Phấn Hoa Lầu Xanh

Chương 9



Trên đường trở về nhà mẹ đẻ, tâm trạng tôi là sự đan xen buồn vui lẫn lộn, một phần vì còn lưu luyến tình cảm với tướng công, một phần là nỗi mong đợi được gặp mặt người thân từ lâu nay đã trở thành hiện thực. Ngồi trên kiệu, tôi tưởng tượng ra cảnh vui mừng khi được gặp lại cha mẹ, em trai với bao tình cảm nhớ thương bấy lâu nay.

Ba năm rồi, cuối cùng thì tôi cũng được gặp lại người mẹ ngày đêm tôi hằng mong nhớ.

Nghĩ đến việc sắp được trở về trong vòng tay của gia đình, tôi không thể ngăn được niềm xúc động trào dâng trong lòng.

Chiếc kiệu dừng lại trước cửa phủ nhà họ Ngụy, tôi vén tấm rèm che trước mặt ra nhìn, nhưng lại không thấy cha mẹ ra đón mình. Quản gia chạy vào trong nhà bẩm báo, một lúc sau lại chạy ngược ra, ra hiệu cho những người phu khiêng kiệu đi vào bằng lối cửa sau.

Một dấu hiệu chẳng lành đã được báo trước.

Tất cả đồ đạc trong căn phòng cũ của tôi dường như không hề bị thay đổi, chúng chỉ bị phủ lên một lớp bụi dày đặc, xem ra đã lâu không có người lui tới quét dọn.

Tôi nhìn thấy chiếc diều giấy của tôi hồi còn nhỏ, nhìn thấy cây đàn, nhìn thấy chiếc giường gỗ bạch đàn được chạm trổ hình cánh hoa đã theo tôi suốt mười lăm năm. Nhớ lại cái đêm của ba năm về trước, ngày mà tôi sắp được gả về nhà họ Ngô, mẹ đã ôm tôi vào lòng trên chiếc giường đó. Mọi chuyện dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.

Mẹ! Hai mắt tôi đã đong đầy nước mắt. Nỗi thương nhớ con gái liệu có khiến tóc mẹ bạc hơn nhiều không.

Tôi vội vàng chạy ra ngoài, đi tìm mẹ để vấn an.

Nhưng viên quản gia đã ngăn tôi lại ngay bên bậu cửa, nói rằng ông và bà đang có chuyện quan trọng, tạm thời không thể gặp mặt tôi được.

“Tiểu thư, tiểu thư cứ ở lại phòng nghỉ ngơi đi đã.” – Viên quản gia ôn tồn nói. Tiếng tiểu thư ông ta gọi thật ngượng ngập, tôi nghe mà cũng thấy nghịch lỗ tai.

Trong lòng tôi dường như đã hiểu ra – từ tiểu thư nhà họ Ngụy đến mợ cả nhà họ Ngô, rồi lại đến tiểu thư, điều đó có nghĩa là gì.

Tôi nhớ lại lời mẹ nói với tôi ba năm về trước, mẹ đã nói rằng hy vọng tôi không bao giờ quay trở về nữa.

Như người vừa tỉnh ngộ, bây giờ, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó.

Con gái được gả chồng cũng giống như bát nước đã đổ đi, làm sao có thể thu về được.

Về đến nhà đã bốn ngày rồi, tôi vẫn không gặp được bất cứ người thân nào.

Từ mong đợi ban đầu, đến thất vọng, tuyệt vọng, bây giờ là thanh thản. Tôi dần dần hiểu ra rằng, sau khi bị ruồng bỏ khỏi nhà họ Ngô, nhà họ Ngụy đã không còn chỗ dành cho tôi nữa rồi. Không được gặp người thân, đối với tôi cũng có thể là một sự giải thoát.

Tôi đã quen với việc chỉ có một mình trong căn phòng trống, quen với việc vơ vẩn một mình ngắm nắng thưởng trăng. Trong những lúc cô đơn ấy, tôi thường tự nói chuyện với bản thân mình. Vườn đào bên dưới căn gác của tôi vẫn còn đó, bây giờ đang là giữa mùa đông, chưa đến kỳ hoa đào nở.

