Công khai xong về hội chợ từ thiện là chẳng mấy hôm sau các hộ buôn bán đã được tụ tập đông đủ để chuẩn bị tổ chức ngày hội ngay. Ngày bán họ chọn là một cuối tuần trong tháng 8.
Cao xanh giúp đỡ, mặt trời lên cao, còn được hôm trời trong văn vắt hiếm hoi ở Dung Thành.
Sáng nay quầy hàng của các nhà đã được dựng ở quảng trường bên ngoài khu trung tâm thương mại lớn, nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người qua đường đi mua sắm. Diện tích của quảng trường rất lớn.
Hơn 40 trại bốn góc căng vải đỏ trắng xếp liền với nhau.
Những dải lụa đào đan xen, chia cắt quảng trường thành những con hẻm ngang dọc.
Khu tập thể xưởng máy móc của hội Nhiếp Chấn Hoành được chia 6 trại, nhưng số trại ấy cũng suýt không bày đủ những món hàng mà bà con xóm giềng quyên tặng để đi bán từ thiện. Cũng đành chịu vậy, khu tập thể cũ tuy không có cửa hàng to, nhưng hai bên đường cũng gần trăm hộ làm ăn buôn bán.
Dù không phải hộ nào nhà nào cũng đồng ý tham gia sự kiện này, nhưng số người nhiệt tình tích cực cũng khá đông.
Còn có một ông cụ thầu mấy cửa tiệm mặt tiền cống hiến hẳn một gian trống coi như kho, để xếp những món đồ mọi người quyên góp vào. Nhưng chỉ trong vài hôm ngắn ngủi, gian nhà kho đấy đã gần như được chất đầy. Mấy ngày nay Tôn Mạn Cầm cũng đóng hẳn tiệm may, dồn hết tâm sức chuẩn bị cho buổi bán hàng từ thiện.
Dì ghi hết những thứ từng bà con hàng xóm láng giềng quyên góp lại, ai cung, cung cấp hàng gì, giá trị bao nhiêu, giá bán thế nào… Tấm lòng của mỗi người hàng xóm đều được dì ghi chép lại cẩn thận trong sổ.
Đây không chỉ là tư liệu tham khảo để phục vụ cho buổi hội chợ từ thiện, mà Tôn Mạn Cầm còn muốn trao tận tay cho bà Cam sau khi bà cụ phẫu thuật xong. Tôn Mạn Cầm cũng không giấu giếm chuyện này với Khả Khả. Tuy cô bé mới hơn 4 tuổi, nhưng tục ngữ bảo con nhà nghèo chóng chèo lái, phải sống nương tựa với bà từ nhỏ nên Cam Khả Khả trưởng thành hơn các bé gái cùng trang lứa nhiều, bé rất hiểu chuyện.
Lâu ngày không thấy bà đâu, hồi đầu Cam Khả Khả chỉ khóc một đêm, ngày hôm sau bé đã lau khô nước mắt ngoan ngoãn hỏi dì Tôn mình có thể giúp gì cho mọi người được không. Tôn Mạn Cầm nói giảm tính nghiêm trọng của vấn đề bà Cam đang gặp phải, bảo cô bé là bà của bé chỉ bị ốm vặt thôi, giờ mọi người đang tính cách gây quỹ giúp bà mau khỏe.
Dì bảo bé đừng lo, cứ đi chơi với các bạn cũng được.
Nhưng Cam Khả Khả chẳng muốn ra ngoài tẹo nào, chỉ cun cút đi theo Tôn Mạn Cầm như cái đuôi nhỏ.
Bé không làm vướng việc của dì, đôi khi còn tinh mắt giúp được dì nữa. Tôn Mạn Cầm thương cô bé còn ít tuổi như thế mà đã hiểu chuyện vậy rồi, nhưng thấy thực sự không đuổi nổi Cam Khả Khả, dì quyết định giao công việc dán nhãn giá hàng từ thiện cho cô bé.
