Từ ngày gặp người đẹp Đổng Ngạch, Bảo Thân vương không lúc nào là không nhớ tới cái khuôn mặt xinh xắn duyên dáng ấy.
Mũi vương hình như lúc nào cũng còn ngửi thấy mùi hương kỳ lạ của phấn hoa phảng phất trên chiếc má trắng nõn nà như tuyết của người đẹp.
Đối với vương, chi có phấn ấy, hương ấy mới thật là hương là phấn.
Vương thường bảo phúc tấn của mình cho người đi mời bà chị vào vườn Viên Minh chơi, để lòng vơi được niềm mong nhớ. Nàng Đổng Ngạch vốn người tinh ranh.
Hễ thấy Bảo Thân vương bén mảng vào cung thì vội lánh mặt ngay, khiến vương càng muốn gặp hơn, càng mơ tưởng nhiều hơn.
Đáng tiếc cho vương là đã bao ngày tháng rồi mà vẫn chưa có cơ hội tốt nào để "liều mình" một chuyến cho thoả nguyện.
Bà Phú Sát cũng hiểu lòng vương nên mỗi khi Đổng Ngạch tới thăm đều cho đưa vào phòng kín để trò chuyện với nhau, không cho vương được gặp mặt. Bảo Thân vướng đã lâu không được gặp mặt nàng Đổng Ngạch, trong lòng nóng nẩy chẳng khác gì kiến bò trên chảo rang.
Vương có một thái giám còn nhỏ tuổi tên gọi Tiểu Phú Tử, rất lanh lẹ.
Thấy vương gia có bầu tâm sự não nề, Phú Tử thì thầm hiến kế, như vậy, như vậy… quyết rằng vương gia sẽ được như nguyện.
Bảo Thân vương nghe kế sách của Phú Tử, luôn miệng khen rồi giục Phú Tử mau thực hiện diệu kế. Tiểu Phú Tử vâng lệnh Bảo Thân vương, trước hết tới quán Thanh Hương trong rừng trúc ở giữa vườn Viên Minh đặt giường bày kinh rồi cho hai tên tiểu thái giám cùng hai thị nữ kéo một cỗ xe tới nhà Thương Minh mời nàng Đổng Ngạch.
Nàng Đổng Ngạch thấy bà Phú Sát thường cho thí nữ lại đón, nên không nghi ngờ gì cả, bèn chải qua mái tóc, trang điểm lại chút ít rồi lên xe cho chúng đưa đi. Đúng lệ thì xe phải dừng lại ngoài cổng Tảo Viên, để cho tám tên tiểu thái giám khác khiêng kiệu đưa vào vườn.
Đằng này cỗ xe loanh quanh hết ngả này tới ngả khác, đi đã khá nhiều đường đất.
Gặp mùa hạ, trời nóng bức oi ả, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại. Xe chở nàng Đổng Ngạch vào sâu trong vườn, ngang chỗ có cây cối xum xuê, gió mát vi vu thổi.
Nàng cảm thấy khoan khoái dễ chịu, ngồi trên xe mắt ham ngắm cảnh đẹp, bất giác tới một nơi hết sức mới mẻ lúc nào không biết.
Cỗ xe đứng lại.
Hai thị nữ đỡ Đổng Ngạch bước xuống.
Nàng đưa mắt nhìn quanh, thấy bốn bề toàn là rừng trúc vây quanh một toà trang viện nhỏ.
Tai nàng nghe tiếng gió thổi vào khóm trúc ngân nga như một điệu nhạc nhẹ nhàng thanh thoát. Cả bọn tiến vào trang viện.
Một phòng khách nằm ngay ở phía trước, trên treo tấm biển đề năm chữ "Trúc lâm Thanh Hương quán".
Bước vào phòng, nàng Đổng Ngạch thấy trên bốn mặt tường đều treo những bức tự hoạ (bức vẽ bằng chữ) còn bàn ghế toàn bằng tre trúc màu ngà.
Căn phòng trang hoàng hết sức thanh nhã. Hai thị nữ đưa Đổng Ngạch vào phòng bên.
Nàng thấy nơi đây nào là rèm châu, giường ngà, nào là trướng gấm, bình ngọc.
