Nhìn thấy trát gọi của Hải Thụy, Từ các lão mấy ngày qua tâm tình luôn sa sút, sắc mặt càng trở nên âm trầm, hỏi Từ Phan bên cạnh: - Bọn chúng muốn bắt người?
- Không phải... Từ Phan nhỏ giọng đáp: - Chỉ thông báo cho chúng ta đưa hai đứa bọn chúng tới đúng giờ. Xem ra Hải tuần phủ không phải hoàn toàn không hiểu chừng mực.
- Hiểu chừng mực? Từ Giai nghe vậy cười khổ: - Hắn đúng là hiểu chừng mực, ép dần từng bước một, muốn kéo cả nhà chúng ta xuống bùn. Gọi hai tên súc sinh kia lại đây, ta muốn hỏi cho rõ.
Từ Giai biết "súc sinh" là hai tên đệ đệ của mình, trong lòng không khỏi nảy ra suy nghĩ quái dị, vậy chẳng phải ta cũng thành súc sinh? Vậy thì lão gia ngài là cái gì?
Một lúc sau hắn dẫn hai tên "súc sinh" thấp thỏm đi tới.
- Cha cho gọi hài nhi tới có chuyện gì sai bảo ạ? Trên đường đi, Từ Anh và Từ Kha đã biết nguồn cơn, cho nên tỏ ra cực kỳ ngoan ngoãn.
Từ Giai mở mắt ra, nhìn hai đứa nhi tử có chút xa lạ, bao năm qua ông ta làm quan bên ngoài, ít gặp hai đứa con sinh muộn này, nhất là sau khi chúng trưởng thành gần như chưa từng gặp qua, càng chẳng nói tới dạy dỗ.
Năm xưa Từ Giai nhìn hành vi của Nghiêm Thế Phiên, liệu định hắn cuối cùng sẽ kéo cả Nghiêm Tung chết trùm, tránh con mình cũng đi vào con đường nó, trừ trưởng tử bên cạnh, ông ta không cho ba đứa còn lại làm quan... Cho dù là Từ Phan cũng luôn bị ông ta ngăn ngoài trung tâm quyền lực, về sau Từ Phan vừa lên làm thị lang, liền lệnh hắn từ quan về quê.
Cũng chính vì điều này Từ Giai rất áy náy với đám nhi tử, luôn có lòng bồi thường. Trong mắt ông ta, mấy đứa con mình ở địa phương phá phách tới đâu cũng không thể bằng Nghiêm Thế Phiên. Huống chi mình cả đời cần mẫn, coi như lập được công lao, chẳng lẽ không bảo vệ được nhi tử của mình?
Nhưng hiện giờ xem ra mình sai rồi, rời khỏi chiếc ghế quyền lực là mất đi quyền chủ động, mặc dù sức ảnh hưởng vẫn còn lớn, nhưng Cao Củng hận không thể băm mình thành tám mảnh, còn Hải Thụy đã kề đao lên cổ mình.
Xem ra bọn chúng đã quyết đột phá từ trên người con trai mình, đáng cười mình còn hi vọng nhân nhượng cho qua, đúng là già tới hồ đồ rồi. Có thể thấy hơn một năm nhàn nhã làm trình độ của mình tụt xuống quá nhiều...
Đám nhi tử cũng nhìn phụ thân, nhìn ông ta vốn mặt mày mỏi mệt, dần dần nổi lên đấu chí, nhất là đôi mắt mờ đục lúc này sáng ánh lên, tựa hồ vị tể tướng hô phong hoán vũ đã trở lại, bọn chúng càng yên tâm, càng thêm ngoan ngoãn.
- Có người tố cáo hai đứa các ngươi dung túng gia nô cướp đoạt tài sản, giết người, cưỡng đoạt dân nữ. Từ Giai phá vỡ im lặng, nhìn nhi tử hỏi: - Thực sự có chuyện này sao? Đừng có giấu ta.
Hai đứa nhi tử ấp a ấp úng: - Chuyện này, chuyện này... Có người cáo trạng, nhưng đã kết án rồi.
- Ở đâu kết án?
- Huyện Hoa Đình.
- Kết án thế nào?
Hai tên định nói dối, nhưng nhìn dáng vẻ của cha tức thì hiểu ra ngay, đây là người duy nhất trên đời có thể giúp được mình, quỳ sụp xuống trước mặt Từ Giai, cố nặn ra nước mắt: - Là Hầu huyện lệnh tiền nhiệm giúp chúng con, bảo chúng con ra ngoài du học một thời gian, ông ấy bắt mấy tên gia nô vào ngục, sau đó một thời gian báo bệnh chết, rồi len lén thả chúng ra. Cuối cùng trong nhà bồi thường chút tiền mai táng, coi như kết án.
- Ôi, nghiệt tử, vậy mà ta còn cười Nghiêm Tung, giờ xem ra chẳng qua là chó chê mèo lắm lông. Từ Giai chỉ trích yếu ớt: - Hẳn lần này khổ chủ gặp được Hải Thụy, lại nổi lòng báo thù. Đáng hận trên Hải Thụy này thiết diện vô tư, nếu hắn phán xử theo luật, mạng các ngươi khó giữ được...
Nghe phụ thân nói thế, hai đứa nhi tử sợ hãi khóc thật: - Hài nhi biết sai rồi, cha cứu mạng...
- Hiện giờ mời biết thì muộn rồi. Từ Giai hừ lạnh một tiếng: - Người đâu, trói hai tên nghịch tử này lại, đưa tới...
- Cha, tuyệt không thể đưa bọn chúng tối nha môn... Từ Phan và Từ Côn vừa chạy tới cùng quỳ xuống, khóc lóc: - Tên Hải Thụy đó là đồ điên, hai đệ ấy mà rơi vào tay hắn liệu còn sống nổi không? Từ Anh và Từ Kha càng khóc lóc thảm thiết, cứ như sắp bị áp giải lên pháp trường vậy.
- Ai bảo đưa bọn chúng tới nha môn? Từ Giai nói một câu chặn ngay đám con khóc lóc lại: - Nhốt chúng vào Từ đường, mỗi ngày chép gia huấn 500 lần.
Từ Anh và Từ Kha như được đại xá, đương nhiên... Nếu không có câu cuối càng tốt.
Đợi hai đứa đệ đệ bị đưa đi, Từ Côn lo lắng hỏi: - Vậy phải trả lời với Hải Thụy ra sao?
- Tên này không nể tình chút nào, đúng là một vấn đề. Từ Phan bực bội nói: - Phụ thân năm xưa cứu hắn một mạng, còn tưởng hắn là quân tử chí thành, có ân báo ân, không ngờ lòng lang dạ sói như thế.
- Đừng bi quan. Từ Giai chậm rãi nói: - Đừng tưởng thanh quan không có nhược điểm, thanh quan cũng tham, chẳng qua tham danh mà thôi. Ta có ân với Hải Thụy, điều này ai cũng biết, nếu bỏ thể diện đi cầu xin, thách hắn cũng không dám trở mặt. Tính mạng hai tên nghiệt súc kia còn có thể cứu được.
