Thiết Huyết Đại Minh

Chương 378: Tam đường hội thẩm (2)



Rõ ràng Sử Khả Pháp đã bớt phần kiên quyết. cau mày nói:

- Cho dù Hầu gia có quyền sinh sát đối với văn võ triều đình và Vạn tuế gia, cũng không thể bắt người mà không có chứng cớ vậy chứ? Mặc dù Cao các lão thực hiện quốc sách sai lầm, nhưng hắn là quan thanh liêm, tại sao Hầu gia nói hắn là gian thần?

- Dựa vào cái gì ta nói bọn họ là gian thần à?

Vương Phác nghiêm nghị nói:

- Được, bổn hầu cho Sử đại nhân xem một vật!

Dứt lời, Vương Phác ngẩng lên quát:

- Đem vật đó trình lên!

Ba tên lính Trung ương quân bưng một chiếc khay đi vào đại điện, trên mâm không biết đặt vật gì, được phủ một mảnh vải trắng, trên tấm vải trăng mơ hồ có vết màu đỏ rỉ ra. Ba tên lính bước vào điện, đặt khay trên mặt đất, rồi giở miếng vải trắng lên.

Tất cả quan viên triều đình, bao gồm Tôn Truyền Đình, Tiền Khiêm Ích, Lã Đại Khí đều hoảng sợ thất sắc: trên khay rõ ràng là ba cái đầu máu chảy đầm đìa!

Vương Phác chỉ tay về phía ba cái đầu, lạnh lùng nói:

- Đây là đầu của ba vị tham tướng ba vệ Kim Sơn, Lam Sơn và Quan Hải. Ba người này chưa có công văn của Binh bộ, càng chưa được bổn đốc cho phép, lại tự tiện dẫn quân tới Qua Phụ, định đánh lén Nam Kinh! May mà bổn đốc phát hiện kịp thời, ba tên này còn chống lại, bị giết chết tại chỗ!

Sử Khả Pháp biến sắc, điều này y không biết, tuy nhiên y nhanh chóng đoán ra, việc này có liên quan tới Cao Hoằng Đồ.

Mặt hoàng đế Long Vũ, Cao Hoằng Đồ, Khương Viết Quảng và Vương Đạc xám như tro tàn, họ không sao ngờ được ba vệ đại quân Kim Sơn, Lâm Sơn và Quan Hải lại dễ dàng tan rã như vậy bởi tay Vương Phác, ngay cả ba viên tham tướng cũng bị giết ngay tại chỗ.

Giọng Vương Phác lạnh như băng:

- Chắc hẳn Sử đại nhân cũng đã đoán được. Đúng vậy, ba vệ đại quân này là do Cao Hoằng Đồ mượn danh nghĩa Vạn tuế gia, lén lút điều đến Qua Phụ. Tên gian tặc này còn hứa với ba người này, chỉ cần khống chế được Nam Kinh, sẽ thăng họ làm tổng binh! Sử đại nhân, các vị đại nhân, các vị nghĩ Cao Hoằng Đồ muốn làm gì?

Sử Khả Pháp không biết phải trả lời như thế nào, y thừa biết Cao Hoằng Đồ vẫn muốn làm tan rã Trung Ương quân của Vương Phác, việc điều ba vệ quân đội Kim Sơn, Lâm Sơn và Quan Hải bí mật vào kinh là rất có thể là do Cao Hoằng Đồ làm.

- Giải Cao Hoằng Đồ và các can phạm có liên quan vào đại lao, để Tôn các lão tập hợp Hình bộ, Binh bộ, Tam Đường Hội Thẩm (1)!

Vương Phác ngừng lại một lát, quay đầu lại đằng đằng sát khí nhìn chằm chằm hoàng đế Long Vũ, nghiêm nghị hỏi:

- Vạn tuế gia, người thấy thế nào?

- Được được được.

Hoàng đế Long Vũ đã sợ tới mức hai chân như nhũn ra, liên tục gật đầu nói:

- Cứ theo lời Tĩnh Nam hầu mà xử lý, Tam...Tam Đường Hội Thẩm vụ án Cao Hoằng Đồ mưu phản.

- Sử đại nhân, Cao đại nhân.

Ánh mắt sắc như dao của Vương Phác lướt qua khuôn mặt của Sử Khả Pháp và Hình bộ Thượng thư Cao Trác, nói:

- Và lão gia tử nữa, mời chuẩn bị thẩm tra xử án.

Xế chiều cùng ngày, ở đại đường Hình Bộ.

Nội các Thủ phụ Tôn Truyền Đình ngồi ở giữa, Binh bộ Thượng thư Sử Khả Pháp ngồi bên trái, Hình bộ Thượng thư Cao Trác ngồi ở bên phải, ngoại trừ ba vị quan chủ thẩm này, đương nhiên không thể thiếu Vương Phác dự thính.

