Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 116: Hồng Tú Toàn Xây Cất Kinh







Đô Tuần thành ngự sử lạy xong, nhường ngay kiệu của mình để hoàng đế trở về cung, sau đó quay sang Thôi tổng quản hỏi thăm tình hình cơ sự ra sao? Thôi tổng quản bèn đem chuyện hoàng đế nghe tiếng Băng Hoa xinh đẹp nổi tiếng nên đích thân tới xem, rồi nói đùa vài câu khiến nàng nổi giận hò la xóm giềng tiếp tay, gây chuyện om sòm.

Viên tuần thành ngự sử đã mười năm nay không được thăng quan, nghe Thôi tổng quản nói liền, nghĩ tới cơ hội đã đến.

Thế là y một mặt an ủ Thôi tổng quản, một mặt vỗ ngực nói:
- Đại gia khỏi bận lòng, việc này xin để cho hạ quan lo liệu.

Hạ quan xin với đại gia là chỉ trong ba ngày thế nào hoàng thượng cũng được như ý.
Sau đó y thấp giọng xuống thì thầm với Thôi tổng quản:
- Đại gia về cung, xin cho hạ quan vài ba lời khen trước mặt hoàng thượng nhé
Thôi tổng quản nghe rồi, gật đầu bước đi.

Quan tuần thành ngự sử lúc đó mới làm le, quát tháo rùm lên, hạ lệnh bắt hai vợ chồng tên chủ tiệm giày về nha thẩm vấn.
Anh chủ tiệm giày chồng nàng Băng Hoa vừa từ ngoài về, nghe quan tuần thành ngự sử hô lính trói mình, hoảng hồn vía, sợ quá run lên bần bật, khóc lóc xin tha.

Chỉ có người đẹp Băng Hoa là chẳng sợ chút nào.

Nàng nói:
- Đi thì đi! Bọn mình có phạm phép nước luật vua gì đâu mà sợ.
Thế là hai vợ chồng anh hàng giày đóng cửa tiệm lại, nhờ vả xóm giềng coi giùm, rồi theo bọn sai nha tới dinh.

Quan ngự sử chiếu lệ hỏi qua một lượt, không định tội mà cũng chẳng cho hai vợ chồng Băng Hoa về.

Lại còn cho giam mỗi người một nơi.
Giam đến ngày thứ ba, bỗng có hai bà nọ tới lãnh Băng Hoa đem về mật thất, cho nàng tắm rửa bằng nước thơm sạch sẽ rồi lấy cho nàng mặc một bộ đồ bằng gấm tuyệt đẹp.

Băng Hoa lấy làm lạ vội hỏi căn do thì hai bà nọ bảo:
- Hoàng thượng biết nàng là người trinh trắng trong sạch nên bảo thưởng cho nàng một bộ đồ, tắm rửa sạch sẽ đi rồi đưa nàng về tiệm.
Băng Hoa nghe nói mừng rỡ lắm liền trang điểm lại cẩn thận.

Không ngờ trang điểm xong thì nàng trở nên một mỹ nhân vô cùng xinh đẹp, khiến ai thấy cũng phải mê.

Hai bà nọ ở bên cạnh khen lấy khen để nói:
- Người đẹp như thế kia, đến con mụ già này cũng phải mê chả trách hoàng thượng mới vừa thấy đã phải ngứa ngáy tay chân rồi.
Câu nói đùa đó khiến Băng Hoa mắc cỡ đỏ mặt.

Nàng nói:
- Đừng có đùa nữa!
Lát sau một chiếc kiệu được đem tới.

Hai bà nọ đỡ nàng lên kiệu, bỏ bức màn xuống, bốn bên đều có lụa che phủ kín mít, ngồi bên trong nhìn ra chẳng thấy được gì.
Đoàn phu kiệu chạy một lúc lâu mới đỗ lại.

Hai bà nọ liền bước lại tháo bức màn che, đỡ nàng xuống đất.

Băng Hoa đưa mắt nhìn quanh, chỉ toàn thấy bọn đàn bà mặc Kỳ trang (ăn mặc quần áo kiểu Mãn Châu), tô điểm xanh đỏ cùng mình, cô nào cô nấy, bà nào bà nấy chỉ đều trố mắt nhìn mình như để lường phỏng điều gì, âm thầm lặng lẽ, chẳng nói một câu nào.
Nàng lại nhìn về phía trước, thấy ngôi nhà rộng lớn lắm, suốt một dãy tường vàng chói có một dãy hành lang dài.

Về mặt chính bắc có một toà cung điện đồ sộ huy hoàng hết chỗ nói.
Băng Hoa lòng đầy hoài nghi, vội hỏi:
- Nơi này là nơi nào vậy? Bà đã bảo là cho tôi về tiệm tại sao lại đưa tới chốn này?
Hai bà nọ nghe nàng nói bèn đáp:
- Nàng đừng sợ! Đây là nơi cung cấm đó.

