Say Mộng Giang Sơn

Chương 1: Người trong chốn đào nguyên



Có một sơn cốc vô danh nằm cách Thiệu Châu vùng Lĩnh Nam hai mươi dặm về phía đông bắc, bao quanh sơn cốc bốn bề toàn là núi, ngay cả lối ra vào chật hẹp duy nhất ở trước sơn cốc cũng có một quả núi thấp chắn ngang, phải trèo qua mới giật mình phát hiện ra một thế giới thần tiên ở bên trong.

Năm Hàm Hanh thứ ba thời Đại Đường, có mười một hộ gia đình tổng cộng hơn trăm người đột nhiên được quan phủ sai đến sơn cốc bí mật này khai hoang, phát cỏ đốn rừng dựng nhà, trong vòng mấy ngày dựng lên một thôn trang nhỏ đặt tên là thôn Đào Nguyên.

Bởi vì địa thế bí mật của thôn Đào Nguyên, người trong thôn ít qua lại tiếp xúc với người dân miền núi xung quanh. Cư dân trong thôn đa phần là người nho nhã lịch sự, hiểu biết lễ nghĩa. Tuy rằng họ cũng chân lấm tay bùn cày cấy, gieo trồng, canh cửi, nhưng vẫn thường nghe tiếng ê a đọc sách, đôi khi còn có tiếng đàn, tiếng sáo vang ra từ trong thôn.

Lúc đầu người dân miền núi xung quanh cảm thấy kỳ lạ, thường xì xào bàn tán với nhau, nhưng lâu ngày họ không thấy gì kỳ quái nữa.

o0o

Mười một năm sau. Vào một ngày cuối xuân năm Vĩnh Thuần thứ hai thời Đại Đường.

Cây cối xum xuê tươi tốt phủ lên sơn cốc một màu xanh ngắt, vài cây táo chua nằm rải rác lẫn trong vài mảnh ruộng trên sườn núi. Trong cốc hơn mười căn nhà với hàng rào trúc bao quanh nằm đan xen vào nhau, mái nhà lợp gỗ thô thấp thoáng ẩn hiện trong rừng cây xanh biếc tạo nên khung cảnh đẹp như vẽ như thơ.

Một thiếu nữ đeo giỏ trúc sau lưng dẫn theo một cậu bé trông có vẻ bướng bỉnh khoảng mười tuổi đang đi về phía sườn núi thấp ngoài cửa cốc. Thiếu nữ mặc một bộ quần áo gọn gàng của dân miền núi, cái áo ngắn màu xanh biếc, quần dài màu hồng cánh sen, khuôn mặt nàng cháy nắng với gò má ửng hồng của người làm việc đồng áng, nhưng lạ là toàn bộ người nàng toát ra một khí chất đặc thù mà một sơn nữ bình thường không thể có được.

Thiếu nữ khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Nàng đang ở độ tuổi chớm nở xuân thì với vóc người thon thả, khỏe mạnh, vòng eo nhỏ gọn, dáng đi giống như ngọn trúc xanh mềm mại đong đưa theo gió. Đôi mắt nàng sáng ngời, mũi thẳng như dọc dừa, miệng nhỏ nhắn với đôi môi mọng đỏ hơi trề ra, khuôn mặt thật thanh tú xinh đẹp.

Đi bên cạnh thiếu nữ là một cậu bé tám chín tuổi trông có vẻ ương bướng, hình như là em trai của nàng. Cậu bé mặc dù có nước da ngăm đen như những đứa bé sống trong vùng núi rừng hoang dã khác, nhưng cậu bé lại không có vóc người khỏe mạnh chắc chắn như chúng. Nhìn kỹ lại, thân thể của cậu bé đơn bạc hơn rất nhiều, khuôn mặt trái xoan có bảy tám phần giống như chị, lông mày cao và sắc thanh tú, đôi mắt thật to, cái cằm kiên nghị.

