Say Mộng Giang Sơn

Chương 368: Thái Bình xuất mã



Tể Tướng và hầu hết các quan lớn đã được định tội, họ sẽ bị hành hình sau ba ngày kết án, ngày mai sẽ là ngày ban chỉ hành hình chiếu cáo thiên hạ.

Có bao nhiêu quan có chức vụ cao đã bị định tội mưu phản thì có bấy nhiêu ghế trống cần được bổ nhiệm. Nếu là quan làm ở lục bộ hay nha môn thì tương đối dễ điều động, các quan viên có chức vụ tiếp theo ghế trống này sẽ được Võ Tắc Thiên thăng chức khiến cho các quan viên trình tự tiến dần lên một bậc, như vậy quyền lực rất dễ dàng hoàn thành.

Điều gây khó khăn lớn nhất cho Võ Tắc Thiên chính là chọn người làm Tể Tướng. Đột nhiên ba chức quan này cùng lúc để trống, mà Võ Tắc Thiên không thể tùy tiện chọn người. Người được chọn này phải phù hợp với tâm ý của Võ Tắc Thiên, bà phải thấy được tài năng đồng thời trong triều phải đang ở vị trí và quyền lực cao một khi được phong chức thì có thể áp đảo, có uy lực đối với các quan khác. Nếu không sẽ giống như Phó Du Nghệ trước kia, một nhân vật khi được thăng chức cũng chỉ có thể dùng để trang trí mà thôi.

Võ Tắc Thiên suy nghĩ rất kỹ trong mấy ngày nhưng vẫn chưa thể nào ra quyết định được đành phải đặt chuyện này qua một bên, cần cân nhắc thật cẩn thận trước khi có quyết định.Tuy nhiên trong những người có khả năng nhất để phong tướng hiện giờ thì người đó chính là Lý Chiêu Đức, ông là người già nhất trong triều đình

Trong tâm tưởng của Võ Tắc Thiên, ngoại trừ chức Tể Tướng phải chọn người quan trọng còn có Tam Pháp Tư cũng cần có người quan trọng. Bà cũng rất muốn lợi dụng cơ hội này để điều chỉnh lại trật tự ở Tam Pháp Tư.

Võ Tắc Thiên là người phụ nữ đoạt quyền chồng, là mẹ đoạt quyền con, trong thiên hạ có rất nhiều người không phục, "Tương tương âm mưu" " Nhân đa nghịch tiết" không thể không phòng bị. Hơn nữa bà mang thân phận nữ nhi làm đế Vương, chuyện này đã là một chuyện lạ từ trước đến nay rồi. Nhưng dù người trong thiên hạ có ủng hộ hay phản đối bà thì bà vẫn muốn ngồi vững chắc vị trí này. Chính vì vậy so với nam Hoàng đế, bà cần có thế lực mạnh gấp bội lần, như vậy mới có thể khiến cho người trong thiên hạ kinh sợ.

Bà ở trong thâm cung đại nội phải e dè tất cả các loại quan lại, phải theo dõi phản ứng của thần dân.

Tai mắt của bà chính là Hình bộ, Ngự Sử đài và Đại Lý Tự.

Đại Lý Tự chỉ là nơi duyệt lại các trọng án, còn các quyết định nằm ở Hình Bộ. Sau khi bà lên cầm quyền đã đề cao quyền lực của Ngự Sử Đài, đưa Ngự Sử Đài trở thành nhánh thứ hai của Hình Bộ. Cho nên bên trong Tam Pháp Tư các chức vụ đó trọng yếu ngang nhau, đây chính là đôi mắt giám sát và là đôi tai để lắng nghe tiếng lòng của các loại quan lại.

Hiện giờ, ánh mắt và đôi tai của bà chỉ còn một nửa.

Lúc này, Hình Bộ làm việc bà không được hài lòng lắm, bà không cảm nhận được năng lực mà họ đang cống hiến cho bà.

Chuyện bắt đầu từ việc lựa chọn người giữ chức vị Hình Bộ Thượng Thư, Trương Sở Kim vốn là một người làm rất được việc, rất có khả năng cho vị trí này nhưng Chu Hưng cũng khao khát nó, giữa Trương Sở Kim và Chu Hưng, bà đã lựa chọn Chu Hưng. Ai ngờ Chu Hưng đắc ý càn rỡ, tham dự vào việc cấu kết với Võ Thừa Tự đoạt chức vị Thái Tử, bị bà quyết định trừ khử. nhưng bởi vậy mà đến lúc này Hình Bộ lại thiếu người.

Hiện giờ Hình Bộ thị lang là Thôi Nguyên Tống, còn ghế Thượng Thư vẫn đang để trống.

Thôi Nguyên Tống xuất thân từ Thôi thị Trịnh Châu là nhánh của Thôi thị ở Thanh Hà. Tuy rằng gia tộc hắn và Thôi thị Thanh Hà có quan hệ không thật sự gần gũi lắm nhưng Võ Tắc Thiên vẫn có chút kiêng nể. Dù là quý tộc Sơn Đông hay quý tộc Quan Lũng đều phản đối bà làm Hoàng hậu huống chi là làm Hoàng đế.

