Phượng Nghiên Trấn Quốc

Chương 26: Yến tiệc tẩy trần [4]



Hôm nay Trác Thiếu Kình ăn vận rất thanh nhã, nhưng không đem lại sự thanh cao như Trác Thiếu Khanh, ngược lại có chút gượng ép giả tạo. Y nhìn cung nhân múa đến phát chán, lại trông thấy ba vị mỹ nhân đều hiện hữu, mới giả vờ lên tiếng nói với Sùng Kha đế:

“Phụ hoàng, cung nhân ca múa chúng ta đều đã sớm xem đến phát chán rồi đi. Ở đây nhi thần thấy Tam đại mỹ nhân Đế thành ta đều ở, nếu được phụ hoàng hãy mở một buổi tranh tài giữa các vị tiểu thư đi, để xem Tam đại mỹ nhân có thành Tứ đại hay Ngũ đại mỹ nhân hay không”.

Lời này vừa dứt, bên phía các vị tiểu thư liền nghị luận sôi nổi. Các nàng luôn mong chờ những cuộc thi như thế này ở các yến hội lớn, có thể vinh quang trình diễn tài năng của bản thân, nếu may mắn còn có thể lọt vào mắt xanh của những người quyền quý.

Sùng Kha đế thấy không khí có phần buồn chán, liền hỏi ý các vị phi tử của mình:

“Kình nhi nói như thế các nàng xem có được không?”

Hoàng hậu ưu nhã mỉm cười đáp:

“Chắc chắn là rất thú vị, thần thiếp cũng muốn xem xem Đế thành chúng ta rốt cuộc cất giấu bao nhiêu mỹ tài nữ”.

Nghe vậy, Sùng Kha đế mới vỗ tay nói:

“Nếu đã vậy trẫm cho các vị tiểu thư hai khắc để ghi danh và chuẩn bị, trẫm chọn Tam đại mỹ nhân và Trấn Quốc vương gia làm giám khảo, ai thắng khảo thí trẫm nhất định sẽ trọng thưởng”.

Trác Thiếu Kính dưới gầm bàn tay nắm thật chặt. Rõ ràng là y mở lời trước, những lão già hoàng đế ấy lại để cho Trác Thiếu Hằng làm giám khảo, thế thì Nguyệt nhi của y phải làm sao đây?

Y ngẩng đầu lên nhìn Trầm Ánh Nguyệt, lại thấy tại chỗ không người nàng ta cho y một cái ánh mắt an tâm, tay mới chậm rãi buông lỏng. Nguyệt nhi tài giỏi như thế, chỉ là thân phận không đủ, nếu phụ hoàng đã nói thì nhất định sẽ ban thưởng cho nàng ấy thật hậu hĩnh.

Tịnh vương gia a, sao khảo thí còn chưa bắt đầu mà ngươi đã sớm nhận định người thắng cuộc sẽ là Trầm Ánh Nguyệt?

Các vị tiểu thư cũng nhanh chóng lên bục biểu diễn, cầm kì thư hoạ, thơ từ ca phú tất cả đều diễn qua một lần nhưng chỉ có tài năng của tiểu thư gia tộc lớn mới có phần nổi trội hơn một chút mà thôi. 

Trầm Ánh Nguyệt đã thay xong y phục, nàng ta chậm rãi bước lên bục biểu diễn. Y phục trên người nàng ta là y phục của Mục quốc- áo tay ngắn cùng với quần dài màu xích thố, nơi thắt lưng và phần tay trắng bóng lộ ra ngoài không khí được khéo léo cho đậy bằng vải thưa mỏng, ẩn hiện kích thích thị giác. Trên đầu đội phục sức Mục quốc, nhạc vừa vang lên nàng ta liền bắt đầu nhảy.

Không thể không nói, Trầm Ánh Nguyệt quả thật xứng đáng là người giỏi nhất yến hội lần này, vì nàng ta thật sự múa rất đẹp. Thắt lưng nho nhỏ bên dưới lớp vải thưa không ngừng chuyển động, cánh tay cùng chân như không xương, khéo léo thực hiện những động tác gập người duỗi người đầy khó nhằn. 

Cho đến khi nhạc tắt, Trầm Ánh Nguyệt tuy mệt đến hơi thở nặng nề, song vẫn rất hào hoa ưu nhã, mỉm cười một cái thật xinh đẹp rồi mới chậm rãi đi xuống, hưởng thụ không ít lời khen của mọi người.

Lý công công mặt không đổi sắc lại nói tiếp:

“Cuối cùng là Tam tiểu thư Trầm quốc công phủ Trầm Thư Kính”.

Thanh âm vừa dứt, tiếng đàn tranh liền vang lên. Nhưng kỳ lạ là trên bục lại không có người. Bỗng nhiên một phát pháo sáng bắn lên bầu trời, hoa Huân Y Thảo từ trên trời chậm rãi rơi xuống, mang theo mùi hương hết sức nồng nàn. 

Ở giữa cơn mưa Huân Y Thảo đó, mọi người phát hiện thân ảnh một nữ tử vận y phục tím đang đánh đàn chậm rãi hạ xuống. Chỉ thấy nữ tử kia cuối đầu, mười đầu ngón tay trắng noãn nhỏ nhắn lướt như bay trên dây đàn, thanh âm dồn dập theo đó vang lên.

