụ tập cùng đón Thế vận hội, còn hẹn nhau ngày mùng Tám tháng Tám sẽ tập trung ở quảng trường Trung Tín xem khai mạc, ủng hộ Trung Quốc; một số khác lập topic kêu gọi mọi người cùng đi Hồng Kông xem thi cưỡi ngựa. Từ Thâm Quyến sang Hồng Kông xem thi đấu, đúng là gần quan được ban lộc[1]. Nếu có cơ hội được tới trường đua xem đua ngựa, cảm nhận một chút không khí Olympics, tội gì mà không đi?

[1] Ý nói về vị trí địa lí, đặc khu kinh tế Thâm Quyến được thành lập năm 1979 giáp biên giới với Hồng Kông.

Mặc dù Tần Chiêu Chiêu xưa nay không có nhiều hứng thú với các cuộc thi thể dục thể thao nhưng sự kiện trọng đại ở đẳng cấp thế giới này khiến cô cũng chú ý vài phần. Cái đêm Thượng Hải cuồng hoan bảy năm trước khi Bắc Kinh đăng cai thành công Thế vận hội vẫn in sâu trong tâm trí cô. Olympics Bắc Kinh chính thức khai mạc, sao cô có thể bỏ qua sự kiện hoành tráng khiến cả thế giới háo hức mong chờ đây?

Tối mùng Tám tháng Tám, Tần Chiêu Chiêu hẹn với vài đồng nghiệp ở quảng trường Trung Tín cùng xem lễ khai mạc Thế vận hội. Vốn dĩ họ có thể xem ở nhà, nhưng ở nhà không thể cảm nhận hết bầu không khí; quảng trường có màn hình lớn truyền hình trực tiếp, người xem đông, nhất định không khí cực kỳ náo nhiệt. Vui vẻ một mình sao bằng vui vẻ nhiều người.

Đêm ấy, quảng trường Trung Tín vô cùng tưng bừng. Dân chúng chen kín quảng trường rộng lớn cùng dõi theo lễ khai mạc Olympics. Mỗi khi có một màn trình diễn đặc sắc xuất hiện trên màn hình, tất cả đều vỗ tay rào rào và cùng hét vang: “Bắc Kinh cố lên! Trung Quốc cố lên!” Mở màn cực kỳ ngoạn mục, hiệu ứng thị giác kinh người khiến người xem vỗ tay reo hò không ngớt.

Sau bảy năm, Tần Chiêu Chiêu lại được thấy một đêm cuồng hoan khuynh thành. Đêm mùng Tám tháng Tám năm 2008 cũng giống đêm Mười ba tháng Bảy năm 2001, khiến vô số người Trung Quốc phấn khích cực điểm, quả thật khó quên. Thượng Hải và Thâm Quyến, niềm vui sướng khi giành quyền đăng cai Olympics và nỗi hào hứng lúc xem lễ khai mạc Thế vận hội là hai cảnh tượng sôi động, cuồng nhiệt in dấu sâu đậm trong ký ức của Tần Chiêu Chiêu.

Dưới ánh mặt trời đủ nung cháy vàng ròng của tháng Tám, Thế vận hội Olympics 2008 mở màn bừng bừng khí thế. Suốt nửa tháng diễn ra thi đấu, Tần Chiêu Chiêu và đồng nghiệp không sao tập trung được, nhất là những khi có trận thi đấu quan trọng, tất cả màn hình máy tính trong công ty đều bật truyền hình trực tiếp. Cũng may, giám đốc rất hiểu lòng người, mắt nhắm mắt mở cho qua. “Chỉ cần các cô các cậu hoàn thành công việc đúng thời hạn thì bớt thời gian xem thi đấu cũng không sao.”

Mấy đồng nghiệp nam mê thể thao phấn khích hô vang giám đốc muôn năm.