Hoàng hậu nghe tiếng nàng đẹp nên cho đưa vào cung để gặp một chút cho biết đẹp đến thế nào, xong tức khắc đưa, nàng về tiệm ngay.
Băng Hoa nghe đoạn làm thinh chẳng biết nói gì hơn.
Hai bà nọ đỡ nàng theo đường sỏi đi vào nhà.

Nàng chỉ thấy phía trong màn gấm treo đầy trên cửa sổ sơn quét toàn một màu hồng.

Bàn ghế trong nhà đều một màu đỏ như son.

Trên giường căng màn bằng the màu quý, lót bằng nệm gấm hoa năm sắc, có bức bình phong vẽ những người đàn bà ăn mặc hết sức đẹp đẽ.
Hai bà nọ đưa nàng tới ngồi vào một ghế to và êm ái trước gương Sau đó, có hai cung nữ bưng trà lên cho nàng uống.
Băng Hoa đến lúc này mới biết mình đã bị hai bà nọ lừa vào cung để làm phi tử.

Nàng đứng phắt dậy nói:
- Tôi đi về đây.

Bọn cung nữ hai bên bước tới ngăn lại.

Sau đó, Hàm Phong hoàng đế tử phía trong bước ra, đi thẳng tới trước mặt nàng, cầm lấy tay, miệng luôn luôn gọi:
- Mỹ nhân! Mỹ nhân đừng buồn lòng nhé.
Băng Hoa tự biết mình đã lọt vào cạm bẫy của họ, bèn nhè lúc mọi người không đề phòng, xông tới cây cột lớn, húc mạnh vào, máu tươi chảy ra lênh láng.
Hàm Phong hoàng đế thấy vậy nói hai tiếng "Đáng thương, đáng thương!" luôn miệng, rồi rút lui khỏi căn phòng.

Ngài còn dặn mấy mụ quản sự chịu khó săn sóc dưỡng thương cho nàng, ít hôm sau ngài sẽ tới thăm.
Băng Hoa lúc đó mê man bất tỉnh.

Bọn cung nữ vực nàng lên giường băng bó vết thương, và đứng quanh giường chầu chực chờ đợi.

Một lát sau, Băng Hoa tỉnh lại.

Mụ quản sự ngồi cạnh khuyên giải.

Mụ bảo nàng:
- Trời cho nàng sắc đẹp nhường ấy, thì phải lấy một người chồng giàu sang phú quý, hưởng một cuộc đời giàu sang vinh hiển, có thế mới không hổ mình là phận gái má đào.

Được thánh thiên tử ngài đa tình đưa nàng vào cung, trăm chiều cưng quý lại sợ nàng giận tức nên không dám gần gũi.

Nàng được hưởng đủ mùi phú quý vinh hoa, sủng ái hết mức, thử hỏi liệu nàng có sung sướng hơn cái lúc mà nàng còn ở trong tiệm giày, đói rách khổ sở không?
Những lời khuyên giải này, lúc đầu, Băng Hoa chẳng thèm để ý tới, nhưng lâu về sau cũng thấy có vẻ hợp tình hợp lý.
Thế là nàng đã quyết định và bảo mụ quản gia yêu cầu cho gặp lại người chồng cũ một lần để xem anh ta có cho đi lấy chồng khác hay không, nếu không thì thà chết chứ nhất định không chịu thất tiết.
Mụ quản gia đem lời Băng Hoa tâu lại với Hàm Phong hoàng đế.

Ngài bằng lòng cho vào cung gặp mặt vợ.

Lúc đó, anh chồng hói đầu của Băng Hoa đã được vào làm thị vệ quan (quan hầu) trong Loan nghi vệ.

Khi gặp nhau, Băng Hoa thấy chồng mình mũ áo đàng hoàng, ăn mặc oai vệ, thì chi còn biết khóc lóc thương xót cho cả hai.

Nhưng anh chồng hói đầu của nàng lại bảo nàng:
- Duyên số vợ chồng ta đến đây hết rồi.

Nàng ở trong cung nên hầu hạ hoàng thượng cho chu đáo.
Băng Hoa nghe xong, thở dài nói:
- Vậy thì chàng cũng nên cố gắng làm quan cho chu đáo!
Thế rồi một đêm êm đềm lặng lẽ, hoàng đế tới cung lâm hạnh với người đẹp Băng Hoa, qua ngày sau, người ta đã thấy Băng Hoa được phong làm quý nhân.
Hàm Phong hoàng đế bị Băng Hoa làm cho mê tơi, liền mười mấy ngày chẳng thèm hỏi tới triều chính.

Bên ngoài, văn thư khẩn cấp bay như bươm bướm, chất đống cao như núi.
Lại nói Thái Bình Thiên quốc hồi đó đã đóng đô tại Nam Kinh chiếm được tới tám tỉnh.