Tử y dưới ráng chiều bay bay càng thêm mỹ lệ, lại ẩn hiện một sự thần bí khó lường. Đột nhiên thanh âm dồn dập chợt tắt, một hồi thanh âm bi thống dưới tay nữ tử kia vang lên.

Khúc nhạc làm cho mọi người đều chìm đắm trong đó, dù là vui vẻ, là đau khổ hay là bi thương, mọi người ai cũng không thoát ra được. Chỉ có Trác Thiếu Hằng, hắn nhìn nữ tử áo tím với ánh mắt đầy trìu mến cùng thương tiếc. Khúc “Phượng Cầu Hoàng” này không phải ai cũng có thể đàn hay đến như vậy.

Người muốn đàn hay “Phượng Cầu Hoàng” nhất định phải trải qua hỷ nộ ái ố của nhân sinh, từ trong bi thống mà vực dậy, tựa như đã nhìn thấu hết đau khổ của chúng sinh. “Phượng Cầu Hoàng” không có bản phổ nhạc, đó đều là khúc nhạc phát ra từ trong tâm khảm người đàn. 

Từ xưa đến nay, “Phượng Cầu Hoàng” chỉ được đàn qua ba lần, ba lần đó quốc gia đều rất an bình thịnh vượng. Thế nên nhân gian mới nói, Hoàng đế nào được nghe “Phượng Cầu Hoàng”, thì những năm y tại vị nhất định mưa thuận gió hoà, dân chúng an bình, biên cương thắng trận liên tục. Mà người đàn “Phượng Cầu Hoàng” cũng là một bước lên mây.

Khi tiếng đàn hết, mọi người kể cả Sùng Kha đế vẫn chưa hồi hồn, nữ tử kia đặt cây đàn trên tay xuống, nhẹ nhàng hành lễ:

“Tiểu nữ Trầm Thư Kính bêu xấu, mong hoàng thượng thứ tội”.

Lúc này mọi người mới từ trong khúc nhạc mà tỉnh lại. Chỉ thấy trên bục biểu diễn, Trầm Thư Kính đứng giữa rừng Huân Y Thảo, diễm mỹ tuyệt tục. 

Trác Thiếu Hằng âm thầm nở nụ cười đầy tự hào, nói với Sùng Kha đế:

“Phụ hoàng, nhi thần chắc có lẽ cũng không cần phải chấm nữa rồi đúng không? Một khúc “Phượng Cầu Hoàng” này của Trầm Tam tiểu thư quả thật là chấn động”.

Sùng Kha đế bị Trác Thiếu Hằng gõ tỉnh, hai mắt nhìn Trầm Thư Kính tựa như muốn phát sáng. Không phải ông thất thố, chỉ là nhiều năm qua như vậy, ông cứ nghĩ “Phượng Cầu Hoàng” đã tuyệt thế, nào ngờ vẫn còn có người có thể đàn nó, lại còn đàn vì Sùng Kha đế ông.

Ông vui mừng nói với Trầm Thư Kính:

“Trầm Tam tiểu thư, ngươi quả thật là phúc tinh của trẫm, một khúc “Phượng Cầu Hoàng” này của ngươi nếu không đứng nhất thì còn ai đứng nhất nữa đây?”.

Nói đoạn, Sùng Kha đế nói với Lý công công:

“Lý Quỳ, thay ta điểm chỉ. Tam tiểu thư phủ Trầm quốc công tài mạo song toàn, lại vì trẫm mà đàn một khúc “Phượng Cầu Hoàng”, cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an quả thật xứng đáng là một trong Tứ đại mỹ nhân Đế thành. Nay trẫm sắc phong nàng làm nhất phẩm quận chúa, ban phong hào Phượng Nghiên, ngày sau sẽ cho người mang kim ấn và cung y đến Trầm quốc công phủ”. 

Trầm Thư Kính dường như đã dự liệu trước một khúc đàn này sẽ mang lại vinh sủng cho chính mình, chỉ là không ngờ Hoàng đế lại ban cho nàng nhất phẩm quận chúa, nàng chỉ nghĩ cùng lắm là nhị phẩm quận quân. Tuy vậy trên mặt Trầm Thư Kính vẫn không hiện lên tia hoảng loạn, vẫn nghiêm trang quỳ xuống hành lễ:

“Tiểu nữ đa tạ hoàng thượng ân điển. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”. 

Một khúc đàn này đã mang lại cho Trầm Thư Kính danh vị quận chúa, lại mang đến danh hiệu Tứ đại mỹ nhân cho nàng, ngoài ra còn mang đến cả sự chú ý càng thêm sâu sắc của Trác Thiếu Kình.

Trác Thiếu Kình từ lâu đã vừa ý Trầm Thư Kính, nay nàng lại là một trong Tứ Đại mỹ nhân, trên người còn mang theo thân phận quận chúa, giá trị bản thân bỗng dưng bay cao vút. 

Y thích Trầm Ánh Nguyệt, nhưng không có nghĩa sẽ bỏ qua cho Trầm Thư Kính. Y phải có được nàng trong tay, vì thân phận của nàng, cũng là vì trả thù Trác Thiếu Hằng.