Sau Khi Làm Vô Thường Bán Thời Gian Thì Tui "Hot"

Chương 1: Mùi của quỷ





Sau khi làm Vô Thường bán thời gian thì tui "hot"

Tác giả: Lạp Miên Hoa Đường Đích Thố Tử

Chuyển ngữ: Dú

Chương 1: Mùi của quỷ

Công tác quay bộ phim truyền hình "Vật báu" đã đi đến hồi kết, đa số vai diễn đã hết đất diễn, những người còn lại phải chạy đến thôn Nhạn Đường quay nốt số cảnh còn thiếu. Thôn này hãy còn mấy trăm ngôi nhà cổ, bao gồm một số từ đường thời Minh-Thanh và các loại kiến trúc sân khấu kịch, đều được bảo tồn khá trọn vẹn.

Chính phủ thành phố vẫn luôn muốn khai phá nơi này, cũng dẫn đoàn làm phim quay ở đây thật.

Xe dừng ở bãi đỗ xe cổng thôn, người người trong đoàn phim nối đuôi nhau mà đi.

Lan Hà xách theo vali của mình xuống xe, ở trên núi mát hơn chân núi nhiều. Anh mặc áo nỉ và quần túi hộp sẫm màu, và vì vai diễn yêu cầu nên tóc mái dài đến nỗi hầu như che hết mắt.

Trong bộ phim không có nhiều vai nam này, anh chỉ tạm xem là vai nam số 5. Nhưng là một diễn viên tuyến 18 vô danh tiểu tốt, công ty lẫn đoàn phim đều không cử trợ lí cho anh, nên đương nhiên hễ có việc gì cứ phải tự mình ra trận thôi.

Lan Hà không ngại. Đoàn phim thuê nhà dân làm chỗ ở, hành trình tiếp theo phải cuốc bộ, anh vừa đi vừa tám chuyện với Trình Hải Đông – người quay phim trong đoàn. Hai người quen nhau trong đoàn làm phim, tuy khác nghề nhưng đều là đồng hương, lại hợp cạ nhau, sau hai ba tháng thì thành bạn bè.

Dọc bên đường toàn là các công trình kiến trúc phong cách nhà Thanh, đoàn phim chỉ cử người đến quan sát, ấy thế mà cán bộ thôn ra tiếp đón vẫn giới thiệu liến thoắng cho mọi người nghe: "Hai con sư tử được chạm trổ ở đây, một lớn một nhỏ, sư tử lớn và sư tử nhỏ đọc nghe gần giống như Thái Sư và Thiếu Sư, tức là chỗ chúng tôi từng có người làm quan..."

(*Sư tử lớn 太狮 |tài shī| đồng âm với Thái Sư 太师 |tài shī|.

Sư tử nhỏ 少狮 |shǎo shī| đồng âm với Thiếu Sư 少师 |shǎo shī|.

Trong hệ thống quan lại trung ương, Thái Sư là một trong Tam Công chuyên nuôi nấng, dạy dỗ Vua còn Thiếu Sư ở một cấp thấp hơn Thái Sư, thuộc Tam Thiếu, chuyên giúp đỡ Tam Công.)

Lan Hà nhìn theo, thảo nào lại chọn lấy cảnh ở đây, việc bảo tồn khá là hoàn hảo, từng có tu sửa nhưng cũng tìm các thợ thủ công già dặn làm theo phương pháp truyền thống, giữ nguyên những đặc điểm cũ.

Cán bộ thôn tiếp tục ba hoa về việc tổ tiên từng làm quan kia đã mời hậu duệ của Quỷ Cốc Tử* xem phong thủy, thiết kế nhà cửa. Ai cũng cười xòa cho qua, mấy cái chuyện đồ vặt vãnh đi đâu cũng gắn mác liên quan đến Hoàng đế thời cổ đại hay danh nhân nào đó ấy mà, cứ nghe suông thế thôi.

(*Quỷ Cốc Tử là nhân vật trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Họ tên không rõ ràng con người ông được người đời sau hư cấu nên mang tính huyền bí, theo sách Đông Chu liệt quốc tên ông là Vương Hủ người đời Tấn Bình công, là bạn thân của Tôn Tử và Mặc Tử.)