Trên giá gương bày đủ bộ trang điểm.
Một chiếc bàn cạnh đấy, bên trên có chiếc đĩa lớn chất đầy các thứ trái cây ngon lành.
Một cái chậu bằng thuỷ tinh nuôi cá vàng đặt trên chiếc án thư ngay trước cửa sổ.
Bên ngoài cửa sổ, trồng một loại trúc lá xanh biếc, quần áo của mọi người đứng bên trong cũng mang một màu xanh phơn phớt. Nàng Đổng Ngạch quan sát một lượt, bất giác thốt ra lời khen, trong khi hai thị nữ đứng phía sau quạt lấy quạt để cho nàng.
Rồi một đứa thị nữ khác dâng trà lên.
Nàng Đổng Ngạch bèn hỏi: - Sao chưa thấy phúc tấn của bọn mày? Một đứa đáp: - Phúc tấn đang tắm rửa tại Hà Tĩnh Tiên, có dặn mời Cửu thái thái ngồi chơi một lát. Nàng Đổng Ngạch nghe đoạn, chẳng hỏi thêm.
Một lát sau, hai thị nữ khá lớn tuổi, bưng một khay lớn đủ đồ trang sức, và nói: - Xin mời Cửu thái thái cũng hãy tắm gội đi. Nàng Đổng Ngạch vốn tính sợ nóng, ở nhà thường tắm gội luôn, nên nghe nói vậy thì mừng lắm.
Thế là bọn thị nữ vội cởi áo, cất đồ trang sức cho nàng, rồi đưa nàng vào một căn phòng kín để tắm gội.
Tắm xong trở ra, nàng được bọn thị nữ giúp trang điểm lại.
Rồi một bàn tay cài cho nàng đoá hoa lan vào mái tóc.
Nàng Đổng Ngạch nhìn vào kính, thấy người giắt hoa vào tóc mình chẳng phải thị nữ nào mà chính là Bảo Thân vương, giật mình mắc cỡ đến nỗi đôi má ửng hồng tới tận mang tai, chỉ còn biết ngồi cúi đầu lặng thinh trước đài gương.
Tuy nhiên, đôi mắt nàng vẫn lấm lét quan sát cử chỉ của Bảo Thân vương.
Nàng thấy vương quỳ gối trên nền nhà, luôn miệng gọi: - Nàng tiên xinh đẹp của tôi ơi! Sau khi được gặp chị rồi xa chị, tôi thấy như mình phải sống một cuộc đời vô nghĩa.
Hôm đó, tôi mê đắm quá, đành hôn trộm một cái vào má chị, mùi hương ngào ngạt như vẫn còn vương vấn tới nay.
Thật tội nghiệp cho tôi, ngày quên ăn, đêm quên ngủ.
Lúc nào tôi cũng chỉ nhớ tới chị.
Bao nhiêu đàn bà con gái dưới cõi thế này, tôi chẳng thèm để ý tới ai nữa.
Cầu xin chị đoái thương tôi.
Chị có thấy không? Gần đây thân hình tôi gầy ốm tiều tuỵ cũng chỉ vì tưởng nhớ tới chị.
Nếu chị không thương tình mà cứu giúp thì tính mạng này chắc không còn bảo toàn được nữa. Nói đoạn, Bảo Thân vương khóe thút thít như trẻ con, vừa khóc vừa lấy khăn chấm nước mắt.
Nàng Đổng Ngạch nhận ra đó chính là khăn của mình.
Vương nói tiếp: - Chị cứ yên tâm! Mọi việc hôm nay tôi đã xếp đặt chu đáo Khu vườn này ở phía cực tây, rất xa nơi phúc tấn em gái chị.
Bọn thị nữ và thái giám hầu hạ nơi đây đều là người tâm phúc của tôi.
Nếu chị thuận tình, tôi quyết rằng bên ngoài không một ai có thể biết được.
Nhưng nếu chị không bằng lòng, kêu la rầm lên, lúc đó mặt chị cũng như mặt tôi từ nay coi như bỏ rồi.
Hơn nữa, nếu chị có kêu la rầm lên, thì nơi đây hoang vắng, chẳng có ai nghe thấy đâu, rốt cuộc chỉ làm cho mối giao tình tốt đẹp giữa đôi ta trở nên bẽ bàng mà thôi.
