Thiên Kiều - Đổng Vô Uyên

Chương 279:



Lại quay lại Kiến Khang, rất nhiều ký ức cũng theo đó dâng lên trong đầu. Thạch Khoát tự mình tới đón bọn họ và dựng trại đóng quân ở một nơi gọi là Bạch Trì trấn ở ngoại thành. Mọi người thay quần áo, nghỉ ngơi một giấc ở đây, tới ngày thứ hai mới đi vào nội thành Kiến Khang.

Trường Đình ngồi trên xe ngựa lắc lư, sau gần ba tháng xóc nảy bọn họ cũng tới Kiến Khang. Bên ngoài tuyết rơi mau, rào rạt mà bay xuống. Tuy sắp hết tháng chạp rồi nhưng ông trời lại không hề có ý thu tay lại. Chỉ sợ tuyết này sẽ kéo sang tận tháng giêng.

Cửa thành mở rộng, Trường Đình ngồi trong xe cũng có thể nghe tiếng binh sĩ thủ thành nghiêm mình cúi chào, tiếng nói đều nhịp.

Sau khi tiến vào nội thành thì tiếng động bên ngoài dần nhiều lên. Tiếng người giấu dưới tiếng tuyết rơi nhưng vẫn náo nhiệt. Có lẽ đây là chợ, vì thế rất nhiều người đang ồn ào. Trường Đình vén màn xe lên nhìn thành Kiến Khang quen thuộc, khẩu âm quen thuộc và đường phố quen thuộc. Giống như chỉ cần há mồm nàng đã có thể nói ra tên từng con phố, A Ninh cũng thò qua xem và mỉm cười nói, “Muội còn nhớ rõ chỗ này! Trước kia a tỷ từng cưỡi ngựa qua đây và đụng phải người ta!”

À, đúng.

Lúc 11, 12 tuổi nàng từng phóng ngựa qua đây và làm bị thương người. Kẻ đó không phải bá tánh tầm thường mà là một kẻ ăn chơi trác táng. Tên kia cũng coi như đụng phải tường cứng, vốn hắn tưởng dòng dõi của mình đã đủ cao, lại thêm cá tính đủ ăn chơi trác táng nên luôn thuận lợi khinh nam bá nữ. Ai dè gặp phải người có dòng dõi càng cao hơn, cá tính càng ăn chơi trác táng hơn. Mắt thấy tên kia vung roi ngựa lên quất một ông lão bán trà ngã ra bên đường thế là Trường Đình thúc mạnh ngựa, vó ngựa đạp lên lưng tên kia.

Lúc ăn chơi trác táng gặp kẻ cũng ăn chơi trác táng thì Trường Đình thắng tuyệt đối. Đám con cháu nhà cao cửa rộng đi cùng nàng sôi nổi thể hiện quan tâm, có kẻ lại trầm mặc, có kẻ định bụng về nhà cáo trạng… Trường Đình nhìn ông lão từng suýt chết mấy năm trước hiện tại vẫn bán trà ở cái lều nhỏ, việc làm ăn tuy không rực rỡ lắm nhưng vẫn có khách, hẳn cũng ấm no.

Còn những người lúc trước ở bên cạnh nàng đâu rồi?

Tạ Chi Dung gả cho Lục Trường Anh, Tạ Tuân an phận ở một góc với cá tính bướng bỉnh, Thôi A Vụ thì vẫn ở trong khuê phòng. Còn vị Thôi gia A Nghê vốn bọn họ chẳng biết tên, trước giờ chưa từng tham dự hoạt động của bọn họ thì đã gả chồng, được mẹ chồng thích, chồng kính trọng. Nhà chồng nàng ta quyền thế như mặt trời ban trưa. À còn mấy người đã chết, con gái của Trần gia Đại lang quân, Lục Trường Mậu, đứa cháu gái Trần lão thái công thích nhất. Người sống đời này còn có cơ hội trở lại Kiến Khang nhìn lại chốn xưa nhưng người đã mất thì vĩnh viễn không thể trở về.