Nói thì nói như thế, nhưng nghĩ tới mình về già lại phải hạ mình cầu người, tâm tình của Từ Giai rất tệ, đám nhi tử cũng thấy đau khổ, muốn khuyên ông ta đừng đi, nhưng Từ Giai xua tay: - Ài không nghĩ nhiều nữa, đành đâm lao phải theo lao thôi, xem hắn ứng phó thế nào mới an bài.
Nếu đã quyết định tìm Hải Thụy cầu xin, tất nhiên không thể chần chừ, nếu để xử xong mới đi còn ý nghĩa gì nữa?
Vì thế sáng ngày hôm sau, Từ Giai mặc quan phục nhất phẩm, ngồi kiệu tám người khiêng rời cửa, nhưng tới cầu Thái Bình, nghĩ không ổn, với tính thối của Hải Thụy, chắc chắn là thích mềm không thích cứng, nên hạ mình đi gặp hắn vậy.
Từ Giai lệnh người quay về, đổi thường phục, kiệu bốn người khiêng, tới chỗ Hải Thụy.
Nghe nói lão thủ phụ tới, Hải Thụy vội bỏ công việc đó, tới cửa nghênh tiếp.
Từ Giai dừng kiệu ở cửa, Hải Thụy đi nhanh tới, chắp tay nói: - Thái sư, mới sáng sớm sao ngài đích thân tới rồi?
Từ Giai thấy hắn dùng lễ vãn bối, lòng dễ chịu hơn, mỉm cười nói: - Cương Phong tới Tùng Giang hơn một tháng, nhưng chưa tới nhà ta ăn cơm, ta đành đích thân tới vậy.
Hải Thụy nhớ ra lần trước tới bái phỏng, vì chối từ giữ lại ăn cơm nên nói "lần sau hãy ăn", mặc dù biết Từ Giai tới vì việc khác, nhưng quân tử đường hoàng như hắn, vẫn cảm thấy hơi xấu hổ: - Công vụ bận rộn quá, mong lão thái sư tha thứ.
Từ Giai cười khà khà: - Cương Phong không định mời ta vào hay sao?
- Đâu có, đâu có.. Hải Thụy tránh người ra.
Khi đi vào trong, Từ Giai cuối cùng nói rõ ý định: - Kỳ thực trong lòng ta có chuyện, muốn tìm ngươi tâm sự.
- Ngài có chuyện, có thể gọi hạ quan tới mà. Hải Thụy biết Từ Giai cậy già lên mặt, nhưng đối phương đúng là có tư cách đó.
Từ Giai lắc đầu, giọng chua chát: - Ta đã không còn là thủ phụ nữa, ngươi lại là tuần phủ của ta, sao có thể cậy già phá hỏng quy củ triều đình.
Trong lúc nói chuyện, hai người đã tới thiêm áp phòng, uống vài ngụm trà xong, Từ Giai muốn nói chuyện hai đứa nhi tử, nhưng nghĩ tới mình phải cầu khẩn thuộc hạ xưa kia, thực khó nói lên lời, trong lòng hối hận vì dễ đàng từ bỏ quyền bính, hiện giờ tự chuốc nhục vào thân.
Thấy ông ta cứ ấp a ấp úng, Hải Thụy còn muốn thăng đường, đâu có thời gian lằng nhằng, chủ động nói: - Lão thái sư chẳng phải có chuyện muốn tìm hạ quan sao? Ngài cứ nói tự nhiên.
- Đúng là có chuyện, Cương Phong à... Từ Gia mặt mày hổ thẹn: - Chuyện tới nước này rồi, giữ thể diện gì nữa, hôm qua nhận được trát gọi của ngươi, ta gọi hai đứa nghịch tử lại, kết quả chúng khai đúng là có chuyện ấy, nhưng không phải chúng tự sai bảo, mà là hai tên ác nô tự chủ trương, lấy danh nghĩa của chúng giết người cướp đất, gây ra đại họa. Rồi rơi nước mắt: - Nhưng nô bộc hành hung, chủ nhân có trách nhiệm, bất kể thế nào tội danh quản giáo không ngiêm, bao che tội phạm là không tránh được.
- Thì ra là thế. Hải Thụy thầm cười lạnh, công phu tránh nặng tìm nhẹ của Từ các lão đúng là số một, liền an ủi: - Nếu đúng là thế, chỉ cần hai vị công tử tới, hạ quan xử nhẹ là được.
- Ài, ta vốn định đưa hai đứa nghiệt súc tới thỉnh tội, nhưng mẹ già 86 tuổi nghe nói ta định đưa tôn tử lên quan, lấy cái chết đe dọa, nói chỉ cần ta đưa chúng ra khỏi cửa một bước sẽ lấy giây thừng treo cổ cho ta xem. Từ Giai lấy ống tay áo che miệng, khóc sụt sùi: - Từ Giai ta cả đời thận trọng, không ngờ về già, thể diện bị hai đứa nghịch tử hại mất sạch.
- Lão thái sư nặng lời rồi. Dù sao Từ Giai là thủ phụ tiền nhiệm, vô sỉ đến độ khóc lóc lôi cả mẹ già ra, dù là Hải Thụy cũng đau đầu: - Hạ quan đường đột, kinh động thái phu nhân, thực áy náy.
- Ngươi không sai. Từ Giai lau nước mắt, ngại ngùng nói: - Làm Cương Phong chê cười rồi, là mẹ già của ta hồ đồ, nhưng người già cố chấp, khuyên không nghe.. Rồi giọng như muỗi kêu: - Ta đành mặt dầy tới cầu xin Cương Phong giơ cao đánh khẽ, tha cho hai đứa chúng, sau này khẳng định nghiêm gia giáo, không cho chúng sinh sự thị phi nữa... Mong Cương Phong niệm tình cũ cứu tính mạng cả nhà ta, ta cắn răng bỏ sản nghiệp, toàn bộ xin nghe Cương Phong.
- Thái sư. Hải Thụy nhíu chặt mày: - Ngài làm khó hạ quan rồi, hôm nay nếu hạ quan tha cho hai vị công tử thì còn mặt mũi nào thăng đường nữa?
- Hải đại nhân, mẹ ta tuổi cao sức yếu, chẳng may có mệnh hệ nào, ta làm con cũng chẳng thể sống nổi. Từ Giai vái thật sâu: - Mong Hải đại nhân thương xót, ân đức này cả đời không quên.
Nói tới nước này dù người sắt cũng phải động lòng, Hải Thụy bất lực nói: - Thái sư thương con, thương mẹ, nhưng có biết mẹ người bị hại ở đâu không? Con cái ở đâu không? Hơn nữa không chỉ một nhà, còn có rất nhiều cô nhi quả phụ, chẳng lẽ bọn họ không có phụ mẫu, không có nhi nữ sao? Chẳng lẽ "phạm pháp không luận sang hèn, vương tử như thứ dân", chỉ là câu nói xuông.
