Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

Chương 45



Nguyên Ngọc kêu “hả”, nhìn Thập Thúy với ánh mắt nghi vấn.

Thập Thúy chớp chớp mắt với hắn, ra hiệu là tiểu nương tử và Lục thị lang cãi nhau.

Nguyên Ngọc “à” một tiếng dài, chớp chớp mắt theo, ý bảo Thập Thúy chăm sóc tốt cho tiểu nương tử.

Nguyên Tứ Nhàn thấy vậy, quăng ánh mắt dao găm qua họ:

– Hai người làm gì thế? Mắt bị chuột rút à?

Dứt lời, nàng hằm hằm xoay người bỏ đi, được vài bước thì quay đầu bồi thêm một câu:

– A huynh, huynh đen thêm nhiều đấy!

Nguyên Ngọc ghét nhất bị chê đen, vì nếu hắn không đen thì đã có thể cùng Lục Thời Khanh và Trịnh Trạc xếp vào “Trường An tam mỹ”. Hắn tức tối quát theo bóng lưng nàng:

– Nguyên Tứ Nhàn, muội muốn ăn đòn à! Ai chiều muội ra cái thói hư này hả!

Nguyên Tứ Nhàn đã đi không còn bóng dáng, hắn lặng lẽ bình tĩnh lại, dặn hạ nhân mang hành lý và Tiểu Hắc trên xe ngựa xuống, tiếp đó đi về phía đội Kim Ngô vệ theo sau.

Cả triều đều biết hôm trước thánh nhân phái Kim Ngô vệ đón Lục khâm sai về kinh, nhưng trước mắt đội người này lại theo Nguyên Tứ Nhàn về đây, nghĩ cũng biết chắc chắn là Lục Thời Khanh ra lệnh.

Kim Ngô vệ không phải là nhân vật mà Nguyên gia họ có thể tùy tiện sai phái, hắn đi nhanh một đoạn, chắp tay với thủ lĩnh giáp đỏ, nói:

– Hôm nay trời rét, chư vị hộ tống xá muội về phủ, dọc đường vất vả, mời vào bên trong uống ly nước nóng.

Đội người thấy Nguyên Ngọc đến gần bèn cùng nhau xuống ngựa, người đi đầu trả lời:

– Ý tốt của tướng quân, chúng tôi xin nhận, chỉ là các huynh đệ phải về phục mệnh với thánh nhân, không trì hoãn nữa, cáo từ.

Nguyên Ngọc vốn cũng chỉ nói lời khách sáo, nghe vậy hơi lúng túng ho một tiếng, nói:

– Đợi đã, ngươi đưa tai qua đây.

Chờ thị vệ trẻ tuổi ấy nghi hoặc kề sát lại, hắn mới hỏi:

– Lục thị lang dặn các ngươi thế nào? Nói ta nghe.

Thị vệ ồ lên bừng tỉnh, đáp:

– Lục thị lang bảo chúng tôi dọc đường đi theo huyện chúa, đầu ngựa cách đuôi xe 12 trượng, không được xa hơn, không được gần hơn.

Nguyên Ngọc cười, vỗ vai hắn cổ vũ:

– Rất tốt, về phục mệnh đi.

Hắn chỉ muốn thăm dò xem Lục Thời Khanh bây giờ có thái độ gì với Nguyên Tứ Nhàn nên mới hỏi câu này. Trước mắt xem như đã có đáp án.

Câu “12 trượng” này nghe đơn giản nhưng có học vấn bên trong. Xa hơn một chút, nếu xảy ra chuyện thì Kim Ngô vệ sẽ ngoài tầm tay với, gần hơn một chút thì với tính Nguyên Tứ Nhàn, đoán là sẽ chê người ta phiền.

Xem ra chuyến đi này của muội muội không uổng công, Lục Thời Khanh càng ngày càng để tâm tới muội ấy rồi.

Tâm hắn đã định, bèn đi vào viện Nguyên Tứ Nhàn, định làm người hòa giải, bảo muội ấy đừng giận nữa, nhưng tới nơi lại nghe nói nàng vừa đi tắm, hắn đành đợi trong thư phòng.

