Say Mộng Giang Sơn

Chương 443: Cuộc đối chất trong nội đường



Một bên thư lệnh múa bút thành văn, thoăn thoắt ghi chép lại tất cả những gì các vị quan viên đã nói.

Trình Linh phản bác:
- Thường Lâm thiếu nợ, Phan Quân Nghệ đến đòi nợ, Thường Lâm lại phản kháng, phát sinh ẩu đả, đây chỉ là một vụ ẩu đả bình thường. Còn con trai Thường Lâm giúp cha hành hung, nếu lấy đạo hiếu che lấp tội ác để giảm án cho hắn, như vậy, những kẻ làm xằng làm bậy trong thiên hạ chẳng phải cũng có thể vin vào cái cớ giúp cha mà hành hung rồi hay sao?

Triệu Cửu Long khẽ cau mày, nói:
- Trình tự trực luôn miệng nói Thường Lâm thiếu nợ là bất nghĩa. Phải chăng túc hạ đã quên, đêm thất tịch hôm đó, Phan Quân Nghệ ham sắc mà đã sinh lòng ác, dụ dỗ Thường Lâm đánh cược rồi hay sao? Nếu nói bất nghĩa, chẳng phải Phan Quân Nghệ mới là kẻ bất nghĩa trước sao, cớ sao lại chỉ nhăm nhăm vào chỉ trích Thường Lâm?

Khóe miệng Dương Phàm thoáng nhanh một nụ cười. Hắn biết hai kẻ đang tranh đấu kia nhất định sẽ nhắc tới vấn đề ai sai trước. Ngự sử đài coi như đã chụp vào hắn một cái lưới, chỉ cần hắn thông cảm đứng về phía Thường gia, muốn giúp cha con họ Thường giảm tội thì chỉ có thể theo phe của Ngự sử đài.

Mà nay, so với Ngự sử đài hắn lại nhanh chân hơn một bước. Cái lưới này của Ngự sử đài coi như đã trở thành tự giăng ra cho chính mình rồi. Một khi họ kiên định với ý kiến của mình, thì không còn cách nào khác là phải đứng về phía Dương Phàm.

Bên ngoài sảnh mưa vẫn tiếp tục rơi, càng lúc càng lớn. Trong sảnh, cuộc đấu khẩu giữa Trình Linh đại diện cho Đại Lý Tự và Triệu Cửu Long đại diện cho Ngự sử đài cũng càng lúc càng gay cấn và kịch liệt hơn. Hai người đem tất cả những gì có thể ra để nói lý, về sau đã không thể có thêm ý nào mới nữa nên cứ phải lặp đi lặp lại những điều đã nói ở trên.

Dương Phàm nãy giờ ngồi yên không nói lúc bấy giờ mới bất ngờ lên tiếng:
- Bản quan cho rằng, lời của Ngự sử đài có lý hơn! Pháp do tình đoạn, Phan Quân Nghệ ham sắc sinh lòng ác, mưu đồ gây rối, bức nương tử Trình thị đến chết, Phan Quân Nghệ khó chối được tội này! Sau đó y lại lừa bạc của người khác, trước linh vị của người đã khuất cũng không chút e dè, tội ác tày đình, trời đất khó dung, đều là tội đáng chết!

Triệu Cửu Long nói:
- Nói như vậy, Dương lang trung là đồng tình với ý kiến của ta hay là ý kiến của Đại Lý tự?

Dương Phàm lập tức lắc đầu nói:
- Dương mỗ đồng ý với Đại Lý Tự về việc Phan Quân Nghệ bất nghĩa trước, nhưng về việc cân nhắc mức hình phạt thì ta không đồng quan điểm với Đại Lý Tự.

Hắn nhìn nhìn Trình Linh và Triệu Cửu Long, cất cao giọng nói:
- Pháp lý cũng như tình lý. Tình và Pháp, bên nào nặng bên nào nhẹ? Lúc nào nặng hơn khi nào nhẹ hơn? Lúc nào sẽ không vì chấp pháp một cách cứng nhắc mà hổ thẹn với đạo nghĩa luân lý, khi nào vì xem trọng luân lý mà cọi nhẹ đi hình pháp quốc gia?

