[Song Trọng Sinh] Trọng Tự

Chương 40



__________

Rượu đêm qua nàng uống là rượu gạo do khách điếm tự ủ, ban đầu nhấm nháp thì chỉ thấy vị dịu ngọt, nàng còn tưởng rượu không nặng nên đã uống kha khá. Nào ngờ rượu ngấm từ từ, sau khi trở về phòng mới phát huy công lực.

Tạ Trùng Tự uống rượu xong không gây chuyện, càng không đập phá chửi bới người. Ngày trước mỗi khi nàng say đều được Tuyên Giác chăm sóc, chàng lại chẳng nhắc tới những chuyện đã xảy ra, vậy nên Tạ Trùng Tự quả thực không biết trạng thái sau khi say của mình.

Trong lòng nàng nơm nớp, chỉ sợ lúc không tỉnh táo lỡ miệng hoặc làm ra chuyện gì đó thiếu đạo đức...

Lỡ miệng còn đỡ, cùng lắm thì nàng cũng chỉ nói ra những ai oán đau thương của kiếp trước mà thôi, dẫu sao Tuyên Giác cũng chẳng hiểu.

Còn những hành vi thiếu đạo đức... Ôi thật không dám tưởng tượng.

Nàng đành cười trừ rồi vội vã bỏ tay áo chàng ra: “Xin lỗi, xin lỗi nhé”.

Tạ Trùng Tự âm thầm quan sát Tuyên Giác, nhìn từ vành tai, cổ rồi tới sườn mặt xem có dấu vết gì khả nghi hay không.

Bỗng, trái tim nàng hẫng một nhịp.

Khóe miệng Tuyên Giác hơi sưng đỏ, kết hợp cùng mái tóc dài xõa tung, trông chàng lúc này hệt như một “cô nương” vừa bị người ta chà đạp. Ánh mắt của vị “cô nương” đó lúc này đây sáng lấp lánh, chẳng dám nhìn thẳng vào mắt nàng.

Tạ Trùng Tự nhìn kỹ thêm ba bốn lần, sau đó trái tim như rơi bịch xuống đất... Nàng quả thực không nhìn nhầm. Vết thương trên khóe môi Tuyên Giác kia không thể nào là do chàng tự cắn được!

Tạ Trùng do dự cất tiếng thăm dò: “Cái đó... đêm qua ta uống quá chén, không làm gì hay nói gì mạo phạm thất lễ chứ?”

Tuyên Giác nhìn lướt qua nàng rồi mới mở miệng: “Không có”.

Chàng đứng lên rồi tiếp tục nói: “Sau khi điện hạ về phòng thì ngủ luôn. Ta xuống dưới lầu kêu người chuẩn bị bữa sáng đây, ta sẽ hỏi thăm hành trình của phu thê Lâm Mẫn. Chúng ta phải mua xe đổi ngựa mất một ngày để không lên đường cùng thời điểm với bọn họ”.

Tạ Trùng Tự: “...”

Nàng ấp úng nhận lời, đợi Tuyên Giác đi khỏi mới dùng nước lạnh tạt lên mặt, cố gắng nhớ lại chuyện đêm qua. Vài mảnh ký ức vụn vỡ hiện lên trong tâm trí nàng...

Hai cánh môi dính lấy nhau, ánh mắt kìm nén không biết là giận dữ hay kinh hãi của Tuyên Giác…

Đầu Tạ Trùng Tự đau như búa bổ, cả ngày đều tránh mặt chàng. Lâm Mẫn ngày trước từng một thời phong lưu nên vừa nhìn đã nhận ra có gì đó không đúng, hắn nháy mắt rồi áp sát lại gần Tạ Trùng Tự hỏi thăm: “Sao vậy? Cãi nhau với phu nhân à?”

Tạ Trùng Tự mặt không cảm xúc: “Say rượu nói nhảm nên bị phạt quỳ trên ván giặt cả đêm”.

