[Song Trọng Sinh] Trọng Tự

Chương 35



____________

Tạ Trùng Tự bưng hai ống tre đựng nước bước vào phòng.

Ngày đó sau khi cập bờ, nàng nghỉ ngơi một chút rồi bắt đầu mò mẫm tìm đường đi, cuối cùng cũng phát hiện ra một thôn trang nhỏ gần đó.

Sáng sớm, trên cánh đồng đã có nông dân đang cày cấy, tiếng chuông buộc trên cổ trâu bò kêu đing đang, nàng hỏi người qua đường thì được biết ở đây là Đông Trang. Nàng lại hỏi nơi này cách Dương Châu bao xa, hóa ra bọn họ đã rời khỏi thành gần ba mươi dặm.

Sau khi rơi xuống dòng nước, hai người bị cuốn vào một nhánh của con sông, rồi cứ thế trôi theo dòng nước, cuối cùng dạt vào bờ.

Tạ Trùng Tự tính toán quãng đường mà bọn họ đã di chuyển và tốc độ tìm kiếm của đám thích khách, chí ít trong vòng mười ngày, nơi đây vẫn coi như an toàn.

Cho dù Sở gia có tai mắt khắp thiên hạ đi chăng nữa thì cũng khó mà tìm tới một nơi thâm sơn cùng cốc thế này. Có khi chúng vẫn đang mải lùng sục trong thành Dương Châu cũng nên, so với sự an nguy của bản thân thì nàng còn thấy lo lắng cho Diệp Trúc hơn.

Có điều trước mắt, Tạ Trùng Tự phải tự lo cho bản thân… và cái người đang bị thương kia trước.

Thấy Tuyên Giác không trả lời, nàng còn tưởng rằng mình đã nhìn nhầm, mang nước đặt lên bàn sau đó định rời đi.

Tuyên Giác đã quen với ánh sáng, chàng mở mắt ra lần nữa, cất tiếng hỏi nhỏ: “Đây là nơi nào?”

Đã mấy ngày không mở miệng nói chuyện, vậy nên giọng nói của chàng hơi khàn.

Tạ Trùng Tự dừng bước.

Lúc này đang là sáng sớm tinh mơ, nàng vừa ra ngoài tản bộ một vòng, trên người còn mang theo hơi ẩm.

Tạ Trùng Tự lau sạch những giọt sương bám trên lông mày và lông mi, đôi mắt hạnh trong vắt, nàng cất tiếng trả lười: “Nhà của một vị tiều phu già, hai vợ chồng họ rất tốt bụng, ta nói chúng ta bị đắm thuyền, muốn xin tá túc vài hôm, thế là họ đã cho chúng ta mượn gian phòng này”.

Nàng chỉ vào phần thân trên và chân phải đang được quấn băng gạc của Tuyên Giác, giải thích để tránh bị hiềm nghi: “Ta nói tay chân mình vụng về, vết thương của chàng đều là do một tay vị lão bá đó bôi thuốc và băng bó. Hôm nay phải thay băng cho chàng để tránh mưng mủ, ở gần đây không có nhiều thảo dược nên lát nữa ta sẽ tới ngọn núi phía trước xem có kiếm được chút thảo dược nào không”.

Tuyên Giác chống người ngồi dậy, trước ngực và sau lưng chàng đều được băng kín, chân phải rất đau, vết thương châm chích như bị lửa nóng thiêu đốt. Chàng thầm suy đoán, ít nhất phải một tháng nữa thì những vết thương này mới lành hẳn.

Tứ chi Tuyên Giác thon dài, các đường nét từ bả vai tới cánh tay và ngực đều mượt mà, mái tóc dài của chàng xõa ra rủ trên mặt đệm, nhìn y như một thác nước đang đổ xuống.

Tạ Trùng Tự liếc nhìn một cái rồi lập tức quay đi, trong lòng thầm nhủ: Phi lễ chớ nhìn.

Tuyên Giác vẫn đang mải nghiền ngẫm thông tin, chàng nói với Tạ Trùng tự: “Điện hạ, áo khoác của ta đâu?”

Thấy Tạ Trùng Tự nhướn mày thắc mắc, Tuyên Giác giải thích: “Bên trong áo có một chiếc túi thơm, cảm phiền điện hạ lấy nó ra cho ta… cái túi thơm mà nàng ném ta ấy”.

