Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 65: Nữ Hiệp Lã Tứ Nương







Tăng Tính cùng bọn Trương Hy lên đường đi Tứ Xuyên gặp Nhạc Chung Kỳ.

Tính thuyết Kỳ:
- Ngài vốn là con cháu của Nguyên soái Tống triều Nhạc Phi thuở nào.

Còn đương kim hoàng đế Mãn Thanh lại chính là con cháu Kim Ngột Truật lúc trước.

Hiện ngài làm tổng đốc thống lĩnh đại binh, đứng trước thù nhà nợ nước, lẽ nào ngài không báo đền?
Mới đầu, Kỳ nghe lời Tính nói, lòng cũng có vẻ cảm động.

Nhưng khi nhớ tới cái chết của Miên Canh Nghiêu, Kỳ bất giác giật mình, lòng lạnh hẳn đi.

Sau một hồi đàm luận, Kỳ biết rõ rằng Tính chỉ là một anh tú tài làm phản, chẳng có chút thực lực nào.

Kỳ lập tức biến kế, một mặt giả đò lập thệ kết minh với bọn Tính, một mặt ngầm tống đạt công văn cho tuần phủ Hồ Nam dặn y canh chừng bọn Lã Nghi Trung.

Rồi đích thân Kỳ gửi một tập hồ sơ mật lên kinh.
Mấy hôm sau, người ta thấy hai vị quan lớn do Ung Chính hoàng đế phái tới Tứ Xuyên, bắt tất cả bọn Tăng Tính, Trương Hy.

Khi bị đem thẩm vấn, Tăng Tính chẳng thèm giấu giếm, công khai bộc lộ tâm trạng của mình.

Hai vị Khâm sai liền áp giải cả bọn can phạm tới Hồ Nam.

Trong khi đó, tuần phủ Hồ Nam cung đã bắt Lã Nghi Trung cùng bọn gia nhân và môn sinh như Thầm Tại Khoan, Nghiêm Hồng Lực.
Bọn Khâm sai cứ tình vậy vào tâu.

Thánh chỉ của hoàng đế truyền xuống nói bọn Tính và Hy bị Lã Văn Thôn dùng tà thuyết cám dỗ, chi là tòng phạm được gia ơn phóng thích, chỉ có Lã Nghi Trung mới là tên đại nghịch bất đạo, tức thì trảm quyết chết thảy toàn gia.

Lã Văn Thôn còn bị quật mồ, thây đem băm nát.

Bọn môn sinh Thẩm, Nghiêm đều nhất luật xử trảm.

Cái án tày trời này giết chết một trăm hai mươi ba người, đến nỗi bách tính kẻ nào kẻ nấy hoảng hồn bạt vía, oán giận khôn nguôi.
Gia đình họ Lã bị giết gần như chẳng sót một ai.

Giữa lúc hỗn loạn, may chỉ còn lại một đứa con gái nhỏ của Lã Nghi Trung mà thôi.

Đứa bé gái nhà họ Lã này tên gọi Lã Tứ Nương, là con gái thứ tư của Lã Nghi Trung, gọi Lã Văn Thôn là ông nội.

Năm đó nàng mới mười bốn tuổi.

Lúc tuần phủ Hồ Nam phái binh tới bắt toàn gia thì nàng đang ngồi chơi bên hàng xóm, mãi sau mới biết, vừa khóc vừa tính chạy tới nha môn thăm hỏi cha mẹ.

Người con gái hàng xóm vốn đa mưu vội can ngăn và ngầm đem nàng gửi vào gia đình họ Chu ở trước cổng nhà Lã Văn Thôn.

Chu ông, nhà có vườn rộng, thường nuôi tới hơn trăm tráng đinh.

Mỗi khi rỗi rảnh.

hết việc đồng áng, bọn này thường mời thầy về dạy võ nghệ cho họ.

Ngay cả Chu ông cũng nhân đó học năm ba miếng võ chơi.

Ông thầy võ hồi đó đã hơn sáu chục tuổi, thân hình cao lớn, hai bên cằm mọc hai chòm râu dài, phất phơ trước gió.Ông đi quyến, múa kiếm vẫn còn vững chãi, nhanh nhẹn lắm.
Lã Tứ Nương ở trong nhà Chu công, thường núp sau bức bình phong xem trộm cảnh tập võ.

Tuy chỉ là một đứa con gái mười bốn tuổi nhưng nàng lúc nào cũng nhớ tới mối thù cha mẹ.

Nàng giận mình là đàn bà con gái yếu ớt, thường thắc thỏm không biết cách nào để trả mối huyết hải oan cừu này.

Thấy có thầy tới dạy võ, nàng lấy làm mừng, cho là dịp may đã đến với mình.
Một hôm, Chu công đang cùng ông thầy võ già ngồi uống rượu ở nhà trước, bỗng một cô gái chạy từ sau tấm bình phong vụt ra, quỳ xuống trước mặt ông thầy, miệng nói:
- Xin người thu con làm đệ tử?
Người con gái đó chính là Lã Tứ Nương.

