Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 189: Tới Dĩnh Châu tế mẹ



Dĩnh Châu nằm giữa Tương Dương và Kinh Châu, trước đây là chốn cũ của triều Tây Lương. mười mấy năm trước Dương Huyền Cảm đảm nhiệm chức Thứ sử ở đây, gặp người tình xấu số, sinh hạ ra Dương Nguyên Khánh ngày nay. Lúc hai tuổi gần như bệnh chết, một linh hồn đến từ 1400 năm trước khiến Dương Nguyên Khánh tái sinh.

Mẹ đẻ của Dương Nguyên Khánh họ Lý, là một người con gái của gia đình bậc trung ở huyện Kinh Sơn – Dĩnh Châu. Lúc Dương Nguyên Khánh hai tuổi đồng thời bị lây bệnh của con trai, không may nhắm mắt xuôi tay.

Thoáng chốc đã mười mấy năm trôi qua, Dương Nguyên Khánh lần nữa trở về quê nhà nơi hắn từng xa cách mười ba năm.

Giờ đã đến cuối tháng mười, từng trận tuyết đầu mùa bao phủ đồng bằng Giang Hán. Bông tuyết nho nhỏ tan ra, bay nhảy trên bầu trời, hòa cùng mây mù và không khí bận rộn, khiến huyện lị Kinh Sơn gần cuối năm thêm một bầu không khí vui mừng và tốt lành.

Buổi sáng, hai võ sĩ cưỡi ngựa xuất hiện trên quan đạo bên ngoài huyện lị Kinh Sơn.

- Nguyên Khánh, chuyện lúc hai tuổi huynh còn nhớ không?

Không biết từ lúc nào, Nữu Nữu đã thay đổi cách xưng hô với Nguyên Khánh.

- Huynh sao lại không nhớ, năm đó lần đầu tiên gặp muội cũng mới hai ba tuổi thôi! Muội cưỡi ngựa tre ở trong sân, còn không chịu kêu ta là huynh!

- Vậy sao? Sao muội không nhớ nhỉ, muội còn nhớ những chuyện lúc huynh còn nhỏ bắt nạt muội đấy!

Hai người nói cười đi đến cửa thành. Dương Nguyên Khánh ghìm dây cương, thật ra hắn cũng chỉ nhớ mang máng, Lý phủ ở trong thành, gần cửa thành tây, cổng phủ có hai cây hòe già, cao vun vút. Dương Nguyên Khánh chăm chú nhìn một lúc, ở phía trước không xa, hai tán cây hòe già như bao trùm lạc vào mắt hắn.

- Chính là nơi đó!

Hắn giục chiến mã, trong lòng có chút xúc động, càng gần quê nhà càng hồi hộp, cậu và mợ hắn có còn nhớ hắn không? Nữu Nữu cũng không nói, nàng hiểu tâm trạng của Dương Nguyên Khánh lúc này. Năm đó khi nàng và mẹ về quê nhà cũng hồi hộp như vậy.

- Các người tìm ai?

Một đứa con trai đầu đội mũ bát giác, khoảng sáu bảy tuổi đứng ở cổng phủ đang nghiêng đầu nhìn hắn, khuôn mặt trắng hồng tròn trĩnh.

- Đây là nhà của Lý Đại Lang đúng không?

Dương Nguyên Khánh đại khái còn nhớ tên cúng cớm của cậu.

- Vị công tử này tìm Đại Lang nhà ta sao?

Phía sau có người hỏi.

Dương Nguyên Khánh quay đầu lại, chỉ thấy đứng sau hắn là một phụ nữ khoảng ba lăm ba sáu tuổi. Cô mặc một chiếc váy lụa màu xanh nhạt, trên người còn mặc một áo ngắn tay màu xanh thuê hoa, trên vai vắt một tấm vải bông dày màu đỏ, cười hiền hòa, tay cầm một chiếc làn, trong làn chỉ dùng vải xanh đậy lại, bên trên lộ ra mấy cái bánh điểm tâm và hoa quả.

Đứa trẻ lập tức nhảy lên:

- Mẹ, cho con, cho con!

Người phụ nữ bất đắc dĩ lấy ra một chiếc bánh cho nó:

- Thằng nhóc này, chỉ biết ăn thôi!

Giọng nói ôn hòa này, nụ cười dễ gần, Dương Nguyên Khánh liền nhớ ra, người phụ nữ này chính là mợ hắn năm đó, hình như họ Chu.

- Mợ!

Dương Nguyên Khánh khẽ gào lên một tiếng:

- Mợ còn nhận ra cháu không?

Chu Thị ngây người, sao đột nhiên mọc đâu ra một người cháu trai, cô nhìn Dương Nguyên Khánh từ trên xuống dưới, một dòng ký ức xa xôi trở về trong đầu cô, đứa trẻ năm đó đưa lên kinh thành.