Dù đoàn phim đã bớt đi nhiều người thì số còn lại cũng không hề ít ỏi. Phía trước có tiếng pháo và tiếng huyên náo, đoàn người đang đi bèn chậm bước lại.

"Hắt xì!" Lan Hà quệt mũi, nghe tiếng nói đâu đó từ phía trước lọt vào tai: "Trong thôn có người mất, đang lo liệu tang lễ..."

Xuất phát từ lòng tôn trọng người chết nên lúc đi ngang qua, mọi người đều cúi đầu, có người còn cúi rạp mình xuống, đương nhiên tốc độ đi sẽ chậm lại.

Tầm nhìn bị đoàn người che khuất nên lúc Lan Hà bước ra đằng trước mới thấy một khoảnh đất. Người ta lập linh đường ở đó, trong đặt quan tài, bày một cái bàn bát tiên, trên bàn là ảnh người chết, còn cả đèn chong nối điện, hai bên có bé trai bé gái bằng giấy. Trước bàn là chậu sắt, có người đang hóa vàng mã không ngơi nghỉ, khói lửa lượn lờ.

Trên giao lộ phía bên kia, vài thanh niên trai tráng đang định dựng phướn giấy lên.

Chỗ này không có vật đỡ nên họ định dùng gậy gỗ để chống. Phướn gọi hồn có bốn khúc, phải lắp thân phướn thẳng tắp, nhưng chẳng hiểu sao mà dựng mãi cũng không xong.

Dân trong thôn trắng trợn bàn tán:

"Không dựng được phướn gọi hồn à? Con cháu mất trắng tiền rồi?"

"Ai biết tại sao không dựng được phướn gọi hồn cơ chứ..."

Nghe mấy lời đàm tiếu đó, sắc mặt con cháu nhà có tang càng lúc càng khó coi hơn.

Trình Hải Đông chắp tay vái, nhỏ giọng thì thầm: "Thế là sao nhỉ, sao dựng mãi vẫn không được?"

Anh ta chưa bao giờ kinh qua tập tục mai táng truyền thống nào, mà thôn Nhạn Đường thì hãy còn giữ lễ nghi mai táng từ xa xưa.

Lan Hà đáp: "Là cờ phướn vàng, là một loại đồ hàng mã lớn khó có được, dùng để mai táng. Một cái cũng phải lên đến một nghìn tệ, thường phải dựng ở giao lộ bắt mắt nhất."

Chú quay phim chính cũng đứng bên cạnh, nghe thế bèn liếc Lan Hà với vẻ bất ngờ, "Cậu còn chưa già mà đã biết mấy cái này hả? Lần trước cậu với Đông Tử rút quẻ, còn là rút quẻ điện tử trên điện thoại, nhưng đến một tệ giải quẻ cũng có muốn tiêu đâu."

Lan Hà: "... Đâu cần phải thuật lại đầy đủ thế."

Trình Hải Đông cũng lầu bà lầu bầu, cứ một tệ là có thể bị lừa à.

Lan Hà lại nhìn đống hàng mã, nói với giọng hoài niệm: "Ngày xưa ông nội tôi cũng hóa mấy cái này. Không phải nhà nào cũng bỏ tiền ra mua được đồ mã lớn cỡ đó, một năm chẳng cúng được mấy lần."

Thì ra là thế, chú quay phim chính gật đầu, "Ừ, tập tục của lớp người già ấy mà, cờ phướn gọi hồn này là để tích đức chiêu phúc cho người chết, không dựng được sẽ bị trách cứ... Hầy, không liên quan gì đến chúng ta, ai biết cơ sự thế nào. Đi thôi đi thôi."

...

Tuy chỗ thuê là nhà cổ, nhưng quanh năm vẫn có người ở, ngoài việc bắt sáng không tốt nên âm u một chút ra thì điều kiện ở cũng chẳng tệ lắm. Lan Hà sửa soạn hành lí xong thì thấy Trình Hải Đông vào phòng mình, hai người ở cách vách nhau.

