Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

Chương 47



Nguyên Tứ Nhàn nhìn chiếc thuyền ô bồng đằng sau y, hắng giọng:

– Khỏi, ta không lạnh…

Vẻ mặt nàng ba phần lúng túng bảy phần thận trọng, đúng như Hứa Như Thanh dự liệu, nàng bắt đầu tránh né “Từ Thiện”. Lục Thời Khanh nên vì vậy mà cảm thấy cao hứng, nhưng nhìn dáng vẻ như chịu đả kích lớn của nàng, y lại không đành lòng, muốn an ủi nàng.

Y lặng lẽ cắn răng kìm lại.

Lời an ủi này mà thốt ra khỏi miệng thì không chỉ sư mẫu, cả mình cũng không thoải mái, đã thế còn đưa sư trưởng đã qua đời của mình vào thế bất nghĩa.

Sau hồi lâu, y giải thích:

– Từ mỗ hơi sợ lạnh, nếu huyện chúa không ngại, có thể mượn xe ngựa huyện chúa ngồi chút không?

Nguyên Tứ Nhàn “à” một tiếng ngắn ngủi, sực tỉnh:

– Hóa ra là vậy, mời tiên sinh.

Nói xong nàng xoay người bước nhanh dẫn đầu đi về chỗ xe ngựa dừng phía trước.

Lần này mất mặt to rồi, thế mà nàng tưởng lầm là Từ Thiện đang quan tâm mình cơ đấy.

Nhìn bóng lưng vội vã của nàng, Lục Thời Khanh mềm lòng tiến lên mấy bước, ho một tiếng, nói:

– Huyện chúa ra ngoài cũng nên mặc thêm nhiều xiêm y.

Nguyên Tứ Nhàn hơi sửng sốt, không phải vì câu nói này mà vì tiếng ho ấy sao giống Lục Thời Khanh đến lạ.

Đầu nàng hơi loạn. Trước đây ở cùng Lục Thời Khanh, nàng thỉnh thoảng hay nghĩ đến Từ Thiện, giờ ở cùng Từ Thiện, nàng lại nghĩ đến Lục Thời Khanh.

Bệnh gì thế không biết.

Nguyên Tứ Nhàn vội xua tan những suy nghĩ vẩn vơ ấy, nói:

– Đa tạ tiên sinh quan tâm.

Hai người đi một quãng dài, một trước một sau tiến vào xe ngựa rộng rãi, Nguyên Tứ Nhàn rót đưa cho Lục Thời Khanh tách trà, khách sáo nói:

– Tiên sinh sợ lạnh thì uống chút trà nóng nhé.

Nhưng Lục Thời Khanh không đưa tay đón.

Y biết rõ chuyến này sau khi về kinh, việc che giấu thân phận tất nhiên khó hơn trước nhiều, dù sao Nguyên Tứ Nhàn đã tương đối quen thuộc y.

Xe ngựa rộng rãi đến mấy cũng chật hơn bên ngoài, trong quãng đường xuôi nam trước đó, đôi tay trắng trẻo đẹp đẽ của y chắc chắn đã để lại ấn tượng khá mới mẻ cho nàng. Vì thế y không thể lộ ra.

Thấy y không đón, Nguyên Tứ Nhàn bèn đặt tách trà xuống trước mặt y, xấu hổ thu tay về.

Nàng chợt nhớ bầu rượu nóng mình thấy trong thuyền ô bồng ban nãy.

Lúc đến Nguyên phủ dự tiệc, Từ Thiện từng nói y không giỏi uống rượu. Nhưng rốt cuộc vì y không giỏi uống hay vì từng có một mối nhân duyên sau khi say nên không muốn uống cùng nữ tử khác? Nàng cảm thấy độ khả thi của vế sau lớn hơn.

Thấy nàng hơi lúng túng, Lục Thời Khanh không nỡ quá tuyệt tình, bèn bổ cứu:

– Đa tạ huyện chúa, lát nữa Từ mỗ sẽ uống.

