Mấy ngày sau, Nhiếp Chấn Hoành dành phần lớn thời gian để làm đồ gỗ ở sân sau, giao cửa hàng trống không đã dọn dẹp sạch sẽ cho Lâm Tri để cậu vẽ tường. Anh vốn tưởng cậu họa sĩ nhà anh sẽ phác mấy nét rồi bắt tay vào vẽ ngay, nào ngờ Lâm Tri lại không động bút vội, mà cầm di động và sổ vẽ chạy ra ngoài với Đỗ Tử Vân, như thể đang chuẩn bị làm gì vậy. “Cháu chào cô ạ.
Cô cho cháu hỏi cô đã từng sửa giày ở tiệm giày bên kia chưa ạ?” “Chú, chú sửa đôi đang đeo luôn đấy ạ?” “Vậy cháu có thể xin chụp giày chú một tấm được không ạ?” “Bao giờ cô về nhà, phiền cô chụp giúp cháu đôi giày đấy rồi gửi cho cháu cô nhé?” “…” Những câu hỏi về cùng một chủ đề vang hết hang cùng ngõ hẻm trong khu tập thể cũ suốt mấy ngày liền.
Ban đầu Đỗ Tử Vân còn chưa rõ Lâm Tri muốn làm gì, đến khi Lâm Tri miêu tả sơ cho cô nàng, cô nàng bèn chủ động đảm nhiệm vị trí người tiên phong xã giao, thu thập thông tin khắp nơi giúp Lâm Tri. “Đậu má, không ngờ luôn nha, chụp được mấy trăm tấm liền!” Sau khi nói chuyện với hầu hết hộ buôn bán và người dân đi ngang con phố này, Đỗ Tử Vân mới kéo Lâm Tri ngồi xổm trước tiệm cửa giày, vừa ăn thạch lạnh sùn sụt, vừa kinh ngạc lướt di động cảm thán. (Thạch lạnh: Bingfen: Thạch rau câu với đá, topping cơm rượu, đậu đỗ, trái cây, bánh trôi chay mini.
Đây là món ăn đặc trưng của Tứ Xuyên.)
Hai đứa mua thạch lạnh từ phố bên, còn là loại thạch lạnh có bánh trôi đang rất hot dạo này.
Những cục thạch lạnh nửa trong suốt lẫn với đá bào nhỏ được bỏ đầy cả cốc, rải thêm bánh trôi nhỏ bằng trân châu, và cả một lớp topping đậu phộng, sơn tra, khoai viên, nếp lên men, nấm tuyết nữa.
Cầm trong tay mát lạnh, múc một thìa bỏ vào miệng, vị chua ngọt mềm mại đi kèm với đá bào mát mẻ sật sật.
Dù thời tiết có oi bức thế nào, người ta vẫn có thể thở một hơi khoan khoái.
Lâm Tri đang cúi đầu ăn thạch lạnh, nghe vậy thì ngẩng lên liếc nhìn chiếc điện thoại Đỗ Tử Vân đang cầm, nói: “Còn nhiều nữa cơ.” “Hở?” Đỗ Tử Vân gắng đuổi theo mạch suy nghĩ của Lâm Tri, “Ý anh là, số giày mà chú Nhiếp chủ quán từng sửa còn nhiều hơn thế này hả?” “Ừ.” Lâm Tri gật đầu. “Chắc chắn rồi, chú ấy làm ở đây mấy năm rồi mà,” Đỗ Tử Vân ấn ngón tay tính nhẩm, “Dù mỗi ngày chỉ sửa mười đôi giày, thì ba năm… theo em tính, cũng phải cả mười nghìn đôi ấy!” Đỗ Tử Vân không khỏi líu lưỡi, bội phục giơ ngón cái lên, “Cả đời em cũng chưa thấy mười nghìn đôi giày bao giờ!” Lâm Tri khoe đôi má lúm đồng tiền, mặt đầy vẻ tự hào: “Anh Hoành, giỏi lắm đó.” “Vầng vầng vầng.” Đỗ Tử Vân phát hiện hóa ra mình đã quen nghe mấy lời khen ngốc nghếch mà Lâm Tri dành tặng cho ông chủ Nhiếp.
Cô nàng sợ Lâm Tri lại khen tiếp, bèn lướt đống ảnh giày dép đủ kiểu, hướng sự chú ý của Lâm Tri qua chỗ khác, “Ồ, xem ra nghề sản xuất giày này cũng khá phết! Anh nhìn mà xem, loại gì cũng có á! Thảo nào phía Nam lại có nhiều xưởng sản xuất giày như vậy, ăn nên làm ra thế cơ mà.” Tuy vậy, trong những tấm ảnh mà họ thu thập được, phần lớn đều là giày nữ phong phú đủ kiểu.