Trường Đình than thở một tiếng.

Kiến Khang vẫn mang bộ dáng cũ, quanh năm chiến loạn cũng không khiến cố đô lục triều sứt mẻ chút nào. Cũng có lẽ mỗi đời bá chủ chiếm được nó đều trân trọng nơi này, không đành lòng để chiến hỏa chạy tới tận đây phá hủy trăm năm lịch sử.

Lục trạch ở Kiến Khang vẫn như cũ.

Nhà nào có tòa nhà rồi thì tự mình về nhà, những ai chưa có nhà thì theo Thạch Khoát bố trí. Mông Thác chỉnh đốn binh lính xong thì mang theo gần trăm binh sĩ đi tới phía sau lãnh hành lý, vật trang trí, hạ nhân của nhà mình rồi cùng vợ đi về Kính Viên. Trên đường đi ngang qua nhà cũ của Lục gia, xuyên qua màn xe Trường Đình nhìn ra ngoài thì thấy Lục phủ vẫn giữ nguyên bảng hiệu, đáng tiếc cửa lớn đóng chặt. Hai con sư tử trước cửa phủ một tầng tuyết, dưới mái hiên vẫn treo đèn lồng như trước khi bọn họ rời đi.

Mông Thác cưỡi ngựa nhìn thoáng qua, trong lòng cân nhắc xem có nên dừng lại để A kiều xuống nhìn một chút không, nhưng nghĩ nghĩ hắn lại thôi.

Người ta khổ sở nhất là thấy chốn cũ mà người không còn.

Kính Viên ở Kiến Khang không quá giống tòa nhà ở Ký Châu. Một bên là bắc địa như long xà được bút mực vẩy ra, một cái là nhà gạch phương nam với mái ngói, hoa nhỏ, với núi non sông nước. Một tòa ở phía bắc quay về nam, một cái quay về phía hoàng thành. Một cái có gần trăm gian sương phòng, một cái có 5 viện nhỏ phân ra 166 gian sương phòng. Một bên bán đi cùng lắm chỉ được 60 vạn lượng, một cái lại phải mất 300 vạn lượng bạc trắng để mua… Ở hai nơi này chỉ có một chỗ là giống nhau như đúc. Đó chính là biển đề ở cửa, vẫn là hai chữ “Kính Viên” kia, kích cỡ lớn nhỏ, độ tinh mịn đều giống nhau.

Trường Đình vừa xuống xe ngựa nhìn thấy cửa Kính Viên đã cảm thấy giống nơi cũ, dường như bọn họ chẳng đi đâu hết.

Nàng tươi cười nói, “Sao chàng lại dùng chữ viết của ta làm bảng hiệu thế? Lúc ấy ta chỉ viết chơi, coi như chép sách còn được chứ mở rộng phóng to ra thì sẽ mất khí thế. Phủ chúng ta là phủ tướng quân, người lãnh binh đánh giặc sao có thể không có khí thế chứ?”

Mông Thác “à” một tiếng sau đó nhướng mày với phía sau, lập tức có một nam nhân trung niên lấy bút ra. Ông ta liếm liếm đầu bút và móc một quyển sách nhỏ trong tay áo để ghi chép những thứ cần ghi nhớ lại.

Trường Đình ngước mắt nhìn thì thấy người kia viết một hàng chữ, “Đổi bảng hiệu, mời Thứ Sử đại nhân tự tay viết”.

Người này đúng là thông minh, Trường Đình còn chưa nói gì ông ta đã biết phải làm sao.