Trình Hải Đông đang gặm chân gà kho chẳng biết đào đâu ra, vừa gặm vừa nói: "Chả phải đêm nay đã quyết là sẽ quay cảnh đêm ở nhà dân đó sao, hình như địa điểm là ở bên kia đường của linh đường ấy. Anh vừa nghe nói đạo diễn đang bàn vụ này..."

"Sẽ đổi à?" Lan Hà hỏi.

"Không biết, chắc vậy." Trình Hải Đông đáp.

Ăn xong, hai người bèn nhận được thông báo tạm thời buổi quay đêm nay bị hủy.

"Chắc đạo diễn sợ quấy rầy người chết." Trình Hải Đông nói, "Cảnh đêm bị hoãn, đợi bên kia xong tang sự đã. Đang sửa giấy thông báo, sáng mai lại quay."

Người chết vào ngày hôm qua, linh đường dựng ở một khu vực gần địa điểm quay, họ cũng chẳng thể đoán trước được; mà ở cái ngành này, không ít người có kiêng kị nên sẵn lòng hoãn lại việc quay phim, kết quả này không nằm ngoài dự đoán của mọi người cho lắm.

"Đi mua bao thuốc lá với anh đi." Trình Hải Đông rủ rê Lan Hà, anh ta nghiện thuốc lá. Trong thôn có một cửa hàng tạp hóa nằm trên đường chính.

Lan Hà than vãn, "Có phải hồi học tiểu học anh cũng bắt bạn cùng lớp đi vệ sinh cùng không mà sao giờ thạo vậy?"

Chỉ nói thế thôi chứ vẫn đi với Trình Hải Đông.

Lại đến vùng xung quanh linh đường, lúc này màn đêm mới buông xuống, dựa theo tập tục thì chủ nhà phải gác đêm, và đó mới chỉ là bắt đầu thôi. Con cháu nhà chịu tang lại định dựng cờ phướn lên ở giao lộ như không muốn để phí món hàng mua hơn một nghìn tệ này.

Trình Hải Đông lẩm bẩm như đang tự nhủ: "Sao vẫn chưa dựng được nhỉ?"

Lan Hà nghĩ, nếu cứ lắp ngược thế kia thì quả thật là rất khó để dựng cột phướn.

Trình Hải Đông bước vào tiệm tạp hóa mua điếu thuốc lá, không để ý rằng Lan Hà đi bên cạnh đã mất tăm, đến khi anh ta đi ra ngoài thấy Lan Hà bước ra từ linh đường mới giật mình hỏi: "Chú làm gì thế?"

Lan Hà quay đầu liếc, "Không có gì, cứ đứng đây mãi cũng ngại nên thắp nén hương cho ông cụ."

Nhưng chất lượng nén hương kia không được tốt, bột hương không đều, thậm chí anh còn có thể ngửi được mùi ẩm mốc.

"Thế à?" Trình Hải Đông mờ mịt, nhức đầu, "... Thế anh phải đi không?"

Lan Hà: "Ha ha, không sao. Đi thôi."

Vào cửa rồi mà Trình Hải Đông còn lải nhải, "Ấy khoan, sang nhà bên lấy hai cái chân gà đã, ngon hết sảy luôn."

Đoàn phim mời phụ nữ trong thôn làm đồ ăn và tập hợp họ ở nhà bên vì bên ngoài có giếng, tiện cho các cô các dì rửa thức ăn.

Vừa đến cửa, Trình Hải Đông đã nháy mắt ra hiệu bảo Lan Hà mở lời. Ban ngày anh ta đã đến một lần rồi, vả lại dựa theo kinh nghiệm của anh ta thì nếu Lan Hà bắt chuyện sẽ được đãi ngộ cao hơn.

Lúc bấy giờ trong sân có mấy người phụ nữ đang chuẩn bị nguyên liệu nấu cho bữa sáng ngày mai. Lan Hà gõ nhẹ cửa hai cái, đoạn hỏi một cách lễ phép, "Chị ơi, em muốn mua hai cái chân gà được không ạ?"

Dù có mấy chị không biết Lan Hà nhưng trông anh đẹp trai, mắt trong veo, lúc cười còn có má lúm đồng điếu làm người ta vô thức mềm lòng.

