Đã thăm người bệnh thì không thể đi tay không được. Nhiếp Chấn Hoành sang quán chị Trương mua một túi quà toàn đồ ăn vặt mà tụi trẻ thích, rồi lại qua sạp của Lão Chu bên kia đường mua một giỏ hoa quả, coi như đã chuẩn bị xong quà. Vốn anh định chuẩn bị quà chung với Lâm Tri, nhưng hình như cậu em hàng xóm đã có suy tính riêng.
Cu cậu vùi đầu trước giá vẽ bôi trát mấy hôm.
Tới ngày hai người xuất phát đến bệnh viện, cậu cuộn một bức tranh nhỏ, cắm trong túi ở bên hông ba lô. “Sao còn đeo ba lô nữa thế?” Giờ hôm nào hai người cũng ở chung một mái nhà, Nhiếp Chấn Hoành đã thấy trước bức tranh Lâm Tri vẽ tặng cô bé.
Bức tranh nọ không lớn, chỉ to chừng một thước vuông, cuộn lại còn chẳng dài bằng nửa cánh tay, thật sự không đáng phải vác một cái ba lô to chỉ để đựng nó. Lâm Tri không trả lời thẳng, chỉ lôi chiếc túi sau lưng lên đằng trước, kéo khóa ra cho người đàn ông nhìn. “Nước, khăn giấy, sổ ký họa, bút chì, chìa khóa, di động, hoa quả…” Cậu đếm từng thứ một, cho đến khi Nhiếp Chấn Hoành bật cười ngắt lời cậu. “Từ từ, sao còn có cả hoa quả nữa?” Nhiếp Chấn Hoành duỗi tay xách một cái túi trong suốt ra khỏi chiếc ba lô đang mở khóa của cậu thanh niên, ngón tay còn dính nước từ nút thắt của túi. Anh quơ quơ thứ quả trong túi, “Thanh mai à?” Giờ đang đúng mùa thanh mai bán nhiều ngoài chợ, quả nào quả nấy đều tròn xoe căng mọng, chen chúc thành một mảng đỏ tím tươi ngon đượm vị mùa Hè.
(Quả dương mai, hay còn gọi là thanh mai đỏ, dâu rừng.) “Dạ.” Lâm Tri lại không cảm thấy có gì sai cả, cậu nhận túi, vừa mở ra vừa nói, “Ra ngoài, là phải mang đủ.” Đây là lời mẹ dạy cậu. Mỗi lần mẹ dẫn cậu ra ngoài tản bộ hoặc vẽ cây cối, mẹ đều chuẩn bị tất cả những thứ này, sau đó bỏ vào ba lô to cho cậu. Hai mẹ con họ có thể đi bộ bên ngoài cả ngày, ngồi nghỉ bừa trong công viên hoặc thảm cỏ nào đó mà không bao giờ thiếu đồ đạc.
Ở đấy, cậu vẽ tranh, mẹ đọc sách, thi thoảng lại ăn một miếng trái cây.
Đến khi mặt trời xuống núi, họ từ tốn giẫm lên ánh hoàng hôn về nhà, thời gian trôi qua êm ả mà sướng vui.
Trước kia, mẹ thường làm tất cả những việc này cho cậu. Giờ mẹ không còn nữa, Lâm Tri nghĩ bụng, cậu cũng sẽ làm thế. “Anh muốn ăn không ạ?” Cậu kéo miệng túi ra, tay cầm một nhúm thanh mai, mắt nhìn Nhiếp Chấn Hoành với vẻ vô cùng tha thiết. Nhiếp Chấn Hoành tiện tay cầm một quả nhét vào miệng. “Ặc…” Cơ mặt anh giần giật, anh cố nén vị chua loét đang dâng lên trong má, lúng búng khen một câu, “Cũng không tệ lắm.” Cậu nhóc trước mặt nghe thế thì mắt sáng ngời.
Thấy cậu cũng định thò tay vào túi lấy một quả nếm thử, Nhiếp Chấn Hoành vội vàng buộc chặt túi giúp cậu. “Vừa ăn sáng xong, chưa tiêu hóa.
Để chốc nữa hẵng ăn.” “Vâng ạ.” Lâm Tri bèn nghe lời rụt tay về, lại buộc chắc chiếc túi nhỏ, cất vào ba lô. “Đi thôi, chúng ta đi xe nhé.” Trước kia Nhiếp Chấn Hoành toàn cho là đứa nhóc này lơ ngơ không biết việc, chẳng phân biệt được cái chi chi, nhưng không ngờ trong vài phương diện cu cậu lại rất tinh tế hiểu chuyện.
Tuy rằng… chọn trái cây hơi vụng. Anh xoa đầu Lâm Tri, tiện thể gác cánh tay lên vai cậu, dẫn cậu đi về phía trạm xe bus. Khu nhà họ thuộc vùng nội thành cũ, xe bus rất nhiều, chỉ đi mấy trạm là tới bệnh viện.