- Nguyên Khánh… là cháu sao?

- Mợ, là cháu, mợ còn nhớ cháu sao?

Chu Thị xúc động buông chiếc làn trong tay, nắm tay Dương Nguyên Khánh:

- Cháu à, thật sự là cháu rồi! Cao lớn như vậy rồi, ta nhớ năm đó cháu mới bé xíu như vậy.

Chu Thị lau nước mắt nơi khóe mắt, lại nhìn Nữu Nữu phía sau:

- Đây là … vợ cháu sao?

- Cô ấy là em gái của cháu!

Dương Nguyên Khánh cười nói.

- Em gái?

Chu Thị sửng sốt một lúc, cô thình lình vỗ trán mình, cười lên:

- Xem ra ta hồ đồ rồi, rõ ràng là cô gái chưa xuất giá, ta còn hỏi là vợ của cháu hay không. Ta hiểu rồi.

Nữu Nữu bước lên phía trước duyên dáng thi lễ:

- Nữu Nữu chào mợ!

- Cô nương này thật xinh đẹp!

Tự đáy lòng Chu Thị khen một tiếng:

- Trong huyện lị chúng ta thật không có ai bì được.

Cô liền vội vàng kéo tay Nữu Nữu, cười nói với Nguyên Khánh:

- Mau cùng ta về nhà, mấy tháng trước cậu cháu cũng nhắc đến cháu.

- Cậu có khỏe không ạ?

Dương Nguyên Khánh dắt ngựa đi phía sau cười hỏi.

- Chà, mười mấy năm vẫn như thế, cả ngày ngồi tính sổ sách. Nay muốn mua hai mẫu đất, mai lại cân nhắc mua con trâu, cả ngày lúc nào cũng bận rộn.

- Xem ra gia cảnh cậu mợ cũng không tồi.

- Mấy năm gần đây vẫn tốt, cả làng thu hoạch cũng khá, thuế má cũng không cao. Mấy năm trước cậu của cháu lại mua thêm một trăm mẫu đầm, thủy sản cũng có thể bán được giá tốt. Ta thấy tốt hơn nhiều so với mấy năm trước.

Dương Nguyên Khánh cũng nhìn ra, trang phục mà mợ đang mặc, còn cả nhà cửa chính là hai năm nay mới sửa lại, một màu gạch xanh ngói đen, trong hai nhà kho trước sân chất đầy lương thảo, đây là một hộ gia đình rất giàu có.

- Đại Lang, ông xem ai đến đây này?

Vừa vào sân, mợ Chu Thị liền nóng vội không kìm nổi gọi ngay.

Một người đàn ông trung niên đi từ trong phòng ra, dáng người bậc trung, mặt vuông chữ điền, cằm để râu đen, mặc một chiếc áo dài bằng vải thô màu xanh, đầu quấn khăn.

- Nương tử, có chuyện gì vậy?

Người đàn ông trung niên vừa trông thấy Nguyên Khánh, cũng sững sờ một lúc:

- Vị tiểu ca này là….

Năm đó sau khi mẹ của Dương Nguyên Khánh mất, cậu mợ nuôi hắn gần một năm, cũng xem như có ân dưỡng dục, cho dù nhớ mang máng, nhưng Nguyên Khánh biết, đây chính là cậu của hắn. Hắn tiến lên trước một bước quỳ xuống, chắp tay thi lễ:

- Cháu trai Dương Nguyên Khánh bái kiến cậu!

- Cháu là… Nguyên Khánh!

Cậu của Nguyên Khánh vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, vội vàng đỡ hắn dậy, nhìn hắn vài lần, ánh mắt tràn ngập xúc động:

- Ái chà, cao lớn như vậy rồi, ta nhớ cháu sinh ngày mồng một tết, sắp mười sáu tuổi rồi. Mười mấy năm không gặp, chắc cháu về đi tảo mộ mẹ nhỉ!

Nguyên Khánh gật đầu:

- Đúng là cháu về để tảo mộ mẹ.

Chu Thị kéo Nữu Nữu, cười giới thiệu với chồng:

- Vị cô nương xinh đẹp này là em của Nguyên Khánh, họ Trương, tên là Nữu Nữu.

Mặt Nữu Nữu ửng đỏ, cũng duyên dáng thi lễ:

- Tham kiến cậu.

Lý Đại Lang lập tức hiểu ra Nữu Nữu là người như thế nào của Nguyên Khánh, ông vui mừng vuốt râu cười:

- Được rồi, mau vào trong nhà ngồi đi.

Ông lệnh cho một gã người hầu dắt ngựa đến chuồng ngựa, liền kéo tay Nguyên Khánh vào nhà. Ánh sáng trong chính đường sáng ngời, nền lát gạch xanh, bên trái đặt một chiếc bàn thờ, trên đó bày đầy đủ các loại cống phẩm, thờ phụng thần tài Triệu Công Minh, chính diện là mấy tấm phản ngồi, trên phản phủ nệm, phía trước để một chậu than.

