Thâm Cung

Chương 37



Mùa mưa ở Bách Phượng bắt đầu muộn hơn ở Tùy Khâu.

Khi ta và Ngọc Nga rời khỏi Thuận Ninh cung cũng là lúc những hạt mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống hoàng cung Bách Phượng. Mưa đầu mùa khá dịu, chỉ lất phất như mưa phùn mùa xuân, vậy nên khi Khâm cô cô mời ta ở lại đợi kiệu đến đón ta vẫn quyết định cùng Ngọc Nga che ô tự trở về. Ra khỏi Uyển các đã xa mà lưng ta vẫn còn mướt mồ hôi lạnh thì làm sao còn có gan lưu lại đấy thêm.

May mắn là Thuận Ninh cung và Cẩm Tước cung không xa nhau lắm, nếu đi tắt qua Ngự hoa viên thì chỉ hết hơn một khắc. Ngự hoa viên là nơi phi tần đi lại nhiều, thường ngày để tránh thị phi, ta rất ít khi lui tới. Có điều lúc này chân ta đang đau, ngại đi đường xa mà trời thì mưa nên tin rằng cũng chẳng có vị mĩ nhân nào lại đi dạo lúc này nên mới phá lệ đi ngang Ngự hoa viên.

Cũng nhờ như vậy ta mới biết câu “oan gia ngõ hẹp” thật sự chẳng sai.

“Mưa gió thế này, Tĩnh Tu dung sao lại ở đây?” Ngọc Nga cau mày, ghé vào tai ta nói khẽ.

Quả thật dưới màn mưa bụi lất phất, Tĩnh Tâm Lan đương đi đi lại lại quanh mấy bụi hoa hải đường, dáng người hơi cúi, ánh mắt tập trung dưới mặt đất như đang tìm kiếm thứ gì đó. Dù trời mưa rất nhẹ nhưng áo nàng ta đã ướt mấy mảng, đủ thấy nàng ta quanh quẩn ở chỗ này đã lâu rồi. Cung nữ thân cận của nàng ta đi theo sát phía sau luôn miệng nói:

“Chủ nhân, chúng ta về thôi, trời mưa càng lúc càng nặng hạt, chủ nhân sẽ bị nhiễm lạnh mất.”

Tĩnh Tâm Lan quắc mắt, quát cung nữ kia:

“Đông Tú, đừng lải nhải nữa! Mau tìm kĩ cho ta! Nhất định là chỉ rơi ở quanh đây thôi!”

Giọng Tĩnh Tâm Lan chua the thé, cung nữ tên Đông Tú sợ rúm người cả người, lí nhí đáp:

“Chưa chắc đã rơi ở đây đâu ạ… Có khi chủ nhân để quên trong phòng hoặc là rơi ở Huệ Đàm cung cũng nên. Hay chúng ta về Huệ Đàm cung tìm kĩ lại một lượt, nếu vẫn không thấy thì tạnh mưa lại đến đây tìm tiếp?”

Tĩnh Tâm Lan đã mất kiên nhẫn, giọng càng lúc càng chua ngoa:

“Ta bảo tìm thì ngươi cứ tìm đi, nhiều lời như vậy để làm gì? Nói cho ngươi biết, hôm nay mà không tìm ra thì ngươi cũng không yên với ta đâu!”

Ta chợt nổi lòng hiếu kì, thực muốn biết Tĩnh Tu dung rốt cuộc đã làm mất thứ gì mà cho dù phải dầm mưa cũng nhất quyết tìm cho bằng được.

Đông Tú bị mắng đến tối mày tối mặt, bèn cắm cúi rẽ bụi hoa tìm kiếm, không dám nhiều lời nữa. Bất chợt, như linh cảm được có người đang quan sát mình, Đông Tú ngẩng đầu lên, tầm mắt phóng thẳng đến chỗ ta và Ngọc Nga đang đứng rồi rất nhanh lại dời trở về bụi hoa dưới chân giống như chưa từng nhìn thấy gì.

