Quan Thanh

Chương 562: Ba đống lửa của Chủ tịch thành phố An



Lưu Đức Thắng cười:

-Người xưa nói "Không có việc gì mà ân cần, nếu không phải kẻ gian thì cũng là kẻ trộm", có chuyện gì cứ nói thẳng ra, đừng đem cái điệu bộ trong quan trường ra phô bày trước mặt ta, càng đừng có lừa dối một lão già như ta.

An Tại Đào toát mồ hôi, vội cung kính nói:

-Ông nội, sao ông lại nói như vậy?

Lưu Đức Thắng khoát tay:

-Không phải cháu có thói quen thỉnh an, vấn an lão già ta đây hay sao? Được rồi, đừng lãng phí thời gian, có chuyện cứ nói, ta không quen nhìn cái thói dối trá trong quan trường, nghĩ một đằng nói một nẻo, không một câu nào là thật…

Lưu Đức Thắng trời sinh tính tình hào sảng, nóng nảy, thời chiến tranh, trong quân đội ông có biệt hiệu là "Lưu Đại pháo". Tuy rằng về sau trở thành lãnh đạo cao cấp, tính tình cũng không thay đổi bao nhiêu. Hiện giờ ông đã về hưu, lại quay về với tính cách cũ.

Đương nhiên, Lưu Đức Thắng thuộc thế hệ những người không chỉ khai sáng một nền cộng hoà mà còn khai sáng một thời đại hoàn toàn mới. Phần lớn lãnh đạo của thế hệ trước đều tương đối có vẻ đơn giản mộc mạc một chút, dù là quan hệ cấp trên cấp dưới hay quan hệ giao tiếp bình thường, cũng không giống cái kiểu "ngươi lừa, ta gạt" đầy phức tạp.

An Tại Đào xấu hổ cười:

-Ông nội à, thật ra cũng không có chuyện gì. Cháu chỉ muốn thu xếp thời gian cùng với Tiểu Ngạn đi Bắc Kinh thăm ông, nhân tiện thăm hỏi các bề trên khác trong gia đình… Đúng rồi, ông nội, nhà chúng ta còn có một ông chú phải không ạ?

Lưu Đức Thắng là người như thế nào? Một đời chinh chiến, cũng một đời làm lãnh đạo cao cấp, tuy rằng tính cách hào sảng không thích hục hặc với nhau, nhưng không có nghĩa là ông không nhạy bén. Trên thực tế, kinh qua đời sống trong quân đội rồi hơn mười năm chìm nổi trong quan trường, mưu mẹo không hề kém ai, trí tuệ chính trị của ông, người trẻ tuổi đương thời càng không thể so sánh với. Cho nên, An Tại Đào vừa nói xa nói gần như vậy, lập tức ông liền đánh hơi được sự khác lạ trong câu hỏi của hắn.

Ông trầm ngâm một chút:

-Sao đột nhiên cháu lại nhắc tới chuyện này? Cháu có một ông chú, điều đó là thật, nhưng …các cháu không cần gặp.

An Tại Đào còn chưa kịp nói gì, Lưu Đức Thắng đã nói tiếp bằng giọng khàn khàn uy nghiêm:

-Thằng bé, đừng tưởng ta già cả lú lẫn mà định lừa đảo. Đừng nói nhảm, nói thẳng ra nhanh đi!

An Tại Đào vốn đang định nói quanh co một chút rồi mới đi vào vấn đề, chứ không muốn nói trực tiếp, nhưng hắn cũng biết rõ tính tình của Lưu Đức Thắng, nếu hắn cứ lập lờ dấu quanh, không khéo sẽ làm ông lão này nổi giận thì sẽ hỏng việc mất.

An Tại Đào thở dài, khẽ nói:

-Ông nội, vừa rồi con của ông chú - chú Lưu Lập Quốc đến đây, chỉ vừa mới đi thôi…

Lưu Đức Thắng cau mày, trầm giọng nói:

-Lập Quốc? Hắn tìm cháu làm chi? Ừ, ta nhớ ra rồi, Lập Quốc là Chính uỷ quân phân khu ở Phòng Sơn các cháu…Được rồi, cháu không cần phải nói, ông hiểu được.

