Bữa trưa với món gà nấu nồi đất cực kỳ vững dạ, hai anh đàn ông ăn no căng bụng.
Sau đấy Lâm Tri còn định chấm bánh ngô hấp ven nồi vào súp ăn tiếp, nhưng bị Nhiếp Chấn Hoành nhẫn tâm ngăn lại vì sợ cậu đau bụng. Lâm Tri cũng ngoan, không đòi ăn nữa, còn chủ động mang bát đũa ra bồn rửa.
Nhiếp Chấn Hoành dọn xong thức ăn thừa thì phát hiện bé con đã rửa xong hết bát đũa, đang đứng cạnh bồn nghiêm túc lau khô bệ bếp bị nước hắt. Anh vốn định bước lên giúp cậu, nhưng sau đấy quan sát một hồi, anh lại không nhúc nhích nữa.
Anh chỉ tựa vào khung cửa phòng bếp, dịu dàng ngắm bóng lưng cao ráo đĩnh đạc của chàng trai trẻ tuổi. Trước kia Nhiếp Chấn Hoành chẳng bao giờ cho Lâm Tri làm những việc này, anh thương cậu, nên ôm hết việc vào mình.
Nhưng giờ xem ra, có vẻ anh suy nghĩ hơi thiển cận.
Họ là người yêu, là những người đem lòng thích nhau, nếu anh muốn làm nhiều điều cho Lâm Tri, thì cùng theo lý ấy, hẳn là Tri Tri của anh cũng muốn làm nhiều điều cho anh. Chuyện này khiến Nhiếp Chấn Hoành nhớ lại cảnh hôm mình tỏ tình, bé con còn nằng nặc đòi cõng anh.
Tri Tri của anh trước nay luôn nói chuyện rất nghiêm trang, không đùa giỡn bao giờ.
Chính anh mới không đủ nghiêm túc, luôn không coi những câu chữ ngây thơ của cậu là thật. Sau này sẽ không vậy nữa. Đợi Lâm Tri rửa bát xong, cất đồ đạc về đúng chỗ của chúng, Nhiếp Chấn Hoành mới đi vào phòng bếp, bước đến cạnh cậu, khen, “Tri Tri nhà mình giỏi quá!” Quả nhiên, bé con nghe vậy là khoe ngay đôi má lúm vui vẻ, còn chủ động nói với anh, “Sau này anh Hoành nấu cơm, em rửa bát!” Chịu luôn, còn phân công công việc trong gia đình nữa này.
Nhiếp Chấn Hoành bật cười, “Em nghe câu này ở đâu thế?” “Ừm,” Lâm Tri nghiêng đầu nghĩ ngợi, “Chị Trương ạ.” Hai vợ chồng Trương Thúy Phương và Vương Kim Bảo quả thực là hình ảnh thu nhỏ của một gia đình điển hình ở Dung Thành.
Gái đanh đá trai sợ vợ, rất hay diễn tuồng ngay cạnh cửa hàng của Nhiếp Chấn Hoành.
Nhiếp Chấn Hoành có cảm giác gần như tất cả nhận thức về gia đình của Lâm Tri bây giờ đều bị hai người đó tẩy não rồi. “Chị Trương bảo anh Vương chẳng bao giờ đỡ đần việc gia đình.
Nếu còn thế nữa thì sẽ… sẽ đuổi anh ấy ra khỏi nhà ạ.” Thật ra nguyên văn lời Trương Thúy Phương là —— “Bà đây cực khổ nấu cơm rửa bát, ông thì chổng mông ngồi đấy xem TV mới chả xỉa răng! Còn không xách đít lên làm việc cho bà, thì tự xách bao lên cuốn xéo ra ngoài!” Nhiếp Chấn Hoành cũng nhớ tới đoạn đối thoại đấy của hai vợ chồng, anh vừa lau khô tay cho bé con, vừa hứa hẹn, “Yên tâm, nhà mình không có luật nào như thế đâu.
Em muốn làm thì làm, không muốn thì để anh làm cho.
Anh Hoành không nỡ đuổi em ra khỏi nhà đâu.” Lâm Tri chớp chớp mắt, nhưng trái tim lại rộn ràng sướng vui. “Vâng ạ.” Cậu gật đầu, “Em muốn làm.” Cậu nắm bàn tay Nhiếp Chấn Hoành, mơn trớn những ngón tay thô ráp của người đàn ông, nói, “Anh Hoành vất vả, em muốn giúp anh Hoành.” Ngày nào anh Hoành cũng bận rộn sửa giày trong tiệm, vừa bẩn vừa mệt, Lâm Tri cảm thấy mình không thể làm được công việc như vậy.