- Hải đại nhân nói không sai, chỉ là năm xưa Hải đại nhân ngồi thiên lao, lão phu từng nói giúp trước mặt tiên hoàng, mong Hải đại nhân niệm tình này. Từ Giai đã nhìn ra Hải Thụy đang dao động, liền tung ra chiêu sát thủ, ý tứ là năm xưa ngươi ngỗ nhịch hoàng đế, nhục mạ quân phụ, đó là tội chu di cửu tộc, không có ta ngươi đâu có ngày hôm nay.
- Thái sư nói lời sai rồi. Ông ta không nói cái này thì thôi, vừa nói tới Hải Thụy liền nghiêm mặt lại: - Năm xưa Hải Thụy làm tiên hoàng tức giận, đúng là nhờ thái sư giải cứu. Nhưng khi đó hạ quan dâng tấu nói thẳng, trung quân ái quốc, có phạm tội gì? Hai vị công tử sai hạ nhân đánh chết người, hối lộ quan huyện thoát tội, hai chuyện này rõ ràng khác nhau, sao có thể gộp chung?
- Hải đại nhân giáo huấn phải lắm... Từ Giai cười thảm, vịn bàn đứng dậy: - Sinh mà không dạy là lỗi của cha, lão phu làm quan bên ngoài nhiều năm, thiếu quản giáo nhịch tử, mới có ngày hôm nay. Nếu nói tới tội, thì đều là tội của ta, để kẻ làm cha này cùng nhận tội đi. Nói xong quỳ xuống trước mặt Hải Thụy.
May là Hải Thụy nhanh tay đỡ lấy trước khi ông ta kịp quỳ xuống, dìu ngồi xuống ghế, bùi ngùi than: - Sớm biết ngày hôm nay, thì khi xưa đã đừng...
- Đúng thế, lão phu hối không kịp nữa rồi, Hải đại nhân, ta cũng không làm ngài khó xử... Từ Giai ngập ngừng: - Hay là như này, Đại Minh luật có ghi, phạm nhân chỉ chỉ cần không phải tử tội, người thân có thể nộp tiền chuộc tội, lão phu tình nguyện nộp một phần điền sản chuộc tội cho hai đứa nhi tử. Như vậy vừa cứu người vừa giữ pháp luật, đại nhân thấy sao?
Hải Thụy im lặng, hắn biết Từ Giai khẳng định hiểu rõ mục đích cuối cùng của mình, cho nên mới nói thế: - Luật pháp đúng là có điều này, nhưng hai vị công tử còn chưa định tội, có thích hợp dùng điều khoản này hay không thì chưa chắc.
- Cương Phong... Từ Giai đau khổ nói: - Chẳng lẽ lão phu cầu khẩn mọi cách mà không có chút tác dụng nào sao.
Hải Thụy nhíu chặt mày rất lâu mới nói: - Thôi vậy, thái sư đã cầu khẩn như thế, nếu Hải Thụy không thông cảm chút nào thì quá bất nhân rồi... Hạ quan có ba điều kiện, nếu thái sư đồng ý, vụ án của hai vị công tử có thể không truy cứu nữa.
- Mời Cương Phong nói. Từ Giai một mực tỏ ra bi thương.
- Chuyện thứ nhất, Ngô Trung năm nay xảy ra nạn đói, quan phủ cần mua lương thực ở tỉnh gần bên chẩn tai, để vượt qua vụ xuân. Nhưng vì phương bắc đánh trận, quốc khố trống rỗng, đành quyên góp từ phú thương, mong thái sư đi đầu hưởng ứng.
- Điều này rất nên. Từ Giai gật đầu.
- Thứ hai, hạ quan nghe nói gia nhân Từ phủ hơn nghìn, nghênh ngang bên ngoài, ảnh hưởng cực xấu tới thanh danh thái sư, kiến nghị ngài chủ động tước hộ tịch những kẻ mượn danh kia, để chúng không dựa thanh thể ngài làm càn làm bậy được nữa.
Từ Giai trầm mặc chốc lát: - Chuyện này rất lớn, không thể nhận lời ngay được.
- Chuyện này không vội, để hạ quan nói hết đã... Hải Thụy gật đầu, biểu thị lý giải: - Theo tra xét xác nhận, số điền sản của phủ thái sư thực sự lớn kinh người, ảnh hưởng rất không tốt.
- Chuyện nay cho lão phu nói một lời. Từ Giai vội nói: - Lão phu quanh năm ở ngoài, khi về cũng không hỏi tới chuyện lặt vặt, cho nên với số điền trạch của tệ gia không rõ lắm, nhưng cũng biết đại đa số điền sản không thuộc về tệ gia, mà là người thân ký gửi, đây là lệ cũ, từ chối không nổi. Kỳ thực tệ gia chẳng được lợi lộc gì, còn chuốc lấy tiếng xấu. Chính đang định dựa cơ hội này bỏ đi khối tâm bệnh ấy.
- Được thế thì tốt quá. Hải Thụy gật đầu: - Vậy đi, hạ quan cho thái sư ba ngày, ba ngày sau ngài cho một câu trả lời rõ ràng, được không?
- Cám ơn Cương Phong thông cảm. Từ Giai chậm rãi đứng dậy, phảng phất thoáng chốc già đi rất nhiều.
Hải Thụy đỡ Từ Giai lên kiệu, nhưng không nhìn thấy khi rèm kiệu hạ xuống, đôi mắt mờ đục của Từ Giai dần dần trở nên sắc bén như dao.
Kiệu trở về Từ phủ, hai đứa nhi tử đi tới đỡ Từ Giai, nhưng bị ông ta đẩy mạnh ra, thảng thốt nhìn cha hầm hầm đi vào thư phòng, bước đi như rồng như hổ, đâu có cái vẻ gần đất xa trời như ở nha môn tuần phủ.
- Té ra là đóng kịch. Từ Côn lẩm bẩm:
- Giờ đệ mới biết à? Từ Phan bĩu môi, hắn theo Từ Giai lâu năm, tất nhiên chẳng lạ gì kỹ năng biểu diễn của cha.
Hai tên đi vào thư phòng, thấy Từ Giai chắp tay sau lưng, đứng trước cửa sổ.
Dè dặt gọi một tiếng "cha", đợi rất lâu mới nghe thấy Từ Giai nói: - Các ngươi rốt cuộc có bao nhiêu ruộng? "Không ngờ Hải Thụy nói nhà mình sản nghiệp kinh người, xem ra con số không phải là bình thường."
- Chuyện này... Hai đứa nhi tử nhìn nhau, lúng ba lúng búng.
Từ Giai lạnh lùng nói: - Tới nước này rồi còn muốn giấu ta à?
- Cha hiểu lầm rồi. Từ Côn nói nhỏ: - Chủ yếu là các phòng đều có một quyển sổ, chưa bao giờ cộng gộp lại, cho nên nhất thời không ai nói rõ được.
- Vậy thì đi tra đi. Từ Giai tuy không phát tác, nhưng giọng lạnh tới mức làm người ta rợn người.
