Thợ Sửa Giày

Chương 35: 35: Em Không Đọc






“Chẳng phải thế sao!”
Hà Khiêm giơ tay chỉ hai bức họa treo trên bức tường trong tiệm sửa giày, “Lần trước tới đây tôi đã để ý rồi, đấy là tranh Tiểu Lâm vẽ đúng không?”
Mắt anh ta chất chứa vẻ chờ mong.

Đoạn, anh ta lại liếc tác phẩm còn chưa hoàn thành trên bảng vẽ của Lâm Tri, tha thiết bày tỏ, “Phong cách chủ đạo của tạp chí bên tôi cũng là màu nước, hoa cỏ chim thú, cùng lắm là mấy nhân vật hoạt họa đơn giản thôi, không khó vẽ đâu.

Tôi thấy tranh của Tiểu Lâm màu sắc rất đậm đà, nội dung tranh cũng không trừu tượng, chắc chắn đủ trình độ để nhận bản thảo!”
Sợ Nhiếp Chấn Hoành không đồng ý, Hà Khiêm lại nói, “Ban nãy tôi cũng bảo Tiểu Lâm rồi, không bắt thằng bé vẽ không công đâu.

Tiền nhuận bút bên tôi đều có hợp đồng ràng buộc, đã chọn thì nhuận bút sẽ về nhanh thôi.
“Lần trước tôi đã nói rồi mà, giờ tụi trẻ toàn kiêm nghiệm nhiều chức.

Chú xem Tiểu Lâm làm thợ học việc trong tiệm này, bình thường chỉ có lương cứng thôi đúng không? Có thể lấy việc vẽ tranh làm nghề phụ mà! Thi thoảng nhận đơn riêng, ông chủ Nhiếp làm sếp cũng châm chước cho nhân viên tí nhé?”
Trước kia Hà Khiêm cũng đã chứng kiến quá trình Lâm Tri “vào ở” trong tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành.

Nhưng anh ta nào biết được, ông chủ Nhiếp là sếp xịn, nhưng cu thợ học việc lại không phải học việc real.
Chẳng những không học được bất kỳ kỹ năng sửa giày nào, mà còn chẳng có lấy nửa cắc tiền lương.
“Khụ, đương nhiên là em không có ý kiến gì rồi.”

Nhiếp Chấn Hoành xoa chóp mũi, hơi nhột trước những lời ba láp của Hà Khiêm.
Nói cứ như thể anh là một ông sếp bất lương, o ép chú nhóc học việc đáng thương tới độ cu cậu chẳng dám hé răng, còn phải để người khác khuyên nhủ hộ.
Anh vội vàng đưa quyển tạp chí nhi đồng mình đang cầm cho Lâm Tri, đồng thời giải thích với Hà Khiêm, “Lâm Tri không học việc trong tiệm em đâu, chỉ ngồi đây giết thời gian với em thôi.

Anh muốn đặt bản thảo của em nó thì cứ nói thẳng là được.”
“Vậy à.” Hà Khiêm đẩy kính, lại nhìn về phía Lâm Tri, “Thế thì… Tiểu Lâm, cậu nghĩ sao? Chịu nhận chứ?”
Bên ngoài là tiếng ồn ào náo động khi mọi người lục tục về nhà lúc chiều tà, nhưng trong tiệm sửa giày nho nhỏ này, bầu không khí lại lặng đi thật lâu.
Cậu thanh niên bị hai người đàn ông nhìn chăm chú vẫn cầm bút vẽ, không đưa tay ra nhận quyển sách mỏng kia.

Cậu trốn sau bảng vẽ, tựa như một chú hamster sợ sệt, quan sát bìa tạp chí bằng ánh mắt hơi kháng cự.
Môi khẽ mím lại, không nói một câu.
Nhiếp Chấn Hoành nhìn theo ánh mắt Lâm Tri.
Mặt bìa là một bó hoa được ôm trong vòng tay đứa trẻ.

Những chấm hồng đậm nhạt khác nhau nhuộm thành vẻ dịu dàng và thanh nhã của riêng loài hoa cẩm chướng, phối cùng những dòng chú thích đặc biệt ở rìa bìa tạp chí, liếc mắt một cái là có thể hiểu rõ hàm ý ẩn giấu và nội dung trong đó.
Nhưng Lâm Tri lại nhìn rõ lâu.
Ban đầu, Nhiếp Chấn Hoành còn tưởng cậu nhóc nhớ tới mẹ mình, không muốn nhận chủ đề sáng tác như thế.

Nhưng về sau anh quan sát cẩn thận đôi mắt đen của cậu em nhà hàng xóm đang nhìn vào đâu, thì chợt phát hiện… hình như Lâm Tri chỉ đang, đọc chữ thôi.
Đúng vậy.
Tựa trẻ nhỏ mới học cách đọc, cậu đang phân biệt từng chữ được in trên bìa tạp chí.
Anh thầm lấy làm ngạc nhiên, còn Hà Khiêm đứng bên cạnh lại sốt sắng không chờ nổi, hỏi gặng, “Tiểu Lâm nghĩ gì đấy? Không biết vẽ gì hả?
“Không khó đâu! Chủ đề kỳ tới bên anh là Ngày Của Mẹ.