Cô gái tên là Nguyệt Dung, cậu bé bên cạnh là em ruột của nàng, tên gọi thân mật ở nhà là A Sửu. A Sửu năm nay vừa đúng chín tuổi, cậu bé hoạt bát hiếu động từ tấm bé nên thật khó trông nom coi chừng, cậu leo trèo nghịch ngợm như khỉ như vượn, cây cổ thụ cao vài chục trượng không nhằm nhò gì với cậu, đám trẻ trong thôn tôn cậu làm đệ nhất cao thủ trèo cây leo núi.

Người xưa có câu "bơi giỏi cho lắm cũng có lúc chết chìm, cưỡi ngựa hay bao nhiêu cũng có lúc té ngựa" quả thật đúng. Ba tháng trước A Sửu trèo lên một cây cổ thụ tìm trứng chim bị té từ trên cao năm sáu trượng xuống đất, mặc dù có những nhánh cây cản lại, hơn nữa mặt đất rất xốp mềm, tuy không bị bể đầu sứt trán nhưng A Sửu cũng bị gãy một chân.

Cậu bé như hòn ngọc quý trong nhà, chuyện cậu bị té làm cha mẹ cậu kinh hãi quá mức. Là chị cả lại trông nom em không cẩn thận, Nguyệt Dung bị cha mẹ đánh cho một trận. A Sửu bị bắt ở trong nhà dưỡng thương hơn ba tháng, gần đây thân thể dần dần khỏe lại, đi tới đi lui tuy không có vấn đề nhưng cha mẹ cậu vẫn cấm ngặt không cho ra khỏi nhà.

Hôm nay Nguyệt Dung lên núi hái rau dại, thấy em trai từ lúc gãy chân bị cấm rịt ở trong nhà, tù túng ủ rũ kém vui, tính tình so với lúc trước khác xa một trời một vực, nàng lo lắng nếu em rầu rĩ mãi sẽ có ảnh hưởng xấu, do vậy liền năn nỉ xin phép cha mẹ dẫn em ra ngoài cho bớt buồn. Cha mẹ nàng mãi mới đáp ứng với điều kiện A Sửu không được rời khỏi nàng nửa bước.

Trong một căn nhà có hàng rào trúc bao quanh, một thiếu nữ lớn hơn Nguyệt Dung khoảng hai ba tuổi đang ngồi thêu thùa, trông thấy hai chị em đi tới liền cười chào:

- Nguyệt Dung muội, tiểu A Sửu, hai đứa lên núi à?

- Dạ, muội dẫn tiểu đệ lên núi hái nấm và một chút rau, Tú Tú tỷ đang chuẩn bị đồ cưới phải không?

- Nói bậy gì đó, ta đang thêu thùa bậy bạ cho vui thôi.

Tú Tú mặt đỏ lựng giấu vội cái khăn đang thêu gì đó ra sau lưng, Nguyệt Dung được một trận cười nắc nẻ.

Một cụ già ngồi đánh cờ dưới gốc cây du cách đó không xa nghe tiếng cười nhìn sang, cao giọng cười nói:

- Tiểu A Sửu, chân cháu lành rồi à, ha ha, từ nay về sau đừng nghịch ngợm phá phách như vậy nữa nghe không.

Nguyệt Dung lễ phép chào hỏi:

- Cháu chào Cừu bá bá, Phương bá bá.

Một cụ khác ở bên kia bàn cờ muốn đánh bàn cờ cho nhanh nên mặt mày nhăn nhó thúc giục, cụ già vừa chào hai chị em Nguyệt Dung lúc này mới vuốt chòm râu quay lại.

Được xưng làm đệ nhất cao thủ leo núi trèo cây lại bị cụ già vừa rồi nhắc khéo, mặt mày A Sửu cau có tức tối, cậu nhóc tức giận co chân sút một cục đá nhỏ, chẳng may cục đá bay đập trúng một con ngỗng trắng lớn.

Chị ngỗng nhà ta đang ngẩng đầu ưỡn ngực, dáng dấp phảng phất giống như một vị đại tướng quân kiểm binh trước tam quân, uy phong lẫm lẫm nện bước chân trên con đường mòn đi tới, đột nhiên bị cục đá đập một phát, không khỏi giận tím mặt lập tức giương cánh vươn cổ kêu quang quác nhắm hướng A Sửu xông tới.

