“Đại sư, xin ngài hãy cứu con gái ta! Dù có phải lấy thọ nguyên của ta để bù đắp cũng được. Nếu con bé chết, ta còn sống có ý nghĩa gì nữa?”
Ta vội đỡ bà ấy dậy.
“Đừng hoảng, thế này đi, ta sẽ thay đổi một chút mệnh cách của tiểu thư. Đến năm mười sáu tuổi, khi kiếp nạn ập đến, cô bé sẽ hóa dữ thành lành, gặp hung hóa cát.”
“Có thể sống sao?”
“Có thể!”
Ta lấy chu sa trong người ra, nhúng vào m.á.u tươi của mình rồi chấm một nốt ruồi trên hổ khẩu của cô bé.
Nốt ruồi đó giống hệt nốt ruồi trên hổ khẩu của ta.
“Phu nhân, tiểu thư có nốt ruồi này, mệnh cách đã đổi, nhất định sẽ có quý nhân từ trên trời giáng xuống giúp đỡ, gặp hung hóa cát.”
Người phụ nữ ôm chặt con gái, rối rít cảm tạ. Trước khi rời đi, bà ấy ôm chặt lấy đứa bé:
“Thanh Diễn, chúng ta về phủ trước đã. Nếu có duyên, sau này sẽ gặp lại đại sư để cùng biện kinh.”
Cầm số tiền quyên góp, ta vui vẻ trở về chùa.
Đêm đó, ta mơ thấy sư phụ ta. Bà ấy mắng ta một trận:
“Tĩnh An, ta chẳng đã nói với ngươi không được xuống núi sao?”
Ta lý lẽ phân trần:
“Nếu không xuống núi, chùa phải làm sao? Bao nhiêu người trong chùa, chẳng lẽ phải lấy trời làm chăn, lấy đất làm giường sao?
“Sư phụ à, đệ tử cũng đã hơn tám mươi tuổi rồi, người để ta yên vài ngày đi. Đợi ít lâu nữa, đệ tử sẽ vào quan tài bầu bạn với người, nhớ chừa chỗ cho ta với.”
Sư phụ ta tức giận bỏ đi. Ngôi chùa đổ nát được xây dựng lại.
Nhưng ta mãi không đợi được người phụ nữ kia lên núi lễ Phật.
Hậu viện có nhiều chuyện bất tiện, có thể ra ngoài một lần đã là rất khó, chắc hẳn bà ấy bị việc đời níu chân.
Đời này của ta sống thật dài.
Chẳng lẽ để bù đắp cho kiếp trước yểu mệnh?
Ta cứ thế sống đến trăm tuổi.
Sáng sớm ngày trăm tuổi, tiểu đệ tử vui vẻ gọi ta dậy:
“Sư phụ, hôm nay là trăm tuổi thọ của người, chúng ta phải tổ chức thật linh đình. Nghe nói, người sống trăm tuổi có thể nhìn thấu thiên cơ, thấy được nhiều kiếp hơn ngoài tiền kiếp và hiện đời.
“Sư phụ, người— sư phụ?”
Thấy ta không trả lời, nàng dè dặt liếc nhìn ta vài cái.
Ta đã đọc kinh gần trăm năm.
Ta biết xem số mệnh, giỏi bấm quẻ.
Nhưng ta chưa bao giờ đoán thấu được mệnh cách của chính mình.
Ánh mặt trời ngoài cửa sổ chiếu rọi.
Chiếu lên mặt người, phủ một lớp ánh sáng vàng rực rỡ.
Trong bộ não già nua của ta, bỗng hiện lên rất nhiều ký ức vụn vặt của những kiếp trước.
Chúng kỳ dị quái lạ.
Như đèn kéo quân lướt qua trước mắt ta.
“Hay là, ngươi gả cho ta— một nữ nhân xuyên không đi.”
“Nhớ nói cha ngươi đòi nhiều của hồi môn vào, có thể đòi bao nhiêu thì đòi bấy nhiêu.”
“Dù chàng là nữ nhi, ta đã bái đường cùng chàng. Chàng đi đâu, ta sẽ theo đó!”
“Chàng biến thành thế nào ta cũng thích, chàng là Lâm Phong Chí, ta không quan tâm chàng là nam hay nữ, đẹp hay xấu, ta chỉ thích một mình chàng đến vĩnh viễn.”
“Con người chỉ nhớ được tiền kiếp và hiện đời, nhiều hơn nữa thì chẳng thể nhớ nổi.”
Trong vệt nắng chói lòa, ta dường như thấy có một bóng hình nhẹ nhàng lao vào lòng ta, gọi ta:
“Phong Chí.”
Nàng gọi ta là Phong Chí.
Ta là Lâm Phong Chí.
Tiểu đệ tử hoảng hốt kêu lên:
“Sư phụ, có phải người nhớ ra chuyện gì không? Đừng nhớ nữa! Tổ sư gia từng nói, nếu cưỡng ép nhớ lại ký ức nhiều đời, sẽ bị thiên phạt đấy.”
Thiên phạt.
Kiếp sau, ta sẽ quên hết mọi thứ.
Ký ức của bao nhiêu đời dồn dập ùa về, rối tung thành một mớ hỗn độn.
Làm đầu ta đau nhức dữ dội.
Nhưng ta không thể bận tâm nhiều đến thế.
Ta xuống giường, chống gậy khó nhọc lê bước ra ngoài.
Ta thật sự già quá rồi.
Già đến mức đi vài bước đã thở dốc không chịu nổi.
Thấy ta nhất quyết muốn đi, tiểu đệ tử chỉ đành dùng kiệu đưa ta xuống núi.
Hôm nay kinh thành tổ chức hai đại hỷ sự.
Thái tử thành thân với trưởng nữ nhà họ Giang, Lâm gia cưới thứ nữ của Giang gia.
Ta nhìn thấy Lâm Phong Chí.
Hắn cưỡi trên lưng ngựa cao, khóe môi mỉm cười, nhận lấy lời chúc mừng từ mọi người.
Bên trong kiệu phía sau hắn, ngồi ngay ngắn là Giang Thanh Diễn.
Ta phát điên mà gào lên với cỗ kiệu của nàng:
“Thanh Diễn, ngươi phải nhớ, ngươi chính là Lâm Phong Chí. Con người chỉ nhớ được tiền kiếp và hiện đời, nhiều hơn nữa, vĩnh viễn không thể nhớ.”