Bộ phận truyền thông bên anh đã góp nhặt riêng rất nhiều lời nhắn mà các bé muốn gửi gắm cho mẹ, cho vào mục tương tác.

Bức tranh minh họa còn thiếu nằm đúng ở mục ấy đấy.
“Tiểu Lâm, cậu cứ xem lướt đi, chọn cảnh nào đơn giản trong những bức thư ấy để vẽ là được!”
Nói đoạn, Hà Khiêm chủ động giật bản tạp chí in mẫu còn đang nằm trong tay Nhiếp Chấn Hoành đi.

Anh ta lật sách loạt xoạt, tìm ra chuyên mục nọ, chỉ vào đấy cho Lâm Tri xem, “Nè, cậu nhìn đi, bên anh đã in hẳn thư tay của các độc giả nhỏ tuổi vào đây rồi!”
Trên trang sách rộng mở, những bức thư từ các bạn nhỏ ở khắp trời Nam bể Bắc đều được in trong đó.

“Sau này lớn lên, con muốn trở thành phi hàng gia.

Vậy là con có thể chở hết những âu no của má bay ra ngoài không gian!”
“Em có một người mẹ rất hung rữ.

Những lúc em không ngoan, mẹ sẽ như xư tử Hà Đông, kêu cà uồm cà uồm.

Bố em nói thầm với em, thật ra ở trong lòng, mẹ là miu con đấy! Về sau em sẽ bớt nàm mẹ giận, mẹ sẽ kêu meo meo với em và bố ạ…”
“Chúc mẹ có một Ngày Của Mẹ thật vui! Con đã để giành 50 đồng tiền, khao mẹ ăn món mà mẹ thích nhất.

Vậy nên, ba tháng nữa là sinh nhật con rồi, mẹ dẫn con đi ăn hăm ba gơ nha?”
Những màu mực khác nhau, những nét chữ đáng yêu riêng biệt, thậm chí còn có nhiều lỗi chính tả và phiên âm.

Nhưng chúng đều có điểm chung, đấy là lời văn chan chứa sự chân thành và tình cảm của trẻ thơ, đọc lên vừa làm người ta ôm bụng cười, lại vừa khiến độc giả phải xúc động.
Nhiếp Chính Hoành đọc mấy bức thư này mà không nhịn nổi cười, nhưng liếc thoáng qua vẻ mặt Lâm Tri, nụ cười kia dần nhạt đi, hóa thành lắng lo.
“… Tri Tri?”
Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành đang tựa vào bàn để dụng cụ trong tiệm.
Lâm Tri ngồi ngay bên phải anh, còn Hà Khiêm thì ngồi xổm trước mặt hai người.

Cổ tay phải đang chống bàn của Nhiếp Chấn Hoành đột nhiên bị Lâm Tri túm lấy, lực kéo đi kèm khiến thân thể anh không khỏi ngả về phía Lâm Tri.
Hình như cậu hàng xóm đang vô thức muốn kéo anh tới trước mặt mình làm một tấm khiên chống đao kiếm, dùng anh để tránh né động tác của Hà Khiêm.
“Sao thế?”

Nhiếp Chấn Hoành cảm nhận được cơn run rẩy truyền đến cổ tay mình.

Những lời anh nghe thấy càng khiến trái tim anh run bắn.
“Không đọc đâu…” Sắc mặt Lâm Tri hơi tai tái, “Em không đọc đâu…”
Cậu co rúm người lại đằng sau Nhiếp Chấn Hoành, căng thẳng lắc đầu, “Đừng, đừng bắt em đọc… Em đần lắm…”
Câu này lộn xà lộn xộn không đầu chẳng đuôi.

Lâm Tri lẩm bẩm, nhìn Hà Khiêm với vẻ mặt như thấy quái thú không bằng.

Nhiếp Chấn Hoành thậm chí còn để ý cặp mắt đen bình thường luôn bình lặng không dao động của cậu thanh niên cũng tỏa ra vẻ hoảng sợ.
Hà Khiêm hoàn toàn không hiểu đầu cua tai nheo thế nào.

Về phần Nhiếp Chấn Hoành, tuy không rõ thứ gì đã k1ch thích Lâm Tri, nhưng anh vẫn lập tức đứng thẳng người dậy, chắn cả Hà Khiêm và quyển tạp chí đằng sau thân hình cao lớn vạm vỡ của mình.
Chờ đến khi trong mắt Lâm Tri chỉ còn bóng dáng anh, Nhiếp Chấn Hoành mới dịu giọng nói với cậu, “Đừng sợ, đừng sợ mà.”
Anh nâng tay trái, vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay đang nắm chặt cổ tay phải mình, “Không sao, đừng nhìn, chẳng có gì hay đâu.

Không muốn vẽ thì mình đừng vẽ nữa, không sao.”.