Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 313: Chuyện kín của Đào công tử



Quyến luyến tạm biệt Nhược Hạm, dặn đi dặn lại nàng đừng tới nữa, điều dưỡng sức khỏe cho thật tốt. Thẩm Mặc tinh thần sa sút đi theo Chu Thập Tam về phương hướng ngược lại.

Chu Thập Tam vỗ vai y, an ủi:
- Huynh đệ, ta hiểu tâm tình của ngươi, ca ca đây vốn xuất thân từ bộ đầu của lục phiến môn. Mỗi lần đi phá án, bà nương trong nhà lại nơm nớp lo lắng, ăn không ngon ngủ không yên, mười mấy năm qua thành bệnh. Làm ta đau lòng hết sức, khỏi phải nói khổ sở thế nào.

Thẩm Mặc cười khổ:
- Đúng thế, lão ca cũng tận mắt nhìn thấy rồi, mới chỉ có hai tháng mà nàng khác biệt lớn thế nào? Một nam nhân ngay cả bản thân không chiếu cố được, còn khiến vợ theo mình chịu khổ chịu tội. Huynh nói xem đệ có vô dụng không?

Chu Thập Tâm cất giọng cười lớn:
- Nếu đệ nói mình vô dụng thì nam nhi thiên hạ ai dám nói mình hữu dụng? Được rồi huynh đệ, bỏ cái kiều nữ nhi sụt sùi đó đi, ca ca mời đệ đi uổng rượu.
Hắn nhìn sắc trời, mắng một tiếng:
- Hay rồi, cơm sáng cơm trưa ăn một thể, họ Đào kia bớt được tiền.

- Phải làm một bữa thật ngon.
Thẩm Mặc cũng bỏ tâm sự qua, cười nói:
- Mấy ngày qua toàn ăn bát thịt lớn rưới đầy dầu mỡ, làm đệ ngán ăn gà rồi.

Người tới từ phương nam phú quý coi người Bắc Kinh không biết cách ăn uống. Lấy món mỳ mà nam bắc cùng sở trường ra nói vậy. Làm đi làm lại chẳng qua chỉ là đổ nước dùng lên mỳ, cho thêm vài món ăn kèm thôi, gập tay đếm cũng hết. Nhưng ở quê Thẩm Mặc, tùy tiện đi vào một quán mỳ nào, riêng tên mỳ đã có mấy chục loại, nhìn mà hoa mắt, chỉ hận miệng mình quá nhỏ, không thể thưởng thực hết.

Đương nhiên kinh đô không thiếu món ăn ngon, vì phàm là nơi nào có vương công quý tộc tụ tập thì đầu bếp nổi danh cũng tụ tập. Chẳng qua những đầu bếp đó toàn là người ngoại tỉnh, người bản địa chẳng có mấy.

Cho nên Thẩm Mặc chỉ thuận miệng nói một câu, trong mắt Chu Thập Tam thành y chê món ăn Bắc Kinh, vì ăn thịt trong bát lớn là điều hắn khoái khẩu nhất, hắn coi nó thành đại biểu cho thức ăn của Bắc Kinh.

Chu Thập Tam bất bình nói:
- Phải cho đệ biết thế nào mới là món ăn Bắc kinh chân chính.

Liền dẫn Thẩm Mặc tới khu phồn hoa nhất của thành Bắc Kinh, có vô số tửu lâu và quán trà đặt ở đây, trong đó không thiế chiêu bài trên trăm năm.

Vì như tòa kiến trúc ba tầng tên Duyệt Tân mà hai người họ đi vào, câu đối xanh mốc, bàn lau tới bóng lên, tiểu nhị tuổi cao. Vừa mới tiến vào đã cảm nhận được không khí lịch sử lắng đọng, quên luôn cả việc nó có thể đưa lên món ăn gì.

Lúc này chưa tới giờ cơm trưa, Chu Thập Tam liền gọi một gian nhã tọa gần đường, lão tiểu nhị lĩnh tiền rời đi, pha một ấm trà, rồi hỏi khách quan dùng món ăn gì.

Chu Thập Tam cười hăng hắc:
- Ngươi nói với đầu bếp, vị công tử đây từ Tô Hàng đến, rất coi thường món ăn Bắc Kinh chúng ta, bảo đầu bếp tự xem láy mà làm.

Thẩm Mặc cười khổ:
- Đừng chụp mũ người khác thế.

Nhưng y cũng không ngăn cản, mà tò mò muốn xem xem đối phương có thể mang ra loại thức ăn gì để hạ uy phong của mình.

Không bao lâu sau, bốn món ăn một món canh đơn giản được mang lên, ăn vào y không còn gì để nói, khiến cho rất nhiều năm sau y vẫn còn tới đây ăn.

Ăn xong một bữa cực kỳ thỏa mãn, Chu Thập Tam đắc ý cười hỏi:
- Đã phục chưa?

Tiểu nhị già cũng đứng ở bên cạnh giả vở làm việc chú ý tới y.

Thẩm Mặc đưa ngón tay cái lên:
- Phục rồi, thật đấy.

- Y nói y phục thật rồi.
Chu Thập Tam nói với người tiểu nhị già, khuôn mặt nhăm nhúm của ông ta biến thành hoa nở rộ, cứ như vừa mới biến thù thành bạn vậy.

Cười xong, tiểu nhị già thu lại bát đũa, lau sạch bàn rồi đưa lên hai bát chè bát bảo màu trắng sữa, nói:
- Bản quán dâng tặng, khách quan cứ thong thả dùng.

