Thiên Kiều - Đổng Vô Uyên

Chương 282: Giao Dịch (Hạ)



Thạch Khoát là mối uy hiếp với đại phòng, Lục gia cũng thế. Với đại phòng mà nói thì quan hệ của Lục gia và Thạch Khoát là một uy hiếp cực kỳ lớn.

Thôi thị hoàn toàn có lý do xuống tay.

Lúc trước trên đường đào vong, có một ngày vào nửa đêm có nông phụ lẻn vào phòng định cướp sạch đồ của ba người các nàng. Lúc ấy nàng đã hiểu không thể nhìn mặt mà bắt hình dong. Một vị cô nương trưởng thành ở Thôi gia, nhìn quen đấu đá trong nội trạch thì sao có thể là một đóa hoa non nớt không hiểu sự đời chứ? Không ai biết người đầu tiên Trường Đình hoài nghi kỳ thật chính là Thôi thị, cái kẻ nhìn có vẻ đoan trang kia.

Nhưng Thạch Uyển lại nói là Dữu Tam nương tử…

Trường Đình hỏi lại khiến tiểu A Ninh phải nhíu mày suy nghĩ sâu xa rồi mới nói, “Thạch đại cô nương cũng không cần thiết mang chuyện này tới lừa gạt chúng ta! A tỷ nói mọi việc phải có động cơ, nhưng Thạch đại cô nương vu hãm Dữu Tam nương tử thì được lợi gì?”

Đây cũng chính là suy nghĩ của Trường Đình. Nàng há mồm định nói nhưng lại bị tiếng gõ cửa bên ngoài đánh gãy lời. Bạch Xuân vội đi vào khom người rũ mắt nhẹ giọng nói với nàng, “… Đã điều tra xong, khối ngọc kia quả thực lấy từ nhà kho của Dữu quận quân. Hai ngày trước bà ta cho Thạch Uyển, là Vãn Yên cầm thẻ bài đi lấy từ kho ra. Còn việc vì sao Dữu quận quân phải thưởng thì Vãn Yên không biết. Vãn Yên chỉ biết lúc vừa tới Kiến Khang, Quận Quân đã gọi Thạch Uyển tới phòng mình, cho mọi người lui ra và nói một lúc sau đó thưởng mảnh ngọc này cho nàng ta.”

Vãn Yên trong phòng Dữu thị luôn có quan hệ tốt với Kính Viên.

Chén trà trong tay Trường Đình chợt nhẹ, trái tim cũng nhẹ thả xuống.

Nếu khối ngọc này đúng là do Dữu thị dùng để đổi lấy việc Thạch Uyển giữ mồm giữ miệng thì cũng chỉ có thể có hai người khiến bà ta phải vắt óc gìn giữ như vậy: một là con dâu trưởng, hai là cháu ngoại gái đồng thời là con dâu thứ. Nếu thật sự là Thôi thị đẩy vậy vì sao Thạch Uyển lại phải mạo hiểm lớn như thế để mưu hại Dữu Tam cô nương? Có thứ gì đáng giá để Thạch Uyển phải mạo hiểm chứ? Thạch Uyển có thể được chăng hay chớ giúp Thôi thị tô son trát phấn một chút, hoặc làm bộ không nhìn thấy mới là biện pháp tốt nhất chứ không phải khơi mào chuyện này rồi dẫn họa vào người bằng cách vu oan cho một người có thân phận mẫn cảm khác —— bất kỳ một người bình thường nào đều không thể cố ý nhắc lại chuyện xưa, mang nó lên mặt bàn chỉ để che giấu một chuyện có liên quan, như thế quá mạo hiểm.

Đáp án đã cực kỳ rõ ràng rồi: Thạch Uyển chắc chắn không nói dối.

Mà nếu Trường Đình đã nghĩ Thạch Uyển không nói dối thì nàng lại càng nghi hoặc hơn. Sao Thạch Uyển lại phải diễn một vở này chứ? Động cơ ra tay của Dữu Tam cô nương là gì?

Hai nghi vấn này chậm rãi có đáp án sau một tháng. Thạch Uyển có vẻ đã thông suốt, đột nhiên cực kỳ thân cận với Kính Viên, cũng sửa cái tật hễ Trường Đình nói cái gì là nàng ta lại phải chêm chọc. Cứ cách ngày nàng ta lại tới Kính Viên nói chuyện phiếm với Trường Đình, hoặc hẹn dạo quanh Kiến Khang, hoặc rủ đi chợ. Hơn nữa mỗi lần nàng ta đều cực kỳ biết điều, chỉ cần nghe nói Mông Thác sắp tới là nàng ta lại thức thời cáo lui, không hề dây dưa.

Quan hệ giữa người với người sẽ dần gần lại nếu thời gian đủ dài.

