Thiết Huyết Đại Minh

Chương 35: Tần Hoài Bát Diễm



Lại nói về Vương Phác.

Rời khỏi Tô Châu, theo đường thủy đi ba ngày ba đêm, cuối cùng Vương Phác đã đến Nam Kinh.

Nam Kinh, còn gọi là Kim Lăng, ở thế cọp chầu rồng cuộn, trấn giữ một phía của Giang Nam.

Đông Ngô, Đông Tấn, Nam Tống, Tề, Lương, Trần, từng lần lượt định đô ở đây, gồm lục triều, do đó mà có cụm từ “Lục triều kim phấn” (1), nếu tính cả những triều đại sau này như Nam Đường, Nam Tống, Đại Minh và Trung Hoa Dân quốc, thì tổng cộng là mo triều đại, có thể nói là lịch sử lâu đời.

Nhắc tới Kim Lăng, không thể không đề cập tới sông Tần Hoài, nhắc tới sông Tần Hoài không thể không đề cập tới Tần Hoài Bát Diễm (2)

Tần Hoài Bát Diễm là danh hiệu dùng để chỉ Liễu Như Thị, Lý Hương Quân, Đổng Tiểu Uyển, Lý Thập Nương, Trần Viên Viên, Cố Mi, Khấu Bạch Môn, Biện Ngọc Kinh, tám danh viện Nam Khúc (3) thời cuối Minh đầu Thanh.

Kỹ nữ Giang Nam thời Minh mạt được chia thành hai loại, một loại gọi là “xướng kỹ”, kiếm sống bằng cách bán thân xác, còn gọi là “Bắc Khúc”; loại còn lại chỉ bán nghệ không bán thân, gọi là “Nam Khúc”, cũng gọi là “cựu khúc”, tương tự như nữ diễn viên ngày nay, nhưng thường đa tài đa nghệ hơn.

Nhóm “Bát Diễm” Liễu Như Thị chính là những nghệ kỹ như vậy. Các nàng có thể làm thơ, vẽ tranh, hát, múa, có thể nói là sắc đẹp và tài nghệ đều tuyệt vời.

Từ trước đến nay.nho sĩ Giang Nam thời Đại Minh coi việc đến thanh lâu là thanh cao, khi bằng hữu tụ tập thường mời vài danh viện Nam Khúc tiếp khách, mà danh viện Nam Khúc cũng vui vẻ kết giao với đám nho sĩ, bời vì những người đó có thể dùng thơ văn, tranh vẽ, cũng như danh tiếng bản thân để tuyên truyền quảng cáo cho danh viện Nam Khúc.

Đây thật ra chỉ là một cuộc giao dịch: Danh viện Nam Khúc dùng tài nghệ và sắc đẹp và nụ cười của mình để tiêu khiển cho các nho sĩ, đổi lấy những lời tán tụng của các nho sĩ dành cho các nàng. Đáng tiếc là rất nhiều danh viện Nam Khúc cũng không nhận thức được điều này, trong quá trình kết giao với các nho sĩ, các nàng thường dành quá nhiều chân tình, nhưng cuối cùng thường không được như ý nguyện.

Đa số các thư sinh thời Minh mạt chỉ nói những chuyện trên trời dưới đất, không dám gánh vác trách nhiệm, cũng rất thích tranh cãi, chặn họng nhau. Điều này cũng không phải là hiện tượng cá biệt mà là hiện tượng phổ biến ở thời đại đó, dưới ảnh hưởng của chế độ khoa cử hủ bại và sự méo mó của Lý học Trình Chu (4), giá trị quan và nhân sinh quan của những nho sinh thời Minh mạt cũng đã hoàn toàn bị bóp méo.

Nam Kinh.

Các quan viên lớn nhỏ của Lục bộ, Đô Sát Viện, Quốc Tử Giám, Ứng Thiên Phủ và cả những hoàng thân quốc thích lớn nhỏ có công trạng trong thành Nam Kinh, đã tề tựu ngoài cửa Triêu Dương, xếp hàng nghênh đón Vương Phác chiến thắng trở về. Hoàng đế Sùng Trinh hạ chỉ dùng lễ nghi dành cho quan khâm sai để long trọng chào đón Vương Phác, dĩ nhiên tất cả quan viên trên dưới của Nam Kinh không dám sơ xuất.