Trong triều Thanh văn võ đại thần anh nào anh nấy mật teo lại hết, chẳng có chủ kiến gì.
Hiếu Trinh hoàng hậu cũng vô phương, chỉ còn cách chạy tới tam cung của hoàng đế, quỳ bên phía ngoài đọc "Tổ huấn".
Hoàng đế thấy vậy không còn cách nào nằm liều được nữa, đành phải nhỏm dậy trở về xem xét mọi việc triều đình qua quýt cho xong.

Rồi chớp mắt ngài lại đã chui tuột vào cái tổ ấm của Băng Hoa mặc cho bọn đại thần khuyên can, chẳng thèm để ý tới.
Trong khi đó ở miền nam, Thái Bình Thiên quốc càng ngày càng mạnh.

Hồng Thiên hoàng lại bỏ ra sáu trăm vạn lạng bạc, xây cất một toà cung điện hết sức rộng lớn ở Nam Kinh.
Trung vương Lý Tư Thành cùng Hồng Thiên hoàng đích thân đề mấy câu đối, chữ viết dõng dạc đàng hoàng lắm.

Một câu viết như vầy:
"Duy hoàng đại đức viết sinh, dụng Hạ biến Di, đãi kha Âu Mỹ Phi Úc tứ châu nhân, quy ngã bản đồ nhất nãi thống"
(tạm dịch: chỉ có Hoàng đại đức sinh, dùng Hạ mà biến Di, đợi khi đuổi hết bọn người Âu Mỹ Phi Úc bốn châu để thống nhất bản đồ về một mối).
"Từ văn chỉ qua vi võ, bát loạn phản chính tận diệt Lam, Bạch, Hồng, Hoàng, Bát Kỳ tịch, hết chư phiên phục thiên tư niên"
(Hãy lấy văn mà làm võ, dẹp loạn đem lại điều ngay, diệt hết xanh, trắng hồng vàng tám loại cờ, bắt bọn phiên bang hải khuất phục ngàn năm).
Câu đối thứ nhì viết như vầy:
"Tiên chúa bản nhân từ hậu tứ lục lại tham quan, đoạn tốn lục thật vương thống tự.
Mao cung thực tâm đức, trượng nhi mưu thần chiên tướng trùng tâm thập bát tỉnh giang san".
(Tạm dịch: Tiên chúa vốn nhân từ, giận bọn tham quan ô lại làm đứt dòng nối của sáu mươi bảy vua.

Mao cung thật đức độ cậy nhờ các mưu thần chiến tướng, đổi mới non sông mười tám tỉnh).
Câu thứ ba là:
"Độc thủ kình thiên, trung chính Đại Minh tân khí tượng.
Đan tâm báo quốc, tảo trừ dị tộc cựu y quan".
(Một tay chống trời sửa lại cho nhà Đại Minh, có một bộ mặt mới.

Lòng son đền nợ nước, quét hết những đồ quần áo cũ của bọn khác họ), (Khác họ đây chỉ nhà Mãn Thanh).
Câu thứ tư:
"Hổ Bí tam thiên, trực tảo U, Yên chi địa.

Long phi cứu ngũ, trùng khai Nghiêu, Thuấn chi thiên"
(Với ba ngàn quân Hổ Bí, ta đánh thắng tới đất U, Yên.
Số năm, chín rồng bay ta lại mở cõi trời Nghiêu, Thuấn).
Trong phòng ngủ, Hồng thiên vương cũng có một đôi câu đối như sau:
"Mã thượng đắc chi, mã thượng trị chi! Tạo ức vạn niên Thái Bình Thiên Quốc ư cung đao phong trích chi gian, tư thành kiến dã.
Đông diện nhi chinh, Nam diện nhi chinh, cứu trấp nhất tỉnh vô tội thần dân như thuỷ hoả đảo huyền chi hội, thi vị nhân nhân"
(Cưỡi trên ngựa mà được, ngồi trên ngựa mà cai trị, tạo lập nước Thái Bình Thiên Quốc lâu đài ức vạn nằm giữa chôn cung đao mũi lưỡi, ấy thực là người giỏi đó.
Quay mặt về phương đông mà đánh, quay mặt về phương nam mà đánh, cứu giúp hai mươi mốt tỉnh dân vô tội thoát vòng nước lửa bỏng sôi, đó chính là người nhân vậy).
Bắt chước Hồng Thiên vương, bọn chư vương cũng cho xây cất vương phủ.

Ngoài vương phủ có hai cửa viên môn, ba cổng đại môn, cao đến vài trượng.

Trên bức tường xây cửa đều có vẽ long vẽ hổ đủ năm mầu sắc.

Bước qua cổng phủ, vào trong thấy ngay một con đường chạy chính giữa.

Giữa con đường đó, có xây một cái đài cao hai bên treo chừng mấy chục cái thanh la để môi khi bên ngoài có chuyện gì xảy ra, thì đánh thanh la báo hiệu.