Giày nam chỉ có mấy đôi ít ỏi, ngoài giày da thì chỉ có giày thể thao, làm Đỗ Tử Vân không khỏi cảm khái, “Đàn bà ơi đàn bà, tên của nàng đúng là con rết.” Lâm Tri chớp chớp mắt, nghi hoặc hỏi gặng, “Rết ở đâu ra? Sao đàn ông lại không phải rết?” Cậu nhớ tới con rết trên chân anh Hoành.
Vết sẹo dài ngoằng ấy trông cũng y như con rết. Đỗ Tử Vân cười khúc khích, “Đàn ông cũng làm rết được đấy.” Cô nàng không nhịn được mà đụng vào vai Lâm Tri, nháy mắt với cậu: “Sau này anh nhờ anh Hoành nhà anh làm cho anh khoảng 100 đôi giày, mỗi ngày đeo một đôi, thì anh cũng sẽ thành rết thôi.” Lâm Tri cúi đầu, nhìn về phía chân mình. Hôm nay cậu đeo một đôi xăng đan, đôi này anh Hoành mua cho cậu.
Cậu giật giật ngón chân cái thò ra khỏi dép, ngẫm lại lời Đỗ Tử Vân nói, rồi mới chậm chạp đáp, “Không cần.” “Làm rết phí tiền lắm.
Anh…” Cậu nhướn mày, “Anh không cần!” Giờ cậu có giày dép để đeo là đủ rồi.
Anh Hoành bảo, cậu là ve con mà! Biết bay á, không cần nhiều giày vậy đâu! Tuy không hiểu logic của Lâm Tri lắm, nhưng Đỗ Tử Vân vẫn hơi chua chát trước cái kiểu như nàng dâu tiết kiệm tiền cho gia đình của Lâm Tri.
Cô nàng múc mấy thìa đá bỏ vào miệng cho giải nhiệt, đang định truyền thụ kinh nghiệm yêu đương của người từng trải cho anh bạn mình nghe, nhưng quay sang thì người bên cạnh đã mất hút từ lúc nào chẳng hay. Đến khi Đỗ Tử Vân dáo dác nhìn quanh, thì mới phát hiện Lâm Tri đã chạy ra sân sau cửa hàng, ngồi xổm xuống trước mặt ông chủ tiệm. Người đàn ông mặc áo ba lỗ đang ngồi trên ghế bào gỗ.
Làn da màu mật lộ ra ngoài của anh sáng lấp lánh dưới nắng, đôi tay và gương mặt anh đều dính kha khá vụn gỗ, thoạt trông hơi nhem nhuốc, nhưng lại rất phóng khoáng thoải mái. Bản thân người đàn ông thì không thấy sao cả, anh kéo áo lên tính lau mặt, nhưng lại bị người ngồi xổm đằng trước ngăn lại.
Cậu cầm một tờ khăn giấy sạch sẽ, tỉ mẩn lau những mảnh gỗ vụn trên mặt và tay anh đi, cực kỳ nghiêm túc, như thể đang cẩn thận lau chùi một món đồ thủy tinh quý giá nào đó. Lau xong, cái tay kia lại lấy một tờ khăn giấy nữa lau từng ngón tay mình, rồi mới cầm thìa, múc một thìa thạch lạnh lẫn với quả khô và đá bào, đưa thẳng tới gần miệng người đàn ông. Nắng ngoài kia hắt vào sân, hơi lóa mắt. Đỗ Tử Vân không nhìn được biểu cảm của Lâm Tri đang quay lưng về phía mình, nhưng lại thấy rõ vẻ mặt yêu chiều dịu dàng tới độ không phù hợp với vẻ ngoài của chính mình của ông chủ Nhiếp. Cô nàng thấy ông chủ Nhiếp ăn miếng thạch lạnh, nói bằng khẩu hình là, ngọt ghê. Đỗ Tử Vân quay đầu lại, trộn suy nghĩ ngu ngốc ban nãy của mình với đá bào, nuốt hết vào trong bụng. Cô nàng cảm thấy mình chẳng có gì hay để truyền thụ, hôm nào mình nên đi xin kinh nghiệm của Lâm Tri thì hơn —— Học tập xem, phải làm sao mới khiến một người đàn ông trung trinh với mình như thế. * Sau khi lấy đủ tư liệu vẽ, bức tranh tường của Lâm Tri được hoàn thiện rất mau. Ba mặt tường đều là không gian trổ tài của cậu.
Một mặt trong đó để trống, cậu chỉ phác lên hai mặt kia.
Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, cậu đã phác ra một bức họa đặc biệt. Nói là một bức cũng được, mà bảo là mấy chục bức thì cũng chẳng sai.
Vì Lâm Tri chỉ vẽ một thứ, đó chính là giày.
