Thiên Quan Tứ Phúc (Quan Trời Ban Phúc)

Chương 2: Huyết vũ thám hoa - Quan trời ban phúc



Giữa thần phật khắp đất trời này, có một trò cười nổi tiếng khắp ba giới.

Tương truyền tám trăm năm trước, đất Trung Nguyên có một quốc gia cổ, tên gọi nước Tiên Lạc.

Tiên Lạc cổ quốc, đất rộng của nhiều, dân chúng ấm no. Quốc gia có bốn bảo vật: mỹ nhân như mây, văn chương hoa mỹ, hoàng kim châu báu, cùng với một vị Thái tử điện hạ tiếng tăm lừng lẫy.

Vị Thái tử điện hạ này, nói thế nào nhỉ, là một vị nam tử lạ kỳ.

Quốc vương và hoàng hậu xem y như ngọc quý trên tay, sủng ái có thừa, thường xuyên kiêu ngạo nói: "Con ta mai này nhất định sẽ là minh quân, lưu danh muôn thuở."

Nhưng mà, đối với vương quyền phú quý của tục thế, Thái tử hoàn toàn không có hứng thú.

Thứ mà y có hứng thú, dùng một câu mà y thường nói với bản thân mình, chính là --

"Ta muốn cứu vớt chúng sinh!"

Không lâu sau Thái tử một lòng tu hành, trên đường tu hành, có hai câu chuyện nhỏ lưu truyền rộng rãi.

Câu chuyện đầu tiên, xảy ra khi y mười bảy tuổi.

Năm đó, nước Tiên Lạc cử hành một buổi diễu hành Thượng Nguyên tế trời long trọng.

*Thượng Nguyên (hay còn gọi là tết Nguyên Tiêu): Là ngày rằm tháng giêng hằng năm theo lịch âm, là ngày lễ truyền thống của Trung Quốc.Thượng Nguyên là ngày sinh của quan trời, "thiên quan tứ phúc" (quan trời ban phúc) là ý đó. Vào ngày này, người dân thường treo hoa đăng, ăn bánh trôi.

Tuy rằng truyền thống thần thánh này đã bị bỏ hoang mấy trăm năm, nhưng vẫn có thể mường tượng nó là một ngày trọng đại khắp chốn mừng vui nhường nào từ sách cổ còn sót lại và lời kể của người xưa.

Ngày lễ Thượng Nguyên, đường Thần Võ.

Hai bên đường biển người tấp nập, vương công quý tộc ở trên lầu cao trò chuyện vui vẻ, các võ sĩ hoàng gia oai phong lẫm liệt mặc giáp mở đường, đôi tay trắng muốt của các thiếu nữ vẫy khắp bầu trời hoa rụng đầy rẫy, chẳng biết người với hoa cái nào đẹp hơn, tiếng nhạc du dương truyền ra từ cỗ xe vàng, bay bổng khắp vùng trời của cả tòa hoàng thành. Ở cuối đội ngũ danh dự, mười sáu con ngựa trắng cương vàng cùng kéo một tòa đài hoa.

Trên đài hoa cao ngất đó, chính là Duyệt Thần Võ Giả mà muôn người dõi theo.

*Duyệt Thần Võ Giả: hiểu theo ngữ cảnh chính là người múa võ làm vui lòng thần linh.

Trong buổi diễu hành tế trời, Duyệt Thần Võ Giả đeo một chiếc mặt nạ vàng ròng, thân mặc hoa phục (trang phục lộng lẫy hoa mỹ), tay cầm bảo kiếm, sắm vai Võ Thần diệt ma trừ yêu đệ nhất ngàn năm -- Thần Võ Đại Đế, Quân Ngô. Một khi được chọn, đó chính là vinh quang tột bậc, do đó tiêu chuẩn chọn lựa cực kỳ khắt khe. Năm nay người được chọn chính là Thái tử điện hạ, cả nước trên dưới đều tin tưởng Thái tử nhất định sẽ hoàn thành bài Duyệt Thần Võ đặc sắc nhất từ trước đến nay.

*Duyệt Thần Võ: theo ngữ cảnh thì hiểu nó là bài múa võ làm vui lòng thần linh.

