Sau Khi Trở Thành Bạo Quân

Chương 105



Hoạ sĩ lang thang Gracq vừa cao vừa gầy bước vào, tất nhiên bây giờ nên gọi là ngài họa sĩ cung đình.

Cùng Charles đến thành Metzl, còn có ngài họa sĩ này.

Trước đó, anh đã được quốc vương đánh giá cao nhờ một bức tranh, tin anh được bổ nhiệm làm họa sĩ cung đình của Legrand nhanh chóng lan truyền, nhiều người không khỏi đố kỵ thốt lên: “Đúng là một tên may mắn”, nhiều họa sĩ vốn phục vụ cho các đại quý tộc ganh tị đến mức coi tranh của anh là nỗi ô uế của nghệ thuật.

Nhưng điều làm anh vui mừng, có nhiều người đã đến sảnh thị chính của Kossoya để chiêm ngưỡng những bức tranh của anh.

Charles không ngăn bọn họ, hệt như ông trời đền bù cho anh, anh đã từng nhận bao nhiêu chê cười công kích, bây giờ sẽ nhận bấy nhiêu khen ngợi —— thậm chí có không ít người, bắt đầu học tập cách vẽ mới của anh.

Không gì có thể làm anh vui hơn thế.

So với lần đầu tiên gặp quốc vương, ngài Gracq đã ở trong trạng thái tốt hơn —— chí ít là quần áo cũng sạch sẽ gọn gàng hơn nhiều.

Nhưng, quốc vương vẫn hơi ngạc nhiên khi thấy anh.

“Chẳng lẽ một Legrand lớn như chúng ta, ngay cả một họa sĩ cung đình cũng không nuôi nổi à?” Quốc vương kinh ngạc hỏi Charles.

Gracq vẫn lộ vẻ mệt mỏi như sắp đột tử bất cứ lúc nào, sắc mặt tái nhợt như ma cà rồng.

Charles cũng lộ vẻ kinh ngạc: “Gracq…?”

Gracq liên tục cúi đầu tỏ ý xin lỗi, anh vội giải thích mấy ngày nay anh có cảm hứng mới nên dù thế nào cũng phải vẽ cho xong bức tranh đó. Gần đây, trong nhà khách, anh đang làm chuyện này.

“Hãy để bọn ta chiêm ngưỡng kiệt tác của anh.” Quốc vương luôn khoan dung với thiên tài của mình —— hoặc là nói đám điên —— và dễ tha thứ cho anh chàng họa sĩ vì thiếu lễ phép.

Bức tranh sơn dầu thứ nhất được người hầu cẩn thận dựng lên, mặt Gracq lộ ra chút tự hào.

Bức tranh dài gần 2/3 chiều dài cả căn phòng.

Bức tranh này là bức “đêm dịch bệnh ở Kossoya” mà quốc vương ra lệnh cho anh vẽ.

Quốc vương lại xác nhận rằng Gracq đã định sẵn sẽ để lại nét bút thuộc về mình trong lịch sử nghệ thuật. Anh là một thiên tài, khỏi phải nghi ngờ gì nữa.

Chủ đề của bức tranh “đêm dịch bệnh” vốn tuyệt vọng, chán nản và buồn bã. Nhưng Gracq đã cho bức tranh này một màu sắc có thể gọi là cực kỳ táo bạo, rực rỡ.

Chủ đề của bức tranh là tàu tốc hành hải tặc Walway nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, những tên hải tặc với dải vải buộc trên đầu bước lên boong tàu, một tay cầm trường kiếm, tay kia cầm dây thừng. Ngọn lửa sáng ngời phun ra từ vòi kim loại hình rồng ở mũi tàu hải tặc, ngọn lửa quét qua biển sâu, chiếu rọi toàn bộ vùng biển trong một màu vàng rực rỡ.

Trước đây ánh vàng rực rỡ chỉ dành cho các thánh nhân, lần này lại được dát lên những tên hải tặc tự do phóng khoáng, họ hiên ngang và dũng cảm đứng trước mũi tàu, hệt như những bức tượng đồng được chạm khắc bởi thời gian. Trước mặt họ, tàu dịch bệnh trông thật tối tăm. Sau lưng họ là tường thành nguy nga dày nặng của Kossoya, dưới bức tường thành là các kỵ sĩ Tường Vi sừng sững phòng thủ kiên cố như tấm khiên.

Nếu như nói “quốc vương và thành phố của người” là ca khúc thuộc về chính quốc vương, ca ngợi về vua cũng không phải chưa từng xuất hiện trước đây. Nhưng “đêm dịch bệnh Kossoya” lại hoàn toàn phản lại, nhân vật chính của bức tranh là một nhân vật rất nhỏ bé.

Họ chỉ là những tên hải tặc, chỉ là những con người nhỏ bé.

