Dịch thành thuộc trung tâm Ký Châu, nằm phía bắc sông Hoài, về cơ bản có thể nói là bắc địa. Vào mùa đông mặt trời mọc muộn, mới vừa tờ mờ sáng tiếng mõ thanh của trạm dịch đã vang lên.
Trường Đình nghe thấy là tỉnh, nàng quay đầu thấy Lục Trường Ninh đang ôm cánh tay mình ngủ ngon lành.
Hôm qua cô nhóc này ăn vạ trong phòng nàng đòi viết thư cho Chân Định đại trưởng công chúa.
Viết được một hồi tiểu cô nương lập tức thấy tủi thân thế là khóc lóc lôi kéo tay nàng chết cũng không chịu đi, một hai phải ngủ với nàng.
Trịnh Ẩu tới mời về hai ba lần nhưng Trường Ninh khó có lúc nổi lên bướng bỉnh của người nhà họ Lục, nhất quyết đuổi bà ta về chỗ Phù thị.
Bản thân Phù thị cũng tới một chuyến, nhìn Trường Đình muốn nói lại thôi, bộ dạng thực khiến người ta không thoải mái… Lúc nàng giáo huấn Lục Trường Ninh sẽ không chút nể nang nhưng dù sao đây cũng là em gái nàng, con bé lại một lòng muốn thân cận thì nàng có thể làm gì.
Đều là máu mủ của Lục gia, chẳng nhẽ nàng lại nhân lúc con bé ở đây mà làm gì nó chắc!? Người đàn bàn này lòng dạ hẹp hòi, lại mắt chó xem người không coi ai ra gì! Trường Đình nhớ tới Phù thị là đã không thoải mái, vì thế nàng mím môi rón rén rút tay ra.
Tiểu cô nương không có cái gì để ôm thì ừ hữ một tiếng sau đó chép chép miệng, mang theo nức nở mềm mại mà gọi, “Nãi nãi…” Nãi nãi ở đây chính là Chân Định đại trưởng công chúa.
Lục Trường Ninh là do bà ấy nuôi lớn, Trường Đình còn nhớ rõ lúc Lục Trường Ninh còn bé từng bị sốt đến phát ban.
Chân Định đại trưởng công chúa thức trắng đêm đổi khăn chườm, lại đút thuốc cho cháu mình.
Sau đó Trường Ninh từ từ khá hơn, lúc ấy đại trưởng công chúa mới ôm tiểu cô nương tâm can bảo bối mà khóc to, vừa khóc vừa cười. Trong lòng nàng đương nhiên bất bình, nàng mới là người không có mẹ còn mẹ đẻ của Lục Trường Ninh vẫn còn đó.
Cho dù Phù thị quả là hơi ngu thì vẫn là mẹ đẻ của Trường Ninh.
Dựa vào cái gì mà cùng là cháu gái nhưng với nàng đại trưởng công chúa hết sức lãnh đạm, với anh nàng bà ấy cũng xa cách.
Nàng cũng muốn có người ôm mình khóc gọi tâm can bảo bối.
Nhìn khuôn mặt thanh tuấn đạm mạc của cha mình hàng ngày, Trường Đình cảm thấy buồn tủi.
Nàng còn nhỏ nên chỉ biết dựa vào cha, còn nguyện vọng kia có lẽ đời này vĩnh viễn chẳng thể thực hiện được. Vì thế nàng mê mang mất một thời gian. Sau đó Lục Xước dạy dỗ nàng, “Duyên phận giữa người với người là do trời cao chú định, có duyên phận tới đâu cũng không phải do mình quyết.
A Kiều là cháu của đại trưởng công chúa, đây đã là duyên phận được bao nhiêu người ước ao còn những thứ khác thì khó mà cưỡng cầu.” Lục Xước chớp chớp mắt, cảm thấy mang giáo lý Phật giáo về duyên phận ra nói cùng một tiểu cô nương 7,8 tuổi quả là khó khăn.
Sau đó vợ của Lục Phân, em trai Lục Xước là Trần thị đột nhiên luôn thích đến tìm Trường Đình, vì vậy thím và cháu cũng trở nên thân cận hơn. Sau đó Trường Đình mới suy nghĩ cẩn thận: Chân Định đại trưởng công chúa xuất thân hoàng gia còn mẹ đẻ của nàng xuất thân thế gia, quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu trước giờ luôn ngăn cách.
Ở Lục gia này quan hệ ấy còn ngăn cách sâu sắc hơn —— một nữ tử hoàng thất và một nữ tử sĩ tộc chỉ nhìn đã ghét nhau.
Hơn nữa lòng người đều thiên vị, đại trưởng công chúa sao có thể yêu thương nàng giống như yêu thương Lục Trường Ninh chứ? Vì đó là mẹ đẻ nên Lục Xước không làm được gì, vì thế ông ta đánh chủ ý lên người em trai.
Thế nên lúc sau mới có tiết mục thím và cháu gái tình thâm. Lục Xước vừa làm cha lại làm mẹ mười mấy năm, nếu có thứ gì ông không làm được thì sẽ nhờ người khác, chỉ mong con gái không cần tủi thân. Trường Ninh có bà, nàng có cha và anh, vậy là nàng thắng. “Nãi nãi…” Cũng không biết tiểu cô nương mơ thấy cái gì mà mếu máo rồi mềm như bông mà nhẹ giọng gọi. Lòng Trường Đình cũng lập tức mềm theo, nàng dịch chăn cho đứa nhỏ sau đó lặng yên xốc chăn của mình rồi rời giường.
Trần Ẩu muốn tiến đến hầu hạ nhưng Trường Đình vội ra hiệu giữ im lặng sau đó nàng phủ thêm áo khoác rồi đi vào phòng tắm.