Đêm đó đông người huyên náo, Tạ Trùng Tự đâu thể nào cất giọng hét toáng lên gọi chàng được, vậy nên nàng đã lấy chiếc túi thơm từ một ca cơ rồi dùng nó ném về phía Tuyên Giác để gọi chàng.

“Để ta xem xem, sau khi áo của chàng được giặt sạch và phơi khô, đại nương đã giúp ra gấp gọn lại.” Tạ Trùng Tự đi về phía sập gỗ, cầm lấy áo rồi đưa cho Tuyên Giác: “Chàng muốn lấy nó làm gì?”

Tuyên Giác nhận lấy: “Đa tạ, bên trong đó có thuốc”.

Chàng lục lọi tìm rồi lấy ra một chiếc túi thơm, mở ra, sau khi ngâm trong nước, mùi thảo mộc đã nhẹ đi rất nhiều, chàng chọn lựa rồi chia làm bốn phần.

Tạ Trùng Tự thông suốt, người tinh thông y thuật đã tỉnh lại, kẻ nghiệp dư như nàng không cần bận tâm gì nữa. Nàng đặt một chiếc cối nghiền thuốc đơn giản bên cạnh giường, nói với Tuyên Giác: “Chàng còn cần gì nữa không? Ta sẽ lên núi xem thử, nếu chàng thiếu loại thảo mộc nào thì ta sẽ đi kiếm về, có điều chàng cần miêu tả thứ đó trông thế nào, để ta không hái nhầm phải độc dược”.

Tuyên Giác ngẫm nghĩ một hồi, sau đó nói ra tên vài loại thuốc và đặc điểm của chúng. Bỗng chàng cảm thấy trong phòng dường như thiếu thiếu thứ gì, quan sát xung quanh một lượt, hỏi nàng: “Cẩm Quan đâu rồi?”

Tạ Trùng Tự tiện miệng đáp: “À Cẩm Quan hả? Nó đi bán nghệ… à không, phải nói là đi kiếm tiền nuôi sống gia đình mới đúng.”

Tuyên Giác: “???”

Tạ Trùng Tự nghiêm túc trở lại: “Hai người chúng ta một ngày nhiều nhất cũng chỉ ăn hết hai lượng bạc là cùng. Nhưng Cẩm Quan thì rất khó tính kén chọn, chỉ ăn thịt sống, lúc còn ở Dương Châu, một ngày nó ăn hết tận năm lượng lận. Chuyện ngày đó xảy ra quá đột ngột, trên người ta không mang đủ ngân phiếu, chỉ có mỗi năm lạng bạc thì nuôi nó làm sao được?”

Tuyên Giác: “…”

Tạ Trùng Tự chỉ vào bao cổ tay của mình: “Cái này được làm từ sắt đen, chạm khắc tinh xảo, là thứ quý giá nhất trên người ta lúc này, ít nhất cũng phải bán được một trăm lượng… Nhưng thứ này vừa nặng lại vừa cứng, được thiết kế để cho chim ưng đậu lên, chắc hẳn sẽ chẳng có ai bỏ tiền ra mua về. Kể cả có bán cho kẻ học võ như Thích Văn Lan thì hắn cũng chẳng thèm”.

Ánh mắt nàng rơi trên người Tuyên Giác, do dự một hồi rồi nói: “Chàng… còn chẳng bằng ta”.

Nàng bắt đầu hối hận đêm đó không lấy sợi dây có gắn viên ngọc lưu lý kia buộc tóc cho chàng, ít nhất cũng bán được vài lượng!

Tuyên Giác: “…”

Hiếm lắm mới có dịp trông thấy vị chủ tử cao quý vô ưu này phải bận lòng về cơm áo gạo tiền, quả thực rất mởi mẻ.

Tuyên Giác nhất thời không biết nên nói gì, khi đang chuẩn bị cất tiếng thì có người vén rèm đi vào trong, giọng nói của người đó rất cục mịch, hào sảng: “Ôi A Tứ à, con ưng đó của ngươi đúng là rất giỏi, thợ săn nói nhờ có nó mà hôm nay đã bắt được một con lợn rừng đó”.

Lời vừa nói xong, một tiếng kêu của chim ưng vang lên, Cẩm Quan kích động lao từ bên ngoài vào, bay vòng tròn xung quanh Tạ Trùng Tự.

Bỗng, nó cảm thấy có gì đó không đúng, liếc nhìn về phía giường thì đôi cánh đang dang rộng lập tức thu lại, ngoan ngoãn đậu trên tay của chủ nhân.

