Trong tiếng nhạc quen thuộc của phần Dự Báo Thời Tiết sau Bản Tin Thời Sự trên TV, bữa ăn tới đây là kết thúc. Hai người đàn ông trưởng thành đều ăn khá nhiều, những món trên bàn đã bị tiêu diệt sạch sẽ.
Lâm Tri còn đơm thêm nửa bát cơm, điều ấy khiến Nhiếp Chấn Hoành đoán thầm phải chăng món cơm hộp cậu hay gọi về không đủ no, nên cậu mới gầy nhẳng như thế. Chờ Lâm Tri buông đũa, Nhiếp Chấn Hoành mới đứng dậy dọn mấy chiếc đ ĩa trên bàn, bỏ chúng vào bồn rửa trong bếp. Anh rửa bát rất nhanh, chẳng tốn mấy phút mà đã dọn dẹp phòng bếp sạch trơn.
Lúc quay lại phòng khách, anh chợt phát hiện cậu thanh niên ngồi trên sofa có vẻ hơi nhấp nhổm. “Muốn về nhà à?” Nhiếp Chấn Hoành hỏi ướm. “Dạ…” Ánh mắt cậu thanh niên không hướng vào anh, mà chăm chăm để ý chiếc đồng hồ hình tròn treo trên tường. Đôi đồng tử màu đen chú mục vào kim đồng hồ xoay chuyển không ngừng, tiêu cự tập trung vào đầu kim đang nhảy số, vẻ mặt hơi nôn nóng. “Cậu tính làm gì lúc 8h à?” Nhiếp Chấn Hoành để ý thấy đồng hồ đang chỉ 7 giờ 5 mươi mấy phút, nên đoán thử một con số. “Vẽ tranh.” Lâm Tri siết chặt đôi tay, chỉ phun ra hai chữ. Tiếng kim loại va chạm sắc lẻm và hai chữ mà Lâm Tri thốt ra đồng thời lọt vào tai Nhiếp Chấn Hoành. Anh liếc mắt về đôi tay siết chặt của Lâm Tri.
Ở nơi đó, cậu thanh niên đang nắm chặt một chùm chìa khóa.
Mấy ngón tay thon dài căng thẳng bóp món đồ trang trí trên chùm khóa, khiến bụng con giống khâu bằng da bẹp xuống.
—— Xem ra không ở lại được nữa, muốn về nhà lắm rồi đây. Suy nghĩ đầu tiên bật lên trong óc Nhiếp Chấn Hoành chính là như thế, sau đấy anh lại cảm thấy món đồ trang trí kia hơi quen mắt.
Nó từa tựa mấy cái móc khóa được bày bán trong tiệm anh, đều là hàng thủ công.
Chẳng qua móc của cậu hàng xóm có vẻ đã dùng rất lâu rồi, lớp da bợt trắng cả đi. Cảm giác quen thuộc này cũng chỉ nhá lên trong thoáng chốc.
Nhiếp Chấn Hoành thấy Lâm Tri mỗi lúc một thêm nôn nóng thì không giữ cậu lại nữa, anh xách túi rác đã buộc chắc ra khỏi bếp, mở cửa nhà mình. “Đi thôi, tôi tiễn cậu xuống.
Tiện thể đi vứt rác luôn.” Kim của chiếc đồng hồ treo tường đã chỉ 7h55, Lâm Tri nghe Nhiếp Chấn Hoành mào vậy thì lê dép đến cửa, ra chiều dịu lòng hơn hẳn, thay đôi giày da của mình vào. Tóc cậu đã khô, có điều lúc đi tắm cậu thay bộ đồ dính mưa kia ra rồi, nên giờ đang mặc quần áo cũ của Nhiếp Chấn Hoành. Lâm Tri có vẻ đã hoàn toàn quên mất mình còn chưa lấy quần áo về, vội vã đeo giày vào tính chạy xuống lầu ngay.
Cậu còn chưa bước được mấy bước, tiếng “lộp bộp” chợt vang lên trong hành lang, một thứ dèn dẹt bay xuống cầu thang trước mắt hai người. “…” “…” Hai anh chàng có thị lực khá tốt đều nhìn rõ thứ bay xuống là gì. Sau hồi lâu yên lặng, Nhiếp Chấn Hoành vẫn là người mở miệng đầu tiên, “Chắc chắn không phải bên tôi sửa cho cậu đâu.” Đúng vậy, thứ vừa văng ra một miếng gót giày hình móng ngựa. Thoạt trông, nó rất giống miếng mà Nhiếp Chấn Hoành dán lại Lâm Tri hồi hai người mới gặp nhau lần đầu.
