Say Mộng Giang Sơn

Chương 323: Bắt nghịch tặc



Mạnh Tân, nơi dừng chân của Kim Ngô Vệ.

Trên giáo trường, các tướng sỹ đang chơi thạch tỏa (tạ bằng đá), luyện mã cầu, hết sức náo nhiệt. Trên một khoảnh đất ở giữa, các quan tướng vây kín, ở giữa vòng vây là một nam tử mặc áo tay bó đang diễn luyện đại thương.

Người này dáng người cường tráng, mái tóc hơi điểm hoa râm, cho thấy tuổi đã chạc ngũ tuần, nhưng thân hình vẫn mạnh mẽ sung sức, tiến thoái vững như bàn thạch, chuyển động lanh như thỏ, khiến người xem phải trầm trồ.

Thanh đại thương trong tay ông ta đánh ra những chiêu thức bình tiến, đâm xuống, hất lên, xuyên ngang, ngăn đỡ, tóm gọn một cách mạnh mẽ, phát ra tiếng gió vù vù. Chỉ một người với một cây thương, mà vây kín một phạm vi năm trượng xung quanh, dường như không còn chỗ để chứa thêm bất cứ thứ gì khác nữa.

Quả đúng là xung phong lâm trận thì dũng mãnh xông vào, đi đầu trảm tướng kéo quân thì Kim Kê Điểm Đầu, chặn ngựa rút tên thì Đẩu Diệu Thương Hoa. Những quan tướng đứng xem đều là con nhà nòi, nhìn viên tướng già múa thương, mỗi lần đến chỗ tinh diệu đều không hẹn mà bật thốt lên “hay”.

Cây trường thương trong tay người này đánh ra những chiêu “ngăn, bắt, nhấc, đánh, đệm, vây” xoay vòng như ảo ảnh, mũi thương như tuyết, rồi đột ngột ngừng lại, thân vững như núi, cây trường thương trong tay đánh ra khí thế trấn áp vạn người. Người này chính là Đại tướng quân của Kim Ngô Vệ, Khâu Thần Tích.

Những tiếng hoan hô vang dội bốn bề tựa sấm, Khâu Thần Tích quăng cây đại thương ra, một viên thân binh nhanh nhẹn chụp lấy, một viên thân binh khác lập tức mang khăn đến. Khâu Thần Tích lau mồ hôi trên mặt, rồi nói với các quan tướng đang đứng xem xung quanh:

- Bất luận là quyền cước hay binh khí, lúc luyện tập phải có bài bản, lúc dùng thì không được theo bài bản, bài bản là phương pháp, phải thuộc nằm lòng, còn nếu tự thân không linh hoạt, khi gặp phải người giỏi sẽ phải chịu thiệt thân…

Lang tướng Trịnh Thư Lượng nói:

- Đại tướng quân nói phải lắm, nhưng mà đạo lý này nói thì dễ, chứ có mấy ai đạt tới được cảnh giới như Đại tướng quân đâu.

Khâu Thần Tích cười nói:

- Cái tên nhãi này nếu đem công phu nịnh nọt của ngươi ra so sánh thì cũng ngang với thương pháp của lão phu đó.

Các tướng nghe vậy cười lớn, Trịnh Thư Lượng là tâm phúc của Khâu Thần Tích, nghe ông ta cười mằng trêu chọc như vậy không những không có chút gì là thẹn thùng, mà ngược lại còn lấy làm khoái chí, coi đây như một niềm vinh hạnh.

Lúc này, từ đằng xa có một người chạy vội đến. Bởi vì trong doanh trại không được cưỡi ngựa, nên người này phải chạy, dưới ánh mặt trời chói chang, mồ hôi mồ kê đổ nhễ nhại.

- Đại tướng quân, Đại tướng quân Lý Tuần của Long Võ Vệ, cùng Đại tướng quân Vũ Du Kỵ của Nội Vệ đang diễn luyện binh mã, đi ngang qua doanh địa của Kim Ngô Vệ ta.

Nhân mã cấm quân là lực lượng chủ yếu phụ trách việc bảo vệ hoàng đô. Nhằm duy trì sức mạnh lực lượng cho cánh quân này, triều đình không những luân phiên điều động bọn họ tham gia chiến sự biên cương, mà còn thường xuyên tổ chức luyện tập hành quân dã ngoại, diễn tập binh pháp trận đồ, cho nên Khâu Thần Tích cũng không hề lấy làm lạ.

Hai vị Đại tướng quân này đều là những người trung thành với Võ thị, trong đó có Võ Du Kỵ lại là người trong tộc. Lúc thường giữa bọn họ đều là chỗ thân quen, bây giờ bọn họ đi ngang qua chỗ mình, Khâu Thần Tích đâu thể vờ như không biết, ông ta nghe báo xong, vội nói:

- Lý Tuần và Võ Du Kỵ tới sao? Để lão phu đi gặp bọn họ.

