Thấy ba đại nha hoàn đều bị đánh đến da tróc thịt bong, chúng nô tì trong viện bị dọa cho nín thở, im thin thít như ve sầu mùa đông. Bùi Thận đảo cặp mắt lạnh lùng qua, trầm giọng nói: “Bình thường ta bận việc công bên ngoài, hiếm khi trở về nhà.
Thế cho nên viện này mới đến nỗi không quy không củ.
Nếu ngày sau lại có kẻ vô cớ tranh cãi, phạt không chỉ là năm gậy đơn giản như vậy.” Niệm Xuân cùng Thúy Vi được hai tiểu nha hoàn đỡ dậy, nghe vậy nước mắt rưng rưng, đồng thanh cùng đám nha hoàn xin vâng. Bùi Thận xua tay, mọi người lúc này mới cáo lui.
Không ai dám tạo ra tiếng động, chỉ khẽ khàng tản ra. Trăng lạnh như nước, Thẩm Lan đón màn đêm se lạnh, gió lùa qua tay áo thoáng thấy hơi lạnh thấm vào người.
Thấy nàng đứng run rẩy trong gió, Bùi Thận liền cởi áo bào xanh ngọc trên người đưa qua: “Khoác thêm vào.” Thẩm Lan ngạc nhiên, trong đầu chợt lướt qua ngàn suy nghĩ, cúi đầu xuống: “Thưa Gia, nô tỳ không lạnh.” Hai người họ chẳng qua chỉ là quan hệ chủ tớ, nàng sao dám mặc quần áo của Bùi Thận, quá mức thân mật. Bùi Thận bị chọc tức tới bật cười, nhíu mày nói: “Cô không lạnh? Mặt trắng như tờ giấy, không có lấy chút khí sắc của người sống.
Đừng tên Thấm Phương nữa, đổi sang tên Tri Bạch đi.” Thẩm Lan hết cách, đành nhận lấy áo bào.
Thấy Bùi Thận vẫn không nhúc nhích nhìn nàng chằm chằm, lại miễn cưỡng khoác lên. Áo bào này được chế từ vải tà văn của vùng Gia Định, Tùng Giang.
Sờ lên mịn màng, giống nhung nhưng không phải là nhung, cực kỳ thích hợp chống lạnh cho tiết trời xuân hạ.
Thẩm Lan vừa khoác lên chợt thấy ý lạnh trên người hơi lui, thân thể cũng trở nên ấm áp hơn. Thẩm Lan nói: “Đa tạ Gia ân thưởng.” Bùi Thận ngây ra không đáp, phần vai, lưng của y rất rộng, dáng người lại cao, nên áo khoác kia cũng vừa rộng vừa dài, vạt áo cổ tay đều dư ra một khúc, hầu như muốn bao trùm cả cơ thể nàng. Quần áo của y đang bao lấy Thấm Phương. Nghĩ đến đây, Bùi Thận bỗng hít thở dồn dập, phải đứng một lát để tĩnh tâm lại, bấy giờ mới nói: “Đêm đã khuya, cô về phòng nghỉ ngơi đi.” Thẩm Lan lên tiếng đáp lại.
Chỗ bị thương dù chưa trầy da nhưng chắc cũng đã rướm máu, đi từng bước động vào vết thương khó tránh hơi đau đớn, nàng chậm rãi nâng bước, từ từ trở về phòng. Mới vào phòng rót chén trà, liền có tiểu nha hoàn ôm một bình gốm men xanh ngọc có nắp chạy vội đến nói: “Thấm Phương tỷ tỷ, Gia sai em đem thuốc đến, bảo là thuốc trị thương chế từ tam thất, đào nhân, băng phiến, có thể làm mềm gân tan máu bầm, bảo em đưa tỷ tỷ bôi lên.” Nói rồi đưa bình thuốc cho Thẩm Lan. Thẩm Lan nhận lấy mở ra xem, thấy thuốc mỡ trong bình trắng nõn trong suốt như ngọc, thoảng mùi đắng nhẹ, có vẻ là thuốc trị thương hàng thượng đẳng. “Chỗ Niệm Xuân và Thúy Vi đã có hay chưa?” Thẩm Lan hỏi. Tiểu nha hoàn ngây thơ lắc đầu, Thẩm Lan mỏi mệt nói: “Em đi lấy hai lọ có nắp hình cá và tảo trên bàn ta lại đây.” Tiểu nha hoàn cầm đến, Thẩm Lan chia hơn nửa phần thuốc mỡ, rồi đưa cho tiểu nha hoàn mấy văn tiền, nhờ em đưa thuốc cho Niệm Xuân, Thúy Vi, rồi sang phòng bếp lấy giúp một thau nước giếng đến.