Không rõ có phải do giọng kêu oan của người đàn ông nghe uất ức quá chừng hay không, mà Lâm Tri mím môi cúi đầu nhìn chiếc giày bị hỏng của mình, quả nhiên là giày bên trái lần trước chưa sửa. “… Lại phải chi tiền rồi.” Hành lang im phăng phắc, nên Nhiếp Chấn Hoành có thể nghe thấy tiếng lẩm bẩm này rõ mồn một. Anh chợt không nhịn được, phải bật cười. Phải tội, ngẫm đến chuyện cuộc gặp gỡ hôm nay giữa hai người bắt nguồn từ việc cậu em hàng xóm ra ngoài bán tranh lấy tiền, anh lại không cười nổi. Xem ra chú nhóc này đang khốn khó lắm đây… Sửa có mấy đồng bọ, mà phải khó xử đến mức này. “Không tốn tiền đâu.” Nhiếp Chấn Hoành duỗi tay vuốt mái tóc mềm mại của cậu thanh niên. Cu cậu trông thì lơ ngơ lạnh nhạt, vậy mà tóc lại tơ mềm sờ thích bất ngờ.
Điều ấy làm Nhiếp Chấn Hoành nhớ tới chú thỏ mà chị anh từng nuôi. Lông sờ sướng tay vô cùng. “Không tốn ạ?” Người thấp hơn anh nửa cái đầu ngước lên, nghiêm túc chớp mắt, như thể đang xác nhận với anh. Đèn lắp trong hành lang có màu vàng ấm, lúc vắng lặng không người, chúng tối hù như ban đêm.
Chỉ khi có ai đi qua, chúng mới dần sáng tỏ.
Lúc này, bóng đèn ở ngay trên đầu hai người, họ như được bao trong vầng hào quang ấm áp của buổi chiều tà, khiến họ quên mất cơn mưa Xuân còn đang rả rích ngoài kia. “Cậu vẫn chưa ra hẳn khỏi cửa nhà tôi mà,” Nhiếp Chấn Hoành cười, đóng cánh cửa phòng trộm đằng sau lại, vừa vịn lan can đi xuống, vừa nói, “Chẳng lẽ tôi không nên chịu trách nhiệm ư?” Anh bông đùa, “Dù sao cũng là nhà buôn 5 tốt của khu mình, chú đây cho cậu ăn vạ một lần.” (5 tốt bao gồm: lãnh đạo quản lý tốt, đội ngũ Đảng viên tốt, cơ chế làm việc tốt, thành tích công việc tốt, phản hồi của quần chúng tốt.)
Lâm Tri thấy người đàn ông khập khiễng xuống cầu thang, khom người nhặt miếng gót giày của mình lên từ chiếu nghỉ giữa hai tầng thì cũng bám tay vịn cầu thang, bước cà nhắc cà nhắc xuống theo. Chẳng qua cậu lại thốt ra thế này, “Không ăn vạ đâu.” Cậu thèm vào mà ăn vạ ấy.
Mẹ dạy, không được làm chuyện thiếu đạo đức. Nghe thấy lời đáp này, Nhiếp Chấn Hoành giữ miếng gót giày cũng không được, mà quẳng đi cũng chẳng xong. Anh nhìn cậu chàng vẫn đang tiếp tục đi xuống trên đôi “giày đế bằng”, cam chịu cất miếng gót giày vào túi, “Được thôi. “Tôi bắt vạ cậu là được chứ gì.” Anh lắc đầu, nghĩ thầm mình tươm tướp đòi làm miễn phí thế này, chẳng phải đang chủ động bắt vạ người ta à? * Trời mưa cả đêm, phải tới tận sáng hôm sau, mặt trời mới khoan thai xuất hiện. Mặt đất còn hơi ươn ướt, may mà nhiệt độ đã tăng trở lại.
Bụi mờ trong không khí cũng bị mưa lôi tuột xuống đất, hít thở ngoài trời khiến người ta thấy vô cùng sảng khoái. Nhiếp Chấn Hoành ngủ một giấc ngon lành, sáng nay anh vẫn kéo cửa cuốn rồi mở tiệm như mọi ngày, chỉ là anh cầm thêm một cái túi. Anh dọn mấy dụng cụ hay dùng hằng ngày ra ngoài cửa hàng như thường lệ, rồi chuẩn bị bắt tay vào việc.