Hai đứa nhi tử vội đưa người tới các phòng lấy sổ, đây vốn là trái cấm của các phòng, tuyệt đối không cho người khác xem, nhưng lúc này thời kỳ phi thường, lão tam lão tứ đều bị nhốt vào từ đường, ngay cả lão gia tử cũng phải đích thân đi cầu xin, hiển nhiên nguy cơ lớn nhất của Từ phủ đã ở ngay trước mắt. Vì thể ngoan ngoan nộp sổ sách, sau đó đưa tới thư phòng của Từ Giai.
Vì đây là tuyệt mật của Từ phủ, cho nên không thể dùng trướng phòng trong phủ, chỉ đành do đích thân Từ Phan và Từ Côn ra trận, thêm vào tâm phúc của Từ Giai là Lý tiên sinh và Lữ tiên sinh, bốn người lạch cạch tính toán từ trưa cho tới tận tối.
Bọn họ tính toán ở gian trong, Từ Giai đợi ở gian ngoài, ông ta vốn định xem sách, nhưng nghe thấy tiếng lách cách, lòng phiền loạn không sao xem nỏi, đành khép mắt lại. Trong đầu chẳng biết vì sao nhớ tới sự kiện Cảnh vương trả ruộng năm năm trước.....
Mùa xuân năm Gia Tĩnh thứ 44, Cảnh vương Chu Tái Quyến hoăng, không con trai, đất phong bị phế trừ, mấy vạn mẫu ruộng bị thân thích chiếm đoạt. Số ruộng này vốn thuộc về sở hữu của bách tính, bởi thế dân phẫn nộ, gần như tạo thành biến loạn. Về sau Từ Giai tấu xin trả ruộng cho dân, khiến cho lòng dân mừng rỡ, tới nay vẫn cảm tạ ơn đức của ông ta.
Năm năm trước, mình lệnh Cảnh vương phủ trả ruộng, giờ tới lượt Hải Thụy lệnh mình trả ruộng... Từ Giai cười tự trào, cười xong thở dài, dần dần nhắm mắt lại đi vào cõi tiên, như trở về Bắc Kinh, vẫn là thủ phụ hô phong hoán vũ, một đạo chỉ dụ là cách trức ngay tên Hải Thụy không hiểu chuyện.
Cho tới khi hai đứa nhi tử gọi tỉnh, Từ Giai mới nói lời tạm biệt vinh quang ngày xưa, quay về hiện thực: - Tra rõ chưa?
- Có con số đại khái rồi. Từ Phan nơm nớp lo sợ đưa danh sách dâng lên: - Phụ thân ngàn vạn lần đừng giận.
... Từ Giai nhìn hắn, im lặng nhận lấy, liếc tới con số cuối cùng, hai mắt trợn trừng trừng, nhìn lại lần nữa, xác định không nhầm lẫn, mắt tối xầm lại, dựa vào ghế mãi không nói lên lời.
Từ Phan vội đi tới hết đấm lưng lại vuốt ngực, Từ Giai dần dần tỉnh lại, nhìn Từ Côn với vẻ không sao tin nổi: - Ngươi làm thế để làm gì? Muốn chết cũng không cần dùng cách này.
- Cha bớt giận. Từ Côn vội vàng quỳ xuống, hoảng sợ nói: - Người xa quê nhiều năm, không biết nay khác xưa rồi, bách tính Tùng Giang không còn lấy nông nghiệp kiếm sống nữa, rất nhiều nhà phu thê tới công trường làm việc, đem đất đai gửi vào đại hộ, mỗi năm chỉ cần một phần lương thực. Sau đó đại hộ thuê người phương bắc trồng ruộng, bởi thể điền sản tất nhiên tập trung vào vài nhà. Từ gia chúng ta giữ vững quy củ, nhân nghĩa vang xa, tất nhiên thành một trong số đó... Nếu không có chúng ta, Tô Tùng chắc biết có bao nhiêu đất hoang.
- Té ra các ngươi là công thần cơ đấy. Mặc dù Từ Côn nói rất chân thành, nhưng Từ Giai là ai, có kẻ nào lừa nổi ông ta không? Nghe vậy cười lạnh liên hồi: - Sao người ta tự dưng lên cơn điên tố cáo chúng ta cưỡng đoạt.
- Chuyện ấy có lẽ là cũng có, nhưng nhìn chung là giống như hài nhi đã nói. Từ Côn giọng lí nhí.
- Giỏi, giỏi, năm xưa ta nên đưa ngươi tới Bắc Kinh, bằng cái bản lĩnh nói láo không ngượng mồm này, chắc chắn làm quan lớn hơn đại ca ngươi nhiều.
Từ Côn cúi đầu xuống không dám nói lời nào.
- Đông ông bớt giận, hiện giờ không phải lúc truy cứu trách nhiệm, quan trọng là ứng phó với cửa ải trước mắt ra sao. Thấy tình thế căng thẳng, Lý tiên sinh vội đẩy sang chuyện khác.
- Ừ.. Từ Giai thở hắt ra một hơi: - Tiên sinh có cao kiến gì?
- Kỳ thực chúng ta đều biết Hải Thụy tới Tùng Giang làm gì, "trà ruộng có thể miễn tội" là thật, nhưng lòng tham của hắn tuyệt không nhỏ. Chúng ta gia nghiệp lớn, ngay quản gia cũng có vài vạn mẫu ruộng, muốn thỏa mãn hắn không thành vấn đề. Nhưng nếu chúng ta trả quá nhiều ruộng, ngược lại thành chứng thực lời tố cáo của Hải Thụy, làm người ta cho rằng Từ gia chiếm đoạt ruộng dân thực thì sao?
- Đúng thế, tiến thoái lưỡng nan. Từ Giai gật đầu: - Hải Thụy còn bảo ta quyên góp, cũng như vậy, ta quyên ít hắn sẽ bất mãn, nhưng nếu quyên vài vạn lượng, Thanh Lưu khắp triều sẽ nhìn ta ra sao?
- Đúng, không thể thỏa hiệp. Từ Phan lên tiếng: - Chút gia nghiệp hiện nay bọn con kinh doanh hơn 20 năm mới có, trong đó có lẽ có "chiếm đoạt", nhưng tuyệt đại đa số là thu được chính đáng, sao có thể bằng một câu nói của hắn là chắp tay dâng lên?
- Vậy phải làm sao đây? Từ Giai lạnh lùng nói.
- Theo hài nhi thấy, Hải Thụy ngang ngượng làm càn, nhưng chúng ta phải làm việc đúng pháp luật. Nhà họ Từ quả thực tố chất rất khác người, Từ Côn nói: - Đại Minh luật quy định, phàm ruộng đất mua trên 5 năm không được truy tố. Cho nên điền sản dưới tên chúng ta có trên 5 năm không được đụng vào, thống kế số ruộng mới ra, kiếm kẻ nghèo khó, có tranh cãi trả lại, dù Hải Thụy không hài lòng, chúng ta cũng không cần sợ hắn, dẫu thế nào cũng không thể đem sản nghiệp chúng ta có được một cách chính đáng tặng người khác chứ?