Khâm sai là gi?

E rằng, dù chỉ là một người đánh xe ngựa nhỏ nhoi, mà được ban chức khâm sai, thì lập tức sẽ trở thành người thay mặt cho hoàng đế, tương đương với hoàng đế đích thân tới, lúc đó ai dám không ra nghênh đón?

Ngoài đám quan viên, dân chúng biết tin cũng rối rít chen nhau tới bên ngoài cửa Triêu Dương, muốn thấy Tồng binh Đại Đồng Vương Phác. Đương nhiên, họ càng muốn nhìn thấy Hoàng Thái Cực - tên tù binh Kiến Nô, có giống như lời đồn đãi, thân cao ba trượng, mắt to như quả chuông, còn có thể đánh chết hổ báo hay không.

Trong dân gian, những nghệ nhân kể chuyện đều miêu tả như vậy về cha con Nỗ Nhĩ Cáp Xích (5) và Hoàng Thái Cực.

Buổi trưa, rốt cuộc trên quan đạo (đường lớn do nhà nước xây dựng), một đội nhân mã đông đảo xuất hiện, trong thoáng chốc, hàng vạn dân chúng Nam Kinh cất tiếng hoan hô như sấm động, vang vọng cả một vùng.

Vương Phác đi ở đầu đội ngũ, khi nhìn thấy biển người rầm rộ bên ngoài thành Nam Kinh, hắn giật mình, chỉ là bắt Hoàng Thái Cực thôi mà, cần gì phải long trọng như vậy?

Thật ra đó là do Vương Phác không viết, kể từ trận chiến Tát Nhĩ Hử (6) tới nay, quân Minh đã rất nhiều lần thất bại, đến mức hễ nghe tới tên Kiến Nô là quân dân Đại Minh mất vía. Lần này việc Vương Phác đánh vào Thịnh Kinh, bắt giữ Hoàng Thái Cực, như nhấc một tảng đá lớn khỏi ngực quân dân Đại Minh, sự vui mừng của họ bộc phát ra sau một thời gian dài bị đè nén, chỉ có thế dùng từ điên cuồng để miêu tả.

Đây cũng là nguyên nhân mà trên đường từ phủ Tùng Sơn đến Nam Kinh, Vương Phác được nhiệt liệt hoan nghênh, thậm chí ngay cả một tên thủy khấu hoành hành ở Thái Hồ như Xích Cước Trương Tam, cũng thật sự coi Vương Phác là một đại anh hùng.

Thường Duyên Linh, Lý Tổ Thuật cố tình đi lùi ở phía sau, nhường vị trí dễ thấy nhất cho bọn Vương Phác. Chân Hữu Tài cưỡi ngựa theo ngay phía sau Vương Phác, bọn Đao Ba Kiểm và Tiếu Thất kích động đến nỗi cả người run lên, đôi mắt Đao Ba Kiểm đỏ ửng, nghẹn ngào nói với Vương Phác:

- Tướng quân, nếu bọn Đại Hồ Tử còn sống thì hay biết mấy!

Vương Phác gật đầu, trầm giọng nói:

- Chúng ta sẽ mãi mãi nhớ tới Đại Hồ Tử và tất cả những huynh đệ không còn sống trở về Đại Minh, vinh quang của ngày hôm nay là thuộc về bọn họ, là do bọn họ hy sinh tính mạnh mà giành được!

Lúc này, Lễ bộ Thượng thư Nam Kinh Hà Hùng Tường, Đề đốc Nam Kinh kiêm Đề đốc Hãn Thành Triệu Chi Long dẫn theo quan viên lớn nhỏ, hoàng thân quốc thích ra đón chào, Vương Phác vội vã xoay người xuống ngựa, gặp mặt các quan viên cầm đầu.

Nên biết, Vương Phác chỉ là một tổng binh nho nhỏ, không đủ tư cách để các đại thần của Lục bộ, Đô Sát Viện và hoàng thân quốc thích phải nghênh đón, tuy nhiên cách đây ba ngày, hoàng đế Sùng Trinh đã ban thánh chỉ, phong cho Vương Phác chức Khâm sai, cho nên địa vị của hắn lập tức thay đổi, không thể gọi là nhỏ nữa.