Mông Thác thấy Trường Đình nhướng mày đánh giá nam nhân kia thì lập tức nện bước tới bên người vợ mình nhẹ giọng giới thiệu, “Đây là Ngưu tổng quản, trước kia là quan trường sử của Ngụy Vương phủ. (Hãy đọc thử truyện Lấy thân nuôi rồng của trang Rừng Hổ Phách) Trong Đại Tấn này ông ấy cũng coi như đứng đầu. Ta nhờ nhị ca hỗ trợ tìm một quản sự đáng tin lại biết việc thế là huynh ấy đưa cho ta danh sách mấy người để ta chọn.”

Trường Đình gật gật đầu nghĩ hóa ra đây là người được chọn.

Tòa nhà này ở ngay bên cạnh Lục trạch cũ, chủ nhân trước kia hẳn cũng là người phú quý. Người cuối cùng ở đây là Ngụy Vương. Quan trường sử của nhà họ hẳn hiểu biết tòa nhà này, đồng thời ông ta cũng hiểu biết quan hệ phức tạp trong Kiến Khang.

Mông Thác vừa giới thiệu xong thì Ngưu quản sự lập tức hành lễ vấn an sau đó vén áo choàng quỳ xuống, nhanh nhẹn nói, “Phu nhân kim an! Nô là Ngưu Minh Khoan, người Thương Châu. Ở tiền triều nô xuất thân quan trường sử ngũ phẩm, hiện tại trong nhà chỉ có nô làm quản sự. Sau này nô nhất định cúc cung tận tụy đến chết mới thôi!”

Trường Đình gật đầu, phía sau lập tức có gã sai vặt tiến lên đỡ ông ta dậy. Phía trước bọn họ ở Ký Châu không có tổng quản vì từ trên xuống dưới chỉ có nàng và Mông Thác là hai chủ tử. Ngọc Nương luôn không thích hạ nhân, thay vì nói người dưới hầu hạ nàng ấy thì còn không bằng nói mọi người ở chung giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế cả viện chỉ có 2 chủ tử cộng một người là nửa chủ tử. Còn bây giờ lại không giống thế, nếu Thạch Mãnh đã vào Kiến Khang thì nhất định triều đại sẽ thay đổi. Mông Thác là phó tướng nên phải giao tiếp với đám quan lớn và vọng tộc và đương nhiên cần một người có thể đảm đương ở bên cạnh hỗ trợ xử lý. Ngoại viện cần một quản sự có khả năng, không những thế mà còn phải thêm quản sự phụ trách các phần khác, nội viện cũng phải thêm mấy ma ma thống lĩnh toàn cục mới không loạn.

“Ông ở bên cạnh giúp tướng quân làm việc cho tốt.” Trường Đình lấy túi tiền từ trong tay áo đưa cho Ngưu quản sự, trong đó là một chồng ngân phiếu thật dày, “Mọi người đều làm tốt thì nhà chúng ta mới có thể đi lên. Ông làm tổng quản nếu dám ăn cây táo, rào cây sung, ngồi không ăn bám thì Kính Viên này không dám giữ đâu.”

Ngưu quản sự liên tục đáp vâng và cúi đầu đón lấy túi tiền, ngón trỏ và ngón cái nhéo nhéo, trong lòng nghĩ ta sẽ ngoan ngoãn! Dù một tờ ngân phiếu có giá thấp nhất là trăm lượng thì chỗ này cũng phải có hơn ngàn lượng ấy chứ!

Ở giữa Kính Viên tại Ký Châu chính là một cây bách cổ thụ hơn 500 năm, già tới độ sắp thành tinh rồi. Còn Kính Viên ở Kiến Khang lại có hai cái hồ trấn trạch, một cái hình Thái Cực bát quái, một bên dương nuôi cá, một bên âm trồng hoa.

Hồ này Trường Đình đã tới xem một lần. Haizzz, kỳ thật đây cũng coi như quay lại trốn cũ, thứ duy nhất khác chính là nàng không chỉ đi qua xem mà còn tiến vào ở. Có lẽ đây sẽ là chỗ nàng sống nửa đời sau —— với tiền đề là Thạch gia có năng lực giữ được Kiến Khang và đánh được giang sơn này.