Hắn lại nhìn sang hai bên, nói:
- Đây chính là trách nhiệm của chúng ta. Trong những tình huống khác nhau, hoặc pháp thắng tình hoặc pháp phải chịu nhượng bộ cho tình, hoặc cả tình cả pháp đều phải nhượng bộ, dĩ hòa vi quý.

Triệu Cửu Long lập tức chêm lời:
- Ngự sử đài ta đề nghị giảm hình phạt, chính là có ý như vậy!

Dương Phàm lập tức hưởng ứng:
- Ngự sử đài có thể căn cứ vào điểm này suy xét giảm hình phạt, Dương Phàm rất tán đồng! Tuy nhiên sở dĩ Dương mỗ kiên quyết cho rằng Thường Chi Viễn vô tội phóng thích âu cũng có cái lý của Dương mỗ.

Hắn chậm rãi đứng lên, nói:
- Pháp luật của Triều đình xưa nay xem trọng danh giáo. Cho nên, những việc tôn trưởng và ti ấu phát sinh cãi vã, ẩu đả, gây thương tích, giết người vân vân thì ti ấu luôn bị gánh trách nhiệm nặng nề hơn! Nếu cha mẹ giết con cái thì kẻ làm con kia lại không được tố cáo cha mẹ, cha mẹ giết người con cái cũng không được tố cáo.

Nhưng nếu mẫu thân giết chết phụ thân, theo luật pháp triều đình ta phải làm như thế nào? Hai vị am hiểu luật pháp, chắc hẳn đều biết khi đó bất luận là mẹ cả, mẹ kế hay mẹ nuôi, kẻ làm con không bị trói buộc vào lệnh con cái không được tố cáo cha mẹ nữa, phải lập tức tố giác với quan phủ.

Phụ thân cũng là tôn trưởng, mẫu thân cũng là tôn trưởng, vậy phải làm sao đây? Đều là tình thân, cha cao hơn mẹ, bởi vậy, trong hiếu hành, lại xét thêm về cả tôn ti thì tình thân với cha nặng hơn với mẹ, mẹ giết cha thì phải lập tức tố giác. Trình tự trực, Triệu ngự sử, bản quan nói có đúng hay không?

Trình Linh và Triệu Cửu Long thoáng chút do dự, bất đắc dĩ gật đầu. Luật pháp triều đình là vậy, muốn cãi cũng không được.

Dương Phàm tiếp:
- Luật pháp Đại Chu quy định, ông bà, cha mẹ bị người khác đánh, con cháu bấy giờ đánh trả lại đối phương, nếu đả thương đối phương thì chiếu theo tội ẩu đả gây thương tích thông thường để xử phạt. Dương mỗ muốn thỉnh giáo hai vị, người khác đánh tổ phụ mình, đúng là có quan phủ nha môn trừng trị, nhưng cáo với quan phủ thì không ổn rồi, vì sao luật pháp lại quy định con cháu được phép đánh trả để giải cứu tôn trưởng?

Triệu Cửu Long nói:
- Là bởi vì phận làm con cháu, có trách nhiệm tận hiếu đạo nghĩa với tôn trưởng. Mắt thấy tôn trưởng bị người ta đánh mà không cứu, cứ chờ báo với quan phủ thì chữ hiếu của kẻ làm con làm cháu kia ở đâu? Nếu cứ ỷ vào có quan phủ mà bỏ qua luân lý thì lẽ nào lập ra luật pháp là để làm bại hoại đạo đức con người hay sao? Tuy nhiên...

Triệu Cửu Long cau mày, nói:
- Tuy nhiên điều này có gì liên quan tới những gì chúng ta đang bàn bạc ở đây? Thường Chi Viễn cứu cha, vốn dĩ ngay từ đầu Ngự sử đài ta đã cho là việc nên làm. Chỉ có điều cứu cha cố nhiên là hành động xuất phát từ đạo hiếu, nhưng lúc đó không nhất thiết phải giết người mới cứu được cha. Giết người là phạm pháp, cứu cha là đạo hiếu, bởi thế nên ngự sử đài đề nghị giảm hình phạt, có gì không đúng?

Nói tới đây, hai người vô tình đã đem Đại Lý Tự đẩy qua một bên. Vốn là tử tội, xuống giảm án, rồi vô tội, ba việc này dưới sự dẫn dắt khéo léo và tinh tế của Dương Phàm tử tội đã bị gạt sang một bên, bây giờ biến thành là đang tranh cãi nên giảm án hay xử vô tội rồi.