Hơn nữa anh Hoành còn có thể sửa những đôi giày hỏng hóc đẹp lại như mới, à không, còn đẹp hơn êm chân hơn lúc mới mua chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Quả thực trên đời chẳng có gì ngầu hơn thế nữa. “Em ấy à…” Nhiếp Chấn Hoành nâng mặt Lâm Tri lên, hôn mấy cái thật kêu, “Có em bên cạnh, anh chẳng vất vả tẹo nào.” * Cơm nước dọn dẹp nhà cửa xong, hai người định xuống lầu mở cửa hàng.
Lúc ra khỏi cửa, họ tình cờ gặp bác Trịnh nhà đối diện.
Ông cụ đang ôm một bó hoa cỏ to, gần như che kín khuôn mặt có chòm râu bạc. Nhiếp Chấn Hoành hỏi bác đi đâu đấy, bác Trịnh đáp mình xuống lầu vứt rác.
Đống này là mấy cành lá bị sâu bệnh và nụ hoa mà bác tỉa bớt sau khi dọn vườn hoa nhỏ nhà mình.
Hoa cỏ trên ban công nhà bác nhiều quá, phải tưới tắm cắt tỉa thường xuyên, chăm cây cũ tỉa cây mới, không là dễ mọc lan tràn, nhà bác không chứa được mất. Nhiếp Chấn Hoành nhìn những đóa hoa sặc sỡ trong đống hoa cỏ ấy, hơi kinh ngạc, “Bác bỏ hết chỗ này ạ?” Bác Trịnh nhìn anh với vẻ chê bôi, “Mấy bông này nở toe toét rồi, còn không cắt thì chúng sẽ cướp hết chất dinh dưỡng mất, các nụ trổ muộn hơn sẽ không lên được.” Lâm Tri đứng cạnh tò mò sờ những cánh hoa đã nở hết, cảm thấy chúng đang rất tươi tắn, xinh đẹp vô cùng.
Cậu thấy mấy đóa màu trắng trong đó, thậm chí còn nghiêng người lại gần ngửi.
Nhiếp Chấn Hoành trông vậy, quyết định đưa tay ra ôm đống cành to bác Trịnh đang cầm vào lòng mình, cũng chẳng khách khí, “Vậy bác đã không cần thì cho cháu nhé, cháu mang về cắm trong tiệm cho thêm hương sắc.” Tay bác Trịnh nhẹ bẫng đi, bác cười mắng, “Cháu tưởng tiệm cháu bán son phấn hay sao, lại còn thêm thắt hương với chả sắc!” Bác Trịnh cũng ngầm hiểu là Nhiếp Chấn Hoành muốn giúp mình, để bác bớt phải xuống lầu cho mệt thân vì mấy chuyện lặt vặt, bởi vậy bác cũng đồng ý.
Nhưng bác vẫn kêu hai thanh niên chờ một lát, quay người lại đi vào nhà, “Tiểu Nhiếp à, nếu cháu muốn cắm trong cửa hàng thật, thì để bác chọn mấy nụ sắp nở cho cháu.
Cháu chỉ cần bỏ vào lọ thủy tinh, cứ hai hôm lại thay nước một lần là được, để được mười ngày nửa tháng đấy!” Kết quả của việc bác Trịnh về nhà lựa hoa là, ngoài đống cành cây hoa cỏ mà Nhiếp Chấn Hoành đang ôm trong lòng, thì Lâm Tri cũng cầm thêm một bó nụ hoa tươi mới xinh tươi nữa.
Thấy hai người sắp ôm không xuể, Bác Trịnh mới vui vẻ xua tay, thả họ đi. Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri nhìn nhau, đều trộm thở phào, nhanh chân đi xuống.
Ở đằng sau, giọng nói sang sảng của ông cụ còn vẩn vương trong hành lang: “Nhớ phải thay nước với cho nó phơi nắng nhé!” Xuống lầu rồi, Nhiếp Chấn Hoành vừa kéo cửa cuốn lên là Lâm Tri đã ôm hoa đến bàn dụng cụ, hứng khởi nghịch chúng. Nhiếp Chấn Hoành tìm khắp xung quanh mà không thấy lọ nào hợp để cắm hoa, chỉ có mấy cái ly nhựa xấu hoắc.