Mỗi lần có hàng về kho, Tôn Mạn Cầm ghi lại giá trong sổ, còn Cam Khả Khả thì lập tức xoay bàn số bên cạnh mình, in nhãn giá ra dán lên hàng hóa. Tới cuối tuần, tất cả các món hàng thuộc sáu quầy hàng đã được dán đủ nhãn giá, trông sặc sỡ đẹp tươi, phong phú đủ kiểu. Vì hầu hết bà con trong khu tập thể cũ đều phải mở tiệm bán hàng vào cuối tuần, nên cũng chẳng mấy người có thể đi trông quầy từ thiện.
Ngoài Tôn Mạn Cầm đưa bé Khả Khả theo, thì cũng chỉ có thêm Nhiếp Chấn Hoành đăng ký, và chủ tiệm bán đồ chơi trẻ em ở phố bên giơ tay.
Tôn Mạn Cầm nộp danh sách lên, lại bị tổ trưởng Hách trả về.
Tổ trưởng Hách nói bên họ ít người đi quá, nếu không đủ người trông quầy, thì phải bớt một số mặt hàng đi. Vẫn chưa giải quyết được vấn đề chi phí phẫu thuật cho bà Cam, làm sao mọi người chịu bán bớt đồ đi được? Tôn Mạn Cầm lại vội vàng liên hệ lại với mấy láng giềng có con lớn lớn một tẹo, bảo họ cho mấy đứa đáng tin cậy đi trông.
Thế là cuối cùng, Uông Tiểu Quân con nhà chị Uông quán quà sáng, Đỗ Tử Vân con gái chị Ba làm hàng rau trộn, thêm cả Tri Nhạc nhà Phan Mỹ Liên, ba cô cậu này cũng gia nhập vào hàng ngũ bán hàng từ thiện, trở thành ba chủ quán nhỏ đại diện cho khu tập thể cũ xưởng máy móc trong hội chợ từ thiện. “Qua xem, mời bà con cô bác qua xem! Bánh bao nhân thịt mới hấp đây! Thịt tươi ngó sen xắt nhỏ nấm hương, thêm cả trứng luộc nước trà chính tông nữa!” “Hạt dưa, hạt dưa vừa rang mới tinh tình tình, có vị cay vị caramel ngũ vị hương! Còn cả bột ngũ hắc, viên mè đen mật ong ngừa rụng tóc, bột ý dĩ chống phù nước, tất cả đều được sao chín trong chảo gang, về pha nước là uống được liền! Nào, chị gì ơi, nếm thử nhé?” (Bột ngũ hắc là loại bột nghiền từ 5 loại đậu đỗ đen là mè đen, đậu đen, gạo đen, dâu tằm, hắc cẩu kỷ.
Bột này ngừa oxy hóa, chống gốc tự do, tránh rụng tóc.
Viên mè đen mật ong là mè đen trộn với mật ong, đôi khi kèm cả hà thủ ô, giúp giải độc gan thận, bổ não, chống lão hóa, tốt cho tóc.
Bột ý dĩ làm từ cây ý dĩ, hay còn gọi là cỏ cườm, bo bo, chống ung thư, chống phù nước, hút nước trong cơ thể.)
“Chiếu với gối lạnh đây, Hè này ngủ khỏi cần bật điều hòa! Không rôm sảy cũng chẳng muỗi đốt, con nằm không khóc, chồng ngủ không ngáy! Mua một chiếc về đi!”
(Gối lạnh, soft ice pack) Buổi sáng không đông người đi dạo phố lắm, nhưng cũng chẳng phải là vắng.
Trên quảng trường lộ thiên, thỉnh thoảng lại có người đi đường dừng bước, cầm món hàng trên quầy lật xem đánh giá.
Mà chỗ đông đúc nhất giữa các quầy, thì tập trung ở phía bên phải quảng trường. Tiếng gào bên đó là to nhất, gằn mạnh nhất, khiến người ta không khỏi đưa mắt dỏng tai về hướng ấy, xem rốt cuộc bên ấy bán món gì mới mẻ thế, mà đáng để chủ quán rao hàng nhiệt tình đến vậy. Nhiếp Chấn Hoành cũng ngồi giữa những quầy hàng đắt khách nhất này.
