Sự Nhầm Lẫn Tai Hại

Chương 44: Chúng ta là bờ vai của nhau



Giữa tháng, cuối cùng Mẹ Tống Thư Ngu cũng đến Tế Thành.

Lúc hai người đến sân bay, lòng bàn tay cô ướt đẫm mổ hôi. Ôi ngày cuối thu!

Tống Thư Ngu miệng cười suốt, kể từ sau hôm thứ Hai đến ủy ban đăng ký anh giữ điệu bộ này mãi không đổi. Tâm My bực mình: “Này, chúng ta đúng là châu chấu trên dây thừng, anh đừng giữ suốt bộ mặt như đang xem phim hay thế được không? Mẹ anh mà không thích em, anh thành bánh kẹp Orion đấy!”.

“Yên tâm”, anh chỉ nói đúng hai từ.

Đã nhìn qua ảnh, nhưng trông thấy người thật lại càng... Tâm My không thể tìm được tính từ nào thích hợp cả.

Mẹ chồng tương lai không cao bằng cô, cơ thể nhỏ bé này sao có thể sinh được hai anh em Tống cá trê? Cô tự hỏi. Còn người đi phía sau mẹ chồng, bộ râu đỏ quạch, ít cũng phải cao một mét chín mươi hai, trời lạnh như cắt chỉ mặc đúng chiếc áo caro, ông tay xắn cao để lộ đôi tay đầy lông lá.

Nhìn thấy bộ đôi từ xa, Tâm My rớt luôn cằm: Phiên bản người thật của Tarzan sao?

“Bác gái.”

Mẹ chồng tương lai hơn mẹ cô mấy tuổi, tóc bạc nửa đầu nhưng chưa từng nhuộm, gương mặt giữ gìn rất tốt, chỉ có đuôi mắt có mấy vết chân chim, miệng cười mắt nhìn cô cẩn thận như thăm dò giống hệt Tống Thư Ngu. Tâm My thở phào một hơi, yên tâm.

“My My, có phải nên gọi mẹ rồi không nào”, câu nói vừa dứt, mặt Tâm My đỏ bừng, liếc mắt nhìn Tống cá trê, như thể anh em chiến hữu đang bá vai bá cổ cùng Tarzan mỉm cười nhìn cô.

“Con dâu?”, bố dượng Tống cá trê có giọng nói trầm ấm.

Tâm My còn mải nghĩ tại sao ông râu đỏ này lại gọi mình là con dâu, cách xưng hô đó có nhầm lẫn? Một giây sau, tay Tarzan kéo cô vào lòng, khiến cô loạng choạng, trợn mắt không nói gì nhìn Tống cá trê đứng bên đang cười ngặt nghẽo để kêu cứu, cũng may mẹ chồng tương lai giải thoát: “Đứng chật cả sân bay rồi, về nhà”.

“Mẹ vẫn lo lắm, mẹ Tiểu Tống nỡ để mặc hai đứa con mà ly hôn, nhất định là nhân vật nhẫn tâm dã man. Mẹ nghĩ tốt nhất lấy nhau xong đừng ở cùng mẹ chồng, một năm gặp mặt mấy lần hỏi thăm là được. Xem ra trước đây đã lo thừa rồi.”

Tâm My nhớ đến câu nói của mẹ mà mướt mải lau mồ hôi.

Sau khi gặp mẹ chồng sẽ là màn gặp mặt của hai nhà, trước đó Tâm My thấp thỏm không yên, ai ngờ cũng chỉ là lo thừa.

Mẹ chồng tương lai tuy ra ngoài đã lâu, nhưng không hề bắt bẻ xoi mói như cô tưởng tượng, ngược lại, rất hiểu và tôn trọng nhau. Họ nói căn nhà của Tống Thư Ngu là nhà mới của cô và anh, thế là kiên quyết ở khách sạn, điều này khiến Tâm My rất cảm kích. Còn bố dượng của Tống Thư Ngu vô cùng thú vị, tiếng Trung nửa câu không biết nên gây ra cả đống trò cười.

Lần đầu tiên phụ huynh hai bên gặp mặt, ai nấy đều vô cùng phấn khởi, hào hứng. Mẹ cô và mẹ chồng đều là người miệng lưỡi giảo hoạt, một người nói: “Tâm My nhà tôi từ nhỏ đến lớn được nuông chiều, nhân tình thế thái không hiểu hết, nếu có chỗ nào thất lễ mong bên thông gia đừng trách, mong hãy hết lòng dạy dỗ cháu”. Người kia nói: “Thư Ngu sống tự lập nhiều năm, mọi cái đều nhờ anh em bạn bè chăm sóc, nghe nó kể không biết bao lần trong điện thoại về ông bà, tôi phải vô cùng cảm ơn ông bà mới phải. Nhắc đến mới nói tính khí nó lì lợm, cũng may My My tốt tính, nếu không tôi còn tưởng con trai mình cả đời phải chịu kiếp hòa thượng”. Người kia lại nói: “Đâu có, đâu có, bà thông gia khách sáo rồi. Có được con rể như Tiểu Tống là cái phúc của gia đình tôi”. Người kia không tán thành: “Không đâu không đâu, là Thư Ngu với cao”.