Thư phòng này mới được dọn ra cho Nguyên Tứ Nhàn trong ba tháng nàng vắng phủ, hiện tại bày biện bên trong xem như đã đầy đủ. Chỉ là trước kia nàng ở bên ngoài, Giản Chi không dám đụng lung tung vào đồ đạc của nàng, lúc nãy được nàng cho phép, Giản Chi mới sai các hạ nhân dọn ít đồ chơi và sách trong phòng nàng trước đây qua.

Nguyên Ngọc ngồi nhìn bọn hạ nhân bận ra bận vào, chán chường nghĩ dù sao cũng rảnh rỗi, bèn đứng dậy giúp nàng dọn dẹp, lúc xếp một chồng sách thì bất ngờ có một xấp giấy mỏng từ bên trong rơi ra.

Giấy trắng mực đen viết một chuỗi tên rất dài, trong đó hắn biết được vài cái tên, nhận ra những người này đều là lang quân trẻ tuổi thành Trường An.

Nguyên Ngọc đờ người, vẫy tay ra hiệu Giản Chi và Thập Thúy qua, cầm giấy hỏi:

– Tứ Nhàn lén ta chọn phu quân à?

Thập Thúy nhìn, đáp:

– Thưa lang quân, không phải ạ. Khoảng bốn tháng trước, có một lần tiểu nương tử sai nô tỳ liệt kê ra những lang quân trong thành Trường An có tuổi tác xấp xỉ lục hoàng tử và có quan hệ tốt với ngài ấy, đồng thời nhận ra được tiểu nương tử. Sau khi điều tra, nô tỳ phát hiện lục hoàng tử qua lại với người khác đa phần đều nhạt như nước, thật ít có người nào quan hệ tốt, hoặc là nói, từ bề ngoài nhìn không ra, nên nô tỳ đành gom hết mấy người có chút xíu qua lại vào đây cả.

Nguyên Ngọc gật đầu, nhìn danh sách lần nữa:

– Vậy sao không tính Lục Tử Chú?

Thập Thúy sững sờ, lại gần nhìn, kinh ngạc nói:

– Đúng nhỉ. Nô tỳ ngày ngày nghe tiểu nương tử nhắc Lục thị lang, ngược lại lại bỏ sót ngài ấy.

Thập Thúy vừa nói xong thì nghe một âm thanh vọng vào:

– Tính y làm gì? Dù sao cũng không thể là y.

Nguyên Tứ Nhàn đến, khắp người đều là hương hoa lộ (1), xem chừng tắm vô cùng ác.

(1) Hoa lộ: chất lỏng được chưng ủ từ cánh hoa.

Nguyên Ngọc cầm giấy đứng dậy:

– Có với chả không, muội tra cái này làm gì?

Xung quanh đều có hạ nhân, nàng không tiện nói nhiều, chỉ bỏ lại một câu qua loa “không có gì”. Bốn tháng trước, lúc Thập Thúy đưa danh sách, nàng đã phát hiện thiếu Lục Thời Khanh, nhưng có thêm y cũng vô dụng. Nàng đang tìm người yêu thầm nàng nhiều năm trong mộng, loại người dùng lỗ mũi nhìn người khác như Lục Thời Khanh sao có thể chứ.

Nguyên Ngọc cũng không hỏi nhiều, thấy nàng còn giận thì khuyên:

– Nha đầu muội chưa hết giận à? Nào, ngồi nói chuyện với a huynh, Lục Tử Chú rốt cuộc chọc giận muội thế nào?

Nguyên Tứ Nhàn không muốn nói. Cái khác thì thôi, cùng lắm là lãng phí chút lương tâm và tình cảm, nhưng quan trọng là, nàng vì hiểu lầm y còn sống không lâu mà khai ra chuyện tìm y làm chỗ dựa mất rồi.

Điều nàng giận nhất kỳ thực là chuyện này. Bị Lục Thời Khanh lừa nói ra lời tận đáy lòng, biết nàng không hề thật lòng với y, nỗ lực nửa năm qua của nàng chẳng phải công cốc sao?

Thấy nàng không đáp, Nguyên Ngọc tiếp tục nói:

– Ây da, hay là bây giờ a huynh tìm người tẩn y một trận nhé?

Nàng lườm hắn, hừ nhẹ:

– Huynh muốn ăn cơm tù à? Y lợi hại lắm, hở tí là đòi báo quan bắt người đấy.