Chẳng qua anh không tràn trề sức sống như ba cô cậu thanh niên, mà chỉ ngồi kế quầy hàng, đỡ trán nhìn bé con nhà mình nghiêm túc bày hàng lên quầy bán. Nhiếp Chấn Hoành đóng gói hết mấy món nhỏ nhỏ trong tiệm mang ra đây, nào là ví tiền, ổ khóa, móc khóa, thắt lưng, nguyên một đống hằm bà lằng.
Tiếc thay ban tổ chức chỉ cung cấp một cái bàn và khăn trải bàn, không có giá trưng bày cho người bán bày biện, nên hàng hóa về cơ bản cứ dàn trải trên mặt quầy là xong. Nhiếp Chấn Hoành vốn cũng định trải bừa cho xong, nhưng Lâm Tri lại chủ động vươn tay ra phân loại từng món hàng họ đem theo.
Chỉnh trang xong xuôi, bé con mở chiếc ba lô mình luôn mang theo, lấy mấy tờ giấy vẽ và bút màu ra. “Em muốn vẽ tranh à?” Nhiếp Chấn Hoành hỏi. Lâm Tri lại lắc đầu, cúi xuống cắt những tờ giấy dài thành hình vuông, rồi bắt đầu gấp chúng. Gập hai hình tam giác ở trái và phải, sau đó gấp đôi lên, gấp thêm hai hình tam giác ở mặt trái, rồi lật mặt trên xuống dưới,… Ngón tay thon dài tung bay linh hoạt, Nhiếp Chấn Hoành còn chưa kịp nhìn rõ động tác ở mỗi bước, những ngón tay của Lâm Tri đã kéo phần giữa của hình gấp giấy ra.
Phụp một tiếng, mặt phẳng căng thành một hình khối xinh xẻo. “Oa! ~” Cô bé Cam Khả Khả ngồi chung với Tôn Mạn Cầm ở một quầy khác là người đầu tiên ngạc nhiên hô lên.
“Anh Chít Chít, đây là cái gì thế ạ?!” Cam Khả Khả toàn nghe Nhiếp Chấn Hoành gọi Lâm Tri là “Tri Tri”, còn tưởng đấy là “Chít Chít” như tiếng chuột kêu, nên bản thân bé cũng hớn hở gọi cậu như thế. “Ừm, nó là…” Lâm Tri vốn định bảo thứ cậu gấp là cái hộp để trang trí. Nhưng trước đôi mắt sáng lấp lánh đỏ rực của bé gái đang nhìn mình, cậu chợt sửng sốt, không nói tiếp nữa.
Cậu cúi xuống rút một cây bút vàng ra, tô vẽ ở thành hộp giấy, phác họa một vòng sao nhỏ màu vàng chanh. Sau đó, cậu đội những ngôi sao lấp lánh long lanh ấy lên đầu cô bé. “Là mũ đấy.” Nhiếp Chấn Hoành ngồi cạnh quan sát, từ đầu chí cuối không xen vào cuộc đối thoại giữa hai người. Chỉ đến khi Lâm Tri vẽ xong, anh mới cười tủm tỉm duỗi tay ấn chiếc mũ giấy nhỏ trên đầu Cam Khả Khả cho chắc hơn chút nữa. “Đúng vậy, đấy quả là một chiếc mũ nhỏ xinh xắn. “Thần bút Mã Lương nhà chú mà đã vẽ, thì có thể thực hiện một tâm nguyện của Khả Khả đó.” Lâm Tri ngẩng đầu, nhìn Nhiếp Chấn Hoành với vẻ khó hiểu.
Còn Cam Khả Khả cũng vui vẻ chắp tay, nhắm mắt ước, “Vậy thì con mong là —— mong là bà mau khỏe lại ạ!” Những người đi đường xung quanh nghe thấy điều ước hồn nhiên ấy thì đều không khỏi nhìn về hướng này.
Ánh mắt họ hiền hòa quan tâm, một số còn vấn vương nụ cười trước sự ngây ngô của con trẻ. Về phần Nhiếp Chấn Hoành, anh túm ngón tay Lâm Tri, ấn nhẹ lên phần giữa trán của Cam Khả Khả. “Ừ, nhất định là thế rồi.” Có bao nhiêu người cũng đang cố gắng, đang trao đi tình thương. Bà Cam nhất định sẽ khỏe lại..