Ngọc Nga nắm hờ lấy tay áo ta, nghi hoặc nói:

“Nàng ta rõ ràng đã nhìn thấy chủ nhân, sao dám vờ không thấy? Chẳng lẽ chỉ là một cung nữ mà cũng dám khinh thường chúng ta như vậy?”

Người trong hậu cung dù không coi ta ra gì nhưng cũng còn phải nể mặt Hoàng Hậu, làm gì có chuyện nhìn thấy mà không chào. Hành động của Đông Tú hoàn toàn không đơn giản là khinh thường. Khoảnh khắc ánh mắt ta và Đông Tú chạm nhau chỉ kéo dài trong tích tắc, nhưng ta đã kịp nhìn thấy sự hoảng hốt và lo âu. Đông Tú sợ không dám gặp bọn ta. Như vậy thứ Tĩnh Tu dung làm mất hẳn là vô cùng quan trọng. Rất quan trọng nhưng lại không thể lộ cho người khác biết? Thế thì nhất định là chuyện xấu rồi.

“Đi xem náo nhiệt thôi.”

Ta vịn vào tay Ngọc Nga vui vẻ đi về phía Tĩnh Tâm Lan. Chuyện xấu của Tĩnh Tâm Lan ta không thể không xem cho kĩ.

“Kia chẳng phải là Tĩnh Tu dung sao?”

“A… Hòa phi nương nương…”

Tĩnh Tâm Lan đang lúi húi tìm kiếm đột nhiên nghe tiếng ta thì giật bắn cả người, luống cuống nhún gối hành lễ:

“Nương nương vạn phúc kim an!”

“Nô tỳ bái kiến Hòa phi nương nương!”

Cung nữ Đông Tú còn thảm hơn, nàng ta sợ đến nỗi hai chân khuỵu hẳn xuống, nói là bái kiến, thực chất là nằm rạp cả ra mặt đất, chẳng mấy chốc mà cả người đã dính đầy bùn đất.

Sự hiếu kì trong lòng ta càng trỗi dậy mãnh liệt. Đông Tú sợ đến mức này thì hẳn chuyện xấu của Tĩnh Tu dung cũng không nhỏ chút nào.

“Ấy, không cần đa lễ như thế.” Ta mỉm cười tiến đến nâng Tĩnh Tâm Lan đồng thời cũng ra hiệu cho Đông Tú đứng dậy.

“Đa tạ nương nương. Mưa gió thế này mà nương nương lại có hứng đi dạo ư? Xem kìa, sắc mặt người nhợt nhạt quá, cẩn thận kẻo nhiễm phong hàn đấy!”

Chỉ một chút bối rối thoáng qua, Tĩnh Tâm Lan đã lấy lại phong thái, bình tĩnh cười nói giả lả.

Đã mấy ngày không ngủ đủ, mặt mũi ta tất nhiên là không dễ coi. Ban nãy đi đến Thuận Ninh cung lại càng chẳng dám trang điểm quá nhiều nên lời này của Tĩnh Tâm Lan tuy rằng mỉa mai nhưng cũng là sự thật.

“Đi dạo gì chứ… Bản cung vừa đi thỉnh an Lão Phật gia trở về, trên đường nhìn thấy Tu dung nên ghé lại thôi. Tu dung vì lẽ gì mà lại dầm mưa như thế? Ướt hết cả rồi…”

Ta cười cười, làm như định đưa tay phủi nước mưa trên áo Tĩnh Tâm Lan.

Ngay lập tức, Tĩnh Tâm Lan bất giác lùi lại một bước, vừa khéo tránh tay ta. Bàn tay ta dừng lại trên không trung một chút rồi mới buông xuống, hai mắt mở to nhìn Tĩnh Tâm Lan đầy khó hiểu. Tĩnh Tâm Lan lúc này mới nhận ra mình thất lễ, vội mỉm cười niềm nở:

“Những ngày này nương nương chép nhiều kinh văn, e rằng cổ tay không được thoải mái, nếu lại gặp thêm mưa gió lạnh lẽo, chỉ sợ thành bệnh. Thần thiếp cho rằng nương nương nên sớm hồi cung thôi.”

