Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

Chương 74



Sáng hôm sau, tin Điền Nam vương bị ám sát ở bắc Kiếm Nam đạo chấn động kinh thành. Nghe nói thích khách khí thế hung mãnh, có khoảng trăm tên, lúc đối địch, Điền Nam vương vì bảo vệ vương phi mà bị trúng ám toán, thương tích đầy mình, tính mạng nguy kịch, may được tùy tùng bảo vệ mới thoát khỏi tay địch.

Đây là kế hoạch do Nguyên Tứ Nhàn, Trịnh Trạc và Từ Thiện thỏa thuận trước đó, lúc nhận được tin, nàng đương nhiên bình tĩnh, chỉ là trong lòng biết rõ phải diễn cho chân thực nên cha khó tránh chịu nỗi khổ da thịt, cái gọi là “thương tích đầy mình” không hoàn toàn là giả tạo.

Nàng lập tức giả vờ hoang mang luống cuống vội vã vào cung, khẩn cầu thánh nhân cứu viện, diễn cảnh lệ rơi lã chã ở Tử Thần điện, khiến Huy Ninh Đế vốn còn nghi ngờ không thôi không thể không cấp tốc hạ chỉ lệnh cả Kiếm Nam đạo giới nghiêm, tăng cường tuần tra phòng bị, đồng thời phái quan binh các châu huyện xung quanh hộ tống vợ chồng Nguyên Dị Trực xuôi nam.

Đến đây, mưu kế của Bình vương tự động sụp đổ, sau khi Lục Thời Khanh và Thái Hòa liên tiếp bị tổn thương, Trịnh Trạc miễn cưỡng hòa nhau một ván.

Lúc Nguyên Tứ Nhàn ra sức diễn xuất ở Tử Thần điện, Lục Thời Khanh đang theo hầu bên cạnh Huy Ninh Đế. Huy Ninh Đế an ủi nàng vài câu, thấy vô tác dụng, bèn dứt khoát giao nàng cho y, để đôi tình nhân tự xử.

Bình vương mới sáng sớm đã khởi hành về Hoài Nam, nguy cơ của Lục Thời Khanh có thể xem như tạm thời được giải trừ, suy tính ban đầu của y có lẽ là có thể nhân lúc này thẳng thắn chuyện thân phận với Nguyên Tứ Nhàn, nhưng không ngờ nàng sau khi ra khỏi điện vẫn rất nhập vai, dáng vẻ vô cùng lo lắng cho Nguyên Dị Trực, ngay cả với y mà nàng cũng giấu kín không một kẽ hở.

Trong lòng y bức bối không thể mở miệng, cũng ngụy trang như không mảy may biết chuyện, còn cùng nàng tỉ mỉ phân tích về thân phận có thể có của đám thích khách. Nguyên Tứ Nhàn cũng gật đầu như giã tỏi, thường xuyên bày tỏ tán thành với quan điểm của y.

Hai người cùng ra sức diễn suốt đường về tới phường Thắng Nghiệp, Nguyên Tứ Nhàn từ biệt y ở cổng Nguyên phủ rồi bước nhanh về thư phòng trong viện. Giản Chi đang ở đó chờ nàng.

Phía cha đại khái không cần phải lo lắng, nhưng trong lòng nàng có một chuyện vướng mắc mãi từ hôm qua tới nay, cần gấp câu trả lời.

Hôm qua ở gần Hàm Lương điện, Bình vương có nhắc Thái tự khanh với nàng. Nàng và Thái Hòa chưa từng gặp nhau, cho nên lúc đó đích thực nàng ngỡ ngàng theo bản năng rồi nhanh chóng nhận ra ý dò xét của Bình vương. Giao thiệp với loại chính khách cáo già xảo quyệt này, dù hắn ta run một sợi râu cũng có khả năng có thâm ý, càng không cần nói người và chuyện từ miệng hắn ta nói ra.

Sáng nay Bình vương rời kinh, tai mắt ngầm ở Trường An cũng rút theo không ít, nàng thấy tình thế an toàn liền phái Giản Chi ra ngoài nghe ngóng chuyện này. Trước mắt hẳn là đã có kết quả.