- A Sửu, em lại phá phách!

Nguyệt Dung vừa mắng vừa kéo em bỏ chạy. Chị ngỗng nhà ta nhất định không chịu buông tha cho hai chị em, vỗ hai cánh, cổ vươn dài đuổi theo ở đằng sau. Một cậu bé chăn dê ở trong lùm cỏ trông thấy cảnh này chịu không nổi cười bò lăn bò càng.

- Ái da! Chị, chân của em vẫn còn đau.

A Sửu ba chân bốn cẳng chạy ở đằng trước kêu đau, Nguyệt Dung tức giận mắng:

- Tiểu tử thúi, con ngỗng tướng quân nhà Lưu thẩm là con hung dữ nhất, khi không em đi trêu chọc nó.

Nói xong nàng cởi giỏ trúc ngồi chồm hổm xuống rồi ra lệnh:

- Leo lên, chị cõng em.

A Sửu từ chối:

- Không cần, em lớn rồi, nặng lắm, lưng chị chịu không nổi đâu.

- Thôi đi cậu nhóc, lông măng còn chưa rụng mà lớn nỗi gì, hồi nhỏ không phải chị vẫn cõng em trên lưng trèo vượt qua dãy núi lớn sao.

Nguyệt Dung phản bác lại, sau đó đỡ em lên lưng, cầm lấy giỏ trúc rồi chạy lên núi. Con ngỗng trắng vẫn kêu quang quác kiên trì ra sức đuổi theo.

Ở trên lưng bằng phẳng mềm mại có lấm chút mồ hôi nhưng hương vị rất dễ chịu của chị, A Sửu giãy giụa hai ba lần, nhưng lại bị chị vỗ vào mông một cái nên đành ngồi yên.

Con ngỗng tướng quân sau một hồi rượt đuổi rốt cục khải hoàn quay về, kiêu hãnh bước trở lại thôn. Khi không thấy con ngỗng đuổi theo nữa, Nguyệt Dung lúc này mới chạy chậm lại, miệng thở hồng hộc nhưng vẫn không thả em xuống.

- A Sửu, một hồi lên tới trên em đừng chạy loạn để cha mẹ miễn phải lo lắng cho em. Chị hái chút rau rồi cõng em về. Mẹ ở nhà hầm xương nấu súp cho em, em ăn vào nhân lúc còn nóng cho chân chóng khỏi. Em không phải thích ăn rau muối tương nhất sao, một chốc chị hái ít rau rồi trở về nấu cho em ăn.

- ... rau muối tương phải dùng mỡ chiên sơ qua.

- Được rồi, nghe lời A Sửu, chiên sơ qua.

- Hơn nữa phải thả một cái trứng gà vào.

Nguyệt Dung cười khanh khách:

- Xong luôn, bỏ vào một cái trứng gà, em đúng là một tên chết thèm.

Hai chị em bò lên trên ngọn núi thấp, Nguyệt Dung thả A Sửu xuống:

- Em ngồi yên ở đây, chị đi hái... a!

Nguyệt Dung nhìn ra phía ngoài cốc giật mình thốt:

- Sao có nhiều quan binh tới đây vậy trời?

A Sửu nghe vậy lật đật đứng lên ngó ra phía trước. Đứng trong đám cỏ dại, đám đậu tía cao hơn đầu người, cậu bé thấp quá nên phải kiễng chân ngóng nhìn ra ngoài. Trước sơn cốc có một đám quân lính tập trung ở đó. Đây là quân lính Đại Đường, đám binh lính mặc áo giáp, cưỡi chiến mã, lưng đeo túi tên, cung khoác chéo vai, tay cầm ngang thanh đao.

Hơn ban trăm người cộng thêm ba trăm thớt ngựa chỉnh tề đứng đó, lặng ngắt không một tiếng động.

