Thâm Cung

Chương 20



Trong lúc nhìn Thái hậu, ta cảm nhận rõ ràng ánh mắt bà cũng đang tỉ mỉ đánh giá ta. Cẩn thận sát hồi lâu, có lẽ đã đánh giá xong, Thái hậu mới cười hỏi:

“Ngươi tên là gì?”

Ta cụp mắt nhìn xuống, lễ phép đáp:

“Bẩm Lão Phật gia, thần thiếp tên gọi Đan Nguyệt.”

Thái Hậu gật đầu:

“Hình đan ảnh chích – Nguyệt lạc tinh trầm.(1) Rất có ý vị. Dáng vẻ cũng không tệ. Dù không phải quốc sắc thiên hương nhưng đường nét ôn hòa, thanh nhã… Da thịt trắng trẻo, đầy đặn khỏe khoắn. Đây là quý tướng vượng phu ích tử, nhất định có thể giúp Hoàng thượng khai chi tán diệp. Rất tốt, rất tốt. Nào, mau lại đây ngồi cạnh ai gia.”

Ta tập võ từ nhỏ, thân thể rắn rỏi hơn người thường là lẽ đương nhiên. Vì thuở nhỏ ăn uống có phần thiếu thốn nên không đến nỗi bắp thịt cuồn cuộn như người tập võ bình thường, nhưng chắc chắn không thể mảnh mai, yểu điệu như nữ nhân khác. Từ lúc đến Bách Phượng, dù không có cơ hội luyện võ như trước nhưng nhờ ăn uống đầy đủ nên thân thể ta càng tròn trịa hơn. Thẳng thắng mà nói thì ta cũng chỉ tính là có da có thịt, nhưng trước nay sống trong hậu cung, nơi nào cũng đầy ắp mỹ nữ mình hạc xương mai nên ta luôn bị chê cười là thô thiển, không ngờ trong mắt Thái Hậu lại thành “đầy đặn khỏe khoắn”, lại còn “vượng phu ích tử”. Thẩm mỹ của Thái Hậu quả là khác người.

Khâm cô cô nghe Thái Hậu ban tọa, bèn sai người mang đến một chiếc ghế nhỏ kê bên cạnh Thái Hậu. Ta nhẹ nhàng tạ ơn, rồi tiến đến nhận chỗ ngồi. Liễu Thục phi vừa thấy ta lại gần liền bĩu môi, liếc xéo. Cũng may Khâm cô cô tinh tế, lúc kê ghế cho ta đã kê về phía Hoàng hậu, nếu không mà ngồi gần Liễu Thục phi, thật không dám tưởng tượng hậu quả.

Ta vừa đặt mông ngồi xuống, Thái Hậu liền cầm lấy tay ta, nói:

“Hôn lễ của ngươi, ai gia lại đi xa, không thể chúc phúc cho ngươi, là lỗi của ai gia. Vốn dĩ đã định sẽ về sớm, chỉ tại thân già này đau bệnh liên miên, mới để lỡ dịp trọng đại nhường ấy. Ngươi không trách ai gia chứ?”

Ta vội đỡ tay Thái Hậu, lắc đầu:

“Lão Phật gia không quản đường xá xa xôi đi lễ Phật, cầu phúc cho muôn dân, thần thiếp sao có thể trách người?!”

Thái Hậu mỉm cười, tiếp tục hỏi han:

“Ở đây đã quen chưa? Có nhớ nhà không?”

Ta đáp:

“Dạ, nhờ có Hoàng hậu cùng các vị tỷ muội giúp đỡ, thần thiếp đã quen rồi. Thỉnh thoảng cũng có nghĩ tới cuộc sống khi trước, nhưng bây giờ đây mới là nhà thần thiếp ạ.”

“Ngoan lắm, ngoan lắm…”

Nhìn thấy Thái Hậu vui vẻ hài lòng, ta như tháo được gánh nặng. Thái Hậu lại còn là cô cô của Hoàng Hậu, có lẽ sau này cũng sẽ không làm khó gì đâu. Đúng lúc đó thì Triệu Đức phi cất tiếng hỏi:

“Hòa tỷ tỷ, Kiều nhi nghe nói tỷ tỷ đã chuẩn bị cho Lão Phật gia một món quà ra mắt hết sức đặc biệt, liệu có thể cho chúng muội muội được mở mang tầm mắt không?”