Nước giếng ban đêm lạnh lẽo, miễn cưỡng có thể dùng để chườm lạnh. Ngày hôm nay bắt đầu từ lúc Tiền bà tử bước chân vào Tồn Hậu Đường cho tới lúc này ăn một trận đòn mới xong, khúc chiết liên tục, không ngừng một giây phút nào.
Thẩm Lan đã mỏi mệt vô cùng, lấy khăn bông chườm lạnh sau đó bôi thuốc, cơn đau hơi dịu lại liền thả màn, ngã đầu xuống gối lụa xanh ngủ li bì. Có lẽ là chườm lạnh kịp thời, cũng có thể là tác dụng của thuốc trị thương mà vết thương của Thẩm Lan lành rất nhanh, chưa tới hai ngày đã khỏi hẳn.
Nhưng Thúy Vi và Niệm Xuân vẫn còn nằm trên giường dưỡng thương, thiếu hai nha hoàn khiến công việc của Thẩm Lan bắt đầu lu bù lên. Ngày hôm đó, Thẩm Lan đốt một nén hương Lê Ngỗng trong trướng (1), đang định cắm vào ống hương chim sẻ chạm khắc bằng ngà voi, Bùi Thận đang ngồi thong thả đọc sách trước bàn chợt đứng dậy, đưa sang một chiếc hộp sơn khắc hoa mai: “Mở ra xem thử.” Thẩm Lan hơi giật mình, mở nắp hộp ra, thấy bên trong hoa nhung chen chúc sắp thành hàng, tươi sáng xinh đẹp, muôn hồng nghìn tía, chỉ tính những loại mà Thẩm Lan biết cũng đã có đến bảy tám loại.
Hải đường Xương Châu, hồng bạch diệp, ngọc đan, bích đào, Lục Ngạc…… Nhiều vô số, chừng đâu tận hai mươi mấy đóa. “Bẩm Gia, cần ta mang cất đi sao?” Thẩm Lan hiểu ý, nhận lấy hộp chuẩn bị đặt vào chiếc tủ góc vuông chạm trổ và khảm sơn mài. Bùi Thận ngạc nhiên, lại cười mắng: “Ta có lòng thưởng cô mấy đóa hoa nhung đeo chơi, cô đem cất làm gì?” Thẩm Lan bê chiếc hộp, kinh ngạc nói: “Đây là cho ta?” Hoa nhung đắt đỏ, hai mươi mấy đóa này kiểu dáng thịnh hành, tay nghề tinh xảo, chất liệu cũng tốt, đều làm từ tơ tằm, ra ngoài mua ít cũng phải mấy chục lượng. “Bẩm Gia, không có công lao thì không nên nhận thưởng.” Thẩm Lan do dự một lát, cuối cùng từ chối, “Lần trước ta nói cần hoa nhung thật ra chỉ muốn che giấu chuyện của Tứ thái thái mà thôi, cũng không phải thật sự muốn mua hoa nhung.” Bùi Thận cười nói: “Đã nói cho cô thì đó là của cô.” Dứt lời, lại ẩn ý nói, “Cô cũng biết nguyên quán của ta vốn ở Nam Kinh.
Nam Kinh có một tập tục nói rằng con gái khi lấy chồng phải đeo hoa nhung, ngụ ý vinh hoa phú quý.