Chị cứ vui lòng cho tôi đi, tôi sẽ không bao giờ quên ơn đức của chị, cho tới lúc già, lúc chết.
Còn nếu chị không vui lòng cho tôi thì tôi chi xin một cái chết, chết ngay trước mặt chị để làm một tên quỉ phong lưu dưới suối vàng cũng mãn nguyện rồi. Vừa nói, Bảo Thân vương vừa rút trong bọc ra cây bảo kiếm nhỏ rồi nhè cổ mình đâm tới.
Biết Bảo Thân vương vốn là người anh hùng, tương lai còn là vị vua kế nghiệp nữa, Đổng Ngạch bỗng nảy ý cảm mến.
Bảo Thân vương lại khéo miệng, một điều chị tốt, hai điều chị đẹp, khiến tính tự ái đàn bà của nàng được thoả mãn.
Rồi đến lúc vương rút dao đòi tự tử, thì lòng nàng đã nhiều phần thương yêu rồi.
Còn một việc bất khả kháng cho nàng nữa, khi ra khỏi phòng tắm, nàng chỉ khoác có mỗi tấm áo lụa mỏng tanh, thân hình ngà ngọc của nàng trông rõ mồn một qua làn lụa mỏng.
Khi đưa nàng vào tắm, bọn thị nữ lại để xiêm áo trên chiếc giường mà Bảo Thân vương đang ngồi, chẳng dễ đàng mà lấy được.
Mà có lấy được đi nữa, thì trước mặt vương, nàng cũng chẳng thể mặc vào.
Đổng Ngạch thấy khó xử quá, bất giác thở dài như tỏ ý phó mặc, rồi quay ngoắt lại, cướp vội cây bảo kiếm trong tay vương, chĩa ngón tay chỏ ấn vào trán vương mà bảo: - Ông thật là oan gia kiếp trước của tôi rồi! Bản Thân Vương nhân cơ hội liền ôm lấy Đổng Ngạch. Thế rồi kẻ vờ đẩy ra, người cố kéo vào, hai bên giằng co một hồi, cuối cùng thì vương cũng toại nguyện. Việc xong xuôi, Bảo Thân vương tự tay mình lấy quần áo mặc cho Đổng Ngạch, hai người quyến luyến chẳng nỡ rời nhau, hệt như một cặp vợ chồng trong tuần trăng mật. Thời gian sao chóng quá! Chẳng mấy chốc trời đã đổ tối, Bảo Thân vương đưa người đẹp ra khỏi phòng.
Lúc lâm biệt, Đổng Ngạch đưa làn thu ba lóng lánh lườm Bảo Thân vương một cái, rồi mắng yêu vương một tiếng: "Đồ quỉ" rồi mới chịu lên xe. Bảo Thân vương trong lòng vui sướng như điên.
Thế rồi từ đó hai người hễ có gặp dịp lại lẻn ra khu rừng trúc thanh vắng u nhã này để tìm vui hưởng thú. Trời đã sang thu, bắt đầu lạnh.
Hôm đó Bảo Thân vương cùng nàng Đổng Ngạch phải kéo nhau vào một căn phòng kín trong Lộ Hương trai để thủ thỉ với nhau.
Giữa lúc cặp nhân tình đang hú hí, bỗng từ phía thư viện Bích Đồng bên kìa tường dội ra một tiếng gầm vang dậy, tiếp đó là tiếng người la hét ầm ĩ… Bảo Thân vương vội rời nàng Đổng Ngạch, chạy qua phía thư viện.
Vương vừa bước được một chân vào trang viên thì đã thấy bọn thái giám lớn nhỏ hất hoảng xô ra, miệng lắp bắp bảo vương: - Đầu của Hoàng thượng chẳng thấy đâu cả! Toà thư viện Bích Đổng vốn là nơi Ung Chính hoàng đế hằng ngày duyệt xét mọi văn bản, tấu chương của triều đình.
Hoàng đế ở trong cung bị câu thúc nhiều điều, lại thường muốn gặp Bảo Thân vương, cho nên mới tới đây tạm ở ít lâu.