Trên thực tế, Vương Phác đã ngầm chuẩn bị các bước, cái gọi là “Tam Đường Hội Thẩm” chỉ là cho có hình thức thế thôi, để Binh bộ Thượng thư Sử Khả Pháp và Hình bộ Thượng thư Cao Trác tham dự thẩm án, chỉ là vì chú ý đến dư luận, cho dù không có Sử Khả Pháp và Cao Trác, Vương Phác cũng vẫn có thể định tội Cao Hoằng Đồ như thường, nhưng nếu như vậy, khó tránh khỏi miệng người chê trách.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cho dù Vương Phác làm làm theo hình thức cho đúng luật, cũng không tránh khỏi có người chê trách.

Phạm nhân đầu tiên được dẫn tới là thị vệ trưởng của Tham tướng Quan Hải vệ Vương Đức Thành, Hình bộ Thượng thư Cao Trác cầm thước gỗ đập mạnh lên bàn, đanh thép quát hỏi:

- Họ tên phạm nhân?

- Tiểu nhân là Vương Vân, là thị vệ trưởng của phản tướng Vương Đức Thành.

- Ghi vào hồ sơ vụ án (2)! Các ngươi không lo đóng giữ Quan Hải vệ, mà chạy tới Qua Phụ làm cái gì?

- Theo lời Vương Đức Thành, chúng ta được điều vào kinh.

- Ghi vào hồ sơ vụ án! Được điều vào kinh sao? Ai ra lệnh điều động? Nha môn tổng đốc hay nha môn Binh bộ?

- Đều không nghe nói, chúng ta vào kinh là muốn bảo vệ Vạn tuế gia...

- Ngươi nói cái gì?

- Hơ...không phải, chúng ta theo lệnh điều động của Tôn các lão.

- Ghi vào hồ sơ vụ án!

Cao Trác nói xong, đưa mắt nhìn Tôn Truyền Đình và Sử Khả Pháp, hỏi:

- Tôn các lão, Sử đại nhân, hai vị còn có gì muốn hỏi không?

Tôn Truyền Đình và Sử Khả Pháp khoát tay, Cao Trác quay lại nhìn về phía người ghi chép bản án, nói:

- Sửa sang lại văn án, cho phạm nhân ký tên xác nhận vào.

Lấy xong dấu tay, hai gã nha dịch giải Vương Vân đi xuống. Sau đó đến lượt các kẻ thân tín của Tham tướng Kim Sơn vệ Lý Thanh Tùng, Tham tướng Lâm Sơn vệ Tả Quý. Bị áp giải lên đại đường, cùng khai thật giống như Vương Vân, cho thấy rõ việc Cao Hoằng Đồ mượn danh nghĩa hoàng đế Long Vũ điều binh vào kinh.

Vụ án đến đây đã rõ, thủ phạm Cao Hoằng Đồ tất nhiên khó thoát khỏi cái chết, nhưng bọn Khương Viết Quảng, Vương Đạc là tòng phạm, hình phạt cao nhất là giáng chức hoặc bãi quan, Hình bộ Thượng thư Cao Trác đang định căn cứ vào luật Đại Minh tuyên bố kết quả xử án, bỗng Vương Phác đứng dậy nói:

- Cao đại nhân, kết án bây giờ là hơi sớm đấy.

Cao Trác cau mày nói:

- Hầu gia, vụ án đã rất rõ ràng, còn cần điều tra xử lại nữa sao?

Vương Phác cười lạnh nói:

- Vụ án của Cao Hoằng Đồ không đơn giản như Cao đại nhân nghĩ đâu. Cao đại nhân, bổn hầu cho ngươi thêm hai chứng cớ quan trọng. Người đâu! Đưa Dương Đình Giám, Phạm Văn Trình vào!

Tiếng bước chân vang lên, bốn tên lính Trung Ương quân đằng đằng sát khí áp giải Dương Đình Giám và Phạm Văn Trình vào đại sảnh Hình bộ.

Nhìn thấy sứ giả Dương Đình Giám, người được Cao Hoằng Đồ phái đi Bắc Kinh nghị hòa, Sử Khả Pháp và Cao Trác đều ngạc nhiên. Cao Trác khó hiểu, hỏi:

- Không phải Dương đại nhân dẫn phái đoàn đến Bắc Kinh nghị hòa với Kiến Nô sao? Vì sao lại...

- Hỏi rất hay!

Vương Phác lãnh đạm nói:

- Dương Đình Giám, nói một chút đi, Cao Hoằng Đồ phái ngươi đến Bắc Kinh, định nghị hòa với Kiến Nô như thế nào?