Các trận quan trọng đã xem qua hết, Tần Chiêu Chiêu không quá chú ý tới các hạng mục thể thao khác.Nhưng hai cái tên huyền thoại là kình ngư Micheal Phelps giành tám huy chương vàng và tia chớp đen Usan Bolt vẫn lọt tới tai cô. Hết cách, ai bảo Olympics năm nay họ thể hiện xuất sắc đến thế, đấu trường thành sân khấu riêng để họ phô diễn sự ưu tú của bản thân. Báo chí thể thao giật tít không thể không có hai người này, không muốn thấy cũng khó.

Sau nửa tháng diễn ra Olympics, rất nhiều người hâm mộ thể thao trên Internet cảm thấy vô cùng thỏa nguyện, chỉ hận Olympics London không tiến hành ngay để họ được tham dự tiếp. “Tới London đi, tới London đi, đúng là không thể chờ thêm giờ phút nào nữa.”

Lúc vô số người vẫn còn đang đắm chìm trong dư âm của Olympics Bắc Kinh thì Tần Chiêu Chiêu lại đầy khát khao chuẩn bị đi Hạ Môn. Cuối tháng Tám, đảo Cổ Lãng tổ chức cuộc thi đàn organ eclectone toàn quốc lần thứ nhất, Kiều Mục có một học sinh là thí sinh hạng mục nhi đồng, cậu sẽ đưa học sinh tới Hạ Môn tham gia trận tranh tài.

Lúc nhận được tin Kiều Mục sắp đi Hạ Môn, Tần Chiêu Chiêu hơi xao động. Hồi âm có ý thăm dò: “ Mình cũng sắp được nghỉ đông, đang tính đi đâu đó chơi. Từ lâu nghe cậu nói Hạ Môn rất đẹp, giờ cậu lại sắp tới đó, mình cũng muốn đi cùng, cậu làm hướng dẫn viên được không?”

Kiều Mục hoan nghênh: “Không thành vấn đề, được nghỉ cậu cứ tới đây. Hạ Môn thực sự rất đẹp, mình rất thích nhịp sống an nhàn ở thành phố này. Tin chắc cậu tới rồi cũng sẽ thích.”

Nhìn chằm chằm vào thư hồi âm trên màn hình mấy lần, trong lòng Tần Chiêu Chiêu ngập đầy niềm vui và kích động không thể nói hết bằng lời. Cô có thể gặp Kiều Mục ở Hạ Môn. Từ ngày chia tay ở Thượng Hải, hai người đã bốn năm không gặp, chỉ thỉnh thoảng mới thấy nhau qua vài tấm ảnh. Có điều, người trong ảnh sao có thể so với người thật bằng xương bằng thịt nói nói cười cười được. Cô chỉ hận đồng hồ không thể chạy thật nhanh để cô có thể mau chóng gặp lại Kiều Mục dưới bầu trời Hạ Môn trong xanh.

Y hẹn, Tần Chiêu Chiêu đến Hạ Môn ngày Ba mươi tháng Tám, lúc ấy cuộc thi đã kết thúc, học sinh của Kiều Mục đã quay về cùng ba mẹ, cậu ở lại thêm vài ngày dắt cô đi chơi.

Kiều Mục đón cô ở nhà ga. Bốn năm trước, hai người chia tay ở ga Thượng Hải, bốn năm sau gặp lại ở ga Hạ Môn. Nhà ga là một sân khấu diễn đi diễn lại những màn biệt ly và tái ngộ.

Kiều Mục gần như không thay đổi, vẫn dáng vẻ thanh nhã ấy. Cậu nhận hành lý của Tần Chiêu Chiêu, nhìn cô mỉm cười. “Tần Chiêu Chiêu, cậu chẳng thay đổi gì cả, vẫn hệt như cũ.”

Trong mắt cô, cậu không hề thay đổi, mà trong mắt cậu, cô vẫn là cô của ngày trước. Thật tốt, bốn năm không làm đổi khác dung nhan mà hai người đã quen thuộc. Cậu vẫn là người đã hằn sâu trong lòng cô, còn cô không biết có cơ hội nào để in dấu lên trái tim cậu hay không?