Con ưng này quả thực rất khôn ngoan.

“Bọn họ đã chia cho nhà chúng ta hơn mười cân thịt đùi, tháng này không cần lo tới chuyện ăn uống nữa rồi.” Lão tiều phu này tuổi tác đã ngoài năm mươi nhưng sức khỏe vẫn rất tốt, giọng nói cũng tràn đầy năng lượng, đột nhiên, hai mắt của ông ấy mở to, “Ơ ca ca của ngươi tỉnh rồi sao?”

Tạ Trùng Tự và con chim ưng cùng nhau ngoan ngoãn gật đầu, nàng nói: “Vâng, à đúng rồi Vương bá bá, buổi chiều bá có thể lên núi cùng ta không? Cẩm Quan vẫn phải săn bắt thức ăn lấp đầy bụng, nếu không nó sẽ ăn hết mười cân thịt của bá đó!”

Tạ Trùng Tự rất giỏi làm nũng và lấy lòng người lớn tuổi, chỉ cần nàng muốn thì sẽ chẳng có vị trưởng bối nào không thích nàng.

Vương bá vui vẻ nhận lời, ông còn hỏi thăm tình hình vết thương của Tuyên Giác vài câu, sau đó mới chắp tay ra sau rời khỏi.

Tuyên Giác cau mày.

Tạ Trùng Tự thấy vậy liền hỏi: “Không có gì bất thường chứ?”

Tuyên Giác lắc đầu, nói: “Tất cả đều bình thường. Nhưng nhiều nhất là năm ngày, chúng ta phải rời khỏi đây. Ở lại lâu sẽ mang tới rắc rối cho họ.”

Con ưng của Tạ Trùng Tự quả thực rất dễ gây chú ý.

Cẩm Quan thấy ánh mắt của Tuyên Giác nhìn mình thì lập tức đờ người đứng thẳng dậy, Tạ Trùng Tự không nhin nổi mà phì cười, nói: “Cẩm Quan sợ chàng thật đó. Được rồi, vậy thì mấy ngày này chúng ta sẽ chuẩn bị đủ thảo dược, năm ngày sau sẽ đi”.

Chập tối, Tạ Trùng Tự và Vương bá từ trên núi trở về, trong giỏ trúc sau lưng nàng có hai con thỏ, một con sóc và cả ba bốn con rắn đang thoi thóp. Một nửa trong số này thuộc về Cẩm Quan, nàng đưa một con thỏ cho Vương đại nương nấu bữa tối, còn một con rắn, Tạ Trùng Tự nhờ Vương đại nương nấu giúp mình một bát súp thanh nhiệt hạ hỏa, rồi bưng tới cho Tuyên Giác.

Nàng đặt lên tủ vài loại thảo mộc mà mình đã hái được như thiên thảo, địa du, tử thảo, nói: “Chưa tìm được hà thủ ô, ngày mai ta sẽ tới phía bắc xem thế nào”.

Trên người Tuyên Giác không có nhiều vết bỏng, chỉ có ở sau lưng và cẳng chân thôi, nhưng đó đều là các vị trí liên quan tới vùng khác. Vết thương trên lưng sẽ ảnh hưởng tới việc nâng và duỗi tay, còn vết trên chân sẽ khiến việc đi lại trở nên khó nhọc.

Vậy nên chàng rất hạn chế vận động, tới tối ngày thứ ba, khi thấy vết thương đã đỡ đau hơn một chút, chàng nói với Tạ Trùng Tự: “Điện hạ, nàng lên giường ngủ đi”.

Đâu có lý nào một vị công chúa cành vàng lá ngọc như nàng phải nằm co quắp trên chiếc sập chật hẹp lạnh lẽo, còn chàng thì thảnh thơi ngủ trên chiếc giường chăn ấm đệm êm.

Lúc này, Tạ Trùng Tự đang nằm trên sập, đầu gối lên cánh tay, quay đầu ngắm nhìn bầu trời ngoài cửa sổ.

Thầm tính toán, hôm nay đã là mùng bốn tháng mười, mặt trăng hình lưỡi liềm như thêm tô điểm cho bầu trời rực sáng ánh sao. Nàng chẳng thèm quay đầu lại, cất tiếng: “Bảo chàng ngủ trên đó thì cứ ngủ đi, còn nói nữa có tin ta trèo lên ngủ cùng chàng không?”