Dương Đình Giám thở dài, cúi đầu nói:

- Trước khi ta đi, Cao các lão luôn giải thích, điểm mấu chốt của lần nghị hòa này là cắt nhường khu vực phía bắc Trường giang cho Kiến Nô, điều kiện là trong vòng năm năm không được khai chiến. Nếu như Kiến Nô nhân cơ hội đưa ra yêu cầu giết Tĩnh Nam hầu, thì hai phía cùng định ra chi tiết động thủ, để Kiến Nô giả vờ xuất binh đánh Sơn Đông, khiến Hầu gia dẫn quan xuất chinh, sau đó Cao các lão nhân cơ hội chặt đứt tiếp liệu hậu cần của Trung ương quân, đưa Hầu gia và Trung ương quân vào chỗ chết.

Sử Khả Pháp, Cáo Trác đưa mắt nhìn nhau, trong mắt lóe lên vẻ hoảng sợ.

Nếu không phải Dương Đình Giám vu oan giá họa, nếu lời khai này là sự thật, tội của Cao Hoằng Đồ thật sự quá lớn! Điều động ba vệ Kim Sơn, Lâm Sơn và Quan Hải vào kinh, thì còn có thể nói là vì hoàng thượng mà phạm tội, chưa chắc đã là mưu phản, nhưng nếu Cao Hoằng Đồ thật sự cấu kết với Kiến Nô, có ý đồ hãm hại Vương Phác và Trung ương quân, thì đó là tội phản quốc!

Nếu Cao Hoằng Đồ thật sự phản quốc, thì không thể chỉ giết một mình ông ta rồi.

- Dương Đình Giám!

Cao Trác trầm giọng nói:

- Ngươi có biết ngươi đang nói cái gì không?

Dương Đình Giám cười khổ nói:

- Lời nói của tội nhân đều là sự thật, sẵn lòng ký tên xác nhận.

Cao Trác thấy Dương Đình Giám không có dấu hiệu bị tra tấn, tuy nhiên vẫn hỏi lại:

- Dương Đình Giám, nếu ngươi bị người uy hiếp, hoặc là vu oan giá họa, ngươi có thể nói ra...

Dương Đình Giám cười khổ nói:

- Cao đại nhân, ngay cả cái chết tội nhân còn không sợ, thì còn có thể bị ai uy hiếp?

Cao Trác bất đắc dĩ, thở dài một hơi, nhìn về phía người ghi chép, nói:

- Ghi chép toàn bộ lời khai vừa rồi của phạm nhân vào hồ sơ, rồi cho phạm nhân ký tên.

Ký tên, ấn dấu tay xong, Dương Đình Giám liền bị giải đi.

Vương Phác lại chỉ vào Phạm Văn Trình, nói:

- Ba vị quan chủ thẩm, địa vị người này rất lớn, hắn vốn là tú tài Liêu Đông, đã khuất thân theo giặc từ những năm đầu Vạn Lịch, làm chó săn cho Kiến Nô. Tên hắn là Phạm Văn Trình, mấy tháng trước theo lệnh Đa Nhĩ Cổn lẻn tới Nam Kinh, trước hết là xúi giục Lộ vương Chu Thường Phương soán vị, kế đến lại mang thư cho chính tay Chu Thường Phương đến Vũ Xương xúi giục Tả Lương Ngọc khởi binh, Tả Lương Ngọc binh bại, tên này liền chạy tới chỗ Đề đốc Hồ Quảng Triệu Tín, định xúi giục Triệu Tín chiêu mộ binh lính tự lập!

Sử Khả Pháp, Cao Trác ngơ ngác nhìn nhau.

Vương Phác lại nói:

- Ba vị quan chủ thẩm, điều làm bổn hầu cảm thấy nghi hoặc đó là, từ trước đến nay, tên cẩu nô tài Phạm Văn Trình này chưa bao giờ đến Giang Nam, lại càng xa lạ đối với quan trường Nam Kinh, vậy thì tại sao trong một thời gian ngắn như vậy, hắn lại có thể tiếp cận được Chu Thường Phương, hơn nữa còn được ông ta tín nhiệm? Lúc Tả Lương Ngọc khởi binh, là lúc bổn hầu đang giằng co với quan Kiến Nô ở Liêu thành, lúc Phạm Văn Trình xúi giục Triệu Tín tự lập, cũng vừa đúng lúc Cao Hoằng Đồ chuẩn bị động thủ giết chết bổn hầu, các vị không cảm thấy những việc này rất trùng hợp sao?

(1) Tam Đường Hội Thẩm: chính là trưởng quan của ba ngành cao nhất đồng thời thẩm tra xử lí một vụ án, thường là vụ án lớn, quan trọng, hoặc liên quan đến vấn đề nhạy cảm, như vụ án trong hoàng tộc.

(2) Ghi chép vào hồ sơ vụ án: Nguyên văn là “Ký lục tại án!”, đây là một câu theo thủ tục, được lặp đi lặp lại trong qaus trình xử án, để nhắc người ghi văn án ghi chép hoặc không ghi chép.