Tôi vẫn thích được đi dạo trong vườn đào vào mỗi buổi sáng sớm để những giọt sương đêm của mùa đông thấm ướt đôi giày vải thêu hoa. Đôi khi, tôi cũng thả lỏng tâm hồn, nhớ lại kỷ niệm về mối tình đầu đã từng diễn ra ở nơi đây. Tôi còn nhớ cảm xúc của những tháng ngày trẻ trung đó, lần đầu tiên tôi có được những cảm xúc rạo rực, bồi hồi, lần đầu tiên tôi có sự đụng chạm với người khác giới, sự đụng chạm khiến người ta luôn cảm thấy vừa vui thích vừa xấu hổ. Giờ đây, đã bốn mùa xuân thu luân hồi, biết bao cánh hoa đào đã rụng, mối tình đơn phương ấy của tôi cũng đã rớt rơi theo những cánh hoa kia mất rồi.

Chỉ còn lại những thân cây đào khẳng khiu, cô đơn đứng giữa không gian rộng lớn.

“Chị còn mặt mũi quay trở về ư?!” – Một giọng nói phẫn nộ vang lên từ phía sau. Tôi giật mình quay đầu lại.

Là… là em trai.

Khi tôi đi khỏi nhà, cậu ấy mới mười hai tuổi, vẫn là một cậu bé còn chưa hiểu rõ mọi chuyện. Còn nhớ, lúc nhỏ, tình cảm giữa hai chị em vô cùng sâu sắc, tôi thích ngắm gương mặt ngây thơ của nó mỗi lần ngẩng đầu lên gọi chị. Bốn năm đã trôi đi, từ một thiếu niên, em trai đã trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú.

“Em trai!” Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Niềm vui được gặp lại người thân sau bao ngày trở về nhà đã thúc giục tôi muốn kể lại những biến cố trong cuộc đời mình. Tôi xúc động tiến về phía em trai, nở một nụ cười rạng rỡ. Đáp lại là một khuôn mặt khinh bỉ.

“Tiện nhân!” – Em trai nói.

Hai chữ ngắn gọn mà lạnh lùng đó đã bóp nát sự nhiệt tình trong tôi, tôi thậm chí còn chưa kịp thu lại nụ cười đang nở trên môi. – “Em…” – tôi ngạc nhiên bội phần, cảm thấy vô cùng khó hiểu, lại có cảm giác như em trai chưa nhận ra mình – “Chị là chị Sở Sở đây mà!”.

“Tiện nhân! Chị còn mặt mũi quay trở về ư? Tôi không có người chị như chị! Danh dự của nhà họ Ngụy đã bị chị làm cho ô uế rồi! Chị là nỗi nhục lớn của nhà họ Ngụy chúng tôi!” – Em trai cất cao giọng mắng nhiếc, đôi mày nhíu lại, khuôn mặt lộ rõ vẻ khinh thường.

“…”

Tôi đứng chôn chân tại chỗ, không còn lời nào để nói nữa.

“Chị còn về đây làm gì? Nếu là chị, tôi đã nhảy xuống sông tự vẫn từ lâu rồi!” – Cuối cùng, em trai đã bị kích động tới nỗi gào toáng lên.

Tôi bỗng nhiên lại cảm thấy rất bình tĩnh, sau bốn năm với bao đau đớn giày vò, tôi đã có thể thản nhiên để đối diện bất kì lời chửi mắng hay cái nhìn khinh bỉ nào.

Tôi lặng lẽ nhìn em trai.

Em trai tôi đã lớn thật rồi. Đã cao hơn trước nhiều, giọng nói cũng vang hơn, đã ra dáng một người đàn ông trưởng thành. Những kỷ niệm ngọt ngào, ngây thơ của bốn năm về trước đã tan theo mây khói, tôi đã không thể nắm tay cậu em trai, cùng nhau chơi thả diều trong sân hay cùng nhau đi bắt chuồn chuồn nữa.

Em trai đã thay đổi rồi, những người thân trước đây giờ đã trở nên xa lạ, nụ cười ngày xưa đã một đi không trở lại.

Tôi bỗng nhiên lại muốn cười, tôi cũng không thể điều khiển được khóe môi đang cong dần lên của mình nữa.

“Chị nói đi chứ? Chị nói gì đi chứ? Giờ đây, chị rốt cuộc là họ Ngô hay họ Ngụy? Nhà chúng tôi lại có một người vợ bị ruồng bỏ ư? Chị! Chị đang cười đấy à? Chị vẫn còn cười được ư? Đúng là đồ không biết xấu hổ! Chị còn cười… Hừ!” – Em trai học theo cách nói của người lớn, lắc đầu một cách tuyệt vọng – “Gia môn bất hạnh!”