Lúc đầu, ông thầy già không muốn nhận nhưng nàng cứ quỳ mà khẩn khoản mãi, lệ nhỏ ròng ròng.

Chu công thấy nàng thành tâm đồng thời sợ nàng lỡ lời lộ ra là con gái Lã Nghi Trung bèn vội nhận nàng là em gái mình và cùng xin hộ với nàng.

Ông thầy võ tưởng thật mới chịu thu nhận.
Từ đó, Lã Tứ Nương theo bọn tráng đinh luyện tập võ nghệ.

Nàng sẵn mối căm thù hun đúc, hơn nữa có trí thông minh, thân thể lại mềm dẻo nên chăng mấy lúc tài nghệ đã vượt hẳn bọn con trai.


Ông thầy võ rất lấy làm mừng, rồi từ đó ông đặc biệt chú ý tới nàng, đem hết bản lĩnh của mình truyền dạy cho.
Ba năm qua, Lã Tứ Nương võ nghệ đã tới chỗ cao cường.

Đánh quyền, múa kiếm, kinh công… thảy đều thông thạo.

Ông thầy lại dạy cả nàng phép "luyện khí" và phi kiếm, thường chỉ đệ tử chân truyền của chùa Thiếu Lâm mới được truyền thụ.
Ba năm sau, Lã Tứ Nương không còn có môn võ gì mà nàng không biết, không hay, không tinh.

Nàng có thể vận nội lực gắn chặt lưng mình vào vách tường mà lên xuống tuỳ ý.

Nàng cũng có thể giấu phi kiếm dưới cườm tay, phóng ra xa, lấy đầu người một cách lẹ làng, thần diệu.

Bản lĩnh này trong phái Thiếu Lâm chỉ ba người có được: người thứ nhất là Thiếu Lâm Tăng, người thứ nhì là Ung Chính hoàng đế và người thứ ba là Cầu Nhiêm Công.

Ông thầy võ truyền thụ võ nghệ cho Lã Tứ Nương chính là Cầu Nhiêm Công đó.
Cầu Nhiêm Công vốn cũng giận Ung Chính hoàng đế quá độc ác, giết chết bao bạn hữu và đồ đệ của mình, nên ông đã kết thân với bọn hảo hán trên giới giang hồ, ngầm mưu việc chống lại nhà Thanh.

Nay được một nữ đệ tử xứng đáng, lòng ông sung sướng quá, bèn đặt cho Tứ Nương một cái tên là Hiệp Nương.

Ông khuyên nàng nên lấy điều nghĩa hiệp làm trọng.

Ông bảo nàng:
- Bản lĩnh của con ngày nay, trừ Thiếu Lâm Tăng ra, có thể coi như số một rồi đó.
Lã Tứ Nương học được một bản lĩnh tuyệt luân như vậy đáng lý phải mừng mới đúng, đằng này nàng vẫn đau khổ ngấm ngầm, trong lòng lúc nào cũng nhớ tới cái chết thảm khốc của cha mẹ.

Nàng có cả một bầu tâm sự não nề, nhưng chẳng biết thổ lộ cùng ai.

Nhất là lúc đó nàng đã trưởng thành, nỗi niềm thầm kín của người con gái mười tám, đôi mươi quả đã có những phút xốn xang, hồi hộp, khó nói nên lời.

Lòng nàng hoạ chỉ có Chung Dung Kính, con trai của Chu công, mới hiểu được.

Và cũng vì vậy, Kính hết dạ chiếu cố tới nàng.
Chu Dung Kính thua Lã Tứ Nương hai tuổi.

Tuy vậy, chàng luôn tỏ ra người lớn trước nàng.

Kính để ý tới Tứ Nương kể từ lúc nàng đặt chân tới nhà chàng.

Nào khi ăn khi uống, nào những chuyện ấm lạnh mà bọn gia nhân không kịp xét tới, chàng đã ngầm thu xếp cho nàng hết sức đầy đủ và cẩn thận.

Gặp những mùa có trái ngon, hoa đẹp, chàng đều mua, đưa vào phòng cho nàng.

Tuy tình nặng như thế nhưng Kính chẳng bao giờ đám chọc ghẹo, cười cợt nàng.

Có điều lạ là nàng tuy đẹp như hoa mai trước gió, như bông hạnh nở bên tường nhưng tính tình lại lạnh như băng.

Nàng vẫn biết Kính hết dạ chung tình với mình, bao bọc mình nhưng nàng phải cố tâm thoát khỏi lưới tình chỉ vì nàng còn chất chứa trong lòng một mối huyết hải thâm thù.
Trong lòng nàng cũng vấn vương xao động, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra nghiêm nghị, lạnh lùng.

