Thiết Huyết Đại Minh

Chương 122: Cuộc nổi loạn thiểm tây (3)



Vương Phác cảm thấy hết sức lúng túng, Trụ Tử bỗng bước vào, bẩm:

- Tam gia, Ngụy đại nhân lại tới nữa, còn dẫn theo thần y Liễu Diệp Tử nổi danh Sơn Tây, lại muốn xem bệnh cho Tam gia đấy ạ.

- Hỏng bét, bây giờ bổn tướng quân còn đang bị bệnh.

Vương Phác vỗ gáy, vội vàng căn dặn Lã Lục và Tiểu Thất:

- Mau lên, hai ngươi mau đi chuẩn bị, lấy ra tất cả đồ Lý Lão Đa giao cho, mau đi. Nương tử cũng đừng đứng đó, mau về phòng với ta! Hơ, nàng đừng cười chứ, tướng công của nàng ngã bệnh mà, bệnh đến nỗi sống dở chết dở, hẳn là nàng rất đau buồn...Đúng rồi, phải buồn rầu ảm đạm mới được.

Bên trong đại viện của Vương gia một trận náo loạn, đến khi Tri phủ Đại Đồng Ngụy Đại Bản dẫn theo Liễu thần y tới phòng lò sưởi của Vương Phác, tất cả đều đã chuẩn bị xong, họ chỉ thấy Vương Phác đang nằm ngủ mê man trên giường, mặt vàng khè, lại pha xanh xanh, trong phòng nồng nặc mùi thuốc. Trần Viên Viên và Nộn Nương lặng lẽ đứng bên giường rơi lệ, có vẻ hết sức đau lòng.

Nhắc lại, công văn của Ty Lễ giám cùng với bộ Binh, Đô đốc phủ ngũ quân thúc giục Vương Phác trở về kinh nhậm chức đã được gửi tới Đại Đồng hơn nửa tháng, nhưng hết lần này tới lần khác, Vương Phác đều “bệnh”, hơn nữa bệnh rất nặng. Ngụy Đại Bản đã hai lần mang theo công văn tới thăm hỏi, nhưng bởi vì bệnh tình trầm trọng của Vương Phác, cho nên không cách nào giao cho hắn.

Lần này Ngụy Đại Bản dẫn theo thần y Liễu Diệp Tử, hiển nhiên là đã có chuẩn bị.

Tuy nhiên khi Ngụy Đại Bản nhìn thấy Vương Phác lần thứ ba, trên khuôn mặt vẫn thoáng hiện một tia lo âu, dường như bệnh tình của Vương Phác còn nặng hơn so với lúc gặp mặt hai lần trước. Đây cũng không phải là Ngụy Đại Bản quan tâm đến chuyện sống chết của Vương Phác, mà chủ yếu là vì công văn chưa giao được, Ngụy Đại Bản không yên tâm.

Tuy Vương Phác là võ tướng, hệ thống văn quan, võ tướng không do Ngụy Đại Bản quản lý, nhưng thân phận trước mắt Vương Phác là Phò mã Đại Minh, đang có đại tang, chứ không phải là Đề đốc Kinh doanh gì gì đó, mà Ngụy Đại Bản lại tri phủ Đại Đồng, cho nên nhiệm vụ thúc giục Vương Phác rơi vào người ông ta.

- Phò mã gia?

Ngụy Đại Bản đi tới bên giường, khẽ gọi:

- Phò mã gia? Hạ quan Ngụy Đại Bản tới thăm ngài.

- Hả? À...

Vương Phác mở đôi mắt mỏi mệt ra, đưa tay gỡ gỡ mấy cục ghèn vàng đục, nói bằng giọng yếu ớt:

- Là Trương công công à?

Khuôn mặt Ngụy Đại Bản lộ vẻ sầu thảm, thầm nghĩ ngay cả mình mà Phò mã gia cũng không nhận ra, xem ra quả thật là bệnh nguy kịch rồi, liền quay đầu lại nói với Trần Viên Viên:

- Phu nhân bổn quan mời danh y Liễu Diệp Tử giỏi nhất Sơn Tây tới xem bệnh cho ngài, ngài xem bây giờ có thể để cho Liễu thần y bắt mạch chẩn bệnh không?

Trần Viên Viên lau nước mắt, hướng về phía Liễu Diệp Tử thi lễ, đau buồn nói:

- Vậy xin làm phiền Liễu thần y.

- Không dám.