Vừa gọi ta là tỷ tỷ, lại còn xưng “Kiều nhi” với ta. Triệu Đức phi lúc nào cũng biết cách khiến ta nổi hết da gà.

Mấy ngày qua, lễ vật từ các cung mang đến Thuận Ninh cung vô số, chỉ có Cẩm Tước cung của ta là im hơi lặng tiếng. Triệu Đức phi hẳn đã biết thừa ta chẳng có thứ gì hay ho, lại muốn làm ta mất mặt đây mà.

“Đứa trẻ này thật là… Có lòng là được, lễ vật gì chứ!”.

Thái Hậu phì cười. Triệu Đức phi nói năng đường đột nhưng bà không hề nổi giận. Đổi lại là Liễu Thục phi, có lẽ đã bị trách phạt rồi. Thái Hậu là người nhà của Hoàng Hậu, mà Hoàng Hậu cùng Triệu Đức phi luôn đối đầu nhau. Thái Hậu đối với Triệu Đức phi khoan hòa như thế chẳng phải có chút kỳ quái sao? Thái Hậu có tiếng nhân từ hiền đức, Triệu Đức phi ngược lại thâm hiểm ngoan độc. Nếu như nói Thái Hậu vì quý mến con người Triệu Đức phi mà không quản gia thế hai bên thì lại càng kì quái hơn. Đáng tiếc, ta lại không có thời gian suy nghĩ nhiều vì bên kia, Tĩnh Tần đã thêm lời phụ họa:

“Ồ, thần thiếp cũng nghe nói Hòa phi nương nương gần đây đã tận tâm tận lực chuẩn bị lễ vật kính dâng lên Lão Phật gia, nếu bây giờ Lão Phật gia không xem thì đã phụ tấm lòng của Hòa phi rồi.”

Con người ta không thích thị phi, vì vậy dự tính để sau khi mọi người trở về mới dâng lễ vật là mười bản kinh Phật lên, tránh để người khác có cơ hội dị nghị. Nhưng bây giờ xem ra không nán lại được nữa, bèn ra hiệu cho Ngọc Thủy mang lễ vật dâng lên.

“Đây là thứ gì? À, là kinh văn sao?...”

Ta đáp:

“Dạ phải.”

Khâm cô cô nhận kinh Phật từ Ngọc Thủy, đưa đến cho Thái Hậu. Thái Hậu nhón tay lấy một bản, lật ra xem. Mặt phượng hơi nheo lại. Có lẽ chữ viết của ta thật sự rất xúc phạm người nhìn.

Liễu Thục phi ngồi cạnh Thái Hậu, thấy sắc mặt bà kì lạ, cũng tò mò nghiêng đầu sang xem trộm, mắt vừa nhìn vào trang giấy liền không nhịn được mà bật cười khúc khích. Thái Hậu liền trừng nàng một cái. Nhưng Thục phi đã cười đến tối mặt tối mày, làm sao còn thấy được.

“Ha ha… Chữ viết như vậy mà cũng đi viết kinh văn làm quà… Thật khiến người ta chết cười…”

Ta sớm đã dự liệu chuyện này, liền trôi chảy đáp:

“Thần thiếp nghe nói sức khỏe Lão Phật gia gần đây không tốt nên muốn chép kinh Phật cầu phúc cho Lão Phật gia mau khỏi bệnh… không ngờ lại… chỉ có thể trách thần thiếp ít học, vô năng, khiến cho mọi người phải chê cười.”

Nói xong, không quên cúi đầu đỏ mặt.

Ta vừa nói xong, Liễu Thục phi lại há miệng định chỉ trích thêm nhưng Hoàng Hậu đã kịp thời lên tiếng nói đỡ:

“Sao muội muội lại nói như thế? Muội muội lúc nhỏ mệnh khổ, không được học hành. Bây giờ mới học chữ một thời gian ngắn, viết được như vậy đã là rất tốt rồi. Lúc chúng ta mới tập viết, chưa chắc đã viết tốt như muội đâu. Bản cung nói có đúng không, Đức phi?”