Thế nhưng mà, ngày hôm đó lại xảy ra một việc ngoài ý muốn.

___

Vào lần thứ ba đội ngũ danh dự diễu hành quanh tòa thành, họ đi qua một bức tường thành cao vài chục trượng.

Lúc ấy, Võ Thần trên đài hoa sắp một kiếm đánh chết yêu ma.

Đây là màn xúc động lòng người nhất, hai bên đường cái xôn xao ầm ĩ, trên tường thành cũng nhốn nháo dữ dội, đám người sợ tụt lại phía sau chen lấn thò đầu, giãy dụa, xô đẩy.

Lúc bấy giờ, một đứa bé từ trên cổng thành rớt xuống.

Tiếng thét chói tái tức thì vang ngút trời. Trong lúc mọi người cho rằng đứa bé này sắp máu nhuộm đường Thần Võ, Thái tử khẽ giương đầu, nhún người nhảy một cái, đỡ được đứa bé.

Mọi người chỉ kịp nhìn thấy một cái bóng trắng hệt như chim bay ngược lên trời, Thái tử đã bế đứa bé kia bình yên đáp xuống đất. Mặt nạ vàng ròng rơi xuống, để lộ gương mặt anh tuấn trẻ tuổi sau lớp mặt nạ.

Giây tiếp theo, muôn người hoan hô.

Chúng dân vui mừng khôn xiết, nhưng đám quốc sư của đạo trường hoàng gia lại đau đầu.

Trăm triệu lần không ngờ rằng sẽ xảy ra sai lầm lớn như thế.

Điềm xấu đấy, điềm quá xấu!

Mỗi vòng mà đài hoa diễu hành quanh hoàng thành tượng trưng cho một năm quốc thái dân an cầu xin cho nước nhà, bây giờ bị gián đoạn, chẳng phải sắp rước hoạ vào sao!

Đám quốc sư lo lắng đến mức tóc rụng như mưa, bọn họ lo trước nghĩ sau, cuối cùng mời Thái tử đến, khéo léo ngỏ ý, điện hạ ngài có thể nào diện bích một tháng để bày tỏ ăn năn không? Không cần diện bích thật, chỉ cần làm kiểu một chút là được rồi.

*Diện bích: từ ngữ Phật giáo, ý chỉ quay mặt vào tường tĩnh tu. Tương truyền, thầy tu Đạt Ma ngồi xoay mặt vào vách tường Thiếu Lâm tự suốt chín năm.

Thái tử mỉm cười nói: "Không cần."

Y nói như thế này: "Cứu người nào phải chuyện xấu gì. Sao ông trời lại giáng tội con vì con làm chuyện đúng?"

Ồ... ngộ nhỡ ông trời cứ giáng tội thì sao?

"Vậy thì ông trời sai lầm rồi, tại sao đúng phải xin lỗi sai?"

Đám quốc sư không phản bác được.

Vị Thái tử điện hạ này chính là người như thế.

Y chưa từng gặp phải chuyện mà mình không làm được, cũng chưa bao giờ gặp phải người không yêu mình. Y là chính đạo nhân gian, là trung tâm thế giới.

Thế nên, tuy rằng trong lòng đám quốc sư đau đớn lắm: "Con thì biết quái gì!"

Nhưng bọn họ không tiện nhiều lời, cũng không dám nhiều lời. Dù gì điện hạ cũng chẳng bỏ vào tai.

____

Câu chuyện thứ hai cũng xảy ra vào năm Thái tử mười bảy tuổi.

Tương truyền, phía nam Hoàng Hà có một cây cầu gọi là cầu Nhất Niệm, có một Quỷ hồn quanh quẩn trên chiếc cầu này rất nhiều năm.

Quỷ hồn này vô cùng khủng khiếp: Thân mặc tàn giáp, chân giẫm nghiệp hỏa, cả người máu me đầm đìa ghim đầy đao thương tiễn nhọn, mỗi bước đi đều lại dấu chân rướm máu và lửa ở phía sau. Cứ cách vài năm, nó sẽ bất chợt hiện thân vào ban đêm, lang thang ở đầu cầu, chặn người đi đường hỏi ba câu: "Nơi này là đâu?" "Thân này là người nào?" "Chuyện này nên làm sao bây giờ?"