– Sao, y dám bắt đại cữu tử tương lai à?

Nguyên Tứ Nhàn nghe vậy sững sờ.

Thấy nàng như vậy, Nguyên Ngọc giải thích:

– À, muội chưa biết. Mấy ngày trước, thánh nhân triệu huynh tới nghị sự vài lần, có một lần nói tới hôn sự của muội, nghe ý ngài thì có lẽ muốn ban hôn cho muội và Lục Tử Chú đấy, nói đợi tới tháng chạp, cha mẹ chúng ta tới Trường An sẽ thương lượng kỹ càng sau.

Nguyên Tứ Nhàn giật mình suýt vỗ bàn:

– Chuyện quan trọng như vậy, sao không ai hỏi ý kiến muội thế?

Nguyên Ngọc nhìn nàng:

– Muội theo đuổi người ta tới tận Thư Châu, cả triều đều biết ý kiến của muội rồi, được chưa? Nếu thật phải hỏi thì là hỏi xem người ta có đồng ý cưới muội hay không mới đúng.

Nguyên Tứ Nhàn bị tức hồ đồ.

Ba tháng không gặp, a huynh nàng bị ai đổ thuốc mê rồi!

Nàng đứng dậy nói:

– Muội hối hận không được à? Muội không gả nữa, bảo y tự cưới chính mình đi!

Nguyên Ngọc ngớ người chốc lát, cho lui hạ nhân, chờ trong phòng chỉ còn lại Nguyên Tứ Nhàn mới nói:

– Tứ Nhàn, không phải muội nói Lục Tử Chú là đế sư tương lai, sẽ phò tá thập tam hoàng tử đăng cơ nên chúng ta phải nhanh chóng lôi kéo núi dựa này làm đồng minh sao?

Nguyên Tứ Nhàn than thở:

– Vốn là như vậy không sai, nhưng gần đây muội đột nhiên nghĩ, kỳ thực lịch sử chưa chắc sẽ đi theo quỹ tích ban đầu, dù sao vì muội đã tham gia rất nhiều nên nhiều chuyện đã khác. Nói về Lục Thời Khanh, sao huynh biết kiếp này y có thể tiền đồ xán lạn hay không? Nói không chừng vì mê luyến nữ sắc của muội mà y thành kẻ vô tích sự thì sao?

Nàng nói rất có lý, Nguyên Ngọc cạn lời, im lặng hồi lâu mới hỏi:

– Vậy muội thấy sao?

– Không chơi nữa không chơi nữa, để muội nghỉ ngơi trước, quan sát một thời gian rồi nói sau.

Nguyên Tứ Nhàn quả thực bôn ba mệt mỏi, nghỉ ngơi liên tiếp mấy ngày, mãi đến khi Giản Chi nhắc nhở nàng là Hứa tam nương đã đợi ở thành Trường An mấy tháng, nàng mới vỗ đầu tỉnh lại, bắt tay an bài, sai người truyền tin cho Từ Thiện, nói sơ lược đầu đuôi.

Từ Thiện không từ chối lời mời, chỉ nói hôm sau có chuyện quan trọng nên e sẽ đến hơi muộn. Nguyên Tứ Nhàn đến chỗ hẹn với Hứa tam nương trước, đến bờ sông Lộc, thấy một chiếc thuyền ô bồng (2) hẹp dài đậu bên bờ sông hơi nước mịt mờ, mái thuyền dùng nan trúc bện vô cùng khéo léo, loáng thoáng có thể thấy màu sơn đỏ trong khoang thuyền.

(2) Thuyền ô bồng: loại thuyền đặc trưng ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, vì mái che thuyền được sơn đen nên có tên như thế.

Đây là cảnh sông nước Giang Nam, ở Trường An ít có.

Người trong khoang thuyền nghe tiếng bước chân đến gần, khom người ra đón, thấy Nguyên Tứ Nhàn thì hình như hơi kinh ngạc nhưng nhanh chóng thu lại biểu cảm ấy, mỉm cười với nàng, không hỏi nàng là ai.

Nàng ấy không nghiên cứu Nguyên Tứ Nhàn, nhưng Nguyên Tứ Nhàn không nhịn được, lặng lẽ đánh giá nàng ấy.