Lính thì mặc áo giáp, còn tướng khoác bào. Có hai con ngựa ở phía trước đám quân lính, trên một trong hai con ngựa có một viên tướng mặc giáp khoác trường bào trên vẽ hoa văn hình hổ và sư tử, còn trên con ngựa kia là một tên quan văn mặc áo bào màu xanh. Tên quan văn ghìm ngựa quay đầu lại nói với đám quân lính điều gì đó, chỉ thấy cả đám đều rút đao khỏi vỏ, ánh mặt trời phản chiếu trên lưỡi đao lấp lóa lạnh người.

A Sửu hơi thắc mắc, hồi trước khi đến thành Thiệu Châu với cha, cậu bé đã từng nhìn thấy đám quân lính ở đó, chỉ có dăm ba tên lính già đứng đứng gác trên tường thành, nào có loại lính đằng đằng sát khí như ở đây, hơn nữa quần áo của bọn chúng cũng không thật sự giống nhau.

- Chị, đây là quan binh ở đâu vậy? Bọn chúng đang định làm gì?

- Không xong rồi!

Nguyệt Dung tuy không biết rõ ý đồ của đám quan binh kia, nhưng nàng cảm thấy nguy hiểm. Nàng căn dặn em:

- Chị sợ đám lính này sẽ gây bất lợi cho chúng ta, A Sửu, em đi lại không tiện, trốn tạm ở đây để chị về thôn báo tin, bất kể chuyện gì xảy ra em nhất định không được xuất hiện, biết không!

Nguyệt Dung giấu A Sửu vào trong bụi cỏ, đeo giỏ trúc lên rồi chạy đi, vừa chạy được vài bước vội lộn ngược trở lại, thuận tay kéo ít cỏ dại che trên người em.

Đây là giang sơn Đại Đường, là con dân Đại Đường, quân lính Đại Đường tại sao phải gây hại cho dân chúng ở đây? Người trong thôn cũng không phải sơn tặc hay thổ phỉ. Trăm mối tơ vò không có câu trả lời, A Sửu đành theo lời chị dặn dò ngồi chồm hổm ở đằng kia không dám động đậy.

Gót sắt của ngựa đạp đá vụn trong khe núi bay loạn xạ, hai con tuấn mã dẫn đầu phóng lên sườn núi thấp. Từ chỗ ẩn mình A Sửu chỉ có thể nhìn thấy thớt ngựa đen của tên quan văn áo bào xanh, viên võ tướng ở bên cạnh bị tên quan văn che khuất, A Sửu chỉ có thể nhìn thấy áo bào đỏ tươi của y thỉnh thoảng gió núi thổi bay lên.

Nguyệt Dung chạy về thôn vừa vẫy cái khăn cột tóc màu xanh vừa la:

- Cha! Mẹ! có quân lính tới đây, có quân lính tới đây!

- Giết! Giết sạch! Một tên cũng không tha!

Tiếng ra lệnh lạnh lùng làm người không rét mà run vang lên bên tai A Sửu, cậu bé dời ánh mắt đang dõi nhìn theo chị sang bên cạnh, người phát ra mệnh lệnh chính là tên quan văn đang ngồi thẳng tắp trên lưng ngựa. Gã có dáng người cao cao, gầy nhom, khuôn mặt hẹp dài như mặt ngựa, mắt lõm vào, mũi dài nhọn cong quặp xuống như mỏ chim ưng, nhìn quả đáng sợ.

Sau khi ra lệnh cho đám binh sĩ ở đàng sau, gã quan văn vô tình quay đầu sang một bên, cả khuôn mặt lọt vào tầm mắt của A Sửu. A Sửu có thể thấy rõ mồn một khuôn mặt của gã, mũi quặp như mỏ chim ưng, hai đường nếp nhăn sâu hoắm như vết dao cắt từ hai cánh mũi kéo dài xuống miệng bao lấy đôi môi mỏng, thanh âm đằng đằng sát khí đúng là từ miệng gã phát ra.

Người đi cùng ở bên cạnh gã, viên tướng quân mặc chiến bào có hình sư tử và hổ chậm rãi rút đao ra khỏi vỏ, thân đao cọ vào vỏ phát ra tiếng ma sát rợn tóc gáy. A Sửu nghe thấy khắp người nổi da gà lúc nào không hay. Viên tướng quân giơ cao thanh đao phóng ngựa về phía trước quát gọn:

- Giết!