Giọng Lưu Đức Thắng tuy rất bình thản, nhưng lửa giận trong lòng càng lúc càng dâng cao. Ông cố kìm nén cơn giận, hạ giọng nói:

-Được rồi, hắn tìm cháu có việc gì cháu cũng không cần nói cho ông biết. Ông cũng không muốn biết, mặc kệ hắn nói gì, cháu cứ làm như chưa từng nghe qua, quên hết đi, quên hết tất cả về hắn đi! Thôi, ông muốn đi luyện viết chữ,

Tính tình ông lão này hơi nóng nảy, hắn còn chưa kịp nói đầu đuôi cụ thể, ông đã nổi giận rồi. Đương nhiên, trong lòng hắn cũng hiểu, với đầu óc của Lưu Đức Thắng, không cần nói rõ ràng, ông cũng có thể đoán ra đại khái.

Buông điện thoại, Lưu Đức Thắng lập tức gọi điện cho em trai là Lưu Bá Hùng. Lưu Bá Hùng và Lưu Đức Thắng tuy là anh em, nhưng cá tính hoàn toàn tương phản, một nóng nảy hào sảng, một ôn hoà, tinh tế.

Sau khi về hưu, Lưu Bá Hùng mê trồng hoa, nuôi chim cá cảnh, biến sân nhà mình thành vườn hoa rực rỡ chim hót líu lo. Ông đang đứng trước sân cho cá ăn, thì Lưu Đức Thắng gọi điện tới.

Lưu Đức Thắng có quyền uy cao nhất trong nhà họ Lưu, không chỉ bởi vì ông lớn tuổi, mà còn bởi vì cấp bậc và quyền lực của ông. Trong nhà là anh cả, ở cơ quan là lãnh đạo, Lưu Bá Hùng không thể nào so với ông được.

Nghe Lưu Đức Thắng trút giận qua điện thoại, Lưu Bá Hùng cũng dần hiểu chuyện gì xảy ra. Biết được rõ ràng đầu đuôi, Lưu Bá Hùng cũng không khỏi bực bội. Ông không ngờ con của mình – Lưu Lập Đức, lại không có chút tiến bộ nào, không chỉ chạy đến chỗ An Tại Đào "gây sóng gió" mà dường như còn muốn kiếm lợi từ người ta, đây quả thực là mất mặt và xấu hổ vô cùng!

Chuyện giữa An Tại Đào và Lưu Ngạn, là đề tài cấm kỵ ở Lưu gia. Hai ông lão đã nghiêm khắc ra lệnh cho con mình không được hé môi với bất cứ ai bên ngoài. Hơn nữa, dù sao Lưu Ngạn chỉ là cháu gái họ, đối với chuyện của cô, Lưu Bá Hùng cũng không quá để trong lòng. Cháu nội của anh trai không phải cháu ruột mình, lo nhiều thì cũng làm được gì?

Ông vốn không có ý nói chuyện này với con cái, chỉ là hồi đầu năm, trong lúc vô tình Lưu Lập Quốc nghe được ông và Lưu Đức Thắng nói chuyện, liền hỏi tới. Lưu Bá Hùng không dấu được phải kể sơ qua và dặn Lưu Lập Quốc không được nói lung tung, không cần lo chuyện nhà người ta. Ai ngờ Lưu Lập Đức lại nảy ra tâm tư riêng.

Nói toạc ra, chính là y thấy nhà Lưu Ngạn nhận được không ít lợi ích từ nhà họ An mà thèm muốn mà thôi. Y cho rằng tốt xấu gì Lưu Ngạn cũng là cháu gái của mình, nếu bây giờ Lưu Ngạn có tiền như vậy, cũng có thể cho mình hưởng một chút, gọi là nước phù sa không chảy ruộng người ngoài.

Lưu Bá Hùng gọi điện cho Lưu Lập Quốc, vừa khiển trách y xong liền ra lệnh cho y không được tìm đến An Tại Đào nữa. Nhưng trong khi Lưu Bá Hùng đang dạy dỗ la mắng con, bên kia, Lưu Đức Thắng đã đi trước một bước.

