Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 210: Những kẻ kì lạ



Chùa Quảng Trí tuy đẹp, nhưng cũng hổ lốn tới mức không thể hổ lốn hơn. Bên trong thì có đủ mọi loại tôn giáo. Tới khi ra sau chùa, lại có vài ông đồ ngồi viết sớ, viết chữ. Trên ngọn đồi xa xa, còn thấy vài cây thánh giá.

Người xây chùa, chỉ muốn nhét hết những gì nghĩ ra trong đầu vào khuôn viên chùa, ngoài ra không nghĩ được cái gì khác.

Nói là hổ lốn, nhưng cũng vô cùng tiện lợi. Đến siêu thị còn nhét hết các loại mặt hàng vào cùng một nơi, huống gì là không gian tâm linh. Người Đại Nam thấy tiện lợi là thích, đếch cần quan tâm gì khác.

Nơi đây cũng cho thuê bút và mực để viết sớ, viết chữ.

Chị thuê một chỗ ngồi, để dạy thằng Văn về Văn Lực. Cả họ nhà nó có Văn Lực vô cùng tệ hại, ngày trước mỗi lần nhìn Vương Vũ Hoành viết chữ mà chị chỉ muốn gõ đầu hắn. Nhất quyết không thể để thằng Văn như vậy.

Nào ngờ buổi dạy đầu tiên khiến chị thất vọng vô cùng. Nói nó viết nét sổ, thì nó như kẻ một đường thẳng ra giấy. Viết nét móc, thì cứng đơ đơ. Thằng bé nó vẽ hình học ra giấy, chứ không phải là viết chữ.

Chị thở dài, chuyện này không phải một sớm một chiều có thể rèn luyện.

Thằng Văn tập viết đến toát mồ hôi. Nó cũng cảm thấy chữ nó viết ra có gì không đúng, nhưng nó không biết sai ở đâu. Mà thật ra, chính vì chữ của nó không sai, rất tuân thủ nguyên tắc hình học, nên nó lại không biết nên sửa kiểu gì.

Bỗng nhiên, bàn bên cạnh có tiếng huyên náo.

- Ồ! Chú nhóc này vẽ đẹp quá này!

- Ghê thật! Rừng cây lấp ló ẩn hiện, chỉ vẽ một nhành cây, mà tưởng tượng ra cả một khu rừng!

- Chú nhóc có bán tranh không? Mấy hào một bức? Ta muốn mua một bức!

- Ta cũng thế!



Chị Thanh ngoái đầu sang nhìn, tấm tắc.

- Ồ thật là đẹp. Văn con sang nhìn nè.

Nghe nói vậy, Văn mới bỏ bút xuống, quay sang nhìn. Nếu mẹ nó không nói vậy, nó vẫn sẽ cặm cụi tập viết.

Người ngồi bàn bên cạnh, còn rất nhỏ tuổi. Chỉ lớn hơn nó một chút. Mái tóc quăn, sống mũi dài, nở nụ cười điềm đạm. Anh ta hình như không phải người Đại Nam.

Trước mặt anh ta, bày la liệt những bức tranh thuỷ mặc. Nó quan sát, vết mực còn rất mới, rõ ràng là anh ta ngồi đây rồi mới vẽ, chứ không phải đem từ nhà tới.

Nó không hiểu lắm về hội hoạ, nhưng nó nhìn những bức tranh này vô cùng thích mắt. Để thưởng thức cái đẹp, cũng không cần quá nhiều sự am hiểu.

Chị Thanh cũng đứng sau nó, nói với cậu bé này.

- Văn Lực cũng khá, nhưng quan trọng nhất, là cách tư duy. Rất ấn tượng!

Cậu bé này giật mình, ngẩng đầu lên nhìn chị. Rồi bằng một thứ tiếng Đại Nam không sõi lắm, cậu ta cất giọng hỏi.

- Cô... cô là ai?

- Cô chỉ là một người đi chùa bình thường thôi. Cháu có vẻ không phải người ở đây?

- Đúng vậy. Cháu là học sinh Giang Hạ, tới đây giao lưu.

- Học sinh Giang Hạ, quả nhiên rất giỏi!

Nói lời tán dương này, chị cứ nghĩ, theo thói quen của người Bắc Hà, cậu ta sẽ khiêm tốn từ chối. Nhưng không. Cậu bé chỉ đưa tay gãi đầu, đảo mắt như suy nghĩ cái gì.

- Cháu không biết nữa. Cháu không rõ lắm về học sinh Giang Hạ.

- Vậy sao? - Chị cười. - Cô tên là Thanh. Còn cháu tên gì?

- Cháu là Phong. Nguyễn Thanh Phong. Còn bạn này là?

Nguyễn Thanh Phong chuyển mắt nhìn sang Văn.

- Nó là con trai cô, tên là Văn.

- Văn? Tên rất đẹp.

- Cô ra đây có chút việc, cháu để em nó ở đây chơi cùng nhé.

Thanh Phong gật đầu. Nguyễn Thanh Phong mới chỉ 14 tuổi. Hơn thằng Văn 2 tuổi. Nhưng đã vô cùng chững chạc. Một mình hắn ngồi giữa đám đông, ung dung lấy giấy bút ra vẽ. Người qua kẻ lại xúm vào bàn tán, khen ngợi, nhưng hắn có vẻ không quan tâm.

- Cháu ơi, bức này bán bao nhiêu vậy?

- Không bán. Bác thích thì lấy.