Ta làm động tác xoa xoa cổ tay, miệng đáp:

“Tu dung có lòng, bản cung vô cùng cảm kích. Có điều… chỉ là một cơn mưa nhỏ không khiến bản cung sinh bệnh được đâu. Ngược lại… bản cung thấy hình như Tu dung đang có điều gì khó xử…”

Thần thái Tĩnh Tâm Lan hơi động nhưng vẫn tỏ vẻ thản nhiên:

“Nương nương nghĩ nhiều rồi. Thần thiếp nào có điều gì khó xử.”

Ta tiến lại gần Tĩnh Tâm Lan thêm một bước:

“Vậy sao? Bản cung từ đằng xa đã trông thấy Tu dung hình như đang tìm kiếm vật gì chăng?”

Tĩnh Tâm Lan giật mình, vô thức lùi lại một bước:

“Đâu có… Nương nương có phải đã nhìn lầm rồi không…”

“Ý Tu dung là mắt bản cung có vấn đề sao?”

“Thần thiếp không dám…”

Nhìn Tĩnh Tâm Lan càng lúc càng bối rối, ta khẽ cười trong lòng. Nghe Ngọc Thủy nói, Tĩnh Tâm Lan có tật ghét người khác chạm vào thân thể mình. Ngoại trừ Hoàng Đế ra, ngay cả cung nữ thân cận nếu không phải lúc cần thiết cũng không được phép chạm vào nàng ta. Nếu bị người khác chạm vào, dù là vô tình hay cố ý, nàng ta cũng sẽ nổi giận. Vì sợ Thái Hậu trách tội hách dịch nên Tĩnh Tâm Lan luôn giấu chuyện này, chỉ những người gần gũi bên cạnh mới biết. Thường ngày tính khí nàng ta luôn khó ưa nên phi tử khác cũng chẳng ai gần gũi nhiều, thế nên tật xấu này vẫn chưa lộ hẳn ra ngoài. Ban nãy vừa thấy ta đưa tay đến, nàng ta liền theo bản năng mà tránh đi, sau đó thái độ liền thay đổi, vẻ bình thản trên mặt cũng thành gượng gạo, rõ ràng là giận mà không dám phát tác. Điều này làm ta rất hài lòng, bởi lẽ khi nổi giận người ta càng dễ để lộ sơ hở.

“Tu dung quá lời rồi. Bản cung đâu có ý trách Tu dung. Nếu Tu dung thật sự đánh rơi thứ gì thì cứ nói ra. Bản cung có thể giúp Tu dung một tay. Bốn người cùng tìm sẽ nhanh hơn hai người tìm, có phải không?”

Ta nở nụ cười thân thiện, vô tư vỗ vai Tĩnh Tâm Lan mấy cái. Tĩnh Tâm Lan không tránh kịp, vừa bị vỗ mấy cái người đã run bắn. Nàng ta cắn môi, cố kiềm giọng đáp:

“Tạ nương nương quan tâm, nhưng thần thiếp đúng là không làm mất gì cả. Cũng đã muộn rồi, thần thiếp còn có chút việc cần làm, xin phép cáo từ trước.”

Tĩnh Tâm Lan nói xong bèn nhún người một cái cho có lệ rồi đi thẳng, không hề chờ xem phản ứng của ta như thế nào. Đông Tú thấy thế cũng luống cuống cúi chào rồi chạy theo sau.

Nhìn bóng dáng hai người bọn họ vội vội vàng vàng đi như ma đuổi, Ngọc Nga che miệng cười khẽ:

“Không ngờ cái tật sợ bị người khác chạm vào của Tĩnh Tu dung là thật. Trên đời này hóa ra lại có chứng bệnh như vậy! Nô tỳ vốn còn nghĩ Ngọc Thủy chỉ nói đùa.”