Triệu Đức phi bị Hoàng Hậu lôi vào, dĩ nhiên không thể nói khác, chỉ cười giả lả:

“Đúng là như vậy.”

Thái Hậu lại chép miệng, đặt bản kinh Phật xuống, nhìn ta cười bao dung:

“Ai gia cũng cho rằng kinh văn này viết rất tốt. Lát nữa ai gia sẽ mang vào Phật đường, tụng những bản kinh này, hồi hướng công đức cho chúng sinh. Nữ nhân ít học là đức. Chỉ cần biết đọc biết viết là đủ rồi. Học nhiều chữ nghĩa quá, không cẩn thận lại hóa thành miệng lưỡi không xương, hồng nhan họa thủy.”

Nói xong, bèn lạnh nhạt liếc qua Liễu Thục phi. Hai má Liễu Thục phi đỏ lên, môi mím chặt, rõ ràng là tức giận nhưng lại chẳng dám hé môi phản bác. Các phi tử ngồi bên dưới, có mấy người không nhịn được đã che miệng cười.

Căn nguyên câu chuyện này, ta từng nghe cung nhân kể sơ qua. Đại khái là khi Liễu Thục phi mới nhập cung, nhờ có gia thế hiển hách mà được phong ngay làm tam phẩm Quý tần, nhưng lại không nhận được sủng ái vì lúc đó Hoàng Đế đương chung tình với Lê Hiền phi. Đến tận khi Lê Hiền phi qua đời, mới tranh thủ cơ hội tiếp cận Hoàng Đế. Biện pháp tiếp cận cũng rất tao nhã, chính là đàm luận thi thơ. Giai nhân khuynh quốc khuynh thành, tay cầm thi tập, miệng nhàn nhạt ngâm thơ, dáng vẻ trầm tư, phong nhã vạn phần. Hình ảnh đó phải đẹp đẽ đến nhường nào? Nếu Hoàng Đế không thích thì hắn chắc chắn có vấn đề. Nếu Liễu Thục phi chỉ là đạp lên thi văn mà tiến thân thì cũng không có gì đáng nói. Chỉ là lúc sau mới lộ ra tin Liễu Thục phi vốn không hề có duyên với thi văn, tất cả đều là kế hoạch của nàng. Biết Hoàng Đế thích nữ nhân văn nhã, nàng đã dày công điều tra những bài thơ, những thi gia mà Hoàng Đế yêu thích, lại mướn nhiều học giả đến viết lời bình, cũng như thơ đối các loại rồi học thuộc tất cả, chỉ gặp Hoàng Đế là xổ ra mà thôi. Tin đồn rồi cũng lan đến tai Hoàng Đế, nhưng lúc đó Hoàng Đế đã sủng ái nàng ta rồi, cho nên không trách cứ gì, ngược lại còn phạt nặng những cung nhân lan truyền tin tức này. Nghe nói, tổng cộng đã có hai mươi cung nữ và tám thái giám bị đánh chết, còn có mấy vị Phương uyển, Tiểu viện, Hoa dung bị vạ lây. Từ đó, không ai dám đàm tiếu nữa. Chuyện đã bại lộ, lại biết được sủng ái của Hoàng Đế đối với mình không đổi, Liễu Thục phi bèn không thèm che dấu nữa, hiện nguyên hình là một nữ nhân hống hách ngang ngược như hiện nay. Cứ tưởng chuyện vậy là xong, hóa ra Thái Hậu vẫn luôn không vừa lòng. Mối quan hệ giữa Thái Hậu và Thục phi có vẻ rất xấu.

Thời gian trôi qua, Thái Hậu cùng mọi người nói chuyện phiếm, thi thoảng nhớ ra chuyện gì lại hỏi han người này, người kia. Duy chỉ có Bạch Thường tại và Tố Tu nghi là không hỏi tới. Buổi gặp mặt đầu tiên của ta và Thái Hậu xem như êm đẹp.