Trả lời bâng quơ, cậu ta lại vùi đầu vào vẽ.

- Tranh anh vẽ ra rồi, nhưng anh có vẻ không quan tâm tới nó? - Bất chợt thằng Văn hỏi.

- Đúng vậy. Tranh đã vẽ ra rồi, cũng chỉ là một tờ giấy. Thứ quan trọng nhất, không phải là bức tranh, mà là quá trình tư duy ra bức tranh.

- Anh có vẻ rất thích vẽ tranh?

Thanh Phong đang hí hoáy vẽ, bỗng nhiên dừng bút, đăm chiêu suy nghĩ.

- Không biết nữa.

Rồi lại vẽ tiếp.

Nét bút của cậu ta như có một mị lực, khiến người ta đắm đuối nhìn theo. Ai nấy đều tấm tắc khen ngợi.

- Mới 14 tuổi, vẽ tranh đã không khác gì một Đại Hoạ gia như vậy. Đây mới là thực lực của học sinh Bắc Hà sao?

Câu khen ngợi này, vừa như cảm thán, nhưng lại mang cấu trúc của một câu hỏi.

Mỗi lần nghe thấy một câu hỏi, Nguyễn Thanh Phong lại dừng bút, cau mày suy nghĩ, rồi sau đó lại trả lời.

- Không biết nữa.

Rồi lại hì hụi vẽ.

Cậu bé này, chuyện gì cũng không biết, giống như chẳng bao giờ để ý thứ gì. Nhưng với mỗi người cất tiếng hỏi, cậu ta lại không thể không để tâm. Rốt cuộc là sao nhỉ?

- Tại sao tranh của anh lại đẹp tới vậy?

- … Không biết nữa.

- Tại sao nơi đây chỉ có một cái cây, còn chỗ này lại có 3 cái cây, còn chỗ này lại trắng trơn vậy? Đúng là nhìn rất đẹp, nhưng em không hiểu lắm.

- … Không biết nữa.

- Nhà anh có bao nhiêu anh chị em?

- … Không biết nữa.

- Tại sao đến gia đình anh anh cũng không biết?

- … Vì chưa bao giờ đếm.

- Vậy bố mẹ anh làm nghề gì?

- … Không biết nữa.

-!!! Tại sao vậy?

- … Vì chưa bao giờ hỏi.

Thờ ơ?! Ở anh ta toát ra một thứ gì rất giống sự thờ ơ, nhưng không hẳn như vậy. Anh ta không hề thờ ơ với những ai đang nói chuyện với mình. Nhưng khi không ai để ý tới anh ta, thì anh ta cũng không hề quan tâm tới những thứ thường nhật. Con người này, có lẽ luôn suy nghĩ về những điều khác lạ.

Có lẽ mọi người sẽ nghĩ anh ta kì lạ, còn Văn thì không. Chỉ là anh ta quan tâm tới những thứ khác với mọi người mà thôi. Điều đó vốn rất bình thường. Hơn nữa, việc người khác quan tâm điều gì, suy nghĩ ra sao, cũng chẳng ảnh hưởng gì tới nó.

- Lần giao lưu này, anh cũng tham gia phải không?

- Đúng vậy. - Lần này thì câu trả lời rất nhanh.

- Sao riêng chuyện này thì anh biết rõ thế?

- Vì trước khi lên đường, các thầy có tập trung học sinh lại để phổ biến.

- Ra vậy, chỉ cần nói với anh điều gì, là anh sẽ nhớ.

- Đúng thế. Bởi vì có những thứ, mọi người cứ nghĩ anh biết rồi, còn anh thì cũng không bao giờ hỏi.

- Nếu anh không biết, anh nên hỏi chứ?

- … Bởi vì, cũng chẳng quan trọng lắm.

Văn nhướng mày suy nghĩ. Đúng vậy, quan trọng hay không là tuỳ ở mỗi người. Nhà có bao nhiêu anh chị em, hay bố mẹ mình làm nghề gì, họ có biết điều đó hay không, là do họ tự quyết định. Nếu thật sự muốn anh ta biết những điều này, nói thẳng cho anh ta là được rồi.

- Lần giao lưu tới, em cũng sẽ tham gia sao?

- Đúng vậy, em cũng sẽ tham gia!

- Môn gì?

- Môn Văn dó anh.

- Vậy thì chúc may mắn.

- Anh thi môn Hoạ phải không? Chúc anh may mắn!

- Không cần đâu.

- Vì sao vậy?

- … Không biết nữa. - Hai đứa chơi vui chứ?

- … Cháu chẳng biết nữa.

- Vui lắm mẹ ạ!

- Vậy thì tốt. Có học hỏi được gì từ anh không?

- Con chẳng học được gì mẹ ạ.

- Haizz. - Chị thở dài, rồi đưa cho nó một cái chai nhựa. - Mẹ đã nhờ các sư thầy chế nước phép cho vào đây. Trong này chứa rất nhiều Văn Lực. Con bảo bác Itou pha nó với đất nung mà vẽ Hamon.

- Ồ! Con thay mặt bác Itou cám ơn mẹ!

- Sến quá đi, thôi, về được chưa?

- Được rồi ạ!

- Vậy cô về nhé.

- Em chào anh!

Nguyễn Thanh Phong đang hí hoáy vẽ tranh, nghe thấy vậy, cũng ngẩng đầu lên.

- Hẹn gặp lại.

Kì giao lưu tới, rồi sẽ gặp lại.