Ta cũng cười đáp: “Trên đời luôn có những chuyện kì quái như thế. Mà xem ra hành vi của bọn họ còn kì quái hơn nhiều.”

Ngọc Nga nghe xong, như sực nhớ ra điều gì, bèn kéo tay ta đi tới chỗ mấy bụi hoa mà Tĩnh Tâm Lan vừa đứng, nói:

“Thứ Tĩnh Tu dung đánh rơi nhất định rất quan trọng. Để nô tỳ tìm thử xem, biết đâu có thể cho bọn họ một bài học…”

Ta đưa mắt nhìn mấy bụi hoa hải đường bị Tĩnh Tâm Lan và Đông Tú giày vò đến tơi tả, lại nhìn xuống thì chỉ thấy mặt đất ướt át toàn là dấu chân ngang dọc. Nơi này tương đối trống trải, Tĩnh Tâm Lan quanh quẩn ở đây đã lâu, nếu vẫn không tìm thấy tức là đồ không có ở đây. Chỉ là nàng ta quá hoảng loạn nên cứ tìm mãi chỗ này không dám rời đi. Nếu không có ta tới phá đám thì e rằng bọn họ sẽ còn tìm tới tận khuya cũng không chừng.

“Đi thôi. Ở đây chẳng có gì đâu.”

“Nhưng mà…”

“Ngày tháng còn dài, có gì mà phải vội?”

***

Thượng Cung cục là nơi chăm lo cho cuộc sống hằng ngày của người trong hậu cung.

So với Thượng Cung cục ở Tùy Khâu, nơi này cũng không mấy khác biệt, đều chia làm bốn phân cục, gồm có Ti Lễ phòng chuyên dạy dỗ cung nữ, thái giám mới nhập cung; Ti Chế phòng lo việc chế tạo phục sức; Ti Thiết phòng đảm nhận đồ dùng và bày biện; Ti Thiện phòng lãnh trách nhiệm chuẩn bị thức ăn. Đứng đầu Thượng Cung cục là Thượng Cung đại nhân. Người nắm giữ chức vị này cả đời gắn bó với Thượng Cung cục, vì vậy danh xưng cũng lấy hai chữ “Thượng Cung” mà gọi. Mỗi phân cục lại có một người lãnh đạo, gọi là Ti trưởng; dưới mỗi Ti trưởng có ba Thượng nghi giúp việc quản lý; bên dưới nữa thì tùy vào tình hình công việc ở mỗi Ti mà có thể có từ hai đến năm Chưởng sự. Việc thăng tiến ở Thượng Cung cục chủ yếu dựa vào cống hiến, càng hữu dụng thì càng có địa vị cao. Nữ quan thông thường cũng như cung nữ có năm bậc từ ngũ phẩm đến cửu phẩm, những thứ bậc này trước tiên dựa vào kết quả khi thi tuyển vào Thượng Cung cục để xếp, mười người có kết quả tốt nhất được xếp hàng lục phẩm, còn lại đều là cửu phẩm.

Hơn mười năm trước, Tương Huyền thi vào Thượng Cung cục đạt kết quả cao nhất, trở thành lục phẩm nữ quan. Thế nhưng sau mười năm nàng ta vẫn chẳng thăng tiến chút nào, trong khi đấy có người cùng thời đã thăng đến hàng Thượng nghi, vậy nên nàng ta có chút nôn nóng cũng là hợp lí. Sau khi dâng lên Tứ Tuyệt Hương, Tương Huyền đã được thăng làm Chưởng sự tứ phẩm, tuy chưa có bao nhiêu vinh quang nhưng tính ra đã là bước tiến lớn trong sự nghiệp của nàng ta rồi. Kế đó lại trải qua việc của Đức phi, Thượng Cung cục thiếu người, mà lại có lệ không thể tùy tiện thăng cấp cho người mới nên Thượng Cung đại nhân đành cất nhắc Tương Huyền lên làm Thượng nghi. Lần thăng tiến này, Tương Huyền không đến Cẩm Tước cung tạ ân nữa khiến cho Tiểu Phúc Tử rất tức giận. Nhưng ta lại cho là chuyện tốt bởi vì về lý thì ta và Tương Huyền không có mối quan hệ gì cả, vả lại ta cũng chẳng muốn nhìn mặt loại người vong ân bội nghĩa như thế chút nào.