Tuy Lưu Đức Thắng đã về hưu nhưng ảnh hưởng của ông trong quân đội thì không mấy ai sánh bằng. Vừa gọi điện xong cho Lưu Bá Hùng, ông lập tức thông qua một cấp dưới của mình ngày xưa, gây áp lực với quân khu tỉnh Đông Sơn để miễn chức Chính uỷ quân phân khu Phòng Sơn của Lưu Lập Quốc, triệu hồi y về Bắc Kinh.

Chức vụ của Lưu Lập Quốc vốn do Lưu Đức Thắng sắp xếp, bây giờ chỉ cần một câu của Lưu Đức Thắng, đương nhiên rất dễ dàng triệu hồi y về.

Lưu Đức Thắng làm như vậy, thậm chí không hỏi qua ý kiến của cha con Lưu Bá Hùng, có vẻ rất ngang ngược. Sở dĩ ông làm lớn chuyện như vậy, tuyệt đối không phải để An Tại Đào hết giận mà là không muốn bởi vì Lưu Lập Quốc mà khiến cho quan hệ giữa An Tại Đào và Lưu gia xuất hiện sự rạn nứt. Rất nhiều người thế hệ sau của Lưu gia đang dưới quyền Hạ Hiểu Tuyết, lợi ích gút mắc ràng buộc trong đó, hơn nữa, hiện giờ Lưu gia và An gia đã là quan hệ môi hở răng lạnh, nếu hưng thịnh cùng hưng thịnh, nếu tổn hại, cùng tổn hại, không được có nửa điểm sai lầm nào.

Tuy gia đình Lưu Bá Hùng với ông là thân thích, nhưng không thể so với con cháu của ông được, Lưu Đức Thắng không thể để cục diện do mình khổ tâm sắp đặt lại bị Lưu Lập Quốc tuỳ tiện phá ngang một cách dễ dàng như vậy.

Lưu Lập Quốc rất buồn bực, tới chỗ An Tại Đào đã không tìm được cảm giác "bề trên", cũng không kiếm được lợi ích gì, ngược lại còn bị cha mình gọi điện mắng như tát nước vào mặt.

Vừa tắt điện thoại không lâu, y lại tiếp một cuộc điện thoại làm y kinh hãi đến phát run, không ngờ là điện thoại do người bác mà y sợ nhất gọi tới. Lưu Đức Thắng cũng không nói gì lớn tiếng, chỉ lãnh đạm bảo y lập tức quay về Bắc Kinh, sau này biết thân biết phận mà ở lì trong cơ quan Tổng cục chính trị đi.

Quan mới nhận chức đốt ba đống lửa (1), bất kể đốt lửa hay không đốt lửa, vị quan nào cũng đều muốn tạo nên một tình hình mới để chứng minh giá trị và sự tồn tại của mình. Nếu cứ trầm lặng không có gì thay đổi so với quá khứ, làm sao tạo được cái tiếng đây? Đây là một phép biện chứng rất rõ ràng, không thể nói "Đốt ba đống lửa" là bệnh hình thức, gây sức ép cho người người khác.

Ngày 4 tháng 7, mặt trời đã lên cao, An Tại Đào chủ trì hội nghị cán bộ Uỷ ban nhân dân huyện thị thành phố Phòng Sơn. Mỗi lần tân Chủ tịch thành phố đến nhậm chức, không lâu sau đó đều tổ chức hội nghị toàn thể các cán bộ huyện thị, bao gồm cả các ban ngành trực thuộc và các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đó là lệ thường trong quan trường. Chỉ là An Tại Đào triệu tập hội nghị cán bộ, dường như có một chút yên bình hơn. Dù sao, hắn chỉ mới nhậm chức Chủ tịch Phòng Sơn chỉ được hai ngày

Hội nghị được cử hành ở hội trường của Uỷ ban nhân dân thành phố. Gần trăm cán bộ huyện thị tụ tập trong hội trường, đang bàn luận xôn xao, đột nhiên thấy An Tại Đào đi đầu, Dương Hoa thứ hai, Lãnh Mai thứ ba, theo sau là Vương Chí Quân, Triệu Kiến Quốc và Cổ Lam, sáu lãnh đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố từ từ bước vào, hội trường lập tức vang lên tiếng vỗ tay như sấm dậy.