Nữ tử trước mắt tóc dài đen nhánh, tóc mai mỏng mảnh, mắt hạnh môi đỏ, má hồng hây hây, dung nhan xinh đẹp không hề giống như 24 tuổi, tư thái cũng thướt tha đẫy đà vừa đủ chứ không ốm yếu như trước đây nàng tưởng. Nàng ấy ăn mặc không đơn giản, váy màu anh thảo với gấu váy rườm rà, trang sức châu ngọc, không hề giống phong thái “tài nữ” thông thường.

Nguyên Tứ Nhàn cười đáp trả, giải thích đơn giản:

– Tiên sinh có việc trì hoãn, rất nhanh sẽ đến.

Hứa Như Thanh gật nhẹ đầu:

– Bên ngoài lạnh, vào trong thuyền đi.

Nguyên Tứ Nhàn theo nàng ấy vào khoang thuyền, vừa vào liền ngửi thấy một mùi hương rượu mát lạnh, cúi đầu nhìn thì thấy giữa khoang thuyền có một bếp lò nhỏ đang đun một bầu rượu.

Nàng chợt nhớ ban nãy sắc mặt Hứa Như Thanh đỏ hồng, hình như quả thực uống rượu.

Thấy ánh mắt nàng nhìn bầu rượu, Hứa Như Thanh cười hỏi:

– Uống ly rượu cho ấm người nhé?

Nguyên Tứ Nhàn xua tay:

– Không cần đâu, đa tạ.

Nàng luôn cảm thấy bầu không khí hơi lúng túng, hình như không phải lúc uống rượu.

Nhưng Hứa Như Thanh giống như không mấy để ý, mời nàng ngồi rồi vừa rót rượu vừa nói:

– Thuyền ô bồng này do ta tự bện, phí hơn hai tháng, mấy hôm trước mới làm xong.

Nàng ấy nhấp hớp rượu, cười nói:

– Lần đầu tiên ta gặp chàng cũng là trên một chiếc thuyền ô bồng. Lúc đó ta theo tổ phụ đi du ngoạn, gặp chàng ở sông Tầm Dương hủy danh tiếng của tổ phụ ta.

Nàng ấy nói đại khái là chuyện Hứa lão tiên sinh và Từ Thiện chơi cờ vào 12 năm trước.

Nguyên Tứ Nhàn không lên tiếng, im lặng lắng nghe.

Hứa Như Thanh nói tiếp:

– Lúc đó chàng mới 18, ta 12 tuổi, rất nhiều chuyện đều không hiểu. Lần thứ hai gặp mặt là vào một đêm xuân của ba năm sau, lúc ta 15 tuổi cập kê. Vẫn là trên một chiếc thuyền ô bồng, ta chuốc chàng quá chén…

Nói tới đây, nàng ấy nhìn Nguyên Tứ Nhàn chưa xuất giá, cười nói:

– Cô còn nhỏ, ta uống nhiều lỡ lời rồi.

Nguyên Tứ Nhàn thật chưa trải qua chuyện ái ân, nhưng nàng ấy đã nói tới mức đó, sao nàng lại không hiểu chứ, nên chỉ mím môi cười cười cho qua.

Đúng lúc này, ngoài thuyền vọng đến tiếng Thập Thúy:

– Tiểu nương tử, Từ tiên sinh đến rồi.

– Ừ.

Nàng đáp, nhìn Hứa Như Thanh đối diện, đứng dậy nói:

– Cô và tiên sinh cứ hàn huyên ở đây đi.

Hứa Như Thanh gật đầu.

Nguyên Tứ Nhàn khom người ra ngoài, vừa nhìn liền thấy một người tay áo bào rộng, mộc trâm vấn tóc đang chậm rãi bước về phía thuyền ô bồng.

Nàng gật nhẹ đầu chào, nhưng trong lòng nghĩ tới lời Hứa Như Thanh vừa nói, nhất thời không để ý dưới chân, lúc lên bờ bước hụt, trượt trên bùn đất đóng sương, sắp ngã nhào.

Lục Thời Khanh không ngờ Nguyên Tứ Nhàn có màn phát huy “đặc sắc” như thế, y không hề nghĩ nhiều, túm cánh tay nàng kéo vào lòng.