Say Mộng Giang Sơn

Chương 110: Bịa đặt " Đại Vân Kinh Sơ"



Chu Hưng đi rồi, Tiết Hoài Nghĩa từ sau tấm bình phong dò xét, rón rén đi ra ngoài, từ sườn mái hiên liếc nhìn ánh mắt của Võ Tắc Thiên, trong lòng liền nguội lạnh. Ánh mắt Võ Tắc Thiên thanh sáng, mang theo những suy nghĩ, rõ ràng như đang suy xét chuyện gì đó.

Thứ quyền lực đã bao người khát khao, huống hồ là nữ nhân như Võ Tắc Thiên, tình ái đối với nàng chỉ là một vật để điều hòa, lúc mà nàng đang có việc cần suy xét trong lòng, đâu còn để tâm đến chuyện hoan ái nam nữ ở trong lòng nữa.

Tiết Hoài Nghĩa hầu hạ nàng nhiều năm, biết rõ tính nết của nàng, nhìn thấy bộ dạng nay của nàng, liền biết là hôm nay không có duyên làm khách sau tấm màn, y nhanh chóng cáo từ Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên áy náy cười, dịu dàng nói:

- A Sư, trẫm có quốc sự cần suy xét, ngươi đi về trước đi, hai ngày sau, đến cung thăm trẫm cũng được.

Tiết Hoài Nghĩa phấn chấn tinh thần, nói:

- Vâng, Thiên Hậu ngày đêm vất vả làm quốc sự, cũng nên trân trọng thân thể, vậy, Tiết Hoài Nghĩa xin cáo từ trước.

Tiết Hoài Nghĩa xoay người định đi, chợt nhớ tới lời dặn dò của Dương Phàm, vội nói:

- Ah, đúng rồi, Thiên Hậu, Hoài Nghĩa có một chuyện, muốn được sự cho phép của Thiên Hậu.

Võ Tắc Thiên chống tay lên cằm, trầm tư, nghe y nói chuyện, hơi nhướn con ngươi, cười nói:

- A Sư có chuyện gì cứ nói

Tiết Hoài Nghĩa nói:

-Thiên Hậu, Thượng Nguyên hàng năm, trong cung đều tổ chức các loại trò chơi long trọng để chúc mừng như tổ chức đá cầu, đánh cầu và các loại trò chơi khác. Hoài Nghĩa hiện giờ cũng tổ chức một đội đá cầu, đô vật để tham dự trận đấu vào Tết Nguyên Tiêu, nếu có thể làm Thiên Hậu cười vui thì đó chính là tâm ý của Hoài Nghĩa.

Chỉ có điều, đội ngũ này Hoài Nghĩa vừa mới đào tạo ra, cũng chưa quen với các đội mạnh, nếu như bại thì sẽ mất thể diện. Có câu, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, Hoài Nghĩa có ý đọ sức trước với đội mạnh năm nào cũng thắng, để các đệ tử thích ứng một chút.

Võ Tắc Thiên cười nói:

- Thật là tâm hiếm có, được rồi, ngươi muốn tranh tài với ai?

Đội đá cầu của Tiết Hoài Nghĩa tiếng xấu lan xa, nổi danh không tuân theo quy củ, mỗi lần thi đấu đều dùng đủ loại thủ đoạn tồi tệ như đánh cho hôn mê, vẩy vôi, kéo chân...tóm lại là bất cứ thủ đoạn tồi tệ nào cũng có. Tác phong ác liệt của chùa Bạch Mã trong giới quyền quý không ai không biết, không ai không hiểu.

Nếu Tiết Hoài Nghĩa muốn vui đùa, y có thể tìm mấy đội đá cầu giải buồn giết thì giờ, bằng quyền thế của y, cũng có thể tìm tới mấy nhà quyền quý buộc người ta tỷ thí với y, nhưng y nghĩ thể hiện được ở trong cung thì phải có bản lĩnh thực sự. Muốn đọ sức với đội mạnh thật sự thì không thể dùng sức mạnh được rồi.

Tiết Hoài Nghĩa nói:

- Hoài Nghĩa muốn mời đội đô vật của quý phủ Thái Bình công chúa, đội đá cầu Cấm Vệ cùng đọ sức với đội chùa Bạch Mã.

Võ Tắc Thiên bật cười nói:

- Khẩu vị của A Sư quả thực không tồi, khiêu chiến với đội mạnh nhất Đại Đường, không sợ mặt xám mày tro sao?

Nàng cười suy tư, nói:

- Đội đá cầu Cấm Vệ sao, có thể, trẫm sẽ nói với Khâu Thần Tích một tiếng, kêu gã chuẩn bị nhân mã tham gia trận đá cầu tại Thượng Nguyên cùng đọ sức với đội chùa Bạch Mã một phen. Trong cung sao, cũng không thành vấn đề, mấy ngày nữa ngươi hãy dẫn đội đá cầu của ngươi tiến cung, khoa chân múa tay với các nàng đó, trẫm sẽ sai Uyển Nhi sắp xếp. Tuy nhiên chỗ Thái Bình…

Võ Tắc Thiên khe khẽ thở dài, nói:

- Thái Bình gần đây tâm tính không tốt, ta thấy tốt nhất ngươi đừng chọc vào cái đinh đó, trong cấm quân có nhiều cao thủ đô vật, nhất là bên Khâu Thần Tích.