Khâu Thần Tích vội vàng đi tới cổng doanh trại, viên thân binh dưới trướng đã sớm dắt ngựa ra hầu. Khâu Thần Tích xoay mình lên ngựa, dẫn theo mười mấy thân binh lao đi.

Từ đằng xa, đã nhìn thấy kỵ binh của Long Kỵ Vệ và bộ tốt của Nội Vệ xếp thành một hàng dài, gấp rút hành quân trên đường cái quan. Khâu Thần Tích nhìn thấy cờ hiệu thêu chữ “Lý” và cờ hiệu thêu chữ “Võ” đang sánh ngang bên nhau bèn giục ngựa phi tới đón. Ngựa phi đến trước, quả nhiên thấy Lý Tuần và Võ Du Kỵ đang sóng vai cưỡi ngựa đi dưới cờ hiệu, hai người bọn họ vừa đi vừa nói chuyện rất an nhàn.

Vừa nhìn thấy Khâu Thần Tích phi ngựa đến, đội quân hành tiến lập tức dạt ra nhường một lối đi, hai ngựa bọn Võ Du Kỵ cũng ghìm cương ngựa. Khâu Thân Tích ghìm chậm vó ngựa, đi tới trước, cười lớn mà rằng:

- Hai vị đi ngang qua địa bàn của Khâu mỗ, sao không cho người đến thông báo một tiếng, để Khâu mỗ biết mà chuẩn bị yến tiệc khoản đãi hai vị Đại tướng quân.

Lý Tuần và Võ Du Kỵ đều mang võ giáp. Võ Du Kỵ nhỏ hơn Lý Tuần mười mấy tuổi, trẻ khỏe cường tráng, đáng lẽ ra là đang ở độ tuổi tràn đầy sức sống nhất, nhưng do thời gian gần đây tửu sắc quá độ, nên mặc dù đang mặc một bộ khôi giáp oai hùng, nhưng dáng vẻ vẫn không có chút sức sống.

Võ Du Kỵ thấy Khâu Thần Tích đến, lười biếng vặn người xuống ngựa, kết quả là dường như thân hình hắn không chịu nổi sức nặng của khôi giáp, nên lảo đảo đáp xuống. Khâu Thần Tích trong lòng khinh miệt, nhưng ngoài mặt vẫn giữ nguyên nụ cười hòa khí, nhún người nhảy lên một cái, nhẹ nhàng đáp xuống khỏi lưng ngựa.

Lý Tuần tươi cười ha hả, nói với ông ta:

- Bọn ta mang quân vụ trên người, chỉ là đi ngang qua mà thôi, đâu dám làm phiền Khâu Đại tướng quân. Nếu muốn uống rượu, thì phải đợi…

Ông ta vừa nói, cũng vừa làm động tác xuống ngựa, chỉ có điều động tác chậm chạm lề mề, chậm hơn Khâu Thần Tích một nhịp. Khâu Thần Tích xuống ngựa vừa đứng vững, thì đám thân binh phía sau cũng nhất loạt xuống ngựa. Lý Tuần đột nhiên chựng lại, rồi ngồi lại trên lưng ngựa, mặt nghiêm lại, quát lớn:

- Bắt Khâu Thần Tích lại cho ta!

“Soạt”

Những binh sỹ nội vệ vác thương đang hành quân xung quanh dường như đều có sự chuẩn bị trước, Lý Tuần hạ lệnh một câu, thân hình đang bước đi của bọn họ lập tức dừng lại, làm động tác vung thương đâm tới, đồng loạt hô:

- Giết!

Một rừng thương giương lên, vây chặt lấy Khâu Thần Tích và đám thân binh thủ hạ của ông ta ở ngay giữa đường cái quan, dường như không gì có thể lọt qua được.

Nhưng binh sỹ của Long Kỵ binh đang ngồi trên lưng ngựa cũng hưởng ứng hành động, nhất loạt giương cung tên lên, chĩa xuống, nhắm thẳng vào những chỗ hiểm yếu của bọn họ. Mã Kiều, lúc này đã được thăng chức làm đội trưởng đội kỵ binh của Long Võ Vệ, ngồi nghiêm trên lưng ngựa, giương cung lắp tên nhắm thẳng vào ngực Khâu Thần Tích, quát lớn:

- Buông kiếm xuống!

Sắc mặt Khâu Thần Tích biến đổi rất khó coi, kinh hãi nói:

- Hai vị tướng quân, các người… đùa gì vậy?

Võ Du Kỵ với dáng vẻ uể oải không chút sức sống ngáp dài một hơi, lấy từ trong tay áo ra một đạo chỉ dụ màu vàng, từ từ dở ra, chậm rãi đọc:

- Tội thần Khâu Thần Tích quỳ xuống tiếp thánh chỉ!