***

Thái Hậu rõ ràng có uy hơn Hoàng Hậu. Dù bà không trực tiếp ra mặt nhưng từ lúc trở về, trật tự hậu cung cũng dần dần lặp lại. Nghe nói Hoàng Đế mấy ngày nay đã chịu lật thẻ bài của các phi tử khác, không chỉ ở lì trong Mẫu Đơn cung và Hạ Lê cung nữa. Mưa móc ban phát đều khắp hậu cung, hôm nay cũng rơi đến chỗ ta một ít.

Kính Sự phòng vừa cho người đến báo Hoàng Đế muốn nghỉ lại chỗ ta, toàn bộ Cẩm Tước cung liền rộn ràng như ngày Tết. Ngọc Nga, Ngọc Thủy lôi ta đi tắm rửa sạch sẽ, thơm tho, mặc lên một chiếc váy tinh tế quyến rũ. Ngọc Thủy muốn bới tóc cho ta thật đẹp, Ngọc Nga lại cho rằng chỉ cần chải cho mượt rồi xõa sau lưng là đủ phong tình. Nói đến những thứ “phong tình”, Ngọc Nga dĩ nhiên hiểu biết hơn cả. Vì vậy, mọi chuyện để cho nàng định đoạt. Khi ta chuẩn bị xong xuôi thì Tiểu Phúc Tử và Ngọc Hy cũng dọn dẹp phòng ốc, trà nước đâu ra đó.

Thời gian còn sớm, Hoàng Đế chưa đến, ta bèn cùng Ngọc Nga, Ngọc Thủy và mấy cung nữ thân cận nữa nói chuyện bâng quơ. Cuộc sống của phi tử, ngoại trừ việc chạy theo Hoàng Đế và mưu hại lẫn nhau thì chỉ còn mỗi việc nói chuyện bát quái giết thời gian. Câu chuyện từ những việc lặt vặt vô hại, đưa đẩy thế nào không rõ, rốt cuộc lại tới chỗ Bạch Thường tại.

Ngọc Hy nói:

“Chủ nhân biết không, cuộc sống của Bạch Thường tại khổ sở không sao kể xiết!”

Nghe đến Bạch Thường tại, lòng ta hơi động nhưng chỉ bình thản hỏi lại:

“Sao có thể? Nàng ấy dù sao cũng vẫn là chủ tử, Vị Tú hiên thật không sánh được với Huệ Đàm cung, nhưng Hoàng Hậu nương nương đã sắp xếp cho nàng ấy. Sẽ không đến mức khổ sở đâu…”

Ngọc Hy lắc đầu:

“Hoàng Hậu nương nương có lòng, nhưng cũng không quản nổi. Cung nhân ở đó đều cho rằng Bạch Thường tại đã mất hết tiền đồ, nên đều bỏ đi nơi khác cả rồi. Chỉ còn một cung nữ hầu hạ… mà cung nữ đó tính tình cũng không tốt. Việc ăn uống, sinh hoạt đã bị hạ nhân ở cục Thượng cung tham lam bớt xén thì thôi, về đến Vị Tú hiên còn bị cung nữ đó tiếp tục ăn chặn. Bạch Thường tại đau buồn ngã bệnh, thái y lại khi dễ, chỉ khám qua loa, mãi không khỏi được. Các vị nương nương khác cũng xa cách, không có ai đến thăm hỏi cả.”

Ngọc Nga nghe vậy, thương xót nói:

“Thật đáng thương! Ngày trước còn là Bạch phi cao cao tại thượng, bây giờ lại…”

Ta làm bộ hỏi Ngọc Hy:

“Không có ai đến? Trịnh phi cũng không?”

Ngọc Hy sụt sùi:

“Bẩm chủ nhân, Trịnh phi cũng không thấy ạ. Khổ thân Bạch Thường tại…”

Trong lòng ta nhẹ nhõm. Vậy là Trịnh phi đã nghe lời khuyên can của ta. Chỉ tội Bạch Thường tại.

