Phúc Nữ Nhà Nông

Chương 147: Bản thảo



"Tiên sinh yêu cầu cao lắm, nếu không thì ngươi nói xem chúng mình viết chưa tốt ở chỗ nào?"

"Nếu ta mà biết, thì đã đã sửa luôn rồi, còn có thể đợi tới bây giờ sao? Chính là vì không biết nên mới phải đến đây nha, đợi đến khi tìm được chỗ nào không tốt thì sửa."

Nhưng hiển nhiên Mãn Bảo không thuyết phục được Bạch Thiện Bảo, hai đứa trẻ càng nói càng tức, bắt đầu cãi nhau trước đám người lớn, cuối cùng Bạch Thiện Bảo cả giận nói: "Vậy ngươi trả lại phần ta viết cho ta đi, ta không viết với ngươi nữa."

"Trả thì trả, ta cũng chẳng thèm viết với ngươi." Mãn Bảo kéo túi vải trước ngực xuống, đây là túi do Hà thị dùng vải vụn rồi may thành theo lời bé nói, cái này lớn hơn nhiều, có thể đựng rất nhiều thứ, còn tiện hơn cả rương đựng sách.

Mãn Bảo mở túi vải ra, lấy một chồng giấy rất dày từ bên trong ra, rất dứt khoát mà bắt đầu tìm những tờ giấy của Bạch Thiện Bảo viết ra.





Những đoạn văn này là do bọn họ cùng nhau viết, có đôi khi là Mãn Bảo đọc, Bạch Thiện Bảo viết, hắn viết mỏi tay, liền đổi thành Bạch Thiện Bảo nghĩ, rồi đọc cho Mãn Bảo viết.

Cho nên hai người viết đây một tờ kia một tờ, hợp với nhau còn miễn cưỡng có thể coi là một bài văn, nhưng tách ra thì không còn là gì nữa.

Nhưng hiển nhiên Mãn Bảo và Bạch Thiện Bảo cũng không thèm để ý, hơn nữa cũng không phải là lần đầu tiên cãi nhau như vậy, hai người rất quen thuộc để hết giấy viết bản thảo xuống đất, sau đó mỗi người rút một tờ ra, có vài tờ giấy còn có cả nét bút của hai người.

Đều là do Mãn Bảo mỏi tay Bạch Thiện Bảo tiếp bút, hoặc là Bạch Thiện Bảo viết mỏi Mãn Bảo tiếp bút. Hai người cũng rất dứt khoát, ngươi một tờ ta một tờ, đến tờ cuối cùng, bàn tay mũm mĩm của Mãn Bảo liền ấn ở trên giấy.



Bạch Thiện Bảo la lên: "Lần trước cãi nhau ngươi lấy tờ này rồi, lần này đến lượt ta."

Mãn Bảo nói: "Trên tờ này ta viết nhiều hơn, ngươi mới viết có ba dòng, vốn phải là ta lấy."

Mắt thấy hai đứa trẻ sắp đánh nhau đến nơi vì một tờ giấy, Phó huyện lệnh không nhịn được mở miệng, "Cho ta xem."

Hai đứa trẻ cùng nhau ngẩng đầu, kinh ngạc phát hiện, a, hóa ra huyện lệnh ở ngay chỗ này.

Phó huyện lệnh:......

Mọi người nhịn cười.

Sau đó Mãn Bảo và Bạch Thiện Bảo lại xếp lại bản thảo một lần nữa, từ sau khi cãi nhau vài lần, chia bản thảo vài lần, bọn họ đã khôn hơn rồi, viết một con số dưới đáy bản thảo, như vậy sẽ không cần phải đọc lại, cứ dứt khoát dựa theo số trang xếp lại là được.

Bạch Thiện Bảo đưa bản thảo đã xếp theo thứ tự cho Phó huyện lệnh xem, ánh mắt trông mong nhìn hắn, "Huyện lệnh, chúng cháu viết rất tốt đúng không ạ?"