Bên trong phủ, cấm không cho một người đàn ông nào vào.
Cửa cung của Thiên hoàng, trên cổng cao treo một tấm biển đề Vinh Quang môn, cổng thứ nhì treo một tấm biển đề Thánh Thiên môn.

Hai bên là hai hàng dậu gỗ sơn son, trên mặt những hàng dậu này có rất nhiều tấm biển đều ghi những câu tán tụng Thiên hoàng của kẻ bề tôi bên dưới.

Hai bên trái phải còn có hai ngôi đình lợp ngói bằng pha lê.
Đi dần vào cửa thứ nhì, hai bên có cất đến mấy chục gian triều phòng.

Về phía tây triều phòng, xây một cái giếng đá hoa năm màu.

Trên những viên đá hoa này, có chạm khắc hai con rồng hết sức tinh xảo.

Trước điện, là một cái nhà bia, cột thì bằng vàng mà tường thì sơn son, nào rồng bay, nào phượng múa, rất là hoa lệ.

Trên vách bốn mặt điện, vẽ đủ bốn loại thú: rồng, cọp, voi, sư tử.
Về phía đông chính điện, có một dải tường bao quanh.

Phía trong tường là một cái hồ vuông, đáy lát đá xanh, rất là trong sạch.

Trên hồ, có một chiếc thuyền bằng đá dài hơn mười trượng.

Thiên hoàng thường ngồi trong chiếc thuyền đá này mở tiệc thết rượu.
Hồng Thiên hoàng rất cưng chiều tiểu Thiên hoàng, cho nên đặc ý làm cho một toà phủ đệ gọi là Tiểu Thiên hoàng phủ ở chân núi Chung Sơn.

Trong phủ, có cây cao suối mát, lâu đài khúc chiết mười phần u nhã.

Tiểu Thiên hoàng này cũng là một người hiếu sắc, cho nên người làm trong phủ toàn là một bọn nữ quan.

Bọn nữ quan này người nào cũng đều mặt hoa da phấn, da ngà tay ngọc.

Tiểu Thiên hoàng suốt ngày cùng bọn nữ quan đùa giỡn, những chuyện phong lưu tình tứ đều giở ra cho kỳ hết.
Nói đến bọn nữ quan của triều Thái Bình thì thật nhiều điều đáng chú ý.

Mũ áo của họ khác hẳn mũ áo của bọn nam quan.

Người nữ quan cao cấp nhất mặc áo long bào bằng đoạn vàng.

Cấp thứ nhì mặc áo màu tía và màu hồng.

Còn mặc màu xanh, màu lam, màu đen, là bọn cấp dưới nữa.
Trên chiếc mũ, người ta có thể phân biệt ba loại quan như sau: Ba cấp vương thì dùng mũ bằng đoạn màu vàng.

Từ cửu phẩm trở lên thì dùng mũ sa; cửu phẩm và hương quan thì dùng khăn chít đầu bằng đoạn.
Còn áo thi nữ quan tất cả đều có thêm một miếng hậu bối (miếng vái khâu ở sau lưng áo để che lưng).

Búi tóc thiên đội chiếc mũ nhỏ bằng nóc có giải buông xuống lòng thòng.

Thiên hoàng định phẩm cấp cho nữ quan nhấn mạnh vào kiểu quần hàng.

Đệ nhất đẳng tên gọi là Phùng thường, quần may loại ống rộng… Đệ nhị đẳng tên gọi Nữa thường (quần móc).

Đô là loại quần không dùng chỉ khâu mà dùng móc, móc chéo lại, để cho dễ cởi.

Đệ tam đẳng tên gọi Khai thường, tức là loại quần mở.

Đệ tứ đẳng tên gọi Tán thường, đó là loại không mặc quần có ống mà mặc váy vây quanh lại.

Đệ ngũ đẳng tên gọi Tán bào, đó là loại không mặc quần mà cũng chẳng mặc váy phần dưới thân để truồng chỉ mặc áo một cái áo bào dài che.

Ngoài ra còn có một loại nữ tên gọi Già toái.

Đó là loại mà bọn nữ quan thường dùng vào mùa hè để cho mát.

Già toái chỉ có ba miếng vải che lấy hông, một miếng che phía sau, còn hai miếng che hai bên đùi.
Thiên hoàng định chế phục như trên cho nữ quan, nguyên có một dụng ý.

Đã làm nữ quan thì không thể tránh khỏi chuyện dâm loạn.

Tiểu Thiên hoàng tỏ ra ác đến quả cỡ.

Hắn dâm ô với đám nữ quan trong phủ mình thì khỏi cần nói, nhưng ông còn khoái cưỡng chiếm cả những cô gái mới choai choai hoặc còn nhỏ tuổi.
Nhiều lúc Hồng Thiên hoàng thấy rõ con trai tỏ tình thân ái với phi tần của ông, cũng chẳng nói gì.