"Mua gì mà mua, nhà chị làm cả một bát to, kho còn nhiều hơn đây, đợi chị lấy cho cậu mấy miếng..." Tức thì có người lau tay đi lấy món chân gà bí quyết.

Lan Hà bám gót định trả tiền thì mấy chị đã hỏi tình hình về anh loạn hết cả lên: Mấy tuổi rồi, chắc cậu là diễn viên nhỉ, đóng bộ nào rồi, có bạn gái chưa...

Trình Hải Đông than thở, quả nhiên sau khi các chị gái gặp Lan Hà là chắc cú sẽ mở cửa lòng chỉ trong vòng ba phút.

Lan Hà chẳng để ý mấy câu hỏi này lắm, chỉ nhìn chằm chằm chân gà.

Cái bát sứ đựng chân gà thoạt trông đã lâu năm rồi, chân gà bị cắt thành hai nửa, kho thành màu trong suốt, đỏ phơn phớt trông ngon miệng. Hành gừng, ớt khô, rau thơm tô điểm món kho đậm màu hơn, mùi mằn mặn và tươi ngon thơm ngào ngạt phả vào mặt.

Có một bàn tay bỗng cầm cái cổ tay đương duỗi về phía chân gà của Lan Hà, chị nhặt rau cười mỉm ra chiều bí ẩn: "Chàng trai à, tối nay hai đứa phải cẩn thận đấy. Viện cách vách là nơi ngày xưa ông Tống vừa chết ở."

Cái điếu thuốc Trình Hải Đông ngậm trong miệng nhất thời mất hẳn mùi thơm, bèn chửi "Đậu má", chị ơi chị huỵch toẹt thế này có hơi quá rồi đó, "Sao thôn các chị vẫn cho bọn tôi thuê cái nhà kia vậy? Ông cụ sống ở phòng nào?"

"Con trai ông Tống cho thuê đó chứ, là cái phòng phía Đông."

"Đừng dọa hai đứa nó, đám thanh niên thời nay không tin mấy thứ đó nữa đâu. Vả lại hai ngày trước cái nhà đó đã chuyển đi rồi, ông ta chết trong nhà con trai mình cơ."

"Ban đầu bọn chị cũng chả tiện nói... Thôn quyết định thế rồi..."

Các chị mồm năm miệng bảy giải thích dù đó là nơi người chết đã ở nhưng không phải nơi tắt thở, chỉ là đằng nào cũng là nơi ở lúc còn sống, mới chết chưa được bao lâu.

Căn phòng phía Đông chính là căn phòng Trình Hải Đông ở, có khi trong đống đồ dùng sinh hoạt trong phòng vẫn còn đồ mà ông cụ từng dùng cũng nên... Anh ta bất giác cắn đầu lọc, nhìn Lan Hà thì chỉ thấy Lan Hà vẫn nhìn chân gà trân trân, "Này? Chú vẫn còn có chứ?"

"Đây." Lan Hà chẳng nỡ dời mắt đi, "Anh tìm hậu cần đoàn phim xem có phòng khác không, không thì em đổi phòng với anh."

Giọng điệu anh rất ung dung, Trình Hải Đông nhất thời nghĩ mình chỉ sợ bóng sợ gió quá thôi, bị các chị dọa. Song ngẫm lại, anh ta vẫn thấy không hay lắm bèn đi tìm hậu cần đoàn phim đổi phòng, tiếc là bây giờ người ta đang bận tối mắt tối mũi, cứ ậm ừ cho qua chuyện.

Lan Hà nói là làm, anh đổi phòng ngủ với Trình Hải Đông. Trình Hải Đông càng thấy ngại hơn, chiều cao cân nặng của anh ta thuộc dạng 1m8, làm gì mà mảnh mai bằng Lan Hà, "Không hay đâu..."

"Hắt xì!" Lan Hà lại nhảy mũi, "Không sao, đổi đi."

Người ta hay bảo thấy lạ thì đừng sợ quá, tự nó sẽ biến mất thôi. Lan Hà như thế trông còn gan dạ hơn cả anh ta, Trình Hải Đông xấu hổ bắt chước fan từng đi tham ban: "Cảm ơn anh nha, anh bị cảm hả? Chú ý sức khỏe nhé!"