Tương lai cô gả theo chồng, trên đầu cũng sẽ đeo hoa nhung.” Có ý gì? Lòng Thẩm Lan khẽ run lên, đang nghi ngờ liệu có phải Bùi Thận muốn gả nàng cho ai, nghe vậy miễn cưỡng cười nói: “Sao Gia lại nhắc đến chuyện này? Chẳng lẽ ngài định gả nô tỳ ra ngoài?” Bùi Thận cười: “Mười tám tuổi còn không chịu gả đi, chẳng lẽ muốn chờ tới mùa quýt năm nào?” Thẩm Lan cẩn thận hỏi dò: “Mười tám hai mươi gì cũng được, chỉ chờ đến lúc ta hủy nô tịch rời phủ, đi đặt mua một mảnh đất cất nhà sau đó mới tính chuyện tìm hôn phối.” Bùi Thận cười nhạo: “Một cô gái yếu đuối như cô, không có ai để nương tựa mà lại định mua nhà sống riêng?” Thẩm Lan không những không cảm thấy nhục nhã, ngược lại vui sướng dị thường.
Bùi Thận thế mà không phản bác chuyện nàng hủy nô tịch rời phủ. Lòng nàng lâng lâng nhảy nhót định mở miệng, Bùi Thận lại nói: “Còn chuyện rời phủ, cô tính ra ngoài làm chi?” Mặt mũi Thẩm Lan xoát cái trắng bệch, niềm vui vừa rồi tan biến mất tăm tích.
Nàng đứng như trời trồng, cảm giác khí lạnh theo từng lỗ chân lông thấm vào tận xương cốt, gió bắc như đao quét qua khiến cơ thể nàng run rẩy, trong lòng một nỗi thê lương. Bùi Thận vậy mà muốn nàng làm nô tỳ cả đời. “Mặt mũi sao tái nhợt như vậy?” Bùi Thận nhíu mày nói, “Vết thương chưa lành hẳn sao?” Thẩm Lan nghĩ bụng làm nô tài cả đời còn không bằng cả đời lẩn trốn, nàng cố nén u buồn phẫn uất, thử nói: “Gia, ngài nói nếu ta không rời phủ, chẳng phải là bị gả cho một gã sai vặt nào đó?” Nghe nàng hỏi vậy, Bùi Thận bỗng thấy không vui.
Ở đâu ra cái kiểu con gái mà không có chút e lệ nào, tự mình hỏi han hôn nhân của bản thân.
Dù sao cũng ra từ lò ngựa gầy, bị tú bà kia dạy dỗ lớn lên, cả người đôi khi vẫn toát ra chút buông thả, không có phép tắc.
Nghĩ một hồi lại nhớ tới mấy câu “Đàn lang”, “Yến hảo” của Bùi Diên, dù biết lúc ấy nàng bị Bùi Diên chặn lại, nói vậy chỉ để lá mặt lá trái thôi, nhưng lòng y cuối cùng vẫn thấy phiền muộn, sẵng giọng: “Bảo cô làm gì thì cứ làm theo là được, hỏi han chi lắm chuyện.” Lại lệnh cho nàng: “Ngày mai cô hầu ta xuất phủ, đi lễ Phật ở chùa Linh Hà.
Mang gọn nhẹ thôi, không cần nhiều đồ, đi một lát rồi về.” Dứt lời, phẩy tay áo bỏ đi. Thẩm Lan nhìn chằm chằm hộp hoa nhung trên tay, lòng càng thêm buồn rầu.
Nàng đứng lặng hồi lâu, mới thở dài một hơi. Cho dù Bùi Thận muốn gả nàng cho tên nô bộc nào, hay muốn tặng nàng cho Bùi Diên, quan trên, đồng liêu, cấp dưới, chỉ có một điều chắc chắn nàng phải làm. Sớm ngày rời khỏi Phủ Quốc Công. Chú thích: *Hoa Nhung: di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.
Chi tiết hoa nhung tham khảo tại đây (1) hương Lê Ngỗng Trong Trướng: (Nga Lê Trướng Trung hương): xuất phát từ Đại Chu Hậu vợ của Hoàng đế Lý Dục thời Tiền Đường khi giấc ngủ của bà được cải thiện sau những lần đốt hương.
Hương này có thành phần được tuyển chọn từ loại trầm hương Nha Trang tốt nhất, trầm hương Hải Nam và đàn hương Lão Sơn (Vân Nam) từ vùng sản xuất chính Mysore, Ấn Độ.
Hương thơm thanh tao và ngọt ngào, không chỉ là hương thơm của quả lê ngỗng mà còn có sự ngọt ngào, mát lạnh của trầm hương và sự ấm áp, êm dịu của gỗ đàn hương.