Lâm Mẫn tặc lưỡi, không ngờ một người trông có vẻ dịu dàng, nhu thuận lại có thể nghiêm khắc tới thế. Suy cho cùng phu nhân nhà mình vẫn tốt hơn, tuy miệng lưỡi có hơi ngoa ngoắt nhưng tâm địa lại mềm mỏng.

Nghĩ tới đây, hắn vội vã chỉnh chang lại quần áo rồi nghênh ngang chạy đi tìm phu nhân của mình. Trước khi đi còn không quên vỗ vai Tạ Trùng Tự: “Đàn ông cần phải biết dỗ dành thê tử của mình, khi ra ngoài thì phải hộ tống, khi có mệnh lệnh thì nghe theo, khi được ra chỉ thị thì phục tùng, nói trắng ra thì là chờ đợi, cam chịu và nhẫn nhịn. Đừng cố cãi làm gì, đợi các nàng ấy vui trở lại là ổn thôi!”

Tạ Trùng Tự; “…”

May mà sau hai ngày nghỉ ngơi, phu thê hai người đã khởi hành nên Lâm Mẫn không còn cơ hội truyền thụ thứ gọi là “tam tòng tứ đức” mà tự bản thân hắn khám phá ra cho nàng nữa.

Ngày thứ hai sau khi hai người bọn họ rời khỏi, Tạ Trùng Tự cũng bắt đầu chuẩn bị hành trang lên đường. Nàng mua hai con ngựa chứ không dùng xe ngựa nữa, mái tóc dài buộc cao, thay một bộ trang phục thoải mái, hóa trang thành một vị thiếu niên lang ngao du giang hồ.

Hiện tại đã vào cuối tháng mười, vết thương trên người Tuyên Giác đã sắp khỏi hẳn, không cần ngồi xe nữa. Chàng đổi sang nam trang, quay trở về với dáng vẻ xuất chúng, phong quang tế nguyệt của công tử thế gia ngày trước.

Tạ Trùng Tự quét mắt sang một cái rồi vội nhìn đi nơi khác, tâm trí rối như tơ vò.

Cảm xúc quả đúng là thay đổi theo tình thế.

Lúc ở trong cảnh tan thương khốn cùng, lòng người dễ dao động, cáu bẳn và hằn học. Còn khi thái bình thịnh thế, trái tim con người ta lại trở nên dịu dàng hơn, có thể bao dung với những điều không suôn sẻ.

Hết thảy mọi thứ trong kiếp trước đều do hoàn cảnh cùng mâu thuẫn gây ra, Tạ Trùng Tự hiểu, nàng cũng tách biệt rõ kiếp trước và kiếp này. Mọi ân oán trong kiếp trước đều đã tan biến, đâu thể mang theo nỗi hận đi tới ngày hôm nay.

Nhưng nàng vẫn phần nào cảm thấy nao núng, nàng sợ. Nỗi sợ mà chỉ cần nghĩ tới thôi cũng phát run lên.

Thứ nhất, nàng sợ Tuyên Giác không thể làm quan, đi lên vết xe đổ của tiền kiếp; thứ hai, nàng sợ tình cảm một khi đã không còn, tất cả những điều tươi đẹp trước đó đều sẽ vỡ tan; thứ ba…

Nói ra thì cũng buồn cười, nàng ấy à, cho tới tận khi nhìn thấy bức tranh đó mới dám tin rằng Tuyên Giác thật sự yêu mình.

Trong tranh, nàng mặc áo đỏ cưỡi ngựa đỏ, tay giương cung nhắm bắn một con nai, lạc khoản đề “Thái Nguyên năm thứ năm – Giác vẽ”. Bức tranh được vẽ trước khi các đại gia tộc rơi đài hai tháng. Khi nàng tìm thấy nó thì đã là mười năm sau.

Tình cảm trong suốt mười năm đằng đẵng được giấu kín trong bức tranh phủ kín bụi bặm. Nàng chẳng hỏi, chàng cũng chẳng nhắc đến. Tấm lòng vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu nhưng chẳng ai dám tin.

Thứ ba, trong nàng đã không còn tồn tại thứ cảm xúc sôi trào như ngày đó, bất chấp tất cả để tiếp cận một người. Nếu nàng không chủ động, hai người bọn họ đâu thể ở bên nhau.