Giản Chi thấy nàng về thì vội tiến lên nói:

– Thưa tiểu nương tử, tin tức liên quan đến Thái tự khanh có rất nhiều, nhưng có vài cái chắc người hứng thú.

Nàng ấy chọn trọng điểm:

– Người này 31 tuổi, xuất thân dân gian, song thân mất sớm, trước đây nhậm chức ở địa phương, bốn năm trước mới vào kinh làm quan.

Nguyên Tứ Nhàn nghe xong quả thực khựng lại.

Đoạn giới thiệu này hơi quen quen, ngoại trừ chức quan, còn lại cơ bản đều trùng khớp với Từ Thiện.

Nàng hỏi tiếp:

– Còn phát hiện gì khác không?

Giản Chi gật đầu:

– Nô tỳ canh ở gần Thái phủ cả buổi sáng, trong thời gian đó có thấy Thái tự khanh ra ngoài một lần, bởi vậy có để ý lòng bàn tay phải ông ấy quấn băng, hình như bị thương nặng.

Nguyên Tứ Nhàn chậm rãi chớp mắt ba lần, nháy mắt, trong đầu nàng nhanh chóng lướt qua một cảnh.

Ngày tết hoa triều, bên đỉnh vách núi, vào khoảnh khắc gặp ám sát, Từ Thiện từng có cơ hội lấy tay cản đao, nhưng sau khi đưa tay phải ra, y lại đột ngột dừng lại giữa chừng, bởi vậy mới chịu một đao ấy.

Lúc đó đúng là nàng cảm thấy lạ, nhưng sau đó tận mắt thấy y bị thương nặng hôn mê, đương nhiên nàng cũng không dùng vấn đề vô nghĩa này quấy rầy y, chỉ tưởng y nhất thời lỡ tay. Bây giờ nghe Giản Chi nói, nàng mới lại sinh lòng ngờ vực.

Chợt nàng có một ý nghĩ không thể tưởng tượng nổi: Từ Thiện có lẽ không chỉ là Từ Thiện.

Một đao đó, không phải y không ngăn được, mà là y không thể ngăn. Vì trừ mưu sĩ áo vải, y còn một thân phận khác. Một khi y bị đâm rách bàn tay, để lại vết thương ở nơi rõ ràng như vậy, thì thân phận khác này sẽ bị bại lộ. Đây cũng là nguyên nhân thích khách do Bình vương phái tới khi biết rõ không thể giết người mà vẫn liều chết đâm một đao đó – hắn muốn lôi y từ chỗ tối ra ngoài.

Nhưng Từ Thiện chắc chắn không phải Thái Hòa. Nàng tận mắt thấy đao đâm vào ngực chứ không phải lòng bàn tay y, cho nên Thái tự khanh có tay phải bị thương, lại có tuổi tác, bối cảnh, thời gian vào kinh trùng khớp với Từ Thiện chỉ có thể là người chịu tội thay, là con mồi giả do Trịnh Trạc ném về phía Bình vương.

Như vậy, nghĩ ngược lại, nếu Bình vương có thể tin Thái Hòa là Từ Thiện, chứng tỏ đối tượng hắn ta nghi ngờ trước đây ở triều đình. Nói cách khác, Từ Thiện cực có khả năng là một quan chức nào đó trong triều.

Nghĩ tới đây, Nguyên Tứ Nhàn không khỏi mở to mắt, giống như bị chấn động đến choáng váng, đưa tay vịn mép bàn.

Đầu nàng bỗng xoay chuyển cực nhanh, không ngừng hồi tưởng lại mỗi lần gặp nhau giữa nàng và Từ Thiện hơn nửa năm nay, cuối cùng mạch tư duy dừng ở đêm y tới Nguyên phủ dự tiệc, nàng giả say vén mặt nạ y.

Nàng bỏ nghi ngờ và phòng bị với y, nguyên nhân lớn là do nhìn thấy gương mặt loang lổ sau mặt nạ y đêm đó. Nhưng giờ xét kỹ lại, nàng phát hiện kỳ thực chuyện này có sơ hở – đó chính là nàng đã cho y thời gian che giấu gương mặt thật.