Với sự dìu đỡ của hai tiểu lại, Lễ bộ Thượng thư Nam Kinh Hà Hùng Tường run rẩy đi tới trước mặt Vương Phác, cung kính nói:

- Vương tổng binh dụng binh như thần, một đường thẳng tiến phủ Hoàng Long (7), bắt giữ tù binh, mạnh mẽ khiến sĩ khí của quan binh Đại Minh ta dâng lên mạnh mẽ, hạ quan xin thay mặt cho hàng triệu dân chúng kính Vương tổng binh một chén.

Một vị quan nhỏ bưng tới một cái chén, đợi Hà Hùng Tường rót đầy rượu rồi dâng lên trước mặt Vương Phác.

Vương Phác nhận lấy chén rượu, quay về hướng đông bắc, nhìn về phía Liêu Đông xa xôi, vẻ mặt trang nghiêm, nói:

- Mạt tướng muốn mượn chén rượu này của Hà đại nhân, để kính tất cả tướng sĩ chết trận ở tiền tuyến Tùng Sơn. Nếu không có hàng vạn tướng sĩ Đại Minh liều chết chiến đấu, máu đẫm sa trường, thu hút toàn bộ đại quân Kiến Nô đến tiền tuyến Tùng Sơn, Vương Phác ta sẽ không thể nào đại phá được Thịnh Kinh, càng không thể bắt giữ Hoàng Thái Cực làm tù binh!

Dứt lời, Vương Phác nghiêng xoay chén rượu, trịnh trọng vẩy rượu trên mặt đất.

Hà Hùng Tường lại rót rượu vào chén Vương Phác, Vương Phác nâng chén, nghiêm nghị nói:

- Chén rượu thứ hai này, mạt tướng xin kính mời hàng trăm ngàn người dân hiện diện tại đây trong số hàng triệu dân Đại Minh, nếu như không nhờ các vị nhịn ăn, nhịn mặc, tiết kiệm từng li từng tí, để dành lương thực cung cấp cho ba quân tướng sĩ, thì tuyệt đối sẽ không có được ngày hôm nay!

- Hay lắm, nói rất hay!

Hà Hùng Tường xúc động đến nỗi khuôn mặt già nua hơi run lên, thở hổn hển nói:

- Vương tổng binh có công mà không ngạo mạn, được hiển vinh mà không kiêu căng, rất đáng quý! Lão phu làm quan năm mươi năm, mặc dù không có công tích gì, nhưng cũng chưa bao giờ làm điều trái với lương tâm, thân thể trong sạch này còn có thể đại diện được cho hàng vạn dân chúng, chén rượu này, lão phu thay mặt cho dân chúng kinh thành, cho bá tánh uống cạn!

Dứt lời, Hà Hùng Tường nhận lấy chén rượu, uống một hơi cạn sạch.

Triều Minh là triều đại mà các đại thần bị hoàng đế bức hại tàn nhẫn nhất, nhưng cũng bởi vì Đại Minh là triều đại do người Hán cầm quyền, cho nên triều Minh cũng là triều đại có đại thần can đảm nhất dám thẳng thắn can gián hoàng đế, đồng thời cũng là triều đại có rất nhiều gian thần, trung thần cùng xuất hiện. Tóm lại, có thể nói triều Minh là triều đại phức tạp nhất, làm người ta khó hiểu nhất trong lịch sử mấy ngàn năm phong kiến của Trung Quốc!

Đầu tiên Vương Phác kính rượu tướng sĩ bỏ mình nơi biên cương, rồi lại cố ý không kính rượu hoàng đế Sùng Trinh, rất là hợp ý với tính cách những quan ngự sử chuyên can gián và có chủ trương nhất quán “Thiên hạ bách tính vi trọng, quân vi khinh” (Phải coi trọng dân chúng trong thiên hạ, vua là thứ bậc đáng xem nhẹ nhất) như Hà Hùng Tường, cho nên vô hình trung, hắn đã chiếm được cảm tình của họ.

- Tốt lắm, Hà lão đại nhân thanh liêm, đủ tư cách để đại diện cho vạn dân thiên hạ.