Thứ tình cảm được vun đắp trong thời gian dài và sự ái mộ nồng cháy thời niên thiếu khác biệt quá lớn. Trong tim nàng vẫn còn tình yêu, nhưng quả thực không còn dũng khí để theo đuổi nó nữa. Vậy nên chi bằng cứ như hiện tại, quân tử chi giao, không cần lo lắng sẽ mạo phạm tới chàng.

Mang theo suy nghĩ này, cử chỉ cùng lời nói của Tạ Trùng Tự trở nên cẩn trọng hơn, lúc nào cũng đắn đo do dự, khác xa với dáng vẻ thẳng thắn cởi mở mọi ngày.

Tuyên Giác không hé môi nửa lời, cũng không biết chàng đang nghĩ gì.

Khi sắp tới Tô Châu, hai người ghé vào một quán trà ven đường nghỉ chân, chàng cất tiếng hỏi: “Sư huynh và sư tỷ của nàng làm việc có đáng tin không?”

Đúng lúc này tiểu nhị bưng trà tới, chàng dùng mu bàn tay thử nhiệt độ, thấy độ ấm vừa phải thì rót trà vào chén rồi đẩy tới trước mặt Tạ Trùng Tự: “Sao vẫn chưa thấy bọn họ”.

Tạ Trùng Tự ngẫm nghĩ một hồi sau đó thành thực nói: “Không đáng tin, nhưng nếu có cơ hội ra ngoài thì họ sẽ không bỏ lỡ, khi hai chúng ta trôi theo dòng nước từ thành Dương Châu tới Đông Trang, ta không để lại ký hiệu, có lẽ sư huynh sư tỷ sẽ mất thời gian tìm kiếm”.

Tuyên Giác gật đầu, bưng ly trà lên nhấp một ngụm: “Nếu vậy, sau khi tới Tô Châu nàng có dự định gì? Người của Tề gia đa số đều làm quan chứ không kinh doanh như Sở gia, bọn họ làm việc vô cùng cẩn trọng, sẽ không dễ dàng để lại sơ sót. Sống giữ mình mấy chục năm nay, cả trong lẫn ngoài đều trong sạch”.

Nếu không thì Tuyên gia đã chẳng giao du cùng bọn họ.

Tạ Trùng Tự hiểu rõ điều này.

Sau ngày rơi xuống nước, hai người đã thảo luận về đám thích khách và trận hỏa hoạn đêm đó. Ở thành Dương Châu, dám hành động một cách lộ liễu bất chấp hậu quả như vậy thì chỉ có Sở gia mà thôi. Sau cuộc nói chuyện với binh lính canh giữ cổng thành thì suy đoán này càng được chứng thực hơn.

Sở gia mượn tay của đủ hạng người để làm những việc ác độc mà không sợ bị liên lụy, nếu so sánh thì Tề gia ở Tô Châu có chừng mực hơn rất nhiều.

Có thể vì gia huấn đã dạy “mãi trung thành như buổi ban sơ”, hoặc cũng có thể vì gia tộc mang họ trùng với quốc hiệu, lo sợ không cẩn thận sẽ khiến chữ “Tề” bị vấy bẩn nên luôn hành xử cẩn trọng. Bọn họ đúng là chẳng có gì để điều tra.

Nhưng vẫn có ngoại lệ.

Tạ Trùng Tự đặt ly trà xuống, mặt không cảm xúc mở miệng: “Khoảng thời gian trước Tam ca từng điều vài người của Tề gia vào kinh, lấp đầy vào những chức vụ còn trống, có vẻ như rất xem trọng. Chàng nói xem, Tề gia phải chăng đã mang theo tâm tư gì đó mà qua lại với huynh ấy?”

Tuyên Giác hơi sững lại.

Có Tạ Trị làm nền, Tam hoàng tử Tạ Ôn có thể nói là một người biết tiến biết lui, chiêu hiền đãi sĩ, có danh tiếng không nhỏ trong triều. Những kẻ nắm giữ quyền thế nảy sinh tâm tư muốn phò tá hắn lên ngôi âu cũng chẳng có gì lạ.