- Đúng, ý của Nhị công tử rất hay. Lý tiên sinh gật đầu: - Hải Thụy chẳng thể nói được gì.
- Đi thống kê đi, số ruộng vào sổ sách năm năm qua, chiếm đoạt cũng được, không chiếm đoạt cũng được, trả hết cho ta... Hải Thụy muốn ta làm gương, ta cấp cho hắn cái thể diện này. Từ Giai mệt mỏi nhắm mắt lại.
- Cha.. Hai đứa con đau lòng kêu lên.
- Các ngươi muốn bức tử ta hay sao? Từ Giai mở choàng mắt, cầm lấy chén chà ném vỡ choang xuống đất: - Lão phu cả đời thanh liêm, bị các ngươi hủy hết rồi.
Hai tên hoảng sợ xéo vào trong tiếp tục tính toán sổ sách.
Lý tiên sinh đuổi lui hạ nhân, đích thân quét dọn mặt đất, mang cho Từ Giai một chén trà mới, định lui xuống, nhưng bị Từ Giai gọi lại: - Ông nói xem, hôm nay ta quỳ xuống, có thể làm Hải Thụy nhân nhượng không?
-.... Lý tiên sinh suy nghĩ chốc lát, nói thực: - Vốn là có thể, trên đời ngoại từ hoàng đế và thái phu nhân, không ai nhận được cái lậy này của người. Nhưng, một thủ phụ là Cao Củng, ông ta nhất định không động lòng; hai, chỗ dựa của Hải Thụy, nói trắng ra là Thẩm Mặc sẽ không động lòng; ba là đám ngôn quan bị chỉnh chết đi sống lại, chỉ sợ có liên quan tới chúng ta, e không dám lên tiếng cho đông ông.
Từ Giai thở dài: - Sớm biết thế này năm xưa ta đã chẳng thiên vị...
Lý Tường biết ông ta nói tới Thẩm Mặc, an ủi: - Con người đâu có thể nhìn được tương lai, ai ngờ kẻ hậu sinh này hung mãnh như thế.
- Thôi, không nhắc tới điều này nữa... Từ Giai khoát tay: - Ông nói không sai, chỉ cần còn Cao Củng, ai nói giúp ta cũng vô dụng, cho nên chúng ta phải dẫn họa đi, không thể để một mình Từ gia gặp tai ương, phải để cả Tùng Giang, không, cả mười phủ Tô Tùng đều phải gặp tai ương... Nói tới đó cười lạnh: - Lũ khốn kiếp, thường ngày nịnh bợ xun xoe, giờ Từ Giai ta gặp nạn, tên nào tên nấy đều giả câm, ta muốn xem xem, khi đồ đao của Hải Thụy chém lên đầu các ngươi, các ngươi còn im lặng được hay không.
Ba ngày sau, Từ Giai trả lời ba yêu cầu của Hải Thụy: Thứ nhất, quyên 5000 lượng bạc chẩn tai; thứ hai, gia nô ở Từ phủ nhiều năm, tình cảm sâu nặng, không thể cưỡng ép đuổi đi, chỉ đành để tự nguyện; thứ ba, nguyện trả lại tất cả điền sản mua trong 5 năm qua, tổng cộng 4 vạn mẫu, đã lệnh đám nhi tử lên danh sách trả ruộng, đợi chủ tới nhận về.
Từ Phan, Từ Côn mặc dù rất không muốn, nhưng lệnh cha khó cãi, đành nghe theo. Từ Giai viết một lá thư nói rõ nguồn cơn, đưa lên nha môn tuần phủ.
Nhìn thư của Từ Giai, khuôn mặt mệt mỏi của Vương Tích Tước hiện lên nụ cười hưng phấn: - Chúc mừng đại nhân, Từ các lão cuối cùng cũng chịu trả ruộng rồi.
Hải Thụy tâm tình cũng rất rất, Từ gia chịu trả ruộng, khẳng định các Tấn thân ở Tùng Giang không dám chống nữa, e 10 phủ Tô Châu cũng sẽ lui theo.
Nhưng đôi mày vừa giãn ra lại co vào, sao chỉ trả chưa tới 1 phần 10? So với hơn 40 vạn mẫu còn lại, 4 mẫu này có đáng gì? Nếu như các hương thân học theo, thì hành động trả ruộng này còn có ý nghĩa gì nữa?
Suy nghĩ mãi, Hải Thụy cầm bút viết thư cho Từ Giai, mở đầu là khen ngợi vài cau, tiếp đó thái độ xoay chuyển, nói rõ con số -- Yêu cầu trả một nửa.
Trong mắt Hải Thụy, cho dù có trả một nửa, nhà họ Từ vẫn còn hơn 20 vạn mẫu ruộng, vẫn là Tùng Giang đệ nhất tài chủ, còn muốn gì nữa? Nếu chẳng phải lo ép Từ Giai chó cùng giứt giậu, ảnh hượng tới đại kế đo ruộng, với tính khí của Hải Thụy làm sao chấp nhận được.
Có lẽ cảm thấy quá lợi cho nhà họ Từ, ngữ khí của Hải Thụy trở nên khắc bạc, cuối cùng không ngờ viết:" Tích xưa sửa cái sai của cha, vàng chất bảy phòng đem giải tán hết, công lấy danh cha sửa sai cho con có gì không thể."
Nhận được thư trả lời của Hải Thụy, Từ Giai cười, nhưng cười đầy sát khí, hai nắm đấm siết chặt, mày dựng lên...
Tên Hải man mọi này không biết điều, dám được nước lấn tới, dám đòi trả một nửa, còn lên tiếng dạy dỗ ta, dù không trực tiếp nhắm vào mình, nhưng chẳng phải chỉ nhi tử của mình chiếm đoạt quá nhiều, bảo mình giải tán hết gia tài, sửa cái sai của con sao?
Từ Giai không thể lùi được nữa.
Trước đó lùi là vì rút lui chiến lược vì thắng lợi cuối cùng, hiện giờ nếu tiếp tục lùi, người thiên hạ sẽ cười rụng răng, Từ Giai không chịu nổi mất mặt, quyết không lui nữa, lập tức viết thư cho Hải Thụy, nói mình không hỏi nguyên ủy, trả hết ruộng mua 5 năm qua, không biết còn cáo bao nhiêu ruộng đất thuộc về "chiếm đoạt", đành nhờ quan phủ tới tra, nếu có chứng cứ, nhất định sẽ trả.
Từ Giai thường ngày có thể nhẫn nhịn đủ điều, cuối cùng tới mức không thể nhẫn nhịn nữa.
Thái độ cứng rắn của Từ Giai là có chỗ dựa, vì Đại Minh luật không hạn chế cá nhân sở hữn ruộng, chỉ nghiêm cấm che giấu con số, ảnh hưởng tới thu nhập phú thuế mới bị đả kích. Hơn nữa bất kể là nguyên nhân gì, mua bán trên 5 năm, hai bên đều không bị truy tố.