Họ dùng chính máu thịt của mình chiến đấu với tàu dịch bệnh khủng khiếp để bảo vệ một thành phố cổ. Vậy nên họa sĩ đóng băng khoảnh khắc tuyệt vời nhất của họ, khoảnh khắc mà họ là anh hùng. Trước người anh hùng không biết sợ hãi, ngay cả dịch bệnh cũng trở thành vai phụ, từ đó người đời sẽ mãi nhớ rằng trong cơn đại họa đó, sức mạnh của nhân loại đã tạo thành bức tường kiên cố không thể phá vỡ.

Nhưng điều cảm động hơn là chi tiết trong đó.

Phải mất ba tháng để vẽ bức tranh này, mà trong quá trình vẽ bức tranh, Gracq đã lên tàu hải tặc.

Mệnh lệnh của quốc vương là “hãy để mọi người nhớ rõ họ.”

Ban đầu ý định của cậu là để mọi người nhớ lại đêm đó, ai ngờ sự bướng bỉnh và kiên trì của Gracq đã vượt quá ngoài sức tưởng tượng của quốc vương và Charles. Từ Charles và Hawkins mà anh biết hết những người tham gia trận chiến đêm hôm đó, ghi vào cuốn sổ nhỏ của mình. Sau đó anh cùng ăn ở với bọn hải tặc khoảng hơn một tháng, qua lời kể của hải tặc mới dần biết được tính cách cũng như ngoại hình đặc trưng của đồng bọn đã hy sinh trong trận chiến đó.

Đoạn thời gian đó, hầu như ngày nào hải tặc Walway cũng khoa tay múa chân với Gracq:

“Phải, phải, phải, Tom, nhóc đó có một sẹo ở đây.”

“Tên đó lùn hơn ta xíu.”

“Trời ơi tức quá! Thằng đó còn nợ ta ba đồng vàng, sao anh không thêm nốt ruồi cho nó… Thôi, bỏ đi, thằng đó còn xấu hơn ta, thêm vào càng xấu tệ hơn.”



Một chuyện khiến người ta dở khóc dở cười:

Một tháng sau, Gracq vốn chỉ tới thu thập tài liệu, tự nhiên xin trở thành thành viên của hải tặc Walway. Mà khi hải tặc Walway bỏ phiếu một cách dân chủ, thì gần như toàn bộ phiếu đã được thông qua —— chỉ còn lại phiếu của thuyền trưởng Hawkins. Vì Gracq từ chối vết sẹo xéo mang tính biểu tượng trên mặt.

Khi nghe thấy tiếng reo hò của đám hải tặc, Charles vừa buồn cười vừa bất lực tự hỏi, có phải lúc nào bọn hải tặc Walway cũng luôn chiêu mộ được những thành viên kỳ quái hay không?

Sau khi bỏ nhiều công sức như vậy, bức tranh của Gracq, sở hữu một thứ hiếm có.

Đó là tình cảm nồng nàn ẩn chứa trong chiến tranh.

Mỗi tên hải tặc đều được miêu tả sống động như thật, hoặc ném dây thừng, hoặc ném trường thương… Họ ngầm hiểu nhau, dựa lưng vào nhau, nhìn kỹ còn nghe thấy được tiếng họ gọi nhau, trong khói lửa chiến tranh, họ mới là anh em thực sự.

Vào ngày bức tranh vẽ xong, bọn hải tặc Walway một đám trai tráng thô lỗ len lén nhìn nó với đôi mắt đỏ hoe.

Dưới sự dũng cảm và chiến tranh, thứ lắng đọng chính là nỗi buồn cũng là nỗi nhớ, là tất cả cảm xúc đẹp đẽ.

Đây là điều mà quốc vương muốn.

Nó hoàn toàn thoát khỏi việc thờ cúng thần linh và tượng thần, đồng thời ca ngợi những niềm vui, nỗi buồn của người phàm.

“Ta rất vui khi phòng trưng bày của cung điện Tường Vi đã chào đón đồ triển lãm tuyệt vời nhất của nó.” Mười ngón tay của quốc vương chạm nhau, nhìn chằm chằm bức tranh, mỉm cười hỏi Gracq: “Ngài muốn phần thưởng gì? Trưởng họa sĩ cung đình của ta.”

Từ một họa sĩ cung đình bình thường trở thành một trưởng họa sĩ cung đình, Gracq vừa mừng vừa lo cúi đầu tỏ ý cảm ơn. Sau khi nghe câu hỏi của quốc vương, anh lại cúi đầu: “Thưa bệ hạ, ngài đã ban cho thần nhiều thứ lắm rồi. Thật ra, thần muốn bệ hạ nhận một món quà từ thần… Đó là những gì thần có thể dùng để bày tỏ lòng biết ơn, cũng chỉ có nó.”