Những thế lực ấy vô cùng phức tạp, không dễ dàng để diệt trừ. Hiện giờ Hình Bộ đang thiếu người nên phải sử dụng Thôi Nguyên Tống, cũng thật khó khăn để tìm ra một người có thể quản lý nha môn trọng yếu này.

Người quản lý Đại Lý Tự chính là Từ Trạch Hanh, người này là cựu thần từ thời Cao Tông đến nay, làm quan vẫn luôn cẩn thận, nghiêm túc. Hắn không ủng hộ nàng làm Hoàng đế nhưng cũng chưa từng phản đối nàng. Hơn nữa Đại Lý Tự có thế lực yếu so với Hình Bộ và Ngự Sử Đài nên tạm thời không cần để ý.

Nơi tiếp theo chính là Ngự Sử Đài.

Lai Tuấn Thần và Chu Hưng giống nhau, đều là hai người được bà đề bạt trọng dụng. Hai người này không phải là có nguồn gốc từ nhà làm quan, nhưng đối với các quan lại trong triều đình cũng không chịu thua kém. Mặc dù bọn họ không học hành gì cả, nhưng họ vẫn thay nàng gánh vác hai nha môn trọng yếu là Hình Bộ và Ngự Sử Đài, là nơi thu thập hầu hết các thông tin quan trọng mà bà muốn biết.

Chu Hưng gây ra chuyện càn rỡ dĩ nhiên phải bị trừng phạt, hiện giờ bà chỉ có thể tin cậy một người là Lai Tuấn Thần mà thôi. Và nơi bà tín nhiệm nhất, yên tâm nhất cũng chỉ có Ngự Sử Đài, tuy nhiên điều này cũng làm cho bà có cảm giác bất an, bà cảm thấy thế lực trong tay mình đang dần bị suy yếu. Bà cảm thấy như có một bàn tay vô hình đang kéo triều đình này rời khỏi bàn tay của bà.

Võ Tắc Thiên nghĩ " Ngự Sử Đài có Lai Tuấn Thần nên trẫm rất yên tâm, tuy nhiên...Nếu muốn không cần lo lắng thì Đại Lý Tự và Hình Bộ nhất định phải là người của trẫm mới được."

Bà lại nghĩ: "Lúc này nhân sự thay đổi thường xuyên tạm thời không nên làm gì, hiện giờ trong tay cũng không có được người lựa chọn thích hợp. Chuyện này trước tiên phải để đó đã, khi nào tìm được người mà trẫm thật sự tin cậy và có đủ năng lực để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà trẫm giao phó, nhất định sẽ đưa hắn vào Hình Bộ.”

Võ Tắc Thiên nghĩ đến đây, đột nhiên bút son hợi khựng lại, dừng ở vị trí Hình bộ Thôi Nguyên Tống ở trên danh sách mà Lý Chiêu Đức trình lên , viết xuống một hàng chữ nhỏ ghi " Chức Thượng thư tạm thời để trống!"

Bà đã quyết định rồi, chức Hình Bộ Thượng thư này tạm thời để trống, Thôi Nguyên Tống vẫn giữ chức Hình Bộ Thị lang. Đối với chức vị Hình Bộ Thượng thư phải đợi bà xem xét chọn người thích hợp rồi mới xem xét đề bạt Thôi Nguyên Tống làm Thượng Thư, bổ nhiệm người mình tin cậy làm Thị Lang đã. Giống như Trương Sở Kim và Chu Hưng lúc trước vậy, tăng mạnh thế lực để bà khống chế Hình Bộ làm.

Võ Tắc Thiên mang tấu chương của Lý Chiêu Đức cũng như tấu chương của các quan viên khép lại, nhìn Uyển Nhi nói:
- Cứ như vậy đi, mau ra lệnh cho người đi truyền ý chỉ của trẫm, ngày mai các quan viên mới phải đến nhận chức, không thể chậm trễ!
Nói xong, bà đập đập vào lưng thể hiện sự mệt mỏi nói:
- Trẫm có chút mệt mỏi, dìu trẫm đến Phi Hương Điện để khuây khỏa chút đã!

- Vâng!

Thượng Quan Uyển Nhi đưa hai tay tiếp nhận tấu chương, nàng ngoắc gọi Tiểu Hải đến dặn dò hắn vài câu, rồi ra hiệu cho hắn. Tiểu Hải liền hiểu ý lập tức nhận tấu chương nhanh chóng rời khỏi điện Võ Thành. Tiểu Hải đang cầm văn kiện đã phê khẩn cấp vừa mới ra khỏi chính điện liền có Tiểu Hoàng trong viện chạy ra cửa chào hỏi:
- Là Hải Công công ạ!

Tiểu Hải nhìn về phía gã kiêu căng gật đầu, đợi gã đến gần liền hạ giọng nói:
- Bệ hạ đã xử lý xong các tấu chương, hiện ta phải mang đi đến gấp cho các quan lại.