*Nghiệp hỏa: Lửa địa ngục đốt tội nhân.

Nếu trả lời không đúng, tất sẽ bị Quỷ hồn cắn nuốt. Thế nhưng không ai biết đáp án chính xác là gì, vì thế vài năm trôi qua, Quỷ hồn này đã cắn nuốt vô số người đi đường.

Trong lúc dạo chơi, Thái tử nghe nói đến việc này, y tìm đến cầu Nhất Niệm, hàng đêm canh giữ ở đầu cầu, cuối cùng gặp được Quỷ hồn tác quái vào một đêm nọ.

Quỷ hồn kia hiện thân, quả nhiên âm trầm đáng sợ như lời đồn. Nó mở miệng hỏi Thái tử câu thứ nhất, Thái tử cười trả lời: "Nơi này nhân gian."

Quỷ hồn lại nói: "Nơi này vô gián."

*Vô gián: là tầng địa ngục thứ 8 trong 8 địa ngục nóng. Nơi này dành cho 5 đại trọng tội: giết cha mẹ, phỉ báng và phản lại Đạo Trời, chia rẽ chúng tăng, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu. Nơi đó chúng sinh bị hành hình liên tục đời đời, không gián đoạn, tội nhân không thể chết, phải bỏ thân nầy thụ thân khác trả quả báo, mãi mãi không được siêu sinh đầu thai. (theo Wiki)

Khai môn đại cát (mở cửa gặp may mắn tốt lành), mới câu thứ nhất đã đáp sai rồi.

Thái tử nghĩ thầm, dù gì cũng sẽ đáp sai cả ba câu thôi, cần gì chờ ngươi hỏi xong? Vì vậy y bèn rút binh khí ra, bắt đầu đánh.

Trận chiến này đánh đến tối tăm trời đất. Thái tử võ nghệ cao cường, Quỷ hồn kia càng dũng mãnh kinh người. Một người một quỷ ở trên cầu đánh đến gần như trời xoay đất chuyển, cuối cùng, rốt cuộc Quỷ hồn cũng bại trận.

Sau khi Quỷ hồn biến mất, Thái tử trồng một cây hoa ở đầu cầu. Lúc bấy giờ, một đạo sĩ đi ngang qua, vừa khéo trông thấy y rắc một nắm đất vàng để tiễn đưa Quỷ hồn, bèn hỏi: "Làm gì vậy?"

Thái tử đã nói tám chữ nổi tiếng: "Thân tại vô gián, lòng tại đào nguyên."

*Đào nguyên: dùng để chỉ nơi tiên cảnh, thiên đường. Câu "Thân tại vô gián, lòng tại đào nguyên" này có thể hiểu là thân tại địa ngục, lòng tại cõi tiên.

Nghe xong, đạo sĩ mỉm cười, hóa thành một thần tướng mặc giáp trắng, đạp mây lành, khoác gió mạnh, nương ánh dương mà đi. Bấy giờ Thái tử mới biết, thì ra mình đúng dịp gặp được Thần Võ Đại Đế tự mình hạ phàm diệt ma trừ yêu.

Chư thiên thần tiên đã chú ý đến Duyệt Thần Võ Giả xuất sắc này lúc y nhảy lên trong chuyến diễu hành Thượng Nguyên tế trời. Lần này sau khi gặp ở đầu cầu Nhất Niệm, có tiên gia hỏi Đế Quân: "Ngài thấy vị Thái tử điện hạ này thế nào?"

*Chư thiên: người trong cõi Phật.

Đế Quân cũng đáp tám chữ: "Tương lai người này, không thể hạn định."

Đêm hôm đó, bầu trời trên hoàng cung xuất hiện tình trạng dị thường, mưa gió ầm ĩ.

Giữa sấm vang chớp giật, Thái tử điện hạ phi thăng.

___

Phàm là có người phi thăng, Thiên giới cũng sẽ chấn động một phen. Thái tử điện hạ này vừa phi thăng, trực tiếp khiến cho cả Thiên giới rung động ba lần.

Tu thành chính quả, khó lắm khó lắm.

Thiên phú, tu luyện, cơ duyên, thiếu một thứ cũng không được. Sự ra đời của một tôn thần thường là con đường trăm năm dài đằng đẵng.