Chẳng mấy chốc, hai người đã lên xe. Hôm nay là ngày làm việc, tuy đã qua 9h, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hết giờ cao điểm buổi sáng.
Xe bus khá đông đúc, không còn ghế trống.
Nhiếp Chấn Hoành bèn đứng chung với Lâm Tri ở khoảng giữa xe, túm vào phần tựa lưng của ghế trước. Thời nay xe bus trong thành phố hầu như đã đổi hết qua dùng năng lượng mới.
Tuy giảm thiểu được khí thải carbon, nhưng mỗi khi xe vào bến, lực quán tính của xe điện luôn khiến người trong xe ngã trái ngã phải, chân không đứng vững. Chưa đi hết một trạm, xe bus đã phanh gấp mấy lần vì phải tránh né người đi đường.
May thay hai người trai tráng nên đều đứng khá vững trên sàn xe, chỉ đong đưa nửa thân trên theo xe, còn đôi chân vẫn trụ vững, không nhúc nhích tẹo nào. Nhưng dù sao chân Nhiếp Chấn Hoành cũng từng bị thương.
Thêm mấy lần lắc lư như thế, lực dồn vào bên chân bị thọt của anh, gân mắt cá bên trái lại bắt đầu đau nhâm nhẩm. Nhiếp Chấn Hoành kín đáo xuýt xoa, chuyển qua tay khác để nắm thanh vịn.
Theo lực quán tính của chiếc xe, người anh ngả lại gần ghế trước, anh chống vào lưng ghế để giảm lực nghiêng. Động tác này không gây chú ý, nhưng Lâm Tri vốn luôn nhìn ra ngoài cửa sổ lại nghiêng đầu liếc qua đây. “Nhìn anh làm gì?” Nhiếp Chấn Hoành giơ tay xoay đầu cậu lại, “Cầm tay vịn chắc vào.” “… Dạ.” Như đã đề cập trước đó, Nhiếp Chấn Hoành luôn không thích bị tách biệt khỏi người thường. Càng không ưa kẻ khác nhìn cái chân què của anh với ánh mắt tiếc nuối thương hại. Trong lòng anh vẫn còn khúc mắc. Dù rằng bây giờ đã chấp nhận số phận, quen với hoàn cảnh, trở thành một người rảnh rỗi chẳng có ham mê gì, nhưng anh vẫn không thích bị nhòm ngó bằng ánh mắt khác thường. Xem thường ai thế? Chân anh què, không có nghĩa anh là một gã tàn phế cần kẻ khác giúp đỡ. Kiểu suy nghĩ này luôn day dứt trong lòng anh, Nhiếp Chấn Hoành chẳng thấy có gì sai cả, cho đến khi Lâm Tri đập anh tỉnh người ra bằng một phương thức thẳng thừng và tr@n trụi khác. * Xe tới trạm tiếp theo, dừng lại. Chỗ này có một trung tâm thương mại lớn, mấy bà nội trợ trên xe đều đi xuống để dạo chơi mua sắm.
Tại hàng ghế màu đỏ trước mặt Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri, một cụ già cũng đứng lên, chống gậy run rẩy đi về phía cửa hông của xe bus. Đời sống sinh hoạt của người dân tại Dung Thành rất phong phú.
Dường như mọi người luôn rất dư dả thời gian, uống trà, dạo phố, đánh bài, khoác lác.
Đến cả tài xế trên đường cũng chẳng nóng nảy, mà cứ đi thong thả tà tà. Trước khi vào trạm, tài xế còn rảnh rang kéo phanh, vặn nắp chai trà làm một hớp, rồi mới tiếp tục lái xe. Đến khi tất cả người già ở cửa sau đã xuống xe hết, cửa xe mới chậm rãi đóng lại, chở hành khách lảo đảo lắc lư tới trạm tiếp theo. Ghế trước mặt hai người đang bỏ trống, có điều không ai ngồi cả. Vẫn còn kha khá người đang đứng trên xe, nhưng màu đỏ tươi rói của chiếc ghế kia như đang nhắc nhở mọi người về tác dụng của nó —— đây là ghế ưu tiên. Hầu như ai có ăn có học thì đều không ngồi lên ghế đó, mà để lại cho đối tượng đặc thù cần chỗ này. “Anh ngồi đi ạ.” Vạt áo của Nhiếp Chấn Hoành bỗng nhiên bị kéo giật, anh nghe thấy người bên cạnh bảo vậy với mình. “…” Nhiếp Chấn Hoành không hé răng, chỉ nghiêng đầu liếc Lâm Tri. Đôi mắt cậu thanh niên vẫn đen thăm thẳm, nhìn thẳng vào mắt anh.