Vương Phác vỗ tay trước, mọi người vội vã vỗ tay theo. Vương Phác quay người lại phất tay một cái, hai nhóm gia đinh phía sau liền dạt ra hai bên nhường chỗ, để bốn đội cẩm y vệ giễu võ dương oai áp giải bốn chiếc tù xa tiến lên. Người bị áp giải trong tù xa, đương nhiên là bốn người Hoàng Thái Cực, Đại Thiện, Hải Lan châu và Bố Mộc Bố Thái.

Dân chúng chen chúc bên ngoài cửa Triêu Dương lập tức hoan hô rung trời.

Trong tiếng hoan hô, hò hét rung trời chuyển đất, Hà Hùng Tường nói với Vương Phác:

- Vương tổng binh, mời!

Vương Phác vội vàng cung kính chắp tay đáp lễ, nói:

- Mời Hà lão đại nhân, mời các vị đại nhân!

Hà Hùng Tường, Triệu Chi Long, mỗi người đứng một bên của Vương Phác, các quan viên lớn nhỏ còn lại đi theo phía sau, lần lượt đi qua tấm thảm đỏ, tới ngay bốn chiếc tù xa.

Dân chúng Nam Kinh chen chúc ở hai bên quan đạo như điên cuồng, ném bất cứ vật gì trên tay vào mấy chiếc tù xa, như trứng gà, cà chua..., nếu không có hai đội cẩm y vệ liều mạng ngăn cản, không chừng trong cơn điên cuồng, có thể dân chúng đã xông lên, ăn tươi nuốt sống bốn người Hoàng Thái Cực.

Xế chiều hôm đó, Hà Hùng Tường và các quan viên lớn nhỏ bày tiệc ở nha môn của bộ Lễ, để tẩy trần cho Vương Phác.

Sau đó là ba ngày diễu hành liên tục, Vương Phác mặc bộ trang phục lộng lẫy dành cho đại tướng quân do hoàng đế Sùng Trinh ban thưởng, dẫn theo gia đinh áp giải Hoàng Thái Cực, Đại Thiện, rêu rao khắp nơi, được dân chúng khắp các vùng phụ cận Nam Kinh chạy theo reo hò, khiến Vương Phác và hơn hai trăm gia đinh thủ hạ cảm thấy lâng lâng vui sướng vì được tung hô.

(1) Lục triều kim phấn: Lục triều là sáu triều đại gồm Đông Ngô (222-280), Đông Tấn (317-420), Lưu Tống (420-479), Nam Tề (479-502), Lương (502-557) và Trần (557-589), dưới thời sáu triều đại này, kinh tế và văn hóa phát triển rất rực rỡ; kim phấn: chỉ bột phấn dùng trang điểm của phụ nữ thời xưa, từ này thường được dùng để miêu tả cảnh phồn hoa tươi đẹp. Như vậy cụm từ “Lục triều kim phấn” chỉ cảnh tượng phồn hoa thời Lục triều.

Tây sương ký có câu: Hương tiêu liễu Lục triều kim phấn / Thanh giám liều Tam Sơ tinh thần; nghĩa là: Mùi hương tiêu tan rồi phấn hương người con gái Lục triều / Sự trong trẻo giảm rồi tinh thần Tam Sở.

(2) Tần Hoài Bát Diễm: Tám người đẹp và tài hoa nổi tiếng ở Tần Hoài. Trong “Bản Kiều Tạp Ký” của Dư Hoài, Bát Diễm gồm có Cố Hoành Ba (tức hiệu của Cố Mị), Đổng Tiểu Uyển, Biện Ngọc Kinh, Tương Lan, Liễu Như Thị và Trần Viên Viên. Như vậy giữa bản Kiều Tập Ký và tác giả truyện này đã không có sự thống nhất về tám người trong Bát Diễm: Theo bản Kiều Tạp Ký, trong Bát Diễm có Mã Tương Lan, trong khi theo tác giả của Thiết Huyết Đại Minh không có Mã Tương Lan mà lại có Lý Đại Nương.

Sau đây là biệt hiệu của từng người trong “Tần Hoài Bát Diễm”:

Phong lưu nữ hiệp Khấu Bạch Môn.

Trường trai tú phật Biện Ngọc Kinh.

Hiệp cốt phương tâm Cố Mi Sinh.

Diễm diễm phong trần Đổng Tiểu Uyển.

Phong cốt tằng tuấn Liễu Như Thị.

Hiệp can nghĩa đảm Lý Hương Quân.