Lúc này, mấy trăm kỵ sỹ đã ùa vào đại doanh của Kim Ngô Vệ như một cơn gió lốc, viên lính gác đang đứng trên vọng gác của doanh trại Kim Ngô Vệ quát lớn từ xa:

- Đứng lại! Người nào dám tùy tiện xông vào quân doanh!

Một người trong đám kỵ binh phi như bay tới trước, tay giơ lên một tấm lệnh phù ánh vàng lấp lánh, lớn tiếng quát:

- Võ Lâm Vệ Đại tướng quân phụng chỉ tuần tra thị sát, mau truyền tất cả các quan tướng từ Lữ Soái trở lên tập trung tới quân doanh nghênh tiếp!

Lệnh phù này tín vật điều binh từ xưa truyền lại, do triều Đường kỵ húy tên tục của tổ tiên là Lý Hổ nên không gọi là Hổ phù, mà gọi là Ngư phù. Hình dạng của vật này cũng không còn là hình của mãnh hổ nữa, nhưng tác dụng thì cũng như nhau.

Tên kỵ binh phi ngựa đến trước cổng doanh trại, một viên Đội chính của nhóm gác bước tới kiểm tra con dấu của Binh bộ trên hổ phù thấy đúng, hắn khoát tay một cái nhanh chóng cho dọn dẹp hàng rào ngăn ngựa, mở rộng cửa doanh. Lúc này hơn một trăm kỵ binh đã xông đến trước cổng, cuốn vèo vào trong đại doanh như một cơn lốc.

Viên Đội chính gọi với theo:

- Này! Trong doanh trại không được cưỡi ngựa…

Câu nói còn chưa dứt, bụi đất do vó ngựa cuốn lên đã che lấp mất hắn.

“Tùng tùng tùng…”

Tiếng trống triệu tập các tướng vang lên trung quân đại doanh của Kim Ngô Vệ, tướng lĩnh các nơi nghe thấy tiếng trống không dám chậm trễ, mau chóng mặc giáp trụ chỉnh tề chạy tới trung quân.

Trong trung quân đại doanh, Võ Du Nghi với giáp trụ chỉnh tề, sát khí đằng đằng, bốn viên tiểu Giáo úy đặt tay lên chuôi đao đứng nghiêm phía sau, lại có hai tỳ tướng đứng ở hai bên, một cầm Ngư phù, một cầm thánh chỉ.

Võ Du Nghi đứng sau soái án, một tay đặt lên soái ấn, thấy các tướng đều đã đến đủ cả, đứng kín trong trướng, bèn gằn giọng quát lớn:

- Người đâu, khám nghiệm Ngư phù!

Lang tướng Trịnh Thư Lượng của Kim Ngô Vệ là tâm phúc của Khâu Thần Tích, đại diện ông ta cất dữ Ngư phù, lúc này hắn nơm nớp lo sợ bước tới, lấy nửa miếng Ngư phù do mình bảo quản ra, khớp vào nửa miếng Ngư phù do Võ Du Nghi mang tới. Hai miếng Ngư phù hoàn toàn khớp vào với nhau.

Võ Du Nghi giơ miếng Ngư phù đã được khám hợp ra cho các tướng xem, rồi giơ cánh tay phải ra, thánh chỉ bèn được đặt vào tay hắn. Võ Du Nghi từ từ mở thánh chỉ ra, lạnh lùng nhìn khắp lượt các tướng lĩnh Kim Ngô Vệ đang đứng bên dưới, trầm giọng nói:

- Thánh thượng có chỉ!

“Keng!”

Tất cả mười mấy viên Đại tướng trong trướng đều đồng loạt ôm quyền nghe thánh chỉ, giáp trụ cọ sát vào nhau phát ra một tiếng “keng”. Võ Du Nghi ngừng lại một chút, cất cao giọng nói:

- Môn hạ: Khâu Thần Tích lòng dạ phản trắc, mưu đồ đen tối, nên nay miễn đi chức Đại tướng quân của Kim Ngô Vệ, sẽ do Võ Du Nghi kiêm nhiệm quân vụ của Kim Ngô Vệ! Các tướng lĩnh của Kim Ngô Vệ trung thành với quốc gia, không liên quan gì đến Khâu Thần Tích, nên cứ yên lòng, làm theo thánh chỉ. Sau này trẫm sẽ có phong thưởng.

Võ Du Nghi đọc xong, trong trướng lập tức trở nên xôn xao, Trịnh Thư Lượng vừa sợ vừa giận, dẫn đầu ấn kiếm bước ra, cứng cỏi nói:

- Khâu Đại tướng quân một lòng trung thành, sao lại có ý làm phản, việc này chắc chắn là có người hãm hại, bọn ty chức kính mong bệ hạ minh xét, trả lại công đạo cho Khâu Đại tướng quân!

Võ Du Nghi lạnh lùng nói:

- Thánh chỉ ở đây, người dám kháng chỉ?