Nàng thấy chỉ có Bách Nhạc hầu hạ thì hỏi, “Bách Tước đâu?” “Phạt nàng chép kinh còn chưa xong nên sợ là vẫn đang chép kinh.” Trần Ẩu nhẹ giọng trả lời. Trường Đình “A” một tiếng, đột nhiên nhớ tới đêm qua Bách Tước lướt qua Trần Ẩu nói tin của Dữu thị cho nàng vì thế nàng lập tức hiểu ra.
Trần Ẩu muốn thay nàng gánh ác danh, Bách Tước lại không lay chuyển được Phù thị năm lần bảy lượt đến tìm nên tùy tiện nói ra chuyện đó trước mặt nàng… Thế đạo này người ta đều có năm bảy loại, dù cho Trần Ẩu quyết định sai thì còn có nàng trách phạt, còn tiểu nha hoàn phía dưới lại không thể vượt cấp. Trần Ẩu là người coi trọng quy củ, đối xử với Trường Đình rất trung thành, nếu bà ấy muốn phạt người dưới và quản đám tiểu nha hoàn thì kệ bà ấy.
Trường Đình chưa bao giờ xen vào việc này quá nhiều, nàng không phải người soi mói, hơn nữa đây là phong cách của thế gia.
Sở dĩ thế gia quan trọng như thế ngoại trừ có được quyền lực và tiền bạc thì trải qua năm tháng tích lũy bọn họ đã tạo ra quan niệm và khí độ đúng mực. Trường Đình đáp một tiếng rồi mới nói, “Trời lạnh, lúc chép kinh chuẩn bị cho nàng ta một cái đệm hương bồ, nếu thật sự chưa chép xong thì để lại, chờ đến Bình thành rồi làm nốt cũng được.
Lúc này đi đường cũng mệt mỏi.” Trần Ẩu gật gật đầu, bà cũng biết nặng nhẹ. Đợi Trường Đình rửa mặt xong mới gọi Trường Ninh dậy, lại nhét vào miệng tiểu cô nương hai miếng bánh nếp.
Sau đó hai người đi tới chỗ Phù thị, lúc tới đã thấy Lục Xước đã ở đó rồi, đồ ăn sáng cũng mới được mang lên.
Canh nóng và thức ăn còn đang bốc khói nóng hôi hổi, khuôn mặt Lục Xước hiền từ lẫn sau đống sương khói. Hai tiểu cô nương thỉnh an xong Trường Ninh mới đi theo Trường Đình ngồi xuống. Lục Xước cười ôn hòa hỏi, “Hôm qua A Ninh ngủ với tỷ tỷ à?” Trường Ninh nhếch miệng cười, lộ ra cái răng sún sau đó gật đầu thật mạnh nói: “Vâng, A Ninh ngủ ngon cực kỳ, trưởng tỷ có đốt huân hương, rất dễ ngửi!” Lục Xước liếc nhìn Phù thị, nụ cười vẫn không đổi nhưng ngữ khí lại nhạt hơn một chút, “Phu nhân có tâm, lúc này coi như nghĩ thoáng.” Phù thị chỉ thấy ngực khó chịu, nửa ngày không nói nên lời.
Lục Xước là người rất nghiêm khắc với người thân cận, một lần sai thì trăm lần không tha.
Trường Ninh là con đầu của bà ta nên bà ta luôn coi như con ngươi mà bảo vệ.
Nhưng Lục Trường Đình là người cá tính nóng nảy, Lục Xước lại cực kỳ nuông chiều đứa con gái mà Tạ Văn Tích để lại.
Nếu thật sự có chuyện thì bà ta sẽ phải đền cho Lục Trường Đình tay hay chân cũng không chừng.
Còn A Ninh có mệnh hệ gì thì bà ta tìm ai mà khóc đây!? Nếu bà ta dám không cho A Ninh và Lục Trường Đình thân cận sợ là Lục Xước sẽ nhớ cả đời mất! Phù thị cố miễn cưỡng cười, nửa ngày cũng không biết phải nói gì. Lục Xước lại thâm ý liếc bà ta một cái sau đó khẽ thở dài và dẫn dầu nhấc đũa lên ăn. Lúc ăn và ngủ không nói chuyện.
Trường Đình không thích đồ ăn bắc địa lúc nào cũng chỉ có cháo và canh, thức ăn gì cũng cho vào hầm, chỉ cho thêm chút muối và chút dầu thế là coi như thành.
Trường Ninh cũng không ăn được, thấy chị gái ngừng đũa con bé cũng lắc lư ăn chậm lại. Lục Xước lại liếc Phù thị một cái hỏi, “Đoàn xe chúng ta không mang theo đầu bếp sao?” Phù thị vội gác nhẹ thìa xuống sau đó dùng khăn lau miệng và kinh ngạc nói, “Có mang! Nếu không mang thì một đường này chúng ta ăn gì!” Lục Xước thất thần nhìn Phù thị một lúc, bà ta cũng ngơ ngác nhìn chồng mình.
Cuối cùng Lục Xước không nhịn được lại thở dài một hơi, “Vậy sao không để đầu bếp làm đồ ăn sáng của Kiến Khang? Canh bát bảo, bánh củ sen hoa quế, hoặc ít đồ linh tinh khác hẳn cũng làm được chứ?” “A!” Phù thị lúc này bừng tỉnh, lại nhìn hai tiểu cô nương đã gác đũa thì chần chừ nói, “Là hôm qua Dữu phu nhân tới chỗ thiếp có nói… Đi tới đây thì nên nếm thử đồ ăn phương bắc xem có đặc sắc gì, như thế hẳn không sai… Nàng còn muốn đưa cho chúng ta hai đầu bếp… nhưng thiếp không dám giữ…”