Ở kiếp trước Tề gia quả thực có ý định này nhưng được che giấu rất kỹ, Tam hoàng tử điều động người nhưng cũng không trực tiếp ra mặt mà giao cho thuộc hạ dưới trướng, chờ đợi thời cơ để leo lên, như vậy cả hai bên đều có lợi.

Nhưng sao Nhĩ Ngọc lại biết? Tạ Trị nói với nàng ư?

Kiếp này thái tử điện hạ giác ngộ sớm vậy sao?

Tuyên Giác không hỏi, gương mặt hơi lộ ra nét kinh ngạc, chàng đang định nói gì đó thì nghe thấy bên cạnh có quan khách than thở: “Lại có thôn bị cướp sao?”

“Đúng vậy, đám thổ phỉ núi Nam Hoa này đến bao giờ mới bị diệt trừ đây”

Tuyên Giác và Tạ Trùng Tự cau mày trầm ngâm, lắng nghe cuộc đối thoại của hai ông cụ vừa đi làm đồng về kia.

“Lần này có nhiều người bị thương không?”

“Vẫn như trước, đưa tiền thì không bị giết, không có tiền thì bị chém vào đao, có sống được hay không thì chỉ biết nghe ý trời”

“Quan phủ cũng thật là, sao không diệt trừ mà vẫn để chúng nhởn nhơ như vậy”

“Cũng không thể nói vậy được, năm nào triều đình chẳng phái quân tới trấn áp? Theo ta thấy là do đám người đó ham ăn nhác làm, không thể trách quan phủ được… Nhưng mà, ôi, lúc nào ta cũng nơm nớp lo sợ, đợi mùa vụ năm nay kết thúc, ta và bà nhà sẽ chuyển tới nhà con trai ở, cách xa nơi này ra”.

Tạ Trùng Tự nở nụ cười giễu cợt, năm nào cũng trấn áp mà thổ phỉ vẫn nhởn nhơ… Tất cả cũng là do đám quan phủ không mạnh tay trấn áp, ngoảnh mặt làm ngơ! Nếu không có đám thổ phỉ ấy thì bọn chúng biết viện cớ gì để xin triều đình cứu trợ?

Tên đầu gỗ Thích Văn Lan từng cầm quân đánh vào hang ổ của thổ phỉ, tới ngày thứ hai đã đại thắng, mấy tên quan viên ở Giang Nam lập tức muốn mời hắn trở về kinh. Bọn chúng nói một đống lời tâng bốc nịnh nọt, nhưng cuối cùng đại ý vẫn là “tiểu tướng quân mà bị thương thì bọn chúng không gánh nổi trách nhiệm”, chúng sợ Thích Văn Lan thật sự làm tới cùng, tiêu diệt sạch đám thổ phỉ sài lang ở đây.

Nghe thấy tiếng cười của Tạ Trùng Tự, Tuyên Giác ngẩng lên nhìn, chàng hỏi: “Nàng cười gì vậy?”

Tạ Trùng Tự nhún vai, mắng: “Một lũ vô dụng ăn không ngồi rồi.” Thấy Tuyên Giác phì cười, nàng nổi hứng, vuốt cằm hỏi chàng: “Chàng thấy sao hả Ly Ngọc? Văn Lan đã kể với chàng chuyện hắn từng được “mời” trở về kinh chưa?”

Tuyên Giác gật đầu: “Ừ, hắn từng kể. Về chuyện của thổ phỉ, triều đình tốt hơn hết là ngồi yên không làm gì cả”.

Hai người uống xong trà, nghỉ ngơi một lúc, trả tiền rồi tiếp tục lên đường. Tạ Trùng Tự leo lên ngựa, hỏi chàng: “Hả? Sao lại nói vậy?”