Lần sơ tuyển này, Tạ Thu Dung vượt qua chẳng chút khó khăn. Để tiếp tục kì tuyển chọn, nàng phải dọn vào Sương Đình ở, Cẩm Tước cung vì vậy mà trống trải thêm một chút.

Công việc ở Ti Lễ phòng tuy tương đối nhẹ nhàng lại phù hợp với Tạ Thu Dung nhưng nữ quan ở đó ít cơ hội thăng tiến, sau một hồi cân nhắc cuối cùng nàng chọn xin vào Ti Chế phòng. Ở Thượng Cung cục, nếu được vị chủ nhân nào đó yêu thích thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nhiều, chỉ tiếc bây giờ thân ta còn chưa lo xong nên chẳng có cách nào che chở cho Tạ Thu Dung. Chuyện duy nhất ta có thể làm chỉ là vắt óc nhớ lại những chuyện ở Thượng Cung cục mà ta từng nghe hoặc từng thấy lúc nhỏ. Tuy hai nước khác nhau, nhưng lòng người ở đâu cũng đều như vậy, hi vọng những chuyện này có thể giúp Tạ Thu Dung một ít kinh nghiệm, ngoài ra cũng không quên dặn dò nàng đề phòng Tương Huyền.

Nghe đâu Liễu Yến Yến cũng vừa được bỏ lệnh cấm túc. Lúc trước Hoàng Hậu không trực tiếp nói “cấm túc”, chỉ bảo nàng ta đóng cửa tĩnh tâm vài ngày, dựa vào Thái Hậu làm nàng ta hoảng sợ, có lẽ muốn kiềm chân nàng ta lâu một chút. Nhưng sau khi nàng ta bị hạ thẻ bài, biết bao người thừa cơ tấn lên tranh đoạt long ân vốn đã khiến Liễu Yến Yến khó chịu lắm rồi, nay lại thêm chuyện ta mặt dày tranh sủng, được Hoàng Đế đích thân vẽ tranh cho, Liễu Yến Yến cuối cùng chịu không nổi nữa, đã thực sự nổi điên. Ba bước kinh điển: một khóc – hai nháo – ba thắt cổ được Liễu Yến Yến tiến hành trơn tru đâu ra đó, dĩ nhiên là kinh động đến long nhan. Hoàng Đế thương hoa tiếc ngọc như thế làm sao nỡ để Liễu Yến Yến chịu thêm ấm ức. Thế là hôm đó, khắp hậu cung ồn ào đồn đại Thục phi nương nương khóc lóc đến mê hồn người như thế nào, Hoàng Đế đã ôm Thục phi nương nương mà dỗ dành ra làm sao, lại nói tình cảm của hai người nồng nàn đến mức nào, chẳng ai là không ghen tức đỏ cả mắt.

Khi nghe tin ấy, ta chẳng lấy làm ngạc nhiên. Liễu Yến Yến gặp tai vạ chẳng qua là do Hoàng Hậu sắp đặt, người nàng ta chọc phải là Thái Hậu, mà hậu cung này đâu phải của Thái Hậu. Hoàng Đế vốn không giận Liễu Yến Yến, để nàng ta chịu ấm ức là vì nể mặt Hoàng Hậu và Thái Hậu. Sau đó Hoàng Hậu lại tiến cử nhiều phi tử khác, họ tuy không có dung mạo tuyệt thế như Liễu Yến Yến nhưng chung quy đều là mỹ nhân trong thiên hạ, Hoàng Đế trẻ tuổi ham vui thế là quên mất Thục phi nương nương khuynh quốc khuynh thành của hắn còn đang bị nhốt trong Mẫu Đơn cung. Bây giờ, Liễu Yến Yến làm loạn vừa khéo nhắc cho Hoàng Đế nhớ ra, vậy là để bù đắp cho nàng, Hoàng Đế cho người mang đến Mẫu Đơn cung không biết bao nhiêu kì trân dị bảo, hòng dỗ nàng ta vui vẻ. Liễu Thục phi lấy lại sủng ái một cách dễ dàng lại tiếp tục dương dương tự đắc. Người khác có ghen tức thế nào cũng phải cắn răng chịu đựng. Ai bảo nàng ta đẹp? Ai bảo ngươi không đẹp bằng nàng ta?