Nàng cười, không nói gì.

– Trong lời nhắn hôm qua, huyện chúa nói có chuyện muốn thương lượng với Từ mỗ, xin hỏi là chuyện gì?

Nhắc tới chính sự, Nguyên Tứ Nhàn không câu nệ trốn tránh nữa, vội nói:

– À, là thế này, lúc ta theo Lục thị lang có gặp tam hoàng tử Bình vương ở Thư Châu. Cũng không có gì, chỉ là có một lần ngài ấy mời ta đánh cờ, ta nghĩ, chuyện này liệu có liên quan gì tới tiên sinh không?

Lục Thời Khanh đương nhiên biết chuyện này. Lúc đó y ra ngoài bận bịu, để một mình Nguyên Tứ Nhàn trong phủ, tuy biết Bình vương không tới nỗi gây bất lợi cho nàng nhưng suy cho cùng vẫn không quá yên tâm, bởi vậy đã bố trí rất nhiều tai mắt.

Y đáp:

– Chắc là có.

Nguyên Tứ Nhàn cau mày:

– Ngài ấy quả thật muốn thông qua kỳ nghệ của ta để thăm dò ta có qua lại với tiên sinh hay không à?

Lục Thời Khanh gật đầu.

– May là ta để ý.

Nói rồi nàng cười xấu hổ:

– Có điều dù không để ý cũng không quá đáng lo, dẫu sao ta cũng chỉ từng xem một ván cờ của tiên sinh thôi.

Lục Thời Khanh cũng nghĩ vậy. Y nghiên cứu cách đánh cờ của lão sư nhiều năm mà vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết những ảo diệu bên trong, huống hồ Nguyên Tứ Nhàn. Cho nên ban đầu nàng muốn đánh cờ với y, y cũng không từ chối. Một là trình độ giữa y và lão sư có chênh lệch, hai là nàng chưa từng lĩnh hội tinh túy trong kỳ nghệ của lão sư.

Y gật đầu:

– Chuyện này không đáng ngại, nhưng nếu Bình vương đã sinh nghi thì sẽ còn có hành động khác, Từ mỗ sẽ hành xử thận trọng, đa tạ huyện chúa nhắc nhở.

Bình vương có lẽ cho rằng Nguyên Tứ Nhàn không có tâm cơ gì, nhỏ tuổi dễ dụ, bằng không cũng sẽ không bứt dây động rừng như thế.

Nguyên Tứ Nhàn lắc đầu ra hiệu y không cần khách sáo, rồi lại hỏi:

– Nói vậy, người ám sát tiên sinh ba năm trước là Bình vương?

– Không sai. Lúc đó ta có giở vài chiêu, khiến Bình vương hiểu lầm ta làm việc cho nhị điện hạ chứ không phải lục điện hạ. Chỉ là mấy năm gần đây, triều cục dần phát triển theo hướng có lợi cho lục điện hạ, Bình vương sinh lòng nghi ngờ, ngẫm kỹ lại chuyện năm xưa, bởi vậy mới đoán có lẽ Từ mỗ vẫn chưa chết, đồng thời rất có khả năng đang dốc sức cho lục điện hạ. Còn về quan hệ giữa Điền Nam vương và lục điện hạ, Bình vương vẫn chưa nắm chắc, bởi vậy mới ngầm thăm dò huyện chúa.

Nguyên Tứ Nhàn vô thức căng thẳng:

– Bình vương đã đoán được đến mức này, chúng ta chẳng phải tràn ngập nguy cơ sao?

Lục Thời Khanh lắc đầu:

– Bình vương nghĩ gì không quan trọng, quan trọng là thánh nhân nghĩ gì. Huyện chúa tạm thời có thể yên tâm.