Trên bàn ăn một bên là hai người phụ nữ cố lấy thân già giẫm đạp con mình hòng tâng bốc đối phương, bên kia là bố Tâm My và bố dượng Tống cá trê “bất đồng ngôn ngữ”. Tâm My và Thư Ngu ngơ ngác nhìn nhau, cả hai gạt mồ hôi cúi mặt tiếp tục ăn cơm.

“Mệt không?”, nghĩ đến đây cô há miệng cười ha ha, anh liền vòng hai tay từ sau lên trước, “Ngồi trên đất cho mát”.

“Không sao. Đồng nghiệp ở tòa soạn coi như còn tình người, công việc họ đều giành hết đi làm rồi.” Cô ngoái đầu, không kịp phòng vệ liền bị anh hôn một cái. Bận tới tối tăm mặt mũi, nụ hôn lâu ngày gặp lại của anh dù thế nào cũng không đủ.

“Đừng làm em phân tâm, em còn cả đống việc chưa làm xong.”

Tống Thư Ngu dẩu môi, nũng nịu: “Vợ ơi...”.

Cô vùi đầu trong vòng tay anh, mặt nóng bỏng, vẫn chưa quen cách xưng hô này.

Miệng cứ gọi cứ gọi, còn tay cứ chầm chậm lấn lên, cô đập tay: “Anh có thời gian thì giúp em treo quần áo đi”.

Vật dụng cá nhân cùng những thứ đồ nho nhỏ mà cô cất giữ bao năm tất cả chuyển hết đến nhà mới bên hồ, cảm giác còn có ý nghĩa tượng trưng hơn việc đi đăng ký.

Vốn dĩ muốn được chung sống cùng người đứng trước mặt lúc này, lại còn muốn sống chung cả mấy chục năm nữa, cho tới khi tóc rụng trụi tới khi răng móm sạch chỉ còn mỗi nướu. Tâm My nhìn dáng anh đứng dậy lưu luyến không dời, vừa muốn khóc vừa muốn cười, tay gạt sống mũi cay cay lẩm bẩm một mình: “Biết mình sắp kết hôn có khác, chuẩn bị căn phòng thay đồ lớn thế”.

Tống Thư Ngu nghe thấy, tay cầm mắc áo dừng một giây, quay lưng lại, Tâm My không thấy nụ cười của anh.

“Tiểu My điện thoại nói tuần này về. Đúng rồi, khi nãy thấy lọ thuốc ở đầu giường. Tống cá trê, không phải ông Diệp về rồi sao? Công ty còn có việc phải lo à? Tối đến không ngủ được? Hay đi bác sĩ xem sao, mẹ em quen mấy bác sĩ Đông y nghe nói rất giỏi.”

“Quên mất”, anh cứng người ngoái đầu lại nhìn, ranh con đang cúi đầu sắp xếp tủ giày, buông một câu: “Còn quên một chuyện, đám cưới phải mời bố anh, mẹ anh không có ý kiến, nhưng anh nghĩ hay thôi, hẹn ông hôm sau đi ăn, báo cáo một tiếng là được”.

Tâm My nghển cổ, ngước nhìn khuôn mặt cứng như đá của anh: “Tống cá trê...” đứng lên toan ôm anh, anh liền cười trước, đoạn nói: “Lần này có em đi, chúng ta ăn cho ông khánh kiệt!”.

Ông bố hư hỏng của Tống Thư Ngu không có vẻ hèn hạ xấu xa như Tâm My tưởng tượng, ngược lại gầy guộc, rất có phong thái người xưa.

Mấy ngày nay, loáng một cái cô bước chân vào thế giới của anh nên có phần chưa thích ứng kịp. Bố mẹ đã ly dị của anh, người anh lạnh lùng như hòn đá, còn cả gia đình mới xây dựng sau ly hôn của bố mẹ anh...

Cô vốn nghĩ rằng khi bố mẹ ly hôn có lẽ con cái sẽ mang trong lòng nỗi day dứt, giống như mẹ chồng cô vì có nhiều thời gian ở bên Thư Ngu, bố dượng của anh lại mang tính khí trẻ con, hai người họ còn hòa hợp, nhưng khi mẹ chồng đối diện với anh trai của Thư Ngu, hình như luôn có nỗi thương tâm khó nói thành lời, đến nụ cười cũng thấy gượng ép.

Thế nhưng, trước mặt ông bố chồng thế này, cô cũng chẳng thể cảm nhận được thứ tình cảm nên có giữa con người với con người dù chỉ chút ít.

Lúc dùng cơm, cô chỉ nhớ không khí ầm ĩ ở đó. Em trai em gái cùng cha khác mẹ của Tống Thư Ngu đều đã kết hôn sinh con. Mấy đứa tiểu yêu chạy quanh bàn ăn, ầm ầm náo loạn, tiếng người lớn quát mắng, Tâm My cảm thấy hình như Tống Thư Ngu và bố anh không hề nói với nhau dù chỉ một câu chân tình.