Từ lúc tới ngài cho thiết lập Tôn nhân phủ như cũ ngay tại sau cửa Đại cung, với đủ các cơ quan như một triều đình thu nhỏ: Lại bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Đô sát viện, Lý phiên viện, Hàn lâm viện, Chiêm sự phủ, Quốc tử giám, Loan nghi vệ và các nha môn Đông Tứ Kỳ.
Về phía tây Đại cung, ngài cho thiết lập Hộ bộ, Hình bộ, Công bộ, Khâm thiên giám, Nội vụ phu, Quan lộc tứ, Thông chính ty, Đại lý tụ, Hồng lộ tự, Thái thường tự, Thái lộc tự, Ngự thư xứ, Thượng tứ viện, Võ bị viện và các nha môn Tây Tứ Kỳ. Hằng ngày, Ung Chính hoàng đế toạ triều tại điện Chính Đại Quang Minh.
Đã một năm qua, mọi việc đều vẫn yên ổn, trôi chảy. Không ngờ hôm đó bỗng xảy ra việc động trời là hoàng đế bị mất đầu.
Mỗi khi tới mùa thu, Ung Chính hoàng đế đều ở trong Bích Đồng thư viện phê duyệt tấu chương.
Trước án thư của ngài cũng như chung quanh viện đều có thị nữ và thái giám đứng hầu kín cả.
Quân cấm vệ vẫn chiếu lệ cũ canh phòng khắp nơi.
Trời tối, bọn thái giám đốt đèn lên.
Hoàng đế giở xem tấu chương dưới ánh đèn, bỗng từ trong chòm lá rậm khóm ngõ đồng, hai đạo bạch quang bay vèo tới trước viện, tọt vào trong, rồi quanh đi quanh lại một hồi, rút cuộc chẳng thấy đâu nữa. Bọn thái giám và cung nữ vừa thấy hai đạo bạch quang bay vụt tới, không kịp mở miệng kêu la đã bị mê mụ đi luôn. Đến khi tỉnh lại, chúng đã thấy thân hình hoàng đế vật ra trên nền nhà.
Chúng vội chạy tới nâng dậy, nhưng chẳng còn thấy đầu hoàng đế đâu nữa.
Chúng hoảng quá, rồi không đưa nào bảo đứa nào, tất cả bỗng đều rú lên những tiếng ghê khiếp, vang động cả thâm cung.
Bọn thị vệ đại thần nhất tề chạy ồ tới.
Thấy cảnh ấy, anh nào anh nấy mặt xám lại như tàu lá, đôi chân run lên như muốn khuỵu, chẳng còn có chủ ý gì nữa. Một lát sau, Bảo Thân vương cùng bọn phi tần hối hả kéo tới.
Chui từ trong đám đông ra, Vương ôm lấy xác phụ hoàng mà khóc ầm lên.
Nhưng chỉ giây lát sau, Bảo Thân vương đã bình tĩnh trở lại, cho nội giám đi mời cấp kỳ hai vị đại thần là Ngạc Nhĩ Thái và Sử Dĩ Trực tới thương nghị đại sự Bọn nội giám chạy ra khỏi vườn Viên Minh, nhảy tót lên ngựa chia nhau đi hai ngả.
Ngạc Nhĩ Thái lúc đó đã sắp ngủ, bỗng nghe tiếng đập thình thình ngoài cổng lớn.
Gia bộc vừa mở cổng thì tên nội giám đã chạy xộc vào, mồ hôi nhễ nhại đầy mặt, miệng thở hổn hển, nói không thành tiếng: - Mau…mau nói, nói… với đại nhân là hoàng thượng mất… mất đầu rồi! Câu nói đó vọng cả tới tai Ngạc Nhĩ Thái.
Thái hoảng hồn bạt vía, chẳng hiểu ra sao, vội nhảy từ trên giường xuống, cuống quýt bổ nhào ra, chẳng kịp cho thắng ngựa của mình nữa, nhảy đại lên lưng ngựa của tên thái giám, giật cương phóng như điên vào ngả vườn Viên Minh.
Tới cổng vườn, Thái nhảy xuống ngựa, chạy vội vào thì đã thấy Sử Dĩ Trực tới trước rồi.
Nhưng lúc này có phải lúc hỏi han nhau nữa đâu.