Tuyên Giác: “…”

Chàng chậm rãi phun ra một câu: “… cũng không phải là không thể”.

Tạ Trùng Tự suýt chút nữa thì ngã lăn từ trên sập xuống, nàng hơi bối rối, thổi tắt đèn rồi mở miệng: “Ngủ đi”.

Đêm khuya yên tĩnh, trong bóng tối mịt mờ, Tạ Trùng Tự cất tiếng hỏi: “Chúng ta tiếp tục đi xuống phía nam sao?”

Theo tin tức mà nàng thu thập được mấy ngày qua, đường trở về phương bắc đều đã bị đám thị tộc cho người canh giữ, đồng nghĩa với việc bọn họ không thể trở lại kinh thành.

Tuyên Giác cười một tiếng: “Ừ, tới Tô Châu”.

Chạng vạng ngày thứ năm, Tạ Trùng Tự đã trấn lột số bạc mà Cẩm Quan kiếm được, tới chợ mua một cỗ xe ngựa thô sơ. Nàng còn mua vài bộ váy áo và phụ kiện, ôm chúng trở về phòng, nói với Tuyên Giác: “Thu dọn xong đồ là có thể lên đường rồi “.

Tuyên Giác nhìn ba bộ váy áo mà nàng mua, thắc mắc: “Điện hạ… định mặc váy sao?”

Tạ Trùng Tự lắc đầu.

Tuyên Giác lập tức có một dự cảm chẳng lành.

Quả nhiên, chàng thấy Tạ Trùng Tự cầm mấy bộ trang phục nữ tử đó lên ướm thử lên người mình, sau đó hài lòng nói: “Tốt rồi, kích cỡ đều vừa vặn”.

Tuyên Giác: “…”

Chàng thực sự rất muốn gõ vào đầu Tạ Trùng Tự, xem xem trong đó chứa cái gì.

Tạ Trùng Tự gấp gọn những bộ trang phục có thể coi như trung tính đó, rồi nói: “Ly Ngọc, chúng ta phải thay đổi y phục và cải trang. Trước đó ta và chàng đều là nam tử, vậy nên bây giờ đổi thành một nam một nữ là thích hợp nhất, như vậy có thể tránh được tai mắt của đám người kia”.

Tuyên Giác khéo léo mở miệng: “Vóc dáng của ta và nàng chênh lệch, không tỏa đáng chút nào”.

Dáng người của Tạ Trùng Tự đã được coi là cao so với nữ tử, vậy mà Tuyên Giác còn cao hơn nàng ít nhất một cái đầu. Nếu nhất định phải có người hóa thân thành nữ giới, Tạ Trùng Tự là thích hợp hơn cả.

Tạ Trùng Tự lại làm như không hiểu: “Ôi chao, ta định cải trang thành một đôi phu thế. Thê tử cao gầy còn trượng phu thì thấp bé khỏe mạnh, chuyện này cũng đâu có hiếm! Hơn nữa khác lạ mới tốt, chàng đóng giả nữ ta đóng giả nam, bọn chúng chắc chắn sẽ không ngờ tới đâu”.

Nàng ngưng lại một chút rồi nghiêm túc nói: “Còn nữa Ly Ngọc à, chân chàng đang bị thương, mấy chuyện như xuất đầu lộ diện hay lượn lờ chào hỏi đều phải nhờ vào ta, ta cải trang thành nam sẽ tiện hơn”.

Không biết trong mấy câu này có ý nào đã đánh trúng Tuyên Giác, con ngươi chàng khẽ lay động, dưới ánh nến bập bùng, đôi mắt đó trở nên vô cùng dịu dàng.

Sau đó, chàng khẽ mở miệng nói: “Được”.

Thấy Tuyên Giác đã đồng ý, Tạ Trùng Tự rất hứng khởi: “Nào qua đây, ta giúp chàng dịch dung. À, phải chải tóc trước đã”.

Trên lưng Tuyên Giác bị thương nên chàng không thể nâng tay lên quá cao được, vì vậy mấy ngày nay tóc chàng chỉ được buộc lại đơn giản sau gáy.

Tạ Trùng Tự đi vòng ra sau giúp chàng cởi ra, mái tóc đen xõa tung như nét mực nhòe trên tờ giấy Tuyên thành.

Giống như bao lần trước đây, dưới ánh lửa nhảy múa bập bùng, nàng cầm chiếc lược ngà lên cẩn thận chải tóc cho chàng.

_____________