Ta chống cằm, làm bộ nghĩ ngợi một chút rồi cất tiếng hỏi:

“Các ngươi nghĩ bản cung có nên đến thăm Bạch Thường tại một chuyến không?”

Ngọc Hy mau mắn đáp:

“Nếu chủ nhân có thể tới chỗ Bạch Thường tại thì tốt quá rồi. Tình cảnh nàng bây giờ thật sự rất cần người giúp đỡ…”

Ngọc Thủy cau mày, chen ngang vào :

“Nô tỳ lại không nghĩ vậy. Bạch Thường tại cùng chủ nhân lúc trước không có giao tình gì. Bây giờ nàng ta gặp họa, ai cũng tránh xa, người cũng đừng nên thân cận mới phải. Tránh xảy ra chuyện gì không hay.”

Ngọc Hy liền cãi lại:

“Chỉ là đến tặng chút đồ, giúp đỡ cuộc sống của Bạch Thường tại một chút thì có thể xảy ra chuyện gì chứ? Trong cung ai cũng nói chủ nhân nhà chúng ta lòng dạ bồ tát, nếu như người bỏ mặc Bạch Thường tại thì mới là tổn hại thanh danh…”

Ta thở dài, phẩy tay ngăn hai người bọn họ lại:

“Thôi thôi, các ngươi đừng cãi nhau nữa. Bạch Thường tại… ít hôm nữa bản cung sẽ tới thăm nàng.”

Nghe ta nói xong, hai mắt Ngọc Hy sáng rực, luôn miệng khen chủ nhân từ bi. Ngọc Thủy ngược lại nói:

“Chuyện này chủ nhân nên suy nghĩ lại…”

Ta gạt đi:

“Bản cung tự biết cân nhắc. Ngươi không cần nói nữa. À, bình trà này để lâu như vậy, hình như đã nguội rồi. Ngọc Hy, đi thay bình khác cho bản cung. Mau lên, đừng để Hoàng thượng tới lại không có trà uống.”

Ngọc Hy vui vẻ vâng lời, bưng trà đi thay. Nhìn thấy nàng đi xa rồi, Ngọc Nga mới cười hỏi:

“Chủ nhân nghĩ sao?”

Ta cũng cười cười:

“Đứa trẻ này xinh xắn, lại nhanh nhẹn, khéo tay. Đáng tiếc không dùng được.”

Ngọc Thủy tròn xoe mắt:

“Này… là ý gì?”

Ta xoa đầu nàng, nói:

“Ngọc Hy xem ra đã nhận tài lộc của người khác rồi.”

Ngọc Nga liền hỏi:

“Như vậy có cần nô tỳ đi xử lý nó?”

Ta lắc đầu:

“Đừng vội. Ngươi trước tiên đến phòng nghỉ của nó, kiểm tra xem có thứ gì không nên có hay không. Nhớ cẩn thận, chớ để ai biết.”

Nói đoạn, quay sang Ngọc Thủy hỏi:

“Ở Hạ Lê cung ngươi có quen biết ai không?”

“Dạ, cũng có vài tỉ muội…”

“Thế thì tốt, chúng ta phải bắt đầu chuẩn bị một số chuyện thôi.”

***

Nửa đêm trăng sáng, Hoàng Đế đã ngủ say. Ta khó ngủ, bèn nhẹ nhàng chui ra khỏi vòng tay Hoàng Đế, rót một ly trà rồi đến ngồi bên cửa sổ. Gió mát nhẹ nhàng lùa vào tóc ta, khiến lòng ta chợt thanh tỉnh. Quay đầu nhìn lại, Hoàng Đế ở trên giường vừa trở mình một cái. Hắn vừa ngáy khì khì, vừa quơ tay chung quanh, có lẽ muốn tìm ta nhưng không thấy, đổi lại tóm được một góc chăn, bèn ôm vào lòng, còn cười mơ màng. Hắn nằm nghiêng, mấy lọn tóc dài đen óng, mềm mại rũ xuống mặt hắn, càng tôn thêm vẻ đẹp trong trẻo.