Thiên chi kiêu tử* mọc cánh thành tiên từ thuở niên thiếu không phải không có; dốc hết một đời khổ sở tu luyện trăm năm vẫn không chờ được một đạo Thiên Kiếp* cũng có hàng tá người; cho dù chờ được Thiên Kiếp, nếu không qua được ải đó cũng phải chết, không chết thì cũng tàn phế; hệt như hằng hà sa số người phàm mê man không tìm được hướng đi cho mình, cuối cùng cả đời đều tầm thường.

*Thiên chi kiêu tử: Đứa con được cha mẹ cưng chiều, con cưng của ông trời. Thiên Kiếp là một loại thử thách của Thiên giới, nếu người tu tiên có thể vượt qua thì có thể phi thăng, Thiên Kiếp có thể là chịu 9 lần sét đánh chẳng hạn.

Mà vị Thái tử điện hạ này, chắc chắn là con cưng của trời.

Thứ y muốn, không có gì không lấy được; điều y muốn làm, không có gì làm không được; y muốn phi thăng thành thần, quả nhiên phi thăng thành thần vào năm mười bảy tuổi.

Thái tử vốn dĩ đã được lòng dân ủng hộ, cộng thêm quốc vương và hoàng hậu nhung nhớ con yêu, bèn hạ lệnh dốc sức khởi công xây dựng đạo quán miếu thờ cho y ở các nơi, mở hang lập tượng, vạn dân thờ cúng. Tín đồ càng nhiều đạo quán càng nhiều, thọ nguyên càng dài pháp lực càng mạnh. Vì vậy chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, điện Thái Tử ở cung Tiên Lạc tưng bừng lừng lẫy, một thời hưng thịnh, đạt đến đỉnh điểm.

- - Mãi đến ba năm sau, Tiên Lạc đại loạn.

___

Nguyên nhân đại loạn chính là quốc vương bạo chính*, phản quân khởi nghĩa. Nhưng mặc dù khói lửa chiến tranh đã nổi lên khắp nhân gian, chúng thần quan trên Thiên giới cũng không thể nhúng tay vào.

*Bạo chính: chỉ hệ thống chính trị bạo ngược, bóc lột tàn khốc, áp bức nhân dân.

Trừ phi yêu ma quỷ quái xâm phạm vượt ranh giới, bằng không nên thế nào thì cứ thế nấy thôi.

Thử nghĩ mà xem, nhân gian phân tranh khắp chốn, người người đều cảm thấy mình có lý, nếu ai cũng bước lên chen một chân, hôm nay mi chống lưng cho tổ quốc của mi, ngày mai nó báo thù cho con cháu của nó, há chẳng phải hỡ tí là muốn thần tiên đánh nhau, nhật nguyệt vô quang (mặt trời và mặt trăng đều mất ánh sáng)? Tình huống như Thái tử đây, thì càng phải tránh sự hiềm nghi.

Nhưng y đâu thèm quan tâm, y nói với Đế Quân: "Ta muốn cứu vớt chúng sinh."

Đế Quân sở hữu ngàn năm thần lực còn chưa dám treo mấy chữ này ngoài miệng suốt ngày, nghe Thái tử nói vậy, tâm trạng của Đế Quân khỏi nói cũng biết, song Đế Quân cũng hết cách với Thái tử, bèn nói: "Ngươi không cứu được tất cả mọi người đâu."

Thái tử nói: "Ta cứu được."

Vậy nên, y nghĩa vô phản cố hạ phàm.

*Nghĩa vô phản cố: làm việc nghĩa không được chùn bước.

Nhân dân Tiên Lạc tất nhiên là cả nước ăn mừng.

Có điều chuyện xưa dân gian từ cổ chí kim đã sớm tận sức trình bày cho mọi người biết một chân lý: Thần tiên tự mình hạ phàm, chắc chắn không có kết quả tốt.

Khói lửa chiến tranh chẳng những không lụi tắt, trái lại còn cháy điên cuồng hơn.