...

Trình Hải Đông chuyển sang căn phòng của Lan Hà. Đây vốn không phải phòng ngủ, mà cũng chẳng biết ban đầu dùng để làm gì mà đặt khá nhiều lá trà. Đó toàn là trà tự tay trồng, không ít người thôn Nhạn Đường trồng trà.

Vì phòng cho đoàn phim thuê nên có đặt một cái giường lò xo giản dị, nhưng đối với người đi theo đoàn riết quen như anh ta thì chẳng kén chọn lắm.

Nếu phải nói có chỗ nào bất tiện thì đó là muốn đi vệ sinh ở cái nhà cũ này là phải ra khỏi phòng.

Buổi đêm ở thôn chẳng có nổi ánh sáng, trong sân chỉ có ánh đèn màu vàng nhập nhèm trơ trọi, người ở viện khác không biết đã ngủ như chết chưa mà xung quanh anh ta gần như im phăng phắc. Thế nhưng Trình Hải Đông lại loáng thoáng nghe được tiếng trống nhạc bay tới từ phương xa.

Là nhạc tang ở linh đường, ngoài ra không còn âm thanh nào khác.

Trình Hải Đông nổi da gà, tự an ủi là mình không thể tưởng tượng rồi tự hù chết thế được. Anh ta bèn quay đầu nhìn sang phòng Lan Hà hãy còn sáng đèn, chợt thấy yên tâm hơn, vội đi vệ sinh xong rồi về, bò lên giường.

Ngủ thôi ngủ thôi, mai còn phải dậy vất vả làm việc nữa.

Đương lúc Trình Hải Đông nửa mê nửa tỉnh thì thấy người mình lành lạnh, tay sờ soạng toan tìm điều khiển điều hòa chỉnh nhiệt độ lên cao hơn. Bỗng dưng anh ta nghe thấy tiếng ho khan hơi gắng sức của người già, còn cả tiếng thở hổn hển như sắp đứt hơi vậy, "Khụ! Khụ khụ!"

Anh ta choàng tỉnh, ngặt nỗi mắt vẫn chưa mở, chỉ cảm thấy mặt mình lám nhám. Có khi cái âm thanh nghe đâu đó là do anh ta nằm mơ hoặc do cách âm không tốt, có người dân trong thôn đi ngang qua mà thôi.

Song, Trình Hải Đông nghĩ, căn phòng này làm gì có điều hòa, cùng lắm là ban ngày phòng mát mẻ chứ đâu có lạnh đến thế, dưới người quả là lạnh thấu xương, càng lúc càng lạnh.

Dù đang nhắm mắt mà anh ta vẫn vô cớ thấy tối tăm và áp lực, cứ như trên đầu có thứ gì đó đang đè xuống.

Cách. Đây là tiếng bộ đồ trà. Róc rách. Tiếng rót trà. Cót két. Ghế trúc bị ngồi xuống gây ra tiếng động.

Âm thanh như gần trong gang tấc, rõ ràng đó là những tiếng động hết sức đời thường mà lại khiến người ta hoảng sợ. Anh ta muốn nhổm dậy kêu cứu, song người nặng trịch không dậy nổi, trong đầu đã hoàn hoàn quên mất tên của những người trong đoàn phim là gì... Có nghĩ thế nào cũng không ra, cũng không gọi được một chữ nào.

"Cốc cốc."

Cửa đột nhiên bị gõ.

Cả thế giới sáng bừng lên, Trình Hải Đông như bất thình lình lên bờ, ngũ quan bỗng thư thái hẳn, mở mắt ra, thật sự tỉnh lại.

Anh ta chỉ cảm thấy ngực đã ướt đẫm, bên tai chỉ nghe mỗi tiếng trái tim đập thình thịch, lòng toàn dòng suy nghĩ kinh khủng.

Ban nãy...

"Anh Trình?"

Là giọng Lan Hà.

Trình Hải Đông vận động cái tảng thịt 90 kg của mình trườn xuống giường đi mở cửa, lúc trông thấy Lan Hà đã rất muốn khóc, "Chú em à, căn phòng này rất..."

Rất quái dị!