Từ đó, tiểu Thiên hoàng càng lớn mật hơn.

Hắn tư tình luôn cả Hồng phi và Nghi phi vốn là hai nàng phi cưng quý nhất của Thiên hoàng.
Nhưng cả hai nàng đều biết Hồng Thiên hoàng yêu quý cậu con trai cho nên đều không dám tới mách mà chỉ còn có cách im lặng chịu đựng và lại đâm ra ganh ghét nhau mà thôi.
Hồng phi người Dương Châu, tướng mạo tuy tầm thường nhưng được cái tuyệt khéo.

Tính tình nàng lại tao nhã, điềm đạm.

Chỉ cần cặp mắt sắc như dao, long lanh như giọt nước, liếc một cái là đủ để cho hồn phách đám đàn ông lên mây rồi.

Nàng chỉ thích cười, khi cười nàng đẹp tuyệt trần! Do đó, Hồng thiên hoàng hết sức sủng ái.

Và cũng ỷ vào đó nàng khinh thường cả Nghi phi.
Nghi phi người Quan Đông, vốn con nhà gia thế.

Nàng đẹp tuyệt, da trắng mặt hoa, tính tình hoà nhã thuận thảo, người lại trẻ măng.

Đối với nàng, Hồng Thiên hoàng đã có bao năm ân tình đằm thắm.

Ngài thường đến cung nàng ăn ở luôn tại đấy.
Cái gay cấn là cả hai nàng phi này đều yêu tiểu Thiên hoàng cả.

Vì một khoá đôi rương, hai cô đâm ra ghen nhau, ghen đến độ không thể dung nhau được nữa.
Ai ngờ trong cung của Nghi phi lại chứa chấp một chàng trai trẻ đẹp.

Anh chàng trai trẻ này vốn là con trai của một gia đình nghèo khổ tại Nam Kinh, mặt mũi trắng trẻo xinh đẹp.

Hôm Nghi phi vào thành Nam Kinh để hầu hạ Hồng Thiên hoàng thì anh chàng trai này đứng bên lề đường thơ thẩn nhìn người qua kẻ lại.

Nghi phi ngồi trong xe trông thấy bất giác lòng xuân xúc động.

Khi vào cung rồi, nàng bèn cho người lẻn ra phố đưa anh chàng trai nọ vào cung, để đêm ngày tư tình qua mặt Hồng Thiên hoàng.
Về sau Nghi phi lại có thêm tiểu Thiên hoàng, thành thử một mình nàng bao cả hai chàng, trong lòng vô cùng sung sướng.

Tiếc thay việc tốt nhiều khi hư, lương duyên trời ghen.
Một hôm, giữa lúc Nghi phi đang hú hí tình tự giữa ban ngày ban mặt thì Hồng phi bước vào khám phá ra chuyện bí mật khiến Nghi phi hoảng hồn bạt vía, run lên cầm cập mà Hồng phi cũng mắc cỡ đến đỏ mặt tía tai.
Anh chàng trai nọ chẳng còn cách gì hơn là quỳ xuống chân Hồng phi, dập đầu xin tha.

Hồng phi để ý nhìn thấy quả là một chàng trai trẻ trung đẹp đẽ hết sức gợi tình.

Đến lúc này, chính nàng cũng không cầm nổi lòng dục nữa, bỗng che mặt phì cười, quay đầu đi khẽ nói:
- Làm thế thì mắc cỡ chết!
Nghi phi đứng cạnh thấy rõ nỗi niềm tâm sự của Hồng phi, vội bảo chàng trai nọ.
- Ngươi ở đây hầu phi tử nhé! Ta đi một lát sẽ lại.
Nói đoạn Nghi phi vội quay đi, bước luôn ra ngoài.

Thế là bên trong, Hồng phi cùng anh chàng trai nọ hoàn thành ngay hảo sự.

Và từ đó về sau, Hồng phi cũng thường lưu anh chàng trai nọ trong cung mình, nhiều lần có ý như không muốn cho về với Nghi phi nữa.
Riêng anh chàng trai nọ cảm thấy Hồng phi có vẻ phong tao phóng đãng hơn Nghi phi nhiều, nên cũng say mê.

Nghi phi thấy mất cục cưng, tức giận bèn dùng kế "mượn đao giết người" để trả hận.
Hồi đó cả hai cha con Thiên hoàng cũng đều say mê Hồng phi.

Biết thế Nghi phi bèn dò la lúc Hồng phi đang cùng chàng trai nọ ân ái trên Dương đài liền lẻn tới mách tiểu Thiên hoàng.
Tiểu Thiên hoàng biết chuyện, cơn giận nổi lên như sấm sét, tức thì chạy tới cửa phòng của Hồng phi nghe ngóng, quả nhiên bắt gặp gian phu dâm phụ đang vào lúc mê đắm nhất.
Tiểu Thiên hoàng đích tai nghe gõ, lòng ghen thật khủng khiếp, đang tính xông vào.