Văn chương của trẻ con vừa mới đi học chưa được hai năm thì có thể tốt đến đâu chứ?

Cả trang giấy đều là ngôn từ trẻ con ấu trĩ, vô cùng thẳng thừng, cũng chẳng có tí mỹ cảm hành văn gì, nhưng lại có nội dung.

Thật ra đây là một bản kiến nghị nha huyện cung cấp đủ lượng đồ ăn và nước ấm cho lao đinh phục dịch, đoạn đầu bài văn còn nói lao đinh phục dịch vất vả biết bao nhiêu, đương nhiên không có từ ngữ hoa mỹ trau chuốt, cách viết còn rất thẳng thừng, mang theo cả ngữ khí trẻ con, viết thẳng ra như này: "Bọn họ thật đáng thương."

Phó huyện lệnh:......

Nhưng trong bài văn cũng không chỉ có mấy câu như này, quan trọng nhất là, nó rất kỹ càng tỉ mỉ đưa ra ví dụ chứng minh những lao đinh này đáng thương như thế nào.

Nhà ai có mấy người, gia cảnh thế nào, vì sao phải phục dịch, hoàn cảnh trong nhà ra sao. Buổi sáng mỗi ngày ăn gì, ăn bao nhiêu, lượng đồ ăn buổi trưa và buổi tối của từng người cũng được liệt kê ra từng cái một, buổi trưa nha huyện mang thức ăn đến muộn cũng viết hết cả ra, hiển nhiên, đây không phải là bài văn tự nhiên viết ra được, mà phải đi điều tra lấy được bằng chứng mới viết.
Đọc những lời non nớt ngây thơ này, hiển nhiên còn có sự đồng cảm như bản thân mình cũng bị.

Chức quan của Phó huyện lệnh là do thi được, đương nhiên hắn biết điểm yếu của một bài văn là cái gì, có thể nói, bài văn ngoại trừ chưa có kỹ năng viết ra, thì tất cả những nội dung chính yếu đều có đủ.

Mà nếu đây là bài văn do hai đứa trẻ chưa đến bảy tuổi viết ra, thì cái khuyết điểm duy nhất kia cũng không còn quan trọng.

Trong mắt Phó huyện lệnh hiện lên sự ngạc nhiên và vui mừng, hắn cúi đầu nhìn hai đứa trẻ trước mặt, lại thoáng nhìn bài văn lần nữa, rồi xếp gọn gấp vào, hỏi: "Bài văn này có thể tặng cho ta không?"

Mãn Bảo hỏi, "Huyện lệnh đại nhân, ngài cảm thấy chúng cháu viết thế có được không?"

Phó huyện lệnh liền vuốt râu khen: "Viết rất hay."
Mãn Bảo vui mừng, trong vui mừng lại có chút tiếc nuối, "Vậy bao giờ nha huyện chuẩn bị đồ ăn cho các lao đinh ạ, mỗi người có thể ăn bao nhiêu, có thể chuẩn bị cả cơm sáng không, có thể ăn no không ạ? Cháu có số liệu, huyện lệnh đại nhân, ngài có muốn hay không?"

Phó huyện lệnh há to miệng, hắn nói sẽ chuẩn bị đồ ăn cho bọn họ lúc nào?

Nhìn bản thảo trong tay một cái, hiểu ra, hắn ho nhẹ một tiếng, rõ ràng hắn chỉ nói là bài văn viết rất tốt, chưa nói......

Được rồi, đối phương vẫn là trẻ con, hỏi câu hỏi có nghĩa khác, vậy hắn cũng trả lời có nghĩa khác.

Bài văn đúng là không tệ, nhưng muốn để hắn chuẩn bị đủ nước ấm và đồ ăn cho lao đinh phục dịch là chuyện không thể, bởi vì cái này không nằm trong dự toán của nha huyện.