Cũng không phải nói Thái tử điện hạ không cố gắng, nhưng y không cố gắng còn tốt hơn. Y càng cố gắng, tình hình chiến đấu càng rối tanh bành, người Tiên Lạc bị đánh đến máu chảy đầu rơi, thương vong nặng nề, cuối cùng một cơn bệnh dịch cuốn sạch cả tòa hoàng thành, phản quân đánh vào hoàng cung, loạn lạc chiến tranh kết thúc.

Nếu nói Tiên Lạc vốn đang thoi thóp hơi tàn, vậy thì Thái tử điện hạ đã thẳng thừng làm nó tắt thở luôn.

___

Sau khi diệt quốc, cuối cùng mọi người chợt nhận ra một việc: Thì ra Thái tử mà họ tôn sùng là thánh thần chẳng hề hoàn mỹ và hùng mạnh như họ tưởng tượng.

Nói khó nghe một chút, thế còn chẳng phải là một kẻ vô dụng thành công thì ít thất bại thì nhiều sao?!

Nỗi đau mất đi quê nhà và người thân không có chỗ phát tiết, dân chúng mình đầy đau xót giận dữ xông vào Thái tử điện, đẩy ngã tượng thần, thiêu hủy điện thần.

Tám ngàn đạo quán, đốt suốt bảy ngày bảy đêm, cháy sạch không còn một mảnh.

Từ đó về sau, một vị Võ Thần bảo vệ bình an đã biến mất, mà một vị ôn thần gieo rắc tai họa ra đời.

Mọi người nói ngươi là thần ngươi chính là thần, nói ngươi là phân ngươi chính là phân, nói ngươi là cái gì ngươi phải là cái đó. Từ đầu đã thế.

___

Bất luận thế nào, Thái tử cũng không thể chấp nhận sự thật này.

Điều khiến y càng khó chấp nhận hơn chính là hình phạt mà mình phải nhận: Giáng chức.

Phong bế pháp lực, đánh xuống nhân gian.

Từ nhỏ y đã lớn lên trong hàng nghìn hàng vạn nuông chiều, chưa từng nếm trải nỗi khổ nhân gian. Hình phạt này chẳng khác nào khiến y rơi từ đám mây xuống bùn nhão.

Trong đống bùn nhão ấy, lần đầu tiên y cảm nhận được mùi vị đói, mùi vị bần cùng, mùi vị bẩn thỉu. Đây cũng là lần đầu tiên y làm chuyện mà đời này y chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm: Ăn cắp, cướp giật, chửi rủa, tự sa ngã.

Muốn khó coi bao nhiêu thì khó coi bấy nhiêu. Mất hết mặt mũi, mất hết lòng tự trọng. Ngay cả người hầu trung thành nhất cũng không thể tận mắt nhìn y thay đổi như thế, cuối cùng chọn cách rời đi.

Tám chữ "Thân tại vô gián, lòng tại đào nguyên" được khắc trên đủ loại bia đá bảng hiệu ở Tiên Lạc, nếu không phải chúng gần như bị đốt sạch sau chiến loạn, ngộ nhỡ để cho Thái tử điện hạ nhìn thấy lần nữa, phỏng chừng y sẽ là người đầu tiên xông lên đập phá.

Người nói câu này đã tự mình chứng minh rồi, khi chính y thân tại vô gián, nào có thể lòng tại đào nguyên.

___

Vị Thái tử điện hạ này lên trời nhanh, rơi xuống đất còn nhanh hơn. Một thoáng kinh hồng trên đường Thần Võ, gặp ma ngộ tiên trên cầu Nhất Niệm, dường như tất cả mới là chuyện của ngày hôm qua. Nhưng Thiên giới thổn thức một phen, quá khứ cũng đã qua rồi.

*Một thoáng kinh hồng (惊鸿一瞥): ý chỉ những người hay sự vật, chỉ cần thoáng nhìn một cái thôi đã để lại trong lòng những ấn tượng mãnh mẽ, khó phai.

Ai mà ngờ được rằng, qua thật nhiều năm sau, vào ngày một ngày nọ, bầu trời đột nhiên nổ ầm một tiếng.

Vị Thái tử điện hạ này, ấy thế mà lại phi thăng!