Điều này làm một người khách khác cực kỳ bất mãn:
- Con bà nó, tại sao tặng cho bọn chúng mà không tặng ta?
Hai ngươi Thẩm Mặc nhìn qua, thì ra là một đạo sĩ râu quai nón.

Tiểu nhị già cười giả lả:
- Đạo gia, quy củ của bản quán là tiêu một lượng bạc tặng một bát, hai vị đại gia vừa rồi dùng thức ăn giá hai lượng cho nên mới tặng hai bát.

- Nói như thế thì ta càng tức.
Đạo sĩ tức giận:
- Ta ăn ở chỗ các ngươi cũng hai mấy lần, cộng lại cũng phải mấy lạng? Vì sao không cho ta?

- Làm gì có chuyện cộng gộp như thế?
Tiểu nhị già cười khổ:
- Mỗi bữa ngài ăn một đĩa lạc, hai lạng thịt heo, ba cái bánh bao, bốn miếng đậu, cộng lại mới một trăm đồng. Bát bát bảo này của bản quán cũng một trăm đồng, nếu tặng miễn phí há chẳng phải đạo gia ăn không mất tiền à?

- Ta không bắt ngươi bữa nào cũng tặng.
Tên đạo sĩ lôi thôi tức tối nói:
- Đừng có tưởng ta là người ngoại tỉnh mà dễ bắt nạt.

Cuối cùng tiểu nhị già đành phải lấy cho hắn một bát mới yên chuyện.

- Không phải ta thèm cái thứ này của ngươi, chẳng qua nuốt không trôi cục tức này. Đám người kinh thành các ngươi rất coi thường người ngoại tỉnh bọn ta.
Tên đạo sĩ vừa húp sùm sụp và hầm hừ nói.

Thấy hết chuyện để xem, hai người thu ánh mắt lại. Thẩm Mặc uống một ngụm trà, khẽ nói:
- Chúng ta nên đi làm việc chính thôi chứ? Tốn mất nửa ngày rồi.

Chu Thập Tam đẩy cửa sổ ra nói:
- Đây chính là chỗ làm chính sự.

Thẩm Mặc nhìn ra cửa sổ, thấy một cái ngõ giăng đèn kết hoa. Mặc dù y không phải người bản địa, cũng nhận ra đó là một chốn phong nguyệt, bật cười nói:
- Chẳng lẽ vị Đào gia kia suốt ngày quanh quẩn ở đây?

Chu Thập Tam gật đầu:
- Đây là ngõ Câu Lan, tên Đào Lương Phụ trưởng tôn của Đào Trọng Văn từ năm mười sáu tuổi đã trở thành khách quen ở nơi này. Mấy năm qua càng tệ hơn, một tháng tới hai mươi ngày ở đây.
Lời còn chưa dứt thấy một tên công tử phóng đãng mặc áo gầm nhưng bước chân xiêu vẹo, được hai tên hạ nhân tháp tùng lảo đảo từ trong ngõ đi ra.

Thẩm Mặc lại nghe Chu Thập Tam nói:
- Sau ngày 15 tháng 1, tên tiểu tử đó ngày nào cũng tới đây, đến tận trưa mới đi. Ăn trưa ở trên Duyệt Lâu nay, ăn xong lại tìm đám bằng hữu của hắn uống rượu, chơi mã điếu. Tới tận nữa đêm mới quay lại ngõ Câu Lan. Lặp đi lặp lại, rất có quy luật.

Kiểu người gì thế chứ, Thẩm Mặc lắc đầu:
- Tên tiểu tử này vì sao không về nhà?
Lúc này thấy Đào công tử đi lên, ngồi xuống bàn ở gần, gọi món.

Chu Thập Tam cười hì hì nhìn Đào công tử, hạ thấp giọng nói:
- Hắn tuyên bố với bên ngoài là "thê không bằng thiếp, thiếp không bằng kỹ", nhưng câu này chỉ lửa được đám bạn bè của hắn thôi, không lừa nổi Cẩm Y Vệ.

- Cái này mà cũng nghe ngóng được?
Thẩm Mặc trố mắt ra.

- Đương nhiên, nghề của bọn này mà lại.
Chu Thập Tam đắc ý:
- Tình nhân của hắn trong mấy ổ chứa nói, tên gia hỏa này vì thời niên thiếu tửu sắc quá độ, người bị khoét rỗng. Của nợ không nhắc lên nổi nữa rồi.

- Thế mà vẫn còn tới?
Thẩm Mặc kỳ quái hỏi, nói xong liền hiểu ra:
- Té ra là như vậy.
Tên Đào Lương Phụ này không ứng phó được với thê thiếp trong nhà, lại không muốn để người ta biết. Liền chạy tới thanh lâu thường trú, tin rằng bất kỳ một tỷ muội nào cũng sẵn lòng chiêu đãi khách như thế. Dù sao chẳng phải làm gì vẫn có tiền, so với bánh từ trên trời rơi xuống còn hiếm có hơn, tất nhiên vui vẻ giúp hắn đóng kịch.

- Không đúng.
Thẩm Mặc thắc mắc:
- Còn nhớ khi chúng ta tán gẫu, huynh từng nói, Thiệu Nguyên Tiết, Đào Trọng Văn sở dĩ được thánh sủng khác với đạo sĩ khác là vì ông ta giỏi thuật lấy âm bổ dương, luyện được đan dược tráng dương.

"Xuỵt" Chu Thập Tam cuống lên làm dấu im lặng:
- Tiểu tổ tông ơi, những lời bậy bạ chúng ta nói nơi đồng không mông quạnh đứng có mang vào kinh, nếu không là họa lớn đấy.
Nói rồi bản thân cũng cười ra tiếng:
- Có điều chuyện đó là thật đấy.