Đã không đẹp bằng người thì tất phải cam bái hạ phong.

Ta rất hiểu lý lẽ đó. Cho nên sau khi Liễu Yến Yến đắc sủng trở lại, ta liền ở lì trong cung không đi đâu nữa. Ngay cả Trịnh Vân Anh ngây thơ vô tội cũng bị Liễu Yến Yến trút giận lên mấy lần, thành ra cả nàng ấy cũng không dám ra ngoài. Chuyện này khiến Hoàng Hậu rất phật lòng, nhưng lần trước Hoàng Đế đã nể mặt nàng như thế thì lần này nàng không thể không nể mặt hắn. Thành thử mỗi lần Hoàng Hậu muốn gọi Trịnh Vân Anh đến Triêu Lan cung tán chuyện đều phải cho cung nữ thân cận là Xuân Linh hoặc Xuân Hạnh đi theo tháp tùng thì mới được vô sự.

“Chủ nhân, người xem treo ở đây có được không?”

Tiếng gọi của Ngọc Thủy cắt ngang dòng suy nghĩ của ta. Ta hơi giật mình, ngoảnh nhìn lại thì thấy Ngọc Thủy đang kính cẩn nâng bức tranh Hoàng Đế vẽ cho ta ướm lên khoảng tường trống chính giữa phòng. Bức tranh này là đặc ân của Hoàng Đế, không treo lên thì không ổn, mà treo lên thì cứ mỗi khi nhìn thấy là ta lại nhớ đến sự bạc bẽo của hắn, trong lòng lại không thoải mái. Cả buổi sáng hôm nay, Ngọc Thủy đã ướm nó lên mọi chỗ trong phòng rồi nhưng cứ hỏi ta thì ta lại lắc đầu không vừa ý làm cho nàng cũng mệt bở hơi tai.

“Chủ nhân rốt cuộc muốn treo nó ở đâu?” Ngọc Thủy thở hắt ra.

Ta cười cười, nghĩ bụng phải chi có thể trực tiếp vứt bỏ hay xé nó đi thì thoải mái biết mấy nhưng ngoài mặt chỉ thản nhiên đáp:

“Ngươi mệt rồi thì bảo Tiểu Phúc Tử vào đây làm thay là được.”

Ngọc Thủy nghe nói xong vội lắc đầu xua tay:

“Sao được chứ? Tay chân hắn vụng về, lỡ làm hỏng thì cả Cẩm Tước cung này mang họa mất!”

Lời Ngọc Thủy nói không sai. Ta cắn môi nghĩ ngợi một chút, cuối cùng nói:

“Thôi thì ngươi cứ cuộn lại để ở đầu giường của ta vậy.”

Ngọc Thủy gật đầu tán thành:

“Phải đấy! Thế mà nô tỳ không nghĩ ra. Treo lên ngộ nhỡ cung nữ quét dọn hàng ngày mạo phạm đến thì khổ, để ở đầu giường vừa đủ tôn kính cũng vừa đủ gần gũi. Chỉ là chủ nhân không thể ngắm mỗi ngày thôi.”

Ta cau mày:

“Bản cung ngắm tranh của mình mỗi ngày để làm gì?”