Bây giờ những khoản chi cho phục dịch đều có tiền lệ từ trước rồi, nếu hắn tăng đầu vào lên, vậy tiền đấy lấy từ đâu ra?
Nhưng đối diện với hai đôi mắt sáng lấp lánh, Phó huyện lệnh phát hiện sau khi ho xong lại không biết nói thế nào.

Huyện thừa lại cười nói, "Cô gái nhỏ, không phải vừa rồi cháu nói quầy hàng nhà họ Chu kia là của nhà cháu sao?"

Mãn Bảo gật đầu, "Đúng vậy ạ."

"Nếu nha huyện cung cấp cơm nóng đồ ăn nóng cho các lao đinh, vậy không phải là đồ ăn nhà cháu không bán được nữa sao?"

Mãn Bảo thở dài nói: "Vâng ạ."

"Vậy cháu còn hy vọng nha huyện cung cấp cơm nóng đồ ăn nóng cho các lao đinh hả?"

"Đương nhiên ạ," Mãn Bảo nói: "Tuy rằng hơi đáng tiếc, nhưng đây là chuyện tốt mà, như kiểu cháu thích ăn cá, trước đó ngày nào cũng mong đê sông bị vỡ, như vậy là ngày nào cháu cũng có thể ra sông vớt cá để ăn. Nhưng cha cháu nói, nếu không sửa lại đê sông, thì năm sau vào hạ mưa to, nước sông có thể cuốn hết hoa màu của nhà cháu, nói không chừng còn cuốn cả cháu đi, cho nên tuy rằng đáng tiếc, nhưng vẫn nên sửa đê sông đi ạ."
Phó huyện lệnh và mọi người:......

Mới nửa ngày mà thôi, bọn họ đã không chỉ một lần nghe hai đứa nhỏ nhắc tới chuyện vỡ đê.

Huyện thừa nhìn về phía Bạch Thiện Bảo, hỏi: "Tiểu lang quân cũng nghĩ như thế sao?"

Bạch Thiện Bảo nói: "Vâng ạ, chỉ là kiếm tiền thôi mà, nếu không thể bán đồ ăn kiếm tiền, thì có thể bán thứ khác để kiếm nha."

Lúc mùa hè, vừa tan học là hai đứa trẻ đã chạy ra bên ngoài, Trang tiên sinh muốn dạy thêm cho bọn họ đều không gọi được người, sau đó ông lưu ý một chút, phát hiện ra hai đứa trẻ bấp chấp nắng to đi nhổ cỏ tích tuyết, vừa hỏi mới biết, bọn họ định mang đi phơi khô rồi bán cho Tế Thế Đường, Mãn Bảo hỏi Trịnh chưởng quầy rồi, cỏ tích tuyết không đủ dùng lắm, cho nên muốn thu mua thêm một ít.

Lúc ấy Trang tiên sinh liền kể cho bọn họ câu chuyện dùng dao cùn để chẻ củi và mài dao để chẻ củi, nói cho hai bé biết, bỏ công mài dao thì chẻ củi sẽ nhanh hơn, mà bọn họ đọc sách cũng như mài dao vậy, nếu muốn sau này kiếm được nhiều tiền, thì hiện giờ phải lấy học hành làm đầu, bởi vì học giỏi, thì tiền tài mới đến.
Hơn nữa Khoa Khoa cũng truyền đạt tri thức cho Mãn Bảo, Mãn Bảo đã nói với Bạch Thiện Bảo, cho nên sau khi hai đứa trẻ nghiêm túc thảo luận, đều cảm thấy trên đời này có rất nhiều cách kiếm tiền, bọn họ không cần sốt ruột.

Cho nên lúc này hai đứa trẻ đều có thể tự tin nói với Phó huyện lệnh và huyện thừa: "Trên đời này có nhiều cách kiếm tiền lắm ạ, hơn nữa cũng không phải là lao đinh nào cũng sẽ mua cơm canh để ăn, người không mua chỉ có thể uống nước lạnh, ăn bánh nguội, đáng thương biết bao."