Chợt nhớ mình cũng chẳng đàng hoàng ngay thẳng gì, tất hơn là đi báo phụ hoàng mới giải quyết được việc này.

Nghĩ vậy, liền quay lui, và tới cung vua cha.
Hồng thiên hoàng lúc đó đang ngồi tựa thành giường xem bọn thị vệ và nữ quan chơi trò đuổi bắt ú tim, thoạt nghe lời cáo mật của cậu trai cưng, tức đến hộc máu ra, bao nhiêu râu tóc dựng ngược lên cả.

Thế là ngài nhảy chồm lên như cái lò xo, mang theo một tốp thị vệ, chạy tới cung Hồng phi giữa lúc nàng đang còn loã lồ thân thể, tóc tai rũ rượi, chưa kịp trang điểm lại sau một cơn mưa gió nặng nề.
Bọn thị vệ áp điệu Hồng phi cùng cả anh chàng trai nọ ra ngoài.

Hồng thiên hoàng chẳng thèm tra hỏi gì nữa, hạ lệnh chém ngay tức khắc tại cửa cung.
Lúc sắp chết, Hồng phi kêu oan, bảo nàng trúng kế của Nghi phi chứ thực ra anh chàng trai nọ vốn do Nghi phi đưa vào cung.
Hồng Thiên hoàng nghe nói vậy, nhưng không tin, vẫn hạ lệnh chém ngay cặp gian phu dâm phụ này.
Sau khi giết chết Hồng phi, Hồng Thiện hoàng lập tức truyền dụ cho các tướng lãnh tìm cách dâng hiến mỹ nhân lên cho ngài.
Hồi đó dưới trướng của quan hưu đô đốc, có một vị tướng quân họ Phàn tìm được một cô nàng xinh đẹp tuyệt trần ở Tô Châu, tên gọi Minh Cô.

Nàng vốn là một tiểu thư con nhà gia thế, có học thức, lại biết cả đao kiếm.

Lúc đoàn quân tóc dài của Thái Bình Thiên Quốc tới Tô Châu thì Minh Cô chạy theo cha mẹ trốn về thôn quê.

Nàng bị quân lính bắt, cha mẹ lại sắp bị chém.

Nàng vội xông tới ngăn cản.

Bọn quân lính thấy nàng xinh đẹp nên tha cho cha mẹ nàng.

Chúng đem nàng vào trại, tính làm việc phi lễ, Minh Cô bèn bảo chúng:
- Bọn bay nếu hãm hiếp ta thì ta chỉ còn có một chết, chi bằng đưa ta tới gặp chủ tướng của bọn bay, ông ta thấy ta đẹp yêu quý ta, có phải bọn bay được một món tiền thưởng hay không?
Bọn lính nghe nàng nói có lý, đưa nàng lên dâng cho viên tướng của mình.

Phàn tướng quân thấy Minh Cô sắc nước hương trời, bèn thưởng bọn lính năm trăm lạng bạc, giữ nàng lại trong trướng.

Đến đêm Phàn tướng quân mò vào, mong được sung sướng với người đẹp.

Nhưng Minh Cô lại đem cái lối nói với bọn lính nói với tướng quân họ Phàn khuyên ông đưa nàng lên dâng cho Hồng Thiên hoàng sẽ được quan cao lộc hậu.
Câu của Minh Cô nói ra đúng lúc Hồng Thiên hoàng có dụ truyền các tướng lãnh tìm kiếm người đẹp cho ngài.

Bởi thế Phàn tướng quân nghe qua tỉnh ngộ, liền đích thân đưa Minh Cô tới Thiên kinh.
Hồng Thiên hoàng nhìn thấy Minh Cô sung sướng tưởng đến phát điên, ngài truyền dụ thưởng Phàn tướng quân mười vạn lạng bạc.
Minh Cô đẹp tuyệt, da trắng mặt hoa, thân hình óng ả.

Ngay đêm đầu lâm hạnh.

Hồng Thiên hoàng thấy nàng vẫn còn là một xử nữ trinh trắng nên cưng quý lắm.

Ngài phong nàng làm Minh phi, bổ khuyết vào chỗ trống của Hồng phi.
Hồng Thiên hoàng ở lỳ trong cung Minh phi luôn một tháng, thực là ngồi cùng ngồi, đi cùng đi, mười phần yêu quý.

Minh phi nhân dịp đó, bèn xin Hồng Thiên hoàng cho đưa cha mẹ nàng vào cung để được gặp mặt.

Hồng Thiên hoàng ưng thuận ngay.
Minh phi gặp cha mẹ, không khỏi bi thương, khóc rống lên.

Thấy chung quanh chẳng có ai nàng bèn thổ lộ tâm sự mình với cha mẹ là có ý định hạ thủ Hồng Thiên hoàng, và như thế tánh mạng nàng e cũng khó toàn.

