Thiết Huyết Đại Minh

Chương 290: Liễu như thị khuấy đảo cục diện (2)



Tế Ninh.

Lưu Trạch Thanh đã suất lĩnh đại quân rút lui, lưu tặc tiền vào Sơn Đông rất nhanh lại nhận được quân lệnh của Lý Tự Thành, trở về Bắc Kinh. Hiện tại Sơn Đông hoàn toàn rơi vào trạng thái không có chính phủ, đạo tặc nổi lên, lưu dân thành họa. Bọn Vương Phác xuôi nam theo đường Thông Châu, dọc đường chứng kiến, dân chúng lầm than.

Tuy rằng dọc đường cũng có lưu dân tập kích đoàn thuyền, nhưng dễ dàng bị đánh lui.

Mấy ngày sau, đoàn thuyền đã đến được Tế Ninh, quan viên của phủ Tế Ninh nào là chết, nào là trốn, thành Tế Ninh đã hoàn toàn trở thành một tòa thành thị không có phòng ngự. Dân chúng bên trong thành cũng chạy trốn về phía nam gần hết, chỉ có số rất ít không muốn đi hoặc người già phụ nữ trẻ con không đi được phải ở lại, trông coi cái mảnh đất hỗn loạn này.

Tỉnh Sơn Đông lúc này, chỉ có thể dùng một từ để hình dung, đó chính là thối nát, hơn nữa còn là thối nát đến cực điểm!

Mà người khởi xướng tất cả mọi chuyện lại không phải là lưu tặc, mà là quan quân thủ hộ vùng đất này, chính xác chính là binh của Lưu Trạch Thanh!

Vương Phác đứng ở đầu thuyền, nhìn hai bờ sông hoang tàn xơ xác, nghiến răng nghiến lợi nói:

- Lão súc sinh Lưu Trạch Thanh này, sẽ có một ngày ta sẽ lột da hắn!

Chư tướng Hoàng Đắc Công, Thi Lang, Trương Hòa Thượng, Trương Nhan Lân, Lý Ngang đứng sau lưng Vương Phác cũng lòng đầy căm phẫn!

Thân là Tổng binh một trấn của Đại Minh triều, không thể bảo vệ an toàn cho dân thì thôi đi, không ngờ lại đi hại bách tính giống như Kiến Nô, việc này so với Kiến Nô thậm chí còn tàn nhẫn hơn, quả thật là không bằng cầm thú!

Đoàn thuyền chậm rãi thả neo ở bến Tế Ninh. Vùng này vốn dĩ là nơi náo nhiệt nhất trong thành Tế Ninh, hai bên đường quán ăn san sát, trà lâu tửu quán cũng mọc lên như nấm, nhưng trước mắt giờ đây lại là cảnh tiêu điều, phóng tầm mắt nhìn ra, không nhìn thấy một quán ăn mở cửa.

- Tướng quân.

Hoàng Đắc Công thở dài nói:

- Hay là ăn chút lương khô rồi tiếp tục đi?

- Đợi một chút.

Vương Phác bỗng vung tay, ánh mắt của hắn bị hấp dẫn bởi một chỗ đoán chữ, hắn liếc mắt thì nhìn thấy tiên sinh đoán chữ là người của Bạch Liên giáo, hơn nữa những cái tiên sinh đoán chữ kia đang nói trong miệng chính là khẩu hiệu để liên lạc mà Liễu Khinh Yên nói cho Vương Phác, ý là có tin tức vô cùng cấp tốc.

Vương Phác quay đầu nói với Thi Lang:

- Đi, dẫn tiên sinh đoán chữ kia đến đây.

- Vâng.

Trong lòng Thi Lang tuy có chút kỳ quái, nhưng không hỏi nhiều, lĩnh mệnh đi.

Trong chốc lát, Thi Lang đã dẫn tiên sinh đoán chữ vào khoang thuyền của Vương Phác. Vương Phác khoát tay, Thi Lang xoay người thoái lui ra khỏi khoang thuyền. Vương Phác hỏi vị tiên sinh đoán chữ kia:

- Ngươi là người của Bạch Liên giáo?

- Đúng vậy.

Tiên sinh đoán chữ kia ôm quyền nói:

- Tiểu nhân là Tả chấp sự phân đường Tế Ninh của Thánh giáo, túc hạ chính là Vương Phác tướng quân phải không?

- Ừm.

Vương Phác gật đầu nói:

- Vừa rồi ngươi nói là có tin tức vô cùng cấp tốc?

- Đúng vậy.

Chấp sự Bạch Liên giáo nọ gật gật đầu, lấy một cây kéo tinh xảo từ trong ống tay áo, cắt bỏ vạt áo, lấy ra một tờ giấy nhỏ, đưa cho Vương Phác nói:

- Đây là thư do Giáo chủ dùng bồ câu gửi từ Nam Kinh, tiểu nhân đã đợi Tướng quân ở bến thuyền ba ngày rồi.