Nguyên Khánh lấy từ trong túi ra mấy tấm lụa hảo hạng mua ở kinh thành, đưa cho mợ:

- Đây là một chút thành ý của cháu, xin cậu mợ nhận cho!

Hai vợ chồng cuống quýt từ chối, Nguyên Khánh không chịu, họ cũng chỉ đành nhận lấy. Lúc này, một thiếu nữ bước từ bên mé cửa vào, dáng vẻ chừng mười sáu mười bảy tuổi, dung nhan thanh tú, dáng vẻ rất giống Chu Thị, quần áo cũng giống mẹ. Lý Đại Lang chỉ vào Nguyên Khánh cười với nàng:

- Lệ Nương, đây là Nguyên Khánh, con còn nhớ không?

Nguyên Khánh vẫn còn nhớ, hắn có một chị họ, lớn hơn hắn một tuổi, lúc nhỏ cậu thường trêu, muốn hứa gả chị họ cho hắn.

Hắn vội vàng khom người thi lễ:

- Chị họ, em là Nguyên Khánh!

Thiếu nữ hé miệng cười, vội vàng đáp lễ lại hắn:

- Tháng trước cha còn nhắc đến em, em thật sự đến rồi.

Chu Thị kéo Nữu Nữu cười nói:

- Mấy người phụ nữ chúng ta đến sân sau nói chuyện đi, nơi này để cho cậu cháu họ hàn huyên.

Lý Lệ Nương thấy Nữu Nữu xinh đẹp khác thường, trong lòng ngưỡng mộ, vội vàng bước lên trước kéo tay Nữu Nữu, thân thiết cùng đi đến sân sau. Nguyên Khánh thấy chị họ còn để tóc đuôi sam, liền cười nói:

- Cậu, chị họ vẫn chưa xuất giá sao?

- Nhà chồng đã định rồi, tháng hai sang năm sẽ xuất giá.

Lý Đại Lang thở dài một tiếng nói:

- Nếu năm ngoái cháu trở về thì tốt, còn có thể gặp ông ngoại.

Dương Nguyên Khánh nhớ năm đó ông ngoại rất ghét mẹ con họ, hắn không có ấn tượng tốt, cũng không muốn hỏi việc của ông, liền chuyển đề tài:

- Cậu hiện nay làm gì để sinh sống ạ?

Trong lòng Lý Đại Lang hiểu, năm đó mẹ của Dương Nguyên Khánh chưa kết hôn đã có mang, cha nổi giận lôi đình, đuổi em gái ra khỏi nhà, vẫn là ông lén lút đón em gái về. Cha đến khi chết cũng không tha thứ cho em gái, không cho phần mộ của cô được chuyển đến mộ phần của gia tộc họ Lý.

Ông cũng không nhắc đến việc của ông ngoại, kéo Nguyên Khánh ngồi xuống, lúc này, Lệ Nương bưng lên hai chén trà, đặt ở trên bàn, gật đầu với Dương Nguyên Khánh, liền đi ra sân sau.

Lý Đại Lang cười nói:

- Ta tên là Đại Lang, thật ra là thứ ba. Mười bốn năm trước năm anh em chúng ta ra ở riêng, ông ngoại cháu chia cho ta một trăm mẫu ruộng của tổ tiên để lại ở ngoại thành, mười mấy năm cần cù tiết kiệm chăm lo, ruộng vườn tăng đến ba trăm mẫu, dần khá hơn. Năm kia ta lại mua thêm một trăm mẫu đầm, nuôi cá nuôi tôm, một năm cũng có thể kiếm được mấy trăm xâu tiền.

Dương Nguyên Khánh biết, nhà cậu hắn là địa chủ nhỏ, vẫn khá là giàu có, tuy nhiên, mấy năm nay càng tốt hơn, hắn lại cười nói:

- Các nhà khác thì thế nào ạ?

- Nói thế nào nhỉ, đương nhiên có nghèo có giàu. Thật ra mọi người đều giống nhau, quan trọng chính là hai chữ, cần kiệm, chỉ cần nắm chắc hai chữ này, thường thì đều có thể sống khá tốt. Đa phần gia cảnh lụi bại đều là không biết quản lý nhà cửa, có tiền thì tiêu lung tung, không giữ được gia sản.

Lý Đại Lang có chút hay chuyện, lại đang có hứng, nói như máy không ngừng lại nổi:

- Hoàng Đế Đại Tùy cũng tốt, thuế má rất thấp, gặp năm tai họa mất mùa còn có thể miễn giảm, chính là lao dịch nhiều. Mấy tháng trước, ta còn tới nha huyện làm lao dịch hai tháng, sang năm không đi nữa, thà nộp ba mươi xâu tiền, tuổi đã lớn như vậy rồi, không trụ nổi.