Có lúc nàng quá thương tâm, chỉ còn biết khóc, khóc đến không còn nước mắt.

Thật đáng thương cho một người con gái chưa đến tuổi thành niên đã chẳng may gặp cơn gia biến, bơ vơ giữa cõi đời.

Nhiều đêm, vào lúc canh khuya vắng lặng, nàng thức giấc nghĩ tới mối chung tình của Dung Kính rồi miên man nghĩ đến số kiếp khổ sở của mình mà buồn bã ê chề.

Nàng úp mình trên gối ấm ức khóc mãi không thôi.
Cứ mỗi đêm nàng khóc và qua ngày hôm sau, đôi mắt nàng đỏ ngầu, thì Dung Kính lại lén ra mua một chiếc khăn tay mới, đặt trên gối của nàng.
Ít lâu sau, chàng và nàng đã đến lúc nín nhịn không nổi nữa liền thổ lộ chân tình cho nhau.

Thế rồi cứ mỗi lần gặp Tứ Nương, Dung Kính lại khuyên nàng nên cẩn trọng thân thể.

Nàng thấy chàng vừa nói đến chuyện đó thì liền lấy tay áo che mặt, quay gót chạy đi.
Có một hôm, trời hết sức nóng nực.

Chàng và nàng bất ngờ gặp nhau dưới hiên nhà.

Chàng nhìn vào mặt nàng và hỏi:
- Tối qua chị lại khóc phải không? Chị nên bỏ qua mọi việc.

Cha mẹ chị đã mất cả.

Tôi lại vì điều trai gái tỵ hiềm mà không thể an ủi chị được.

Chẳng may chị khóc đến sinh bệnh thì tôi còn biết làm sao đây?
Lúc đầu thoạt nghe, nàng bất giác mặt đỏ tía tai, xấu hổ không biết để vào đâu, nhưng về sau bỗng đôi hàng lệ của nàng cứ lã chã như những hạt châu rơi xuống.

Nàng vội quay mặt đi, chạy một mạch về phòng đau đớn oà lên khóc Nàng nghĩ tới mối tình tha thiết của Kính.

Nhưng nàng không thể vì tình yêu của chàng mà quên đi việc lớn của mình! Bởi vậy nàng nghĩ tốt hơn hết là nên sớm ly khai với chàng.

Nghĩ tới đây, nàng liền quyết định là ngay tối hôm đó, nàng sẽ ra đi.
Trời tối, trăng trong gió mát như gợi lòng khách giang hồ, Lã Tứ nương nai nịt gọn gàng phi thân nhảy qua bờ tường rồi loáng một cái đã mất hút.

Đây là lần đầu tiên nàng được nếm mùi vị chốn gió sương.

Nàng đi đã xa, đưa tay sờ vào túi, mới biết khi ra đi chẳng đem theo chút tiền bạc nào.

Làm sao bây giờ? Nàng đành lột vàng, tháo xuyến ra bán lấy tiền lộ phí.

Nàng nghĩ ra được một cách kiếm tiền.

Nàng thuê hai người giúp việc, rồi với một chiếc thanh la, kiếm chỗ mãi võ.
Một cô gái vừa trẻ vừa tuyệt sắc thì ai mà bỏ qua được.

Thế là cả phố cả phường đổ xô lại để xem người đẹp hơn là xem võ nghệ.

Rồi thì anh nào anh nấy đua nhau ném tiền tặng thưởng cho nàng đến dốc cạn cả hầu bao.

Nàng lại đi tìm chỗ khác để đánh thanh la chiêu khách.

Cứ thế nàng độ nhật sinh nhai trên đường, bất giác đã hơn một tháng.
Hôm đó, nàng tới địa phận Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.

Phủ Thái Nguyên vốn là một nơi thị tứ náo nhiệt, khách thương qua lại rất nhiều.

Những chàng công tử thấy Tứ Nương một mình mãi võ, đều cho là nàng mượn cớ kén chồng.

Nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp, thân hình óng chuốt của nàng, chàng nào cũng lắc lém, tít mắt khen tuyệt.

Tức cười nhất là có mấy cậu dại gái võ vẽ đôi chút quyền cước, cả gan nhảy lên đài tỉ võ với nàng để được mong động chạm đôi chút cho hả nỗi thèm thuồng.
Tứ Nương đọc rõ tâm địa bụng chúng, liền đặt ngay điều kiện như sau: hai bên tỉ võ đều phải bỏ tiền đặt cuộc năm chục lạng bạc, ai thắng sẽ lấy cả.

Tiền thì chúng có thừa, bèn nhận lời ngay.

Nàng còn giả bộ kém cỏi, vờn đối thủ mãi rồi mới kín đáo, bằng thế võ hiểm, quật ngã.