“Giang Nam nhiều núi địa hình phức tạp, trong buổi loạn lạc xuất hiện thổ phỉ thì không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng khi thái bình thịnh thế mà chúng vẫn nhởn nhơ thì có thể thấy rõ rằng quan phủ không chấp chính. Đám quan lại chỉ nhăm nhe vào số tiền triều đình cứu trợ hàng năm, không phát nữa là được. Có lẽ sẽ loạn một hai năm.” Tuyên Giác nhẹ nhàng nói: “Loạn xong rồi sẽ hết, số của cải mà đám thổ phỉ cướp được rất dồi dào, có thể bổ sung vào ngân khố”.

Cách này từng có người nhắc tới, phụ hoàng và hoàng huynh nàng cũng từng cân nhắc nhưng vì quá mạo hiểm nên đành bỏ qua.

Nàng hỏi một câu thay cho phụ hoàng và hoàng huynh mình: “Vậy trong một hai năm loạn đó phải làm thế nào?”

Dứt lời mới thấy câu hỏi này thật ngu ngốc, sách lược phải căn cứ theo tình hình, miễn sao kết quả cuối cùng thành công là được.

Nếu lúc này đang thảo luận cùng trưởng bối hoặc đồng môn, Tuyên Giác sẽ chỉ nói ra những suy tính trung dung, vô thưởng vô phạt. Nhưng đối phương lại là Tạ Trùng Tự, chàng do dự nửa khắc rồi nói ra cách nghĩ thực sự của bản thân: “Không có cách nào cả, điện hạ, có những con đường tuy mang tới rất nhiều xáo trộn, nhưng chỉ cần cục diện cuối cùng ổn định thì đều được tính là thành công. Rất khó để nói hết ưu nhược điểm của những hỗn loạn này trong vài lời, chỉ cần… không hối hận là đươc”.

Không hối hận là được.

Tạ Trùng Tự khẽ “ừ” một tiếng rồi trêu chọc: “Này, chàng rất hợp với Quỷ Cốc đó”.

Đệ tử của Quỷ Cốc khi loạn thế nhất định sẽ lộ diện, lấy thiên hạ làm bàn cờ, chúng sinh là sĩ tốt, thậm chí nếu cần thiết họ sẽ đưa cả bản thân vào thế cục, chọn ra con được tối ưu nhất.

Luật pháp Đại Tề xưa nay luôn theo đuổi sự ổn định, tôn chỉ do tổ tông để lại đâu thể nói sửa là sửa ngay. Những lời vừa rồi của Tuyên Giác có thể coi là đại nghịch bất đạo, nhưng Tạ Trùng Tự lại cảm thấy rất hợp ý mình, âu cũng là nhờ phúc của các vị sư huynh sư tỷ khác thường kia.

Tuyên Giác cười rồi nói: “Coi như điện hạ đang khen ngợi ta”.

Tạ Trùng Tự nhướn mày, định nói “đương nhiên là khen chàng rồi”, nhưng lại cảm thấy làm vậy thì thân mật quá, vậy nên nàng chỉ cười, sau đó vung roi, thúc ngựa tiếp tục chạy về phía nam.

Gió thu thổi rì rào, cánh đồng lúa vàng ruộm dập dờn nổi sóng.

______________

Lúa mỳ ở thành Dương Châu vừa được thu hoạch, Ngô đại nương đã mua bột mỳ để chuẩn bị làm mẻ bánh kiều mạch mới.

Gần đây bà thu nhận một tiểu cô nương giúp việc, anh trai duy nhất của nàng đã chôn mình trong biển lửa, chẳng còn chỗ để đi, Ngô đại nương thấy vậy thì tạm thời thu nhận nàng.

Tiểu cô nương nói mình tên “Diệp Chi”, chân tay nhanh nhẹn, dù nấu ăn hay thêu thùa cũng đều rất giỏi. Việc làm ăn của cửa tiệm trong tháng này tốt lên rất nhiều, đều là nhờ vào công lao của nàng ấy.

Ngô đại nương càng ngày càng thích, thấy Diệp Chi mãi chưa rời đi, bà nổi lên ý định muốn nhận nuôi nàng. Bà không con không cái, có người hàng ngày bầu bạn, về già có người chăm sóc vẫn hơn. Những năm qua bà đã tích lũy được một khoản tiền kha khá, đủ để chuẩn bị hồi môn cho nàng.