Các cán bộ tinh ý đều nhận thấy, thứ tự xuất hiện của các Phó chủ tịch thành phố đã có sự thay đổi, đặc biệt là vị trí của Lãnh Mai, vốn Lãnh Mai xếp sau Triệu Kiến Quốc và trước Cổ Lam.

Hội nghị do Trưởng ban Thư ký Uỷ ban nhân dân thành phố kiêm Chánh văn phòng Chu Quân chủ trì. Chu Quân đứng dậy đến bên cạnh An Tại Đào cúi người kính cẩn hỏi:

-Chủ tịch thành phố An, chúng ta bắt đầu chứ?

An Tại Đào gật đầu.

Lúc này Chu Quân mới quay về chỗ ngồi, cầm mi- crô cất cao giọng nói:

-Các vị lãnh đạo, các đồng chí, hôm nay chúng ta tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ huyện thị. Kế tiếp, chúng ta nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh Chủ tịch thành phố An ra chỉ thị. Nguồn truyện: Truyện FULL

Tiếng vỗ tay vang lên, An Tại Đào đứng dậy hướng xuống dưới đài khom lưng vái chào. Khi hắn ngồi xuống lại, vẻ tươi cười trên khuôn mặt đã nhạt đi, biến thành rất nghiêm nghị và hơi căng thẳng.

-Các đồng chí, chưa nói tới chỉ thị. Hôm nay triệu tập cuộc hội nghị này, một là để các thành viên bộ máy chúng ta gặp mặt, hai là tiến hành công tác sáu tháng cuối năm!

An Tại Đào giơ tay lên, ánh mắt sáng ngời lướt nhìn mọi người dưới đài.

-Bộ máy mới, tôi hy vọng có thể có một khởi đầu mới.

Đột nhiên An Tại Đào vung tay lên cao:

-Thời Tam quốc, Gia Cát Lượng làm quân sư cho Lưu Bị, trong một thời gian ngắn, liên tục ba lần dùng hoả công đánh Tào Tháo. Lần đầu hỏa thiêu sườn núi Bác Vọng làm mười vạn quân Tào của Hạ Hầu Đôn còn được vài người. Lần thứ hai ở Tân Dã dùng hỏa công, nước ngập diệt sạch mười vạn quân của Tào Nhân, Tào Hồng. Lần thứ ba hỏa thiêu Xích Bích trăm vạn quân Tào thảm bại, rốt cuộc chỉ còn 27 người theo Tào Tháo chạy thoát. Bấy giờ người ta gọi ba lần đốt lửa này là "Ba đống lửa Gia Cát Lượng mới nhậm chức đốt lên". Về sau thì biến thể thành "Ba đống lửa quan mới nhậm chức đốt lên"

Không dối gạt mọi người, tôi cũng không ngoại lệ, tôi cũng sẽ đốt lên ba đống lửa. Tôi nói rõ trước với mọi người để mọi người chuẩn bị tinh thần. Đống lửa thứ nhất của tôi là "xây dựng hình tượng, loại bỏ cố tật". Đây có ý nghĩa gì? Chính là tăng cường xây dựng tác phong của cán bộ cơ quan chính phủ, hễ điều gì bất lợi cho công tác, bất lợi cho phát triển, bất lợi cho dân đều là xấu xa và đều phải loại bỏ tận gốc, chẳng hạn như ăn nhậu thả cửa, ăn trên ngồi trốc, không có lý tưởng…Tôi hy vọng trong thời gian ba tháng, toàn bộ các cơ quan đơn vị huyện thị đều tiến hành hoạt động chỉnh đốn và giáo dục tác phong, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát quản lý thưởng phạt một cách hiệu quả, quán triệt từ đầu đến cuối và nắm chắc một cách lâu dài. Vì thế, tôi đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố thiết lập một văn phòng có tác phong làm việc hiệu quả, do văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố và phòng giám sát Uỷ ban nhân dân thành phố cử chuyên gia phụ trách, điều nhân viên và kinh phí. Đồng chí Dương Hoa - Phó chủ tịch thường trực thành phố kiêm nhiệm Chánh văn phòng, đồng chí Chu Quân, Trưởng ban thư ký Uỷ ban nhân dân thành phố kiêm nhiệm Phó chánh văn phòng…