Nếu y thực sự là Từ Thiện, thì hiện tại bất luận là y với Trịnh Trạc hay với Nguyên gia, đích xác đều tràn ngập nguy cơ, nhưng may y là Lục Thời Khanh, chỉ cần khống chế được Huy Ninh Đế, Bình vương tạm thời không thể gây nên sóng to gió lớn.

Nguyên Tứ Nhàn bị lời này của y nhắc nhở, chợt như hiểu ra gì đó:

– Nói vậy, nội ứng của đám sát thủ Thương Châu kia e là Bình vương! Hắn ta biết mình không thể diệt trừ Nguyên gia ta, nên muốn thánh nhân – người vốn đã kiêng kỵ cha ta – làm thay. Hắn ta giúp Nam Chiếu bắt ta, nếu thành công, cha ta ắt sẽ bị cản trở tay chân, do đó sẽ bị ép làm việc theo ý Nam Chiếu, hoặc sẽ khiến thánh nhân lầm tưởng Nguyên gia ta phản quốc…



– Mà dù thất bại, hắn ta cũng đã nghĩ xong kế giá họa cho người khác, chẳng những có thể chèn ép nhị điện hạ lần nữa mà còn khiến thánh nhân nảy sinh nghi ngờ về quan hệ giữa lục điện hạ và Nguyên gia ta. May nhờ tiên sinh túc trí đa mưu, khiến kế sách này giữa chừng thất bại.

Lục Thời Khanh dường như nở nụ cười, ngầm thừa nhận việc mình làm, không nói gì.

Y cảm giác được, qua chuyến xuôi nam này, Nguyên Tứ Nhàn đã có chút tín nhiệm khi cùng làm việc với “Từ Thiện” và Trịnh Trạc, không còn liên tục thăm dò như trước nữa.

Nguyên Tứ Nhàn cũng vừa nghĩ tới điều này. Vì giấc mơ mà từ đầu tới cuối, nàng không cách nào hoàn toàn buông bỏ phòng bị với Trịnh Trạc và Từ Thiện, nhưng lần này Trịnh Trạc vì nỗi khổ dân sinh mà biện luận trên triều đường, khiến thánh nhân từ bỏ việc tu sửa đê điều sông Hoài, còn Từ Thiện thì phá vỡ mưu kế của Bình vương, giúp Nguyên gia tránh một kiếp nạn, nàng thực rất khó không mảy may dao động, bởi vậy hôm nay mới trao đổi những thứ này với Từ Thiện.

Có điều nhìn dáng vẻ bày mưu tính kế của Từ Thiện, nàng thấy lời nhắc nhở của mình căn bản là thừa thãi.

Nguyên Tứ Nhàn im lặng một lát, nói:

– Tiên sinh có nắm chắc với Bình vương là tốt. Không còn sớm nữa, ta cũng nên về thôi. Chuyện hôm nay, hi vọng tiên sinh đừng trách ta.

Lục Thời Khanh hình như hơi sửng sốt:

– Vì sao Từ mỗ lại trách huyện chúa?

Nàng cười xấu hổ:

– Tiên sinh hẳn cũng đoán được, sở dĩ Hứa tam nương đến Trường An là vì ta phái người đem kỳ phổ của tiên sinh đi thăm dò Hứa lão tiên sinh.

– Không có gì.

Y nhàn nhạt nói:

– Trong kinh doanh buôn bán, đôi bên còn phải thẳng thắn thương lượng giá cả, kiểm tra hàng hóa, huống hồ là hợp tác chính trị liên quan tới tiền đồ và tính mạng. Huyện chúa có lòng nghi ngờ Từ mỗ là chuyện không thể bình thường hơn. Người làm việc thận trọng, tâm tư khéo léo, ta và điện hạ ngược lại mới nên mừng vì có một đồng minh như thế.

Đúng là thuyết khách, quá biết ăn nói.

Nguyên Tứ Nhàn cười, bàn xong chính sự, nhớ tới Hứa tam nương, nàng tự thấy không nên ở cùng Từ Thiện quá lâu, bèn nói:

– Tiên sinh tới thế nào, cần ta đưa về không?