Kiều Mục và Tần Chiêu Chiêu đi chơi Hạ Môn năm ngày. Ngày thứ nhất, đương nhiên cần đưa cô tới đảo Cổ Lãng nổi tiếng. Cổ Lãng quả thật là một hòn đảo xinh đẹp và tuyệt vời. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp như tranh mà còn có bề dày lịch sử và bầu không khí tràn ngập âm nhạc.

Cổ Lãng được mệnh danh là hoa viên trên biển, trên đảo cây cối xanh biếc, trăm hoa đua nở như gấm dệt, không khí vô cùng trong lành, tươi mát. Giống Thượng Hải, Cổ Lãng từng là tô giới, trên đảo từng có lãnh sự quán của mười ba quốc gia, lưu lại không ít công trình kiến trúc mang nhiều phong cách. Thấp thoáng sau cây cỏ muôn màu được bích hải lam thiên làm nền, quần thể kiến trúc độc đáo, xinh đẹp này tựa như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Đảo Cổ Lãng cũng là hòn đảo dương cầm, cái nôi âm nhạc nổi tiếng cả nước. Trên đảo có rất nhiều thế gia về dương cầm, còn có các trường nhạc, phòng nhạc, ban nhạc, bảo tàng dương cầm… âm nhạc đã trở thành linh hồn của Cổ Lãng. Chầm chậm thả bước trên hòn đảo xinh đẹp này, lắng nghe tiếng dương cầm du dương, tiếng vĩ cầm da diết động lòng, tiếng guitar nhẹ nhàng, trong sáng…Tiếng nhạc không bao giờ dứt.

Tần Chiêu Chiêu và Kiều Mục lên phà sang đảo Cổ Lãng, đi dạo trong những ngõ nhỏ u tĩnh. Những con đường nhỏ uốn lượn quanh co như kéo dài mãi về phía trước, từng tòa kiến trúc xinh đẹp ẩn hiện dưới bóng cây thấp thoáng hai bên đường. Rất nhiều lọai dây leo xanh mượt không rõ tên bò lan trên các bức tường, có dây còn hé ra những bong hoa nhỏ hồng hồng, đỏ đỏ hoặc vàng hoặc tía, lộng lẫy như tranh vẽ. Làn gió nhẹ lướt qua mang theo hương hoa có thanh khiết.

Tần Chiêu Chiêu tự nhủ: “Đẹp quá!”

“Cổ Lãng thật sự rất đẹp! Vẻ đẹp của nó tương phản với nét phồn hoa, lộng lẫy của Thượng Hải, một nét đẹp âm thầm, trang nhã, nên thơ và đầy lãng mạn.”

Đúng thật, Cổ Lãng chỉ mang vẻ đẹp yên tĩnh, thanh nhã, lãng mạn, nên thơ. Sóng bước bên Kiều Mục trên hòn đảo nhỏ xinh đẹp như tranh vẽ, dưới ánh mặt trời trong veo như mật, gió mát như hơi men, tiếng nhạc du dương văng vẳng bên tai… một cảm giác say đắm ngất ngây vấn vương khắp trái tim Tần Chiêu Chiêu.

Ở Cổ Lãng hai ngày, hai người quay lại Hạ Môn, Kiều Mục đưa Tần Chiêu Chiêu đi thăm vườn bách thảo, chùa Nam Phổ Đà, Đại học Hạ Môn… Đại học Hạ Môn thế dựa vào núi, nhìn ra biển, là một trong những trường đại học đẹp nhất cả nước; sân trường đầy ắp các loại hoa cỏ, nơi nơi bóng cây xanh mượt đón chào, trăm hoa lưu luyến tiễn đưa. Kiều Mục tiếc nuối thở dài. “Lúc Viên Viên đăng ký nguyện vọng thi đại học, mình mong con bé sẽ lựa chọn Đại học Hạ Môn, đáng tiếc nó chỉ muốn học ở Bắc Kinh.”

“Mỗi người mỗi ý, con bé vui vẻ ở Bắc Kinh là được rồi.”

Suốt một ngày đi dạo từ bách thảo tới Đại học Hạ Môn không hề dừng chân nhưng Tần Chiêu Chiêu không biết mệt mỏi, vì có Kiều Mục sánh bước bên mình.