Hiện Từ Giai trả số ruộng mua trong 5 năm qua, từ pháp luật đứng ở thế bất bại, Từ Giai không có gì phải sợ hãi.
Mặt khác, ông ta liên tục viết thư cho môn sinh cố hữu, muốn bọn họ vào lúc thích hợp, cho Hải Thụy chút giáo huấn....
Bên kia cùng lúc Hải Thụy viết thư trả lời Từ Giai, liền phát ra Thối Điền lệnh, yêu cầu tất cả những người bị phán trả ruộng, phải trả lại ruộng chiếm đoạt trái phép trước năm mới. Sau ngày 15 tháng giêng năm Long Khánh thứ 4, đăng ký hồ sơ lại, lúc đó nhà nào còn chưa trả ruộng, sẽ nghiêm trừng không tha.
Một cơn bão tái phân phối ruộng đất đã hình thành, đại hộ phủ Tùng Giang chấn động, lần này bị người ta kề dao vào tận cổ rồi.
Vì thế bọn chúng không kiêng dè gì nữa, lũ lượt kéo tới nhà Từ Giai, xin ông ta chủ trì công đạo. Từ Giai nói với chúng, lần này ông ta bị Cao Củng nhắm vào rồi, lời nói không có tác dụng, còn gây hiệu quả trái ngược, nên đành im lặng chịu đựng... các vị chỉ có thể dựa vào bản thân.
Không hi vọng vào Từ Giai được nữa, đám hương thân đành thông qua mối quan hệ của mình trong triều, phản ánh việc làm của Hải Thụy như "kích động điêu dân cáo trạng, khiến dân gian náo loạn", " so với oan tiểu dân, thà oan hương thân, chấp pháp bất công", "không cần biết có chiếm đoạt hay không, cưỡng ép hương thân trả ruộng" v..v...v...
Vì thế gần cuối năm, lời bàn tán về việc làm của Hải Thụy ở Tùng Giang dần nổi lên.. Kỳ thực trước đó không ngừng có người công kích Hải Thụy, nhưng bị nội các áp xuống. Nhưng càng lúc người cáo trạng càng nhiều, nội các không thể trấn áp được hết. May Cao Củng trượng nghĩa, khi áp lực với Hải Thụy tăng lên, công khai khen ngợi thành tích và thái độ làm việc của Hải Thụy, chỉ phê bình phương pháp làm việc, cho rằng hắn nên suy nghĩ chu toàn hơn.
Nhưng cuối năm, một tấu sớ đàn hặc từ Tô Từng tuần án Đới Phượng Tượng làm Cao Củng không bảo vệ nổi nữa:" Người ta nói Hải Thụy là thanh quan trung thành, nhưng thần phát hiện hắn mua danh chuốc tiếng, đại gian vờ trung, tham cái danh, loạn luật pháp, hoàn toàn không hiểu đạo làm quan. Mặc cho điêu dân tố cáo hương thân, vô lý tước đoạt tài sản hợp pháp của người khác, làm dân gian có lời tựa như 'trồng ruộng không bằng đi kiện'. Lại còn nói Hải Thụy "câu kết với giặc Oa", " vây hãm thành trì", " cướp kho chém quan" khiến cho "khói lửa không ngừng", đúng là thánh kinh của kẻ vu khống biến không thành có.
Nhưng hắn là tuần án Tô Tùng, tất nhiên có tiếng nói về hành vi của Hải Thụy, huống hồ hắn có thanh quan không tệ. Quan trọng hơn nữa, hắn tố cáo không phải hoàn toàn vô chứng cứ, ít nhất "Mặc cho điêu dân tố cáo hương thân, vô lý tước đoạt tài sản hợp pháp của người khác" có đầy đủ nhân chứng vật chứng...
Kỳ thực chứng cứ là do đám môn khách của Từ Anh bày ra... Trước tiên là sai điêu dân cáo trạng, tiếp đó để địa chủ cố ý bị đoạt tài sản, sau đó sai đi khóc lóc tố cáo, Đới Phượng Tường liền tin.. Vì sao? Hắn vốn khó chịu vì Hải Thụy tới Phượng Tường che hết hào quang của hắn, trong lòng đầy thiên kiến. Hiện giờ thấy họ Hải phán án tùy tiện, làm người vô tội tổn thất, Đới tuần án sao chẳng đàn hặc?
Uy lực của cáo trạng này quá lớn, ngay Cao Củng cũng nghi ngờ, vì gần đây tin đồn Hải Thụy hãm hại Từ các lão truyền khắp triều đình.
Trong lời đồn, Hải Thụy bị nói thành kẻ man mọi không biết biến báo, không hiểu chừng mực. Còn Từ Giai được miêu tả thành ông già gần đất xa trời, đáng thương khi từ bỏ quyền lực, quy ẩn điền biên bị hãm hại vô tình...
Càng làm Cao Củng uất ức hơn là tất cả đều cho rằng kỳ thực Hải Thụy chỉ là một thanh đao của họ Cao nào đó dùng chỉnh trị Từ Giai.
Ngay cả Long Khánh vốn không hỏi tới chính vụ cũng uyển chuyển nói với Cao Củng cống hiến năm xưa của Từ các lão, ý tứ rõ ràng, tha cho lão thủ phụ đi.
Cao Củng có miệng khó cãi, bị dồn ép hết sức bị động.
Đúng lúc đó tấu chương của Đới Phượng Tượng tới, Cao Củng sao dám bảo vệ Hải Thụy nữa? Đành nói, xem Hải Thụy tự biện hộ thế nào.
Mấy ngày sau, tấu chương của Hải Thụy đưa lên, vẫn đầy đấu chí đúng phong cách họ Hải:" Vi thần chỉ căn cứ quyền lực quan viên mà hoàng thượng ban cho để làm việc, căn bản không có gì sai. Chỉ càn có được ủng hộ, trong vòng một tháng, thần có thể làm cục diện triệt để thay đổi, nhưng hiện giờ sự chưa thành.. vi phần phụ quốc gia, Đới Phượng Tường khi quân, không thể dung thứ cả hai" xin hoàng đế đồng thời cách chức cả hắn lẫn Đới Phượng Tường.
Thấy Hải Thụy nhất định không nhận sai, đám ngự sự im lặng đã lâu rốt cuộc không kìm chế nổi nữa, bắt đầu nổ pháo, từ các góc độ luận chứng Hải Thụy tài hèn chí lớn, tính tình hẹp hỏi. Loại người này không thể đứng đầu một phương, nên cho tới Nam Kinh hưởng chức nhàn, không để làm hại cách tính nữa.