Hai mẹ con ôm lấy nhau khóc lóc thê thảm.

Minh phi xin Hồng Thiên hoàng cấp cho cha mẹ nàng một cây cờ vàng nhỏ.

Nhờ cây cờ này, cha mẹ nàng mang theo trong người thì bất cứ đi tới đâu trong nước Thái Bình Thiên Quốc đều được cả.

Minh phi dặn nhỏ khuyên cha mẹ nên trốn lên phương Bắc trước đi, để khi câu chuyện ám sát của nàng chẳng may bị đổ bể thì cũng không có hại gì cho cha mẹ.

Sau đó, nàng tiễn chân cha mẹ ra khỏi cung.
Minh phi đặt một bữa tiệc ngay trong phòng ngủ của mình rồi mời Thiên hoàng tới, chính nàng hầu rượu cho Hồng.

Giữa tiệc rượu nàng nói cười luôn miệng, làm duyên làm đẹp khiến Thiên hoàng uống hết chén này tới chén khác.

Minh phi thấy đã đến lúc hành động bèn dặn bảo bọn cung nữ dọn dẹp tiệc rượu, đích thân đỡ Hồng lên giường rồi tự mình cũng thay đồ ngủ, cởi bỏ hết đồ trang sức.
Sau khi bọn cung nữ dọn dẹp xong, Minh phi bèn khoá chặt cửa phòng lại.

Trên giường Thiên hoàng đã ngủ say, thở phì phò.

Căn phòng im lặng như tờ.

Mình phi rón rén bước tới bên tường, rút thanh bảo kiếm, lăm lăm cầm trong tay.
Nàng bước lại gần giường, thò đầu vào mùng xem thì quái lạ thay, chiếc giường không có ai nằm cả.

Thiên hoàng biến mất lúc nào rồi! Giữa lúc Minh phi đang ngạc nhiên thì nàng không ngờ Thiên hoàng đã ở đằng sau mình từ lúc nào, mặt hầm hầm nổi giận.

Thì ra hôm đó, Minh phi mời Thiên hoàng uống rượu đã khiến ngài có ý nghi ngờ.

Một điều khiến ngài nghi thêm là xưa nay Minh phi không bao giờ uống rượu mà nay bỗng nhiên lại uống.

Do đó, ngài giả đò say, đi ngủ trước trên giường lẳng lặng chờ xem động tĩnh của Minh phi.
Thiên hoàng thấy Minh phi đóng cửa phòng, tới cạnh tường lấy cây kiếm, biết ngay nàng có ý không lành.

Ngài bèn lẻn ra sau giường bò xuống đất, đến đằng sau nàng.

Đợi khi Minh phi cầm thanh bảo kiếm tới cạnh giường, Thiên hoàng mới tuốt cây bội đao cầm chặt trong tay, chờ phút hạ thủ.

Ngài giận lắm nên khi Minh phi vừa quay đầu lại, ngài không một hai gì hết, múa cây bội đao một vòng, chém bay đầu Minh phi.
Sau đó, ngài lắc liên hồi cái chuông nhỏ, truyền gọi cung nữ lượm đầu của Minh phi đem ra treo ngoài cửa cung làm hiệu lệnh.

Chỉ trong giây lát, tin Minh phi mưu sát Thiên hoàng truyền đi khắp cung nội, các bà hoàng hậu, phi tần vội vàng tới thỉnh an.
Thiên hoàng sau khi giết Minh phi, tự thấy mình như được trời phù hộ, lấy làm sung sướng lắm, ngài truyền lệnh trong cung ngay đêm đó bày tiệc ăn mừng, nốc một lúc hàng mấy bát rượu lớn.

Lúc đó, ngồi bên cạnh Thiên hoàng nào là hoàng hậu, nào là phi tần đủ khắp tam cung lục viện, mùi hương phấn thơm ngát, tiếng thỏ thẻ như chim hót líu lo.

Lòng cao hứng nổi dậy, Thiên hoàng ôm bên này bế bên kia, kiếm vui tìm khoái đủ kiểu.

Đến lúc cao hứng, ngài liền gọi luôn một lúc mười bà phi vào tẩm cung lâm hạnh.

Ngài không quên, truyền gọi thêm mười bà phi khác vào theo để "thưởng xuân", đứng bên vỗ tay hoan hô trợ hứng.
Hồng Thiên hoàng ngày ngày cùng với bọn phi tần, nữ quan mua vui hưởng lạc, một mình ngài đảm đương cả chục cô mà sức vẫn thừa.
Các vị vương gia trong triều đình của Thái Bình Thiên Quốc không những hiếu sắc mà còn ham cả trai nữa.

Trong mỗi vương phủ đều có nuôi năm, ba tên trai trẻ xinh đẹp bảnh bao.

Còn cung Thiên hoàng có hơn hai chục tên.