***

Tiết Hoài Nghĩa bừng bừng trở lại chùa Bạch Mã, lập tức triệu tập các hòa thượng, đem ý tứ của Thiên Hậu nói với họ, để hợp mưu hợp sức với họ, nguyên phương trượng chùa Bạch Mã hiện giờ là Trưởng Lão Tam Sơn Đại Sư Tây Đường cũng được mời tới. Tam Sơn, Tam Giới, Tam Sấu, Pháp Minh, Pháp Chính, Chính Giác...người nào cũng đều là cao tăng đại đức danh chấn một phương, vì để cho Phật giáo trấn áp Đạo giáo, trở thành Giáo lớn nhất Trung thổ, người nào cũng giả thần giả thánh cùng gã lưu manh Phùng Tiểu Bảo bóp méo ý nghĩa kinh điển.

Ý Thiên Hậu là không cần che đậy, hổ thẹn, phải trực tiếp nói nàng chính là phụng chỉ dụ của Phật Tổ, tới nhân gian trái đất thống nhất chúng nhân, nói cách khác, nàng chính là vị Tịnh Quang Thiên Nữ. Nhưng mà trên Phật Giới, địa vị của Thiên Nữ không cao lắm, rõ ràng không xứng đáng với vị trí đứng đầu Đại Đường của Võ Tắc Thiên.

Vì thế, thông qua thảo luận của cao tăng, quyết định sửa đổi “Đại Vân Kinh”, trong “Kinh Sơ” có chỉ rõ, Võ Hậu kiếp trước là Di Lặc Phật Tổ, chịu pháp chỉ của Thích Ca Mâu Ni, chuyển thể làm người, người trong thiên hạ phải quy thuận sùng bái nàng.

Chính Giác hòa thượng trược tiếp biên dịch phạn văn trong “Kinh Sơ” thành “người trộm mây là người họ Võ, vốn dĩ thuộc thần thánh, mẹ của vạn nước, sinh sôi triệu người!”. Rất rõ ràng lấy danh nghĩa Phật Như Lai là người họ Võ, “thần hoàng xưng đế, mẫu lâm vạn nước”.

Lúc đó, triều chính đều nằm trong tay Võ Tắc Thiên, là phận nữ và thân phận Hoàng Thái Hậu, nếu nàng muốn xưng đế thì sẽ vấp phải hai vấn đề lớn là nữ thân và dòng họ. Hoàng Đế luôn tự cho mình là con trời, nếu Võ Hậu xưng đế cũng là thiên ý, tất cả vấn đề sẽ tự nhiên được giải quyết dễ dàng.

Pháp Minh và Pháp Chính chịu trách nhiệm biên soạn các lời tiên tri, những thứ nay một khi lưu truyền ra ngoài, dân chúng phố phường sẽ hết lòng tin tưởng. Bọn họ lập tức sẽ truyền bá lời tiên tri, rất ngắn gọn, những lời tiên tri sẽ là một câu hỏi, ví như nữ nhân chuyển thế của Di Lặc Phật Tổ, như là Giang Sơn người Lý sẽ bị chuyển sang họ Võ…

Tam Sơn và Tam Sấu hai vị hòa thượng phụ trách thu thập điềm lành và báo động, miễn cưỡng phụ họa cho việc Võ Tắc Thiên xưng đế, bọn họ không chỉ liệt kê chi tiết các vùng đất xuất hiện kì tích, tỷ như tảng đá dài quá hồng tâm, gà trống đẻ trứng, Lạc Thủy xuất hiện đá thần, vân vân…thậm chí ngay cả việc động đất cũng liệt vào, nói rằng đó là dự báo của trời đất, căn cứ chính xác Võ Hậu xưng đế.

Tam Giới Đại Sư thì trở thành người biên soạn, phụ trách sửa sang, chỉnh lí những thứ mà các cao tăng này thu thập được thành bản cuối cùng.

Còn phải nói thêm, Tiết Hoài Nghĩa tuy rằng không có học vấn, nhưng sức tưởng tượng của y vượt xa so với người bình thường, một mình y nằm trên giường La Hán, nhàn rỗi uống rượu, nằm cười, vỗ trán, không ngờ cũng nghĩ ra được một chủ ý trợ thế cho Võ Hậu.

Y nghĩ tới một điệu hát dân gian, khúc ca này có tên “Võ Mị Nương”. “Võ Mị Nương” là bài hát có từ rất lâu, lúc đầu thời Đường và thời Tùy, trong một vài tài liệu yến tiệc liên quan tới triều đình có ghi chép lại. Bài hát này ngoài cái tên “Võ Mị” mà Thái Tông ban thưởng cho Võ Tắc Thiên thì hai thứ thật ra chẳng có mối liên quan gì.