Cuối cùng, em trai phẩy tay áo rồi bỏ đi.

Gia môn bất hạnh… câu này chắc chắn là em trai học được từ chỗ của cha rồi. Tôi có thể hình dung ra vẻ mặt đau khổ của cha khi đứng trước bàn thờ gia tiên thốt lên bốn từ đó.

Gia môn bất hạnh. Tôi còn nhớ, bố chồng cũng dành những từ đó để ban phát cho tôi.

Rốt cuộc là sự bất hạnh của tôi đã làm ảnh hưởng tới gia môn hay sự bất hạnh của gia môn đã đổ hết lên người tôi.

Rốt cuộc thì tôi đã làm gì, tôi đi đến nhà nào thì nhà đó trở nên bất hạnh. Tôi đau khổ suy nghĩ, tôi thực sự không tìm được câu trả lời – thực sự là tôi không làm gì cả.

Tôi đã bắt đầu hiểu rõ hơn về cuộc đời.

Tình thân nghĩa nặng luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; công bằng chính trực luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; quyền được lựa chọn luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông; niềm vui hạnh phúc luôn tồn tại, nhưng chỉ đối với đàn ông… cả thế giới này chỉ xoay chuyển xung quanh người đàn ông, vậy tại sao còn phải sinh ra đàn bà?

Nếu ngay từ đầu đã không cần đến tôi, vậy còn nuôi dưỡng tôi khôn lớn để làm gì?

Tôi mang theo tất cả những khúc mắc trong lòng và đi đến bên hồ nước, thản nhiên cởi bỏ đôi giày, cẩn thận đặt chúng một cách ngay ngắn.

Nếu tôi không phải họ Ngô thì cũng không thể mang họ Ngụy được nữa rồi, nếu như tôi đã là thứ thừa thãi trong con mắt của mọi người, vậy thì, em trai nói rất đúng, tốt nhất là biến mất, cứ coi như từ trước tới giờ không có sự hiện diện của tôi, như vậy từ nay gia môn sẽ vô cùng may mắn.

Gió thổi ù ù bên tai, tôi đứng nhìn chăm chú rồi cúi lạy ngôi nhà đã nuôi dưỡng tôi trong suốt mười lăm năm.

Cuối cùng, ánh mắt tôi dừng lại trên mặt hồ, tôi đã rất thân quen với nơi này ngay từ khi còn bé. Tôi biết trong làn nước sâu thăm thẳm kia có những chú chép vàng to lớn. Tôi cũng biết rằng dưới lớp bùn ở đáy hồ kia có những mầm hoa sen, mùa hè, những bông sen đua nhau đâm chồi rồi khoe sắc trên mặt hồ.

Nhưng tôi lại không biết nước hồ sâu bao nhiêu. Giờ đây, trước mắt tôi là mặt nước xanh đen, im lìm, toàn một không khí chết chóc, trừ một vài gợn sóng nhỏ lăn tăn theo chiều thổi của cơn gió.

Bây giờ đang là giữa mùa đông, nước hồ lạnh vô cùng. Hai chân tôi vừa chạm xuống nước, toàn thân đã rùng mình ớn lạnh.

Tôi bắt đầu do dự, bắt đầu cảm thấy lo sợ. Tôi đứng bơ vơ bên hồ nước, nước mắt lại trào ra. Tôi phải chết như thế này sao?

Nhưng nghĩ tới sự ghẻ lạnh của người thân, sự khinh miệt của người đời, toàn thân tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tôi cắn chặt răng lao mình xuống nước.

Cha, mẹ, con gái bất hiếu. Kiếp sau con xin nguyện làm một người đàn ông, báo đáp lại công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, nguyện sẽ trọn đời hầu hạ bên cạnh cha mẹ.

Nước hồ lạnh buốt như cắt da cắt thịt, tôi còn nhớ, lúc ngã xuống, tôi đã quẫy đạp trong lòng hồ vài nhịp. Nếu tôi chết đi rồi, liệu có ai khóc cho tôi không. Nếu tôi chết đi rồi, vài năm sau nữa, liệu còn ai nhắc tới tên tôi không…

Tôi dần dần mất đi ý thức, chìm sâu trong làn nước trong xanh.

Tôi vốn dĩ không nên có mặt trên đời này, bây giờ là lúc tôi cần ra đi.

Khi mặt hồ yên lặng trở lại, đó cũng chính là lúc thế gian được yên bình.