Lục Thời Khanh đương nhiên nghe ra ý đuổi khách của nàng, vốn định đi nhưng lòng có một kế, không làm thì không cam tâm, bèn mặt dày nói:

– Vậy phiền huyện chúa.

Nguyên Tứ Nhàn đơ. Nàng chỉ khách sáo thôi mà, sao y nghe không hiểu chứ.

Nàng đành kiên trì:

– Tiên sinh không cần khách sáo, tiên sinh ở chỗ nào?

– Phường Vĩnh Hưng.

Nàng ồ lên, bảo Thập Thúy bên ngoài đánh xe đi phường Vĩnh Hưng, xong mới nói:

– Tiên sinh là hàng xóm với Lục thị lang?

Lục Thời Khanh gật đầu:

– Cũng có thể nói vậy. Phường Vĩnh Hưng toàn các quan to quý nhân ở, lẽ ra không tới lượt Từ mỗ, nhưng lục hoàng tử cảm thấy nơi đó thích hợp chú ý xu hướng của các triều thần nên thu xếp cho ta một căn nhà, nhìn bề ngoài thì Từ mỗ là phú hộ Trường An.

Lời này của Lục Thời Khanh là sự thật. Mỗi lần dùng thân phận Từ Thiện làm việc, y đều đi từ mật đạo Lục phủ sang tòa nhà ấy, ra khỏi cổng tòa nhà ấy, xong việc lại về theo lối cũ, ngăn chặn khả năng bại lộ.

Nguyên Tứ Nhàn nghe vậy không khỏi hơi tò mò, hỏi:

– Tiên sinh cũng theo dõi Lục thị lang à?

Rất tốt, hỏi ra rồi. Y nói những lời này chính là để dẫn tới mình một cách tự nhiên.

Y gật đầu đáp:

– Lục thị lang cũng là một trong số đó.

Nguyên Tứ Nhàn ồ lên, hỏi tiếp:

– Tiên sinh biết mấy ngày nay chàng đang bận gì không?

– Lục thị lang siêng năng chăm chỉ, chắc không ngoài việc bận rộn chính vụ. Huyện chúa gần đây không liên lạc với y à?

Nàng bĩu môi, lắc đầu.

Y thấy vậy cười nói:

– Chắc không phải huyện chúa đang cãi nhau với Lục thị lang chứ?

Nguyên Tứ Nhàn thoáng sửng sốt, nhìn y:

– Tiên sinh mắt sáng.

Lục Thời Khanh kích động trong lòng. Tất cả tiến triển quá thuận lợi, tiếp theo là mượn lời Từ Thiện để hòa giải thôi.

Tránh nàng sinh nghi, y kiềm chế tâm trạng nôn nóng của mình, chậm rãi nói:

– Nếu huyện chúa không chê thì có thể nói với Từ mỗ.

Lần trước Nguyên Tứ Nhàn giả say, từng thổ lộ với y “tâm sự” liên quan đến Lục Thời Khanh nên bây giờ cũng không có gì ngại mở miệng cả, nói đơn giản:

– Khởi nguồn là y bị phong hàn, nhưng lại gạt ta nói là bị ôn dịch.

Y trầm giọng “ồ”, khó hiểu:

– Theo Từ mỗ biết, Lục thị lang không phải loại người lừa bịp.

Nguyên Tứ Nhàn hừ khẽ, không nói tiếp.

Gương mặt Lục Thời Khanh sau mặt nạ đờ ra. “Hừ” là ý gì?

Y hỏi thăm dò:

– Hửm?

Nguyên Tứ Nhàn im lặng không đáp.

Kỳ thực sau đó nàng ngẫm kỹ lại thì thấy Lục Thời Khanh khi ấy thực không có ý lừa nàng, thậm chí từng nhiều lần giải thích, nhưng nàng không chịu nghe, nghe rồi lại không chịu tin. Chuyện này y thực không có lỗi.