Những tên khác hí hửng đua nhàu vào đấu như thiêu thân lao vào lửa.

Thực ra chúng chỉ mong được chút hương thơm của nàng rồi thì đù đau, dù mất tiền cũng vui lòng.

Nàng chỉ việc bỏ tiền vào túi sau mỗi chiêu thức nhẹ nhàng và kín đáo.

Chỉ một buổi nàng đã được tới năm trăm lạng bạc.

Nàng sợ quan phủ sở tại đem lòng ngờ vực, bèn rời Thái Nguyên qua Sơn Đông.
Dọc đường, còn thiếu gì kẻ mắc vào cái lưới nhan sắc mà hiểu kính tiền lộ phí cho nàng.
Một hôm nàng tới Thiên Tân, theo lệ thì nàng thường kiếm chỗ sau khu Chiêu khách tỉ võ, nhưng khi vừa tới, nàng bỗng thấy một vị hoà thượng vừa lớn, vừa mập mạp, tay bưng hai trăm lạng bạc lớn tiếng nói:
- Này nàng! Ta đem hai trăm lạng bạc này đánh cuộc đây! Nếu nàng thắng ta thì khỏi nói, hai trăm lạng bạc này tất nhiên về tay nàng rồi.

Nhưng nếu ta thắng thì chỉ cần từ nay nàng bỏ nghề mãi võ, theo ta về chùa làm một mụ hoà thượng bà bà là xong.
Lã Tứ Nương vừa xấu hổ vừa giận, lập tức đem tuyệt chiêu Kim cương quyền của sư phụ truyền thụ ra đối phó.

Không ngờ nhà sư giao thủ với nàng được có môi một chiêu bỗng quát lên một tiếng "Ngừng tay!" rồi bảo:
- Đúng là sư muội của ta rồi! Khỏi cần giao đấu nữa, hai trăm lạng bạc này ta giúp sư muội đem theo lành lộ phí.

Sư muội miễn thứ cái tội lỗ mãng cho ta nhé.
Nói đoạn nhà sư vòng tay từ biệt, quay gót đi luôn.

Lã Tứ Nương được hai trăm lạng bạc của nhà sư, cũng bỏ nghề mãi võ luôn.

Nàng lẻn vào thành Bắc Kinh, mướn một căn nhà trọ và một đứa tớ gái giúp việc trong nhà.

Hồi ấy, khắp kinh thành Bắc Kinh chỗ nào cũng đầy rẫy bọn trinh thám của hoàng đế dò xét tình hình dân chúng.

Thấy nàng có hành tung bất minh, chúng đã tới tra hỏi đôi ba lần.

Nàng coi bộ tình hình có vẻ không ổn, bèn tới ở trong một toà cổ miếu, tường xiêu mái sụp, ngày đêm làm mồi cho mưa nắng.


Giữa lúc cô tịch âm thầm dó, nàng bỗng thấy một bóng người cao lớn nhảy vút qua đầu tường, để rơì tấm thân nặng ước trăm cân xuống đất nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng.

Nàng vội búng ra một kiếm.

Không ngờ lưỡi kiếm vừa phóng ra đã bị đại hán nọ tiếp gọn trong lòng bàn tay mình.
Dưới bóng trăng mờ, nàng định thần nhìn kỹ thì chẳng phải ai xa lạ, mà chính là sư phụ nàng.

Cầu Nhiêm Công, với bộ râu dài trắng như cước đang phất phơ trước gió, khà khà cười lớn, rồi bảo nàng:
- Thật là đi rách cả đôi giầy sắt mà chẳng thấy.

Nay gặp được con quả chẳng phí công tí nào!
Nói đoạn, Cầu Nhiêm Công nắm lấy tay nàng chạy ra khỏi miếu thì đã thấy có một người con gái khác đang đứng chờ.
Lại nói Lã Tứ Nương lén bỏ Chu gia ra đi, đối với kẻ nào khác chẳng nói làm chi nhưng đối với Chu Dung Kính thì quả là nỗi đau khổ lớn nhất rồi.

Suốt ngày Kính bỏ ăn, bỏ ngủ như cuồng như điên.

Phụ thân của Kính thấy vậy, bất nhẫn lắm.

Ông nghĩ Tứ Nương đi phen này hẳn chỉ là tới Bắc Kinh để báo thù.

Bởi vậy, ông nói sự thể cho Cầu Nhiêm Công biết và muốn Công đi Bắc Kinh trợ giúp nàng.
Chu Dung Kính nằng nặc đòi đi theo.

Cầu Nhiêm Công còn có một nữ đồ đệ tên Ngư Nhương, cũng kéo đi luôn.

Thế là ba người thu xếp hành lý lên đường.

Đi tới đâu, Cầu Nhiêm Công dò la tin tức tới đó và nghe được khách bộ hành đồn đại có một cô gái tuyệt đẹp, bản lĩnh cao cường đi mãi võ khắp nơi.