Diệp Trúc không biết Ngô đại nương có ý nhận mình làm con gái nuôi, cha mẹ ruột của nàng hiện tại vẫn đang sống ở thảo nguyên, rất khoẻ mạnh.

Hôm nay, nàng nhận bột mỳ từ tay Ngô đại nương rồi giúp bà cán bột làm bánh, sau khi bán được vài lồng hấp bánh bao, nàng lấy cớ đi tới thư quán trên phố Văn Xương, gửi đi bức thư thứ tư trong tháng.

Nàng không dám gửi nhiều, sợ sẽ bị kẻ khác chú ý, cũng không dám gửi trực tiếp tới hoàng cung, sợ nửa đường bị chặn lại.

Thư của nàng đều được gửi tới Thích phủ.

Nhưng những lá thư trước đó đều như đá chìm xuống đáy biển… không biết có được gửi tới nơi hay không.

Thành Dương Châu vẫn tra xét rất nghiêm ngặt, quan binh thi thoảng vẫn tiến hành trục vớt gì đó trên sông. Diệp Trúc đắn đo suy nghĩ, nàng cho rằng đêm đó điện hạ và tam công tử đã nhảy xuống sông trốn thoát.

Quan binh tra xét rất nghiêm ngặt, nàng không có giấy thông hành nên chẳng thể nào ra khỏi thành, chỉ đành tạm thời lưu lại nơi đây.

Gửi xong thư, Diệp Trúc trở về cửa tiệm của Ngô đại nương với tâm trạng lo lắng, chắc nàng sẽ không bị kìm chân tại đây tới vài năm đâu nhỉ?

Nàng trở về căn phòng mà Ngô đại nương chuẩn bị cho mình, phòng không lớn nhưng được trang hoàng rất ấm áp, ở đầu giường còn có một con thỏ bông.

Diệp Trúc chưa kịp đóng cửa thì lồng ngực bỗng nhiên co thắt lại, suýt chút nữa nàng đã hét lên. Có người đang ngồi trên chiếc ghế mộc trong phòng, người đó toàn thân mặc đồ trắng, ở cổ tay và cổ áo có thêu hoa văn mây vân thẫm màu.

Nghe thấy tiếng động, người đó quay lại.

Lúc này Diệp Trúc mới phát hiện đối phương là một cô gái thanh lệ thoát tục, trên mặt không có bất cứ biểu cảm nào, ánh mắt cũng không hề dao động, nhìn y như một con búp bê bằng sứ. Trên vai nàng ấy có một con chim trông rất kỳ quái đang đậu, nhỏ hơn chim ưng rất nhiều, trông cũng chẳng giống chim sáo hay quạ.

Có lẽ do cô gái này có tướng mạo ưa nhìn không giống kẻ xấu, vậy nên Diệp Trúc chỉ lùi lại về sau một bước chứ không hét lên, nàng cất giọng hỏi: “Cô nương là?”

Cô gái giơ tay lên thực hiện một vài động tác.

Diệp Trúc nhìn không hiểu, lắp bắp: “Ta… ta không biết ngôn ngữ ký hiệu”.

Bỗng nàng nghe thấy một thứ thanh âm lanh lảnh cất lên: “Tạ sao trên người ngươi lại có dấu vết của dạ lai hương? Còn có ai khác ở cạnh ngươi ư?”

Giọng nói như tiếng cú đêm rít lên này khiến da đầu Diệp Trúc tê dại, suýt chút nữa thì nàng đã hét lên, trong lòng thầm nghĩ, cô nương này có tướng mạo không tồi, thế mà sao giọng nói lại khó nghe tới vậy.

Giây tiếp theo, nàng trợn tròn mắt nhìn vào con chim đậu trên vai nàng ấy, miệng nó đang đóng mở.

Tiếng nói vừa rồi là của con chim này!

Hóa ra ngôn ngữ ký hiệu ban nãy không phải dành cho nàng mà là để cho con chim biết thuật lại lời của chủ nhân này xem!

_____________