Thần y Liễu Diệp Tử là một người hơn năm mươi tuổi, ôm quyền đáp lễ, rồi tới bên giường ngồi xuống, đặt hòm thuốc mang theo bên mình lên giường. Trần Viên Viên vội vàng bước tới kéo tay phải của Vương Phác từ trong chăn ra, Liễu Diệp Tử nhẹ nhàng đặt ba ngón trỏ, giữa và áp út lên cổ tay Vương Phác, bắt đầu chẩn mạch.

Không bao lâu sau, sắc mặt Liễu thần y chợt thay đổi.

Ngụy Đại Bản khẩn trương hỏi:

- Liễu thần y, bệnh tình Phò mã gia thế nào?

Liễu thần y buông tay ra, nói:

- Ngụy đại nhân, lão phu có thể nói chuyện riêng với đại nhân một lát không?

Ngụy Đại Bản nhìn Trần Viên Viên xin phép, rồi theo Liễu thần y rời khỏi phòng, thấp giọng hỏi;

- Liễu thần y, bệnh tình của Phò mã gia rốt cuộc như thế nào?

Liễu thần y thở dài, nói;

- Ngụy đại nhân, thật sự là lão phu chẩn đoán không ra bệnh của Phò mã gia.

- Hả?

Ngụy Đại Bản giật mình nói:

- Ngay cả ngài cũng không biết Phò mã gia bị bệnh gì?

Liễu thần y gật đầu, nói:

- Mạch của Phò mã gia lúc trầm lúc phù, lúc chậm lúc nhanh, lúc yếu lúc mạnh, lúc đứt lúc nối, lão phu làm nghề y hơn bốn mươi năm, chưa bao giờ gặp phải loại mạch quái lạ như vậy. Sắc mặt Phò mã gia vàng ệch lại pha xanh, lưỡi vàng không sạch, hơi thở tanh hôi, móng tay xanh hơi tím, những triệu chứng này cho thấy tính mạng của Phò mã gia nhanh chóng sắp tận rồi, nhưng lão phu nghe lời nói, xem cử động của người lại thấy sức sống của người vẫn tràn đầy như cũ. Thật lạ lùng, thật không sao hiểu nổi!

- Chuyện này...

Ngụy Đại Bản khó xử nói:

- Thế này thì bổn quan biết tấu lên thánh thượng như thế nào đây?

Ngụy Đại Bản quả thật là khó xử, bởi vì Vương Phác là đương kim phò mã, chuyện này liên quan đến công chú Trường Bình, còn liên quan đến thể diện của hoàng đế, cho dù chính xác là Phò mã gia bị bệnh gì, cũng không thể nói lung tung, làm không tốt, nhỡ vô ý đắc tội với người ta, không khéo con đường làm quan của ông ta sẽ đi tong!

Ngụy Đại Bản không ngừng cân nhắc, lại đành phải dâng lên một bản tấu: “Phò mã gia lại nhiễm bệnh nhẹ, đi lại không tốt.”

Trong phòng lò sưởi của Vương Phác.

Chờ Ngụy Đại Bản và Liễu Diệp Tử đi rồi, Vương Phác liền tung chăn xoay mình ngồi dậy, luôn miệng kêu lên:

- Nộn Nương, mau đi múc nước, mau đi múc nước!

- Tướng quân, tiểu tỳ đã cho người chuẩn bị sẵn rồi.

Nộn Nương nói xong liền đem nước súc miệng tới trước mặt Vương Phác, Vương Phác vội chụp lấy, trút vào trong miệng, súc miệng kêu òng ọc. Nộn Nương đứng gần, nghe mùi hôi thối nồng nặc, liền chun cái mũi khả ái lại, dịu dàng hỏi:

- Tướng quân, Lý Lão Đa bôi cái gì vào miệng ngài vậy? Sao mùi khó nghe quá?

- Ai biết?

Vương Phác súc miệng tới ba lần, mới cảm thấy trong miệng dễ chịu được một chút, tức giận nói:

- Hừ, thối muốn chết!

Trần Viên Viên bưng một chậu nước đặt trước mặt Vương Phác, nhúng khăn lông vào nước nóng thấm ướt ròi vắt nhẹ, dịu dàng nói:

- Tướng công, chàng lau mặt đi, để thế này trông thật là dọa người.

- Hừm.

Vương Phác nhận lấy khăn lông, vừa kỳ cọ khuôn mặt, vừa nói:

- Cũng không biết trò bịp này của Lý Lão Đa có qua mặt được Liễu thần y kia không, chỉ mong là không bị lộ.