Ngự sử hai kinh hưởng ứng lẫn nhau, tấu sớ đàn hặc đổ xuống như tuyết, Hải Thụy đành theo thông lệ đình chức ngừng xử lý, việc trả ruộng bị đình trệ, đám đại hộ vốn đình trả ruộng cũng chuyển sang nghe ngóng, đợi ngày Hải Thụy bị rớt đài. Bọn chúng ngông cuồng quát tháo tiểu dân dám cướp thức ăn trong miệng hổ: - Họ Hải không chống nổi tới năm sau đâu, đợi hắn xéo rồi, sẽ khiến các ngươi phải trả cả vốn lẫn lãi.
Bách tính thất vọng tột độ, một số kẻ nhát gan bắt đầu cầu xin tha thứ, thậm chí hẹn bị cáo cùng tới quan phủ, hi vọng sửa lại điền khế.
Vương Tích Tước nổi giận mắng: - Tưởng là trò đùa à, đừng mơ. Rồi hầm hầm trở về hậu đường, thấy Hải Thụy vẫn đang vùi đầu chỉnh lý sổ sách đo đạc ruộng năm sau.
- Đại nhân thật trấn tĩnh. Vương Tích Tước cười khổ: - Nếu là hạ quan, dù cưỡng ép bản thân cũng không làm được chuyện cần tỉ mỉ như thế.
Hải Thụy không hề ngẩng đầu lên: - Người đình chức, nhưng thời gian không nghỉ, đo đạc ruộng chỉ còn chưa tới 20 ngày, việc phải làm rất nhiều, không tranh thủ sao được, đừng nói thừa nữa, làm việc đi.
Vương Tích Tước ngồi xuống bàn, nhưng đúng như hắn nói, thật không sao làm việc được, đành hỏi: - Đại nhân không lo triều đình cách chức ngài sao?
- Lo làm gì? Cái chức này vốn ở trên trời rơi xuống, mất cũng chẳng sao. Hải Thụy đột nhiên thở dài: - Nói không lo là giả, nhưng lo chúng ta quên ăn quên ngủ mấy tháng, cuối cùng cũng khoét được vào chỗ đột phá, nếu lúc này triều đình đổi tuần phủ, liệu chuyện có quay về như cũ, cùng một giuộc với đám đại hộ không?
- Không đâu. Nói tới chuyện Bắc Kinh thì Vương Tích Tước nhạy ben hơn nhiều: - Nếu nội các còn do ba vị Cao Thẩm Trương định đoạt, vậy cải cách tài thuế sẽ là một quốc sách, đo đạc ruộng đất là cơ sở của nó, dù khó khăn cũng phải đi tiếp... Dù có đổi tuần phủ cũng phải đi tiếp trên con đường của ngài, vì ngài đã lập nên một con đường tốt nhất.
- Ngươi nói thế làm ta có tự tin rồi. Cùng với thời gian trôi đi, Hải Thụy càng tin tưởng vào Vương Tích Tước, người này phán đoán thời cuộc và nhân tâm hơn mình một bậc, cười nói: - Vậy càng có lý do tranh thủ công tác, dù kết quả có tệ, coi như người trước trồng cây, người sau hưởng bóng mát...
Tử cấm thành Bắc Kinh, nội các.
Đối diện với tấu chương đàn hặc đổ xuống ùn ùn, Trương Cư Chính đề xuất, hay là nên điều Hải Thụy đi một thời gian, giảm bớt áp lực cho bản thân hắn.
Cao Củng trầm ngâm, ông ta cũng sắp không chống đỡ nổi nữa.. Đại nghiệp cải cách mới bắt đầu, mọi thứ còn đang hỗn loạn, cần các phương diện đoàn kết chặt chẽ, bất kỳ mẫu thuẫn nào cũng có thể ảnh hưởng tới cải cách.
Thực ra Trương Cư Chính đang đợi Cao Củng có ý thỏa hiệp mới đề xuất kiến nghị kia... Dù sao hắn cũng là chưởng môn nhân hiện nhiệm của Từ đảng. Phải thừa nhận thủ đoạn đấu tranh chính trị của hắn ngày càng thuần thục, chọn thời cơ đúng lúc, vừa không khiến Cao Củng phản cảm, càng đổ thêm dầu vào lửa, để Cao Củng hạ quyết tâm. Xong việc còn có thể về khoe khoang, nhìn đi, đó đều là công lao của ta đấy...
Nếu như không có người kia, hắn khẳng định đã thành công. Tiếc là trên đời này không có nếu như...
Cao Củng trầm ngâm rất lâu mới nói: - Ngươi viết thư hỏi ý kiến Giang Nam ra sao.
- Chuyện này. Khóe miệng Trương Cư Chính giật giật, nghĩ ông không quên y đi được à, nhưng không dám lộ ra chút nào, vội đáp: - Vâng.
- Thôi. Cao Củng lại nói, Trương Cư Chính mừng thầm, đúng thế, y đang xuất chinh, ông cần gì làm chuyện thừa thãi.
- Để ta đích thân viết thư vậy. Cao Củng nói tiếp.
Trương Cư Chính thiếu điều nổi điên, chửi thầm:" Ông nói liền một mạch thì đứt hơi chết à?"
~~~~o0o~~~~~~~
Thẩm Mặc nhận được thư của Cao Củng vào ngày 27 tháng 12, thực ra trước đó đã nhận được rất nhiều lời nhờ cậy từ đại hộ đông nam. Trong đó đại đa số không có xung đột trực tiếp với Hải Thụy, nhưng đại hộ quan hệ rối rắm. Bọn họ chỉ sợ làn sóng trả ruộng này lan ra khắp đông nam, đành liều viết thư cho Thẩm Mặc, xin y khuyên Hải Thụy, đừng làm chuyện quá cương.
Đau đầu hơn nữa, tới tết lại thu được thư của Từ Giai, dù quan hệ hai người bằng mặt không bằng lòng, nhưng đều là người có thân phận, nên bề ngoài biểu hiện phải có, vì thế trước tết viết cho Từ Giai một bức thư hỏi thăm đầy nhiệt tình, mang kèm với hàng chuẩn bị năm mới.
Từ Giai lần này bị Hải Thụy hành cho chết đi sống lại, vừa vặn trả lời thư tố khổ, nhưng không thể mở đề nói ngay, vi sư bị người ta ép đến thảm.
Trước tiên Từ Giai bày tỏ vui mừng, ta về 2 năm rồi, Chuyết Ngôn còn nhớ tới, lòng già rất an ủi, nhưng lại cảm thấy hổ thẹn? Vì sao, vì sau khi trở về, nhớ lại việc làm năm xưa, thật có chỗ không phải với ngươi, vi sư suy tính vì mình quá nhiều, nghĩ cho ngươi quá ít. Hiện giờ về rồi, kẻ nịnh bợ năm xưa đều tránh xa, hiện giờ bị người ta ức hiếp mà không tìm được ai bày tỏ.
Càng cảm nhận được thói đời bạc bẽo, ta càng thấy Chuyết Ngôn đáng quý, càng thấy hổ thẹn, hiện giờ tất cả những điều ta gặp phải coi là báo ứng, trong lòng mới dễ chịu hơn một chút.
- Vị sư tôn của ta đúng là biết có biết duỗi.