Nguyên Khánh cũng cười:

- Cậu còn chưa đến bốn mươi! Sao đã lớn tuổi được?

Lý Đại Lang lắc đầu gượng cười nói:

- Có thể sống được đến sáu mươi tuổi xem như là trường thọ rồi, ta nhiều nhất cũng chỉ còn hai mươi năm nữa, cố gắng dành dụm phân chia gia sản cho con cháu. Đúng rồi, cháu còn có hai em họ nữa.

- Vừa xong ở cửa cháu thấy là một đứa.

- Đó là thằng nhóc Phúc nhi, nghịch ngợm nhất. Còn có Quý nhi đang học ở huyện, một tháng mới có thể về nhà một lần, mấy ngày nữa ta báo tin bảo nó về.

Dương Nguyên Khánh lắc đầu:

- Cậu, ngày mai cháu đã phải đi rồi.

- Sao lại đi vội thế, mấy khi về được một chuyến, ít nhất phải ở lại dăm bữa nửa tháng mới được.

- Cậu, cháu thật sự xin lỗi, quân đội có việc, cháu không thể ở lâu.

Lý Đại Lang lúc này mới nhớ ra chưa hỏi tới Nguyên Khánh, áy náy cười nói:

- Ta quên mất, hiện nay cháu đang làm gì, nghe khẩu khí của cháu, hình như là đã gia nhập quân ngũ?

Nguyên Khánh gật đầu cười nói:

- Cháu ở biên ải Phong Châu, làm Trấn tướng, lần này là xin nghỉ phép về thăm người thân.

- Có tiền đồ!

Lý Đại Lang giơ ngón tay cái lên:

- Ta chỉ sợ cháu biến thành thứ con cháu ăn chơi trác táng ở kinh thành, có thể đầu quân ở biên ải, đó chính là chuyện tốt, mẹ cháu ở dưới suối vàng biết được, cũng sẽ cảm thấy vui mừng cho cháu.

Nguyên Khánh lẳng lặng gật đầu:

- Cậu, giờ cháu muốn đi thăm phần mộ của mẹ cháu.

- Được! Cháu đợi một chút, ta chuẩn bị cho cháu một chút hương nhang tiền giấy.

...

Bên dòng sông nhỏ nước xanh biêng biếc ở ngoại thành, Dương Nguyên Khánh trông thấy phần mộ của mẹ. Đó là một phần mộ bé nhỏ cô độc, bị tuyết trắng che phủ, bên cạnh trồng một cây dương liễu, cành dương liễu nhẹ nhàng rủ xuống trên bia đá, trên đó viết “Muội Phán Nương chi mộ, huynh Đại Lang lập”.

Dương Nguyên Khánh im lặng nhìn phần mộ, sống mũi cay cay, đây là mộ của mẹ hắn, an táng cô độc ở nơi này, ngay cả phần mộ của gia tộc cũng không được vào.

Cậu đứng bên cạnh châm hương, thấp giọng nói:

- Phán Nương, con trai em Nguyên Khánh đến thăm em rồi, đã lớn đến thế rồi, rất có tiền đồ, em ở nơi chín suối có thể nhắm mắt rồi...

Dương Nguyên Khánh chầm chậm quỳ xuống trước phần mộ của mẹ, nghĩ tới những sự kỳ thị và muôn nỗi tủi hờn từ nhỏ khi ở Dương gia, một dòng cảm xúc mãnh liệt tấn công nội tâm hắn, hắn không kìm nổi, phủ phục trước bia mộ mẹ bật khóc…

Dương Nguyên Khánh kìm nén nỗi đau, lau nước mắt nói với cậu:

- Cháu muốn lập lại bia mộ cho mẹ, với danh nghĩa của cháu. Còn nữa, mấy mẫu đất ở bên cạnh đây cháu đều mua hết, phiền cậu dùng đá xanh mới thay cháu dựng lại mộ cho mẹ. Năm sau cháu sẽ trở về một chuyến, cháu còn muốn giành được một cáo mệnh (phong hiệu cho phụ nữ) cho mẹ, phải đường hoàng an táng cho mẹ một lần nữa, để Huyện lệnh và Thứ sử đều đến bái tế.

- Cháu yên tâm đi! Ta sẽ thay cháu làm tốt.

Dương Nguyên Khánh gật đầu, lại quay đầu nói với Nữu Nữu:

- Muội cũng đến quỳ lạy đi!

Nữu Nữu liền tiến lên từ từ quỳ xuống trước phần mộ, dập đầu mạnh ba cái, thấp giọng nói:

- Nữu Nữu bái kiến mẫu thân.