Biểu cảm của cậu tự nhiên và nghiêm túc, không có vẻ gì là bỡn cợt. Môi Nhiếp Chấn Hoành mím lại thành đường thẳng, “Không cần.” Anh hơi sẵng giọng, phun ra hai chữ đấy với Lâm Tri xong thì quay đầu qua hướng khác, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tựa như một cây đại thụ chắc chắn, quật cường ưỡn thẳng sống lưng, chẳng ai có thể chặt đổ được anh. Lâm Tri chớp chớp mắt, vẻ khó hiểu hiện lên trong ánh mắt. Cậu cụp mi, lại nhìn chân trái của người đàn ông đăm đăm mấy lần. Mãi đến khi lửa giận của Nhiếp Chấn Hoành suýt lan ra ngoài, cậu mới chậm rãi ngẩng đầu, đưa mắt về hướng khác. Giờ Nhiếp Chấn Hoành đang hơi cáu kỉnh, còn thêm tí bực dọc vì bị chọc phải cái chân đau. Nhưng phát hiện người bên cạnh mình chẳng hó hé câu nào, anh lại cảm thấy phải chăng bản thân đang làm quá lên.
Cậu em nhà hàng xóm này vốn hơi tồ tẹt lớ ngớ, biết đâu cậu ta chỉ bâng quơ một câu như thế, chứ chẳng có ý sâu xa gì chăng? Nhiếp Chấn Hoành nghĩ vậy, chợt liếc thấy hình như Lâm Tri đang chuyên tâm lẩm bẩm gì đấy. Anh nhìn theo mắt cậu thanh niên, phát hiện hình như cậu nhóc đang đọc thầm lời nhắc nhở dán cạnh ghế ưu tiên —— “Ghế ưu tiên cho người già, người yếu, người bệnh, người tàn tật, phụ nữ mang thai”. Cái này thì có gì hay mà phải đọc? Tên ngố này đang ám chỉ mình đấy à? Cũng chẳng thể trách Nhiếp Chấn Hoành vì suy nghĩ như vậy được. Dù gì chỉ có mấy chữ ngắn tí, liếc vội cũng hiểu rõ được ngay, mắc gì phải đọc từng chữ? Bảo không có ý gì khác thì khó mà tin được lắm.
Chỉ là, Nhiếp Chấn Hoành không biết tại mình hoa mắt hay do xe rung lắc, mà anh thấy khẩu hình cậu hàng xóm đang mấp máy lại không khớp với mấy chữ kia lắm. Bị cái tật gì không biết, chẳng hiểu ra làm sao cả. Thôi thôi, chắc chắn anh lại nghĩ nhiều rồi. Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy mình không thể để cậu ngố này làm cho lú não được, nên anh bèn vỗ nhẹ lên lưng Lâm Tri. “Nhìn gì thế, em ngồi đi.” Vừa lên xe là anh đã nhận ra tâm trạng của cậu hàng xóm hơi là lạ, hình như cu cậu không thích chen chúc trong đám đông thế này, cứ đứng xích lại gần anh. Giờ có ghế trống, để cu cậu ngồi xuống rồi anh che đằng trước là có thể ngăn được hầu hết những người xung quanh. Lâm Tri nghe vậy, tai giật giật. Cậu nhìn quanh quất, rồi lại nghiêng đầu quan sát sắc mặt Nhiếp Chấn Hoành.
Phát hiện người đàn ông quả thực không có vẻ gì là muốn ngồi, cậu bèn nghe lời ôm ba lô, dứt khoát ngồi lên đó. Cậu chẳng hề để tâm đ ến việc thanh niên trai tráng như mình ngồi lên ghế ưu tiên đỏ au cho đối tượng đặc biệt thì có bị người khác khinh thường không. Từ góc nhìn của Nhiếp Chấn Hoành, anh chỉ cảm thấy Lâm Tri vẫn được coi là trẻ con.
Tuy đây là ghế ưu tiên, nhưng giờ không có ai cần nhường chỗ trên xe, cho cu cậu ngồi cũng chẳng sao. Nhưng anh lại không biết rằng, hiện giờ tư duy của anh và Lâm Tri hoàn toàn không khớp nhau. Trong nhận thức của Lâm Tri, chỉ có một nguyên nhân để được phép ngồi xuống —— đó chính là, bản thân cậu phù hợp với yêu cầu sử dụng chiếc ghế ưu tiên này. Cậu, bị bệnh. Người bệnh, đương nhiên có thể ngồi ghế ưu tiên. — Nha Đậu: Lão Nhiếp: Hả.
Sao anh lại ngồi được? Xem thường ai thế? Chít Chít: Em, bị bệnh.
Em ngồi. Lão Nhiếp: Được thôi.
Anh, bị tàn tật.
Anh cũng ngồi (ngoan ngoãn ngồi xuống sát cạnh Chít Chít).