Vì thế anh bèn bảo Lâm Tri sang hàng xóm xung quanh hỏi xem mấy nhà bên ấy có chai lọ vại bình gì bỏ đi không, thì cho hai người mượn với. Thật ra khi nói ra câu ấy, Nhiếp Chấn Hoành vẫn hơi lo là Lâm Tri không muốn đi.
Dù gì bình thường bé con cũng không giao lưu nhiều với bà con khối phố xung quanh, về cơ bản cậu toàn theo cạnh anh, thi thoảng mới gặp họ thôi.
Nhưng có lẽ cậu đã quen dần với con phố này, hoặc thi thoảng được tiếp xúc với mấy việc lặt vặt thường ngày, hay cũng có thể là tại thế giới mà ve con được chiêm ngưỡng trong khoảng thời gian gần đây đã lớn hơn ngày xưa rất nhiều, nên Lâm Tri không tỏ thái độ phản đối, vâng dạ rồi đi ngay. Cậu đi được một lát, Nhiếp Chấn Hoành mới phát hiện số hoa trên bàn đã ngót đi một nửa.
Anh thò đầu ra ngoài, cảnh tượng nhìn thấy lại khiến anh vui vẻ bất ngờ. Chàng trai trẻ mặc bộ đồ nhạt màu ôm hoa đứng trước sạp hoa quả bên kia đường, ngửa đầu nói chuyện với Lão Chu đang bán rau trên bậc thang. Chẳng biết cậu nói gì, mà Lão Chu nhe hàm răng đen xì vì hút thuốc, phấn khởi bật cười lôi một cái lọ thủy tinh to màu lam ra từ trong góc, còn lấy một cái túi nilon đỏ rực trong tiệm mình để cậu đựng lọ. Chàng trai nhận túi, rút hai đóa ra từ bó hoa mình ôm trong lòng, tặng lại cho Lão Chu.
Lão Chu hớn hở cắm thẳng chúng lên khe móc giữa đống túi tắm của mình, xâu chỗ túi lại.
Nhìn từ xa, trông chúng như những cánh hoa diễm lệ rũ xuống từ một bông hoa đỏ vậy. Rời khỏi chỗ Lão Chu, Lâm Tri lại đi về phía tiệm mỳ cạnh bác ta.
Chẳng bao lâu sau, cái túi đỏ của cậu lại có thêm mấy chai thủy tinh trong suốt dùng để đựng sữa đậu và bia, bó hoa trong lòng thì ngót đi mấy đóa. Nhiếp Chấn Hoành không quan sát nữa, về nhà dọn dẹp đống dụng cụ trong nhà để mở tiệm.
Nhưng khóe môi anh chưa từng hạ xuống.
Anh thầm ngân nga một bài hát vui trong lòng, còn chẳng để ý di động của mình rung lên mấy lần. Khi Lâm Tri quay lại cửa hàng, cậu đã phát hết số hoa trong lòng, cái túi nilon xách theo cũng chứa đầy bình thủy tinh. Nhiếp Chấn Hoành nín cười, tính xem thử bé con mang nhiều chai lọ vại bình về như thế làm gì.
Không ngờ Lâm Tri lại chẳng thấy mình mang về nhiều, chỉ lặng lẽ vùi đầu ở chỗ bàn dụng cụ nhặt nhạnh phân chia.
Đến khi Nhiếp Chấn Hoành dọn dụng cụ xong ngoái lại nhìn, anh bỗng thấy hoa mắt trước cảnh muôn hồng nghìn tía đậm nhạt hài hòa. Những chiếc lọ thủy tinh cao lùn béo gầy đủ kiểu đã được lấp đầy bằng những loài hoa và cành lá khác nhau.
Lâm Tri không phân chúng ra thành từng loại riêng rẽ, mà chỉ dựa vào cảm giác của mình để cắm xen kẽ những đóa hoa và cành lá đủ chủng loại đủ độ tươi héo vào các bình. Nhiều màu tím đậm tím nhạt, cũng lắm vàng nhạt xanh non.
Có hạnh đỏ đào hồng đang độ tươi thắm, cũng có cành khô lá vàng đượm vẻ thanh tao.