Công nghĩ người con gái đó phải là Lã Tứ Nương chứ không còn ai.

Nhưng khi tới Bắc Kinh thì Công lại bặt tin nàng.

Công suy nghĩ cẩn thận, cho rằng Tứ Nương rắp tâm mưu đồ đại sự thì tất nhiên là phải tìm nơi hoang vắng mà ẩn náu cho nên bặt tin nàng là vậy.

Công liền đi kiếm một khách điếm vào trọ.

Thế rồi đêm, vào lúc canh khuya tứ bề vắng lặng.

Cầu Nhiêm Công đem theo Ngư Nhương, phi thân nhảy lên nóc nhà, đi tìm Tứ Nương.

Hôm đó Công nhảy vào toà cổ miếu và đã tìm được nàng, dắt ra giới thiệu với Ngư Nương đứng đợi ngoài cổng.

Tứ Nương thấy Ngư Nương tuổi suýt soát với mình, và dung nhan cũng chẳng thua mình, tự nhiên thân với nhau ngay.

Nàng hỏi Ngư Nương lên kinh làm gì thì Ngư Nương kể cho nàng chuyện cha mình là Ngu Xác bị hoàng đế bắt tội chết, nàng lên kinh tìm cách báo thù.
Hai người cùng một chí lại càng thân nhau hơn.

Nhưng người sung sướng nhất đời lúc này phải kể Chu Dung Kính.

Chàng nắm lấy tay áo nàng, khẩn khoản khuyên nàng chớ lên mạo hiểm, e nguy đến tính mạng.

Nàng nào có nghe Kính song cũng tự nhủ:
- Dung Kính đối với ta quả thật chung tình.

Ta e rằng trên thế gian này khó có thể tìm ra một người thứ hai như vậy.

Phen này, nếu lo xong việc lơn ta sẽ cùng chàng tính chuyện trăm năm.
Hồi này, nàng đã có sự lịch duyệt trên chốn giang hồ không còn e lệ rụt rè như xưa, nên bèn thành thực bày tỏ nôi niềm tâm sự cho Kính nghe:
- Tấm thân này vốn dĩ là đã là của chàng rồi.

Song hiện thiếp còn muốn mượn chàng để dùng vào việc lớn đã.

Sau khi trả thù xong, chàng muốn thế nào thiếp sẽ theo như thế! Còn lúc này quả thiếp không thể nào tuân theo lời chàng được.
Mấy lời khiến Chu Dung Kính nghe xong vừa mừng vừa lo, chẳng biết khuyên nhủ ra sao nữa.
Cầu Nhiêm Công mướn một căn nhà ngoài cửa Tây Tiên môn cho cả bốn thầy trò làm chỗ cư ngụ lâu dài.

Công nói thác đây là một gia đình có cha, có con trai, con dâu đầy đủ.

Nhờ đó không có một ai nghi ngờ gì cả.
Hồi này, Ung Chính hoàng đế cũng đã được bọn thám tử cho biết là trong kinh thành có một số đông thích khách đang tìm cách hành thích ngài.

Hoàng đế vội hạ mật lệnh phòng bị khắp nơi, canh chừng đủ chốn, một mặt ngầm dặn bộ binh nha môn tra xét kẻ ra ngườì vào nghiêm mật.
Lễ Tế trời đã tới.

Khâm thiên giám chọn được ngày tốt, mời hoàng đế xuất thành đi làm lễ.

Ung Chính nghe phong thanh bên ngoài nhiều chuyện đáng ngại, đã có ý không đi.
Nhưng ngài nghĩ lại, cho rằng nếu nằm mọp trong cung không dám thò cổ ra ngoài thì cũng làm sao khiến chúng lộ mặt ra mà bắt.

Hơn nữa bách tính thấy ngài bỏ cả tế lễ sẽ bàn tán cười chê thêm phiền.

Ngài đành liều mạng một keo, tức thì truyền chỉ bày giá tế trời, một mặt điều động thị vệ để hộ giá xuất cung.
Hôm đó các đường phố đều có bộ quân canh gác, Cửu môn đề đốc cho người ngựa phòng bị tra xét suốt dọc đường.

Từng đội tay cầm đao thương sáng quắc, đứng dọc theo con lộ, nước chảy cũng khó thông.

Hai bên đường, dựng lên nhũng tấm thiên mạn trướng năm sắc rực rỡ, chạy mãi tới trước mặt Thiên đàn (đàn cao để tế trời).
Từ trong hoàng thành đi ra, từng cặp loan nghi từ từ tới trước đàn, rồi tiến lên phía trên.

Các quan lớn văn võ khắp triều chia hai hàng đứng thăng tắp hai bên.

Ung Chính hoàng đế bước từ trên xe loan dư xuống.