Nhưng sao y lại không tìm nàng suốt mấy ngày liền chứ, cứ như cả quãng đường xuôi nam đều thành bọt nước vậy, thái độ lại quay về như lúc trước khi rời kinh.

Ban đầu đúng là nàng tìm người ta làm chỗ dựa, bởi vậy hạ mình chút, tiếp tục bám dính người ta cũng không sao, nhưng từ khi biết lòng y có chút rung động, nàng khó tránh trở nên tham lam, mong y một lúc nào đó có thể chủ động một lần, bởi vậy nàng mới cố ý đợi mấy ngày.

Nhưng bây giờ xem ra, Lục Thời Khanh có lẽ biết nàng tiếp cận y với mục đích không thuần khiết nên đâm ra ghét nàng, bằng không sao y có thể không làm gì chứ.

Được thôi, ghét thì ghét. Bộ không có y là không được à? Nói không chừng kiếp này y là đồ vô dụng không dựa dẫm được thì sao. Bây giờ nàng theo lục hoàng tử cũng đâu có tệ.

Nghĩ tới đây, nàng chợt nghe Từ Thiện hắt hơi, bèn vội hoàn hồn, chớp mắt khó hiểu:

– Ta mắng Lục Thời Khanh trong lòng, sao ngài lại hắt hơi nhỉ?

– …

Lục Thời Khanh ép giọng, vô cùng hòa nhã nói:

– Ồ, huyện chúa mắng y gì thế?

– Không có gì, sợ bẩn tai tiên sinh, đừng nhắc thì hơn.

Nhắc đi chứ tiểu tổ tông!

Y đã nhịn nhiều ngày nay, không tìm được lý do thích hợp để đến Nguyên phủ, không bỏ được sĩ diện để đến nhà xin lỗi, lại không chờ được nàng đến Lục phủ, đành trông cậy vào hôm nay có thể moi được gì đó từ miệng nàng.

Lục Thời Khanh than thở, có lòng muốn hỏi nhưng sợ nói nhiều quá sẽ khiến nàng sinh nghi, đành ngậm miệng, đến phường Vĩnh Hưng mới tung chiêu cuối cùng:

– Đa tạ huyện chúa đưa tiễn, đã đến đây rồi, nếu không ngại, người có thể ghé Lục phủ thử xem, giận hờn lâu quá dễ sinh bệnh đấy.

Y cảm thấy có lẽ mình kịp thay đổi thân phận.

Không ngờ Nguyên Tứ Nhàn lại khó chơi, dáng vẻ không hề có ý định đó:

– Phiền tiên sinh nhọc tâm, tiên sinh đi thong thả.

Lục Thời Khanh đành ảo não xuống xe ngựa.

Chờ y đi rồi, Thập Thúy đã nghe cả quãng đường nói vào trong xe:

– Tiểu nương tử, người có cảm thấy Từ tiên sinh lạ lạ không?

Nguyên Tứ Nhàn ừ:

– Đúng là hơi khác trước đây. Nhưng Từ tiên sinh mà Hứa tam nương nói không phải càng khác với Từ tiên sinh mà chúng ta thấy sao? Nói thẳng ra, chúng ta đâu thực sự hiểu ông ấy.

– Điều này không sai, nhưng nô tỳ cho rằng, Từ tiên sinh quan tâm tiểu nương tử quá mức. Ông ấy đã có quan hệ như vậy với Hứa tam nương mà còn ở trước mặt người… sao có thể không thẹn với lòng đến thế nhỉ, bảo người mặc thêm nhiều xiêm y, bảo người chú ý sức khỏe, ngay cả chuyện cãi vã giữa người và Lục thị lang cũng khuyên.

Nguyên Tứ Nhàn không nói gì.

Thập Thúy nói tiếp:

– Tóm lại, nô tỳ cảm thấy Từ tiên sinh không tốt, ít nhất là về chuyện nam nữ, thà lãnh tình giống Lục thị lang còn hơn đa tình như vậy, tiểu nương tử nên đề phòng.