Những tên trai trẻ này đều đánh phấn, kẻ lông mày, ăn mặc hết sức diêm dúa, trông qua không thể biết đó là trai.
Hồng Thiên hoàng lại nghe lời Hà Y Chính mỗi ngày nuốt một viên trân châu, một miếng bạch ngọc để điều dưỡng thân thể.

Gã thầy lang còn đưa ra một phương pháp nấu châu, ninh ngọc như sau: viên trân châu cần tròn trịa tinh vi không một chút tì vết, nhét vào trong miếng đậu hũ, đem đun cách thuỷ độ nửa ngày.

Khi lấy miếng đậu hũ ra, thì viên trân châu nở to ra đến ba, bốn lần cũng trắng bóc như miếng đậu hũ.
Nếu viên trân châu có tì vết, không được tròn trịa tinh vi thì có nấu đến cả ngày cũng không thể hoá được, cứ trơ trơ ra đó.

Trân châu nấu kiểu đó, cứ bỏ vào miệng là chạy tuốt ngay xuống dạ dày, tan biến đi luôn.
Còn phép ninh ngọc thì như sau: Lấy loại bạch ngọc thượng hảo hạng đem ninh chung với gốc cây địa du thụ.

Ninh liên tục hai mươi bốn giờ, không cho bốc hơi ra ngoài, bạch ngọc nát ra là ăn được.

Lúc ăn, cần cho đương, rất dễ nuốt.

Nước ngọc ninh này đóng cục lại như băng.

Nếu dùng ngọc có tì vết hoặc thứ ngọc hạng bét thì ninh hoài cũng cứ trơ ra, chẳng thể chín được.
Trong nhà bếp của Thiên hoàng, có bốn chú hoả đầu quân chuyên việc nấu châu, ninh ngọc.
Các chú này đều là bọn con buôn châu ngọc, hiểu rõ việc chọn lựa châu ngọc thật, giả, tất, xấu.

Chỉ vì Thiên hoàng cần ăn châu ngọc nên nhà bếp mỗi tháng phải tăng thêm tiền chợ lên đến hơn mười vạn lạng bạc nữa.
Nói đến việc ăn uống của Hồng Thiên hoàng, ai nghe cũng phát hoảng.

Một bữa ăn của ngài, trừ mười sáu món phụ ra, còn hai mươi bốn món chính, gọi là hai mươi bốn món "Sinh".
Đó là sáu giống chim, sáu giống thú, sáu giống cá, sáu giống sò hến.

Giống chim ngài khoái ăn nhất là bồ câu, sẻ, trĩ và ưng (ó), nhất quyết không ăn gà, vịt.

Giống thú thì ngài thích nhất bò, dê, mang và thỏ, không ăn heo.

Giống cá thì ngài mê nhất là cá chép, cá trôi, cá diếc, cá hoàng.

Ngoài ra ngài không bao giờ chê tôm, ba ba, rùa, sò huyết.

Những món này phải thay đổi luôn luôn, không được dâng mãi một thứ.
Tính ra cứ mỗi một bữa cơm của Thiên hoàng ít ra cũng phải tốn đến ngàn lạng bạc.
Nấu nướng bất luận cách nào đều phải cả con.

Lớn như bò, dê cũng phải để cả con trên mâm, bày trên chiếu, trông thật kỳ cục, tức cười.

Các món chim, trông y như chúng còn sống.

Mãi đến khi hạ đũa thì lúc đó bọn nữ quan mới giúp ngài nhổ hết những cái lông đó.
Tính tình của Thiên hoàng vốn mừng giận thất thường.

Giữa lúc đang ăn uống vui cười, chỉ cần một chuyện nhỏ chẳng được như ý là ngài trút hết cả con giận lên đầu mấy tên thị vệ hầu cận.

Ngài quát một tiếng "dùng hình" tức thì hình quan phải tóm ngay cổ tên thị vệ bị hình phạt đem đi.
Trong cung Thái Bình Thiên Quốc có một loại cực hình tên gọi Điểm thiên đăng (đốt đèn trời).

Cách trừng phạt như sau: lột hết quần dưới áo trên của kẻ bị hình phạt, lấy giấy hoa gấm quấn suốt từ đầu tới chân rồi đem tẩm dầu vừng, bên ngoài còn bó nhựa thông sáp trắng, chẳng khác chi một cây đèn cầy cao lớn.
Khi đem đốt cây đèn người ấy thì phải cắm lộn đầu xuống đất rồi mới châm lửa vào chân.

Lúc đầu, kẻ chịu hình còn kêu la được, tiếng thê thảm như quỷ gọi ma hú.

Lúc cháy tới đùi thì tiếng kêu càng lúc càng nhỏ, cháy tới bụng dưới thì chỉ nghe thét lên một tiếng lớn.

Và đến khi cháy tới ngực thì không còn thấy rên ri gì nữa….