Tên Tiểu Hoàng kia đứng ở cửa cũng không nói gì chỉ gật gật đầu rồi xoay người nhắm phía đông mà đi, Tiểu Hải nhìn thoáng qua lưng của gã ta rồi cũng chuyển hướng đến Trung Thư tỉnh.

Thượng Quan Uyển Nhi đang dìu Võ Tắc Thiên đến Phi Hương Điện, Đoàn Nhi đã được báo tin Hoàng thượng đến nên nàng đã chuẩn bị chiếu trúc và dùng băng thả vào bồn và ướp lạnh rượu nếp than. Đây là rượu mà Võ Tắc Thiên thích uống nhất, nàng đã chuẩn bị chu đáo đợi Võ Tắc Thiên đến.

Võ Tắc Thiên đã đến Phi Hương Điện, Đoàn Nhi hầu hạ bà thay trang phục Hoàng bào ra bằng bộ Trường bào nhẹ nhàng, hai chân bà để trần bước lên chiếu, ngồi trên này uống rượu nếp than ướp lạnh, bà lại gối đầu trên gối "Trúc phu nhân" nghe Đoàn Nhi và Uyển Nhi đang kể chuyện bên cạnh. Bà rất chú ý lắng nghe, nghe đến đoạn hài hước bà cũng bật lên cười khanh khách, cũng nói vào vài câu, bên cạnh có quạt lông đang lay động làm gió thổi phất phơ khiến bà thật sự thư thái.

Lúc này một cung nữ nhanh nhẹn vào, dịu dàng nói:
- Hoàng thượng, Thái Bình Công chúa xin cầu kiến!

Võ Tắc Thiên đang được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng làm cho tinh thần và thể xác vô cùng thỏai mái, nghe vậy liền cười nói:
- Lệnh Nguyệt đến rồi, cho gọi nó vào!

Một lát sau, Thái Bình Công chúa vẫn ăn mặc cải trang như một nam nhân nhanh nhẹn tiến vào.

Võ Tắc Thiên nhìn thấy cách ăn mặt của nàng không kìm được, bật lên cười nói:
- Sao! Chuyện gì thế này, ai dám bắt nạt con gái yêu của trẫm phải không, hay là phò mã gây chuyện gì khiến con thấy không thỏa mái sao?

Thái Bình Công chúa nặng nề hừ lên một tiếng nói:
- Hắn ư? Hắn dám! Cho hắn thêm lá gan nữa cũng không dám!

Nói xong, Thái Bình Công chúa ngồi lên chiếu, bộ mặt vẫn còn tức giận như trước. Võ Tắc Thiên cũng ngồi xuống, Đoàn Nhi vội vàng mang đệm để dưới mông của bà. Võ Tắc Thiên cười nói:
- Con ngoan, rốt cuộc có chuyện gì khiến con không vui......

- Con....

Thái Bình Công chúa muốn nói nhưng lại thôi, Võ Tắc Thiên hiểu ý lại cười rộ lên:
- Con nha đầu này, bình thường ngươi nói năng không che không đậy, hôm nay lại ấp a ấp úng là thế nào?

Võ Tắc Thiên khoát tay, cười khanh khách nói:
- Được rồi, các ngươi lui hết ra, để trẫm cùng Lệnh Nguyệt nói chuyện thôi.

Thượng Quan Uyển Nhi và Đoàn Nhi liền đứng lên cáo từ, các cung nữ và thái giám bên cạnh cũng từ tư rút lui. Võ Tắc Thiên cầm tay Thái Bình Công khẽ vuốt, nhẹ nhàng nói:
- Con ngoan, rốt cuộc là có chuyện gì? Chính mẹ ruột của mình mà con cũng ngại nói sao?

Thái Bình Công chúa nói:
- Còn không phải Lai Tuấn Thần xử lý mọi chuyện thật tốt sao! Chuyện này người bên ngoài không thể nào quản được, chỉ có thể đến nhờ mẫu hậu đòi lại công bằng mà thôi.

Võ Tắc Thiên ngẩn ra nói:
- Lai Tuấn Thần? Lai Tuấn Thần làm chuyện gì khiến con không vui à?

Thái Bình Công chúa nói:
- Lai Tuấn Thần to gan lớn mật đã cướp mất cửa hiệu của nữ nhi, đây chính là cửa hiệu mà nữ nhi tích cóp mới có được sản nghiệp to lớn thế này, đã có được rất nhiều lợi nhuận, ai ngờ... ..Hắn chẳng những không ủng hộ cửa hàng của nữ nhi mà còn bắt người của nữ nhi mang đi rồi.

Võ Tắc Thiên giật mình kinh hãi nói:
- Không thể nào? Lai Tuấn Thần làm gì có lá gan lớn như vậy? Hắn cũng biết đó là cửa tiệm của con sao, mà hắn lấy danh nghĩa gì để bắt người?