Chẳng trách khi cô nói cảm giác đường đột khi bước vào thế giới của anh, anh mím chặt môi, một lúc sau mới bảo đó cũng chẳng phải thế giới của anh.

Anh đối với bố của anh chỉ như một người qua đường.

Bà Hà sau hôm tâm sự hết những chuyện đã qua cho Tâm My nghe, mấy lần cứ nhắc đi nhắc lại bố cô là người tốt. Mẹ nói bố là đàn ông, từng phạm sai lầm, nhưng là một người bố tốt nhất trên đời.

Tâm My không phải người hồ đồ. Mẹ nhẫn nhịn bao nhiêu năm không nói, trừ phi sợ cô còn quá nhỏ, không có cái nhìn và đầu óc chín chắn để xử lý vấn đề của gia đình. Nếu không vì cô và mẹ xích mích, không vì bệnh của mẹ cô, thì có lẽ cô mãi mãi không có cơ hội biết được giai đoạn lịch sử đó.

Cô phận làm con, không có tư cách đánh giá lựa chọn của mẹ cô là đúng hay sai. Tai ương ngày ấy nếu đổi lại là cô, ly hôn là điều chắc chắn. Cô luôn tin rằng người mạnh mẽ thực sự phải như bà mẹ chồng mình, dũng cảm đối diện với cuộc hôn nhân thất bại... Quan điểm này cô đã nói không biết bao nhiêu lần trên diễn đàn. Nhưng sau cuộc tụ họp gia đình không ra đầu cuối kia, những điều cô vốn tin bắt đầu rạn nứt.

Gan cật khạc nhổ đâu phải dễ, nuốt đắng khó tránh khỏi cau mày. [Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh.]

Hoặc giả phải đợi sau khi cô làm mẹ, mới hiểu được ý nghĩa của việc hy sinh vì con.


Lặng ngắt như tờ, xe chạy trong đêm phồn hoa của Tế Thành.

Tâm My nhìn mãi sang bên cạnh người sắp gắn với mình cả cuộc đời, từng gang tấc góc cạnh, ánh mắt sắc bén hơn thường ngày...

“Tống cá trê, em dựa vào anh chút được không?”, giọng cô đến bản thân nghe còn thấy lạ, dịu dàng chưa từng có.

Anh dịch ra phía ngoài xe, xoay đầu lại, ánh mắt sắc lẹm không còn thấy nữa, chỉ còn sự quan tâm: “Không khỏe à?”.

Cô phụng phịu lắc đầu, dang đôi tay hướng về phía anh.

Sắc mặt anh như dò hỏi.

“Từ lúc đi ra không thấy anh nói câu nào. Buồn lắm phải không? Để em ôm cái nào.”

Anh như lặng đi trước sự nghiêm trọng hóa vấn đề của cô, mang vẻ tươi tắn, anh nói: “Đột nhiên dịu dàng thế không giống phong cách của em”.

Tâm My không nói gì, không khí trong xe tĩnh lặng đến mức nghe thấy cả tiếng gió lùa qua. Anh thu lại nụ cười, mặt không biểu cảm.

“Tống cá trê, sau này em có chuyện gì không vui, anh giúp em vơi đi nỗi buồn, anh có chuyện gì, em cũng như vậy.”

Anh cười, giọng nói khản đi, tiếp đó, khóe môi hơi ran: “Ranh con”.

“Ranh con”, anh vùi mặt vào mái tóc trên vai cô, tiếp tục cười mắng. Cánh tay dang rộng ôm chặt lấy cô từ phía sau.

Tiếng tuýt tuýt, có người đứng ngoài xe.

Cả hai cùng ngẩng đầu, Tống Thư Ngu kéo cửa xe, bên ngoài lộ ra gương mặt to đen: “Cái gì thế này? Không hiểu biển cấm đỗ là gì hả?”.

Lúc này anh vẫn đang ôm cô! Tâm My đẩy Tống Thư Ngu ra, người đàn ông đứng ngoài vẫn đang lầm bầm về hành vi không đẹp giữa đường.

Tống Thư Ngu lập tức quay người, mở cửa bước xuống, vội cúi đầu nói chỉ là hiểu nhầm với người đàn ông.

Dưới ánh đèn đường khiến cô trông thấy rõ, lòng thầm rủa: Ôi trời! Vận đen đã đến. Cô và Tống Thư Ngu bốn mắt nhìn nhau, có vẻ như anh cũng nhận ra, chính là chú cảnh sát giao thông lần trước bắt họ phất cờ!

“Thanh niên về nhà mà ân ái, có phải lại muốn bổ túc kiến thức giao thông nữa không? Giấy tờ đâu đưa đây, à, lại là hai người.”

Trời ơi, xin đừng bắt chúng con cầm cờ lần nữa.

Tâm My thầm than, rối rít mở miệng cùng Tống Thư Ngu...

“Chúng cháu sắp kết hôn rồi, chú tha cho chúng cháu lần này được không?”

“Chú, chúng cháu mời chú ăn kẹo mừng!”