Nhiếp Chấn Hoành không rành nghệ thuật lắm, chỉ cảm thấy chúng vô cùng hài hòa, nhìn rất thích mắt. “Em tính để ở đâu?” Anh giao hết quyền quyết định vào tay cậu nghệ sĩ nhà mình. “Ừm…” Lâm Tri ngẫm lại lời ông Trịnh dặn, bày mỗi bình vào một góc cửa của tiệm giày.
Bó hoa màu cam vàng tràn ngập sức sống hướng về phía mặt trời, chúng lay động đón gió trong chai rượu màu xanh lục nhạt, trông rất hút mắt mời chào khách đến.
Còn phần lớn những bình hoa kia thì được Lâm Tri mang ra sân sau của cửa hàng.
Chỗ đấy vừa hay có một cái lu sứ lớn để trữ nước.
Lâm Tri bèn quây đống bình hoa thành vòng quanh lu, có thể nói đã tìm được chốn phong thủy đẹp giàu nước giàu nắng cho chúng. Cuối cùng, trên bàn để dụng cụ, chỉ còn những nụ hoa màu trắng nho nhỏ.
Chúng chính là thứ đã hấp dẫn ánh nhìn của Lâm Tri ngay từ đầu, khiến cậu phải lại gần ngửi hương. “Em thích hoa sơn chi à?” Nhiếp Chấn Hoành bước lên cầm một đóa rụng khỏi cành lên, hương hoa quen thuộc thoảng vào chóp mũi.
(Hoa sơn chi, gardenia, hoa dành dành có màu trắng, khi hoa đến thời gian tàn lụi thì chuyển màu hơi vàng.
Hoa sơn chi mọc vào khoảng tháng 3-5 hằng năm.
Hoa mọc riêng lẻ nơi đầu cành.
Bông sơn chi có 2 loại là hoa sơn chi đơn và hoa sơn chi kép.
Hoa sơn chi có mùi rất thơm.
Hương thơm ngào ngạt, pha trộn chút cay tự nhiên, chút nào đó mùi hương của nấm tươi và cả mùi của sự chín.
Với hương thơm đặc biệt này, sơn chi được sử dụng để điều chế ra nước hoa.
Nước hoa mùi sơn chi cũng là một sản phẩm được khá nhiều người lựa chọn.)
Anh còn nhớ hồi nhỏ, khi gia đình anh ra ngoài chơi, bản thân anh rất hay ngửi được mùi hương này.
Thi hoảng lại có những bà cụ xách giỏ tre rao bán hoa ngọc lan và hoa sơn chi ở ven đường.
Những bông hoa đấy được xâu cuống bằng chỉ trắng, đầu kia thì gắn ghim nhỏ màu vàng, để tiện cho người mua móc thẳng lên quần áo hoặc ba lô.
(Hoa ngọc lan xiên chỉ để bày cho thơm) Mẹ anh thích hoa sơn chi, chị anh thì mê hoa ngọc lan.
Mỗi lần gặp người bán hoa, hai mẹ con đều kêu bố anh chi tiền, mỗi người một đóa.
Hoặc buộc vào cúc áo, hay ghim lên cổ áo, hương hoa sẽ lan tỏa xung quanh, vương vấn suốt ngày dài. “Dạ, thơm ạ.” Hồi ức tương tự cũng hiện lên trong tâm trí Lâm Tri.
Trước kia cậu ra ngoài với mẹ, mẹ cũng thích mua một đóa, ghim lên ngực cậu, hương thơm quẩn quanh bên cậu thật lâu. “Tiếc là không có kim chỉ…” Nhiếp Chấn Hoành giữ cuống hoa, xoay nó giữa hai đầu ngón tay, ánh mắt không khỏi đậu lại phần ngực của chiếc tạp dề vải mà Lâm Tri vừa đeo lên. “Ừ, để ở đây cũng ổn đấy.” Anh kéo chiếc túi trên tạp dề vẽ tranh của người trước mặt ra, cầm phần cuống hoa nhỏ xíu của đóa sơn chi, cắm đóa hoa trắng tinh mang theo hương sữa ngọt lịm vào chiếc túi nhỏ trước ngực Lâm Tri, để lộ nửa số cánh hoa đang nở rộ ra. Sạch sẽ, thơm thơm ngọt ngọt. Như người trước mắt anh vậy..