Họ chỉ biết hè nhau đi tìm đầu của hoàng thượng.
Đó là điều tối hệ trọng và tối cần thiết! Cả bọn chong đèn đốt đuốc, tìm kiếm khắp chốn cùng nơi, cuối cùng lại là nàng Huệ phi thấy cái đầu bị nhét vào trong quần lót của hoàng đế.
Huệ phi ôm cái đầu máu me đã bầm đen lại, trông ghê khiếp hết chỗ nói, mà nức nở khóc.
Cảnh tượng thật hết sức thảm thê. Nàng Huệ phi vốn là vợ của Hoằng Triết, con dâu của hoàng tử Dân Nhung và cũng là cháu dâu của Ung Chính hoàng đế.
Nàng bị Ung Chính cưỡng bức vào cung nhưng được đối đãi ân tình và được phong làm Huệ phi.
Rồi nàng đã quên hẳn chồng cũ.
Thấy Ung Chính hoàng đế chết một cách thê thảm, nàng không dấu nổi bi thương, khóc lóc thảm thiết. Ngạc Nhĩ Thái lắp cái đầu vào thây Ung Chính hoàng đế rồi sai bọn cung nhân tắm rửa và mặc quần áo vào cho ngài. Sau đó, Thái cùng với Sử Dĩ Trực hè nhau chạy tới điện Chính Đại Quang Minh, lấy đằng sau tấm biển ra một cái hộp vàng. Họ mở nắp hộp kéo ra tờ di chiếu, khi đọc lên mới biết di chiếu đã ghi rõ hoàng tử thứ tư là Hoàng Lịch được kế vị hoàng đế. Thái và Trực lập tức quay lại bệ kiến Bảo Thân vương, đem theo năm trăm quân Dũng Kiện tiến vào kinh thành, đến Thái Hoà điện, đánh trống gióng chuông vang dậy.
Khắp triều văn võ được lệnh triệu, vội tụ tập tại triều phòng.
Ngạc Nhĩ Thái, mắt đầy lệ, bố cáo cho mọi người biết việc hoàng thượng bị giết ra sao.
Bọn đại thần vây quanh Thái và Trực, im lặng nghe.
Tới chỗ thương tâm nhất, bỗng một tên nội giám chỉ Ngạc Nhĩ Thái bảo: - Ngạc Trung đường! Ông còn mặc cái áo cộc kia thì làm sao mà thượng trào? Câu nói của tên nội giám làm cho Thái giật mình, sực nhớ ra rằng lúc ra đi quá vội, quên cả áo ngoài.
Lập tức, Thái sai người về nhà lấy đủ mũ áo tiến phục cho mình.
Giữa lúc đó, Sử Dĩ Trực bỗng nhớ ra một chuyện, quay lại bảo bọn đại thần: - Hoàng thượng bị cắt mất đầu, nói ra chẳng đẹp gì.
Huống hồ việc này xảy ra, bọn thần tử chúng ta đều có tội cả.
Nếu ta cho đóng cửa thành lại, một mặt lục soát trong thành, một mặt gửi văn thư đi các tỉnh, cho các nha môn văn võ lùng bắt hung thủ, tất nhiên tiếng tăm đồn đại khiến dân chúng đồn đại xuyên tạc, như vậy há chẳng phải làm trò cười cho thiên hạ? Theo ý kiến của hạ quan thì chi bằng ta dấu quách chuyện này đi, một là để giữ thể diện cho tiên đế, hai là để có thể tránh được không nhiều thì ít những chuyện lộn xộn về sau.
Bọn ta nên sửa đổi lời di chiếu sao cho mọi người tin rằng Tiên đế bị cấp bệnh mà mất thì mới ổn được. Ngạc Nhĩ Thái đứng cạnh cho là phải, luôn mồm khen đúng. Thế là Thái cầm bút sửa đổi ngay lời chiếu, Văn quan thì có Thái cầm đầu; võ quan thì có Sử Dĩ Trực điều khiển, tất cả tiến vào Thái Hoà Điện. Cả một đám đông, nào thân vương, bối lặc, bối tử, nào lục bộ cửu khanh, văn võ quan viên nhất loạt quỳ xuống.