Vương Phác chậm rãi mở tờ giấy nhỏ ra, quả đúng là bút tích của Liễu Khinh Yên, trên mặt chỉ có mấy dòng, đại khái là nói về tình hình hiện tại của Nam Kinh, có lẽ phục xã Đông Lâm có thể sẽ cấu kết với đám người Lưu Trạch Thanh, hòng gây bất lợi cho Thái Tử, bảo Vương Phác dọc đường chú ý ẩn thân, ngàn vạn lần đừng để lộ phong thanh.

Vương Phác trầm ngâm một hồi, liền nói:

- Phân đường Tế Ninh của các ngươi có ngựa hay không?

Chấp sự Bạch Liên giáo ngẫm nghĩ một chút, nói:

- Kiếm được hai mươi mấy con ngựa hẳn là không thành vấn đề, nhưng nhiều hơn thì không được.

- Được.

Vương Phác gật gật đầu nói:

- Làm phiền tiên sinh chờ ở bến thuyền một chút.

- Tướng quân khách sáo rồi.

Chấp sự Bạch Liên giáo ôm quyền vái chào, xoay người đi ra khỏi khoang thuyền.

Vương Phác quay đầu nói với Lữ Lục:

- Lục Nhi, ngươi đi gọi Hoàng Đắc Công và Thi Lang vào.

Lữ Lục lĩnh mệnh đi, rất nhanh Hoàng Đắc Công và Thi Lang liền tiến vào khoang thuyền của Vương Phác, hai người ôm quyền vái chào, nói:

- Tướng quân.

Vương Phác khoát tay, nói:

- Hai vị Tướng quân, vừa nãy nhận được tin tức từ Nam Kinh truyền đến. Tình hình bên đó không lạc quan lắm, bổn đốc và Thái Tử nhất định phải nhanh chóng trở về, tuy nhiên đường thủy thì tốc độ quá chậm, tan ghĩ rằng từ Tế Ninh sẽ chuyển sang đi đường bộ, dùng tốc độ nhanh nhất trở về Nam Kinh.

- Chuyển thành đường bộ?

Hoàng Đắc Công ngưng giọng nói:

- Tướng quân, đoạn đường này đạo tặc khắp nơi, đi đường bộ không phải là quá nguy hiểm sao?

- Đi đường thủy càng nguy hiểm.

Vương Phác trầm giọng nói:

- Hành trình Bắc Kinh lần này của chúng ta đã bị trì hoãn quá lâu, hiện tại tình hình ở Nam Kinh rất phức tạp,có thể sẽ có người nửa đường chặn Thái Tử! Như vầy đi, ta và Trương Hòa Thượng dẫn hai mươi mấy huynh đệ giả trang thành mã tặc, bảo vệ Thái Tử đi đường bộ, hai người các ngươi suất lịnh đại đội nhân mã vẫn đi đường thủy như cũ, để che tai mắt người khác.

Hoàng Đắc Công và Thi Lang nghiêm nghị nói:

- Mạt tướng lĩnh mệnh.

Nam Kinh.

Trước tiên, Tôn Truyền Đình đã liên hệ tốt với huynh đệ kết nghĩa Thường Diên Linh và Lý Tổ Thuật của Vương Phác. Hiện tại hai người này đã trở thành Hoài Viễn Hầu và Lâm Hoài Hầu, đều là Hầu gia hết rồi. Thường Diên Linh và Lý Tổ Thuật lại liên lạc với Kiến An Vương Chu Thống Phả, Thành Ý Bá Lưu Lỗ Chiêu, Hãn Thành Bá Triệu Chi Long, còn có Ngụy Quốc Công Từ Hồng Cơ.

Ý kiến của các huân thích Nam Kinh rất nhanh đã đạt thành sự nhất trí, kiến quyết ủng hộ Phúc Vương lên ngôi.

Đại Minh triều, bắt đầu từ thời Hồng Vũ Đế, huân thích quý tộc đã bị tước đoạt quyền tham gia quốc sự, mất đi quyền phát ngôn trong chính trị. Tuy rằng sau khi bọn họ là công huân, tước vị rất cao, nhưng bọn họ giống như võ tướng của Đại Minh triều, không có thực quyền, kẻ chân chính cầm đầu chính là đám quan văn kia.

Đổi lại là thời thái bình thịnh thế, quan viên Nam Kinh căn bản sẽ không để ý kiến của đám huân thích bọn họ vào mắt, nhưng khi quốc nạn lâm đầu, thời buổi loạn lạc, địa vị của những võ tướng được nâng cao nhờ quân đội trong tay. Những huân thích này cũng vì tài phú và sức ảnh hưởng của bọn họ mà trở nên quan trọng hẳn lên.