Đống lửa thứ hai của tôi gọi là: "Tập hợp lòng người phát triển kinh tế". Phát triển kinh tế là mạch máu, chỉ có phát triển kinh tế mới có thể tạo phúc cho dân chúng… Tôi đã đề nghị với Thành uỷ và xin Uỷ ban nhân dân tỉnh phê chuẩn, để Uỷ ban Kinh tế Thương mại, Uỷ ban Kế hoạch và Phát triển, Uỷ ban Xây dựng, Cục Tài chính… điều động nhân viên, thành lập Cục Xúc tiến đầu tư thành phố Phòng Sơn, xếp vào danh sách cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố.

Đống lửa thứ ba của tôi là "giám sát chặt chẽ, mở rộng công khai", giám sát bằng cộng đồng là giám sát quyền lực chính phủ tự vận hành và tránh lạm dụng quyền lực…Thúc đẩy công khai việc quản lý của nhà nước, thúc đẩy công khai tin tức, công khai quyết sách, đây là ba cái công khai tôi chuẩn bị triển khai. Chúng ta phải mở rộng cửa văn phòng, hoan nghênh quần chúng giám sát, nhưng không phải là làm theo hình thức, không theo phong trào, phải hình thành quy chế, phải đạt hiệu quả lâu dài…

Được rồi, ở trên là ba đống lửa của tôi, thật ra là ý tưởng của tôi. Tôi nói nhiều như vậy, cơ bản là vì sắp tới chúng ta cần kiên quyết làm đầy đủ và chu đáo công tác, tôi hy vọng sau khi các vị trở về, sẽ suy nghĩ về "ba đống lửa" này của tôi, nghĩ xem nên cố gắng làm gì, sửa đổi cái gì…

Giọng An Tại Đào chợt trở nên trầm thấp:

-Tôi công tác tại Phòng Sơn nhiều năm như vậy, các đồng chí có mặt chắc hẳn hiểu rõ về tác phong và cách đối nhân xử thế của tôi. Nói tóm lại, điều gì tôi yêu cầu mọi người làm, đương nhiên trước tiên tôi phải làm được, điều tôi không làm được tôi sẽ không yêu cầu mọi người làm! Tôi hy vọng thấy kỷ luật nghiêm minh, chính lệnh thông suốt mới có thể nhà nhà hưng thịnh, sự nghiệp hưng thịnh! Tiếp theo, đồng chí Phó chủ tịch thành phố Dương Hoa sẽ bố trí công tác sáu tháng cuối năm một chút.

(1)Ý nói quan viên mới lên chức thường dùng những biện pháp cải cách hay những chính sách mới.

Điển cố: Thời Tam Quốc khi Gia Cát Lượng làm quân sư cho Lưu Bị, trong một thời gian ngắn đã ba lần dùng hỏa công đánh Tào Tháo. Lần đầu hỏa thiêu sườn núi Bác Vọng làm mười vạn quân Tào của Hạ Hầu Đôn còn được vài người. Lần thứ hai ở Tân Dã dùng hỏa công, thủy yểm diệt sạch mười vạn quân của Tào Nhân, Tào Hồng. Lần thứ ba hỏa thiêu Xích Bích trăm vạn quân Tào thảm bại, rốt cuộc chỉ còn 27 người theo Tào Tháo chạy thoát. Bấy giờ người ta gọi ba lần đốt lửa này là "Gia Cát lượng mới nhậm chức đốt ba đống lửa". Về sau thì thành "Quan mới lên nhậm chức đốt ba đống lửa". Đoạn sau chương này, có đoạn tác giả trực tiếp giải thích điển cố này.