Người hầu mang bức tranh thứ hai vào.

Khi Charles thấy bức tranh, không khỏi lộ ra nụ cười: “Cậu Gracq, cậu tiếp xúc với nhà thiết kế của bọn ta nhiều lắm phải không?”

Bức tranh thứ hai vẽ chính là cảnh đại giáo chủ thánh đường Wies bị chặt đầu thị chúng tại đường phố Metzl.

Trên hình vẽ, tên đao phủ giơ cao đầu của đại giáo chủ thánh đường Wies để cho mọi người xem. Thiết kỵ Tường Vi võ trang đầy đủ ngay ngắn uy nghiêm, đám người sắc mặt khác nhau, ánh nắng chói chang từ trên rơi xuống con dao thép đẫm máu của đao phủ, ánh sáng lạnh lẽo và máu tươi tương phản rõ rệt

Quốc vương cũng không nhịn được cười: “Ngài đang tự vẽ cho mình một giàn thiêu đấy.”

Vậy mà Gracq trả lời rất ung dung.

Trước khi anh mai danh ẩn tích thì đã bị kết án tử hình vì nói rằng “Hội họa là nghệ thuật để thể hiện cảm xúc và suy nghĩ, không nên chỉ giới hạn trong các chủ đề tôn giáo”. Bây giờ, anh vẽ bức tranh có thể gọi là khiêu khích Thánh Đình, lấy được một giàn thiêu cho mình bằng chính thực lực.

Nếu dựa theo tiêu chuẩn của viện khoa học tâm thần, thế mà một người đến sau như anh lại còn vượt luôn cả những tên điên khác, trở thành người đầu tiên nhận được hai giàn thiêu…

Cũng không biết, đám điên của viện khoa học tâm thần sẽ phản ứng thế nào sau khi biết chuyện này.

“Thần nghĩ, có lẽ nó sẽ có chút tác dụng với ngài.”

Gracq nhìn quốc vương, nói một cách chân thành.

Anh mê hội họa cũng không có gì sai, nhưng “kinh đô nghệ thuật” Will nơi anh ở cách rất gần Thánh Đình, vậy nên anh cũng quen thuộc hoàn cảnh của Thánh Đình.

Gần đây quốc vương thực hiện một động thái lớn đến nỗi mọi người đều biết cuộc xung đột gay gắt đang nổ ra giữa Legrand và Thánh Đình. Gracq không phải cha xứ, cũng chẳng phải cũng chẳng phải binh lính, anh không có khả năng nào khác ngoài việc giúp quốc vương trong cuộc chiến này.

Nói ra có lẽ hơi buồn cười, nhưng quả thật Gracq cảm thấy mình có nghĩa vụ làm vậy.

Hệt như kỵ sĩ thời xưa sẵn sàng chết để tôn vinh quốc vương của mình, anh sẵn sàng vẽ cho quốc vương một bức tranh tương đương với giàn thiêu khác.

Đó là cách duy nhất anh có thể báo đáp bệ hạ.

Quốc vương ra lệnh cho tổng quản nội vụ đưa bức tranh đến phòng triển lãm của Học viện Hoàng gia, trịnh trọng nhận cái cảm ơn này của Gracq.

“Hơn nữa, thưa bệ hạ.” Gracq đột nhiên lộ ra vẻ mặt có hơi mất tự nhiên và căng thẳng: “Thần có thể yêu cầu ngài một chuyện không?”

“Mời nói.”

“Thần có vài người bạn.. Thần nghĩ họ có thể giúp ngài. Họ trốn thoát khỏi Thánh Đình từ bên kia eo biển, ngài có thể…” Anh nói đến đây có hơi lắp bắp: “Họ rất sẵn lòng dốc sức phục vụ cho ngài!”

Hiện tại bờ biển Đông Nam phong tỏa vô cùng chặt chẽ. Tuy anh đã trở thành một thành viên của hải tặc Walway, nhưng anh chưa bao giờ đưa ra yêu cầu này trước mặt Charles và thuyền trưởng Hawkins.

Vì anh tận mắt chứng kiến hải tặc Walway đã phải trả giá như thế nào để cố giữ phong tỏa.

Họ đã cẩn thận thực hiện mệnh lệnh của quốc vương, xin họ nể tình riêng mà làm trái lệnh chính là sự sỉ nhục với họ.

Người duy nhất có thể đưa ra quyết định, chỉ có quốc vương.

“Họ là loại người nào?”

Quốc vương hỏi, vẻ mặt do dự của Gracq khiến cậu cảm thấy những “người bạn” này có lẽ không phải hạng người “tầm thường”.

“Mấy…” Gracq cắn răng: “Nhà chiêm tinh.”