Mỗi lúc nhìn Hoàng Đế ngủ, ta đều nghĩ nếu Bách Phượng không cầu thân, nếu ta không gả đến Bách Phượng thì sẽ thế nào? Có thể ta sẽ chết già ở Viên Linh các, cũng có thể sẽ được gả cho một quan viên nhỏ nào đó. Nếu không gả đi được thì vẫn có Lý Thanh Phong bầu bạn. Ta tin rằng dù cho bao nhiêu thời gian trôi qua, Người cũng sẽ không bỏ rơi ta. Còn nếu gả đại cho một trượng phu tầm thường, chí ít dựa vào hư danh công chúa, ta chắc chắn nắm được vị trí chính thất. Trượng phu giỏi lắm thì cũng chỉ cưới thêm năm, bảy tiểu thiếp. Ta vốn chỉ nghĩ như thế, chưa từng chuẩn bị tâm lý rằng có một ngày, mình sẽ phải đối phó không chỉ năm, bảy nữ nhân tầm thường mà là cả một hậu cung đầy ắp mỹ nữ lòng dạ rắn rết như thế này. Nghĩ đến chuỗi ngày tranh đấu này sẽ vĩnh viễn không chấm dứt, ta bất giác cảm thấy tuyệt vọng, bèn lắc đầu xua đi những suy nghĩ u ám này, quyết định trở về giường ngủ. Dù sao đi nữa, muốn tranh đấu cho tốt thì thân thể phải khỏe mạnh, ăn ngủ điều độ là điều cần thiết.

Trong lúc chui vào chăn, vô tình lại đụng trúng Hoàng Đế. Hắn bị ta đánh thức, nhăn nhó ngáp dài một cái:

“Sao còn chưa ngủ?”

Ta sợ hắn nổi giận, vội tạ tội:

“Thần thiếp khó ngủ nên ra ngoài uống một ly trà… không ngờ lại kinh động Hoàng thượng… Thần thiếp không có ý, xin Hoàng thượng tha tội…”

Hoàng Đế dụi mắt, tặc lưỡi nói:

“Có gì đâu. Đừng làm to chuyện. Lại đây, trẫm ôm nàng, nàng sẽ ngủ được ngay thôi. Mỗi lần Thục phi khó ngủ đều đòi trẫm ôm như vậy. Sau đó tự nhiên sẽ ngủ ngon ngay.”

Nói xong liền kéo ta vào lòng, ôm chặt.

Ngay cả chuyện dỗ Thục phi ngủ cũng kể ra, Hoàng Đế không biết là vô tư hay là vô tình. Nếu không phải ta mà là phi tử khác, có khi đã bị câu nói này của hắn làm cho đau lòng tới chết.

“Tạ ơn Hoàng Thượng.” Ta ngoan ngoãn rúc vào lòng Hoàng Đế.

Hắn xoa đầu ta, hỏi:

“Vì sao nàng không ngủ được? Nhớ Tùy Khâu ư?”

Ta áp mặt vào ngực hắn, khẽ cười:

“Thần thiếp từ nhỏ đến lớn chỉ sống trong một tòa các cũ nát sâu trong hậu cung, nào có thấy được Tùy Khâu như thế nào. Lần duy nhất ra khỏi cửa thì đã gả đến đây rồi.”

Hoàng Đế nghe vậy, liền bật cười:

“Tốt quá! Như vậy sau này, trẫm chinh phạt Tùy Khâu cũng sẽ không làm nàng đau lòng.”

Ta giật mình:

“Hoàng thượng nói thật sao?”

Hắn cười cười:

“Đương nhiên là thật. Sau này sẽ có một ngày… trẫm mang tứ đại thần quốc sáp nhập thành một. Hơn trăm tiểu quốc còn lại sẽ trở thành chư hầu của Bách Phượng vĩnh viễn.”

Lời nói lẫn trong tiếng cười thanh thúy, nửa đùa nửa thật nhưng vẫn chứa đựng tráng chí to lớn mà một tiểu tử mười bảy tuổi bình thường sẽ không thể nào có được.