Trần Viên Viên nói:

- Lý Lão Đa là con cháu đời sau của thần y Lý Thời Trân, y thuật rất cao minh, Liễu thần y kia làm sao có thể nhìn ra thủ đoạn của Lý Lão Đa được?

- Cái gì? Lý Lão Đa là hậu nhân của Lý Thời Trân? Sao ta không biết vậy?

Trần Viên Viên thản nhiên cười, dịu dàng nói:

- Lý Lão Đa cũng không phải là người chuộng hư danh, tướng công không hỏi ông ấy, đương nhiên ông ấy cũng lười nói, tình cờ thiếp thấy trên một cuốn sách thuốc của ông ấy có viết ba chữ “Lý Thời Trân”, mới biết ông ấy là hậu nhân của danh y họ Lý.

- Thảo nào.

Vương Phác chắc lưỡi nói;

- Thảo nào ngay cả bệnh của cô nương kia, Lý Lão Đa cũng có thể trị lành.

Cô nương mà Vương Phác nhắc đến là sủng phi của Hoàng Thái Cực, thần phi Hải Lan Châu. Lúc Vương Phác dẫn quân đánh vào Thịnh Kinh, Hải Lan Châu đã bị bệnh nguy kịch, xem chừng không còn sống được bao lâu nữa, nhưng Lý Lão Đa lại kéo nàng trở về từ Quỷ Môn quan, lúc đó Lý Lão Đa nói là nhờ cưỡi ngựa nên khí huyết tích ứ trong trong lồng ngực nàng bị đánh tan, bây giờ nghĩ lại, chuyện đó cũng không đơn giản như vậy, rõ ràng là Lý Lão Đa đã dùng y thuật cao siêu cứu sống Hải Lan Châu.

Vừa nghĩ tới Hải Lan Châu, trước mắt Vương Phác liền hiện lên gương mặt mỹ lệ và dáng vẻ nở nang mà yểu điệu của nàng ta. Phải nói, Hải Lan Châu cũng là một đại mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, so với Trần Viên Viên cũng không thua kém bao nhiêu, chỉ tiếc là lúc ở Tế Ninh, hắn đã để cho hai nữ thích khách cứu nàng đi, cũng không biết bây giờ thế nào?

Vì Lý Lão Đa, Vương Phác nhớ tới Hải Lan Châu, vì Hải Lan Châu, hắn lại nhớ tới hai nữ thích khách đã gặp ở Tế Ninh, trước mắt hắn như hiện lên hình dáng khỏe đẹp, duyên dáng của hai nàng. Vương Phác không biết, một trong hai nữ thích khách là Hồng Nương Tử đã theo Lý Nham đánh tới Mễ Chi.

Mễ Chi là một huyện phía bắc của phủ Diên An. Lý Tự Thành và Trương Hiến Trung cũng là người Duyên An, biệt danh Bát Đại Vương Trương Hiến Trung là mấy chữ y thêu trên đại kỳ tạo phản giương lên ở huyện Mễ Chi. Còn Lý Tự Thành, mặc dù là người Mễ Chi, nhưng theo Cao Nghênh Tường tạo phản ở huyện Kim, còn có đại danh là Vô Định Hà, là dòng sông chảy từ huyện Mễ Chi bên cạnh qua.

Vợ chồng Lý Nham, Hồng Nương Tử dẫn đội quân hai ngàn người gồm con em ở huyện Kỷ, cùng với Mã Thủ Ứng, Hạ Nhất Long, Hạ Cẩm, Lưu Hi Nghiêu, Lận Dưỡng Thành dẫn ba ngàn tinh binh từ huyện Giáp lên đường, chỉ mất chưa tới nửa tháng đã đánh tới huyện Mễ Chi, dọc đường hâu như không vấp phải bất cứ sự kháng cự nào, có thể nói là không đánh mà thắng, liền đánh trở về quê quán của Lưu tặc.

Trên thực tế, các châu các phủ, các vệ các sở dọc đường, muốn ngăn chặn nhưng hữu tâm vô lực, trải qua nhiều năm chiến tranh loạn lạc như vậy, thực lực, binh lực của triều Đại Minh hầu như dã tiêu hao hết, vương triều nhà Minh của dòng họ Chu đã chuẩn bị sụp đổ. Sở dĩ triều đại này vẫn còn kéo dài hơn tàn, hoàn toàn là nhờ vào quán tính của vương triều từng có sức mạnh khổng lồ.