Sau đó, Đường Thời Lộc dùng mười nghìn này và số đồ cổ còn lại làm tiền vốn, dần dần phát triển lớn mạnh trong giới chơi đồ cổ. Vào khoảng thời gian đó, ông ta đã thu mua một lượn lớng đồ cổ, và đã tích luỹ tài sản rất nhanh.
Người trung niên nọ rời đi sau nửa năm. Người đó chỉ để lại một lá thư, viết rằng Đường Thời Lộc sẽ có những lần lựa chọn rất quan trọng trong đời, diễn ra vào năm hai mươi bảy tuổi, ba mươi chín tuổi, năm mươi hai tuổi. Một khi chọn sai, ông ta sẽ tan cửa nát nhà!
Quả nhiên, vào năm hai mươi bảy tuổi, Đường Thời Lộc được một người bạn dẫn dắt, đem theo ba trăm nghìn tiền mặt lên núi để thu mua đồ. Trước đó ông ta đã nhìn thấy rất nhiều đồ tốt, nếu giao dịch thành công, Đường Thời Lộc có thể kiếm được ít nhất mấy triệu tệ! Vậy nên lúc bấy giờ, ông ta rất kỳ vọng vào lần giao dịch ấy.
Có điều, khi xe của ông ta chạy đến cổng thôn, mới phát hiện nơi này tên là “thôn Giếng Cổ”. Đường Thời Lộc lập tức nhớ đến lời nhắn trong thư: Gặp giếng chớ vào.
Chẳng lẽ, giếng ở đây ám chỉ thôn Giếng Cổ? Ông ta hoảng hốt, mặc kệ sự phản đối của người bạn nọ, ép tài xế quay đầu xe, chạy khỏi đó bằng tốc độ nhanh nhất có thể.
Sau này Đường Thời Lộc mới biết có một toán cướp hung tợn nấp trong thôn đó. Chúng chuyên dùng đồ cổ để lừa những người mua lắm tiền đến đây giao dịch, sau đó giết người cướp của! Trước Đường Thời Lộc, đã có ba ông chủ giàu có chết ở đây.
Khi vụ án ấy được phá, trong tám tên cướp có năm tên bị bắn chết tại chỗ, ba tên bị xử bắn. Sau chuyện này, Đường Thời Lộc càng tin vào sự chỉ điểm của người trung niên hơn.
Năm ba mươi chín tuổi, Đường Thời Lộc lại gặp một lần lựa chọn khác. Lâm Ngọc Phúc – một đại gia của địa phương, đã mạo phạm một nhân vật lớn và bị kiện, chỉ trong một đêm đã nhà tan cửa nát, một lượng lớn tài sản đều bị đem đi đấu giá.
Trong những năm đó, xã hội rất rối ren, không một ai chịu tiếp quản. Đường Thời Lộc lại nhớ đến câu thứ hai của người trung niên: Gặp phúc hãy mua.
Lòng Đường Thời Lộc dao động, nhưng trong tay lại không có nhiều tiền như vậy. Thế là ông ta bèn đi mượn khắp nơi, còn vay ngân hàng, gom được một tỷ, mua lại tài sản của Lâm Ngọc Phúc, bao gồm khách sạn, mỏ than và các sản nghiệp khác.
Năm năm sau, xã hội ổn định trở lại, giá trị của các sản nghiệp ấy tăng lên gấp mười lần! Đường Thời Lộc cũng nhờ đó mà trở thành người giàu nhất Giang Nam!
Mười mấy năm trôi qua, khi Đường Thời Lộc năm mươi hai tuổi, tổng tài sản của nhà họ Đường đã hơn một trăm tỷ, hưng thịnh vô cùng.
Vào năm đó, ông ta cứ nghĩ mãi về câu cuối cùng của người trung niên: Một lưới hốt gọn.
Đường Thời Lộc luôn cảm thấy khó hiểu với câu nói này. Mãi đến khi công ty Internet trong nước đầu tiên ra đời và thế giới bước vào thời đại mạng lưới Internet, ông ta mới hiểu “một lưới hốt gọn” nghĩa là gì.
Thế nên ông ta đã bỏ ra mười tỷ vốn rủi ro, xây dựng mạng lưới rộng khắp, đầu tư mạnh vào hàng chục công ty Internet trong nước và thậm chí trên toàn thế giới.
Lần này, Đường Thời Lộc lại chọn đúng. Mười năm sau, các công ty Internet này lần lượt phát triển lớn mạnh. Ông ta dễ dàng kiếm được hơn hai trăm tỷ! Hai trăm tỷ này đã giúp nhà họ Đường vượt qua hai cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp và tránh được nguy cơ phá sản.
Nói đến đây, Đường Thời Lộc lại thở dài: “Người đó thật sự tiên đoán như thần vậy! Nếu không nhờ chỉ điểm của ông ấy, nhà họ Đường chắc chắn không đi được đến ngày hôm nay”.