Nàng đã đánh giá thấp sự nắm chắc và tính toán của Từ Thiện về lòng người. Kỳ thực, có lẽ sớm từ lúc nàng mời y chơi cờ, mời y thưởng cờ, y đã đoán được tâm tư nàng, sau đó dự tiệc, đương nhiên liệu được nàng sẽ ra tay thăm dò, bởi vậy đã chuẩn bị sẵn một gương mặt đáng sợ để phòng bị.

Vết thương trên mặt y là giả. Y lừa nàng.

Giản Chi thấy nàng cau chặt mày, ánh mắt lấp lóe thì ngập ngừng hỏi:

– Tiểu nương tử?

Nàng hoàn hồn đáp một tiếng, đột nhiên hỏi:

– Buổi triều hôm qua có vị quan nào xin nghỉ bệnh hoặc nghỉ có việc riêng không?

– Thưa, nô tỳ không biết, cần điều tra không ạ?

Thần sắc Nguyên Tứ Nhàn nghiêm túc gật đầu, lại nói:

– Nếu không có thì tìm cho ta một bản danh sách các quan viên ngũ phẩm trở lên trong triều.

Buổi triều hôm qua không phải đại triều, theo quy định thì chỉ có quan ngũ phẩm trở lên mới có thể tham gia, nếu nàng đoán không lầm, Từ Thiện nằm trong số đó.

Giản Chi điều tra một lượt, phát hiện hôm qua có một lão thần bộ Lại vì bệnh nên không lên triều, Nguyên Tứ Nhàn xem tuổi tác của ông liền lập tức loại bỏ khả năng, sau đó sàng lọc trong danh sách.

Ngũ phẩm trở lên đã xem như quan không nhỏ, trừ Lục Thời Khanh trẻ tuổi nhất, còn lại đa số đều trên 30, ngẫu nhiên có vài người 27 28 tuổi thì thân hình cũng không chênh lệch bao nhiêu. Bởi vậy nàng chỉ xóa đi vài người tuổi tác quá cao, sau đó lại bỏ đi các võ quan và những người bản địa Trường An, cuối cùng liệt kê được khoảng 20 cái tên là đối tượng trọng điểm hoài nghi.

Nhưng sau đó không tiến triển nữa.

Mấy vị quan cấp bậc cao này không có ai dễ gạt, với thân phận của nàng, không thể đến nhà hỏi thăm cũng không thể đến Tuyên Chính điện xem buổi triều, căn bản không cách nào tiếp cận họ. Bảo Giản Chi mạo hiểm theo dõi phủ đệ mấy vị quan trong đó cũng không phát hiện ai bị thương bị bệnh. Bóng gió hỏi Lục Thời Khanh thì thấy y không mấy tích cực, dường như cảm thấy nàng với “cành cao” là y chưa đủ, giờ còn muốn với thêm cành cao khác.

Nàng hết cách, chỉ có thể đợi đến mồng một tháng ba, a huynh đi buổi đại triều, nhờ huynh ấy lưu ý giúp. Nhưng lúc đó cách lúc Từ Thiện bị đâm đã nửa tháng, nếu muốn mượn cơ hội để phát hiện thì thực rất khó. Nguyên Ngọc chọn ra vài người trong danh sách rồi cố ý thân thiết, xưng huynh gọi đệ đấm ngực từng người một, kết quả đương nhiên không phát hiện thần sắc ai dị thường.

Lại tới rằm tháng ba, vết thương đó đã bước đầu khép miệng, cơ hội lại càng xa vời. Nguyên Ngọc lần nữa tay trắng trở về, ngược lại lại mang về một tin tức không liên quan đến Từ Thiện, khiến Nguyên Tứ Nhàn luôn vướng mắc trong lòng dời sự chú ý: đồn rằng, thái tử Tế Cư của Nam Chiếu chuẩn bị tiến kinh trong tháng tư.

Từ sau chiến sự tháng giêng, Nam Chiếu đã an phận lui về biên cảnh, chưa từng quấy rầy Đại Chu. Thái tử Nam Chiếu không hiểu sao đã thay đổi sách lược đối địch với Đại Chu mấy năm nay, chuyển sang lấy lòng triều đình, hình như có ý cúi đầu xưng thần với Chu hoàng, gần đây lại đưa ra ý khôi phục buôn bán qua lại giữa hai nước đã bị cắt đứt nhiều năm.