Đối tượng Thẩm Mặc nói là một nam tử trung niên mặc áo bông xanh, kiểu quan sự, không lên tiếng căn bản không nhìn ra sự bất phàm của ông ta: - Từ Giai hiện tình cảnh khó khăn, không thể không hạ mình, xin đại nhân tha cho một đường sống. Nhưng thái độ lại còn uy hiếp đại nhân, nếu không đáp ứng sẽ nói ngài ám thị Hải Thụy, trả thù sư phụ. Không ngờ là Dư Dần, mất tích đã hai năm.
Hai năm trước vì chuyện Hồ Tôn Hiến, Dư Dần cảm thấy không thể đối diện với Thẩm Minh Thần và Vương Dần nữa, sự nghiệp Thẩm Mặc ngày càng lớn, càng cần có người thay y làm những việc không thể lộ ra... Mặc dù có Cẩm Y vệ, nhưng bọn họ là ưng khuyển của triều đình, chẳng ai biết tới ngày nào đó hoàng đế nổi hứng xào bài lại, thì quá bị động.
Cho nên thấy Thẩm Mặc ỷ lại vào Cẩm Y vệ, Dư Dần khuyên can nhiều lần, nói không phải thứ của mình, sẽ có lúc không thể dựa vào, nên kiến lực lực lượng ngầm của bản thân, ít nhất có thể bảo vệ mình dưới tình huống xấu nhất. Thẩm Mặc do dự rất lâu, cuối cùng qua vụ án Hồ Tôn Hiến, đồng ý với kiến nghị này, là người đề xuất, Dư Dần tự gánh lấy trọng trách.
Làm người ta vui mừng là Thẩm Mặc âm thầm phát triển mười mấy năm, thực lực ẩn chứa quá mạnh, làm Dư Dần như hổ thêm cánh, vừa bắt tay đã có hơn trăm tinh anh cốt cán đầu quân... Những người này đều là con cháu thị vệ cũ của Thẩm Mặc, tuyệt đối trung thành, nhiều năm trước được Thẩm Mặc an bài vào trấn phủ ti, do Chu Thập Tam trui rèn, ai cũng là cao thủ đặc vụ.
Để che giấu tai mắt người khác, Dư Dần đăng ký một tiêu cục tên Vĩnh Hòa, một có thể khoác lớp ngoài lên cho những phần tử nguy hiểm này. Hai, Dư Dần nhìn ra, công thương nghiệp phát triển, thúc đẩy hàng hóa qua lại giữa các thành phố, nghề bảo tiêu đã tới mùa xuân phồn thịnh. Vĩnh Hòa có thể nhờ trận gió đông này trải phân hiệu khắp toàn quốc mà không khiến quan phủ hoài nghi.
Lần này Dư Dần tới là áp tiêu một xe lễ vật Từ các lão gửi cho Thẩm Mặc, ông ta tận dụng cơ hội hiếm có này để gặp đông gia.
Nói ra từ lần gặp nhau ở Thông Châu, hai người không gặp lại nữa, tuy vẫn giữ liên hệ, nhưng lúc trùng phùng vẫn cảm xúc dào dạt.
- Không ngờ gặp nhau một lần lại khó khăn như thế. Thẩm Mặc áy náy nói: - Ngay cả cơ hội mời tiên sinh một bữa cơm cũng không có, tiên sinh đừng trách.
- Hiện giờ không biết có bao nhiêu cặp mắt nhìn vào đại nhân mà. Dư Dần rất hiểu tình cảnh của Thẩm Mặc: - Đông xưởng, lại cả mật thám của Sơn Tây bang, đại nhân nếu không cẩn thận mới làm thuộc hạ lo lắng.
- Đúng thế, chỗ nhìn có vẻ phong quang, luôn mang nguy hiểm vô hạn. Thẩm Mặc vừa pha trà vừa nói: - Tới ngay cả Cao các lão cũng trở nên cẩn thận rồi.
Dư Dần đã xem qua thư của Cao Củng, mặt lạnh tanh nói: - Tâm tư cả vị thủ phụ này không hề thô hào như vẻ bề ngoài, ông ta muốn đại nhân ủng hộ quyết định thay Hải Thụy phải không?
Thẩm Mặc gật đầu: - Bình thường thôi, làm thủ phụ có ai đơn giản? Chẳng qua lão Cao không thèm dùng mưu mô, nên mới thấy thô hào một chút. Giờ ông ta là tể tướng một nước, vai gánh trọng trách cải cách, không thể bất chấp tất cả như trước kia được nữa.
- Vậy ý đại nhân ra sao? Nếu đồng ý với Cao Củng, khó tránh khỏi làm người ta thất vọng.
- Tiên sinh tưởng rằng Cao Túc Khanh muốn thay đổi thật sao? Thẩm Mặc cười lạnh: - Cải cách là mộng tưởng cả đời của ông ta, việc Hải Thụy làm là điều ông ta luôn muốn làm, sao có thể vì chút trở lực mà ngừng lại?
- Đại nhân phán đoán quả nhiên nhạy bén, đây là điều thuộc hạ muốn bẩm báo. Dư Dần nói rồi lấy từ trong ống tay áo ra một phong thư, nở nụ cười hiếm có.
Thẩm Mặc nhận lấy xem, đó là thư Hàn Ấp môn sinh của Cao Củng viết cho Thái Quốc Hi. Thẩm Mặc có chút ấn tượng về người này, hắn là môn sinh của Từ Giai, năm xưa làm binh bị phó sứ Tô Tùng xảy ra xung đột với nhi tử của Từ Giai. Nghe nói quan thuyền của hắn gặp quan thuyền của huynh đệ Từ gia trên sông, không ai nhường ai, kết quả bị đám ác nô của Từ gia xông lên thuyền lột quan phục ném xuống sông, đánh bị thương tùy tùng rồi nghênh ngang bỏ đi.
Thái Quốc Hi bị sỉ nhục lớn, tất nhiên tới phủ Tùng Giang cáo trạng, nhưng Trung Trinh Cát khuyên nhẫn nhịn. Không chịu nổi, hắn cáo trạng lên cả tỉnh, thậm chí Bắc Kinh, nhưng không ai thụ lý. Cuối cùng huynh đệ Từ gia tuyên bố, nếu còn dám tố cáo, sẽ triệt để lột quan phục của hắn, Thái Quốc Hi không chịu được nhục, từ quan bỏ đi... Nói ra đã 5 năm rồi.
" Sao Hàn Tiếp lại nhớ tới vị này?" Thẩm Mặc vừa suy nghĩ vừa lấy thư ra đọc, thì ra hai người họ là đồng hương, quan hệ không tệ. Từ khi Cao Củng nắm quyền, Hàn Tiếp luôn mưu cầu phục xuất cho đồng hương, cuối cùng đã được toại nguyện, cho nên vội vàng viết thư khoe công. Trong thư nói, Cao Củng đồng ý cho hắn phục nguyên chức, còn nói sau khi Hải Thụy lùi xuống, chức tuần phủ nhất định thuộc về hắn.