Ngày xưa, khi ta còn nhỏ thường hay đòi Lý Thanh Phong kể chuyện cho nghe. Nhưng Lý Thanh Phong là võ tướng, nào biết những câu chuyện dỗ trẻ con. Để vừa lòng ta, Người bèn đem chuyện chính sự, ngoại giao, vân vân các thứ kể cho ta nghe. Dĩ nhiên không nói đến cơ mật trọng yếu gì, nhưng qua đó ta cũng nắm được tình hình đại khái.

Ở vùng trung nguyên này có hơn trăm nước lớn nhỏ. Trong đó, bốn nước lớn nhất là Bách Phượng, Ngụy Ảnh, Tùy Khâu, Đại Chiếu. Bốn nước này dĩ nhiên có kẻ mạnh người yếu, nhưng bề ngoài thì thực lực quân sự và kinh tế là tương đương, tự xưng tứ đại thần quốc, mỗi nước trấn giữ một phương. Tuy luôn ngấp nghé nhau, nhưng chưa có nước nào khởi binh là bởi vì còn lo sợ bị ba nước còn lại liên kết với nhau nuốt trọn, hoặc là lo sợ hai nước giao tranh, kẻ khác sẽ làm ngư ông đắc lợi. Hoàng Đế muốn thống nhất tứ đại thần quốc, ắt phải chờ tới lúc Bách Phượng lớn mạnh hơn cả ba nước còn lại. Đương nhiên cũng có thể liên minh với nước khác tiến hành chiến tranh nhưng muốn áp đảo cả ba nước còn lại thì thực lực quân sự phải vô cùng hùng mạnh. Dù ta cảm thấy Bách Phượng có phần hơn hẳn Tùy Khâu, nhưng nếu nói muốn thu lấy cả ba thần quốc… e rằng ngày ấy còn rất xa.

Hoàng Đế thấy ta không đáp, liền siết lấy ta một cái, hào hứng hỏi:

“Sao hả?”

Ta đáp:

“Hoàng thượng chí lớn bốn phương, thần thiếp bội phục.”

Bàn tay Hoàng Đế đang đặt trên lưng ta, bất ngờ luồn vào trong áo. Ta giật mình chưa kịp đỏ mặt thì phát hiện hắn đang vuốt ve những vết sẹo lờ mờ trên lưng ta.

“Nàng có hận bọn họ không?”

Hoàng Đế thì thầm bên tai ta. Hơi thở lạnh lẽo của hắn quẩn quanh bên gáy, làm ta thoáng rùng mình.

“Rất hận.” Ta thành thật đáp.

Nữ nhân hiền lương thục đức thì nên đáp lại là “Thần thiếp không hận ai cả. Bọn họ đều có nỗi khổ tâm” mới phải. Đáng tiếc, những kẻ đã hại chết mẫu thân ta, lại ngày ngày hành hạ ta, ta hận đến thấu xương là điều chính đáng. Nếu nói không hận, có khi ta sẽ hóa thành thánh nữ bay vút lên trời mất.

“Nếu như có một ngày trẫm thống nhất thiên hạ rồi. Những kẻ từng đối xử tệ với nàng, trẫm sẽ khiến chúng sống không bằng chết.”

“Thần thiếp thật mong chờ ngày đó.”

Hoàng Đế tựa cằm lên tóc ta, hai tay càng ôm ta chặt hơn. Hắn nói:

“Trẫm nhất định sẽ cho nàng ngày đó.”

Giọng nói nhừa nhựa, nhỏ dần đi. Ta biết hắn ngủ rồi nên không đáp nữa, chỉ đưa tay xuống ôm ngang thắt lưng hắn, nhắm mắt thả lỏng người. Những kẻ làm vua hình như rất thích hứa hẹn.

Cơn buồn ngủ chậm rãi kéo đến. Mùi hoa dạ lan trên người Hoàng Đế mơ hồ xông vào mũi ta.

Nghe nói dạ lan là một loài hoa bạc mệnh.

(1)

Hình đan ảnh chích: hình đơn bóng lẻ.

Nguyệt lạc tinh trầm: trăng xuống thấp, trời về sáng.

“Đan Nguyệt” đại ý chỉ vầng trăng đơn lẻ trên bầu trời đêm.