Nhưng anh ta không dám nói hai chữ đó ra khỏi miệng. Người ta bảo ban đêm không nên nói mấy từ này một cách tùy tiện. Qua chuyện vừa rồi, anh ta sợ là mình đã chọc phải thứ gì đó.

Trước đây từng nghe nơi nồi chỗ kha khá câu chuyện, nhưng đây vẫn là lần đầu tiên tự mình kinh qua.

Cái trạng thái có làm cách nào cũng không tỉnh dậy được không giống gặp ác mộng bình thường làm anh ta nghĩ đến bóng đè trong truyền thuyết, dù rằng anh ta không ngủ trong căn phòng ông cụ kia ở.

Gượm đã, người ta bảo người già khó ngủ, ông cụ không thích lên giường ngủ nên sang phòng cách vách uống trà?

... Đúng là bất tiện, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! Sao mình lại đổi sang phòng này nhỉ!

"Anh gặp ác mộng à? Em nghe tiếng anh nói mớ to lắm." Lan Hà hỏi, "Anh muốn sang phòng em ngủ không?"

"Không!" Lỡ ông cụ uống trà no rồi lại muốn về phòng ngủ thì làm sao?

"Chú cũng đừng ở phòng đó nữa, tìm đại một người qua ngủ cùng đi. Thật đấy, ban nãy anh... Cậu hiểu chứ?" Mặt Trình Hải Đông trắng bệch, anh ta chỉ đứng ở cửa thôi mà vẫn hoảng, "Anh đi tìm anh Trần ngủ cùng."

Anh Trần là một người quay phim khác trong đoàn phim của họ, cũng ở cùng một sân. Thời gian mọi người đi làm là như nhau, mà quan trọng hơn là ngày xưa anh Trần từng tập võ, anh ta nghe bảo người như thế có hỏa khí mạnh, không sợ mấy cái thứ ma quái này.

"Được, thế anh đi đi... Hắt xì!" Lan Hà lùi một bước ra sau.

"Chú phải cẩn thận đấy nhé, đừng để bị cảm." Trình Hải Đông nghĩ Lan Hà quả là can đảm, nhưng sao cứ có cảm giác Lan Hà không để lời mình vào tai vậy nhỉ, chắc là cũng chỉ xem như mình gặp ác mộng thôi. Trình Hải Đông rầu rĩ dặn xong thì đi gõ cửa phòng anh Trần, bị mắng mỏ chút ít là được vào phòng.

Lan Hà dời mắt khỏi anh ta, quạt tay trước mũi.

Hồi hãy còn rất nhỏ, ông nội từng dẫn anh đi dự một tang lễ của người bác ở xa. Anh từng hỏi ông nội liệu bác có về không. Thế là ông nội rỉ tai anh hay, rằng người chết đến "đầu thất" sẽ hiện hồn về, bác của cháu sẽ quay về gặp cháu.

Anh hỏi, lỡ cháu đang ngủ thì sao ạ, làm sao cháu biết là bác cháu có đến hay không.

Ông nội đáp, thế cháu cứ ngửi thôi, ngửi thấy mùi tro tức là bác cháu đã về.

*Chú thích: Trong phong tục tang lễ của người xưa, "đầu thất" là chỉ ngày thứ 7 sau khi người chết tạ thế. Mọi người đều tin rằng vào ngày "đầu thất", linh hồn người chết sẽ trở về nhà. Người nhà cần chuẩn bị một mâm cơm, sau đó trốn đi trước khi linh hồn người thân trở về (có thể trốn trong chăn, hoặc đi ngủ. Nếu hồn nhìn thấy người nhà sẽ tưởng nhớ không muốn rời đi, từ đó ảnh hưởng tới việc đầu thai. Lại có người nói vào giờ Tý của ngày "đầu thất" người nhà nên đốt một đồ vật có giống như hình cái thang để linh hồn có thể theo chiếc thang này lên trời.

*Nguyên văn của cờ phướn trong truyện là: 金银幡, tra ra ảnh này. Nếu ai có ý kiến gì thì giúp tôi với nhé TvT

chapter content


*Dú: Lại thêm một đứa debut, các cô dì chú bác nhớ để tâm đến con em nhé:*