Nguyên Tứ Nhàn không muốn đoán bừa nhân phẩm Từ Thiện, nhưng biết rõ mình nên giữ khoảng cách với ông, bởi vậy nói:

– Ta biết, sau này ta sẽ không chủ động mời Từ tiên sinh nữa.

Đáp ứng xong, nàng thấy mình hứng gió lạnh lâu nên hơi mệt mỏi, bèn nghiêng người dựa vào thành xe chợp mắt, không ngờ bếp lò dưới chân quá ấm, khiến nàng thoải mái đánh một giấc.

Giấc ngủ này đưa nàng về cầu Lộc đã lâu chưa mơ thấy.

Lần này, nàng nghe trên cầu vang lên một giọng nữ xa lạ:

– Điện hạ cuối cùng từ bỏ vớt rồi hả?

Người nói chuyện sau đó giống như tỳ nữ:

– Có vẻ vậy, thưa hoàng tử phi. Nhưng nô tỳ nghe Chu quản gia nói, điện hạ bận rộn bên ngoài, e dạo này không về phủ ạ.

Nữ tử cười lạnh:

– Chàng chỉ là không muốn thấy ta thôi.

– Người chớ tức giận, tránh động thai khí.

– Đứa trẻ này dù sinh ra cũng bị lộ thôi. Cha bảo ta trèo lên giường điện hạ, nói một khi vụ tai tiếng này truyền ra ngoài, Điền Nam vương nhất định không để nữ nhi ấm ức, chắc chắn sẽ hủy hôn ước với điện hạ, đến lúc đó vị trí hoàng tử phi sẽ thuộc về ta… Nhưng chiếm được vị trí này thì sao chứ? Điện hạ căn bản từ đầu tới cuối chưa từng chạm vào ta, ngay cả con cũng thế…

Tỳ nữ nhỏ giọng ngăn nàng ta lại:

– Người ngàn vạn lần chớ nói lời này ra ngoài! Người phải nhớ, đây chính là cốt nhục thân sinh của điện hạ, có không giống điện hạ đến mấy thì vẫn là con của điện hạ. Người xem, Nguyên gia tự làm bậy nên tự chịu, chuyện tạo phản cũng làm được, bây giờ Lan Thương huyện chúa chết rồi, không phải là trời muốn giúp người ư? Chỉ cần người sinh đứa bé ra, tương lai còn dài, lo gì không chiếm được trái tim điện hạ?

Nguyên Tứ Nhàn bị Thập Thúy đánh thức, nhất thời chưa trở lại bình thường, mở mắt vẫn cảm thấy như còn trong mộng, bị gió lạnh thổi vào mới hoàn hồn.

Nàng hoảng hốt xuống xe ngựa, vừa đi vào phủ vừa cau mày nhớ lại giọng nữ xa lạ trong mơ, lúc ngang qua phòng khách thì đột nhiên bị gọi:

– Tứ Nhàn về rồi.

Nàng giật mình bình tĩnh lại, dừng bước, quay đầu, thấy Khương Bích Nhu và một tiểu nương tử trẻ xa lạ đang đứng dưới bậc thềm nhìn nàng.

Nguyên Tứ Nhàn mỉm cười với Khương Bích Nhu:

– A tẩu.

Xong nàng ra hiệu về phía tiểu nương tử bên cạnh:

– Vị này là?

– Là muội muội bà con của a tẩu, nhỏ hơn muội hai tuổi, muội gọi muội ấy “Xán nhi” là được.

Nàng gật đầu, chưa mở miệng chào thì nghe Khương Bích Xán ngọt ngào gọi nàng:

– Chào Tứ Nhàn tỷ tỷ!

Nụ cười của Nguyên Tứ Nhàn lập tức cứng đờ.

Giọng nói này… đúng là trò hay.