Nhưng lại là gần trăm đôi giày khác nhau. Có giày da, có cao gót, có giày thắt dây kiểu La Mã, có bốt cao bồi… Chỉ cần là loại giày từng xuất hiện trên thị trường, thì gần như đều có thể tìm thấy trên bức tường của tiệm sửa giày. Những đôi giày đó không mới tinh, có đôi bị vệt sơn sậm ở mũi giày, có đôi đã thay lưỡi bằng mảnh vải khác, có đôi bên trái khâu nhiều hơn bên phải, có đôi lại có vết đóng đinh ở gót. Chúng được họa sĩ treo lên bức tường trắng muốt bằng bút pháp vừa tả thực lại vừa trừu tượng. Nâu sậm, vàng đất, lam nhạt, đỏ son, trắng muốt, xanh đất, từng màu sắc khác nhau điểm xuyết lên mặt ngoài và đế của những đôi giày.
Thoạt trông, chúng như một đống giày rẻ tiền thô kệch bày trên giá.
Nhưng nhìn kỹ lại, là có thể phát hiện chúng là đồ vật giả được vẽ lại, tràn ngập những chi tiết chân thật bình dân.
“Sao em lại nghĩ đến việc vẽ những thứ này?” Chờ Lâm Tri hoàn thành cơ bản công việc, Nhiếp Chấn Hoành mới mặc kệ nỗi niềm xúc động và ngứa ngáy trong lòng, hỏi bé con. Lúc đó là gần rạng sáng, cửa sập của tiệm giày đã được kéo lại.
Bóng đèn dây tóc soi cửa hàng sáng ngời.
Dưới ánh đèn, ngoài bốn bức tường, thì chỉ có mình họ. Bóng hai người tựa vào nhau, hắt lên bức tường vẽ những đôi giày. Nhiếp Chấn Hoành đứng đằng sau Lâm Tri, ôm eo cậu, đặt cằm lên hõm vai cậu, cất giọng khàn khàn hỏi cậu họa sĩ của anh. “Bởi vì…” Lâm Tri cầm cọ vẽ, chẳng cần suy nghĩ mà đáp cực kỳ tự nhiên. “Bởi vì, đây là thế giới của anh Hoành ạ.” Anh Hoành của cậu, ngày nào cũng vùi đầu sửa giày vất vả biết bao. Tay anh Hoành luôn đen đúa, móng tay thì nứt, chân lại yếu xìu, tiền cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.
Nhưng anh vẫn nghiêm túc làm một chuyện, giúp được rất nhiều người. Những tấm ảnh mà cậu chụp được, đều khách của anh Hoành. Tuy họ không nhớ anh Hoành, nhưng họ vẫn nhớ đôi giày anh sửa đi êm chân thế nào, nhớ đôi tay anh điêu luyện ra sao, nhớ giá anh làm phải chăng đến mấy, nhớ tiệm sửa giày của anh Hoành luôn ở đó, chỉ cần bao giờ họ cần, thì đều có thể tới đây. Anh Hoành của cậu, là một cây đại thụ rất rất tuyệt vời. Những người từng đi qua tán cây của anh, đều có thể cất những bước vô cùng vững chãi, cực kỳ thoải mái. Cậu cũng vậy. Chẳng qua cậu khác những người đó. Cậu dừng chân lại, không nỡ đi tiếp. “Thế giới của anh…” Nhiếp Chấn Hoành liếc qua từng đôi giày trên bức tường.
Thật ra anh chẳng có ấn tượng gì với phần lớn số này.
Mấy năm gần đây tiếp xúc với nhiều giày dép quá, nói thật anh nhìn đôi nào cũng thấy giông giống nhau. Đâu cũng chỉ là tu bổ, sơn sửa, khâu vá, đóng đinh. Nhưng anh lại rất xúc động trước tấm lòng ẩn sau từng nét vẽ của những đôi giày ấy. Nhiếp Chấn Hoành thở hắt ra, nghiêng đầu vùi đôi mắt đang nóng lên của mình vào hõm cổ ấm áp của cậu họa sĩ. “Thế giới của anh, có em là đủ rồi.” Lâm Tri thấy hơi nhột, nhưng cậu không tránh ra. Cậu vẫn đứng thẳng tắp, để người đàn ông đằng sau dồn sức nặng lên người mình.
Chẳng qua, cậu lại đưa mắt tới đôi giày cuối cùng mà mình vẽ ở góc tường. Đó là một đôi giày da màu nâu sậm, làm bằng da nhân tạo chất lượng kém. Cả hai bên giày đều không được vẽ đế, có điều nhìn từ hướng chính diện thì bị che mất, nên không thấy rõ lắm mà thôi.
Chỉ Lâm Tri mới biết suy nghĩ riêng trong lòng mình. Cậu xoay người, duỗi tay ôm Nhiếp Chấn Hoành đang tựa lên người cậu, chậm rãi đáp. “Dạ, có em rồi.”.