Có điều trước khi ngồi xuống, anh liếc thoáng qua hai khung tranh đặt ở góc tường. Khung tranh quay lưng ra ngoài, chỉ có thể thấy lớp bảng bồi màu trắng, chứ không nhìn rõ được nội dung chính của bức tranh. Không kìm nổi cơn tò mò từ hôm qua, Nhiếp Chấn Hoành dợm bước đi tới. Anh nhấc cả hai bức họa lên, xoay chúng lại đặt lên chiếc bàn trong phòng. “… Ha.” Nhiếp Chấn Hoành mới chỉ lướt qua, còn chưa kịp phát biểu cảm tưởng gì, thì cái giọng cao vống của chị Trương nhà bên đã đột ngột dội vào tai anh. “Đây chẳng phải là tòa nhà đối diện mình đấy sao!?” Trương Thúy Phương vốn qua bên này để mang đồ cho Nhiếp Chấn Hoành, ai dè vừa liếc một cái, thím đã bị hút mắt vào cảnh tượng quen thuộc, “Úi chà, vẽ thành tranh luôn hả? Chậc chậc, giống ghê đó.
Có vẽ hết được đống biển quảng cáo tiếp thị dán trên kính tầng ba không? Để chị xem nào…” Cả bức tranh dài hơn nửa mét, Trương Thúy Phương bước lên ghé lại gần hơn, ngắm rất chuyên tâm.
Có điều thấy mấy chỗ mình không thích, giọng điệu thím chợt có chút bất mãn, “Còn có cả tiệm của con mẹ Phan Mỹ Liên nữa cơ à? “Xì! Thà vẽ cửa hàng nhà chị với chú còn hơn! Vẽ thế này lại đẹp mặt cho con mẹ đấy…” Thím quở trách mấy câu, rồi lại khen, “Nhưng cây long não này vẽ xinh thật, chắc chắn là cái cây trước cửa nhà chị rồi.
Úi giùi, coi từng chiếc lá này, xanh tươi mơn mởn, đẹp quá là đẹp luôn!” Khen xong bức này, Trương Thúy Phương lại đưa mắt qua bức tiếp theo.
Bức kia không có nhiều thành phần phong phú như bức trước, chỉ có một tảng màu lam và trắng lớn, không thể hình dung ra nổi tranh đang vẽ gì. Nhưng Trương Thúy Phương lại rất yên lòng khi ngắm nó.
Thím cảm thấy nó giống bầu trời mà thi thoảng thím nhìn thấy khi ngồi trên con xe ba bánh đi nhập hàng vào sáng sớm. “Cuối cùng chú cũng định trang hoàng lại cái chốn tồi tàn của chú rồi đó hở?” Trương Thúy Phương bình luận xong hai bức tranh, quay đầu lại nhìn Nhiếp Chấn Hoành, giọng điệu như kiểu anh là cái thứ ngu lâu dốt bền khó đào tạo vậy. “Trước chị cũng bảo rồi đấy, tiệm chú tăm tối, nên kiếm mấy thứ rực rỡ mà trang hoàng.
Với cả bức tường kia nữa, xám xìn xịt, từ lúc thuê về tới giờ chú chả động vào nó, làm người ta nhìn mà mất cả hứng mua hàng!” Là một người phụ nữ tự cho là có gu thẩm mỹ rất cao sang, Trương Thúy Phương nói cực kỳ rõ ràng hợp lý, chẳng qua ngày xưa Nhiếp Chấn Hoành toàn nghe tai nọ lọt tai kia.
Dầu sao anh cũng cảm thấy mình chỉ là thằng thợ sửa giày quèn, sang quá mà làm gì? Phí tiền. “Nhưng có món này là hay đấy, chú treo hai bức tranh này lên tường đi!” Trương Thúy Phương thây kệ lời độc thoại nội tâm của anh chàng thô kệch này, thím liếc mắt quanh tiệm giày, nhanh chóng chọn được vị trí treo tranh, giơ ngón trỏ ra chỉ. “Đấy, treo ngay chỗ đấy đi! Nhìn một cái là thấy lên một tầm cao mới liền!” [HẾT CHƯƠNG 17].