Huy Ninh Đế vốn là người ham hư vinh thể diện, trước giờ luôn coi trọng cái gọi là “tư thái Đại Chu”. Nếu Nam Chiếu thật lòng thần phục, thứ nhất, các dị tộc phương nam có khả năng sẽ nối gót noi theo, Đại Chu suy yếu nhiều năm sẽ có một cơ hội chấn hưng trước nay chưa từng có; thứ hai, Điền Nam vương có lẽ không bao giờ có đất dụng võ nữa, Huy Ninh Đế sẽ có thể danh chính ngôn thuận làm suy yếu thế lực Điền Nam, trừ khử mối họa trong lòng nhiều năm nay.

Cho nên khi Tế Cư lấy lòng triều đình như vậy, dù trong triều xuất hiện không ít lời phản đối, cảm thấy chuyện khác thường ắt có gian trá, Huy Ninh Đế vẫn giữ nguyên thái độ tiếp nhận, tuyên bố đồng ý đàm phán trực tiếp với hắn ta.

Thượng tuần tháng tư, Tế Cư lấy danh nghĩa sứ giả Nam Chiếu lên phía bắc, đến kinh kỳ vào hạ tuần tháng tư, được Huy Ninh Đế dùng lễ nghi đại quốc đón vào Trường An. Cùng ngày, Đại Minh cung mở tiệc đón khách phương xa, bách quan tham dự, từ trưa đến tối, rượu thịt ca vũ cực kỳ xa hoa, đàn sáo trống kèn chưa từng dừng lại.

Tại buổi tiệc, Tế Cư dâng lên trân bảo mang theo trong chuyến đi này, đa phần là ngọc thạch trân châu và đồ kim loại của nước Phiêu tiếp giáp phía tây nam của Nam Chiếu. Sau khi nhận lấy, Huy Ninh Đế đương nhiên cũng vung tay, thưởng cho hắn ta quà đáp lễ càng quý giá hơn, thể hiện sự ưu đãi hậu hĩ của nước lớn dành cho con dân thần phục.

Cuối cùng khi tan tiệc, không ít quan viên phản đối kết giao với Nam Chiếu ai nấy đều lắc đầu ngao ngán, bất lực bước ra cửa điện.

Lục Thời Khanh không phải người thể hiện vui giận ra nét mặt, chỗ ngồi của y chỉ sau chỗ Huy Ninh Đế, y xã giao qua lại với Tế Cư, trước khi đi còn khen cái nhẫn ngọc hắn ta đeo ở ngón út, cho rằng đó là nhẫn của Nguyên Tứ Nhàn.

Tế Cư cũng đã hơn ba tháng không gặp y, ra vẻ như đã cách hơn hai trăm thu, dùng tiếng Hán không quá lưu loát thăm hỏi y chuẩn bị khi nào đại hôn, nói hi vọng có thể uống ly rượu mừng trong chuyến đi này.

Sau bữa tiệc, Lục Thời Khanh hờ hững xuất cung, trong lòng giễu cợt hắn ta mặt to như cái mâm, đợi về đến phủ, tắm rửa xong chuẩn bị nghỉ ngơi thì nghe Tào Ám vội vã vào báo, nói mật thám tra được Tế Cư sau khi rời cung thì giống như say rượu lạc đường, hiện đang cách phường Thắng Nghiệp khoảng một dặm.

Lục Thời Khanh lập tức không hờ hững nổi.

Say rượu mà có thể lạc đường, lạc đường mà có thể chuẩn xác một cách hoàn mỹ né tránh Kim Ngô vệ tuần đêm, lạc tới phường Thắng Nghiệp nơi Nguyên gia ở?

Lục Thời Khanh lăn qua lăn lại hai vòng trên giường, dứt khoát ngồi dậy, nói:

– Báo với thánh nhân, thái tử Tế Cư hành tung đáng ngờ, ta chuẩn bị đích thân theo dõi thay lão nhân gia.