Dưới “nỗ lực” đơn phương của Thạch Uyển quan hệ của nàng ta và Trường Đình dường như cũng gần hơn rất nhiều. (Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Thạch Uyển thêu mặt quạt sẽ nhớ làm một phần cho tiểu A Ninh và Trường Đình. Nàng ta tặng đồ hai ba lần thì Trường Đình cũng sẽ gửi tặng một lần. Quan hệ của hai người thoáng gần hơn thì lời nói cũng khác trước.

Đối với nghi vấn của Trường Đình tự nhiên Thạch Uyển biết gì nói hết, không hề giấu giếm, “… Chuyện không thích ai thì làm gì có lý do gì?”

Nàng ta ngồi bên dưới tết dây đeo, giọng đè thấp, thần sắc có chút thần bí, “Dữu Tam nương tử không thích người nhà họ Lục, càng không thích A Ninh, cũng không thích biểu tẩu. Trước đó nàng ta hoặc quang minh hoặc lén lút nói với ta rất nhiều thứ…” Thạch Uyển ngẩng đầu đánh giá thần sắc của Trường Đình sau đó lại nuốt những lời đã lên tới miệng xuống. Sau khi tiếp tục liếc nàng một cái nàng ta mới tiếp tục, “Nàng ta nói nàng ta chán ghét các ngươi, nói… nói tứ đại sĩ tộc là sâu mọt, sớm nên diệt vong.”

Kỳ thật không chỉ tứ đại gia tộc mà Trường Đình cảm thấy toàn bộ sĩ tộc nên tiêu vong rồi. Khi một thứ gì đó tồn tại nhưng phần hại lớn hơn lợi thì kỳ thật nó chẳng còn ý nghĩa tồn tại nào nữa.

Lời này Trường Đình từng lén lút nói với Mông Thác nhưng một khi nghe thấy người khác nói lời này thì trong lòng nàng vẫn không nhịn được muốn mắng một tiếng “Cuồng vọng”.

“Vì sao nàng ta lại chán ghét Lục gia như thế?” Trường Đình nhẹ hỏi.

Thạch Uyển nghĩ nghĩ rồi nói, “Bởi vì biểu tẩu và nhị cô nương đều không quá thích hoặc coi trọng nàng ta chăng? Lúc ở nhà mình nàng ta chính là bảo bối trong tay người khác, là đích trưởng nữ của nhị phòng. Nàng ta lớn lên đẹp, đầu óc cũng nhanh nhạy, thơ từ ca phú đều rất khá. Dữu gia là một gia tộc lớn như thế cũng chỉ có hai cô nương là nàng và Ngũ cô nương… Nàng ta luôn được sủng ái và coi trọng, nhưng…”

Nhưng từ khi tới Thạch gia chẳng ai coi nàng ta ra gì – Trường Đình yên lặng bổ sung thêm câu này ở trong lòng.

Nàng phát hiện trong những câu chuyện phiếm của Thạch Uyển, động cơ Dữu Tam cô nương đẩy A Ninh đã được giải thích rõ ràng. Và nghi vấn đầu tiên cũng có vẻ được giải quyết dựa trên thái độ thân thiện lấy lòng của nàng ta.

“Nàng ta tới làm thân với ta.” Ban đêm Trường Đình vừa trải giường chiếu vừa nói chuyện với Mông Thác, “Đại khái là nàng ta bị chuyện hôn sự của mình dọa sợ nên lập tức thông suốt. Nàng ta đột nhiên hiểu nếu không có xung đột lợi ích gì với ta thì việc thân cận, xây dựng giao tình sẽ chỉ có lợi chứ không có hại.”

Mông Thác ngồi xếp bằng trên mặt đất lau kiếm nghe nàng nói như vậy thì bật cười, “Vậy Dữu Tam thì phải thế nào? Nếu Thạch Uyển đã nói hết với nàng thì thay vì cho nàng ta chỗ tốt còn không bằng khiến Dữu Tam phải bồi thường.”

Nói đến Dữu Tam cô nương thì đương nhiên Trường Đình sẽ không qua loa buông tha. Chuyện liên quan tới A Ninh nàng sẽ không nén giận.

Được, ngươi không muốn gả cho Thạch Khoát vậy ta khiến ngươi không thể gả cho ai, coi như thành toàn ngươi.

Trường Đình vừa giận thì hậu quả rất nghiêm trọng. Mông Thác thấy nàng đột nhiên biến sắc mặt, tràn đầy lệ khí thì nhìn nhìn thanh kiếm lóe hàn quang trên tay mình và vội vàng nói, “Hiện tại tạm thời chậm rãi đợi đã. Chúng ta mới tới Kiến Khang, trước kẹp chặt đuôi một thời gian, chờ mọi việc trần ai lạc định thì nàng chỉ chỗ nào ta sẽ đánh chỗ đó.”