Vó ngựa phóng như bay xuống dưới.

A Sửu thấy chị đang chạy thục mạng ở trên đường mòn, hắn nhảy dựng lên, cả người giống như con nai cái chạy nhảy giữa rừng núi. Viên tướng quân thúc ngựa chạy như bay, nhìn y giống như tay thợ săn đang ra sức đuổi theo con mồi. Chiến mã phi như bay chẳng mấy chốc đuổi kịp Nguyệt Dung, trong bụng A Sửu phập phồng lo sợ.

- Phụp!

Đao giơ lên, chém xuống như chớp, máu đổ.

- Mẹ, có quân lính...

Tiếng la của Nguyệt Dung ngưng bặt, ánh đao lướt qua, máu bắn tung tóe như mưa sa, một vầng trăng rụng rơi.

Viên tướng quân vung thanh đao nhuốm máu phóng qua người nàng. Ngay sau đó, vô số chiến mã giày xéo lên thân thể mềm mại của người thôn nữ, tranh nhau tiến vào thôn nhỏ.

- Chị...!

A Sửu mắt tối sầm, tức thì té xuống bất tỉnh nhân sự.

Mấy trăm tên quân lính từ đường mòn trên núi phóng nhanh xuống, tiếng ngựa phi, tiếng đá vụn bay rầm rầm làm át đi tiếng thét thảm thiết nghẹn ngào của cậu bé.

Tên quan văn dừng ngựa trên triền núi, lạnh lùng nhìn chăm chăm vào thôn trang ở trong cốc, khóe miệng nhếch nở một nụ cười ác nghiệt, gã vung roi chỉ về phía trước lặp lại mệnh lệnh:

- Giết! Giết sạch! Một mống cũng không tha!

o0o

Ngày hôm sau, trước cửa phủ thành Thiệu Châu có dán một bảng cáo thị, tuyên bố một cơn đại ôn dịch phát sinh ở thôn Đào Nguyên giết chết toàn bộ dân trong thôn, để đề phòng nạn ôn dịch lây lan, quan phủ ra lệnh thiêu rụi toàn bộ thôn trang, đồng thời cũng nghiêm cấm dân chúng khắp nơi không được xâm nhập vào thôn phòng nhiễm phải ôn dịch. Thôn Đào Nguyên ly kỳ xuất hiện cũng ly kỳ biến mất.

Kể từ đó không một ai dám tiến vào sơn cốc này.

Sau đó vài năm, cũng không còn ai nhớ tới một cái thôn mang tên Đào Nguyên, mọi người chỉ nhớ được cách thành Thiệu Châu hai mươi dặm về phía đông bắc có một sơn cốc của ôn thần, người ta biết sự tồn tại của nó nhưng không biết tên nó là gì...

Chú thích của tác giả:

Xin được nói rõ một chút. Trước khi viết truyện này, Quan Quan nghiên cứu rất nhiều tư liệu lịch sử và phát hiện một số điều không thể nghiêm ngặt chiếu theo lịch sử thời đó mà viết lại y như vậy, vì làm như thế, nếu ai đọc không quen sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Ví dụ như lúc ấy cha được gọi là anh, ngôi thứ hai không có ngươi/anh, cũng không có cách xưng hô trang trọng như ngài mà gọi là mày, anh kia, ngôi thứ ba gọi là kia, ấy. Vẫn có chuyện người nữ thường dùng một chữ tự xưng là "nhi" (trẻ con), tương đương người nam tự xưng là "mỗ" (một người một vật có tên nhưng không nói ra); gọi quan viên phải gọi tên dòng họ với quan chức, đại nhân chỉ dùng để gọi người lớn thân thiết trong nhà; tiểu thư con nhà giàu sang được gọi là nương tử, gặp người con gái xa lạ trên đường cũng gọi là nương tử, vợ mình cũng gọi là nương tử; những chuyện như thế, nếu dùng y như thời xưa sẽ rất mất tự nhiên, cho nên đổi thành cách xưng hô của thời hiện đại mà độc giả quen dùng.