Khuynh quốc danh cơ Trần Viên Viên.

Linh tú đa tài Mã Tương Lan.

(3) Danh viện Nam Khúc: trước hết cần giải nghĩa từ “danh viện”: nhân vật nổi tiếng vốn được gọi là danh sĩ, xuất phát từ “danh sĩ chi lưu” (thuộc hàng danh sĩ), còn phụ nữ nổi tiếng thì được gọi là danh viện; Nam Khúc: các làn điệu lưu hành ở miền nam Trung Quốc trong thời nhà Tống, Nguyên, Minh, dùng ngữ âm phương nam làm chuẩn, âm điệu mềm mại, từ tốn, uyển chuyển, được đệm theo bằng tiêu, địch, đàn tranh, đàn tỳ bà. Nam Khúc còn có một nghĩa bóng (hoặc từ lóng?) dùng để chỉ kỹ nữ chỉ bán nghệ không bán thân. Như vậy “Danh viện Nam Khúc” là cô gái xinh đẹp và tài hoa nổi tiếng làm nghề kỹ nữ nhưng không bán thân.

(4) Lý học Trình Chu: Lý học do Trình Hạo, Trình Di và Chu Hy sáng lập (chủ yếu là Trình Di và Chu Hy) là một hệ tư tưởng triết học duy tâm khách quan. Các nhà Lý học nêu Lý làm khái niệm trung tâm trong hệ tư tưởng triết học của học thuyết này. Họ nhận định rằng: Lý là cái tuyệt đối, vĩnh viễn không biến đổi, là cơ sở tồn tại của thế giới, của muôn vật. Cái mà các nhà Nho thời Tống gọi là Lý không những chỉ là cái Lý hình thành sự vật mà lại còn có thể tồn tại tách rời sự vật, có trước sự vật, là một cái tuyệt đối trừu tượng. Quan trọng hơn cái được gọi là Lý đó lại được họ vận dụng vào xã hội để chỉ cái Lý trong quan hệ Vua tôi, cha con, vợ chồng, có nghĩa là để chỉ những quy phạm đạo đức phong kiến. Bề ngoài, dường như họ coi những quy luật tự nhiên và quy luật xã hội là đồng đăng; nhưng trong thực tế, họ đã coi luân lý đạo đức của giai cấp thống trị phong kiến là căn nguyên sơ khởi của thế giới; từ đấy, nhằm biến chúng thành những chân lý có tính chất tuyệt đối có giá trị vĩnh cửu và mưu toan dựa vào đó để tạo ra căn cứ lý luận về thế giới quan nhằm biện hộ cho chế độ phong kiến. Đó chính là cốt lõi của Lý học (hoặc Đạo học), là nội dung tư tưởng chủ yếu của Tống Nho. Nó được giai cấp thống trị ra sức đề xướng, trở thành tư tưởng chính thống trong xã hội.

(5) Tát Nhĩ Hử (Sarhu): Năm 1619, dưới sự chỉ huy của Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhaci), quân Mãn Châu đã đập tan bốn đạo quân của Đại Minh ở Tát Nhĩ Hử.

(6) Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559 - 1626), là một vị thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân vào cuối đời Minh. Ông là người đã xây nền móng mà sau đó con trai ông, Hoàng Thái Cực đã phát triển và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh, về sau, con cháu ông tôn xưng miếu hiệu của ông là Thanh Thái Tổ, dù ông không giữ ngôi vị hoàng đế nhà Thanh một ngày nào. Ông được nhà Thanh truy thụy hiệu là Cao Hoàng đế (Wikipedia)

(7) Thẳng tiến phủ Hoàng Long: nguyên văn Hán Việt “trực đáo Hoàng Long”. Hoàng Long tức là phủ Hoàng Long, là kinh đô của người Kim (nay là huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc), về sau, cụm từ này được dùng để chỉ vị trí hiểm yếu của quân địch (trong cờ tướng còn có thế “Trực đáo Hoàng Long”). Câu này có xuất xứ từ “Tống sử- Nhạc Phi truyện”: Nhạc Phi liên tiếp đại thắng quân Kim, thế như chẻ tre, ông từng tuyên bố: Trực để hoàng long phủ, dữ chư quân thống ẩm nhĩ!” (Thẳng tiến phủ Hoàng Long, cùng chư vị nâng ly).