Đội lính thị vệ vây kín lấy ngài, rầm rộ đưa ngài lên đàn cao.

Trên mặt đài có đầy đủ đồ tế lễ.
Ung Chính hoàng đế tính quay mình trở xuống.

Bỗng ngài nghe có tiếng động phát ra từ tấm màn Thiên mạn, ngài vội búng ngón tay một cái, tức thì một đạo bạch quang bay vụt tới đó.

Và chỉ vài giây sau đó, một cái đầu con hồ ly từ trên cao rớt phịch xuống đất.

Hoàng đế nhìn thấy rõ rồi, lòng hết lo ngại.

Bọn thị vệ tả hữu đều đồng thanh hô vạn tuế…
Đứng sau Ung Chính hoàng đế lúc bấy giờ có Ngạc Nhĩ Thái.

Hoàng đế quay lại cười bảo Thái:
- Trẫm nghe nói có một bọn thích khách đang tính mưu sát trẫm.

Hôm nay, trẫm thử một chút thủ đoạn để cho bọn chúng biết mà liệu, chớ dại mà nhảy vào lưới, chui vào rọ.
Nói xong, ngài cười nhạt một tiếng, càng khiến Ngạc Nhĩ Thái mắt đổ hào quang, toàn thân toát mồ hôi lạnh, miệng chỉ còn biết dạ liên hồi.
Ung Chính hoàng đế về tới cung, dù sao lòng cũng buồn bã chẳng vui.

Ngài nhớ lại thuở trước, khi còn học võ tại chùa Thiếu Lâm, có một vị hoà thượng mặc áo vải sắt, bản lĩnh coi như đứng bậc nhất trong môn phái.

Y cũng có tài búng kiếm đầu tay.

Nếu y còn sống, lại ngả theo kẻ thù của ta xúi giục, không nguy hại cho ta lắm sao? Ta không đề phòng không được.
Nghĩ như vậy, Ung Chính hoàng đế liền cho gọi Ngạc Nhĩ Thái vào cung cùng nhau thương nghị.

Thái nói:
- Thần nghe đồn tên trọc ấy hiện đang ở Giang Nam, hoành hành bất chấp, chắc chẳng có kẻ nào xúi bảo nổi hắn ta.

Đúng ra, ta phải bắt hắn mà giết đi để trị hại cho dân ấy chứ!
Ung Chính hoàng đế nói:
- Bọn hảo hán trước kia hiện chẳng còn ai.

Biết sai ai đi làm cái việc này cho được.
Thái cố moi tìm trong óc, bỗng sực nghĩ ra tướng quân Nhạc Chung Kỳ năm nọ có nói tới một vị sư tên gọi Đại Nham hoà thượng, hiện đang trụ trì tại chùa Thiên Ninh.

Thái bèn tâu với Ung Chính, xin hoàng đế hạ một mật chỉ xuống cho Tô Châu phủ đài, bảo đi mời Đại Nham diệt trừ nhà sư mặc áo vải sắt.

Ung Chính nghe tâu, lấy làm đắc ý lắm, khen phải luôn mồm.

Thái lui ra khỏi cung, vội thực hiện kế hoạch đã định.
Hồi đó, Thiết bố sam hoà thượng (nhà sư mặc áo vải sắt) đang trụ trì tại một ngôi chùa lớn trên núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên.

Tên trọc này thường phái bọn đệ tử xuống núi chặt lấy đầu người để cung cấp cho y mỗi ngày ba bộ óc.

Đám dân quanh vùng liên tục thấy mất đầu người trong đêm khuya, kẻ nào kẻ nấy kinh hồn táng đởm, trốn chạy sạch, đến nỗi thôn xóm vắng tanh, chẳng còn lấy một bóng người.
Về sau, tên trọc mặc áo vải sắt này bỗng lại trở chứng, đòi ăn thai nhi còn trong bụng mẹ.

Y lại phái đệ tử xuống núi, mò vào nhà người, nếu thấy có đàn bà chửa tức thì hãm hiếp rồi mổ bụng lấy cái thai nhi đem về.


Bọn đồ đệ của y tên nào cũng thuộc loại dâm ác kinh người, không ai dám ngăn trở chúng cả.
Hồi đó Bạch Thái Quan ở nhà rỗi rảnh, nghe nói phong cảnh núi Nga Mi tỉnh Tứ Xuyên hữu tình xinh đẹp, liền tới du lãm.

Vốn tay giang hồ lịch duyệt nên khi tái xuất, Quan thường chỉ thích đi đêm.

Quan hôm đó ngẫu nhiên tới một thôn phường.

Trời đã vào khuya.

Quan đi qua một căn nhà thấp lè tè, có mái che sát xuống phía trước.

Bên trong ngọn đèn vàng nhạt còn leo lét cháy, phóng ánh sáng lờ mờ qua chiếc cửa sổ lọt ra ngoài.