Tiết Hoài Nghĩa cũng chỉ là hát lung tung, bỗng dưng nhớ lại khúc ca này, Tiết Hoài Nghĩa nói ra chủ ý này, Tam Giới Đại Sư đồng ý, biến hóa ca từ thành đơn giản, sai người tới phố phường truyền xướng.

Các hòa thượng trong thiện phòng cũng vô cùng bận rộn, cần phải có người ở bên hầu hạ, hơn nữa phải có người am hiểu văn hóa, những hòa thượng rảnh rỗi trong miếu mà biết chữ đều bị phái tới, bởi vì không đủ người, mà Nhất Trọc hòa thượng cũng biết chữ nên Tiết Hoài Nghĩa lại bắt lão làm việc như tráng đinh.

Nhất Trọc xuất thân từ đạo sĩ, mắt thấy đám cao tăng Phật môn đạo mạo này bịa chuyện, vị trí của đạo giáo đang bị đe dọa, nên trong lòng có chút khó chịu. Vì thế, ban ngày Nhất Trọc bưng nước canh hầu hạ đám hòa thượng này, quan sát những thứ mà đám hòa thượng bịa chuyện, buổi tối dùng cành than và giấy lộn ghi chép những gì ban ngày lão chứng kiến.

Lão còn đặt tên cho cái thứ mình viết ra là “Đại Vân Kinh Sơ Vấn Thế Lục”. Viết xong lão lại đem giấu trong Tháp Lâm Lý, chờ một ngày nào đó sẽ bóc mẽ bộ mặt ghê tởm của đám cao tăng kia.

Những cao tăng đó sẽ không ngờ là bên cạnh mình đang có một đạo gia nằm vùng, không chút nghi ngờ kiêng dè gì, tha hồ phát huy sáng tạo...

***

Biên soạn kinh sơ cũng không phải một chuyện dễ dàng, tuy rằng bọn họ gò ép liên hệ chuyện của Tịnh Quang Thiên Nữ với Võ Tắc Thiên, nhưng phải lấy được lòng tin của người trong thiên hạ, Kinh Sơ muốn viết cũng phải kín đáo, càng giống càng tốt, viết xong rồi còn phải xem xét lại, đó là một quá trình khá dài.

Tiết Hoài Nghĩa còn không biết hết chữ, lúc đầu còn nhiệt tình tán dóc với họ, sau đó thì chả biết gì nên Tiết Hoài Nghĩa đều mơ mơ hồ hồ, liền cảm thấy chán nản, vì thế đem chuyện này ủy quyền cho Tam Giới, Pháp Minh và vài vị cao tăng, y lại chạy đi xem các đệ tử đá cầu.

Võ Tắc Thiên đồng ý để cấm quân đọ sức đá cầu với chúng, chỉ dụ vừa xuống, Khâu Thần Tích liền đáp ứng. Ý chỉ của Thiên Hậu sao có thể không nghe? Hơn nữa, đội đánh cầu của Khâu Thần Tích đều là các cao thủ được chọn lựa trong cấm quân mà ra, đều có xuất thân nhất định, tuy rằng tiếng xấu chùa Bạch Mã vang xa, nhưng tranh tài với những người này, chắc cũng không dám làm ra những hành vi quá đáng.

Lúc trẻ Khâu Thần Tích cũng là một cao thủ đá cầu, năm đó khi Lý Thế Dân tổ chức thi đá cầu ở Đại Đường, lão là đội viên chủ lực trong đội đánh cầu cấm quân Đại Đường, hiện giờ tuy rằng lớn tuổi, những vẫn chơi rất tốt. Hằng năm khi Tết Nguyên Tiêu, cấm quân tham gia đá cầu đều do lão thống nhất huấn luyện các lộ trong đám cao thủ cấm quân, hiện tại có thể nói, lão chính là tổng giáo luyện đội đá cầu cấm quân.

Trong quan trường, quan lại quyền quý, người nào cũng nghiêm túc, đứng đắn, trong quan trường là thế, trong đời sống cũng như thế, đối với bạn bè, đồng nghiệp, người thân, đều phải sống kiểu cách nhà quan, chẳng có nhân vị. Kỳ thực không phải vậy, bọn họ cũng có những sở thích giống mọi người như uống rượu, ca múa, tán chuyện ...

Khâu Thần Tích là một kẻ đam mê đánh cầu, trong sự tính toán của lão, vì sắp tới Thượng Nguyên nên phải liên hệ chuẩn bị với các tướng lĩnh các lộ cấm quân khác, điều động các cao thủ đá cầu trong doanh trại, tập trung tiến hành huấn luyện, hiện giờ Võ Hậu đã chỉ dụ vậy, lại tiện cho cả hai.

Chỉ là lão điều động các cao thủ tới từ các lộ cấm quân, nên mất vài ngày mới có thể tập hợp đủ người. Tiết Hoài Nghĩa đợi hai ngày vẫn chưa thấy Khâu Thần Tích phái người tới, thật sự không chờ được nữa, liền kéo người tới cung tìm Thượng Quan Uyển Nhi.