Ngọc Thủy cuộn tranh lại bỏ vào một cái hộp dài, lại phủ vải lụa lên trên rồi mới đặt lên đầu giường của ta, vừa làm vừa cười nói:

“Nô tỳ lỡ lời rồi. Ý nô tỳ là nếu treo lên thì mỗi ngày chủ nhân đều có thể nhìn thấy thủ bút của Hoàng Thượng, như vậy cũng gần như được ở bên Hoàng Thượng ấy ạ.”

Lời này của Ngọc Thủy làm ta nhớ đến thời điểm cùng Hoàng Đế đứng trước bức tranh Lê Hiền phi. Khi ấy hắn cũng từng nói mỗi ngày đều đến ngắm chân dung nàng ấy, có phải hắn cũng hi vọng bằng cách đó kề cận bên cạnh Hiền phi mỗi ngày? Dù rằng những đóa phù dung trong tranh và hai câu thơ đề từ của Hoàng Đế hoàn toàn không hợp lí, nhưng sự bi thương trong lời nói của hắn lúc đó lại có cảm giác rất chân thật. Ta tự hỏi, không biết tình cảm của hắn dành cho Lê Khiết là loại tình cảm nào? Là cùng một loại với thứ sủng ái mà hắn rộng rãi ban phát mỗi ngày hay là loại nào khác?

Miên man nghĩ ngợi hồi lâu, trong đầu ta bất giác lập đi lập lại những lời nói đau buồn của Hoàng Đế.

Nàng biết không, trẫm nghĩ hậu cung này thật sự là một nơi ăn thịt người đấy.

Nếu không một nha đầu vốn khỏe mạnh, hoạt bát như thế… vì sao vừa đến đây hơn một năm liền hóa thành đau bệnh liên miên, ốm yếu đoản mệnh như vậy?

Mấy câu này bề ngoài giống như lời thương cảm rất đỗi bình thường. Nhưng nếu suy nghĩ kĩ một chút thì lập tức nhận ra có điểm không ổn.

Một người đang khỏe mạnh hoạt bát cớ sao chỉ sau thời gian một năm lại có thể hóa thành bệnh tật đến mức đoản mệnh? Bản thân đã từng học qua y thuật nên ta hiểu rõ việc này vô lý đến mức nào. Lê Khiết là kim chi ngọc diệp, lẽ dĩ nhiên không phải vận động nhiều. Người khác thường nghĩ lối sống như thế sẽ khiến con người trở nên yếu đuối, nhưng họ lại không nghĩ tới những nhà quyền quý từ nhỏ đã ăn uống đầy đủ, nhân sâm tổ yến là món thường ngày, chưa kể đến bao nhiêu loại thuốc tẩm bổ khác mà người thường cả đời cũng chưa từng nghe tên, bồi bổ nhiều như vậy sức khỏe dù có không vượt trội thì cũng không thể ốm yếu quá mức được. Hoàng Đế cũng phải công nhận Lê Khiết vốn là một nha đầu khỏe mạnh. Nghe nói Lê Khiết vì đau buồn chuyện gia tộc mà qua đời, nhưng một người khỏe mạnh tuyệt đối không thể chết vì đau buồn được. Muốn vì một tin buồn mà chết thì nhất định phải là người tính mạng đã như chỉ mành treo chuông. Nói vậy, sau khi nhập cung đã xảy ra chuyện gì mà khiến nàng ta càng lúc càng đau yếu?

Cẩm Tước cung này là nơi ở khi trước của Lê Khiết, vậy chẳng lẽ ở đây có cái gì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nàng?

Suy nghĩ ấy như bóp nghẹn ta.

Ta ở Cẩm Tước cung đã mấy tháng mà chẳng thấy có gì kì quái, sức khỏe vẫn tốt như xưa, nhưng nếu quả thực ở đây có thứ gì không sạch sẽ thì như thế sớm muộn gì cũng ảnh hưởng đến ta.

Nhất định phải tìm cho ra thứ đã làm hại Lê Khiết, sau đó dọn dẹp cho sạch sẽ.

Ta không thể đoản mệnh như Lê Khiết được!