Bỗng Quan thấy một bóng người lượt qua, mà bóng ấy dường như có cái đầu trọc.

Bạch Thái Quan trong lòng lấy làm nghi hoặc: tên trọc này đang đêm lẻn vào nhà người thì ắt hẳn "phi đạo tắc dâm" chứ không thể là người lương thiện được.

Nghĩ vậy Quan liền dừng bước nghe ngóng, thì bỗng phía trong có tiếng đàn bà khóc rồi tiếng van nài cầu khẩn:
- Thầy tha cho tôi đi! Đau đến chết mất!
Bạch Thái Quan lại càng nghi, bèn giở tài nghệ, cậy mở cửa phòng rồi lẻn vào, thấy một người đàn bà còn trẻ, nằm trần truồng trên giường, và tên trọc đầu đang dùng tay làm gì đó nơi bụng dưới của người đàn bà.

Bạch Thái Quan đùng đùng nổi giận, tóm ngay lấy cổ áo tên trọc xách bổng lên như một con gà rồi ném huỵch xuống đất.

Tên trọc ngã quay đơ, không thể ngồi dậy nổi.

Quan tức thì giơ cao nắm đấm to bằng cả cái tô canh, cứ mặt tên trọc mà nện xuống.

Lúc này đã có nhiều người nghe động mà chạy tới.

Họ can Bạch Thái Quan ngừng tay, và quát hỏi tên trọc kia.

Hắn vội khai việc này thật chẳng do tại tôi.

Sư phụ tôi buộc phải đi lấy cho bằng được cái thai nhi nên mới xảy ra nông nỗi.
Bạch Thái Quan hỏi:
- Sư phụ mi là ai?
Tên sư đáp:
- Là Thiết bố sam hoà thượng.
Trên giới giang hồ, Quán đã được nghe đồn về Thiết bố sam, nên bảo:
- Thật là một tên dâm ác.

Để ta hỏi tội hắn!
Trời cũng vừa sáng.

Quan ăn no rồi áp giải tên sư trọc ra đi, bảo một người trong xóm dẫn đường.
Bọn Quan đi mãi tới lúc mặt trời lặn mới tới chân núi Nga Mi.

Quan thấy trước mặt có một nhà sư đang ngồi hóng mát dưới gốc cây đại thụ bèn cho rằng cũng một hạng như tên trọc bị bắt, liền quát lớn:
- Thằng trọc kia! Đừng hòng chạy!
Quát vừa xong, Quan nhảy vọt tới.

Hai tay kình địch đấu đã hai mươi hiệp mà vẫn chưa thấy bên nào thua sút, trái lại càng đánh càng hăng.

Giao đấu đã đến lúc một mất một còn, nhà sư bỗng nhảy ra ngoài vòng chiến, hỏi Quan:
- Mi có phải môn đồ của tên sư mặc áo vải sắt đó chăng?
Quan đáp:
- Ta tới để bắt thằng trọc đó đây! Có phải mi là đồ đệ của hắn không?
Nhà sư kia cũng nói;
- Ấy chính ta cũng tới để bắt thằng trọc đó.
Quan bụng bảo dạ, đánh nhau mãi té ra mới biết tay phải đánh tay trái, bèn hỏi:
- Hảo hán vâng lệnh ai tới đây vậy?
Nhà sư kia, tức Đại Nham hoà thượng, nghe hỏi bèn lấy tay vỗ đánh phạch một cái vào ngực, rồi vừa chìa ngón tay ra vừa bảo Quan:
- Ta vâng lệnh của phủ đài Giang Tô, dám hỏi hảo hán vâng lệnh ai mà tới?
Bạch Thái Quan bèn đem chuyện gặp tên trọc đang hành sự ở trong xóm kể một lượt cho Đại Nham nghe.
Đại Nham nghe xong, nổi nóng, chửi um lên:
- Thằng trọc khốn kiếp! Mi đã làm bại hoại cả qui củ của nhà Phật ta!
Quát xong, sư Đại Nham tuốt cây yêu đao đến soạt một tiếng và người ta chỉ thấy ánh kiếm loáng tròn một vòng, tức thì đầu tên trọc kia đã lăn lông lốc trên mặt đất.

Đại Nham hành động mau lẹ lạ lùng, đoạn quay ngoắt lại, giơ tay vẫy vào đám rừng một cái, tức khắc nhảy ra đến mười lăm, mười sáu đại hán.

Đại Nham đem bọn đại hán chạy lên trên núi.
Lên tới cửa sơn môn, Đại Nham cùng Bạch Thái Quan chia làm hai đường đánh thốc vào trong.

Quan muốn chiếm thượng phong, tung người bay lên nóc nhà trước.

Sư Đại Nham cắt cử bọn đại hán tuỳ tùng xong, đích thân tới mở cửa sơn môn, tiến vào hỏi Thiết bố sam.