Từ xưa đến nay, thần quan bị giáng chức một là không gượng dậy nổi hai là rơi vào Quỷ giới, tuyệt nhiên chẳng có mấy ai bị đánh xuống nhân gian rồi mà còn có ngày trở mình vùng lên. Phi thăng lần hai, đây có thể nói là một hiện tượng lạ đầy oanh liệt.

Càng oanh liệt hơn là, sau khi phi thăng, Thái tử chạy ào vào Thiên giới tay đấm chân đá, sát phạt bốn phương. Chính vì lẽ đó, y chỉ phi thăng được một nén nhang lại bị đánh xuống tiếp.

Một nén nhang, có thể nói là lần phi thăng nhanh mạnh* nhất và ngắn ngủi nhất trong lịch sử.

*Nguyên văn là tấn mãnh (本解): ý bảo hành động nhanh chóng, tính tình hung mãnh; nhanh chóng mà mãnh liệt.

Nếu như lần đầu tiên y phi thăng là một sự kiện được người đời ca tụng, lần hai phi thăng chẳng khác nào một trò hề.

___

Sau hai lần đó, chúng thần tiên mang đầy lòng chê ghét với vị Thái tử này, ngoài chê ghét còn có vài phần cảnh giác. Dầu gì bị giáng chức một lần đã đòi chết đòi sống, bị giáng chức hai lần lại còn chẳng tâm ma đại phát trả thù chúng sinh à?

Vì vậy, mọi người nhao nhao âm thầm quan sát. Thật sự không ngờ được là...

Không không không, sau lần giáng chức này, Thái tử chẳng những không nhập ma mà còn rất ngoan ngoãn học cách làm quen với cuộc sống giáng chức, chỉ là... hơi bị nghiêm chỉnh quá rồi!

Đôi lúc y mãi nghệ ở đầu đường, thổi sáo gảy đàn đều tinh thông, ngay cả đập đá trên ngực cũng là chuyện nhỏ. Dù rằng đã sớm nghe nói Thái tử điện hạ giỏi ca múa đa tài đa nghệ, chỉ là được mở mang tầm mắt bằng cách này quả thật khiến lòng người bối rối. Thỉnh thoảng y còn cần cù chăm chỉ lượm đồng nát.

*Mãi nghệ: Kiếm cơm nhờ biểu diễn tạp kỹ, múa võ, đàn hát trên phố.

... Lượm... đồng... nát...

Ít nhiều cũng từng là Thái tử điện hạ cành vàng lá ngọc, thần quan đứng hàng tiên, bây giờ sa sút đến mức này, đúng là chưa có một ai.

Tuy rằng rất đáng cảm thông, nhưng mà thấy...

Mắc cười quá!

Bởi vì thật sự càng nghĩ càng mắc cười, chuyện này cấp tốc truyền khắp ba giới. Cái gọi là trò cười ba giới, chính là từ đây mà có.

Phải biết rằng nếu mắng ai đó "Mi sinh con là Thái tử Tiên Lạc", vậy còn ác độc hơn mắng đối phương đoạn tử tuyệt tôn!

Cười xong lại không khỏi thở than: Vị thiên chi kiêu tử cao cao tại thượng ngày nào, đã biến mất thật rồi.

Tượng thần sập, cố quốc diệt vong, một tín đồ cũng chẳng còn, từ từ bị người đời quên lãng.

Bị giáng chức một lần đã là sự sỉ nhục to lớn. Bị giáng chức hai lần, chưa có người nào gượng dậy nổi nữa.

___

Lại qua thật nhiều năm, đột nhiên có một ngày, bầu trời lại nổ ầm một tiếng.

Trời long đất lở, đất rung núi chuyển.

Ánh lửa đèn Trường Minh bập bùng dữ dội, chúng thần quan đang nhắm mắt trong bảo điện giật mình tỉnh giấc, sắc mặt đột biến.

Người mới nào phi thăng thế nhỉ? Quả là hoàng tráng mà!

Nào ngờ giây trước vừa ca ngợi khó lường nha khó lường nha, giây sau mọi người nhìn lại.

Thần phật đầy trời bị sét đánh ngang tai.

Ngươi có thôi không vậy!

Vị Thái tử điện hạ nổi tiếng lạ kỳ trong truyền thuyết, trò cười của ba giới, y y y -- Con mẹ nó lại phi thăng!