Tên tăng giữ cửa thấy Đại Nham cũng là một nhà sư nên không nghi ngờ gì, liền đưa vào nội viên, mời ngồi tạm trong phòng khách rồi bước vào trong trình chủ.
Sư Đại Nham ở phòng khách ra hiệu cho bọn đại hán theo vào rồi theo gót tên tăng lần bước mãi vào trong, cả hai loanh quanh bước qua mấy căn phòng rộng thì tới một gian, ngay chính giữa có đặt một chiếc giường tre, trên có một tên trọc to lớn, mình trần trùng trục đang ngồi cạnh một cô gái má trát đầy phấn, đang gãi lưng cho y.

Lại còn một cô gái nữa đang bưng một chén trà dâng tới.

Cô gái này thấy tên tăng giữ cửa bước vào liền dừng lại, nói to lên:
- Sư phụ! Có người tới đó!
Lão mập trọc nghe gọi liền quay lại, thấy đằng sau tên tăng giữ cửa còn có một nhà sư, liền chỉ tay hỏi:
- Lão kia là ai vậy?
Sư Đại Nham không để cho lão trở tay kịp, bước lẹ tới xuất thủ, túm ngay một chân y và giữ chặt lấy.

Thiết bố sam vốn bản lĩnh cao cường, vội phóng đôi cước uyên ương tung vào mặt Đại Nham vừa để tháo gỡ ngón cầm ná thủ, vừa tấn công đối phương.

Sư Đại Nham thấy lão trọc bị bắt chân trái tức thì hắn phóng chân phải đá ngược lên, biết đó là môn đệ phái Thiếu Lâm nên vội buông tay ra.
Thiết bố sam liền đứng bật dậy, đưa tay lên đầu giường kéo ra một chiếc áo vải, đánh vụt tới.

Thật là kỳ quái, khi chiếc áo vải đã nằm trong tay lão trọc liền, biến thành một cây gậy sắt khi vung lên nghe vù vù rợn cả tóc gáy.

Chính nhờ chiếc áo vải này mà thiên hạ phong cho y cái danh hiệu "Thiết bố sam".
Bọn đại hán thấy cuộc đấu đã mở màn, vội vàng tham chiến.

Họ xông cả vào, vây lấy Thiết bố sam.
Lão trọc vung chiếc áo vải sắt chỉ đông đánh tây, chỉ nam đánh bắc, tung hoành khắp bốn mặt.

Hai bên ác đấu đến hàng giờ rồi mà bọn Nham vẫn không tới gần được y.

Tuy nhiên, cậy đông người, bọn Nham vây chặt vòng này tới vòng khác khiển Thiết bố sam cũng khó lòng thoát thân.

Y đang định phi thân lên nóc nhà để thoát đi, không ngờ có một tiếng gầm vang rồi từ trên nóc, một bóng người nhảy vút xuống như một con đại bàng, thẳng cánh giáng một đao xuống đỉnh đầu Thiết bố sam.

Chiếc đầu trọc của y chẳng khác gì một trái dưa bị chẻ làm đôi, lưỡi dao còn đi ngọt xuống tới mãi cổ mới chịu ngừng.

Thế là Thiết bố sam chỉ trong nháy mắt đã lìa đời.

Dân chúng khắp các thôn phường chung quanh được tin Thiết bố sam đã chết, kẻ nào kẻ nấy mừng rơn như chính mình vừa được cứu sống, bèn đem thây y chặt thành trăm miếng, mang về nhà rán mỡ đất đèn.
Bạch Thái Quan chẳng thèm từ biệt Đại Nham hoà thượng, nhảy vút lên mái nhà bỏ đi mất dạng.

Tổng đốc Tứ Xuyên Nhạc Chung Kỳ vội đưa sư Đại Nham về nha môn, mời ở trong một tịnh xá để cung dưỡng.

Mấy hôm sau, thánh chỉ từ Bắc Kinh đưa tới, thưởng Đại Nham hoà thượng một vạn lạng bạc, Nhạc đại tướng quân còn phái tài quan hộ tống nhà sư về nam, đồng thời gửi mấy chục đạo trát lệnh cho các quan địa phương dọc đường phải chuẩn bị xe thuyền để đón đưa cẩn thận, không được sơ sót.
Đại Nham hoà thượng về tới Dương Châu, bèn mua gạch mua gỗ, xây cất thánh điện, cạnh điện làm một toà Ngô viên (Vườn ngô), trong vườn kiến thiết một toà Hoa nghiêm đường hết sức tráng lệ.

Tất cả những sở phí xây cất đều do các thân hào địa phương quyên giúp.

Từ đó sư Đại Nham ngày ngày thường hội khách tại Hoa nghiêm đường uống rượu, luận bàn kinh sử..